Giải tội theo kiểu 'mì ăn liền'?
Tối hôm qua, tôi có dịp 'đàm đạo' với anh Đ. một ngưòi mà tôi mới làm quen thời gian gần đây. Anh chia sẻ:
- Mười mấy năm rồi mình không đi xưng tội. Mình không đi không phải vì mình không dám nói lên những gì thầm kín với một người khác. Cũng không phải vì mình sống bê tha, vô đạo đức làm cho mình ngại bước vào toà giải tội. Nhưng mình thấy có những lần đến xưng tội, mình gặp ông cha, mình đưa ra những vấn đề trong đời sống của mình, những câu hỏi mình có. Nhưng ông cha cứ bác, bắt mình chỉ khai những tội gì mình đã phạm và bao nhiêu lần, để ông cho mấy kinh đọc để đền tội rồi ban phép tha tội. Khi mình bước ra khỏi toà giải tội, mình chẳng cảm thấy bình an hay nhẹ nhỏm hơn. Mình nghĩ nếu như vậy thì tại sao mình không chia sẻ với người bạn nào đó, hay trực tiếp với Chúa để được tha thứ. Như thế mà mình cảm thấy dễ chịu hơn.
Nghe anh Đ. chia sẻ, tôi rất thông cảm với kinh nghiệm của anh vì chính tôi cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm tương tự trong toà giải tội.
- Em thấy kinh nghiệm của anh giống rất nhiều người. Điều này rất đáng tiếc vì các linh mục có cách làm việc khô khan như vậy thì bỏ qua rất nhiều cơ hội để giúp đỡ người giáo dân trong các trường hợp rất đặc biệt. Anh có thể ngồi chia sẻ với một người bạn hay nói trực tiếp với Chúa, nhưng vị linh mục không chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng còn là đại diện cho một cộng đồng. Vì thế khi vị linh mục đó ban phép giải tội cho anh, việc ấy mang rất nhiều ý nghĩa.
Anh Đ. cắt lời và hỏi tiếp:
- Vậy theo cha thì một ông cha nên như thế nào trong toà giải tội?
- Anh là người làm ăn nên em nói như thế này có thể anh sẽ đồng cảm. Trong việc giao tiếp với khách hàng trong qua trình thương lượng và ký hợp đồng, nếu anh biết cách cư xử với khách hàng thì sau khi xong việc, họ sẽ ra về với tâm trạng thoải mái. Họ không thấy công sức và thời gian của họ bị lãng phí. Lần sau họ sẽ trở lại với anh.
Nhìn từ một góc độ nào đó, vị linh mục cũng là một chuyên gia, đó là chuyên gia về tâm linh. Vì thế, mình phải biết cách nói chuyện với 'khách hàng' đã tìm đến mình, để khi họ ra về, họ cảm thấy mình đã giúp đỡ họ một cách xứng đáng. Mà đã là chuyên gia thì mình phải trau dồi kỹ năng.
Em là một linh mục trẻ, em thực sự chưa giải tội nhiều, nhưng em có một cách làm việc như thế này. Em thường bắt đầu bằng một đoạn Tin Mừng ngắn để dẫn người giáo dân vào tinh thần của bí tích. Sau đó, họ chia sẻ với em về những gì làm họ bất an. Nếu có gì không rõ thì em hỏi, không phải để tò mò, nhưng để xác định tính chất của sự việc và ảnh hưởng của nó trên đời sống tâm linh của họ.
Đối với em, tội là những gì làm cho mối tương quan giữa minh với những người xung quanh, với chính mình, và trên hết với Thiên Chúa bị sứt mẻ. Mình cảm thấy xa lìa với Chúa và với người khác, làm cho mình không cảm thấy có ân sủng của Chúa trong đời sống của mình. Vì thế em sẽ giúp họ nhận ra hành động của mình có những tác động gì trong các mối tương quan kể trên. Từ đó, em sẽ đề nghị những việc cụ thể mà họ có thể làm được để hàn gắn lại sự sứt mẻ đó như một cách đền tội. Tuy nhiên, em chỉ đề nghị và hỏi xem họ có đồng ý với đề nghị đó hay không? Nếu họ đồng ý thì em mới giao, còn nếu họ không làm được hay không muốn làm theo đề nghị đó thì em sẽ trao đổi để tìm ra việc khác mà họ sẵn sàng thi hành. Chỉ như thế thì việc đền tội của họ mới thiết thực và có ý nghĩa. Sau đó em tiếp tục nghi thức giải tội.
- Mình nghĩ cha có lối làm việc rất hay. Nhưng mình chưa thấy ai như vậy hết.
- Có một điều là cách giải tội như em không phải là cách 'mì ăn liền'. Rất khó có thể làm được nếu có 50 hay 60 người đang xếp hàng ngoài toà. Nhưng nếu không làm được 10 thì em cũng cố gắng làm được 6 hay 7.
- Mình cũng hiểu tâm trạng của mấy cha khi thấy số người đi xưng tội nhiều quá.
- Nhưng em nghĩ hiện nay việc nhiều người đi xưng tội không phải là vấn đề. Vấn đề là có quá ít người đi nhận bí tích hoà giải.
Lượng người đi xưng tội giảm có nhiều lý do khách quan. Nhưng tôi chắc rằng trong số những người không còn đi xưng tội thường xuyên có rất nhiều người đã trải qua những kinh nghiệm không tốt trong toà giải tội. Tôi biết điều này vì chính họ đã chia sẻ với tôi.
Bí tích hoà giải là một cơ hội rất đặc biệt để cho các cha làm việc mục vụ, bởi vì không một nơi nào mà giáo dân có thể chia sẻ những gì thầm kín bằng trong toà giải tội. Nhưng rất tiếc là nhiều linh mục đã không ý thức được tầm quan trọng của mục vụ mà họ đang làm. Vì thế, chúng ta có tình trạng làm lễ theo kiểu mì ăn liền, và giải tội theo kiểu mì ăn liền. Có lẽ vì tôi còn trẻ nên còn 'sung'. Nhưng tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ cử hành các bí tích một cách miễn cưỡng và vụng về chỉ vì bận rộn hay lười biếng. Khốn cho tôi nếu tôi cử hành các bí tích theo kiểu mì ăn liền!
Epping, NSW ngày 7.12.2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment