Câu chuyện sống nhanh



Một bạn trẻ nhắn tin cho mình trên Facebook nói rằng: - Thưa cha con có vấn đề nhờ cha khuyên bảo?

Mình hỏi: - Chuyện gì đó?

- Thưa cha con là người bên lương. Nhưng con có người yêu là người bên giáo.

- Hai người có vấn đề nhờ cha giúp đỡ hả?

- Vâng, thưa cha.

-Việc gì thế?

-Thưa cha, con mới biết được rằng con đã có bầu với người yêu của mình.

- Con có bầu được bao lâu rồi?

- Thưa cha, mới hơn một tháng.

- Vậy con muốn cha giúp con như thế nào?

- Cha có thể cho con biết con và người yêu phải làm như thế nào để làm phép cưới.

- Nếu con muốn gia nhập đạo thì phải học giáo lý dự tòng để lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức để gia nhập đạo. Bên cạnh đó con và người yêu phải học giáo lý hôn nhân trước khi lãnh nhận bí tích hôn phối.

- Phải mất bao lâu thưa cha?

- Chương trình bao lâu lệ thuộc vào mỗi lần học nhiều giờ hay ít giờ. Nó cũng tùy theo điều kiện thời giờ của cả người dạy lẫn người học nữa.

- Vậy bình thường cha dạy bao lâu?

- Cha chưa bao giờ dạy giáo lý dự tòng dưới sáu tháng. Còn giáo lý hôn nhân thì khoảng 2 tháng.

- Sao lâu vậy cha?

- Như vậy chưa phải là lâu đâu con. Thông thường cha dạy giáo lý dự tòng trong vòng một năm. Vì có đức tin không chỉ là học thuộc lòng một số tín điều hay đọc được một vài kinh. Gia nhập một tôn giáo có nhiều điều phải học hỏi. Ngoài ra,đức tin cần thời gian để được gieo mầm, để được phát triển, được thử thách và củng cố. Đức tin cần phải được sống và thử nghiệm thì ta mới có thể xác định được đức tin của mình là loại đức tin gì. Người học đạo cần có thời giờ để học hỏi, suy  gẫm, và quyết định xem mình có thực sự tin và muốn gia nhập tôn giáo này hay không?

- Thưa cha con hiểu. Nhưng trong trường hợp của con thì chắc như vậy không được.

- Vậy con muốn được như thế nào?

- Con muốn được làm lễ cưới trong vài tháng. Con nghe nói có nơi chỉ dạy vài tháng là xong.

- Ở đâu dạy nhanh thì cha không biết. Riêng cha thì cha nghĩ rằng ngoài việc dạy cho xong những bài học thì ai cũng cần thời gian để thấm nhuần những điều mình học. Theo đạo không phải là một cái thủ tục để hoàn tất cho xong mà là để tiếp nhận một căn tính và một lối sống mới.  Học để tin. Học để mến Chúa. Học để biết yêu tha nhân.

Bạn trẻ trên facebook nói với mình: - Con hiểu những điều cha nói. Nhưng như thế thì con phải chờ lâu quá cha à.

Câu chuyện về bạn trẻ nói trên là một trường hợp xảy ra không ít đối với nhiều người trẻ ngày nay. Họ thích sống vội, sống nhanh. Họ làm quen nhanh, bắt đầu yêu nhanh, và quan hệ nhanh, rồi có thai nhanh.  Sau khi phát hiện mình đã mang thai, họ muốn gia đình và giáo hội phải nhanh chóng giải quyết cho họ, để họ có một cái lễ cưới đàng hoàng, và có một đám cưới đẹp.

Trong lối sống nhanh sống vội, tìm hiểu cặn kẻ về nhau không quan trọng; chờ đợi và giúp nhau sống kiên nhẫn không quan trọng. Học đạo để hiểu đạo và sống đạo không quan trọng. Điều ta nhìn thấy là một thói quen sống nhanh, làm cho hậu quả đến nhanh, và tìm cách giải quyết nhanh. Nhưng không phải điều gì cũng có thể giải quyết nhanh được. Vì thế khi lựa chọn một lối sống nhanh thì mình cũng phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng có khi những giải quyết cho những suy nghĩ và hành động nông nổi của mình không thể nào đến nhanh như mình mong muốn.

