Thập niên của tôi (2017)


Năm 2017 là một năm đầy thử thách trong đời sống cá nhân của mình. Về mặt công việc và mục vụ, mọi thứ đang trôi chảy. Việc dạy học tại đại chủng viện sau một thời gian đã đi vào khuôn khổ. Bên cạnh các mục vụ thường xuyên, mình vẫn có thời giờ để nghiên cứu và viết những bài viết tham luận để thuyết trình tại các chương trình hội thảo hoặc để đăng trên tạp chí chuyên môn. Tuy nhiên, năm 2017 mình phải đột xuất thực hiện hai chuyến đi về Hoa Kỳ ngoài sự mong muốn. Chuyến đi thứ nhất để thăm mẹ trong thời gian bệnh nặng, và chuyến đi thứ hai vào tháng 9 khi mẹ đang hôn mê trong những ngày cuối đời. Mặc dầu đây là một thời gian rất khó khăn trong đời sống cá nhân của mình, nhưng mình đã lấy sứ mệnh phục vụ để làm niềm an ủi và giúp mình duy trì được sự lạc quan trong cuộc sống cũng như nụ cười trên môi.

Bangkok, 31.12.2019

Thập niên của tôi (2016)


Năm 2016 đánh dấu một móc thời gian quan trọng trong đời sống của mình. Năm đó, mình kỷ niệm chặng đường tròn 10 năm trong ơn gọi linh mục truyền giáo. Sau khi nhận được tấm bằng tiến sĩ về tôn giáo học, mình đã được Đại chủng viện quốc gia Thái Lan mời giảng dạy ở đó. Mình dạy các môn tôn giáo học và giáo hội học.

Năm 2016 cũng là năm của rất nhiều chuyến đi: về Hoa Kỳ để thăm gia đình theo luật nhà dòng được đi 3 năm một lần; đi Hàn Quốc, Philippines, Mỹ và Úc để tham dự hội thảo, và đi Việt Nam để cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Công việc của mình xem ra đã nhiều lại còn càng nhiều hơn. Nhưng đó là ân phúc trong cuộc sống khi mình cảm thấy mình sống có ích cho giáo hội và cho bản thân.

Bangkok, ngày 30.12.2019

Thập niên của tôi (2015)


Một phần lớn thời gian và công sức của năm này được dành cho việc viết luận án tiến sĩ và chuẩn bị để bảo vệ luận án. Mặc dầu một linh mục thì không thể không có những sinh hoạt mục vụ, nhưng ưu tiên lớn nhất là hoàn tất chương trình tiến sĩ. Vì thế mình nỗ lực hết mình để làm tốt công việc. Ngay cả thời gian mình đi dạy học ở Đại chủng viện của Lào ở thành phố Thakhek, những khi rảnh rỗi mình cũng đi tìm một nơi nào yên tỉnh để viết bài. Một trong những nơi mình thích tìm đến là quán cà phê bên cạnh sông Mekong. Ở đây mình có thể vừa làm việc vừa thỉnh thoảng nhìn lên ngắm cảnh thơ mộng của dòng sông để thư giãn. Vào tháng 10 năm 2015, mình cũng đã hoàn tất luận án và bảo vệ thành công để nhận được tấm bằng hầu phục vụ cho những điều đang chờ mình phía trước.

Bangkok, 29.12.2019

Thập niên của tôi (2014)


Trong thời gian học chương trình tiến sĩ, mình vẫn tham gia các công việc mục vụ khác nhau, trong đó có mục vụ di dân Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010, hàng năm mình đã tổ chức hội trại giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan tại nhà thờ thánh Micae nơi mình quản xứ. Năm 2014, mình cũng tiếp tục tổ chức ở đây và có các bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành trên Thái Lan đến tham dự. Mình lên Nong Bua Lamphu trước một tuần để chuẩn bị các khâu cho chương trình hội trại. Nhưng mọi thứ đã không xảy ra như dự định. Đã có tai nạn thảm khốc xảy ra với một chiếc xe trong đoàn tham dự viên từ Bangkok khiến cho xe bốc cháy và 14 trên 16 người trong xe bị tử vong. Trong số người tử vong có cha Giacobe Vũ Văn Hanh, dòng Đaminh, tài xê xe và 12 bạn trẻ. Sau vụ tai nạn này, ở Bangkok năm đó còn có thêm nhiều vụ tai nạn nữa xảy ra với các bạn trẻ Việt Nam làm việc tại Thái Lan.Mỗi lần có tai nạn như thế thì thường các bạn liên lạc với mình để xin giúp đỡ về các thủ tục pháp lý cũng như những sự hỗ trợ khác. Chưa bao giờ mình gặp một năm với nhiều tang thương như năm 2014.

