Một ngày truyền giáo


Sáng nay 85 em học sinh mẩu giáo 3-5 tuổi đến nhà thờ để thăm. Sinh hoạt này nằm trong chương trình học hỏi thực tế của nhà trường. Ngoài việc đến nhà Công giáo, các em cũng được đưa đến Chùa để tham quan và lắng nghe lời giảng dạy của sự Phật giáo.

Mình và Thồn, người giúp việc giáo xứ đón tiếp các em cùng với những cô giáo của trường. Sau khi các em tụ họp trong nhà thờ, mình chia sẻ với các em về Thiên Chúa và điều răn của Ngài. Mình hỏi các em: - Các em nghĩ Thượng Đế là ai?

Một em trai đưa tay lên trả lời: - Thượng Đế là bố.

Câu trả lời này đã giúp em nhận được một món quà mà mình đã chuẩn bị sẵn cho các em.

Sau đó mình hỏi: - Vậy bố mẹ dạy các em làm điều gì?

Một em gái trả lời: - Thưa phải làm người tốt.

Mình hỏi tiếp: - Làm người tốt là như thế nào?

Các em thay phiên trả lời: Làm người tốt là vâng lời cha mẹ, vâng lời thầy cô.

- Còn gì nữa không?

Các em nghĩ không ra. Mình gợi ý cho các em. - Làm người tốt có phải là giúp đỡ người khác không?

- Dạ có. - Các em trả lời.

- Vậy khi các em làm điều tốt, các em làm những việc gì?

Các em dơ tay trả lời. Giúp đỡ bố mẹ quét nhà, chia sẻ thức ăn với bạn bè, v.v.

Những em nào trả lời tốt đều được phần thưởng nên các em rất hăn hái đưa tay lên để được phát biểu.

Cuối cùng mình dạy cho em điều răn của Chúa là mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình. Đó là bài học trong ngày cho các em. Mình bảo các em phải học thuộc lòng điều răn này và làm theo điều răn đó nếu muốn trở thành người tốt.

Sau đó, mình cho các em ăn bánh kẹo, uống nước ngọt, và chụp hình ra về.

Có các em mẩu giáo đến thăm nhà thờ vui thật. Hy vọng rằng sau này sẽ còn những dịp như thế nữa.

***

Tối nay hai bạn gái trẻ tên Be và Mề đến gặp mình. Cách đây vài tháng hai em có đến tìm mình ở nhà thờ vì hai em muốn tìm hiểu thêm về đạo Công giáo, muốn học giáo lý. Hai em hỏi mình nhiều câu hỏi khá sâu sắc. Trước khi về Mỹ để thăm gia đình mình tặng cho hai em một cuốn sách tóm tắt về những câu chuyện trong Thánh Kinh để hai em đọc trước. Khi nào quay lại Thái Lan mình sẽ bắt đầu chương trình dạy giáo lý.

Tối nay hai em đến gặp mình để sắp đặt chương trình dạy giáo lý. Thoạt đầu mình chỉ muốn dạy một tuần một lần, nhưng hai em muốn học đến ba buổi một tuần, thứ hai, tư và Chúa Nhật. Mình rất bất ngờ vì sự hăng hai của hai bạn trẻ này. Thực ra mình không biết gì về gia đình của hai em vì tự đến tìm mình. Nhưng vì hai em tỏ ra chân thành trong việc muốn tìm hiểu về đạo và học giáo lý nên mình không thể nào từ chối.

Trong buổi gặp đầu tiên chính thức mình dạy cho em làm dấu Thánh giá và cắt nghĩa dấu Thánh giá là gì. Ngoài ra cũng chia sẻ về một số vấn đề căn bản liên quan đến đạo Công giáo mà các em nên biết. Mình giới thiệu cho em Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Mình làm phép và tặng cho mỗi người một tràng hạt. Mề nói là sẽ đeo trong cổ.

Mình thực không hiểu tại sao hai em lại tỏ ra mạnh dạn và hăng hái trong việc muốn học giáo lý như thế. Điều này càng lạ kỳ hơn khi có những bạn trẻ thuộc gia đình Công giáo mà không hề có ý định muốn đến nhà thờ học giáo lý. Nếu đây quả thực là sự dẫn lối của Chúa thì thực là một điều tuyệt vời.

Nếu hai bạn trẻ dấn thân với chương trình giáo lỳ, ngày Chúa Nhật sẽ có thêm người đến nhà thờ đi lễ, rồi trong năm tới sẽ có thêm người rửa tội và thêm sức. Nghĩ đến điều này làm cho mình cảm thấy phấn khởi lắm. Được đưa thêm người vào đạo, hiểu biết về Chúa là niềm hạnh phúc của một nhà truyền giáo. Trong công việc truyền giáo mình cũng làm nhiều sinh hoạt giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, hoặc giáo dục. Tất cả những việc này đều có ý nghĩa. Nhưng có lẽ không cái gì có ý nghĩa bằng việc giới thiệu Thiên Chúa đến người khác và giúp họ có được niềm tin Kitô giáo. Dù sao đi nữa, đó mới là tâm điểm của công việc truyền giáo. Nó nói lên hiệu quả của việc truyền giáo một cách thiết thực và rõ rệt nhất.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.11.2009

Chuyện xe cộ


Sáng nay mình gọi điện thoại cho linh mục phụ trách vấn đề tài chánh của giáo phận để bàn về việc xe của mình bị hỏng. Trước đây vài ngày mình đã gởi thư cho ngài trình bày rằng xe giáo phận cho mình chạy quá cũ. Thời gian qua mình không dám đi xa. Lần đầu tiên cho đi xa thì bị hỏng nặng. Bây giờ tiền sửa xe cũng cao. Mình xin giáo phận giúp với chi phí sửa chữa. Nhưng sửa rồi chiếc xe này cũng không tốt để cho mình xử dụng một cách an toàn. Mình xin giáo phận cấp cho mình một chiếc xe khác tốt hơn.

