Nhật ký Ấn độ tiếp theo




(1) Lang chài Puri

Cuộc sống của làng chài Puri tại miền đông Ấn độ vào buổi chiều thật sôi động với nhiều sinh hoạt khác nhau cùng một lúc. Sau khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến với số cá đã đánh được từ một ngày lao động, trên bãi cát các ngư dân bày số cá đã bắt được trên bãi cát cho những tiểu thương xem hàng để mua. Mỗi lần có một thùng cá được đổ ra thì những tiểu thương đứng bao vây để xem hàng. Ai dành mua được mớ cá thì hốt vào thau rồi đội đầu mang về. Tuy nhiên không hề thấy tiền trao tay bởi vì những người bán và mua đều đã quen biết nhau nên việc tính tiền sẽ diễn ra sau khi hàng đã được bốc về.

Khi những chiếc thuyền cập bến thì có hai cách để đưa thuyền lên. Có chiếc thì được thắt vào một sợi giây dài. Trên bãi cát người ta xây một cái trục xoay. Những người đàn ông và cả trẻ con nắm những khúc gỗ chĩa ra từ cái trục rồi xoay vòng cho giây cuốn vào trục để kéo thuyền lên. Có chiếc thì được kéo lên trực tiếp bởi một đội ngũ khoảng 10-12 người đàn ông khỏe mạnh. Trên bãi cát có những người đang ngồi gỡ lưới. Dường như ai cũng có một công việc gì đó để làm. Tuy nhiên giữa công việc thì người ta cũng đứng trò chuyện vui vẽ với nhau. Các phụ nữ trong những chiếc sarong truyền thống với đủ màu sắc tươi cười trò chuyện như đang ở một lễ hội.

(2) Bãi biển Puri

Bên cạnh làng chài là bãi biễn du lịch Puri nơi có nhiều người địa phương cũng như du khách tới tham quan và tắm biển. Khi mình đến đây thì đã chiều nhưng trên bãi biễn không nhiều người. Cha Joshy nói rằng càng về chiều thì sẽ có càng nhiều người ra bãi biển để tắm. Mà dường như dân địa phương không chỉ đến đây để tắm mà còn làm những việc khác nữa vì khi mình và cha Mishen đi ngang qua bãi cát bên cạnh làng chài thì gặp khá nhiều quả “mìn” và còn bắt gặp vài hung thủ đang đặt mìn nữa.

Trên bãi biễn ngoài những dịch vụ ăn uống như thường gặp ở các nơi du lịch khác thì còn có dịch vụ cưỡi lạc lạc đà và cưỡi ngựa với giá 100 rupee cho 200 mét. Một dịch vụ khác rất phổ biến tại đây là dịch vụ ngoáy tai. Những người làm công việc này chủ yếu là những chàng trai với một hộp đồ nghề tương tự như hộp đánh giày tại Việt Nam. Khi họ thấy khách thì tới chào dịch vụ của mình. Mình nhận thấy người cung cấp các dịch vụ thì nhiều nhưng khách hàng thì rất ít.

(3) Trung tâm phát triển con người

Cha Joshy dẫn mình tới một trung tâm hoạt động xã hội của Dòng Tên gọi là “Human Life Centre.” Ở đây có những lớp học dạy tiếng Anh, dạy nghề và các kỹ năng khác như đánh máy và vi tính cho học sinh, sinh viên. Trung tâm có một phòng đọc sách rất đơn sơ. Trong phòng chỉ có những chiếc bàn và ghế dài bằng ghỗ như những bàn ăn của các canteen. Phòng cũng chỉ có máy quạt chứ không có gắn máy lạnh. Khi mình nhìn vào xem thì thấy phòng đầy những bạn trẻ sinh viên đang ngồi học bài trong đó rất chắm chú. Cha Tony John người điều hành trung tâm cho hay để được sử dụng phòng đọc sách phải đóng phí thành viên tháng. Mặc dầu phí thành viên chỉ vài trăm rupee một tháng, nhưng việc các bạn sinh viên phải đóng tiền để sử dụng một phòng đọc sách thô sơ như vậy chứng tỏ tại Ấn độ không gian để cho các học sinh, sinh viên có nơi yên tĩnh để học bài rất hạn chế. Ấn độ hiện nay có dân số đứng thứ nhì trên thế giới, và không bao lâu nữa sẽ vượt Trung Quốc chiếm vị trí đất nước có đông dân số nhất thế giới. Vì thế ở đây đi đâu cũng thấy người tấp nập. Ở trong các thành phố, người đông đúc, xe cộ tấp nập cộng thêm tiếng còi inh ỏi, môi trường nhiều bụi và rác—tất cả tạo nên một quang cảnh thật hổn độn.

