Thuyết trình về Phật giáo



Làm một linh mục thì mình cũng không xa lạ gì với việc phải nói trước nhiều người. Thời gian qua mình cũng đã có cơ hội phát biểu ở nhiều nơi. Nhưng tuần vừa rồi là lần đầu tiên mình thuyết trình với tư cách là một “nhà nghiên cứu” trong một chương trình hội thảo quốc tế về tôn giáo, văn hóa và giá trị môi trường trong vùng ASEAN. Chương trình được tổ chức dưới sự hợp tác giữa trường đại học Assumption Thái Lan và một tổ chức nước ngoài. Trong chương trình có những bài thuyết trình của các tri thức đến từ các nước trong vùng như Indonesia và Phi Luật Tân. Cách đây gần sáu tháng mình đã nhận được lời mời từ giáo sư Roman Meinhold là người chịu trách nhiệm tổ chức chương trình để có một bài tham luận liên quan đến chủ đề cuộc hội thảo. Mình đã nhận lời và xem đây như là một thách thức quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Thách đố lại lớn hơn khi đề tài của mình liên quan đến Phật giáo và đạo đức môi trường chứ không phải một đề tài liên quan đến Kitô giáo. Vì mình là một linh mục Công giáo nghiên cứu về Phật giáo nên mình phải thực hiện bài tham luận một cách nghiêm túc để tránh bị chỉ trích là thiếu hiểu biết hoặc nông cạn.

Vì mình đã có một quá trình chuẩn bị tương đối kỷ lưỡng nên bài tham luận của mình đã được đón nhận với những lời phản hồi tốt. Có người thì nói là do đề tài mang tính học thuật cao nên họ cũng không hiểu hết những gì mình trình bày. Tuy nhiên đối với nhiều người khác thì họ đánh giá bài mình tốt ở sự sâu sắc trong ý tưởng. Một vị giáo sư từ Pháp nói với mình rằng, “Rõ ràng là anh am hiểu về đề tài mà anh đã trình bày.” Mình  nghe lờ nhận xét của ông thì cảm thấy rất phấn chấn vì đối với một nhà nghiên cứu điều quan trọng nhất là sự am hiểu. Cha Jon, một linh mục người Đức đang phục vụ tại Bangkok, sau khi nghe bài tham luận của mình cũng đã có nhiều lời khen làm mình rất vui. Nhưng điều đáng mừng trên hết là trong số những người tham dự chương trình có các vị sư và những người Phật giáo, nhưng không ai phản đối những gì mình trình bày. Chỉ có một vị sư dường như chưa hiểu một phần trong bài của mình, đã đứng lên phát biểu và mình đã giải thích lại những gì mình nói để cho ngài được rõ.   

Vạn sự khởi đầu nan. Để làm một nhà nghiên cứu đòi hỏi nhiều sự đầu tư về thời giờ cũng như chất xám, và luôn nhờ vào ơn Chúa. Như mọi khi trước khi lên đứng nói trước đám đông, mình luôn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, và sau khi làm xong việc thì mình lại cảm tạ Chúa. Lần này cũng thế. Mình đã không quên cầu xin sự phù trợ khi phải ra thuyết trình về Phật giáo. Và mình cũng đã không quên cảm tạ Chúa vì Ngài đã giúp mình làm tốt công việc mình đã đảm nhận.

Bangkok, ngày 22.9.2014

Dâng lễ thời kỹ thuật số

Hôm nay mình đi dâng lễ cho nhóm các bạn trẻ Việt Nam tại huyện Petriu, tỉnh Chachaeongsao, cách Bangkok khoảng 60 km. Mình đã từng đến đây dâng lễ vài lần. Ở đây có một nhóm các bạn trẻ Việt Nam sinh sống. Vì có lòng đạo đức nên các bạn thường tổ chức các Thánh lễ tiếng Việt cho nhóm với chủ tế là các cha đến từ Thái Lan cũng như các linh mục từ quê nhà qua thăm viếng. Mình đã từng đến đây dâng lễ vài lần. Trước lễ, mình ngồi giải tội cho các bạn. Trong khi đang ngồi giải tội, mình nhìn lên bàn thờ thì thấy không có sách lễ. Mình liền hỏi bạn Trung, một trong những người lãnh đạo trong nhóm xem có sách lễ không thì được cho biết là nhóm chưa có sách lễ. Đúng là vậy. Những lần trước đây mình đến dâng lễ cho nhóm cũng không có sách lễ. Lần trước mình đồng tế với cha Toàn thì cũng dùng cái Samsung Note của cha Toàn. Nhưng hôm nay khi rời khỏi nhà mình quên hẳn về chuyện này vì thời gian này, tất cả các nhóm nơi mình đi dâng lễ đều có sách lễ của nhóm. Tuy nhiên, vì nhóm các bạn ở Petliu chỉ là một nhóm mang tính “tự phát” nên các bạn chưa có đầy đủ những “dụng cụ” cho việc tổ chức thánh lễ.