Bangkok, ngày 29.9.2015  

Trả lời phỏng vấn về mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan




Hôm nay lần đầu tiên mình được phỏng vấn về mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan. Cuộc phỏng vấn được thực hiển bởi văn phòng truyền thông của Tông Giáo Phận Bangkok và sẽ được đăng tải trên trang web của TGP. Để nội dung của chương trình được phong phú và đầy đủ hơn, mình đã mời thêm chị Tâm và hai bạn trẻ Việt Nam đến tham gia và chia sẻ. Chị Tâm là một trong những thành viên của Ban điều hành Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan. Còn hai bạn trẻ đã làm việc tại Thái Lan vài năm nay nên cũng biết được tiếng Thái để có thể trả lời những câu hỏi của người làm chương trình.

Cuộc phỏng vấn là cơ hội để cho mình trình bày về tính chất của công việc mục vụ mà các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan đã làm trong suốt hơn 10 năm qua, và đặc biệt trong những năm trở lại đây. Mặc dầu mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan rất tích cực và phong phú, nhưng trên thực tế trong giáo hội địa phương chưa hiểu nhiều về công việc này và cũng không biết nhiều về đối tượng của mục vụ là các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan.

Trong quá trình trả lời phỏng vấn, mình đã chia sẻ về việc các linh mục tu sĩ Việt Nam đang cộng tác trong mục vụ di dân Việt Nam hầu hết là không phải được sai đến Thái Lan để làm công việc này, nhưng chỉ bắt đầu tham gia khi thấy có nhu cầu lớn mà số người để dấn thân trong mục vụ thì ít. Phía bên giáo hội địa phương không có bổ nhiệm người phụ trách mục vụ di dân Việt Nam một cách chính thức nên công việc mục vụ chủ yếu là trách nhiệm của các vị quản xứ. Nếu cha xứ nào thấy trong nhà thờ của mình có các bạn trẻ Việt Nam đến tham dự Thánh lễ mà quan tâm thì tìm cách tiếp cận và nâng đỡ. Nhiều cha xứ mặc dầu thấy có người trẻ Việt Nam đến đi lễ ở nhà thờ mình nhưng vì khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa, v.v. nên không thể giúp đỡ nhiều cho họ. Sự cộng tác của các linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan nhằm mục đích giúp các vị linh mục quản xứ địa phương có thể làm mục vụ cho giáo dân của mình là những người trẻ lao động di cư Việt Nam một cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đây không phải là sứ vụ mà các linh mục Việt Nam tại Thái Lan được hội dòng hoặc giáo hội địa phương giao phó một cách chính thức mà chỉ là công việc tình nguyện bên cạnh những trách nhiệm chính khác của mình.

Nói về sinh hoạt của Hiệp Hội, mình đã chia sẻ về quá trình mục vụ di dân Việt Nam được hình thành trong những năm đầu tiên cho đến nay là lúc mà đã có nhiều nhóm các bạn trẻ Việt Nam được thành lập và sinh hoạt thường xuyên trên khắp cả TGP Bangkok và các vùng lân cận.  Mình và chị Tâm đặc biệt nhấn mạnh về sự dấn thân của các bạn trẻ Việt Nam trong việc tham gia vào những vai trò làm lãnh đạo các nhóm, cũng như tham gia những sinh hoạt tâm linh, và sự cố gắng giữ đạo trong môi trường có nhiều thách đố trong cuộc sống cũng như không có những người lớn ở gần bên để nhắc nhở.

Hai bạn trẻ Trà My và Lý đã chia sẻ về niềm vui của mình khi được đi tham dự các Thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ để duy trì đời sống tâm linh và lấy Thánh lễ làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống hằng ngày. Thánh lễ không chỉ là cơ hội để gặp Chúa mỗi ngày Chúa Nhật mà còn là một dịp để gặp gỡ bạn bè thân quen để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Được bồi dưỡng về đời sống tâm linh hai bạn có nghị lực để phấn đấu làm việc, đóng góp cho kinh tế gia đình, và phần nào làm cho bố mẹ ở quê nhà bớt lo lằng khi con cái đi mưu sinh ở đất khách quê người.

Chị Tâm chia sẽ rằng không chỉ mình làm những việc này việc nọ giúp giới trẻ mà chính chị cũng nhận được rất nhiều từ các bạn trẻ, đó là tình thương, sự thân thiết, sự ấm cúng mà các bạn trẻ dành cho chị. Ngoài ra, nhìn vào sự hy sinh và lòng đạo đức của các bạn trẻ cũng là nguồn cảm hứng giúp chị thăng tiến hơn trong đời sống tâm linh của mình.

Trước những chia sẻ của mọi người, cô làm chương trình đã bày tỏ sự cảm kích sâu sắc vì khi nhìn lại bản thân cũng như nhìn vào thực trại của nhiều người giáo dân trong xã hội Thái Lan ngày nay thì có sự khác biệt rất nhiều về lòng đạo đức cũng như cách giữ đạo. Theo cô những gì được nghe hôm nay là những điều mới mẻ đối với cô về những bạn trẻ Việt Nam và rất đáng khâm phục.