(4) Nhà Mẹ Tê-rê-xa Calcutta

Sáng ngày 28 tháng 11, mình cùng với cha Joshy và cha Mishen đáp xuống sân bay Calcutta từ Bhubaneswar sau khi đã kết thúc hai ngày làm việc. Tại sân bay cha Johnson thuộc dòng Tên là bạn của cha Joshy đến đón tại sân bay và đưa đi thăm nhà Mẹ Tê-rê-xa trong thành phố Calcutta. Đây là nơi mẹ Tê-rê-xa đã ở và phục vụ hàng chục năm trong sứ vụ phục vụ người nghèo của mẹ. Đây cũng là nhà mẹ của dòng tu mà mẹ đã thành lập, và hiện là nơi đào tạo các nữ tu trẻ của dòng.

Mặc dầu ngày thứ năm là ngày nhà dòng đóng cửa để tĩnh tâm tuần, nhưng cha Johnson đã giúp liên lạc để các seour mở cửa cho phép mình và các cha vào viếng mộ của mẹ và dâng lễ trong nhà nguyện bên cạnh mộ của mẹ. Ngôi mộ của mẹ Tê-rê-xa đơn sơ như con người và cung cách của mẹ và đúng với linh đạo sống khó nghèo của hội dòng. Sau khi mình và các cha đã dâng lễ và cầu nguyện trước mộ của Mẹ Tê-rê-xa xong thì đã vào tham quan phòng ngủ của mẹ, một không gian nhỏ bé và đơn giản chỉ với cái giường nhỏ, bàn làm việc và một vài tấm hình treo trên tường, trong đó có hình mẹ đang bắt tay ĐGH Gioan Phaolo II.

Trong Thánh lễ cũng như lúc cầu nguyện trước mộ của mẹ, mình đã cầu nguyện cho tất cả những người thân, những người đã xin lời cầu nguyện từ mình, và cho tất cả những ai mình đang phục vụ trong sứ vụ của mình. Mình đặc biệt xin Mẹ Tê-rê-xa cầu bàu cùng Chúa ban cho mình một tinh thần phục vụ khiêm tốn, biết quên mình như mẹ.

(5) Đàn ông, bò và chó

Ở Ấn độ, đặc biệt là ở vùng mà mình đã tới thì khi đi ra đường mình để ý thấy có rất nhiều phái nam đi lại ngoài đường, nhiều hơn phụ nữ hẳn. Một điều đáng chú ý là dường như tất cả các cửa tiệm và các sạp ngoài chợ đều được trông coi bởi phái nam. Cho dù là một người bán rau, bán tạp hóa hay một cửa tiệm điện tử, người bán hàng đều là nam. Cả một đoạn đường dài hàng chục cây số ngồi trên xe ô-tô, mình nhìn vào các cửa hàng để xem ai đang bán thì chỉ thấy đàn ông và thanh niên. Chỉ có một lần duy nhất mình nhìn thấy người đứng bán là phụ nữ, nhưng đó là cửa tiệm chuyên may trang phục dành cho nữ.