Với tình huống như thế thì chỉ có một cách – dùng Ipad. Nhưng tiếc thay, trong số bạn trẻ đến tham dự lễ không có ai mang theo Ipad. Trung nói với mình là có thể dùng điện thoại. Màn hình không to lắm, nhưng cũng đủ to để đọc. Thế là lần đầu tiên trong đời mình dâng Thánh lễ Chúa Nhật mà những sách dùng trong lễ là những chiếc điện thoại di động có nối kết mạng để tải các phần cần thiết cho Thánh lễ. Chiếc Samsung dùng cho nghi thức Thánh Lễ. Đối với các lời nguyện trong Thánh lễ mình lại dùng chiếc điện thoại LG của mình. Còn bài Tin Mừng thì được chuẩn bị sẵn trong chiếc Iphone của một bạn khác. Thế là toàn bộ Thánh lễ được phụ vụ bằng ba chiếc điện thoại Samsung, LG và Iphone.

Tuy thiếu phần long trọng vì không có những quyển sách lễ hẳn hoi, nhưng mình và các bạn trẻ cũng đã có một Thánh lễ sốt sắng. Trong nghi thức Thánh thể, tất cả các bạn trẻ đã quay quần xung quanh bàn thờ để được gần gũi với Chúa Giêsu trong Bánh và Rượu Thánh. Và trong kinh Lạy Cha, các bạn đã nắm tay nhau để đọc lên lời nguyện mà Chúa Giesu đã dạy cho chúng ta để thể hiện tình liên đới là những người anh em trong cùng một đức tin. Đa số các bạn trẻ đã được chịu lễ trong Thánh lễ hôm nay. Thật vậy, cho dù mọi sự không được như ý muốn, nhưng đó cũng chỉ là những phương tiện. Điều quan trọng là ta sẵn sàng nâng tâm hồn lên tới Chúa và mở lòng để đón nhận Ngài vào trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm lần này thì các bạn trong nhóm cũng đã nhất trí sẽ phải "sắm" cho mình một bộ sách lễ để tránh phải quá lạm dụng kỹ thuật số ngày nay.

Bangkok, ngày 21.9.2014

1 giấc mơ, 1 người qua đời, 1 cô gái khóc, 2 chàng thanh niên và 3 con cá sống


Gần một giờ sáng mình giật mình thức dậy từ một giấc mơ lạ. Để khỏi quên nội dung của giấc mơ, mình ghi lại những điểm chính trên chiếc Ipad, rồi nhắm mắt cố tìm lại giấc ngủ để rồi lại mơ mình thoát chết trong một trận bão gió xoáy thật khủng khiếp. Nhưng đó là một giấc mơ khác. Còn giấc mơ mà mình muốn chia sẻ thì như sau.

Mình đang ngồi trong một lớp học mà mình là một trong những học viên. Lớp học có khoảng 15 người, ai cũng ở tuổi trưởng thành. Trong lớp học có cả đàn ông lẫn đàn bà, người Tây cũng như người Á đông. Khi lớp học bắt đầu một người trong lớp nói với mình là nhà anh ta có người mới qua đời. Người đó trong lớp mọi người đều biết. Anh ta nhờ mình làm một chương trình cầu nguyện ngay trong lớp. Anh ta nói những lời cầu có trong quyển hộ chiếu của mỗi người. Nhưng đến khi mở hộ chiếu ra để cầu nguyện thì trong hộ chiếu chỉ có những văn từ hành chánh và những con dấu hải quan. Chẳng thấy chỗ nào có lời nguyện gì cả. Khi đó mình cảm thấy thật bối rối.