Cha Thau trả lời với mình rằng:

- Việc cha để cho giáo dân lái xe, cho dù là sinh hoạt của giáo xứ, là không nên. Vì thế giáo xứ phải chịu trách nhiệm. Không thể nhờ giáo phận lo vấn đề sửa chữa.

- Nếu cha xin một xe khác thì còn phải đợi rất lâu mới có xe vì bây giờ trong giáo phận chỉ còn những chiếc xe tệ hơn chiếc cha đang chạy nữa.

- Cách tốt nhất mà cha có thể đổi được xe là nhà dòng đóng góp một nửa và giáo phận bỏ ra một nửa để mua xe mới.

Mình viết email cho bề trên ở Thái Lan và ở Úc để trình bày vấn đề thì nhận được trả lời rằng:

- Việc này không phải là chuyện của tỉnh dòng mà là chuyện của dòng tại địa phương. Bề trên địa phương nên giải quyết.

- Cha cần phải tạo thêm áp lực trên ĐGM giáo phận để ngài đồng ý hỗ trợ cho mình. Điều này cần làm với sự góp sức của bề trên địa phương và hội đồng giáo xứ.

Rốt cuộc, xe vẫn hư chưa sửa được. Công việc đi lại khó khăn, phải mượn xe của trung tâm ĐMHCG. Nhưng điều này cũng bất tiện vì TT có nhiều việc phải làm nên cũng cần xe cộ của TT. Có lẽ sẽ phải chịu bỏ tiền ra sữa xe, nhưng rồi phải chịu lái chiếc xe cũ rít mà khi lái không cảm thấy mấy an toàn.

Nhìn qua nhìn lại chỉ còn chiếc xe đạp mình mua cách đây gần 4 tháng cho người giúp việc giáo xứ xử dụng. Sáng nay mình đi đến nhà ông Khoa để thăm. Ông là đại gia trong tỉnh. Gia đình ông bán xe hơi và xe máy. Mình tìm đến ông để thăm viếng cũng như hỏi ông về việc mua xe máy trong cửa tiệm của gia đình. Mình nói với ông mình đang có ý định mua một chiếc xe Honda Wave 110. Mình chọn loại xe này vì nó rẽ hơn các loại xe khác, tương đối bền, và không hao xăng.

Mình hỏi ông Khoa: - Chú nghĩ con nên mua xe mới hay xe cũ.

Ông Khoa nói: - Mua xe cũ thì tốt hơn. Nhưng chọn chiếc nào mà người ta trịch thu, tình trạng vẫn còn tốt.

Ông hỏi tiếp: - Cha định mua xe gì?

Mình nói cho ông nghe. Ông nói: - Vậy thì rẻ. Xe Honda Wave 110 mới toanh chỉ khoảng hơn ba vạn baht. Nếu cha mua xe cũ thì còn rẻ hơn nữa. Khoảng chừng hai vạn.

Ông gọi điện thoại cho con trai của ông để hỏi xem có xe cho mình không. Anh Ming nói là có. Ông Khoa nhắc người con trai nhớ bán cho mình xe tốt với gia ưu đãi. Dù sao đi nữa thì ông cũng là một người Công giáo. Mình chạy tới xem ở cửa tiệm. Chị Mèm, vợ của anh Ming tiếp mình với một nhân viên. Họ đưa cho mình xem một chiếc xe nhìn rất bẩn.

Họ nói: - Nhìn vậy chứ máy còn tốt lắm. Xe này bữa giờ để cho nhân viên chạy. Chưa rữa và chưa làm lại gì cả. Bán xe này cho cha vì máy còn tốt. Cha đừng quan tâm đến kim cây số. Quan trọng là máy như thế nào?

Mình nói: - Tôi không biết nhiều về xe cộ nên tôi hy vọng chị bán cho tôi chiếc xe tốt.

Chị Mèm nói: - Cha yên tâm đi. Ở đây biết nhau nên không dám bán xe không tốt cho cha đâu.

Mình hỏi giá xe bán bao nhiêu. Chị Mèm nói là 23,000 baht (691 USD) kể cả tiền làm thủ tục chuyển nhượng. Sẽ làm sạch sẽ chiếc xe, thay dầu thay nhớt trước khi đưa đến cho mình. Mình đồng ý mua xe.

Mình nhờ chị Fốn, một nhân viên trong TT đứng tên. Người nước ngoài đứng tên cũng được nhưng thủ tục hơi rắc rối. Mình để cho chị Fốn đứng tên tốt hơn. Chiếc xe cũng không phải nhiều tiền lắm nên không gì phải rườm rà mất công.