Kết thúc cuộc phỏng vấn mình đã nói rằng mục đích chính yếu của mình khi đến Thái Lan là để truyền giáo. Công việc mục vụ cho người Việt Nam đã đến với mình một cách bất ngờ khi mình bước chân đến đất nước này. Mặc dầu mình dân thân trong mục vụ cho người trẻ Việt Nam, nhưng mình không bao giờ quên mục đích lớn hơn trong sứ vụ mà mình đã được trao phó. Mình tin rằng, mình đã và đang truyền giáo tại Thái Lan qua các bạn trẻ Việt Nam. Nếu mình có thể giúp cho các bạn trẻ Việt Nam sống đạo tốt, vững bền trong đức tin và trung tín với giới răn của Chúa, các bạn sẽ trở nên những chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người, kể cả người Kitô giáo cũng như Phật giáo tại Thái Lan. Và qua đó Nước Chúa sẽ được mở mang trên vùng đất Thái Lan. Vì thế mục vụ cho giới trẻ Việt Nam không đơn thuần là một công việc giúp cho các công nhân Việt Nam tại Thái Lan sống đạo tốt mà là một công cụ để rao giảng Tin Mừng của Chúa đến với những người bản xứ.

Bangkok, ngày 21.9.2015

Suy gẫm về cách sống trước tình trạng những cuốn hộ chiếu gặp nguy cơ phải “chết”


"Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" Mc. 9,35

Những ngày qua có một câu nói cứ lẩn quẩn trong đầu của tôi đó là câu “gần đất xa trời.” Tôi nghĩ về câu nói này không phải vì tôi đang gặp phải tình hình sức khỏe kém hay bệnh hoạn mà có lẽ vì tôi đang suy nghĩ về những cuốn hộ chiếu của các bạn trẻ lao động Việt Nam tại Thái Lan đang đối phó với nguy cơ bị “chết yểu” vì không thể đi gia hạn được như mọi khi.* Có người cảm thấy nuối tiếc vì họ đã cố gắng duy trì cho hộ chiếu “sống” những năm qua, mỗi tháng chịu khó bỏ ra cả chục giờ đồng hồ trên những chuyến xe đưa người đi “tò” ở các cửa khẩu giáp ranh giới Thái – Campuchia. Ai cũng lo sợ về tương lai và sự an toàn của mình trên đất Thái một khi cuốn hộ chiếu để giúp cho họ an tâm đi lại trên đường phố sẽ không còn hiệu lực nữa. Chính vì nỗi lo sợ đó mà nhiều người đành phải quyết định lên đường về quê cho dù biết rằng về nhà trong lúc này sẽ khó có được việc làm để có thu nhập ổn định. Ở quê hương mùa lũ sắp đến, có nơi đã bắt đầu.

Những ai chưa lên đường về quê thì cũng hàng ngày trông chờ thông tin đến từ người thân quen bạn bè về cách nào để làm cho hộ chiếu tiếp tục còn sống. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục tin nhắn cũng như những cuộc điện thoại đến từ các bạn muốn biết có tin gì mới có thể mang lại cho họ chút tia sáng hy vọng trước tình cảnh ngày càng căng thẳng và khó khăn. Nhưng tôi chưa có tin gì vui mang đến cho họ mặc dầu tôi cũng rất muốn được làm người mang tin vui đến cho người khác. Nhiều người gọi điện thoại đến các dịch vụ đưa người đi gia hạn hộ chiếu không thành công còn tự mình thuê xẻ để đi, nhưng cũng phải quay về mà trong hộ chiếu không có con dấu  mới. Có người đi lên sở di trú xin gia hạn thì cũng được chỉ 7  ngày mà phải trả gần 2.000 baht. Tối hôm nay tôi mới nghe một thông tin có dịch vụ đưa người đi gia hạn mãi trên cửa khẩu Muddahan với một lệ phí kỷ lục là 8.000 baht cho ba tháng. Nhưng tôi chưa xác định được thông tin này cũng như thắc mắc đây là loại visa kiểu gì mà tôi chưa từng nghe tới.

