Đám cưới


Mình mới gọi điện thoại về nhà. Bên đó vừa bắt máy thì mình đã nghe nhiều tiếng nói tiếng cười trong nhà. Chị Mai là người nhấc máy lên.


- Ai trong nhà mà nghe nhiều tiếng nói vậy chị?


- À, bên này lễ đám cưới mới xong, ba mẹ mời một số bà con bạn bè về nhà để chơi trước khi ra nhà hàng.


- Lễ diễn ra có tốt không?


- Tốt lắm, khách đi tham dự đông, ca đoàn hát hay, ai cũng bảo lễ rất sốt sáng. Khi dâng hoa cho Đức Mẹ có hát bài Ave Maria rất hay.


- Vậy là tốt rồi.


- Sáng nay, Mai có đọc cho Trâm và Triều nghe lời chúc mừng mà em gởi qua email.


Nói chuyện với chị Mai xong, mình lần lượt nói chuyện với bố mẹ. Cả hai đều đang có tinh thần rất phấn khởi. Chắc chắn niềm vui của con cái trong ngày đám cưới cũng là niềm vui của bố mẹ. Bình thường bố mẹ cũng rất yếu. Chỉ sau đám cưới vài ngày là bố phải đi giải phẩu một cái bướu ở trên vai. Thế mà trong giọng nói của bố mẹ hôm nay thì khó ai nhận ra là bố mẹ đang yếu. Thấy vậy mình cũng an tâm hơn.


Đây là lời chúc mừng tâm tình mà mình đã gởi đến hai anh chị Triều và Trâm:


Anh Triều và chị Trâm thương mến,


Trong ngày vui của hai anh chị mà em không hiện diện được là một điều làm em rất buồn và lấy làm nuối tiếc. Nhưng vì luật lệ của dòng không cho phép em về thì em đành phải chấp nhận vì lời khấn vâng lời. Em tin chắc anh chị cũng hiểu được và thông cảm cho em trong việc này.


Trong tuần qua, em đã dâng lễ để cầu nguyện đặc biệt cho hai anh chị trong những ngày hai anh chị chuẩn bị tinh thần để bước vào nhà thờ để chính thức trở nên vợ chồng trước mặt Thiên Chúa, gia đình, và cộng đồng. Em cầu xin Chúa sẽ luôn chúc phúc cho hai anh chị, và hướng dẫn anh chi trong đời sống và ơn gọi hôn nhân để hai anh chị thi hành tốt trọng trách của mình hầu làm sáng danh Chúa với mọi người xung quanh.


Với tinh thần đạo đức và tâm linh cao mà hai anh chị luôn thể hiện, em tin chắc hai anh chị sẽ không bao giờ quên lấy Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống vợ chồng và gia đình.


Cuối cùng, em chúc hai anh chị cũng như toàn thể gia đình hai bên có một ngày thật vui tươi, hạnh phúc, và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Xin Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, là Đấng ban phát hồng ân, và là Đấng che chở mọi người chúc lành cho gia đình chúng ta trong dịp vui hôm nay.


Epping, NSW ngày 31.12.2006

Dịp vui bỏ qua


Thứ bảy này, nhà mình có đám cưới bên California. Hôm qua, mình gọi về để hỏi thăm tình hình chuẩn bị như thế nào. Mẹ mình bảo:


- Bà con bạn bè ai cũng nghĩ rằng đám cưới Trâm sẽ có mặt con, nhưng không ngờ trong nhà có dịp vui mà con không về được.


- Dạ, không được về để chung vui với gia đình con cũng buồn lắm, nhưng luật nhà dòng thì con cũng phải chịu thôi.


- Ngày hôm qua, Trình (anh mình) chở mẹ đi làm móng tay, nó nói tháng tư này lễ cưới nó không biết con có về được không. Nó có vẻ mong con về lắm.


- Bây giờ thì con chưa biết nữa. Đợi con qua Thái Lan đã, rồi xin phép bề trên xem có được không. Trên nguyên tắc thì ba năm con mới được về thăm gia đình một lần, tới tháng tư thì chưa đầy một năm nữa.


- Mẹ cũng biết vậy. Mình xin thì xin vậy thôi, chứ cũng lệ thuộc vào nhà dòng. Mình đã chọn con đường này rồi thì phải chấp nhận.
- Lúc nãy con có email cho ba lời chúc mừng mà con gởi đến hai anh chị, mẹ nói với ba nhớ in ra để đọc vào ngày mai nhé.


- Được rồi lát nữa mẹ sẽ nhắc ba.

Mình không về được thì tiếc lắm, nhưng trong mình cũng phân vân: không biết nếu mình là người chủ tế thánh lễ đám cưới của chị mình thì sẽ như thế nào? Chắc là cũng mắc cở lắm. Ai cũng nói bụt chùa nhà không thiêng. Có lẽ ngày lễ cưới, đứng trước gia đình, bà con, bạn bè mà giảng thì quá là khó khăn. E ngại tí xíu vậy chứ mình không bao giờ muốn bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để vui với gia đình, đặc biệt là trong dịp vui như là đám cưới. Nhưng phải bỏ qua lần này cũng đành chịu vậy.


Epping, NSW ngày 30.12.2006

Anh Thể


Tối hôm qua mình nói chuyện trên điện thoại với anh Thể, người mà mình mới được làm quen gần đây qua các anh em trong dòng. MÌnh rất thích anh Thể. Anh và vợ rất chăm làm việc và năng động trong vấn đề mưu sinh. Hai vợ chồng mở nào là cửa hàng bán tạp hoá, nào là cửa hàng bán tạp chí, nào là cửa hàng bán đồ trồng trọt....thế mà họ cũng rất chịu chơi. Cách đây hai tuần, cả hai người cũng đã đi Melbourne để tham dự lễ chịu chức của các cha trong dòng. Lễ xong hai anh em dẫn nhau đi chơi phố, mặc dầu anh thì không rành đường, còn mình thì mù đường. Đi đến lúc nào không biết hướng nữa thì hai anh em kéo cửa sổ xuống, ló đầu ra xe hỏi những người cùng đi trên đường. Hơi vòng vo một chút, nhưng cuối cùng nơi muốn đến cũng đã đến, và chỗ muốn về cũng đã về.

Anh Thể làm ăn cần cù, nhưng tính tình lại phóng khoáng. Anh nói: - Mình làm được thì mình cũng phải biết chơi.

Nói chuyện với anh tối hôm qua, anh bảo: - Sáng mai cha lên tiệm con chơi đi. Con đến đón cha rồi tối con đưa cha về.

Mình cũng không bận rộn việc gi nên đồng ý ngay. Sáng nay hai anh em đi ăn phở An ở phố người Việt tại Bankstown. Giờ mình đang ngồi ở cửa hàng tạp chí trong khi anh Thể lo các công việc của mình. Bước ra cửa, anh quay người lại bảo mình: - Từ đây gọi anh với em thay vì cha con cho thân mật nhé.

Việc gì chứ cách xưng hô thân thiện thì mình chẳng bao giờ từ chối. Trong đời sống tu trì và truyền giáo, mình gặp được rất nhiều người. Nhưng quả thực mỗi người đều rất khác nhau, khác nhau không chỉ vì ngoại hình hay tính tình, mà còn khác nhau bởi hoàn cảnh sống của họ. Hai người vui tính không hẳn là vui như nhau, mà hai người trầm tính cũng không trầm như nhau. Vì thế mỗi con người thực sự là một mầu nhiệm mà nếu mình sẵn sàng bỏ chút thời giờ để khám phá thì sẽ thấy người đó rất thú vị và đặc biệt. Mình hy vọng rằng mình sẽ luôn xem việc đến với người khác như một cơ hội và ân sủng thay vì coi đó như là trách nhiệm hay gánh nặng.

Green Acre, NSW ngày 29.12.2006

Nhà nguyện sau lễ Giáng Sinh


Sáng nay đến phiên mình dâng lễ nên mình phải thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị trong nhà nguyện. Thức sớm cũng hơi khó khăn vì mình chưa lấy lại sức sau những ngày mừng Noel. Nhưng đến giờ làm lễ thì cũng phải tỉnh táo, chứ không thể cử hành thánh lễ một cách loàng xoàng được.


Nhà nguyện dòng luôn có một số giáo dân từ bên ngoài đến tham dự thánh lễ hằng ngày, đa số là người già. Những ngày trước lễ Giáng Sinh, mình phát hiện số người đi tham dự thánh lễ gia tăng đáng kể. Nhưng sáng nay số người lại xuống rõ rệt, còn thấp hơn bình thường. Mình tự vấn phải chăng người ta chỉ cố gắng sống tốt cho đến ngày lễ Noel. Sau đó thì họ trở lại với lối sống cũ, không mấy quan tâm đến vấn đề lễ lạt nữa. Như vậy thì không biết việc Chúa đến có thực sự ảnh hưởng gì đến đời sống của mỗi người không?


Trong số người giáo dân thường xuyên tham dự lễ trong nhà nguyện, mình nhận thấy có một người đàn ông làm mình hơi tò mò. Mỗi sáng, ông vào giờ lễ trể vài phút, trong tay luôn có cái cặp táp đựng những thứ liên quan đến công việc mà ông sẽ phải đi làm ngay sau thánh lễ. Mặc dầu ông ngồi sau cùng, nhưng ông ta luôn là một trong những người đầu tiên đi rước lễ, và sau đó rời nhà nguyện ngay để kịp giờ đi làm.


Ngày nào như ngày ấy, ông ta đến trể về sớm, nhưng dường như không có lễ sáng nào vắng mặt ông. Sáng nay ngồi từ trên nhìn xuống, mình thấy trong khi sách Thánh đang được đọc thì ông lại lật qua những tài liệu liên quan đến công việc để chuẩn bị cho ngày làm. Nhận xét cách khách quan thì kinh nghiệm tham dự lễ như ông rất dang dỡ và thiếu sót. Nhưng có lẽ chính những giây phút ngắn ngủi mà ông đến với Chúa hằng ngày giúp ông có một ngày làm việc tốt đẹp hơn. Mình rất muốn chào hỏi ông, nhưng không bao giờ có được cơ hội chính vì ông luôn đến trể rời sớm. Mình không bao giờ trách ông vì điều này. Ngược lại, mình hâm mộ lòng sùng đạo của ông, vì ông cố gắng dành cho Chúa một vài giây phút để bắt đầu mỗi ngày làm việc. Biết bao nhiêu người có nhiều giờ hơn ông rất nhiều nhưng chẳng màng gì đến việc lễ với lạt. Phải chăng phải đợi gần tới lễ Phục Sinh hay Noel năm sau mới có nhiều người trở lại đi lễ như những ngày qua?


Epping, NSW ngày 27.12.2006

Hết tiệc


Bây giờ đã hơn 11h khuya. Mình mới vừa về nhà sau một ngày được mời đến chơi ở các gia đình người Việt mà mấy cha trong dòng quen biết. Ngày hôm qua cũng thế, mãi đến 3h sáng mình mới về tới nhà. Ở nhà chị Huệ, từ chiều cho đến khuya, có lẽ riêng phần mình chiếm hết hơn 10 bài karaoke. Chủ nhà cứ mời mình uống rượu và bia. Mình không thích uống nhiều nhưng rất khó từ chối. Đến 2h sáng, sau ba bốn lần xin phép chủ nhà cho về mình và các cha mới bước ra khỏi cửa được.


Sáng nay thức dậy, mình phải uống hai viên vitamin C, hơn một lít nước, một ly trà đen, ăn một trái hồng, một trái cà chua, và một trái chuối để khắc phục những tác dụng gây nên bởi quá nhiều bia. Mình rất muốn chỉ ở nhà hôm nay, nhưng vì đã lỡ nhận lời mời từ các gia đình nên mình phải lên xe đi cùng với các cha với một chút miễn cưỡng.