Từ ngày đến đây, chiếc xe máy cũ này là món đồ đắt tiền nhất mà mình đã mua. Trước đây có mua một cái máy lạnh 21,000 baht, một giàn âm thanh cho nhà thờ 15,000 baht. Nhưng bây giờ không có xe hơi, đi lại cũng khó. Có xe máy đi lại trong phố cũng nhanh và tiết kiệm xăng nhớt. Người giúp việc nhà thờ cũng có thể dùng được. Còn việc xe hơi thì có lẽ còn lâu mới được lên đời. Âu cũng là số phận.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.11.2009

Gặp lại Khoa


Trong chuyến đi Việt Nam tháng 11, 2009 vừa qua, mình gặp lại Khoa một bạn trẻ mà mình từng đồng hành tại Việt Nam. Khoa nghiện ma túy. Sau đó tham gia chương trình Phục Sinh, một chương trình giúp cho các bạn trẻ cai nghiện ma túy. Sau khi tham gia chương trình một thời gian hai năm, Khoa trở về lại thành phố, sau đó quyết định đi lính. Đi lính xong, Khoa về lại thành phố và tìm việc làm.

Lần cuối cùng mình nói chuyện với Khoa đã hơn 3 năm. Gặp lại em lần này mình bất ngờ. Khoa chửng chạc hơn, bây giờ đã 27 tuổi. Em có việc làm tốt với mức lương khá cao, đặc biệt đối với một người chưa học xong phổ thông. Em đã bỏ ma túy được 5 năm. Bây giờ da thịt trắng trẻo hơn, phong độ hơn ngày xưa. Em đã lột da bên trong lẫn bên ngoài.

Mình đi uống cà phê với Khoa hai lần. Bây giờ vấn đề chính yếu của em không phải là làm sao bỏ được ma túy, mà làm sao tiếp tục thăng tiến trong cuộc sống. Có công việc tốt và tốt hơn, xây dựng tương lại cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Và trên hết, làm sao duy trì được đời sống tâm linh giữa những cám dỗ trong đời sống vật chất và đua đòi trong xã hội.

Gặp lại Khoa làm mình nhớ đến cuộc phỏng vấn mà tôi đã làm với em từ năm 2005 (http://nhatkytruyengiao5.blogspot.com/2007/04/gi-t-ma-ty.html). Lúc đó Khoa chỉ mới vừa bắt đầu bỏ được ma túy. Tương lai của em vẫn còn rất nhiều dấu chấm hỏi. Lúc đó mình chưa dám khẳng định bất cứ điều gì về Khoa vì mình biết quá trình cai nghiện rất vất vả và mức thành công vô cùng khiêm tốn. Nếu Khoa vượt qua được những thử thách và cám dỗ thì em sẽ thuộc vào thành phần thiểu số rất nhỏ.

Bây giờ Khoa đã bỏ được 5 năm, có công ăn việc làm tốt, có chí hướng trong cuộc sống, mình mừng cho em, và có những hy vọng cụ thể cho tương lai của em. Nhưng mình cũng tự nhắc nhở chính mình và nhắc nhở Khoa rằng hãy luôn luôn cảnh giác, vì cái bệnh nghiện ma túy có thể tái phát bất cứ lúc nào. Hãy bám víu lấy Chúa, hãy duy trì đời sống tâm linh, hãy sống cho người khác. Chỉ như vậy mình mới có thể tiếp tục hồi phục và duy trì sự lành mạnh.


Nong Bua Lamphu, ngày 19.11.2009

Xe hư


Hôm nay về tới Nong Bua Lamphu
.
Cha Trực đón mình ở ga tàu lửa ở Udon Thani lúc 8h sáng. Mình đi tàu lửa vì hành lý mình nhiều quá đi máy bay không được. Một số đồ đem qua từ Mỹ, một số đồ từ Việt Nam.

Về tới nơi nhìn thấy chiếc xe cũ của mình đã bị hư. Cô Fốn nói là hư trong dịp đi nhà thờ ở tỉnh Leuy để mừng lễ quan thầy. Trên đường đi thi xe hỏng. Trên xe có nhóm giới trẻ. Tài xế xe là Thồn, người giúp việc cho nhà thờ. Tiền sửa xe nghe nói không ít, nhưng trên giáo phận nói cha xứ phải chịu trách nhiệm cho việc sửa chữa. Xe này đã gần 500.000 cây số, cha đường xa không dám chạy. Mình chỉ chạy khi nào phải đi đâu trong vòng 60 cây số. Lần này đi chuyến đi trên 100 cây số nên xe chịu không nổi.

Xe của mình đã chuyển qua nhiều tay sử dụng. Nó là xe cũ nhất trong giáo phận. Mình thừa hưởng lại từ các cha. Mình muốn xin một chiếc mới hơn nhưng bên giáo phận không mấy rộng rải trong việc giúp đỡ cho các cha dòng trong vấn đề tài chánh. Giáo phận muốn nhà dòng lo cho mình. Nhà dòng thì bảo giáo phận phải lo vì mình làm việc cho giáo phận. Hai bên đá qua đá lại, mình ở giữa chịu trận. Bây giờ xe cộ không có. Tự đi mua thì không có tiền. Ngày mai đi họp phải mượn xe của một giáo dân. Ở đây đi họp hoặc là đi tham dự các chương trình trong giáo phận đều phải đi xuyên tỉnh vì cả tỉnh NBL chỉ có nhà thờ mình là Công giáo.

Mới vừa về tới nơi nhưng thấy trước mắt đã có khá nhiều vấn đề phải giải quyết. Không tránh nổi những điều không mấy hay xảy ra trong lúc mình vắng mặt tới ba tháng. Chỉ hy vọng rằng những điều không hay đó sẽ không đến nổi quá khó để khắc phục.