Hoàn cảnh bấp bênh của các bạn trẻ lao động Việt Nam và mọi cố gắng của họ để duy trì cho chiếc hộ chiếu khỏi phải chết làm chúng ta nhận ra rằng sự nỗ lực sinh tồn là vô cùng mãnh liệt trong cuộc sống con người. Không chỉ theo bản chất tự nhiên của con người khiến chúng ta luôn luôn muốn được tồn tại mà chúng ta còn được dạy và huấn luyện cách tốt nhất để ngăn cản tình trạng bị hủy diệt và tránh né cái chết. Dường như đó là thực tại của cuộc sống. Chúng ta luôn được huấn luyện về cách để sống nhưng chúng ta không bao giờ được dạy cách để chết. Một bác sĩ có trách nhiệm phải tìm ra mọi cách để giúp cho bệnh nhân tiếp tục duy trì cuộc sống vì đó là điều mà dường như ai cũng muốn. Có một  gia đình  người Thái rất giàu có. Họ có một đứa con trai duy nhất. Cách đây hơn một năm, đứa con trai này đòi cho bằng được một chiếc xe môtô mặc dầu trong nhà có nhiều chiếc xe hơi sang trọng mà cậu ta có thể lái. Vì muốn chiều con nên cha mẹ đành sắm cho chàng quý tử một chiếc môtô. Vừa có được chiếc xe, cậu ấm đem ra đường chạy thì bị tai nạn làm cho thân thể bị bại liệt và trở nên gần như là người thực vật. Nhưng vì gia đình có điều kiện nên họ quyết định tìm mọi phương pháp để điều trị cho con mình mà không hề tiếc tiền. Ngoài việc chạy thầy chạy thuốc, bố mẹ cậu còn mời cả linh mục lẫn nhà sư về để cầu nguyện cho đứa con mau được hồi phục.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta ý chí sống còn cũng mãnh liệt không kém, có lẽ vì bằng cách này hoặc cách khác, chúng ta luôn được dạy là phải sống, phải tồn tại. Tuy nhiên, xã hội thường dạy chúng ta một cách sống mà nhiều khi buộc chúng ta phải đánh mất những giá trị tốt lành, thậm chí đánh mất luôn cả linh hồn. Chính vì mục đích sống và tồn tại nên có khi chúng ta không kềm chế được bản thân khiến chúng ta chọn con đường gian lận và lừa dối. Cũng vì sự tồn tại nên chúng ta cạnh tranh và trở nên ghen tị khi nhìn thấy người khác được điều tốt hơn mình. Chính vì sự tồn tại mà chúng ta luôn muốn được làm người trên đưa mắt nhìn xuống người khác chứ không muốn làm người nhỏ bé phải phục tùng bất cứ ai.

Phấn đấu để sống là một điều quan trọng, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên học hỏi cách để chết. Chúa Giêsu đến trong thế giới không chỉ để sống nhưng còn để chết. Và Ngài đã chia sẻ cho các môn đệ biết rõ Ngài sẽ chết như thế nào trước khi sự việc sắp xảy ra. Ngài sẽ bị bắt bớ và sẽ bị người ta giết chết. Nhưng các môn đệ của Ngài không hiểu và dường như khôn quan tâm trước lời chia sẻ vô cùng quan trọng đó. Họ không quan tâm vì họ quá bận tâm với việc phải sống như thế nào? Họ tranh cải với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất và đáng được nhiều quyền lợi nhất.  Họ muốn biết ai sẽ có cuộc sống với nhiều điều tốt đẹp nhất trong ánh mắt của người đời.

Khi nghe các môn đệ tranh cải với nhau về điều  này, có lẽ Chúa Giêsu đã cảm thấy vô cùng buồn lòng. Ngài đã bỏ ra ba năm dài để dạy dỗ họ, chia sẻ với họ, trải qua bao nhiêu thăng trầm với họ. Nhưng đến giây phút này, trước mốc thời giờ quyết liệt nhất trong sứ vụ của Ngài, những con người mà chính Ngài đã lựa chọn để cộng tác và tiếp tục sứ vụ rao giảng Tinh Mừng dường như chưa thấu hiểu Ngài và chưa cảm nhận được tính chất thực sự của cuộc sống của một người môn đệ của Chúa.

Ngài đành phải dạy họ thêm lần nữa, giúp cho họ nhận ra rằng phẩm giá của con người không phải nằm nơi của cải vật chất, địa vì xã hội, hay quyền lực, mà nằm trong sự dấn thân phục vụ người khác. Người cao trọng nhất phải là người sẵn sàng làm cho mình trở nên bé mọn và thấp hèn nhất. Trong ánh mắt của người đời, ai được phục vụ là người cao trọng. Nhưng trong bậc thang giá trị của Thiên Chúa thì mọi thứ trở nên đảo ngược. Ai là người phục vụ nhiều nhất, phục vụ cách nhiện tình, phục vụ trong tin yêu, phục vụ vô vị lợi, người đó được Thiên Chúa cho trở nên người vĩ đại trong Nước Trời.