Leo lên xe về lại nhà dòng từ thành phố Bankstown khi đã gần 10h tối, mình nói đùa với mấy anh: - Thế là kết thúc những ngày "ăn chơi trác táng" để mừng Noel.


Bước vào phòng riêng, mình cảm thấy người nhẹ nhỏm hơn. Sau mấy ngày liên tục với quá nhiều sinh hoạt, mình đang thèm khát những giây phút yên tĩnh và lắng đọng. Không còn phải cụng ly để 'dzô'; không phải trả lời những câu hỏi: "Lúc nào cha đi Thái Lan"; không còn phải từ chối lời mời ăn thêm với những câu như: "Bác ơi, con no quá rồi, con không thể nhét cái gì vào bụng được nữa". Giáo dân thật nhiệt tình và yêu thương các cha. Nhưng quý các cha quá thì lại làm khổ cái vòng eo của các cha luôn.


Đây là Noel đầu tiên trong đời sống linh mục của mình. Làm ông cha đi đâu cũng có vẻ oai hơn một chút. Giáo dân tỏ ra nồng nhiệt và tôn trọng mình hơn. Nhưng điều này cũng chỉ xảy ra sau khi những người gặp mình lần đầu tiên được cho biết rằng mình là một ông cha. Dường như điều đầu tiên mà ai cũng thốt ra sau đó là: "Cha sao mà trẻ quá. Con nhìn cứ tưởng anh nào."


Mình đã quen nghe câu nói này rồi. Mà lạ thật, bấy lâu nay lúc nào mình cũng nghĩ rằng mình già trước tuổi. Khi mình 15 thì nhìn giống 18. Khi 18 thi nhìn giống 20... Mà sao bây giờ mình 31 mà ai cũng cứ bảo là trẻ. Mình thì lại không thấy mình trẻ. Mình ao ước được trở lại cái tuổi 20, và nhiều khi mình thầm ghen những bạn trẻ đang trong lứa tuổi đó. Dù sao đi nữa thì những câu "khen" này cũng chỉ được một thời gian nữa thôi. Sau này, mình sẽ ít nghe dần. Và rồi sẽ không còn ai nói câu này về mình nữa. Mình phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận thực tại mà mình không thể tránh né được: mình sẽ già đi theo năm tháng. Không ai có thể níu kéo cái trẻ hoài được. Ai cũng nuối tiếc bỏ lại sự trẻ trung sau lưng, nhưng hy vọng rằng cái già cũng có những điều thú vị bất ngờ mà mình chưa hình dung ra hết.


Epping, NSW ngày 26.12.2006

Noel xum vầy


Tối hôm qua, mình đi dâng lễ Vọng Giáng Sinh tại một giáo xứ Úc rồi sau đó được mời đến một gia đình người Việt để mừng Noel. Gia đình gồm có hai ông bà với 9 người con, bảy gái hai trai, thêm vào đó là các dâu rể, một loạt cháu chắt và các cô gái cậu trai đang chuẩn bị thực tập để gia nhập dòng họ. Người con trai út mới từ Anh về xung phong ra tay làm đầu bếp để đãi cả nhà buổi tiệc Noel. Anh mang theo pate từ Pháp để ăn với bánh mì, rồi làm các món tây khác như thịt bò nướng lò, pasta với cá trout. Trong nhà tiếng nói tiếng cười Việt-Anh lẫn lộn vang lên chẳng khác gì cái chợ.

Tôi bảo chị Yên, người con thứ năm trong nhà:

- Ồn ào như thế này không biết hàng xóm có khó chịu với mình không nhỉ?

- Trời, cậu biết không. Hàng xóm, họ mà không nghe tiếng ồn phát ra từ nhà này họ mới đặt vấn đề. Còn như vậy là bình thường.

- Thế à, vậy thì hàng xóm này họ cũng vui tính rồi.

- Năm ngoái khi vợ thằng út bên Anh sinh con, mẹ chị qua đó 3 tuần giúp tụi nó. Mấy ngày nhà hàng xóm không nghe tiếng của mẹ chị (mẹ chị cũng nói to lắm), họ ghé qua hỏi thăm xem mẹ chị có bị bệnh gì không mà sao họ không nghe tiếng nói.


Anh Thắng người còn rể nói thêm:

- Đối với hai ông bà, niềm hạnh phúc cao nhất là thấy được cảnh con cháu quay quần bên nhau như thế này thôi.


Noel là vậy đó, thời gian cho gia đình xum vầy bên nhau để chia sẻ với nhau những món ăn, những tiếng nói tiếng cười, những câu chuyện hài hước. Nó là những điều vô cùng tầm thường nhưng thực ra rất thiêng liêng và hiếm hoi đối với nhiều gia đình trong xã hội ngày nay.

Noel không chỉ là dịp để mọi người nối lại mối quan hệ với Chúa, nhưng còn với những người xung quanh nữa. Chúa đến với mọi người, làm cho mọi người cùng đến với nhau. Đó là mầu nhiệm và tác dụng của ngày lễ như thế này. Đáng quý trọng và nuối tiếc biết bao khi mình biết chỉ vài ngày sau, khi mọi người trở lại với công việc, khi cây Noel được dẹp đi, những giấy gói quà được quăng vào thùng rác, thì những tiếng cười giòn giả và tiếng nói oang oảng đó sẽ không thể duy trì cho đa số các gia đình....Nhưng có lẽ ngoại trừ gia đình đông con đông cháu mà tôi đến chung vui Noel tối hôm qua.

Epping, NSW ngày 25.12.2006

Niềm vui đi tìm bạn (Suy niệm 1Sm 1,24-28; Lk 1:46-56)


Tục ngữ tiếng anh có câu: "Nỗi bất hạnh thích có bạn" (Misery loves company). Đó là vì những người bất hạnh thường thấy được an ủi hơn khi họ nhận ra rằng những người khác cũng đau buồn chẳng khác gì mình. Thời còn học đại học, có những lần tôi trở nên buồn rầu vì làm bài thi không tốt. Lúc đó thường có những đứa bạn an ủi tôi bằng cách nói với tôi rằng chúng nó làm cũng chẳng ra gì. Thế là chúng tôi bổng nhiên cảm thấy thấy đỡ buồn hơn.

Phải chăng ngày nay có quá nhiều người cảm thấy rất buồn bả? Nếu chúng ta bỏ ra ít giờ để theo dõi thời sự hay trao đổi với những người thường xuyên đọc báo chí thì có lẽ không ai tránh được sự bất hạnh. Các đề tài nói chuyện hiện nay dường như xoay quanh các vấn đề chiến tranh, chết chóc và tang thương, hay là tham nhũng, bão tố, hạn hán.... Người ta ngồi lại với nhau dường như chỉ biết chia sẻ về những gì làm cho họ cảm thấy xuống tinh thần. Nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì để khắc phục những vấn đề mà họ than phiền. Phải chăng người ta cảm thấy hạnh phúc với nỗi bất hạnh của mình?!?

Cũng may là trên đời không phải ai cũng sống với thái độ này. Trong ngày thứ sáu của tuần thứ ba mùa vọng, chúng ta nghe được những bài đọc về những người phụ nữ đã thực sự cảm nhận được niềm vui trong đời sống của mình. Thứ nhất là bà Hannah, với lòng tạ ơn, bà đã mang Samuel đến đền thờ để dâng cho Chúa vì Chúa đã cho bà một người con trai mà bà đã từng mong ước. Thứ hai là bà Elizabeth, bà cũng cảm nhận được niềm vui vì trong lòng bà đã thụ thai một người con sau nhiều năm hiếm hoi. Và cuối cùng là Maria. Maria đã cảm nhận được hồng ân của Chúa một cách quá sâu xa làm cho bà phải thốt lên: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi".

Trong ba người phụ nữ không có ai giữ kín niềm vui của mình. Bà Hannah đã tìm đến tiên tri Eli ở đền thờ. Còn bà Elizabeth và Maria lại tìm đến nhau để chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc của mình. Chắc chắn, không chỉ nỗi bất hạnh mới thích có bạn; niềm hạnh phúc cũng thế.

Vậy thì tại sao chúng ta không thấy mình tìm đến những người tỏ ra vui vẻ, hay chính mình không trở nên những người bạn vui vẻ đối với người khác? Có lẽ điều cốt yếu nằm ở nhận xét của thần học gia người Thụy sĩ Karl Barth: "Niềm vui là hình thức biết ơn đơn sơ nhất".

Trong ba bà Hannah, Elizabeth, và Maria, chúng ta thấy họ đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những gì Thiên Chúa đã làm cho họ bằng cách cảm nhận được niềm vui và chia sẻ niềm vui đó với những người xung quanh. Nếu bản thân chúng ta không cảm thấy mình có niềm vui trong tâm hồn hay không biểu lộ niềm vui với người khác, thì e rằng chúng ta phải thử hỏi mình đã cảm nhận được và có lòng biết ơn đối với những hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta hay chưa?

Việc chúng ta nhận ra và chia sẻ niềm vui của mình với người khác không có nghĩa là chúng ta không thừa nhận những đau khổ luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Chắc hẳn các người phụ nữ trên đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính Maria cũng hiểu được rằng, việc bà đồng ý mang Đấng Cứu Thế trong lòng bà sẽ mang lại cho mình những hệ quả nguy hiểm. Nhưng điều này đã không ngăn cản Maria vui mừng và hỷ hoan trong Chúa.

Nhà văn người Lebanon Kaklil Gibran viết rằng: "Niềm vui và nỗi buồn không thể tách rời được...Cả hai đều đến một lúc và khi một trong hai đang ngồi bên cạnh bạn...thì bạn hãy nhớ là nhân vật kia đang nằm ngủ trên giường bạn".

Còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ mừng kỷ niệm biến cố Ngôi Hai giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng và hỷ hoan. Chúng ta hãy chia sẻ niềm vui này với những người xung quanh để cho niềm vui của chúng ta được kết bạn với niềm vui của người khác. Và trên hết, chúng ta hãy cảm nhận hồng ân của Thiên Chúa và biết ơn Ngài vì món quà Con Một Ngài mà Ngài đã trao tặng chúng ta, vì đây chính là nguồn gốc của tất cả niềm vui và niềm hy vọng mà chúng ta có được.


Epping, NSW ngày 19.12.2006

Noel xa nhà


Tối nay mình và cha Q. trang trí hai cây Noel trước và trong nhà ăn của cộng đoàn. Cha Q. vừa giăng giây điện trên nhành thông vừa nói:


- Tại sao mình không mở nhạc Noel tiếng Việt ra nghe cho có cảm giác ta?


- Trời, nhạc Noel thì em chẳng thiếu gì, mà giờ nó nằm trong phòng bên nhà kia em làm biếng đi lấy.


Thế là mình phải chấp nhận nghe tiếng nhạc nhạt nhẻo phát ra từ giây điện cứ lập đi lập lại mấy bài Noel quen thuộc.


Mình vẫn còn nhớ không biết năm nào nữa, khi còn mừng Noel ở nhà, mình và chị kế được giao trách nhiệm đi mua cây thông đem về làm cây Noel. Hai chị em đứng ở chỗ bán cây hơn 3 giờ đồng hồ mới chọn được một cây vừa ý. Cả hai đều rất lo lắng khi về nhà bố mẹ hay các anh chị sẽ chê là cây không đẹp.


Cái gì chứ cây Noel thì cả nhà mình ai cũng quan tâm. Nó phải vừa đủ cao, phải cân đối, phải đứng thẳng không bị xiêng vẹo, nhành đừng có dày quá mà đừng có mỏng quá, lá không được khô quá... Hàng loạt tiêu chuẩn như vậy mà giao cho hai đứa nhỏ đi mua thì quả là một trách nhiệm nặng nề. Mình và chị bỏ ra nhiều giờ đến thế mới mua được cây thông, thế mà về tới nhà vẫn có người thấy không vừa ý.