Bangkok, 27.12.2019

Thập niên của tôi (2013)


Sau 5 năm trên cánh đồng truyền giáo ở vùng đông bắc Thái Lan, năm 2013, mình đã trở lại Bangkok để bắt đầu một giai đoạn mới với một việc mình đã ấp ủ từ lâu, đó là bắt đầu học chương trình tiến sĩ về tôn giáo học. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, mình quyết định học tại Thái Lan thay vì trở lại Hoa Kỳ vì mình muốn nghiên cứu về Phật giáo nên ở Thái Lan sẽ thuận tiện hơn. Trở lại thành phố thủ đô, nhịp sống nhanh và nhộn nhịp hơn. Mình tập trung nhiều vào việc học tập để có thể hoàn tất chương trình nhanh nhất có thể bởi vì có tấm bằng trong tay luôn là điều cần thiết để đi tới trong công việc mà mình dự định sẽ thực hiện trong tương lai.

Bangkok, ngày 26.12.2019

Thập niên của tôi (2012)


Năm 2012 là năm cuối cùng trong sứ vụ quản xứ của mình tại giáo xứ Micae, tỉnh Nong Bua Lamphu. Thời gian ở đó mình có rất nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có nhóm các bạn trẻ Việt Nam đến làm việc trong khu vực và thường xuyên đến nhà thờ để sinh hoạt. Có khi sinh hoạt người Việt riêng với nhau, nhưng đa số sinh hoạt chung với nhóm giới trẻ người Thái. Từ khi đến Thái Lan năm 2007, mình đã tham gia mục vụ di dân Việt Nam ở Bangkok cũng như vùng Isan. Năm 2010, mình cộng tác với quý cha và quý seour thành lập Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan và làm linh hướng của Hiệp Hội từ đó. Khi ở vùng đông bắc Thái Lan, mình cũng giúp phát triển thêm mục vụ di dân tại các tỉnh Udon Thani, Khon Kaen và Mahasarakham. Đến bây giờ thì ở các tỉnh đó vẫn còn các nhóm Công giáo Việt Nam đang sinh hoạt đều đặn.

Riêng ở tỉnh Nong Bua Lamphu thì có nhóm Hy Vọng bây giờ đã ngừng sinh hoạt vì mỗi người đi mỗi nẻo. Ngay cả trong tỉnh cũng chỉ còn một ít người Việt làm việc ở đó. Thời đó lương trong tỉnh thật bèo. Các bạn làm ngày 12 tiếng đồng hồ chỉ được lương khoảng 4.000 baht/tháng. Vì thế mỗi khi nhóm sinh hoạt liên hoan thì chỉ có trái cây và nước ngọt chứ không mấy khi có ăn uống linh đình. Thế nhưng nhóm rất gắn bó và có nhiều sinh hoạt như chia sẻ Lời Chúa vào mỗi tối thứ sáu, tĩnh tâm và hội trại.

Bangkok, ngày 24.12.2019

Thập niên của tôi (2011)

Thời gian quản xứ tại nhà thờ thánh Micae ở tỉnh Nong Bua Lamphu, mình làm nhiều mục vụ khác nhau. Ngoài các mục vụ bí tích thì có lẽ mục vụ mình làm nhiều nhất là giáo dục. Mình tổ chức các khóa học kỷ năng sống, học tiếng Anh và học hè cho giới trẻ trong vùng. Ngoài ra, mình cũng được mời đi dạy tiếng Anh ở nhiều nơi, từ trường cấp 1 cho đến đại học, từ nhà tù cho đến bệnh viện. Qua các sinh hoạt này, mình tiếp cận được với nhiều người bên Phật giáo ở nhiều tầng lớp và lứa tuổi khác nhau.

Bangkok, 23.12.2019

Thập niên của tôi (2010)


Lúc đó mình là một cha xứ ở một tỉnh lẻ vùng đông bắc Thái Lan. Mặc dù chỉ là một giáo xứ nhỏ bé trên vùng đất truyền giáo, nhưng ở đây luôn có những sinh hoạt thú vị để có thể sống hết mình với sứ vụ. Kinh nghiệm phục vụ giữa những người bị nhiễm HIV, những người nghèo khó và những người di dân đã giúp mình xây dựng được nền tảng vững chắc hơn cho một đời sống dấn thân với những mảnh đời kém may mắn và bị loại ra lề xã hội.