Sau một vài giây phút lúng túng thì mình kêu mọi người cất bỏ hộ chiếu đi và chúng ta sẽ cầu nguyện theo hình thức tự phát. Mình mời mọi người nhắm mắt lại và nói những lời dẫn để hướng tất cả vào tâm tình cầu nguyện cho  người đã ra đi. Nhưng lạ thay, trong khi mình đang cố nói những lời tâm tình thì từ hàng ghế trước lại phát ra những tiếng động, tiếng nói xì-xào, và còn tiếng cười mĩa mai. Mình mở mắt ra thì thấy ở hàng ghế đó có hai ba cô gái người Á đông tỏ ra không mấy hài lòng với việc cầu nguyện. Họ không chỉ không làm theo mọi người mà con có những cử chỉ quấy rối và làm cho mình chia trí. Một cố gái tỏ ra rất hung hăng với mình. Mình cảm thấy rất bất bình với thái độ và hành động của họ. Sau khi mình yêu cầu họ giữ trật tự để có thể làm chương trình cầu nguyện nhưng bất thành, mình đành nói với họ rằng: - Nếu quý vị không thấy tham gia được thì tốt nhất là ra bên ngoài một lúc rồi hãy trở lại sau khi cầu nguyện xong.

Mặc dầu bị phân tâm rất nhiều bởi thái độ của một số người trong lớp, nhưng mình cũng đã hoàn tất chương trình cầu nguyện cho người đã ra đi. Cũng như mọi khi, phần cuối cùng là phần ban phép lành. Lúc đó mọi người đã trở lại phòng học. Vì thấy trong phòng có những người có thái độ không mấy thiện chí nên mình nói rằng: - Nếu quý vị quan tâm thì giờ đây nhân danh một vị linh mục tôi sẽ ban phép lành cho quý vị. Một vài người trong phòng gật đầu. Một số người tỏ ra bàng quang.

Khi đó mình thấy có người chạm cánh tay mình. Mình nhìn qua thấy người chạm tay là cô gái người Á Đông lúc nãy ngồi ở hàng ghế trước. Mắt cô ướt nhoèn. Cô đang khóc. Cô nói: - Tôi quan tâm. Xin cha ban phép lành cho tôi nữa.

Lúc đó mình đang còn tự ái vì hành động của cô ta trước đó nên gằn giọng nói: - Tôi nghĩ cô không quan tâm đâu.

Cô ta đưa tay lau nước mắt khẳng định: - Thưa cha tôi quan tâm thật. Lúc nãy khi mọi người bên trong đang cầu nguyện, tôi đứng bên ngoài lắng nghe, và bắt đầu suy nghĩ lại. Tôi biết tôi đã sai khi có thái độ thiếu tôn trọng với cha. Tôi xin lỗi cha.

Mình ban phép lành cho mọi người trong phòng, vừa làm hành động Thánh giá vừa nói: - Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha, và Con, và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Giờ cầu  nguyện xong, mọi người trở nên vui vẻ hơn. Một nhóm ba bốn người phụ nữ ngồi ở trước cửa phòng học bắt đầu hát thánh ca, trong đó có cả cô gái hung hăng lúc nãy. Họ hát bài Alleluia. Mình tới ngồi bên cạnh và cùng hát với họ.

Trong giấc mơ, khung cảnh phòng học trở nên một cái sân nằm bên cạnh một bến thuyến. Hai anh chàng thanh niên trong nhóm học viên ra bờ biển để kéo ghe của mình vào. Họ có ba chiếc ghe nhỏ có đặt lưới phía dưới để bắt cá. Ba chiếc ghe được nối nhau bằng một sợ giây thừng. Một chiếc thả gần bờ. Chiếc thứ hai xa hơn, và chiếc thứ ba xa hơn nữa.

Hai thanh niên kéo ghe của mình vào để xem có cá mắc trong lưới không. Một người làm trách nhiệm kéo ghe, người kia kiểm soát lưới để xem kết quả. Khi chiếc thứ nhất vào thì không thấy con cá nào cả. Chàng thanh niên tỏ ra thất vọng. Đến chiếc thứ hai thì thấy trong lưới có một con cá khá to. Nó vẫn còn vùng vẫy. Chàng thanh niên nói: - Có được một con còn sống.

Đến lượt chiếc ghe thứ ba được kéo vào thì trong lưới thấy có hai con cá cở vừa, không to lắm. Nhưng cả hai con cũng vẫn còn sống. Chàng thanh niên mỉm cười, bắt hai con cá nhỏ bỏ chung vào cái thùng với con cá lớn. Hai thanh niên kéo ba chiếc ghe về nhà. Mặc dầu hôm nay họ không bắt được nhiều cá như mong muốn, nhưng họ cảm thấy vui khi cả ba con bắt được đều còn sống.