Đã lâu lắm rồi mình không chứng kiến được cây Noel ở nhà như thế nào. Bao nhiêu năm qua, mình chỉ mừng Noel với anh em trong dòng hay là những bạn bè nơi mình đang ở. Năm này cũng không có gì ngoại lệ. Noel xa nhà, Tết xa nhà, đám cưới xa nhà... cảm giác này không còn lạ lẫm đối với mình nữa. Tuy nhiên, trong những ngày lễ mà lẽ ra mình phải quay quần bên những người thân thương nhất của mình, mà mình không làm được điều đó thì cũng không tránh được một vài giây phút chạnh lòng. Đó cũng là một thực tại mà một nhà truyền giáo phải đành lòng chấp nhận.


Epping, NSW ngày 18.12.2006

Đam mê


Đã ba ngày từ khi mình nhận được chiếc máy vi tính sách tay. Có thể nói ba ngày qua mình chỉ biết nghĩ về nó, nào là phải gắn vào những phần mềm mà mình thường sử dụng, như unikey để gõ tiếng Việt, Yahoo Messenger để chat với bạn bè, winamp để nghe nhạc và xem video trực tuyến... Gắn phần mềm vào thì mình lại muốn dùng nó xem như thế nào.


Thế là suốt tối hôm qua mình không đi ngủ, nhưng mãi nghịch với cái máy này. Hôm nay người thấy mệt hẳn vì ngủ trể và không đủ giờ. May ra chiều nay mình còn có chí để đi tập thể hình và chạy bộ, nên trong người có phần dễ chịu hơn.


Tập thể dục xong, mình quyết định gọi điện thoại đến anh Th. và chị H. để xin phép ngày mai đến nhà anh chị chơi. Cuối tuần này mình không phải đi đâu hay làm gì, nên sợ rằng nếu ngồi không thì lại cứ lãng phí thời giờ trên vi tính và mạng. Như thế thì chẳng mang lại điều gì bổ ích.


Một dụng cụ như máy vi tính rất cần thiết cho đời sống con người hiện đại, và hệ thống internet cũng là một phát minh cực kỳ bổ ích. Tuy nhiên, phát minh nào cũng có mặt trái mặt phải. Mình thấy rằng mình rất dễ bị những thứ này thu hút làm mình phung phí nhiều thời giờ một cách vô bổ. Bất kể cái gì, cho dù nó hay đến bao nhiêu, nếu nó chiếm quá nhiều thời giờ của mình thì e rằng mình phải đặt vấn đề xem nó có ảnh hưởng đến sự quân bình trong đời sống hay không. Mình thấy trong ba ngày qua mình đã phần nào mất đi sự thăng bằng.


Epping, NSW ngày 16.12.2006

Trong tòa giải tội


Tối hôm qua, mình đến giáo xứ tại Macquarie Fields để giúp giáo dân ở đây xưng tội. Đây là lần đầu tiên mình tham gia vào chương trình hòa giải cho nhiều người. Vì mùa vọng cho nên có nhiều giáo dân đến nhận bí tích hòa giải. Số linh mục chúng tôi có cả thảy là năm cha.

Khi đang cử hành bí tích giải tội, vì không ngồi trong tòa có màn che nên mình có thể nhìn thấy số người đang xếp hàng chờ mình. Tuy nhiên, mình cố ý đừng để cho điều nay làm mình chia trí. Mình sợ rằng nếu thấy quá nhiều người đang xếp hàng sẽ làm mình trở nên nóng ruột, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời giờ mình bỏ ra cho từng người.

Trước giờ giải tội, có một giáo dân đã nói với tôi:

- Có một thời gian cả chục năm tôi không đi xưng tội, bởi vì có lần tôi gặp ông cha kia, tôi mới vừa vào tòa nói chưa tới hai điều, thì ông thúc tôi mau mau lên, vì đã đến giờ uống trà ban chiều của ông rồi. Lúc đó tôi vừa giận vừa cảm thấy bị nhục, nên sau đó tôi chẳng bao giờ muốn đi xưng tội nữa.

Mình không bao giờ muốn trở nên đối tượng được đề cập tới trong các câu chuyện đau thương như vậy cho người giáo dân, vì thế mình đang cố gắng để không lập lại những sai lầm của các vị linh mục khác.

Trong giờ hòa giải tối hôm qua, mình đã không phải đối phó với các điều quá phức tạp. Có lẽ đó cũng là điều tốt vì nếu như có người có những vấn đề quá rắc rối mà chỉ được vài phút trong tòa giải tội thì quả thực là không thỏa đáng. Tuy nhiên, trong khi cử hành bí tích hòa giải thì mình đã cảm nhận được vị trí rất là đặc biệt mà mình đang có. Nếu như mình không phải là một ông cha, thì làm sao mà những con người này có thể đến với mình để chia sẻ những điều thầm kín như thế này? Vì thế, nếu mình vô tình bỏ lỡ những cơ hội quý giá trong tòa giải tội để giúp đỡ những người đã chân tình đến với mình để được hòa giải thì thực sự là một điều sai lầm. Và nếu mình không giúp được người ta, mà còn có những hành động hay lời nói gây ra tổn thương thì đó có lẽ là một tội rất lớn cho vị linh mục.

Epping, NSW ngày 15.12.2006



Sắm máy vi tính sách tay


Hôm nay, mình nhận được chiếc máy vi tính sách tay mà mình đã đặt từ hãng Dell. Đây là chiếc máy sách tay đầu tiên mà mình có từ trước đến nay. Mình đã xin phép bề trên để mua với giá hơn 2000 đô-la Úc (khoảng 1.600 USD). Đây là một số tiền khá lớn mà mình không có được, và cũng không được phép sài nếu không có sự đồng ý của bề trên. Trước khi mua, mình đã gặp cha bề trên để trình bày rằng mình cần một chiếc máy sách tay để học hành và làm việc khi sang Thái Lan. Mình cần có máy không phải hạng cao nhất nhưng cũng tương đối tốt và bền để có thể sử dụng lâu dài. Bề trên đã cho phép mình mua chiếc máy này, và dĩ nhiên là nhà dòng cũng phải sẵn sàng cung cấp số tiền đó, vì mình không làm gì để có tiền riêng.

Trong nhà dòng, mình cũng như các anh em khác mỗi tháng được trao một số tiền nhỏ để tiêu vặt, còn những nhu cầu khác như nơi ăn, nơi ngủ, phương tiện đi lại thì đã có nhà dòng cung cấp. Vì thế, mình không cần phải giữ nhiều tiền trong túi, và cũng không cần phải sài nhiều tiền. Tuy nhiên, khi có nhu cầu sử dụng một số tiền lớn như thế này thì việc xin phép bề trên là chuyện đương nhiên.

Khi mua máy, mình cũng đã phải đắn đo rất nhiều vì mình không muốn sử dụng tiền một cách bừa bải. Trong sách Phúc Âm có chuyện bà góa bỏ vào hòm cúng hết cả gia tài của mình là hai xu. Hội dòng ngày nay cũng nhận được lòng hảo tâm từ nhiều người như bà góa ấy. Họ dâng cúng cho nhà dòng mỗi lần không nhiều, nhưng có nhiều người như vậy và nhiều lần như vậy mới giúp hội dòng có một số tiền lớn để trang trải cho việc truyền giáo. Đa số các ân nhân của nhà dòng không phải là người giàu có, mà chỉ là những người bình thường, và có nhiều người trong hoàn cảnh nghèo. Nhưng tấm lòng của họ lại rất rộng lượng.

Các vị ân nhân này khi họ cúng tiền cho dòng tin tưởng rằng dòng sẽ sử dụng số tiền đó một cách xứng đáng. Nếu mình vô tình phung phí hay sử dụng tiền cho việc không thích đáng thì thật có lỗi với họ. Mình đã chứng kiến nhiều trường hợp mà mình cho rằng tiền không được sử dụng hợp lý, và chính bản thân mình cũng đã làm điều đó. Vì thế, mình phải tự nhắc nhở bản thân để cố gắng trung thành với ơn gọi khó nghèo mà mình đã tự nguyện khấn hứa khi bước vào đời sống tu trì.

Có thể nói chiếc máy sách tay này là món đồ nhiều tiền nhất mà mình đã mua sắm cho riêng mình từ trước đến nay. Đối với người khác thì mua một cái máy sách tay cũng bình thường, nhưng đối với mình nó là một 'sự kiện' vì mình chưa bao giờ sử dụng một số tiền lớn như thế để mua bất cứ một thứ gì. Mình hy vọng rằng mình sẽ sử dụng chiếc máy này để làm những việc tốt và xứng đáng với những gì mình đã được giao phó.

Epping, NSW ngày 14.12.2006

Mong đợi mưa hồng ân


Các thánh lễ chịu chức, tạ ơn, và các buổi tiệc ăn mừng kết thúc, hôm qua mình cùng hai cha trong dòng lái xe từ Box Hill trở về Epping, chuyến đi dài gần 900 cây số. Đi như thế mình mới chứng kiến rõ hơn tình trạng hạn hán mà Úc châu đang trải qua. Vì thiếu nước nên có nhiều cánh đồng khô cằn, toàn cảnh được dệt với một màu cỏ úa. Các ao nước mà người làm nông dùng để tưới cây đều có mức nước xuống trầm trọng. Thêm vào đó, có những đoạn đường mình đi qua bị phủ kín bởi màn khói do nạn cháy rừng đang diễn ra khắp bang Victoria. Hôm qua, trời lại trở lạnh bất thường, nhưng không có giọt mưa nào rơi xuống để giảm đi sự khắc nghiệt của cơn hạn hán kinh khủng đang trừng trị nước này.

Quan sát tình trạng khô khan, cằn cổi của vùng đất Úc làm mình bổng dưng liên tưởng đến ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo hội đang trải qua. Tối thứ hai, mình có đi theo cha NTT đến một cộng đoàn Công giáo Việt Nam để giúp họ tĩnh tâm. Trong giờ chia sẻ và thánh lễ mà mình vinh dự được chủ tế, cộng đoàn đã hát những bài thánh ca Mùa Vọng quen thuộc mấy chục năm nay, như "Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội..." rồi bài "Trời cao nghe chăng trần gian khấn van mưa nguồn ơn cứu chuộc. Đồng nương không sương nay đã héo hắt mong bước chân người lành."

Trên đường từ Box Hill về Epping, nhìn cảnh đồng ruộng khô cằn làm mình cảm nhận được sư khao khát hồng ân của Chúa như thế nào. Hoá ra, người Úc đang trải qua một Mùa Vọng không chi mang tính tượng trưng, nhưng rất thực tế. Mấy tháng qua, các nhà thờ Công giáo và Tin lành liên tục triển khai việc cầu nguyện trong giờ lễ để xin Chúa ban mưa cho người Úc có nước sinh hoạt.

Không ai thấu hiểu hệ quả của việc thiếu nước hơn những người nông dân và người làm nghề chăn nuôi. Và trong hoàn cảnh như hiện nay thì không ai đau khổ và lo sợ hơn chính họ.

Nếu người dân Úc lấy thực trạng này làm ẩn dụ cụ thể và thiết thực cho Mùa Vọng thì họ sẽ nhận ra rằng, nếu cánh đồng khô héo đang cần nước đến bao nhiêu, thì chính họ đang cần đến hồng ân của Chúa bấy nhiêu. Cánh đồng héo úa của Úc chính là sự khô cằn trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta.

Mình tin chắc mọi biến cố, cho dù tệ hại nhất, đều có thể được xem như một con dao bén. Nếu mình nắm lấy nó nơi cái lưởi thì nó sẽ làm mình bị đứt tay và chảy máu. Ngược lại, nếu mình biết cầm nơi cái cán, thì mình sẽ làm được rất nhiều việc với dụng cụ ấy.