Nong Bua Lamphu, ngày 16.11.2009

Một vị sư, một người Hồi giáo, và mình


Tối qua trên chuyến bay từ Sài Gòn đến Bangkok có một vị sư Phật giáo. Ông ta bay qua Thái Lan để đón chuyến bay đi Miến Điện. Vị sư này đã cao tuổi và hình như chưa từng đi nước ngoài nên tỏ ra khá lo lắng. Sư nói là sư phải chờ ở sân bay từ tối cho đến sáng hôm sau mới lên máy bay đi Miến Điện. Nhưng sư không ra ngoài thuê khách sạn ở mà chỉ ở trong sân bay chờ.

Khi xuống máy bay sự tỏ ra lúng túng. Có một anh chàng Việt Nam dẫn sư đến gặp nhân viên sân bay. Họ cho sư vào hàng hải quan dành cho các nhà ngoại giao nên sư ra ngoài rất mau. Sau đó mình đến gặp sư ở nơi quầy nhận hành lý. Vali của sư là một trong những cái đến cuối cùng. Sự sợ bị mất.

Mình nói với sư là ở đây người ta tôn trọng các nhà sư lắm. Sau khi sư nhận hành lý xong thì con sẽ đi hỏi nhân viên về nơi nào mà sư có thể nghỉ ngơi qua đêm. Sư cám ơn mình rồi đi theo mình lên lầu 4.

Ở đây mình chỉ cho sư nơi mà sư phải vào đăng ký để đi Miến Điện ngày hôm sau. Rồi mình hỏi nhân viên sân bay có nơi nào cho sư nghỉ không. Cô nhân viên nói là có, để co đi xem. Vài phút sau cô trở lại nói:

- Bên trong có phòng nghỉ, nhưng ở đây chỉ dành cho những người đã tới đăng ký chuyến bay rồi. Giờ bay của sư ngày mai mới tới nên e rằng sẽ không vào bên trong được. Nếu muốn thì đi hỏi nhân viên chuyến bay AirAsia xem có vào trong được không. Nếu không được thì dưới lầu hai có một phòng tụng kinh. Sư có thể vào đó nghỉ ngơi.

Mình cám ơn cô nhân viên sân bay rồi đi đến gắp nhân viên hãng bay AirAsia để hỏi xem có làm thủ tục cho sư vào sớm được không. Họ nói không được, phải chờ đến ngày mai.

Mình dẫn sư xuống lầu hai để đi tìm phòng tụng kinh. Tìm một lúc không thấy, mình hỏi một anh trong đồng phục an ninh nhờ chỉ đường. Anh nói phải lên lầu 3. Mình và sư đi thang máy lên lầu 3. Cách thang máy khoảng 100 mét có phòng tụng kinh. Hóa ra đây là phòng tụng kinh danh cho người Hồi giáo.

Mình nghỉ trong long có lẽ phòng này cũng chỉ là một căn phòng mà ai cũng có thể vào để cầu nguyện và tìm sự yên tỉnh. Mình và sư mở cửa vào thấy trong phòng có những miếng thảm cho người ta ngồi để tụng kinh. Thấy mình và sư bước vào một chàng thanh niên trạc 35 tuổi đang ngồi ở ghế bên ngoài phòng cầu nguyện đứng lên hỏi:

- Anh đi đâu thế?

- Vị sư này đến từ nước ngoài. Sư phải chờ rất lâu mới được lên máy bay đi Miến Điện. Sư cần nơi yên tỉnh để nghỉ ngơi. Tôi hỏi nhân viên sân bay thì họ chỉ vào đây. - Mình trả lời.

- Nhưng ngài không thê vào đây được. - Người thanh niên Hồi giáo nói.

- Tại sao không được?

- Vì ở đây chỉ dành cho người Hồi giáo. Ai vào đây phải có cùng niềm tin, phải ăn mặc theo luật của người Hồi giáo và phải làm những nghi thức rửa sạch trước.

- Tôi hiểu điều đó. Nhưng vị sư này đang rất mệt mỏi và sư được nhân viên sân bay chỉ vào đây. Không lẽ ở đây không chấp nhận cho ngài nghỉ ngơi một lúc hay sao?

- Có lẽ là không. Ví dụ như nếu tôi vào nhà thờ của anh (người thanh niên ấy biết mình là Ki-tô giáo vì thấy mình đeo dây Thánh giá trên cổ) mà tôi mặc những áo quần của người Hồi giáo rồi đội nón thì anh sẽ nghỉ sao.

- Tôi chẳng nghỉ sao cả. Ai vào nhà thờ cũng được cả.

- Nhưng ở đây thì không được.

- Tôi cũng biết các tôn giáo có những điều luật. Nhưng không lẽ quý vị không thể đón tiếp một người lạ và giúp đỡ người đang gặp khó khăn hay sao?

- Có lẻ anh phải học thêm về tôn giáo Hồi giáo. Vấn đề ở đây không phải đón tiếp hay không đón tiếp mà là việc giữ điều luật tôn giáo.

Cuộc đối thoại giữa mình và người thanh niên Hồi giáo chỉ xoay vòng như thế. Anh ta cố giải thích cho mình hiểu tại sao vị sư này không thể nghỉ chân trong phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Còn mình thì tìm cách giải thích cho anh hiểu tại sao người ta nên gác qua những lề luật để giúp đỡ những người đang gặp khó. Vị sư vì không nói được tiếng Thái nên chỉ đứng nhìn mình nói chuyện. Ngài không hề biết mình là một linh mục Công giáo.