Ngoài đàn ông con trai thì bò là một hình ảnh rất quen thuộc trên các con đường ở Ấn độ, đặc biệt là ở các tỉnh và vùng quê. Trong tín ngưỡng của người theo Ấn độ giáo, con bò được tôn thờ như một thần thánh nên người ta nuôi bò và thả tự do cho đi lại trên đường phố. Con bò dường như cai trị đường phố vì không ai dám đuổi nó đi và chỉ có thể tránh nó khi nó đang đứng, nằm hoặc đang đi ngay giữa đường.

Chó cũng là một con vật thấy rất nhiều trên đường phố tại Ấn độ. Người Ấn độ không ăn thịt chó nên cũng không ai sợ để cho chó đi tự do ngoài đường sẽ bị bắt cóc. Vì thế mà ngay cả ở phía trước sân bay quốc tế Calcutta mà cũng thấy nhiều con chó đang nằm ngủ một cách thoải mái. Người Ấn độ cũng tỏ ra rất thản nhiên trước sự việc có nhiều con chó đi qua lại ở các nơi công cộng.

Sân bay Calcutta, Ấn độ, ngày 28.11.2019




Nhật ký Ấn độ


Sau sự kiện tông du của ĐTC Phan-xi-cô và lễ di dân Việt Nam kết thúc, ngày hôm sau mình đã ra sân bay đi Ấn độ để có một cuộc họp “3 bên” tại học viện Xavier thuộc dòng Tên tại thành phố Bhubanewar, vùng đông Ấn độ. Cuộc họp 3 bên này là giữa mình với hai linh mục khác, cha Joshy Xavier dòng Tên và cha John Mishen, người Trung Quốc. Nói đúng hơn thì đây là một cuộc làm việc vì chúng tôi thuộc chuyên ban về truyền thông kỹ thuật số của tổ chức SIGNIS và được giao phó trách nhiệm thực hiện một bài viết chuyên đề về đường hướng mục vụ của Giáo hội trong thời kỳ kỹ thuật số. Đây là lần thứ 2 mà cả ba người phải gặp trực tiếp đề làm việc với nhau thay vì chỉ trao đổi qua email và mạng xã hội. Vì chuyên đề cần phải được hoàn tất trong vòng vài tháng nữa và cần trải qua một quá trình đánh giá bởi các chuyên gia và chỉnh sửa trước khi được phổ biến nên ban phải làm việc cật lực trong thời gian này.

Nơi làm việc của ban trong vòng hai ngày là ở Học viện Xavier nơi cha Johshy đang giảng dạy. Đến bây giờ thì đã làm việc được 2 ngày và kết quả rất tốt đẹp. Khi gặp gỡ và trao đổi với nhau về những gì đã được viết bởi từng người thì nảy lên những ý tưởng tốt để xây dựng cho chuyên đề đầy đủ và sâu sắc hơn. Mặc dầu trong thời kỳ kỹ thuật số nhiều thứ có thể làm được qua mạng, nhưng khi đối mặt với nhau để bàn thảo thì mức hiệu quả cao hơn rất nhiều. Đó là vì khi đối diện với nhau xung quanh một bàn làm việc, khoảng cách về không gian, thời gian và cảm xúc cũng rút ngắn đi dẫn đến việc bàn thảo hào hứng và sôi nổi hơn. Việc truyền đạt và tiếp nhận ý tưởng cũng dễ dàng thực hiện hơn. Hy vọng rằng với việc thực hiện chuyên đề này sẽ có một tài liệu giá trị để đóng góp cho Giáo hội trong thời kỳ có nhiều biến đổi trong đời sống con người và xã hội qua những phát triển về công nghệ.


Bhubaneswar, Ấn độ, 28.11.2019

Niềm vui hội ngộ



Hôm qua tại Bangkok đã diễn ra Thánh lễ hội ngộ di dân Việt Nam tại Thái Lan được tổ chức tại nhà thờ Ngai tòa thánh Phê-rô và được chủ sự bởi ĐGM Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo phận Hà Tĩnh. Trong Thánh lễ có sự tham dự của động đảo các linh mục và giáo dân, trong đó một phần là những người đã đến Thái Lan để tham dự Thánh lễ đại triều diễn ra ngày 21.11.2019.