Có những bài học xã hội, khoa học, và tâm linh đang ẩn nấp sau trận hạn hán ghê gớm này mà người Úc có thể rút ra để áp dụng cho tương lai. Tuy nhiên, mình tự vấn không biết người dân Úc sẽ nắm lấy con dao bén này ở đầu nào - bằng cái lưởi hay bằng cái cán?

Epping, NSW ngày 13.12.2006

Giây phút yên tĩnh


Tối hôm qua, sau hai ngày thật nhộn nhịp với các thánh lễ chịu chức và thánh lễ tạ ơn của các cha mới trong dòng, bên cạnh việc đón tiếp khách khứa từ xa đến, trò chuyện với các anh em…. mình cảm thấy rất cần có những giây phút yên tĩnh. Mình đã từ chối lời mời của cha Q. đưa một số khách ra sân bay rồi ghé qua nhà người quen để ăn tối. Mình ra ngoài thả bộ trên con đường dẫn từ cổng nhà dòng ra tới con đường lớn.

Sau hai ngày liền Melbourne lên quá 40 độ làm cho lễ chịu chức và lễ tạ ơn bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cái nóng kinh khủng thì tối hôm qua, nhiệt độ đã dịu xuống hẳn. Có những làn gió nhẹ kéo mây đen về và nghe nói đâu hôm nay sẽ có mưa nhỏ. Mình vừa bước đi vừa lắng nghe tiếng gió rầm rì qua nhành cây bạc hà, và tiếng ve sầu ngân vang cả một vùng trời, bổng nhiên mình cảm thấy thật thoải mái và nhẹ nhàng. Người ta nói tiếng ve nghe buồn, nhưng mình không thấy buồn. Sau hai ngày kinh lễ, bắt tay trò chuyện với vô số người, trong lúc này, chỉ hai âm thanh của gió và của ve là cái mình muốn nghe.

Con đường nhỏ từ nhà dòng ra tới con đường lớn đi ngang qua tu viện dòng Carmelô, là một dòng kín. Mình tò mò thử nhìn vào xem trong đó có gì. Nhưng quả thực đây là dòng kín vì cửa sổ nào màn cũng che kín không để cho người bên ngoài nhìn thấy được một cái gì bên trong. Mình thấy có một chút hơi khôi hài nhưng thú vị. Trên một con đường nhỏ có hai hội dòng được thành lập cùng với mục đích phục vụ Giáo hội và Nước trời, nhưng nhìn vào rất khác biệt nhau. Một bên thì sống và phục vụ kín đáo, âm thầm. Một bên thì truyền giáo và rất chủ trương hướng ngoại. Giáo hội là vậy đó, cũng muôn màu muôn sắc. Không cái gì phải rập khuôn. Có nhiều cách để sống đạo, và có nhiều cách để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.


Box Hill, vùng Melbourne, VIC ngày 11.12.2006

Đi Tìm Đấng Tình Yêu


Sáng hôm qua, mình ra phòng ăn thì gặp một người giáo dân đến tham dự thánh lễ chịu chức của ba anh em trong Hội dòng tại Melbourne. Sau một vài câu chào hỏi, bà ta vào chuyện:


- Cha nghĩ sao về giới trẻ ngày nay? Con thấy chúng chẳng còn quan tâm gì đến việc đạo đức nữa.


- Tại sao cô nói vậy?


- Con có một thằng con trai, nó đi xưng tội nhưng vì ông cha la lối nó sao đó nên nó bất mãn, nó chẳng muốn đi lễ lạt gì nữa.


- Con thấy trường hợp đó xảy ra cũng nhiều. Rất đáng tiếc. Vậy bây giờ nó ra sao?


- Cha biết không, bây giờ nó đi theo mấy ông thầy chùa. Nó đem nhang đem hương về nhà để tụng kinh. Nó không đi lễ, buổi tối nhà đọc kinh nó lên lầu ngồi mở nhạc ra nghe. Nó nói nó không còn tin vào đạo Công giáo nữa. Nó nói với con, đạo của mẹ thì mẹ giữ. Con muốn tự con đi tìm Đấng Tình Yêu.


- Vậy cô nói với nó ra sao?


- Con la nó. Con nói với nó là nó sai, nó đang bị mấy ông thầy chùa dụ dỗ và chiếu cố. Mấy ông tốt với nó chỉ vì muốn dụ nó bỏ đạo.


- Tại sao cô lại la nó khi nó nói rằng nó muốn đi tìm Đấng Tình Yêu?


- Tại vì nó không chịu tin vào Chúa.


- Vậy cô nghĩ rằng Đấng Tình Yêu là ai?


- Nhưng mà nó không chịu đi lễ, đọc kinh, hay tin vào Chúa Giêsu. Nó nói, "Con muốn đi tìm Đấng Tình Yêu'.


- Con hỏi cô, từ ngày nó có ý định đi tìm Đấng Tình Yêu, nó có thay đổi gì không?


- Con thấy nó rất hiền lành. Nó không đi chơi bậy bạ hay chửi tục. Nó tìm hiểu và đọc sách kinh rất nhiều.


- Vậy theo cô thì nếu một người trẻ khao khát đi tìm Đấng Tình Yêu thì có phải là điều xấu không?


- Nhưng mà nó không chịu theo Chúa.


- Nó muốn đi tìm Đấng Tình Yêu, nhưng cô la mắng nó, điều này đã có những tác động gì?


- Bây giờ nó dọn nhà ra ngoài ở rồi.


- Vậy là cô đã đẩy nó xa khỏi mình. Tại sao cô không muốn giúp nó trong hành trình tâm linh của nó?


- Tại vì con sợ nếu con đi theo nó thì con sẽ lạc đạo?


- Vậy cô có tin Đấng Tình Yêu là Thiên Chúa không? Nếu nó muốn đi tim Đấng Tình Yêu, thì sao cô không giúp nó? Biết đâu nó sẽ tìm ra được Đấng Tình Yêu, và đó chính là Chúa.


- Nhưng con sợ nó cứ đi theo đạo phật rồi nó không bao giờ trở về với Chúa.


- Hành trình tâm linh là một hành trình dài, nhiều khi nó đưa chúng ta qua nhiều con đường vòng vo. Nhưng nếu người ta có lòng thành, thì con tin rằng cuối con đường của họ, họ sẽ tìm được điều mà họ mong mỏi. Thay vì cô la mắng nó, làm cho nó mất đi sự thân thiết với cô, tại sao cô không giúp đỡ nó?


- Làm sao con có thể giúp đỡ nó?


- Có rất nhiều cách. Thứ nhất, bất kể ai mà có hoài bảo đi tìm Đấng Tình Yêu, thì đó không thể là một điều xấu. Ngược lại, đó là một điều đáng khen ngợi. Thứ hai, thay vì la rầy nó, cô phải củng cố ước nguyện của nó. Cô phải tán thành việc nó muốn hướng thiện, và đã có những hành động đạo đức. Cô phải chứng tỏ rằng cô nằm về phe nó, và muốn hỗ trợ cho sự tìm kiếm của nó. Thứ ba, cô không nên nói xấu về những ông thầy chùa vì cô không biết lý do tại sao họ đối sử tốt vơi con của cô. Cô càng nói xấu về họ trong khi không có bằng chứ, thì cô lại càng yếu lý. Thứ tư, sau khi cô chứng tỏ mình thuộc về phe nó, thì cô mới có thể khuyên răn nó hãy cởi mở tâm hồn để tìm hiểu về mọi khía cạnh của đời sống tôn giáo và tâm linh. Cô không thể cản nó tìm hiểu về Phật giáo, nhưng cô cũng khuyên nó hãy tìm hiểu sâu xa hơn về Kitô giáo để có những câu trả lời đối với những khắc khoải của nó. Như vậy cô sẽ trở nên trung gian giúp nó tìm hiểu về Kitô giáo.


Ngược lại, nếu cô có thái độ cố chấp, vu oan cho phật giáo, rầy la và áp đặc nó phải theo đạo Kitô giáo, thì cô sẻ đẩy nó xa hơn nữa. Đó là việc nó đã làm bằng cách dọn ra khỏi nhà. Như thế thì không thể nào cô có thể ảnh hưởng nó một cách tích cực. Vì nó nhìn vào cô như một người mà nó không thể tin cậy được.


- Con thấy con đã dùng quyền lực của một người mẹ mà rầy la nó hơi nhiều. Vì thế bây giờ nó không muốn ở trong nhà nữa. Con phản ứng như vậy vì con lo sợ quá.


- Vậy thì con nghĩ cô phải hành động một cách bình tĩnh và tâm lý hơn. Nếu không thì biết đâu, cô chỉ sẽ không những làm mất đi một người Kitô giáo mà còn đánh mất một người con.


Cuộc trao đổi với người giáo dân này đã làm mình suy nghĩ rất nhiều. Mình tự vấn, không biết giữa một người Công giáo sống thờ ơ nguội lạnh, với một người Phật giáo đạo đức và hiền lành, thì người nào đáng tôn trọng hơn? Đối với một người trẻ đang mang khắc khoải đi tìm Đấng Tình Yêu, mình tin rằng, nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì không lẽ Chúa sẽ không soi sáng cho người bạn trẻ đó để tìm ra Ngài trong cuộc hành trình tâm linh của mình? Sông có khúc, người có lúc. Có người tìm được Đấng Tình Yêu khi còn trẻ, có người phải đợi tới lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới đạt được mục đích của mình. Nhưng bản thân mình không buồn, ngược lại rất lạc quan và vui mừng khi nghe rằng có bạn trẻ muốn đi tìm Đấng Tình Yều. Mình chỉ buồn khi thấy đó là ước nguyện của quá ít người trong thế giới ngày nay.


Box Hill, vùng Melbourne, VIC ngày 10.12.2006

Cô đơn giữa đám đông


Hôm qua, mình đi xe buýt từ Epping đến thành phố Sydney, chuyến đi kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Bước lên xe, mình chiếm cái ghế ngay bên cửa sổ để dễ quan sát quang cảnh và sinh hoạt của thành phố. Ai cũng nói rằng ở Úc người dân cởi mở và thân thiện hơn nhiều nơi khác. Mình không nghi ngờ điều đó, nhưng suốt chuyến đi mình nhìn qua nhìn lại, thấy xe đầy nhóc người, nhưng dường như chẳng ai nói chuyện với ai. Có người thì ngồi ngủ gà ngủ gật để tận dụng thời gian ngồi không trên xe. Nhiều người đang nghe nhạc trong những chiếc máy Ipod của mình. Còn mấy chục cặp mắt còn lại dường như đang nhìn chăm vào một thế giới riêng tư nào đó mà chỉ chính họ mới biết ở đó là đâu.

Nhìn tình hình trên xe buýt, mình nhận ra rằng người dân thành phố ở Úc về bản chất cũng chẳng khác gì người dân thành phố ở các nước khác. Thành phố nào cũng đông người, khoảng cách không gian giữa người này với người kia chẳng là bao. Người ta phải chen chúc để lên xe xuống tàu. Nhưng khoảng cách không gian ít bao nhiêu thì dường như khoảng cách cảm xúc nhiều bấy nhiêu.

Người ta có thể ngồi cạnh nhau hàng giờ đồng hồ mà không hề nói với nhau một lời. Họ chi phối thời gian ngồi không trên xe không phải bằng cách làm quen với một con người đang ngồi cách họ vài cm, nhưng bằng cách quan sát những a-phích quảng cáo dọc đường.