Sau một lúc cuộc trao đổi có vẻ không tiến bộ là bao nên mình quyết định dẫn vị sư ra khỏi phòng tụng kinh. Mình chúc lành cho người thanh niên Hồi giáo và chào anh đi. Lời chúc lành của mình không mấy nhiệt tình.

Mình định dẫn vị sư trở lại lầu 4 nơi có những hàng ghế dành cho hành khách ngồi thì tình cờ gặp một cô gái trong bộ đồng phúc màu đen. Mình tưởng cô ta là nhân viên sân bay, nhưn hóa ra chỉ là nhân viên của một cửa hàng. Mình hỏi cô ta có phòng nào ngoài phòng tụng kinh của người Hồi giáo để dẫn sư đi nghỉ ngơi không? Cô ta nói có. Mình hỏi ở đâu? Cô ta trả lời đi xa hơn phòng tụng kinh một khúc. Phòng này dành cho các sư cũng như chú tiểu nghỉ ngơi.

Mình dẫn sư quay lại chổ cũ, đi quá phòng tụng Kinh khoảng 50 mét. Ở đó có những căn phòng khá rộng nhưng đã khóa hết. Chỉ có một phòng không khóa là phòng có bảng ghi là dành cho các sự và chú tiểu. Hóa ra là cũng có một căn phòng như thế.

Mình mở cửa cho Sư đi vào. Trong phòng có bàn và một số ghế. Ngoài ra không có gì nhiều. Nhưng ở đây yên tỉnh, sạch sẻ, và riêng biệt. Sư bảo phòng như thế tốt rồi. Mình nói thế thì mình xin chào sự ra về. Trước đó mình có gởi sư một ít tiền Baht để sư mua thức ăn. Sư cám ơn mình đã giúp sư tìm nơi nghỉ ngơi và hướng dẫn sư trong việc các thủ tục.

Mình ra bên ngoài sân bay. Lúc đó đã gần 9h tối. Mình leo lên một chiếc xe taxi để đi vào thành phố. Mình kể cho ông tài xế taxi nghe chuyện vừa xảy ra. Không ngờ chỉ ngẩu hứng mà mình đã có một cuộc "gặp gỡ liên tôn" như thế. Kinh nghiệm nhỏ bé này cũng cho ta thấy vấn đề liên tôn còn là một hành trình dài cho các tôn giáo muốn xích lại với nhau để hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn.

Bangkok, này 13.11.2009

Rời Việt Nam

Thế là những ngày phiêu lưu tại Việt Nam cũng đã kết thúc một cách tốt đẹp. Việc cuối cùng mình làm tại Việt Nam là đến nhà chú Sử để ăn trưa cùng với cha Quang và cha Đại. Chú Sử là anh trai của một cha SVD ở Mỹ. Chú có hai đứa con trai đang du học tại Hoa Kỳ. Hôm qua chú gọi điện thoại tới mời mình đến nhà ăn trưa. Mình luôn tiện mời cha Quang và cha Đại. Cũng là dịp tốt vì mình chưa được gặp cha Đại từ khi về Việt Nam, còn cha Quang thì cũng chưa được gặp nói chuyện nhiều. Mình đến nhà chú Sử lúc 11h30 và ở lại đến 3h chiều, sau đó ra sân bay. Gia đình chú Sử là chủ nhân của công ty thép Bovina. Khi chào ra sân bay, chú gởi cho mình cũng như các cha mỗi người một phong bì và một chiếc áo lễ bằng gấm mà chú đã may dịp em trai của chú về Việt Nam làm lễ tạ ơn. Chú may số lượng rất nhiều, bây giờ vẫn còn để biếu tặng các cha. Cái áo thật đẹp, màu vàng. Hôm qua mình cũng có đi ra nhà sách để tìm mua áo nhưng thấy đắt nên không mua. Hôm nay lại được tặng chiếc áo như mình muốn nên rất vui. Chiếc áo nhìn thật sang trọng. Mình sẽ chỉ mang vào những dịp đặc biệt như Phục Sinh hoặc Giáng Sinh. Lễ Chúa Nhật bình thường thì sẽ không mặc.

Mình ở lại Việt Nam 12 ngày mà có cảm giác như hai tháng trời. Đó là vì chỉ trong vòng chứng ấy ngày mà mình đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, nào là bà con, bạn bè, những người mình đã từng làm mục vụ, cũng như một số người mới gặp trong chuyến đi lần này. 12 ngày qua, mình đã đến nhà của nhiều người, dùng nhiều bữa cơm tại gia đình. Mình cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ ở những quán cà phên, có khi ở quán nhậu, có khi trên vĩa hè đường phố, có khi trên sân thượng của một tòa nhà cao tầng, một vài lần ở quán karaoke. Mỗi cuộc gặp gỡ đều có ý nghĩa vì mình đã cố ý dành thời giờ để tìm đến người đó để trò chuyện và chia sẻ với họ. Mình trân trọng tất cả những người đã dành thời giờ cho mình cũng như mình đã dành thời giờ ít ỏi của mình cho họ.

