Bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa


Từ khi mình dọn về ký túc xã của trường đại học để ở trong thời gian học tập, mình đã được một giáo dân người Thái  tặng cho một bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa đã được đóng khung. Khi tặng bức ảnh cho mình, người tặng bảo mình chọn kích cở ảnh mà mình muốn vì có ba loại khác nhau: nhỏ, vừa, và to. Suy đi nghĩ lại mình đã chọn hình cở nhỏ vì phòng của mình cũng không rộng lắm. Khi đem ảnh về, vì trong phòng không được phép đóng đinh trên tường nên mình quyết định đặt tượng trên giá sách.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ảnh Lòng Thương Xót Chúa này đã nhiều lần trở nên một trong những thứ mà mình phải bỏ vào túi sách để mang theo phục vụ cho việc làm những bàn thờ lưu động, đặc biệt là những bàn thờ để đọc kinh cầu cho linh hồn của các bạn trẻ Việt Nam qua đời tại Thái Lan.

Khác với những giáo dân người Thái, khi họ qua đời thì được đưa đến nhà thờ để tổ chức các chương trình đọc kinh và thánh lễ cầu hồn trước khi đưa đi chôn cất. Còn đối với các bạn trẻ Việt Nam thì không có cơ hội để làm điều đó. Cho dù chết vì bị tai nạn hay là bệnh tật thì sau khi thi thể được đưa đến bệnh viện để làm những công việc cần thiết để xác định nguyên nhân tử vong, thì người thân luôn tranh thủ thời gian tối đa để di chuyển thi hài về quê hương cho việc chôn cất. Điều này có thể thực hiện được trong vòng hai ngày trước khi chiếc xe chuyên chở thi hài lăn bánh rời Thái Lan để về Việt Nam qua đường các cửa khẩu Thái Lan, Lào, và Việt Nam.

Chính vì thế mà khi mình đến cử hành những nghi thức đọc kinh hoặc làm phép xác thì mình luôn mang bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa này theo để đặt bên cạnh quan tài hoặc ở một nơi thuận tiện cho mọi người hướng về để cầu nguyện và cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa ngay cả trong những lúc đau khổ nhất trong cuộc sống của con người. Cho dầu đó là một không gian trong khu vực nhà xác phía sau bệnh viện luộm thuộm và thiếu trang nghiêm với những quan tài và những chiếc xe đẩy để đặt xác người thì khi có ảnh Lòng Thương Xót Chúa ở đó, mọi thứ đều cảm thấy linh thiêng hơn. Có khi là một căn phòng được chưng đầy tượng ảnh Đức Phật và các vị sư Phật Giáo, nhưng một khi nhìn về ảnh Lòng Thương Xót Chúa, tất cả đều trở nên gần gũi và ấm cúng hơn. Những tia sáng màu trắng và màu đỏ tỏa ra từ trái tim của Chúa Giêsu dường như thu hút tâm hồn của mỗi người vào trong tình yêu bao la dạt dào của Ngài. Và như thế, cái mùi ẩm thấp của khu vực nhà xác cùng với cái sự thiếu ngăn nắp của đồ vật xung quanh đều như không còn làm cho ai bị phân tâm. Có sự hiện diện của ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một căn phòng bề bộn cũng có thể trở nên một không gian linh thiêng, và tình thương của Ngài tràn ngập tâm hồn của người đã mất cũng như những người còn lại đang quay quần chung quanh.

Bangkok, ngày 29.11.2014

 

Chuyến cuối ngày


Cách đây vài đêm, một bạn trẻ từ Việt Nam nhắn tin cho mình chia sẻ rằng bạn từng tham gia trong nhóm cái nghiện ma túy mà mình từng giúp đỡ thời gian thực tập tại Việt Nam. Hiện nay, bạn đã bỏ được ma túy. Nhưng thời gian của bạn không còn dài nữa. Bạn nói rằng chính trong đêm ấy bạn sẽ ra đi vì căn bệnh ung thu dạ dày đã đến giai đoạn cuối. Những ngày qua, bạn đã buông thuốc và sẵn sàng để ra đi vào ngày trùng hợp với ngày sinh nhật của mình.

Bạn nói rằng bạn là người bên lương, nhưng thời gian tham gia chương trình cai nghiện bạn đã học hỏi được nhiều điều về đạo. Bạn ao ước được rửa tội trước khi bạn ra đi, nhưng không thể làm điều đó vì sợ cha mẹ buồn. Mình nói có thể nhờ ai quen biết là người Công giáo đến nhà rửa tội cho mình trong giờ phút cuối không? Bạn nói không thể vì cả nhà sẽ biết. Bạn xin mình rửa tội cho bạn qua mạng. Mình nói không thể được vì giáo hội không cho phép. Mình khuyên bạn hãy cầu nguyện và bày tỏ lòng ao ước đó với Chúa để được rửa tội bằng lửa (lòng ao ước). Bạn nói sẽ làm như thế và cảm thấy an tâm hơn sau khi nghe điều đó.