Người ta treo lên những panô quảng cáo có hình các thanh niên thanh nữ đang đùa giởn, ai cũng có khuôn mặt và thân hình khiêu gợi và hấp dẫn. Khách đi xe nhìn a-phích có cảnh một cô gái đang cầm trong tay một ly rượu tây tại một quán bar, phong cách toát lên vẻ sành điệu và sang trọng, họ cảm thấy bị thu hút hơn là những người xung quanh mình. Cánh đàn ông thì ước gì mình là người được cùng nâng ly rượu với mỹ nhân ấy. Còn mấy bà mấy cô thì ước gì người con gái trong tranh chính là mình.

Suy ra, mình thấy người thành phố tội nghiệp quá. Thế giới của họ sôi động và nhộn nhịp, ai nấy đều vội vả, bận rộn, nhưng hình như ai cũng cô đơn và bị thu hẹp trong một góc lạnh lẻo, riêng biệt. Họ chỉ mơ đến một thế giới được diễn tả trong các panô quảng cáo, và nhìn vào những người xung quanh với ánh mắt chán chường và đầy khả nghi. Vì thế, không ai muốn làm quen với ai.

Một chuyến đi xe buýt hơn 1 giờ đồng hồ, trải dài mấy chục cây số, trong xe có mấy chục con người với bấy nhiêu quả tim, thế mà từ đầu đến cuối, chẳng ai trong chuyến đi đó nắm lấy cơ hội để làm quen với một người khác.

Mình tự vấn không biết hằng ngày trên thế giới có bao nhiêu chuyến đi dài dẳng và cô độc như thế.

Epping, NSW ngày 8.12.2006

Giải tội theo kiểu 'mì ăn liền'?


Tối hôm qua, tôi có dịp 'đàm đạo' với anh Đ. một ngưòi mà tôi mới làm quen thời gian gần đây. Anh chia sẻ:

- Mười mấy năm rồi mình không đi xưng tội. Mình không đi không phải vì mình không dám nói lên những gì thầm kín với một người khác. Cũng không phải vì mình sống bê tha, vô đạo đức làm cho mình ngại bước vào toà giải tội. Nhưng mình thấy có những lần đến xưng tội, mình gặp ông cha, mình đưa ra những vấn đề trong đời sống của mình, những câu hỏi mình có. Nhưng ông cha cứ bác, bắt mình chỉ khai những tội gì mình đã phạm và bao nhiêu lần, để ông cho mấy kinh đọc để đền tội rồi ban phép tha tội. Khi mình bước ra khỏi toà giải tội, mình chẳng cảm thấy bình an hay nhẹ nhỏm hơn. Mình nghĩ nếu như vậy thì tại sao mình không chia sẻ với người bạn nào đó, hay trực tiếp với Chúa để được tha thứ. Như thế mà mình cảm thấy dễ chịu hơn.

Nghe anh Đ. chia sẻ, tôi rất thông cảm với kinh nghiệm của anh vì chính tôi cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm tương tự trong toà giải tội.

- Em thấy kinh nghiệm của anh giống rất nhiều người. Điều này rất đáng tiếc vì các linh mục có cách làm việc khô khan như vậy thì bỏ qua rất nhiều cơ hội để giúp đỡ người giáo dân trong các trường hợp rất đặc biệt. Anh có thể ngồi chia sẻ với một người bạn hay nói trực tiếp với Chúa, nhưng vị linh mục không chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng còn là đại diện cho một cộng đồng. Vì thế khi vị linh mục đó ban phép giải tội cho anh, việc ấy mang rất nhiều ý nghĩa.

Anh Đ. cắt lời và hỏi tiếp:

- Vậy theo cha thì một ông cha nên như thế nào trong toà giải tội?

- Anh là người làm ăn nên em nói như thế này có thể anh sẽ đồng cảm. Trong việc giao tiếp với khách hàng trong qua trình thương lượng và ký hợp đồng, nếu anh biết cách cư xử với khách hàng thì sau khi xong việc, họ sẽ ra về với tâm trạng thoải mái. Họ không thấy công sức và thời gian của họ bị lãng phí. Lần sau họ sẽ trở lại với anh.

Nhìn từ một góc độ nào đó, vị linh mục cũng là một chuyên gia, đó là chuyên gia về tâm linh. Vì thế, mình phải biết cách nói chuyện với 'khách hàng' đã tìm đến mình, để khi họ ra về, họ cảm thấy mình đã giúp đỡ họ một cách xứng đáng. Mà đã là chuyên gia thì mình phải trau dồi kỹ năng.

Em là một linh mục trẻ, em thực sự chưa giải tội nhiều, nhưng em có một cách làm việc như thế này. Em thường bắt đầu bằng một đoạn Tin Mừng ngắn để dẫn người giáo dân vào tinh thần của bí tích. Sau đó, họ chia sẻ với em về những gì làm họ bất an. Nếu có gì không rõ thì em hỏi, không phải để tò mò, nhưng để xác định tính chất của sự việc và ảnh hưởng của nó trên đời sống tâm linh của họ.

Đối với em, tội là những gì làm cho mối tương quan giữa minh với những người xung quanh, với chính mình, và trên hết với Thiên Chúa bị sứt mẻ. Mình cảm thấy xa lìa với Chúa và với người khác, làm cho mình không cảm thấy có ân sủng của Chúa trong đời sống của mình. Vì thế em sẽ giúp họ nhận ra hành động của mình có những tác động gì trong các mối tương quan kể trên. Từ đó, em sẽ đề nghị những việc cụ thể mà họ có thể làm được để hàn gắn lại sự sứt mẻ đó như một cách đền tội. Tuy nhiên, em chỉ đề nghị và hỏi xem họ có đồng ý với đề nghị đó hay không? Nếu họ đồng ý thì em mới giao, còn nếu họ không làm được hay không muốn làm theo đề nghị đó thì em sẽ trao đổi để tìm ra việc khác mà họ sẵn sàng thi hành. Chỉ như thế thì việc đền tội của họ mới thiết thực và có ý nghĩa. Sau đó em tiếp tục nghi thức giải tội.

- Mình nghĩ cha có lối làm việc rất hay. Nhưng mình chưa thấy ai như vậy hết.

- Có một điều là cách giải tội như em không phải là cách 'mì ăn liền'. Rất khó có thể làm được nếu có 50 hay 60 người đang xếp hàng ngoài toà. Nhưng nếu không làm được 10 thì em cũng cố gắng làm được 6 hay 7.

- Mình cũng hiểu tâm trạng của mấy cha khi thấy số người đi xưng tội nhiều quá.

- Nhưng em nghĩ hiện nay việc nhiều người đi xưng tội không phải là vấn đề. Vấn đề là có quá ít người đi nhận bí tích hoà giải.

Lượng người đi xưng tội giảm có nhiều lý do khách quan. Nhưng tôi chắc rằng trong số những người không còn đi xưng tội thường xuyên có rất nhiều người đã trải qua những kinh nghiệm không tốt trong toà giải tội. Tôi biết điều này vì chính họ đã chia sẻ với tôi.

Bí tích hoà giải là một cơ hội rất đặc biệt để cho các cha làm việc mục vụ, bởi vì không một nơi nào mà giáo dân có thể chia sẻ những gì thầm kín bằng trong toà giải tội. Nhưng rất tiếc là nhiều linh mục đã không ý thức được tầm quan trọng của mục vụ mà họ đang làm. Vì thế, chúng ta có tình trạng làm lễ theo kiểu mì ăn liền, và giải tội theo kiểu mì ăn liền. Có lẽ vì tôi còn trẻ nên còn 'sung'. Nhưng tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ cử hành các bí tích một cách miễn cưỡng và vụng về chỉ vì bận rộn hay lười biếng. Khốn cho tôi nếu tôi cử hành các bí tích theo kiểu mì ăn liền!

Epping, NSW ngày 7.12.2006

Những nụ hôn thân thiện


Hôm qua, tôi gọi điện thoại về Mỹ để thăm hỏi tình hình của các em trong dòng. Nhận được điện thoại của tôi, A. hớn hở hỏi:

- Cậu ở bên Úc sao rồi?

- Bây giờ cũng khá thong thả. Tớ đang trong giai đoạn tập luyện nội công để đi Thái Lan.

- Vậy thì sướng quá rồi. Bên Úc có gì khác bên Mỹ không?

- Có chứ. Ở đây người ta lái xe bên trái. Đường xá đi đâu cũng thấy bùng binh ở các ngã tư, ngã năm. Dân Úc sống có vẻ vô tư hơn, nhịp sống nhẹ nhàng hơn và họ cũng rất dễ làm quen.

- Bên đó khi gặp nhau người ta chào hỏi như thế nào?

- Thì cũng không khác ở Mỹ lắm. Đa số người ta bắt tay. Nhưng bửa giờ đến giáo xứ cũng gặp mấy bà gallant lắm. Lần đầu gặp mà mấy bà cứ đưa má cho mình hôn.

- Người Úc da trắng hả?

- Đâu có. Úc nhưng gốc Phi luật tân, Ấn độ, Fiji...

- Thế à. Họ đưa má rồi cậu làm sao?

- Làm sao nữa? Đưa má hôn thì lo mà hôn chứ làm sao!

- Hahaha. Thế là cậu cũng không đến nỗi cù lần. Thì đây cũng là cử chỉ thân thiện thôi. Trước đây tớ đi thực tập ở Nam Mỹ, khi gặp mấy bà mấy cô, dường như ai cũng chào mình bằng cách này hết.

- Lúc đó cậu xử lý như thế nào?

- Mới đầu thì bất ngờ và ngại lắm. Nhưng sau đó thì quen dần nên thấy bình thường.

- Ở đây thì không phải ai cũng chào như thế. Chỉ thỉnh thoảng thôi, nhưng hình như nhiều hơn bên Mỹ.

- Ờ, ở Mỹ suy ra phong tục này cũng không mấy phổ biến. Mà bây giờ cậu được cơ hội để hôn thì cứ hôn đi. Chứ vài bửa cậu chuyển sang Thái Lan thì chẳng ai thèm hôn cậu đâu. (hahaha)

- Chắc vậy đó. Bên đó người ta chắp tay, cúi đầu chào nhau không à.

- Thì mỗi nơi có mỗi phong tục tập quán khác nhau mà. Đi đến đâu thì liệu mà thích nghi đến đó.

Nghĩ thấy cũng hay. Chỉ với một mục đích chào hỏi mà trên thế giới có bao nhiêu là cử chỉ. Có người bắt tay, khi bằng một tay, khi bằng hai tay. Có người cúi đầu, khi thì cúi thấp, khi thì cúi vừa vừa, khi thì chỉ gật một cái. Có người lại ôm hôn, khi thì hôn trên môi, khi thì hôn trên má. Có người chỉ hôn một bên, nhưng người khác thì hôn hai bên, rồi có người lại hôn bên trái, chuyển sang bên phải, rồi trở về bên trái cho xong một vòng. Văn hoá con người sao mà phong phú đến thế!

Epping, NSW ngày 5.12.2006

Gặp gỡ gia đình người Ấn Độ


Hôm qua tôi được mời đến một gia đình người gốc Ấn Độ để làm quen và dùng cơm trưa. Họ là giáo dân trong giáo xứ được đảm trách bởi các cha trong Hội dòng. Gia đình bao gồm hai vợ chồng và ba người con trai.

Đây là một gia đình không giàu có, cũng không nghèo khó, nhưng họ tham gia rất tích cực vào đời sống của giáo xứ. Ông Clem giúp giáo xứ trong việc quản lý sổ sách, bà Jennie tham gia ca đoàn. Và cả ba thằng con trai đã từng giúp lễ và tham gia sinh hoạt giới trẻ.

Sau những câu chào hỏi làm quen dè dặt ban đầu, chúng tôi đã nhanh chóng trở nên thân thiện do thái độ cởi mở mà cả hai bên đều đã thể hiện. Chúng tôi trao đổi và chia sẻ hết đề tài này sang đề tài khác, từ vấn đề gia đình cho đến chính trị, văn hoá, tôn giáo...