Một trong những bài học giá trị nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Ngài là bài học phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã thể hiện bài học này một cách sống động và đầy ấn tượng trong bữa tiệc ly khi ngài đã cúi đầu xuống để rửa chân cho các môn đệ của mình. Ngài cũng đã nhắc nhở họ hãy làm cho nhau như chính Ngài đã làm cho họ.

Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ như một bài học giúp cho các môn đệ cũng như cho chúng ta làm quen với cách chết – chết đi với cái tôi của mình, chết đi với những ham muốn về vật chất và thể xác, chết đi với những khát vọng quyền lực để thống trị người khác. Bài học phục vụ là dạy cho chúng ta chết đi với sự ghen tuông và cạnh tranh tiêu cực để dành về cho mình nhiều điều nhất có thể cho dù người khác sẽ bị mất mát và thiệt thòi. Và bài học phục vụ cũng chính là bài học giúp cho chúng ta sẵn sàng chết đi với những thứ trong đời này, nhưng lại mang đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Chúa Giêsu xuống trần thế không phải để sống mà là để chết. Ngài đã chết vì yêu thương và chết vì phục vụ. Chính vì thế mà Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh với một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để cho dù chúng ta không được người đời tôn vinh và trọng vọng trong đời này, nhưng chúng ta sẽ được Thiên Chúa nâng lên, được sống bên cạnh Ngài trong sự sống đời đời mai sau.

Bangkok, ngày 16.9.2015

* Do chính quyền Thái Lan xiết chặt các cửa khẩu nên người nước ngoài không thể đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng như nhiều người từng làm, trong đó có hầu hết các lao động Việt Nam bất hợp pháp. 

Các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan đang bồn chồn lo lắng

Hàng chục ngìn người theo dõi thông tin về tình trạng gia hạn hộ chiếu đối với công nhân Việt Nam tại Thái Lan trên trang facebook của mình.
Sau vụ nỗ bom tại Bangkok ngày 17.8.2015 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã trở nên vô cùng nghiêm khắc trong việc cho người nước ngoài đi gia hạn hộ chiếu ở các cửa khẩu quốc tế. Lý do là trong quá trình điều tra một trong hai nghi can đã bị bắt đã khai rằng anh ta vào Thái Lan bất hợp pháp bằng cách hối lộ cán bộ cửa khẩu gần 600 USD. Vì cho thấy rằng sự tham nhũng của ngành cảnh sát di trú là một trong những nguyên do đóng góp vào vụ nỗ bom gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trong cho đất nước Thái Lan nên chính quyền đã chỉ đạo tất cả cán bộ phải điều chỉnh cung cách làm việc.

Việc cảnh sát di trú Thái Lan không dám cho người nước ngoài ra vào Thái Lan một cách dễ dàng như trước đây, đồng thời không cho gia hạn hộ chiếu nhiều lần nếu không có lý do chính đáng đồng nghĩa với việc hàng chục ngìn công nhân Việt Nam đang cư trú tại Thái Lan không thể giữ cho hộ chiếu của mình hợp pháp bằng việc đi đóng dấu hàng tháng ở các cửa khẩu giáp ranh giới Thái - Là và Thái - Campuchia.

Những ngày qua cộng đồng công nhân Việt Nam vô cùng băn khoăn vì nhận được tin không thể gia hạn hộ chiếu nữa. Chỉ có những trường hợp qua Thái Lan lần đầu tiên hoặc qua Thái với một hộ chiếu mới thì mới được đi đóng dấu. Mỗi ngày mình nhận được vô số tin nhắn trên trang facebook cá nhân cũng như những cuộc điện thoại từ cá bạn trẻ hỏi han về tình hình và xin lời khuyên nên làm gì. Mình cũng cố gắng tìm hiểu những thông tin chính xác để cung cấp cho mọi người trên trang Facebook của mình. Nhưng không dễ gì để có thông tin vì đa số những nguồn thông tin thì cũng chỉ đến từ những cá nhân này cá nhân khác một cách không chính thức. Các thông tin cũng thường hay đối nghịch nhau nên cũng không dễ để xác định thông tin nào là chính xác.

Nghĩ về các bạn trẻ Việt Nam thấy rất đáng thương vì mỗi ngày có hàng ngìn người cần phải đi gia hạn hộ chiếu. Nếu không thì sẽ trở nên những người cư trú bất hợp pháp trên vương quốc Thái. Hôm nay mình đưa một bạn trẻ Việt Nam lên sở di trú tại Chaeng Wattana để xin gia hạn hộ chiếu vì bạn này cần ở lại Thái Lan để giải quyết vấn đề đòi bồi thường bảo hiểm cho người thân bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hộ chiếu cũng chỉ được gia hạn thêm 7 ngày trong khi phải trả một lệ phí rất cao là 1900 baht. Nhưng vì nhu cầu của công việc nên đành phải chấp nhận trả tiền để được gia hạn.