Mình nhìn theo hai người thanh niên đang ra về với ba chiếc ghe. Và cũng trong lúc ấy mình tĩnh giấc, nhớ lại mình đang nằm trong phòng ngủ. Mình ôn lại giấc mơ và cố suy nghĩ về ý nghĩa của nó.

Phải chăng câu chuyện trong giấc mơ nhắc nhở mình rằng trong một đám đông nếu mình chỉ giúp cho một người hoán cải cũng đã tốt đẹp. Và trong một biển cả rộng mênh mong với vô số con cá lớn bé, chỉ bắt được 3 con cũng đã là một sự thành công. Thành tích không nằm ở số lượng hay sự hoành tráng, mà ở nơi sự khiêm tốn và chân thành trong lời nói và việc làm. Thành công là biết vui với những gì mình có được và biết nhận ra giá trị của nó trong đời sống của mình.

Bangkok, ngày 15.9.2014

Nhật ký sáng Chúa Nhật

Cũng đã vài tuần rồi không viết nhật ký. Sáng nay Chúa Nhật có ít giờ rảnh rỗi trước khi đi dâng lễ nên mở nhạc nghe, pha một ly trà rồi viết. Viết mà trong đầu không có đề tài. Viết theo dòng chảy của tâm trí. Đầu óc thoải mái hơn khi viết thế này. Những ngày qua toàn viết theo kiểu phải nặn óc để suy luận vì viết bài nghiên cứu về ý nghĩa của lý Thập Nhị Nhân Duyên trong Phật giáo thời tiên khởi và sự liên quan đến đạo đức môi trường. May là viết bằng tiếng Anh chứ còn nếu phải viết bằng tiếng Việt thì chịu thua. Ngay cả cái chữ “Thập Nhị Nhân Duyên” thì cũng phải tra từ điển mới biết chứ trong đời chưa bao giờ nghe tới cụm từ này. Mà nghe rồi thì cũng chỉ biết là nó như vậy chứ trình độ Hán Việt của mình thì chả đủ để phân tích từng chữ trong cụm từ có nghĩa là gì. Kém thế đó. Vốn từ tiếng Việt ít nên nhiều khi cũng khó, đặc biệt là khi phải giảng lễ hay phát biểu trước nhiều người. Mà thôi nhiều khi vốn từ ít nó cũng có cái lợi. Không hoa mỹ thì nói đơn giản, nói thẳng thắn. Nhiều khi nói văn chương quá cũng bị cho là giả tạo và kiểu cách.
Mà mỗi người thì không cách này cũng cách khác. Mình thuộc dạng nếu thấy bạn trẻ nào đứng trước nhà thờ mà hút thuốc là nhắc nhở liền. Có bạn mới đi lễ lần đầu chưa biết mình khi bị nhắc cũng có chút phản ứng, tưởng “thằng” nào mà dám tới nói tao. Vì thế nên ai cũng nói cha Đức nghiêm. Ngay có bạn chưa bao giờ gặp mình, mới chỉ thấy hình trên mạng mà cũng nói là nhìn cha nghiêm. Có một bạn ở bên Sài Gòn nhắn tin nói, thấy cha nghiêm quá nên con chỉ dám nhắn tin chúc cha ngủ ngon chứ không dám nói gì thêm. Khiếp thật. Không ngờ mình toát lên sự nghiêm nghị đến nỗi cảm nhận được qua facebook bất kể bao nhiêu tấm hình được đăng lên toàn là nở nụ cười chất chứa sự thân thiện.
Mà có lẽ đó cũng là sự chủ ý. Ai cũng phải thể hiện một chút cái uy để bảo đảm mình được người khác tôn trọng. Cái đó gọi là cái lòng tự cao tự đại trong mỗi con người. Các linh mục cũng hay vấp phải tình trạng này. Làm linh mục nhiều khi cũng giống như làm quan. Mà làm quan thì phải cho người ta kính nể và thỉnh thoảng phải biết sợ mình nữa. Làm linh mục nếu không được giáo dân thương mến thì ít nhất cũng phải được giáo dân kính sợ. Nhiều linh mục chỉ biết chọn một trong hai tình trạng. Một số ít biết cách đạt được cả hai. Mình đang tìm cách đạt được cả hai, nhưng chưa mấy thành công. Nhưng nghĩ lại thì thời gian cũng còn dài. Học hỏi thêm, thu góp kinh nghiệm thêm, nghiệm ra được nhiều điều hay, rồi mình sẽ khôn ngoan hơn.
Bangkok, ngày 14.9.2014