Tôi là người Mỹ gốc Việt, trong khi họ là người Úc gốc Ấn Độ. Nhưng sự khác biệt này đã không ngăn cản chúng tôi có một cuộc trò chuyện và gặp gỡ đầy thú vị. Đó cũng vì chúng tôi đến với nhau trên tinh thần cởi mở và đón nhận nhau như những người cùng một đức tin Công giáo. Trong hơn ba giờ đồng hồ trò chuyện với nhau, chúng tôi đã uống trà, uống rượu, và dùng một bữa cơm bao gồm các món ăn thuần tuý Ấn Độ.

Bà Jennie nói: - Tôi không dám nấu những món ăn cay quá vì sợ cha không dùng được.

- Ồ thế à! Tiếc qua, vì tôi ăn cay rất khá. Tôi có thể ăn cay hơn thế này nhiều lắm.

Ông Clem mách:

- Lúc đầu chúng tôi định nấu các món Tây để mời cha, nhưng sau đó nghĩ lại thì nói thôi, cứ nấu thức ăn Ấn cho cha làm quen.

- Vậy là đúng rồi đấy. Món Tây thì ngày nào tôi chẳng ăn. Được thử các món Ấn Độ thì khó mới có được.

Làm một nhà truyền giáo, tôi đi nhiều nơi và sống trong môi trường đa văn hoá. Vì thế, việc tiếp xúc với những người khác văn hoá mình trở nên như một cơ hội để tìm hiểu và thưởng thức những cái mới mẻ. Nếu mang trong mình thái độ bảo thủ và tầm nhìn hẹp hòi sẽ khiến cho nhiều cơ hội để tiếp cận với sự phong phú luôn hiện diện xung quanh mình dễ bị đánh mất.

Đó là một điều rất đáng tiếc. Biết bao nhiêu người hằng ngày bỏ qua những dịp may như thế chỉ vì họ không thích hay e ngại tiếp xúc với những gì mà họ không quen thuộc. Cái gần gũi và quen thuộc mang lại cho mình tâm trạng an toàn và thoải mái. Nhưng chính cái khác lạ mới mang đến cho mình những hương vị đặc biệt nhất mà cuộc sống cung cấp cho mình.

Một điều mà chúng ta có thể khám phá ra khi tiếp cận với những người khác mình là, khi những người thoạt đầu xem ra rất khác nhau ngồi lại với nhau để chia sẻ với nhau một cách chân tình những gì thuộc về mình, họ lại nhận ra rằng, họ thật ra rất giống nhau và hoàn toàn có thể thông cảm cho nhau. Đó là vì đằng sau những ấn tượng nông cạn bên ngoài, rút cuộc cái quan trọng nhất vẫn là tâm tư của con người, ai cũng mang trong mình những khắc khoải tìm được hạnh phúc, tình yêu, và sự thông cảm. Chỉ tiếc là nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được những thứ đó cho chính mình, cho dù bằng những hành động gây tổn thương đến những người xung quanh.

Khi ra về, ông Clem đã nói với tôi:

- Bất cứ lúc nào cha muốn đến chơi, gia đình chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp cha.

Epping, NSW ngày 4.12.2006

Cà pháo với canh cua rau đay


Tối hôm qua, tôi đến nhà của anh Th. và chị H. chơi. Họ là cặp vợ chồng có tính tình rất vui vẻ và trẻ trung, nhưng thực ra cũng đã lấy nhau gần 30 năm với 3 đứa con đã lớn. Thằng con út năm nay 21 tuổi, không biết nó ăn gì mà mập chẳng khác gì một ông Tây.

Tôi mới làm quen với hai anh chị trong chuyến đi Brisbane vừa qua. Nhưng họ đã có mối quan hệ thân thiết với một vài anh em trong hội dòng từ lâu. Vừa bước vào nhà tôi đã thấy trên bàn ăn những dĩa rau đầy nhóc - rau cải, rau thơm, sà lách, rau dấp cá... Tôi hỏi chị H.:

- Ăn gì mà rau nhiều thế chị?

- Bê thui đó cậu. Vừa rồi ở Brisbane chị thấy cậu ăn rau nhìn ngon miệng quá, nên chị làm món có nhiều rau cho cậu ăn đấy.

- Chị đúng là chiều em quá.

- Em còn trẻ chị mới chiều chứ mấy cha lớn chị đâu có chiều. Ăn món này xong mình chuyển qua cơm cà pháo, canh cua rau đay mà em thích đó.

- Vậy hả? Cà pháo với canh cua rau đay thì còn gì bằng.

- Sau đó chị cho em 'tráng miệng' bằng món phở.

- Trời, chị cho em ăn như thế chỉ có nước vỡ bụng ra.

Ăn xong, tôi và anh Th. ra sau nhà 'đốt nhang'. Ngồi rít điếu thuốc Dunhill, anh Th. nói với tôi:

- Cậu đến đây thì mình nói thực, cậu chẳng bao giờ phải mặc cái áo cha cụ hay thầy bà. Hai lần tiếp xúc với cậu, mình thấy cậu rất là trực tính, không kiểu cách. Mình thích như vậy. Mình đối xử với cậu ở đây trên tinh thần huynh đệ. Vì thế nên bây giờ cậu làm ông cha cũng vậy. Mà sau này cậu có hết làm ông cha cũng vậy.

Thế là anh Th. đã cất đi bất cứ áp lực nào làm cho tôi có thể cảm thấy bị gò bò và không thoải mái. Anh Th. muốn xây dựng mối quan hệ với tôi không phải vì chức vị của tôi mà trên một nền tảng căn bản và vững chắc hơn - đó là một người anh em.

Bữa ăn mà chúng tôi đã chia sẻ với nhau cũng là một hình thức đầy ý nghĩa để đánh dấu sự bắt đầu của mối quan hệ giữa chúng tôi. Chúa Giêsu đã khẳng định mối quan hệ bằng hửu với các môn đệ của Ngài trong một bữa ăn. Trong giáo hội sơ khai, những người theo Kitô giáo đã ngồi xung quanh bàn tiệc, kể cho nhau nghe kinh nghiệm và ký ức của mình về Đức Kitô, rồi chia sẻ cho nhau những chiếc bánh và rượu mà họ đã mang đến. Và ngày nay, thánh lễ mà người Công giáo tham dự để thể hiện đức tin của mình, đồng thời củng cố tinh thần cộng đoàn, về bản chất cũng là một bữa ăn.

Vì vậy, không có gì thiết thực và ý nghĩa hơn một bữa ăn để cho mình không chỉ chia sẻ những món ăn vật chất mà còn san sẻ cho nhau tâm tình, là những viên gạch vững chắc tạo nên mối quan hệ chân thật và đích thực giữa con người với con người.

Epping, NSW ngày 2.12.2006

Gặp người Hồi giáo


Hôm nay tôi và các thành viên trong chương trình học hỏi văn hóa Úc đến thành phố Lakemba để được nghe những người Hồi giáo trình bày về tôn giáo của họ, cũng như dẫn vào tham quan thánh đường Hồi giáo và quan sát giờ cầu nguyện giữa ngày. Những người chào đón chúng tôi là một cặp vợ chồng trẻ gốc Lebanon, nhưng đã sinh ra và lớn lên ở Úc. Họ vừa mới trở về Úc sau chuyến đi hành hương kéo dài một năm đến thánh địa Mecca và các nơi khác tại Saudi Arabia và Yemen. Việc các tín đồ Hồi giáo phải đi hành hương đến Mecca ít nhất là một lần trong đời nếu có điều kiện là một trong những điều luật quan trọng nhất trong đạo này.

Chúng tôi là các linh mục và nữ tu Công giáo, và họ là những người Hồi giáo. Trong thời điểm mà toàn thế giới đang chú ý vào Hồi giáo, đặc biệt giới truyền thông rất quan tâm và đầu tư nhiều sức lực vào việc khai thác các tin tức liên quan đến giới Hồi giáo cực đoan, cộng đồng Hồi giáo đang trải qua nhiều khó khăn và sự căng thẳng. Những người Hồi giáo bình thường luôn cảm thấy mình bị hiểu lầm, đe doạ, và vu oan vì hành động của một thiểu số cực đoan, không liên quan gì đến đời sống và niềm tin của đại đa số tín hữu Hồi giáo.

Sự hiểu lầm, sợ hãi, đố kỵ giữa các dân tộc và tôn giáo là lý do chính yếu dẫn đến chiến tranh và chết chóc. Không ai chịu lắng nghe người khác. Ai cũng muốn cho mình là đúng. Còn giới truyền thông thì luôn săn những thông tin mang tính tiêu cực để đưa lên truyền hình, báo chí tạo nên hiện tượng đổ dầu vào lửa. Trong khi đó có những nỗ lực hợp tác giữa người Kitô giáo và Hồi giáo để xây dựng cộng đồng trên nền tảng tôn trọng và đối thoại thì khó được báo chí ngó ngàng tới. Lý do chúng tôi đến với người Hồi giáo hôm nay là để có dịp tìm hiểu và có tầm nhìn cởi mở hơn về một cộng đồng đã có một lịch sử vô cùng gay cấn với Kitô giáo.

Cuộc chia sẻ và trao đổi giữa chúng tôi đã diễn ra rất vui vẻ và thân thiện. Chúng tôi kết thúc bằng một bữa ăn tại nhà hàng Lebanon, bởi vì bữa ăn là một trong những phương pháp hay nhất để gây mối tình thân. Kinh nghiệm này cũng như bao nhiêu kinh nghiệm khác cho thấy, khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ và đối thoại, đa phần chúng ta sẽ tìm ra đồng điểm nhiều hơn sự khác biệt. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng đã ấn tượng khi người trình bày đã chia sẻ với chúng tôi rằng:

- Nhiều người Kitô giáo không biết Đức Mẹ Maria là một trong bốn phụ nữa vĩ đại nhất trong Hồi giáo. Biến cố sinh ra của Đức Giêsu đã được ghi chép trong sách Koran. Chúng tôi tôn trọng Đức Giêsu như một tiên tri đã đi trước tiên tri Mohammed để rao truyền sứ điệp của Chúa.

Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng đã khẳng định rằng:

- Khi đối thoại liên tôn, một điều mà mọi người tham gia phải tuân theo đó là: chúng ta đồng ý về sự bất đồng. Chúng ta không thể nào đồng ý hoàn toàn về những gì liên quan đến đức tin của mình. Nhưng không vì vậy mà chúng ta không thể đoàn kết và hợp tác với nhau để đối phó với các vấn đề chung trong xã hội và thế giới chúng ta. Các mối quan ngại của người Công giáo cũng là mối quan ngại của người Hồi giáo. Vì thế không có lý do gì ngăn cản chúng ta cùng chung sức để giải quyết các vấn nạn mà xã hội đang gặp phải.

Tôi biết rằng trong giới Hồi giáo và Kitô giáo còn có rất nhiều tiếng nói ôn hoà và tích cực. Nhưng với thế giới náo loạn như ngày nay, những tiếng nói đó dường như đã bị lãng quên trong tiếng ồn ào của sự cải cọ, kích động và tiếng bom đạn luôn vang lên bên tai chúng ta.

Epping, NSW ngày 2.12.2006

Noel nóng nực


Tối hôm qua, thằng bạn ở Mỹ gọi điện thoại hỏi thăm. Nó hỏi tôi: - Dạo này cậu đã mở nhạc Noel ra nghe chưa?

- Trời, chưa tới mùa vọng nữa mà nghe cái gì?

- Đâu cần mùa vọng. Cứ sau lễ Tạ Ơn là người ta bày đồ Noel ra. Đi đâu cũng nhìn thấy trang trí Noel làm cho mình muốn nghe à.

- Bên đây tớ cũng thấy người ta trang hoàng Noel, mà tớ chẳng có cảm giác gì hết.