Tại sở di trú mình cũng thấy khoảng hơn chục công nhân Việt Nam cũng đến gia hạn và cũng chỉ được 7 ngày. Cán bộ sở di trú nói rằng đó là luật pháp của Thái Lan. Họ chỉ có quyền gia hạn cho 7 ngày nếu không nằm trong những trường hợp đặc biệt được luật xuất nhập cảnh ấn định.

Những ngày nay hàng ngìn công nhân Việt Nam đang phải đối phó với những quyết định cho cuộc sống của mình: Về Việt Nam, làm hộ chiếu mới rồi quay trở lại Thái Lan với hy vọng sẽ ở lại được vài tháng và tình hình sẽ trở nên thuận tiện hơn trong thời gian sắp tới; hay để cho hộ chiếu hết hạn và trở nên những người làm việc cũng như cư trú tại Thái Lan bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc có thể bị bắt bất cứ lúc nào cho dù là ở nơi làm việc, trong phòng trọ, hay khi đi lại trên đường phố.

Giờ đây mỗi công nhân Việt Nam tại Thái Lan đang ngóng chờ những thông tin thuận lợi hơn cho cuộc sống của họ. Những chưa có thông tin nào làm cho họ bớt lo lắng, và cũng không có gì thật sự giải quyết vấn đề để cho hoàn cảnh của họ trên đất nước Thái Lan trở nên ổn định và dễ dàng hơn. Bấy lâu nay họ sống và làm việc được trên đất Thái một phần nhờ vào những tiêu cực trong ngành cảnh sát di trú và địa phương, mặc dầu cũng phải chịu nhiều thiệt thòi đến từ hệ thống đầy tham nhũng. Tuy nhiên, nếu không có sự tham nhũng, nếu mọi thứ được làm theo luật pháp một cách nghiêm túc, thì công nhân Việt Nam cũng không thể sống và làm việc tại Thái Lan như hiện nay. Có tham nhũng cũng mệt, ngược lại không có tham nhũng cũng chết.

Giải quyết lâu dài và bền vững cho lao động Việt Nam tại Thái Lan là triển khai kế họach hợp tác lao động Thái - Việt một cách toàn diện và thuận tiện cho công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà kế họach cho dù đã được thông báo từ đầu năm vẫn còn trong quá trình đàm phán và chuẩn bị. Trong khí đó, hàng chục ngìn công nhân Việt Nam đang bồn chồn lo lắng không biết ngày mai mình sẽ phải làm gì trước tình cảnh khó khăn khiến cho mọi người đứng ngồi không yên.

Bangkok, ngày 14.9.2015

Thánh lễ Thái – Việt mừng 180 năm thành lập giáo xứ Thánh Phanxicô Xavier






Để tưởng nhớ về nguồn cội là một cộng đoàn giáo xứ bắt nguồn và lớn lên từ những người Việt di cư sang Thái Lan hơn 180 năm về trước để trốn hoàn cảnh bách hại tôn giáo tại tại Việt Nam, giáo xứ Thánh Phanxicô Xavier đã tổ chức một Thánh lễ Thái – Việt vào sáng Chúa Nhật, ngày 13.9.2015. Đây là một trong ba Thánh lễ long trọng được tổ chức trong hai ngày mừng bao gồm nhiều sinh hoạt như chương trình ca nhạc, triễn lãm, và tọa đàm. Thánh lễ chiều thứ bảy được chủ tế bởi ĐGM Vira Arpondratana (GP Chiangmai). Thánh chiều Chúa Nhật được chủ tế bởi ĐHY Francis Savier Kriengsak (TGP Bangkok). Riêng Thánh lễ Viêt-Thái thì chủ tế là cha Chalerm Kitmongkhon, một linh mục thuộc GP Chanthaburi có tổ tiên đã di cư đến Thái Lan khoảng 350 năm về trước. Tuy nhiên, cha Chalerm vẫn nói và đọc được tiếng Việt và có thể làm lễ bằng tiếng Việt. Đồng tế trong Thánh lễ có cha Withaya (Chanh xứ GX. Phanxicô Xavier) và cha Antôn Lê Đức, SVD.

Điểm nổi bật nhất trong Thánh lễ Thái-Việt là sự đóng góp của ca đoàn giới trẻ Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan. Các bạn trẻ thuộc nhóm Công giáo Việt Nam tại Samsen đã hy sinh nhiều tuần để tập hát những bài thánh ca cả tiếng Việt lẫn tiếng Thái để phục vụ trong Thánh lễ.