Thánh Lễ Chúa Nhật hôm qua mừng Ki-tô Vua Vũ Trụ, nhưng trùng vào ngày 24 tháng 11 là mừng kính các Thánh tử vì đạo tại Việt Nam nên ban tổ chức đã dành thời giờ trước và cuối lễ để tôn kính các ngài. “Ban tổ chức” của Thánh lễ chính là Ủy ban mục vụ di dân Việt Nam trực thuộc HĐGM Thái Lan, bao gồm các linh mục người Thái lẫn người Việt được ủy thác công việc mục vụ cho những anh chị em Việt Nam đến Thái Lan để sinh sống, làm việc và học tập. Các ngài phụ trách các giáo phận khác nhau. Tại TGP Bangkok vị đặc trách là cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà, OP cùng với cha người Thái Alexis Surachai. Cha Hà cũng là người đã điều phối thánh lễ hôm qua.

Thánh lễ di dân hàng năm được tổ chức để thể hiện sự liên đới và hiệp nhất trong toàn thể cộng đoàn Công giáo Việt Nam trên toàn Thái Lan. Mặc dầu mỗi tuần trong năm phụng vụ sẽ có các thánh lễ Việt ở các nhóm khác nhau, nhưng trong dịp lễ di dân thì sẽ không có một thánh lễ nào được tổ chức ngoài thánh lễ quy tụ toàn thể cộng đoàn. Ủy ban mục vụ di dân Việt Nam chỉ mới được HĐGM Thái Lan chính thức thành lập từ năm 2017 sau 15 năm dài các linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan đã dấn thân làm mục vụ này một cách ‘tự phát’. Bằng cách này cách khác, các ngài đã giúp cho các lãnh đạo của Giáo hội địa phương “nhìn thấy” những người di dân Việt Nam đang sống bơ vơ trên đất khách quê người, mở lòng đón nhận họ và tạo cho họ cảm giác được quan tâm và tôn trọng. Nỗ lực đó vẫn đang còn tiếp diễn vì còn rất nhiều thứ cần phải làm, không chỉ từ mặt của giáo hội và giáo dân Thái Lan mà còn từ phía của những người Việt Nam đến sinh sống trên xứ sở này.

Thánh lễ ngày hôm qua có sự hiện diện của nhiều linh mục từ Việt Nam, đặc biệt là từ giáo phận Vinh và Hà Tĩnh cũng là cơ hội để cho các ngài hiểu thêm phần nào về bối cảnh sống và sinh hoạt của con em của các ngài cũng như mục vụ mà quý linh mục đang thực hiện tại Thái Lan. Một điều rõ ràng là mục vụ cho người di dân đòi hỏi một tinh thần và sự dấn thân đặc biệt từ người mục tử. Các bạn trẻ di dân cần sự thông cảm và sự quan tâm một cách chân thành từ những vị chủ chăn của mình, đặc biệt là chủ chăn ở quê hương. Nhiều bạn trẻ chia sẻ cảm thấy chạnh lòng khi tại quê nhà họ trở nên những câu chuyện minh họa cho lối sống sa đọa, thiếu đạo đức được nêu lên trong các bài giảng trong thánh lễ, trong khi họ lại thường xuyên được tìm đến để kêu gọi hỗ trợ kinh phí cho những công trình xây dựng trong giáo xứ tại quê hương. Trên thực tế, để tìm hiểu về các vấn đề của những người di dân, các vị chủ chăn tại quê hương không chỉ nên lắng nghe những chia sẻ từ những người đã từng đi ra nước ngoài rồi trở về, mà còn thực hiện những chuyến thăm mục vụ để gặp gỡ những người di dân và chứng kiến môi trường sống và sinh hoạt của họ. Những chuyến thăm mục vụ thực sự không kèm theo những mục đích khác như du lịch hoặc quyên góp, nhưng để chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ.