- Ủa, sao thế?

- Bởi vì trời nắng chang chang. Úc Châu đang bước vào mùa hè. Mở nhạc Noel ra cứ nghe 'đêm đông lạnh lẽo', tuyết rơi, rồi 'white Christmas' - chọi bà cố.

- Ờ, vậy thì hơi kẹt. Ở đây bây giờ trời đang lạnh. Chưa nhiều tuyết lắm, nhưng đủ để mở nhạc Noel ra nghe thấy phê phê.

- Vậy là cậu có phúc rồi. Bên đó cậu còn nhìn ra cửa sổ thấy tuyết phủ cây thông. Bên đây tuần trước tớ đi công chuyện ở Brisbane, thấy trên đường đầy cây phương vĩ nở đỏ choét. Biết chắc là mùa hè tới nơi. Sau đó đi chơi ở bãi biển nổi tiếng Surfer's Paradise, thấy đầy nhốc người. Ai cũng ăn mặc kiểu nghèo khó, nhìn cảnh đó đố ai biết được Noel sắp tới?

- Thôi cậu đành phải chịu khó vậy. Mà ô hay, cậu này hay chửa, thời gian còn ở Mỹ, lúc nào tớ cũng nghe cậu than phiền thời tiết gì mà lạnh quá. Ước gì đừng có tuyết, đường đóng băng đi trượt lên trượt xuống. Giờ lại nuối tiếc trời không lạnh, tuyết không rơi để nghe nhạc Noel cho có cảm giác.

- Thì tớ vẫn ghét tuyết, ghét trời lạnh đấy mà. Nhưng tớ đón Noel trong không khí như vậy quen rồi. Qua đây, đón Noel vào mùa hè chưa kịp thích nghi thôi.

- Ờ, thì cũng giống như bên đây ta đón Tết vào giữa đông vậy thôi. Trong nhà thì "Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi". Mà nhìn ra ngoài trời thì thấy không gian trắng xoá. Tết đến, đem đàn ra nghêu ngao mấy bài xuân cũng vui chán chứ gì.

Thế là tôi đang chuẩn bị tinh thần để đón mừng một cái Noel nóng nực, không có tuyết, không có những chiếc áo jacket dày, không có khăn quàng cổ và cái mủ len, không có đôi găn tay. Đi ra đường phố, chỉ cần cái áo thun và cái quần short. Mùa vọng chưa tới, mà tôi đã lo lắng không biết mùa Giáng Sinh này sẽ ra sao.

Epping, NSW ngày 1.12.2006

Hắn và tôi


Tối hôm qua, nhà dòng có thêm một số khách dùng bữa ăn tối, khiến cho lượng chén bát nhiều hơn. Nhưng đến giờ rửa chén thì số người anh em ở lại giúp vẫn không thay đổi. Những ai thường ở lại rửa thì vẫn ở lại, còn những ai thường ăn xong rồi bỏ đi thì vẫn bỏ đi.

Thấy vậy, cái thằng có tính tình bủn xỉn trong tôi được đánh thức và nhảy toang ra. Hắn vừa lau bát vừa càm ràm: - Cha cụ gì mà làm biếng như heo. Ăn xong rồi phủi mỏ bỏ đi.

Hắn liếc nhìn ông cha với ánh mắt khinh dễ khi ông mang đĩa từ bàn ăn vào nhà bếp, đặt vào bồn nước, rồi bước ra khỏi phòng ăn một cách tỉnh bơ. Thấy vậy, hắn thầm nguyền rủa: - Biết ăn mà chẳng biết làm!

Cái thằng có đầu óc so đo tính toán, và nhỏ mọn đó - hắn ẩn nấp trong tôi, và sẵn sàng chụp lấy bất cứ cơ hội nào để lao ra và thể hiện chính mình. Tốc độ xuất hiện của hắn nhanh đến nỗi tôi không kịp chận hắn lại. Không có hắn, trong đầu tôi nẩy lên nhiều tư tưởng rất cao thượng. Tôi quan tâm đến người nghèo khổ, bệnh tật, và những người bị đàn áp. Tôi có những hoài bảo được đấu tranh cho công lý và hoà bình. Tôi mong mỏi được trở nên dụng cụ mang Tin Mừng và sự bình an của Chúa đến mọi người. Không có hắn, tôi là hiện thân của lòng từ bi và nhân ai. Nhưng khi hắn xuất hiện, hắn cướp đi trí thông minh của tôi. Hắn hoàn toàn điều khiển miệng lưởi và suy nghĩ của tôi. Tôi trở nên một tay sai ngu ngốc của hắn.

Tôi rất ghét cái thằng bủn xỉn đó, nhưng hắn không muốn rời bỏ tôi. Hắn cứ lẩn quẩn chờ đợi một hành động, một lời nói, hay một cử chỉ của ai đó làm cho tôi không vừa lòng là hắn tự động trình diện khuôn mặt dữ tợn của hắn. Khi tôi đuổi hắn đi, hắn thu mình lại một cách miễn cưỡng, nét mặt hầm hực, và ánh mắt hắn tỏ ra đầy hận thù với lời tuyên bố như trong bộ phim Kẻ huỷ diệt: - Tao sẽ trở lại!

Trong cuộc sống, có nhiều khi diễn ra cuộc xung đột giữa tôi và hắn một cách ác liệt. Khi tôi đầy đủ vũ khí để đối phó với hắn thì hắn bị đánh nhừ, có khi còn nằm thoi thóp như chờ chết. Nhưng hắn không chết, hắn nhắm mắt giã vờ tắt thở. Tôi nhìn thấy hắn nằm không động đậy, tưởng hắn chết thật, nên quay mặt đi. Tôi trở lại với công việc quan trọng mà tôi được giao trách nhiệm để thực hành. Nhưng rồi trong khi tôi đang tự tin và chủ quan, hắn lại hồi sinh với sức mạnh ngoan cường. Hắn hoành hành và đánh làm cho tôi bầm dập. Tôi tự vấn không biết cuộc chiến khốc liệt này sẽ còn diễn ra cho tới bao giờ.

Epping, NSW ngày 29.11.2006

Quy tắc trong mục vụ


Hôm nay tôi tham dự khóa học về các quy tắc để thực hiện công tác mục vụ tại Úc một cách chuyên nghiệp và mang tính đích thực. Mặc dầu tôi không có bài sai phục vụ ở Úc, nhưng bề trên vẫn muốn tôi tham dự khoá huấn luyện hội nhập văn hoá Úc kéo dài tới hai tuần lễ.

Các vấn đề được nêu lên hôm nay cho thấy làm mục vụ trong bối cảnh thời đại của Giáo hội và xã hội Úc không đơn giản chút nào. Hai hướng dẫn viên người Úc, Seour Angela và Frere Julian, trình bày cho chúng tôi những yếu tố cần thiết để làm mục vụ cách hiệu quả, song tránh được những tình huống gây ra tai tiếng và tổn thương cho người làm mục vụ lẫn người giáo dân.

Trong thời buổi giáo hội Tây phương đang trải qua cuộc khủng hoảng do các vấn đề sách nhiễu tình dục và lạm dụng quyền lực từ phía các linh mục - tu sĩ, lối làm việc theo cảm tính hay bất cẩn đã trở nên quá mạo hiểm. Vì thế, một cử chỉ chào hỏi hay giao tiếp, nơi lời nói hay hành động được thực hiện, đối tượng trong việc giao tiếp - tất cả đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Frere Julian tuyên bố: - Nếu bất cứ điều gì với người khác mà quý vị không thể làm được trước mọi người, thì quý vị không thể làm điều đó khi ở một mình với họ.

Ngược lại, Sr. Angela khuyên rằng: - Việc gì người khác làm với quý vị mà quý vị không thấy thoải mái, đó là dấu chỉ quý vị nên tìm cách tránh né.

Các lời hướng dẫn có mục đích giúp cho các linh mục - tu sĩ không rơi vào tình thế có những hành động gây ra tác hại cho người khác và ngược lại, cũng như hạn chế khả năng mình trở nên nạn nhân của sự vu oan.

Thời buổi các linh mục - tu sĩ có thể giao tiếp một cách vô tư với giáo dân, cho dù đó là người lớn hay trẻ em, không còn nữa, bởi vì nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực nơi một số linh mục - tu sĩ đối với giáo dân, đặc biệt là trẻ em, cũng như nhiều trường hợp vu oan đã đưa chúng ta vào một thực trạng mới, nơi mọi người phải luôn cảnh giác và hành động theo nhiều quy tắc chặt chẻ.

Trong Thần học viện của tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi không được đưa bất cứ ai tuổi vị thành niên vào phòng riêng, ngoại trừ đó là em ruột. Trước đây, đi dạy kèm cho học sinh nghèo, tôi luôn phải dạy trong phòng có những người lớn khác hiện diện. Và đương nhiên, tôi không thể đưa em đó đi coi phim một mình.

Một ngày nọ, sau lễ Chúa Nhật, một em thiếu nhi không có phương tiện về nhà. Em nhờ tôi đưa em về, nhưng vì em còn ở tuổi vị thành niên, tôi không thể một mình đưa em về nhưng phải kéo thêm một người lớn khác cùng đi. Mục đích là để có người làm chứng trong trường hợp có sự kiện cáo gì xảy ra về sau.

Tuy nhiên, đưa ra những cái "được" và "không được" làm mà thôi thì không thể giúp mình làm mục vụ một cách tốt đẹp nhất. Điều quan trọng là mình phải trở nên một con người quân bình và lành mạnh trong tinh thần lẫn thể xác. Và mình dấn thân trong việc xây dựng những mối quan hệ dựa trên nền tảng tôn trọng, yêu thương, và phục vụ. Hành vi của một linh mục hay tu sĩ sẽ phải nói lên sự trung thành của mình với những giá trị mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người.

Vì thế, điều đáng tiếc ngày nay không phải là việc có những quy tắc về hành vi mà các linh mục - tu sĩ phải tuân theo, nhưng là việc chúng ta phải trình bày bằng giấy trắng mực đen một cách thẳng thắn những lỗi lầm mà các linh mục - tu sĩ đã mắc phải và cần khắc phục. Giá như các linh mục - tu sĩ ý thức được mình là ai và tính chất yêu thương và phục vụ của sứ mệnh mà mình đã được trao phó, thì có lẽ chúng ta sẽ không phải đối diện với một thực tại đáng lo ngại như bây giờ.

Epping, NSW ngày 28.11.2006

Chiếc áo không làm nên thầy tu


Tối hôm qua, tại nhà cha mới Ph. có tiệc họp mặt. Bà con và bạn bè đến chơi rất đông. Nhà đãi nguyên một con bê thui nóng bỏ trên cái lò xoay. Ban chiều thì con bê còn nguyên xi, nhưng tới 10 giờ tối thì nhìn lại chỉ thấy còn bộ xương.


Bà con ngồi trò chuyện từng nhóm, nhóm trong phòng khách, nhóm trong nhà bếp, nhóm sau vườn, nhóm trước cổng. Ngoài patio, cha Q., cha Th., anh Thắng, chị Hào, và chị Tuyết đang ngồi trò chuyện về trang phục của các cha.

Cha Q. từ Mỹ qua bình luận: - Bên Úc này 'cấp tiến' thật. Không ai mặc áo linh mục nữa. Mình tưởng ở Mỹ mình là cấp tiến, mà ai ngờ bên Úc này còn cấp tiến hơn.

Chị Tuyết đồng ý: - Ừ, cấp tiến thật đó. Có lần con lên dòng cha dự lễ. Bước từ ngoài cổng vào, còn thấy nhiều thanh niên ăn mặc sáng sủa lắm. Họ chào con, con cứ trả lời 'chào anh'. Cô bạn mới nhéo con bảo: 'Anh gì mà anh, cha thầy không đó bà'. Nghe nói mới biết chứ nhìn không ai mà biết được đó là cha thầy, hay anh chàng nào.