Đến gần 12h đêm, bạn chào mình để viết vài dòng tâm sự đến gia đình khi còn có chút thời giờ. Mình chúc lành cho bạn. Sau đó mình đi ngủ.

Sáng hôm sau, mình thức giậy, mở trang facebook của bạn ấy ra, nhưng trang facebook đã bị xóa. Nếu bạn ấy đã ra đi thì xin Chúa và Mẹ Maria hãy đón nhận bạn vào trong bàn tay yêu thương của Ngài. Mình đã hỏi bạn ấy muốn chọn tên thánh gì. Bạn ấy trả lời: - Con chọn thánh Micae.
 
Bangkok, ngày 26.11.2014

Nhìn lại một quãng đường (2013)



Sau những tháng được nhà dòng cho nghỉ phép để về Hoa Kỳ thăm gia đình theo định kỳ 3 năm một lần, mình trở lại Thái Lan và bắt đầu một cuộc hành trình mới tại Bangkok. Sau 5 năm làm một “ông cha xứ” ở một tỉnh lẻ thì sứ vụ cũng đã đưa mình trở lại với thành phố thủ đô náo nhiệt và tấp nập. Mình vốn là người dễ thích nghi với môi trường mới nên việc trở lại với đời sống thành thị cũng không mấy khó khăn.  Tại Bangkok, mình đã chuyển từ một cha xứ thành một sinh viên, ngày ngày lên giảng đường hoặc vùi đầu vào máy vi tính để tìm kiếm hoặc đọc những tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu. Nơi mình học là trường đại học Công giáo Assumption University, một trường có tiếng tại Thái Lan. Tuy nhiên đối với kinh nghiệm từng học tại Hoa Kỳ thì chất lượng ở đây không thể nào so sánh được. Có nhiều người hỏi tại sao mình không chọn sang Úc hoặc trở lại Mỹ để học mà lại quyết định học tại Thái Lan. Nói cho cùng thì bằng cấp, cho dù là bằng tiến sĩ mà xuất phát từ Thái Lan thì không thể nào bằng một cái bằng được cấp ở Hoa Kỳ được. Mình cũng biết điều đó, nhưng mình đã chọn ở lại Thái Lan để học là vì mình nghiên cứu về Phật giáo. Mà nghiên cứu về Phật giáo thì nên ở trong môi trường Phật giáo để dễ dàng có được những kinh nghiệm mà ở nước ngoài không thể nào có được. Ở nước ngoài có thể có những giáo sư giỏi, và sách vở nghiên cứu trong thư viện thì không thiếu. Nhưng cái thiếu là cái kinh nghiệm thực tế của đời sống trong xã hội mà 95 phần trăm người dân tự xưng mình là Phật giáo.
Trở về Bangkok mình cũng trở lại với mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam tại đây. Mặc dầu thời gian ở vùng đông bắc Thái Lan mình vẫn có những lần xuống Bangkok để dâng lễ cho các bạn trẻ Việt Nam vào những dịp lễ lớn, nhưng những cơ hội như thế cũng không được nhiều. Vì thế một số bạn trẻ Việt Nam mới qua Thái sau này cứ tưởng mình mới đến Thái Lan, không ngờ mình đã phục vụ ở nước này được nhiều năm rồi. Kể từ khi mình rời Bangkok thì mục vụ cho các bạn lao động di dân Việt Nam có phần thăng tiến hơn với sự hiện diện của các cha dòng Đaminh, đặc biệt là cha Vũ Văn Hanh. Ngài đã đi thăm viếng nhiều nhóm bạn trẻ và dần dần giúp cho các bạn lập nhóm và có những thánh lễ hàng tháng. Là một người cởi mở, giản dị, và hòa đồng, ngài nhận được cảm tình của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Từ năm 2013, cha Hanh cũng đã nhận chức linh hướng của Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, chức vụ mà trước đây mình đảm nhiệm. Nhưng vì mình ở xa Bangkok nên cũng không làm được nhiều trong vai trò này. Có cha Hanh trong vai trò linh hướng, mình đảm nhận trách nhiệm làm thư ký cho Hiệp Hội và cộng tác với ngài cũng như các linh mục  và các seour trong việc chăm sóc các con em Việt Nam đang mưu sinh trên đất khách quê người. Và như thế mục vụ cho giới trẻ Việt Nam trong thời gian này phát triển thật nhanh. Có nhiều nhóm được thành lập với những thánh lễ hàng tháng. Đến cuối năm 2013 thì có tới 11 nhóm đã được thành lập khắp TGP Bangkok và vùng lân cận.  Và đà phát triển tiếp tục sang năm 2014. Nhưng  thánh ý của Thiên Chúa thì luôn khác với suy nghĩ của con người, và những dự định của Hiệp Hội, của cha Hanh, và của chính mình cũng phải thay đổi vì cuộc sống luôn có những biến cố bất ngờ mà không ai có thể lường trước được.