Mặc dầu sáng Chúa Nhật, giáo xứ vẫn tổ chức 3 Thánh lễ như mọi khi, nhưng Thánh lễ Thái-Việt đã tràn ngập người đến tham dự, ngoài mức dự tính của cha xứ. Không chỉ có giáo dân của giáo xứ mà còn có giáo dân người Thái gốc Việt từ các giáo xứ khác tại Bangkok cũng đến tham dự Thánh lễ.  Một số các bạn trẻ Việt Nam nghe tin về Thánh lễ cũng đã đến để chung vui trong ngày trong đại.

Bầu khi trong ngôi nhà cổ thứ 7 tại Thái Lan vô cùng ấm cúng và sốt sắng. Thánh lễ dường như không còn chỉ là một nghi thức tôn giáo mà là một ngày họp mặt đại gia đình với nhiều thế hệ khác nhau quy tụ lại để tạ ơn Chúa và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, đặc biệt là những người đã hy sinh mạng sống vì niềm tin vào Thiên Chúa, những người đã vất vả rời bỏ quê hương tìm đến mảnh đất tự do tại Thái Lan để tiếp tục hành trình đức tin và sống đạo, và những nhà truyền giáo qua nhiều thế hệ đã nỗ lực gieo rắc và củng cố đức tin Công giáo trên vùng đất Châu Á. Ngay bên trong nhà thờ Thánh Phanxicô Xavier có gần 10 nhà truyền giáo được chôn cất ở đó. 

Ca đoàn giới trẻ Việt Nam đã cất lên câu hát “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi…” để tung hô những vị cha ông cả trên đất nước Việt Nam và Thái Lan, cũng như kính nhớ thánh Phanxicô Xavier, vị thánh truyền giáo là quan thầy của giáo xứ.  Trong bài kết lễ, ca đoàn lại tiếp tục thông điệp và tinh thần rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới bằng bài hát tiếng Thái “Chúng ta hãy tiến bước”.

Sau Thánh lễ, mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Không gian cung thánh tràn ngập tiếng nói tiếng cười khi nhiều người đến gặp gỡ nhau, hỏi han bằng tiếng Thái lẫn tiếng Việt, và chụp hình lưu niệm với nhau. Người già chụp hình với người trẻ. Các cha chụp hình với giáo dân. Người Thái chụp hình với người Việt. Chưa bao giờ trong một nhà thờ ở Thái Lan có một sự việc tương tự xảy ra. Và chưa bao giờ có một Thánh lễ như hôm nay.  Trong một đức tin và hướng về một cội nguồn, những con người thuộc nhiều thế hệ nhiều hoàn cảnh sống khác nhau đã đến với nhau để gặp gỡ nhau và cùng Chúc tụng Chúa với hết cả tâm hồn của họ. Đây là một hình ảnh đẹp vô cùng khó quên. Đối với các bạn trẻ Việt Nam lần đầu tiên được mời tham gia trong một Thánh lễ mang nhiều ý nghĩa về tâm linh cũng như lịch sử, họ đã thật sự hạnh phúc khi những công sức và cố gắng của mình đã giúp tạo nên một Thánh lễ tuyệt vời và tràn đầy hồng ân của Chúa.

Bangkok, ngày 13.9.2015

Tiến thoái lưỡng nan


Sau khi dâng lễ xong, mình đứng trước nhà thờ để trò chuyện với các bạn trẻ. Người đến nói chuyện với mình là hai cô gái. Một trong hai bạn gái nói:

- Thưa cha hôm nay con đi lễ nhưng con không được rước lễ. Đã lâu rồi con đã không rước lễ cho dù con có đi lễ.

Mình hỏi: - Tại sao không rước lễ?

- Con không dám rước lễ vì con không có đi xưng tội.

- Thế sao không đi xưng tội để được rước lễ?

- Nếu con xưng tội sáng nay thì tối nay con sẽ phạm tội lại. Con biết trước như vậy nên con không đi xưng tội.

- Thế là mình đã biết trước mình không có dốc lòng chừa.

- Đúng rồi, thưa cha.

- Vậy tại sao không thể dốc lòng chừa?

- Vì công việc của con bắt con phải lừa đảo người ta con mới kiếm ra tiền.

- Thế à?

- Cha có cách nào để giải quyết vấn đề này không?

- Có. Đi tìm việc khác để làm, việc mà không đòi mình phải lừa đảo.