Chị Tuyết xoay qua hỏi tôi: - Vậy bên Mỹ dòng cha có mặc áo dòng không?

Tôi trả lời: - Áo dòng thì ở Mỹ đã bỏ lâu rồi. Nhưng áo linh mục thì tuỳ lựa chọn của cá nhân. Ai thích mặc thì mặc, ai không thích thì không bắt buộc.

- Vậy cha có mặc áo linh mục không?

- Em thì ít mặc, nhưng cũng thỉnh thoảng.

Một lát sau, trong phòng khách, cha mới Ph. mở hai gói quà từ một cha bác dòng Đồng Công ở Hoa Kỳ. Trong đó có 3 chiếc áo lễ được thêu rất là công phu bởi các seour ở tu viện Mân Côi trên đường Huỳnh Văn Bánh, Sài Gòn. 3 chiếc áo lễ có ba màu - vàng, trắng, và xanh. Cái áo thứ tư không phải là áo lễ, mà là áo linh mục màu xám. Cầm chiếc áo linh mục trong tay, anh Ph. nói với tôi:

- Bác cho mình chiếc áo này làm gì nhỉ? Mình đâu có mặc bao giờ đâu.

- Ngày mai, lễ mở tay của anh, anh có thể mặc một lần.


Anh nhìn tôi với ánh mắt như muốn nói: 'Không hề làm điều đó'.
Tôi hỏi anh:

- Vậy anh định không bao giờ mặc hết à?

Anh Ph. gật đầu, rồi hỏi tôi:

- Mình thấy bên đó các cha thường xuyên mặc áo linh mục phải không? Thấy cha Q., cha H. (anh em trong dòng) ai cũng mặc hết cả.

- Nhiều cha bên đó vẫn mặc. Không phải lúc nào mấy anh cũng mặc, nhưng khi có lễ, đặc biệt là lễ lớn, hay là có những trường hợp giao tiếp với giáo dân.

- Bên Úc này thì không thấy ai mặc bao giờ.

Anh Ph. nói xong rồi bỏ chiếc áo linh mục màu xám vào trong hộp quà, rồi đóng hộp lại như cũ.

Hoá ra là vậy. Ở Úc, các cha không có thói quen mặc áo linh mục. Từ ngày đến đây, tôi đã để ý điều này trong dòng tôi. Nhưng tôi đã không biết rằng đây không phải là trường hợp riêng biệt, nhưng mọi người đều như vậy.

Tôi vốn là người ít khi mặc áo linh mục, nhưng trước khi qua Úc tôi vẫn bỏ vào trong vali một chiếc áo màu đen và cổ trắng để sử dụng khi cần thiết. Nhưng từ ngày tới đây đến nay, tôi chưa có dịp lấy nó ra khỏi tủ. Bây giờ thì tôi biết rằng, nó sẽ giữ hoài vị trí của nó trong tủ áo cho đến ngày tôi thu xếp đồ đạc để lên đường sang Thái Lan. Thế là chiếc áo màu đen, một hình ảnh từng gắn liền với đời sống tận hiến của các cha không còn chỗ đứng nào trong não trạng của các linh mục ở đất nước này nữa.

Brisbane, QL ngày 26.11.2006

Xúc động


Lễ chịu chức của hai anh em trong dòng diễn ra tốt đẹp. Cuối lễ mỗi người đứng lên cám ơn cộng đoàn, người bằng tiếng Anh, người bằng tiếng Việt. Cha mới Ph. trong lời cám ơn cũng đã không giữ được bình tĩnh. Anh cứ bị nghẹn ngào vì quá cảm động, đặc biệt là trong lời cám ơn gia đình và những người thân đã đồng hành và nâng đỡ anh trong đời sống tu trì.


Trong bữa tiệc trà sau thánh lễ, khi tôi đến chúc mừng và trò chuyện với anh, anh đã tâm sự rằng: - Thật là khó mà không chảy nước mắt. Vì mình cảm thấy quá nhiều người đến với mình để giúp đỡ mình. Sự cảm động giống như là một phản ứng tự nhiên.

Tôi rất đồng tình với tâm trạng của anh Ph. Trong thánh lễ tạ ơn của tôi, tôi cũng đã phải rất cố gắng mới nói được hết lời cám ơn mà tôi đã soạn bởi vì tôi không thể giữ được bình tĩnh. Nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ và sự thương yêu, nâng đỡ của các anh chị và người thân, tôi lại cảm thấy quá nghẹn ngào. Vừa nói mà tôi cứ xụt xịt, rồi lấy khăn thấm nước mắt. Sự xúc động của tôi cũng đã làm cho nhiều người tham dự thánh lễ phải chảy nước mắt theo.

Mà có lẽ chẳng phải một mình tôi hay anh Ph. là người duy nhất bị như thế. Dường như tất cả các lễ tạ ơn mà tôi đã tham dự, khi tân linh mục đứng lên bày tỏ lòng cảm ơn đều mất bình tĩnh. Chính tôi cũng biết mình sẽ như vậy trước khi sự việc xảy ra. Trong những ngày tháng chuẩn bị cho thánh lễ đầu tay, tôi liên tưởng rất nhiều về giây phút đứng lên cảm ơn bố mẹ, các anh chị, và các ân nhân. Và trăm lần như một, tôi cứ chảy nước mắt khi nghĩ đến những gì mình muốn nói. Ngồi một mình trong phòng, có những lần tôi cứ để cho mình khóc oà lên như một đứa bé đang nhớ mẹ.

Sự ngậm ngùi có lẽ cũng có nhiều lý do. Một phần là tôi biết rằng mình không thể có ngày này nếu không có sự trợ giúp của tất cả những người đã đồng hành với mình. Nhưng phần khác, tôi dường như cảm nhận được rằng, với hai bàn tay trắng của tôi, ngoài lời cầu nguyện thì lời cảm ơn chân thành có lẽ là món quà duy nhất mà tôi có thể dùng để đáp trả tình thương mà tôi đã nhận được nơi họ.

Brisbane, QL ngày 25.11.2006

Lý tưởng và thực tại


Hôm nay, một trong hai người được chịu chức linh mục trong Hội dòng của tôi là một người đã khá lớn tuổi, đã từng có vợ và có con. Nhưng cuộc hôn nhân đó đã được Giáo hội công nhận là không thành. Thầy G. cũng là người duy nhất có nguồn gốc ở Úc trong dịp chịu chức này.

Trường hợp của thầy G. thì hiếm có trong cộng đồng người VIệt, và dường như chưa có tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở Tây phương thì những trường hợp như thế này ngày càng phổ biến.

Trước đây, xu hướng "già hoá" của ơn gọi được thấy trong việc những người vào dòng đã rất trưởng thành, trải qua nhiều kinh nghiệm sống, đã đi làm thời gian lâu. Có người đã từng làm bác sỹ, kỷ sư. Nhưng đời sống xã hội không làm cho họ thoả mãn, vì thế họ đã tìm đến đời sống tu trì để đáp ứng nhu cầu tâm linh sâu xa hơn. Tuy nhiên, ngày nay ơn gọi không chỉ xuất phát từ những người độc thân, mà còn từ những người đã có gia đình như trường hợp của thầy G.

Đối với nhiều người thì một người như thầy G. có thể làm cho hình ảnh họ mang trong tâm trí về một vị linh mục "trong trắng" bị tác động mạnh mẽ. Có người còn cho rằng đây là một việc "phản cảm" vì họ không thể hình dung một vị linh mục hay tu sĩ đã từng có vợ và có con cái. Tuy nhiên, có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tại.


Bản thân tôi không biết trên đời này có một linh mục hay tu sĩ nào có thể đáp ứng được cái hình ảnh "trong trắng" mà nhiều người mường tượng tới hay không. Hay trên thực tế, các linh mục vẫn mang trong mình nhiều mâu thuẫn, trong đó có cái tốt cái xấu lẫn lộn với nhau. Hõ đã có những cái đó trong người ngay từ lúc họ bắt đầu hành trình ơn gọi và chúng vẫn còn tồn tại ngay cả trong giây phút nhận chức linh mục. Và vị linh mục đó phải liên tục phấn đấu để mong sao cái tốt được thực hiện nhiều hơn cái xấu.

Sự trong trắng, thánh thiện có lẽ không phải là một "thực tại" nhưng trên thực tế là một "niềm hy vọng" và là một "mục tiêu" mà tất cả chúng ta, bất kể kẻ tu trì hay người ở ngoài xã hội phải hướng tới. Trong việc này thì tôi cho rằng không hẳn các linh mục hay tu sĩ có một điểm xuất phát thuận tiện hơn những người trong xã hội. Nhìn lại bản thân thì tôi nghĩ rằng, ngoại trừ những năm tôi chưa có trí khôn, còn những năm còn lại thì có lẽ tôi chưa bao giờ thấy mình là thánh thiện. Vẫn biết thế, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là Chúa vẫn muốn tôi làm chứng nhân cho Ngài.

Brisbane, QL ngày 25.11.2006

Hỏi chuyện bà cố

Hội dòng tại Úc sắp có thếm năm linh mục truyền giáo mới, trong đó có 3 người là gốc Việt. Hai người sẽ được tấn phong tại Brisbane vào cuối tuần này, còn 3 người còn lại sẽ được tấn phong hai tuần sau tại thành phố Melbourne. Một người anh em quê ở tỉnh Dak Nong có mẹ mới bay sang Úc để tham dự ngày lễ trọng đại nhất trong đời sống của con trai mình. Chúng tôi cùng nhau lái xe từ Sydney lên Brisbane để tham dự lễ, chuyến đi hơn 13 giờ đồng hồ.

Trên đường đi tôi hỏi chuyện bà cố:
- Bà cố đi đường xa có mệt không?
- Có gì mà mệt cha. Con đi như vậy cả tháng cũng được.
- Bà cố khoẻ vậy à?
- Con khoẻ lắm. Con có 12 đứa con, 6 trai 6 gái. Đứa nào cũng còn sống. Bây giờ mà ở nhà thì cũng đi làm rẩy. Làm cà phê đó cha.
- Bà cố cao tuổi rồi mà vẫn còn làm rẩy à? Sao bà cố không về hưu?
- Lúc nào mà con nhắm mắt xuôi tay thì lúc đó về hưu luôn cha.
- Vậy bà cố đã chuẩn bị lễ tạ ơn cho anh Tr. chưa?
- Chuẩn bị cả tháng rồi cha. Lên danh sách mời hết cả rồi.
- Bà cố dự định làm mấy mâm?
- 100.
- 100 mâm luôn. Nhiều vậy bà cố?
- Tại vì phải mời cả giáo xứ cha. 100 mâm thật ra cũng chưa đủ. Phải tới 150 mâm mới đủ.
- Giáo họ có tổ chức gì không?
- Có chứ. Ở chỗ con, giáo họ lúc nào cũng có tổ chức cho cha mới. Có cha kia vừa rồi họ đãi 80 mâm.
- Các cha mới được ưu đãi quá ha. Còn các seour thì sao?
- Các seour không được gì hết cha.
- Ủa, sao kỳ thị mấy seour vậy bà cố?
- Tại vì các seour chỗ con đi tu nhiều quá cha.
Nghĩ lại cũng tội nghiệp các seour thật. Các chị cũng dâng trọn đời cho Chúa, cũng làm việc đêm ngày để phục vụ Nước Trời, nhưng giáo dân vẫn luôn kính trọng các Cha hơn. Không biết đến lúc nào thì giáo họ, thay vì đãi 80 mâm cho cha mới, và 0 mâm cho seour khấn trọn đời, thì chỉ đãi 40 mâm mừng cha mới, và 40 mâm để mừng lễ khấn trọn đời của các seour.

Brisbane, QL ngày 24.11.2006