Bangkok, ngày 22.12.2019

Một chàng trai, một cụ già, hai tấm vé máy bay, và tương lại của nhân loại



Sáng nay mình đọc được một câu chuyện trên mạng do một tiếp viên hàng không chia sẻ về một chàng trai tên Jack. Anh ta có vé máy bay hạng nhất đi từ New York trở về London. Trước khi lên máy bay, anh tình cờ làm quen với một cụ già 88 tuổi tên Violet. Cụ Violet có vé trên cùng chuyền bay nhưng ở hạng tiết kiệm ở hàng ghế sau cùng của máy bay. Cụ già đang trở về London sau khi đi thăm con gái tại New York. Đây là lần đầu tiên cụ đi máy bay sau thời gian dài phẩu thuật đầu gối và dưỡng bệnh.

Sau khi mọi người đã lên máy bay và ổn định chỗ ngồi, anh Jack đã đi từ phía đầu máy bay tới phía sau chót của máy bay và đưa cụ Violet đến chỗ ngồi của mình. Anh đã hy sinh ghế ngồi hạng nhất của mình cho cụ Violet và ngồi vào ghế hạng tiết kiệm của cụ. Theo lời kể của tiếp viên hàng không, cụ Violet thì vô cùng vui mừng và không tin nỗi điều đã xảy ra với mình. Cụ nói đã từng ao ước có một lần được ngồi ở phía trước máy bay. Về phần anh Jack thì anh đã ngồi vào ghế phía sau máy bay một cách rất thanh thản và không hề có cử chỉ gì để khoe khoang hành động tốt của mình.

Ngày nay các nhà khoa học đang phát triển công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) để làm những công việc mà con người không muốn làm và thậm chí không thể làm. Hiện nay trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trong nhiều việc như chuyển dịch ngôn ngữ trên Facebook và Google, lắp ráp các máy móc, và nhận diện nét mặt và âm thanh. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ  giúp lái xe không cần người điều khiển, giúp chẩn đoán bệnh tật của con người và đưa ra phương pháp điều trị, thậm chí nghiên cứu và giúp đưa ra những giải pháp cho các vấn đề lớn mà nhân loại chưa thể nào giải quyết được. Người ta dự tính trong tương lai thân thể con người sẽ được gắn những con chip (vi mạch) để điều hành sinh hoạt và giúp mỗi người giải quyết những công việc hằng ngày của mình.

Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo thì lớn khủng khiếp và có thể mang lại vô số điều bổ ích (cũng như thiệt hại) cho xã hội và cá nhân. Nhưng thiết nghĩ, không biết trí tuệ nhân tạo với những thuật toán algorithm của nó sẽ có thể giúp cho con có những quyết định ngẫu nhiên xem ra vô cùng “nghịch lý” và “bất lợi” như quyết định của Jack khi đã bỏ ra một số tiền thật lớn để mua vé máy bay hạng nhất để rồi nhường nó lại cho một cụ già trong khi mình phải ngồi trong một chiếc ghế nhỏ bé sau cùng của máy bay trên một chuyến bay dài xuyên đại dương.

Sự ngẫu nhiên, sự bất toàn, sự dại khờ và thậm chí sự ngu xuẩn đều là những thứ làm lên tính cách của con người. Tuy nhiên, người ta đang tìm cách để tạo nên những siêu nhân trong sức mạnh và trí tuệ qua khoa học công nghệ. Và dường như quá trình phát triển này ngày càng tăng tốc và công nghệ đang chuẩn bị có bước nhảy vọt dẫn đến những thay đổi mà chúng ta không ngờ có thể xảy đến trong một thời gian quá ngắn như vậy. Để trở nên những siêu nhân, xem như chúng ta đang tự nguyện vứt bỏ bản tính con người và những hành động ngẫu nhiên và nghịch lý mà chỉ có con người mới làm được.

Bangkok, ngày 19.12.2019

Nói chuyện với cha Anusak



Hôm nay cha A., quản xứ của một giáo xứ trong TGP Bangkok gọi điện thoại tới mình. Hai người nói chuyện với nhau một lúc. Cuộc nói chuyện xoay quanh đề tài các sinh hoạt chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh và sự kiện chuyến tông du của ĐGH Phanxico đến Thái Lan vừa qua.

Cha A. nói: - Thưa cha, tối 24 Lễ Vọng Giáng Sinh, nếu cha sắp xếp được, tôi muốn mời cha đến chủ tế Thánh lễ của giáo xứ. Như cha biết, trong giáo xứ có cả người Thái và không ít người Việt, nên tôi muốn nhờ cha phụ trách Thánh lễ này.

Mình trả lời: - Vâng, tôi cảm ơn cha đã có lời mời. Tôi vui lòng nhận lời mời để dâng Thánh lễ này. Cha muốn tôi phụ trách phần nào trong Thánh lễ ạ?