Thánh lễ di dân đã thực sự là một ngày hội ngộ đầy ý nghĩa. Qua những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội thì nhiều người đã thực sự cảm nhận được niềm vui của sự gặp gỡ trong niềm tin yêu. Khi phổ biến về thánh lễ, mình cũng hiểu được rằng, sau những ngày lễ trong chuyến tông du của ĐTC, nhiều người sẽ mệt hoặc không có thêm điều kiện để đi tham dự lễ di dân. Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua được sự khó nhọc đó để đến với nhau trong ngày lễ kính các thánh tử vì đạo tại Việt Nam và ngày lễ Ki-tô Vua và đã nhận được niềm vui sâu xa từ sự hy sinh và cố gắng của chính mình.

Odisha, Ấn độ, ngày 25.11.2019

Nhật ký chuyến tông du của ĐTC



Các trách nhiệm của mình liên quan đến chuyến tông du của ĐTC Phan-xi-cô đến Thái Lan xem như đã hoàn tất tối hôm qua. Hôm nay có một ngày để nghỉ ngơi mình cũng đã phần nào lấy lại sức khỏe. Có lẽ đây là lúc tốt nhất để viết vài dòng nhật ký. Nếu mình không viết hôm nay thì chắc cũng sẽ không bao giờ viết vì cuộc sống và công việc sẽ cứ tiếp diễn với những sinh hoạt mới, với những công việc mới để chi phối thời giờ và tâm trí.

Phải công nhận Giáo hội Thái Lan nhỏ nhưng không phải dạng vừa. Chỉ trong vòng hơn hai tháng từ khi được công bố chính thức về chuyến thăm mục vụ của ĐGH đến Thái Lan mà các khâu tổ chức đã được hoàn tất thành công và tốt đẹp. Mình không phải là thành viên trong ban tổ chức chính nên mình không biết hết những gì phía sau những công việc phải làm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính quyền, hoàng gia v.v.

Trong hàng loạt công việc trong khâu tổ chức thì mình được giao hai lĩnh vực chính là cộng tác trong ban đăng ký vé cho khách hành hương quốc tế và ban đón tiếp khách thuộc Hội đồng giám mục Á châu. Trong hai việc này công việc phức tạp hơn là việc giúp cho người nước ngoài đăng ký, đặc biệt trong lúc đầu khi ban tổ chức chưa thể xác định được sẽ cấp cho người nước  ngoài bao nhiêu vé để tham dự Thánh lễ đại triều và các sự kiện khác. Điều này chỉ có thể làm được sau khi lượt đăng ký vé cho người Thái Lan đã hoàn tất và BTC có thể đưa ra con số ban đầu về việc cấp vé cho người nước ngoài.

Thoạt đầu, số vé có thể cấp cho các nước rất ít so với nhu cầu. Ở Việt Nam số lượng vé mà các cá nhân và tổ chức liên lạc xin lên tới 8.000 trong khi BTC chỉ có thể cấp cho một nửa số lượng yêu cầu. Chỉ về sau thì BTC mới có thể dần dần gia tăng số vé cấp cho người nước ngoài, giúp cho người Việt Nam có thể đăng ký được như nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, đến những ngày cuối cùng sau khi đã quá hạn chót để đăng ký vé thì nhiều người từ các nước lại liên lạc để xin đăng ký. Nhiều người nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho mình trực tiếp để xin vé. Có người chưa có vé nhưng vẫn mua vé máy bay qua Thái Lan để tham dự Thánh lễ. Nhiều người không biết rằng việc tham dư Thánh lễ đại triều cần phải có vé mới vào cổng được. Thêm một vấn đề mà BTC  phải giải quyết là có nhiều người đăng ký nhưng lại không đến tham dự trong khi những người khác muốn đến tham dự nhưng lại không có vé. Có người đăng ký cùng một lúc hai ba nơi nên có nhiều hơn một tấm vé được in cho mình. Có người giấy tờ không hợp pháp nhưng lại đăng ký vé rồi lại không dùng nó được. Và có người là linh mục nhưng lại đăng ký vé giáo dân rồi sau đó muốn đổi thành vé linh mục để được đồng tế. Có người đăng ký vé nhưng lại không thể đến nhận vé theo ngày giờ quy định nên phải nhờ BTC giúp giải quyết. Có những người đã có vé nhưng muốn nhường lại cho người khác sử dụng nên BTC cũng phải tìm cách để hỗ trợ cho điều này. Có người liên lạc chỉ xin 1 vé, nhưng có người viết thư xin đến hàng nghìn vé, chủ yếu là các công ty du lịch.