Mình đến Việt Nam lần này chỉ để tìm đến những người mình muốn gặp và mình rất thỏa mãn với những gì mình đã làm. Cũng có người trách tại sao không đến thăm họ. Cũng có người than phiền tại sao mình dành quá ít thời giờ cho họ. Nhưng mình đã cố gắng hết sức. Thời giờ mình chỉ có bấy nhiêu. Ít quá. Mình hy vọng họ sẽ thông cảm cho mình. Mình rất muốn có thêm thời giờ với từng người, vì ai mình cũng quý. Mình dành nhiều tình cảm cho họ cũng như họ dành nhiều tình cảm cho mình. Đây là điều mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Vẫn có rất nhiều người quý mến mình tại Việt Nam. Và mình luôn luôn thấy rằng về Việt Nam mình sẽ có những người tiếp đón, những người tận tình giúp đỡ cho dù đó là một người bạn thân hoặc là một bạn trẻ mà mình từng giúp cai nghiện ma túy.

Mình về lần này nhiều người không coi mình như là một “ông Việt kiều” nữa, nhưng như là một nhà truyền giáo từ Thái Lan. Vị trí của mình đã khác. Mình dường như nhận được nhiều sự chăm sóc hơn. Họ biết mình không có nhiều tiền. Nhiều người không chịu để cho mình trả khi đi uống nước hoặc ăn ở quán. Họ nói để tiền về Thái Lan làm việc truyền giáo. Họ rất tốt và ân cần đối với mình.

Bây giờ mình trở lại Thái Lan. Kỳ nghỉ của mình đã chính thức chấm dứt. Bây giờ một nhiệm kỳ mới đang chờ đợi mình trên mãnh đất truyền giáo. Những công việc mới cũng như cũ đang chờ đợi mình ở Nong Bua Lamphu. Một cuộc khởi hành mới. Ba năm tới sẽ có những gì xảy ra cho mình? Mình sẽ làm được gì? Đây là những câu hỏi đang chờ câu trả lời. Chắc sẽ là những câu trả lời bình dị nhưng cũng rất thú vị.

Bangkok, ngày 12.11.2009

Đi tiếp

Hôm qua Tâm đến chở mình đi Bà Rịa lúc 5h sáng. Trên đường đi có ghé qua nhà của Trường là bạn của Tâm. Trường vừa qua đời cách đây vài tháng do căn bệnh AIDS. Trường bị AIDS do chơi ma túy. Tâm đã giúp cho Trường cai ma túy trước khi em qua đời. Nhà của Trường ở huyện Tân Thành.

Khoảng 9h sáng thì mình đến nhà cậu Sỹ ở Bà Rịa. Hôm nay mọi người ở nhà để chờ mình đến. Long có đứa con mới và có căn nhà mới. Mấy anh ai cũng nhìn khỏe hơn trước đây. Nghe nói công việc cũng tốt hơn và ổn định hơn. Mình thấy vậy cũng mừng.

1h chiều mình phải chia tay cậu mợ để đi qua Châu Pha. Ở đây có nhóm Phục Sinh nơi mình từng giúp khi còn phục vụ ở Việt Nam. Nhóm PS là một nhóm cai nghiện ma túy. Hiện nay có 12 người đang hậu cai ở đó. Anh Dũng là trưởng nhà, đã đồng hành với các bạn trẻ cai nghiện 9 năm nay. Căn nhà của nhóm PS bây giờ rất khang trang do sự tài trợ của gia đình anh Dũng. Ngoại trừ anh Dũng, tất cả mọi người đang cai đều là những khuôn mặt mới đối với mình.

Khi đến thì mọi người đang ngủ trưa. Sau khi thức dậy, anh Dũng tụ họp mọi người lại cho mình gặp gỡ và có cuộc chia sẻ 1h đồng hồ. Mình có những lời chia sẻ và nhắc nhở, khuyến khích anh em. Tâm cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình vì Tâm cũng là một người đã từng chơi ma túy nhiều năm và đã giữ mình được 5 năm nay. Đây là một thành quả hội nhiều yếu tố rất quan trọng.

Mình ở lại với anh em PS không được lâu. 3h chiều thì mình phải chia tay để trở về thành phố vì 6h mình có một cuộc họp với cha Ty và cha Ánh ở Tòa Tổng giám mục Sài Gòn. Cha Ty muốn gặp mình để bàn về chương trình phái đoàn Đức Hồng Ý Phạm Mình Mẫn, các giám mục và linh mục gồm 12 người sẽ đi Thái Lan vào tháng 12 để dự thánh lễ mừng 300 năm thành lập và phát triển giáo phận Chanthapburi. Đây là một giáo phận bắt nguồn từ những di dân Việt Nam mấy trăm năm trước. Trong dịp mừng 300 năm này, Giáo hội Việt Nam được mời đến tham dự như những vị khách đặc biệt.

Phái đoàn muốn nhờ mình liên lạc trong việc nơi nghĩ, nơi đi lại cho phái đoàn cũng như nơi để cho ĐHY dâng một thánh lễ bằng tiếng Việt. Mình hứa sẽ cố gắp sắp xếp những công việc này sau khi trở về Thái Lan.

Sauk hi họp xong, mình đi ăn tối và ra bến xe để đi Nha Trang. Mình đi xe loại có ghế ngã ra để nằm được. Loại xe này tốt, nằm ngủ được, giá cả cũng không đắt lắm. Mình thấy thích. Trước kia định trở lại SG bằng máy bay. Nhưng nghĩ lại đi xe vào SG qua đêm cũng tiện. Đỡ một đêm khách sạn và tiết kiệm chi phí đi lại.