Hai người bạn trẻ không trả lời. Dường như rất khó để làm ăn một cách chân chính trong một xã hội mà buộc mình phải có mánh khóe và gian dối mới thăng tiến được. Nếu không dập tắt tiếng nói lương tâm thì không thể tồn tại, không thể đạt được những gì mình mong muốn. Áp lực của xã hội thời nay là thể. Nó dường như buộc con người phải bịt tai bịt mắt trước những điều sai trái mà bước tới. Có người đi quá xa đển nổi không biết đường để lùi lại. Tuy nhiên có khi ta cũng phải đặt cho mình câu hỏi: Bao nhiêu tiền mới gọi là đủ? Và có tiền có phải là có tất cả hay không?

Bangkok, ngày 10.9.2015

Gặp cảnh sát giao thông Thái


Chiều nay mình dâng lễ ở tỉnh Nakhon Pathom xong thì lái xe về nhà ở quận Dindaeng trong thành phố Bangkok. Mình không rành đường nên sử dùng công cụ chỉ đường của Google Maps. Khi đã vào trong thành phố, đi qua một chiếc cầu vượt thì máy định vị bảo quẹo trái qua đường Sri Ayutthaya. Khi vừa quẹo thì tức thì bị một ông cảnh sát giao thông bắt dừng lại. Nơi cảnh sát chực bắt người vi phạm là một gốc khuất không thể nào nhìn thấy  trước được. Chiếc xe trước mình xuống cầu quẹo trái cũng bị dừng lại như thế.

Ông cảnh sát dừng xe mình lại là một người cũng đã ngoài 50 tuổi. Mình bấm cửa kính xuống nhìn ông cảnh sát. Ông nói với mình: - Anh đi sai đường.

Mình tỏ ra bất ngờ: - Tôi đi sai thật à? Tôi không biết. Tôi đi làm lễ ở tỉnh Nakhon Pathom về. Tôi không rành đường nên tôi dùng cái máy định vị này.

Mình chỉ vào cái máy điện thoại đang đặt nơi khu vực vô lăng xe với công cụ chỉ đường đang mở. Mình nói thêm: - Tôi là linh mục bên đạo Công giáo. Tôi lần đầu tiên lái xe đi làm lễ ở nhà thờ ở tỉnh nên tôi không biết đường. Cái máy này chỉ sao tôi làm vậy thôi. Xin ông thông cảm cho tôi.

Mình cho ông xem cái thẻ linh mục của mình. Ông cảnh sát nhìn vào thẻ rồi nói: - Anh là bên đạo Kitô giáo à?

- Vâng! Tôi là linh mục Công giáo.

Ông cảnh sát tỏ ra nghiêm nghị nói: - Nhưng anh không thấy cái biển báo cấm quẹo trái đặt trên đường xuống cầu à?

- Tôi không có để ý vì tôi cứ chăm chăm nhìn vào cái máy định vị.

- Mà anh đang trên đường đi về đâu?

- Tôi đang trên đường về hướng nhà thờ Fatima ở Dindaeng.

- Đi nhà thờ Fatima thì anh đi thẳng cũng tới nơi.

- Vâng! Nhưng tôi không rành đường nên cái máy này nó nói sao tôi làm vậy.

- Vi phạm luật giao thông thì phải bị phạt.

- Vâng tôi hiểu. Nhưng tôi không cố ý đi sai. Chẳng qua là tôi không thấy cái biển cấm vì tôi chỉ nhìn vào cái máy. Ông cho tôi đi lần này nhé. Lần sau tôi sẽ nhớ để không lập lại.

Ông cảnh sát vẫn tỏ ra không mềm lòng. Với nét mặt nghiêm khắc ông nói: - Đi sai đường là bị bắt dừng lại. Mà đã bắt dừng lại rồi là phải bị phạt.

Nghe nói tới đó, mình cảm thấy hết hy vọng được ông cảnh sát tha cho. Mình vừa chuẩn bị lấy cái bằng lái xe để đưa cho ông lập biên bản phạt thì ông ta phán thêm một câu: Đi đi!

Thế là mình nhanh chóng cảm ơn ông cảnh sát rồi đi luôn. Hóa ra ông ta làm nét mặt nghiêm nghị chỉ để hù mình. Cuối cùng ông cũng tha cho mình. Nhưng trước khi tha cũng phải dọa phạt xong rồi mới chịu cho đi. Ông cảnh sát giao thông này vui tính thật.

Những điều rút ra từ kinh nghiệm này là: 1) Đừng ỷ lại máy định vì vì cũng có lúc nó chỉ mình đi sai đường; 2) Thẻ linh mục Công giáo cũng rất bổ ích cho dù là trên đất nước mà 95% người dân là Phật giáo; 3) Cảnh sát giao thông Thái Lan có người rất tốt bụng.

Bangkok, ngày 6.9.2015