- Cha chủ tế và giảng lễ luôn nhé.

-Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi sẽ chuẩn bị cho việc đó ạ.

- Trước lễ, mời cha tới nhà xứ sớm để dùng bữa tối nhé. Có thêm một vài cha khách cũng sẽ đến để giúp giải tội trước giờ lễ. Xin cha giúp giải tội cho các bạn trẻ Việt Nam luôn nhé.

- Vâng, tôi sẽ đến dùng bữa tối với quý cha.

- Cha có cần phòng nghỉ qua đêm không?

- Thưa cha không ạ. Tối đó tôi sẽ về lại nhà cộng đoàn để nghỉ vì ngày hôm sau tôi còn phải đi dâng lễ nơi khác. Công việc chuẩn bị cho dịp lễ tại giáo xứ đang tốt đẹp chứ, thưa cha?

- Cảm ơn cha rất tốt đẹp. Các bạn trẻ Việt Nam trong giáo xứ đang giúp làm hang đá trước nhà thờ. Các bạn rất là tích cực. Tôi may mắc có các bạn trong giáo xứ của tôi.

- Và các bạn cũng rất may mắn khi có cha là cha xứ của họ. Các bạn ở đó chia sẻ với tôi nhiều lần về sự quan tâm của cha đối với họ.

- Nhưng tôi nghĩ các bạn ấy tốt thật và luôn rất hăng hái khi có việc cần giúp đỡ. Vừa rồi trong dịp lễ đại trào của Đức Thánh Cha, tôi hẹn với các bạn để đi với tôi xem điểm tổ chức cũng như làm một số công tác cho chuyến đi, họ luôn vui vẻ để làm với tôi.

- Tôi có nghe các bạn kể cho tôi nghe về việc đó. Tôi nghe nói những ngày đó cha cũng đã ký rất nhiều tờ đơn để chuyển nhượng quyền sử dụng vé thu hồi lại để giao cho người khác.

- Đúng vậy, chắc cũng phải 80 tờ đơn. Tôi thấy uổng nếu không ai sử dụng các tấm vé đó. Tôi đã thu hồi được những tấm vé mà giáo dân cả người Thái lẫn người Việt trong giáo xứ không dùng.

- Vâng, chúng tôi bên ban đăng ký vé cũng cảm thấy vậy nên đã tích cực thu hồi các vé không được sử dụng và chuyển cho người khác. Rất tiếc đến giờ chót vẫn có những người không có vé trong khi nhiều người có vé lại không đi cho nên trong sân vận động có một số chỗ bị trống.

- Đúng vậy. Nếu các cha xứ làm công tác theo giỏi việc sử dụng vé của giáo dân của mình thì chắc sẽ thu hồi lại được nhiều vé hơn.

- Chúng ta cũng đã làm hết sức của mình trong vai trò mà mình lãnh nhận. Giáo dân nước ngoài nhiều người đã gửi thư cảm ơn ban tổ chức vì họ cảm kích trước cách tổ chức và sự đón tiếp của Giáo hội Thái Lan.

- Vậy thì đáng mừng. Sau những ngày lễ đó tôi cũng kiệt sức, nhưng mọi thứ đã tốt đẹp.

- Có lẽ ai có vai trò trong dịp lễ này cách này hay cách khác đều như thế cả, thưa cha.

Sau cuộc nói chuyện vui vẻ, mình chào cha A. và hẹn gặp ngài lại tối 24 tại giáo xứ của ngài. Khi chuẩn bị tắt máy mình vẫn nghe được tiếng nói thân thiện của ngài bên kia đường giây đang nói chuyện với ai đó, có lẽ là một bạn trẻ Việt Nam đang giúp làm hang đá: “Cha mới gọi cho cha Đức….”

Bangkok, ngày 9.12.2019

Hành hương Thái Lan

Nhà thờ chánh tòa Assumption thuộc TGP Bangkok

Sau sự kiện ĐGH Phanxicô tông du Thái Lan, dường như nhiều công ty du lịch trước đây chỉ xem Thái Lan là một đất nước Phật giáo, một thiên đường du lịch có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách từ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, ngay cả những thú vui trác táng, phần nào đã “phát hiện” ra Thái Lan cũng có thể là một điểm hành hương đầy ý nghĩa đối với người Công giáo.

Hôm nay mình đã tiếp đại diện của một công ty du lịch tại nhà cộng đoàn vì công ty này muốn nhờ mình tư vấn về các nhà thờ có thể đưa vào chương trình hành hương của họ. Mặc dầu chủ công ty không phải là người Công giáo, nhưng vì khách của công ty có rất nhiều người theo đạo Công giáo nên họ muốn giới thiệu với các du khách thêm một mặt khác của đất nước Thái Lan.