Hôm nay mình đi thăm các cha ở Dòng Ngôi Lời Việt Nam và dung cơm ở đó. Chuyến đi lần này của mình chỉ nhằm mục đích thăm viếng và niềm vui của mình cũng là được gặp gỡ và trò chuyện với các cha, đặc biệt những cha mới vừa chịu chức tháng 9 vừa qua, cũng là những người bạn thân của mình.

Hôm nay Nha Trang trời âm u mưa lâm râm suốt ngày do áp thấp nhiệt đới. Hôm qua nghe nói mưa tầm tả suốt ngày do bão. Cả ngày nay gió lớn biển động. Nước biển đục ngàu. Trên biển có rất nhiều rác từ ngoài khơi dập vào nên phải làm vệ sinh. Nhiều người hỏi sao mình chọn những ngày mưa gió để đến Nha Trang. Mình trả lời thời tiết này không sao vì như thế thì mát mẻ. Mình đến Nha Trang không phải để đi du lịch, nhưng là để thăm anh em trong dòng nên thời tiết như thế nào cũng vậy.

Sáng mai mình sẽ thức dậy sớm để đến nhà dòng dâng lễ sáng và chia sẻ về công việc truyền giáo của mình.

Nha Trang, ngày 4.11.2009

Đi Việt Nam


Mình nhớ trước đây khi còn thực tập ở Việt Nam, mấy đứa con gái hay đến nhà dòng chơi đặt cho mình danh hiệu là "người di động" vì mình liên tục đi đây đi đó, ít khi ở một chỗ lâu. Lần này về Việt Nam hai tuần để thăm bà con và những người thân ở đây mới thấy cái danh hiệu ấy thật chính xác.

Sau khi ngồi trên 5 chuyến máy bay trong ba ngày liên tục mình đã đến Việt Nam vào tối 28 tháng 10, đúng vào ngày sinh nhật của mình. Và vừa đến Sài Gòn là mình đã bắt đầu một "chiến dịch" thăm viếng chưa từng có:

Ngày 28 tháng 10

- Đến Bangkok lúc 3h sáng, nghỉ lại ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở BKK. Ngủ 1h đồng hồ từ 4h tới 5h sáng. Thức dậy, ăn sáng, đi Đại Sứ Quan Việt Nam lấy visa (mất hết 1 tiếng rưởi đồng hồ), đi ngân hàng.
- Còn hai giờ đồng hồ trước khi phải ra sân bay, mình đi đấm bóp truyền thống Thái vì trong người ê ẩm sau những chuyến bay thật dài.
- 12h30 mình đi taxi ra sân bay để đi Việt Nam. Đến Việt Nam lúc 6h30 tối, về nhận phòng khách sạn ở quận 1. Đi ăn tối và về lại khách sạn lăn ra ngủ. Ngủ được khoảng 5 tiếng đồng hồ. Như vậy coi như là tốt vì trái thời giờ.

Ngày 29 tháng 10

- Thức dậy lúc 4h30 sáng. Đi ăn sáng lúc 6h30 sau khi đi dạo một vòng ngoài đường phố.
- Gọi điện thoại cho Vân, cháu Bố Cát (bố đỡ đầu) để đi thăm gia đình của bố. Mình đi qua nhà Vân ở Phú Nhuận, rồi đi qua nhà dì Huệ (em của Mẹ đỡ đầu), rồi nhà cô Bảy (em của bố đỡ đầu), rồi nhà chú Vượng (em của bố đỡ đầu đã qua đời).
- 11h sáng mình đi qua nhà Dì Diệp và Dượng Lan. Ăn trưa ở đó. Ăn trưa xong đi cắt tóc, rồi về lại KS nghỉ một lúc.
- 3h chiều hẹn Ailien, một người bạn đi uống nước ở Đồng Dao trên đường Pasteur. Ailien gọi thêm hai anh Hoàng Việt và Xuân để ra gặp mình. Mọi người ở đây quen biết nhau do sinh hoạt với nhau trong một số vấn đề học thuật về Biển Đông.
- 7h chiều, hai bạn trẻ Khánh và Quyến đến từ Bình Dương để thăm mình. Mình dẫn hai em đến nhà chị Kim ở Q.3 để ăn tối vì có hẹn với cha Huynh và cha Quang ở đó. Chị Kim mời. Cha Huynh và cha Quang cùng dòng với mình.
- 8h30 tối, mình dẫn Khánh và Quyến ra chợ Bến Thành để chơi.
- 10h tối, hai em về lại Bình Dương. Mình về KS nghỉ đêm.