Cũng không phải tình cờ khi chiều nay mình lại nhận thêm một tin nhắn từ một công ty du lịch khác tại Việt Nam xin tư vấn vì họ đang chuẩn bị đưa các đoàn hành hương qua Thái Lan và muốn có thông tin về nơi để có thể tổ chức hoặc tham dự Thánh lễ. Người nhắn tin cho hay công ty cũng đang muốn triển khai lĩnh vực du lịch hành hương đến Thái Lan với một hình ảnh khác ngoài hình ảnh là xứ chùa chiền.

Trên thực tế thì thời gian qua, ngay cả trước sự kiện chuyến tông du của ĐTC thì đã có nhiều đoàn đến hành hương Thái Lan, đặc biệt là các seour Dòng Mến Thánh Giá. Lý do Thái Lan là điểm đến ý nghĩa cho quý seour là vì vị sáng lập dòng MTG, Đức Cha Lambert De La Motte, được chôn cất tại nhà thờ thánh Giuse ở cố đô Ayutthaya. Vì thế các seour thường tổ chức các chuyến đi để viếng mộ của ngài.

Nhà thờ thánh Giuse cũng là nhà thờ đầu tiên của Thái Lan và mang một tầm quan trọng lịch sử và tinh thần không nhỏ cho giáo hội Thái. Cố đô Ayutthaya chỉ cách thành phố Bangkok 100km nên rất thuận tiện cho những chuyến hành hương đến ngôi nhà thờ lịch sử này. Năm nay đánh dấu 350 năm thành lập sứ vụ truyền giáo Xiêm La nên có nhiều sự kiện được tổ chức tại nhà thờ thánh Giuse cũng như có rất nhiều đoàn giáo dân đến đây để hành hương.

Mặc dầu Thái Lan là một xứ sở Phật giáo với những ngôi chùa đồ sộ hoành tráng, nhưng trong Thánh ý của Thiên Chúa thì hạt giống Tin Mừng cũng đã được gieo rắc trên vùng đất hiền hòa này và cũng đã nảy sinh hoa trái. Trong bài phát biểu của ĐHY Phanxicô Xavier Kriengsak trong dịp Thánh lễ đại trào được chủ sự bởi ĐTC Phanxicô tại SVD Suphachalasai, ngài đã nói rằng, tất cả mọi thành phần của Giáo hội Thái Lan “tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu và lòng thương xót của Người. Người đã ban phúc lành ‘nền văn minh tình yêu của Chúa Ki-tô’ cho tất cả các Kitô hữu Thái Lan. Đó là một ân ban đặc biệt vượt trên tất cả sự mong đợi của chúng con, ân ban này thậm chí không hề có trong kế hoạch ban đầu của các nhà truyền giáo khi đến đất nước chúng con. Nhưng tất cả những điều ấy không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa cho Giáo hội Công giáo tại Thái Lan, nhất là sau khi các nhà truyền giáo MEP (Đoàn truyền giáo của Hội thừa sai Paris) đã đề nghị lên Tòa thánh để bổ nhiệm Cha Louis Laneau làm giám mục đầu tiên của vùng truyền giáo Xiêm La vào năm 1669.”

Hai đất nước Thái Lan và Việt Nam cho dù không nằm sát nhau nhưng lại có một sự liên đới đặc biệt giữa hai giáo hội. Ngoài việc hai dòng Mến Thánh Giá Việt Nam và Thái Lan có chung một đấng sáng lập, thì tại Thái Lan có không ít người Công giáo mang dòng máu Việt. Người Công giáo Việt Nam đã bắt đầu di dư qua Thái Lan từ hơn 300 năm trước khi bị bách hại đạo trên quê hương, và còn có thêm những đợt di cư khác nữa theo các biến cố lịch sử của đất nước. Ngày nay, người Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đến Thái Lan để làm việc, học tập và du lịch.

Đến hành hương Thái Lan để tìm hiểu thêm về lịch sử của Giáo hội Thái và để tiếp tục xây dựng mối liên đới giữa hai giáo hội là điều tốt lành để làm không chỉ trong dịp năm thánh của Giáo hội Thái Lan mà bất cứ thời điểm nào trong tương lai. Đã đến lúc người Việt Nam, đặc biệt là những người Công giáo đến đất nước này với những chương trình cho chuyến đi mang tính đạo đức, lành mạnh thay vì chỉ với mục đích vui chơi và hưởng thụ.

Bangkok, ngày 5.12.2019