Ngày 30 tháng 10

- Thức dậy lúc 5h30 sáng, cầu nguyện.
- 6h30 sáng, ra khỏi giường, làm vệ sinh sáng rồi đi ăn sáng.
- Tâm đến thăm mình lúc 7h sáng, đi uống cà phê ở nơi gần KS.
- Mình và Tâm đi lên TT Mục Vụ của GP Sài Gòn để gặp cha Bảo Lộc. Có người nhờ chuyển đồ cho cha. Cha Bảo Lộc dẫn đi xem nhà Truyền Thống và cơ sở ĐCV Thánh Giuse. Ở đây đang có công trình xây dựng khá lớn. Mình vào nhà sách mua một số đồ đem về Thái Lan.
- Trở về lại KS lúc 10, mình đi làm giấy tờ xin miễn thị thực cho người Việt sống ở nước ngoài ở sở di trú trên đường Nguyễn Du, nhưng đến không đúng nơi, làm không được. Họ bảo phải qua 254 Nguyễn Trãi.
- 11h sáng, mình gặp chị Liên ở quán bánh xèo Huy Long trên đường CMT8. Mình đi bộ từ Nguyễn Du tới đây vì không quá xa. Chị Liên là một người chị rất tốt đối với mình. Mình và chị rất thân.
- 1h chiều, mình qua 254 Nguyễn Trãi làm giấy tờ, nhưng không được vì hồ sơ không đầy đủ.
- Mình về nghỉ trưa lúc 2h30 chiều.
- 3h chiều, Duy Anh, một bạn trẻ mình từng giúp cai nghiện ma túy đến thăm. Duy Anh báo tin vui là CD4 của em là 750, một con số rất cao đối với người bị nhiễm HIV. Nhưng phải nghỉ việc cũ vì quá vất vả, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Duy Anh từng làm việc quản lý bar, cà phê.
- 5h30 chiều, Sinh đến thăm và hai đứa đi ăn bún bò Huế.
- 6h30 tối, mình đi xe taxi ra Bình Thạnh đến nhà anh Hoàng Việt. Ở đây gặp gỡ và trò chuyện với một số nhà trí thức cùng có những mối quan tâm chung về vận mệnh của đất nước.
- 10h tối, mình đi taxi về lại KS để nghỉ.

ngày 31 tháng 10

- Tỉnh thức lúc 5h30 sáng.
- 6h30 thì đi ăn sáng.
- 8h sáng, đi qua nhà chị Liên ở quận Tân Bình. Chị Liên dắt qua tu viện Mân Côi để mua áo alba. Chị Liên không cho mình trả tiền. Chị Liên nói là tặng mình. Mình mua hai áo, mổi áo một kiểu.
- 10h sáng, mình gặp Đức, bạn học của mình từ thời tiểu học. Mình là bố đỡ đầu cho con của Đức. Đức làm việc cực nhọc. Có hai con dại nên cũng mệt nhiều.
- 11h sáng, mình qua cộng đoàn Mai Khôi, cộng đoàn của dòng Ngôi Lời để ăn trưa. Ở đây mình quen khoảng 80% các khuôn mặt vì mình đã từng phục vụ tại Việt Nam. Đây là một cuộc tái ngộ rất vui. CĐ Mai Khôi bây giờ có khoảng 60 người bao gồm các cha, thầy trong chương trình triết và thần học.
- Mình về KS nghỉ trưa lúc hơn 1h.
- 4h chiều mình hẹn 3 thầy dòng Carmelian mà mình quen biết tại Thái Lan đi ăn tối. Ngoài ra hẹn thêm một số bạn mình quen biết trước đây. Hưng đề nghị đi Thanh Đa. Ở đây có quan bên bờ sống khá đẹp. Nó là quán 'nhậu'. Họ nhậu đặc sản. Hưng kếu món rắn, lươn, ếch. Họ uống rượu pha máu rắn, mật rắn. Mình chỉ ăn được món ếch. Rượu cũng không dám uống. Mình rất sợ rắn.
- Về đến KS khi đã trể. Mình đi nghỉ.

Ngày 31 tháng 10

- Dậy lúc 4h30 sáng.
- Tâm và Thạch đến sớm để đón đi nhà thờ chánh tòa Bình Dương để sinh hoạt với nhóm sinh viên Công giáo. Nhóm bắt đầu sinh hoạt từ lúc 7h sáng. Mình chia sẻ với nhóm cũng như giao lưu.
- 9h30 sáng, Tâm chở mình về quận Bình Tân để thăm một người bạn tên Sinh. Sinh có nhà ở đó. Mình ăn trưa ở đây, nhờ Lý, cháu của Sinh sửa computer cho mình, sau đó ngồi taxi về lại SG.
- 4h chiều đi lễ ở nhà thờ Tân Định. Sau đó đi xuống quận Gò Vấp để dự tiệc. Người mời là Bảo, là con đỡ đầu của bố đỡ đầu của mình. Mình tưởng Bảo mời mình đến ăn tối trong gia đình. Khi đến nơi mới phát hiện là tiệc thôi nôi, khách khứa rất đông. Mình không quen biết ai ở đây. Bảo mình cũng mới chỉ gặp lần đầu.
- Bảo báo cho mình là hôm nay Đức Cha Nghi sẽ vào TP lúc trưa. Mời mình qua gặp ĐC. Trước đây hai anh em dự định sẽ đi thăm ngài ngày mồng ba tháng 11. Nhưng bây giờ ngài vào TP thì gặp ngài luôn. Bảo là cháu cùa ĐC. ĐC là anh tinh thần của bố đỡ đầu của mình. Mình phải gọi ĐC bằng bác.
- Mình sẽ phải thay đổi chương trình đi lại của mình. Đáng ra hôm nay (ngày 2 tháng 11) đi Bà Rịa thăm cậu Sỹ, ngày mai đi Phan Thiết thăm ĐC. Nhưng ĐC vào TP, mình không đi PT nữa. Ngày mai đi Bà Rịa thăm cậu sỹ, ghé qua Châu Pha thăm nhóm cai nghiện ma túy mà mình giúp trước đây.
- Sáng nay mình không đi đâu, ở nhà nghỉ ngơi trước khi đi thăm ĐC. Chiều nay có giờ mình sẽ đi xem thể thao để thay đổi không khí.

Mình quả thực là "người di động."

Sài Gòn, ngày 2.11.2009