Khi mình được nhờ để giúp trong ban đăng ký vé, mình không ngờ sẽ có quá nhiều vấn đề phát sinh mà mình phải giải quyết cho đến giờ chót khi thánh lễ đại triều đã gần bắt đầu. Nhưng với sự nỗ lực của mọi người trong ban và sự tận tình của các tình nguyện viên người Thái và Việt, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Trong sân vận động vẫn có những nơi thấy ghế trống không có người ngồi mặc dầu vé đã được in để lấp hết những hàng ghế đó. Nhưng việc này có lẽ khó tránh được. BTC cũng chỉ có thể cấp vé theo yêu cầu còn việc ai đó có đi tham dự hay không thì mình không thể nào kiểm soát được.

Mình chỉ thấy vui khi đến ngày và giờ chót mà BTC vẫn có thể giúp cho những người tới xin vé có được tấm vé để vào tham dự Thánh lễ. Những tấm vé đó là từ nỗ lực kêu gọi những ai không đi trả vé lại để nhường cho người muốn đi nhưng chưa có vé. Và cũng vào những ngày chót mà mình và anh John trong ban vé vẫn trả lời những email xin vé để tạo điều kiện cho họ có thể tham dự lễ.

Với những gì mình đã đóng góp trong việc tổ chức các sự kiện, mình cảm thấy thật hạnh phúc khi có cơ hội phục vụ giáo hội. Mình hạnh phúc khi chứng kiến các giáo dân có cơ hội để nhìn thấy vị cha chung tận mắt. Có người được chạm vào vạt áo của ngài, được hôn nhẫn của ngài, được ngài ôm hôn. Và ai đến với ngài cũng đã được ngài ban cho phép lành trọng thể. Mình hạnh phúc khi thấy những nụ cười sáng ngời trên môi của các giáo dân bất chấp nắng gắt để ngồi chờ lễ trong sân vận động không có mái che. Mình hạnh phúc khi thấy các cán bộ cảnh sát an ninh, các nhân viên trật tự và tình nguyện viên y tế người Phật giáo vui vẻ, lịch sự và hài hòa với những người khách Công giáo hầu tạo nên một ấn tượng tốt về đất nước Thái Lan cũng như giúp cho Thánh lễ được trang nghiêm và sốt sắng.

Những ngày trước lễ và khi đang diễn ra các sự kiện, không chỉ mình mà những người trong các BTC cũng đã thật vất vả. Các cha dường như ai cũng mất ngủ vì không có giờ ngủ hoặc vì quá lo lắng mà ngủ không ngon. Nhiều người nghe nói tới ban bệ thì cứ tưởng là nó đồ sộ lắm, nhưng cái “bộ phận in vé” chỉ là một thầy giáo tên Kệng là người phải lên danh sách và in toàn bộ số vé cho tất cả các tham dự viên của các sự kiện liên quan đến chuyên tông du. Cái ban đăng ký vé cho khách quốc tế cũng chỉ có 3 người. Mà trong ban này thì có mình và anh John thì phải giúp thêm ban đón tiếp quan khách. Đó là chưa kể anh John là nhân viên toàn thời giờ của tổ chức Caritas Thái Lan, còn mình vẫn phải đi dạy học trên Đại Chủng Viện như thường lệ. Riêng cô Nọi  là thành viên thứ 3 trong ban thì còn phải đảm trách thêm việc đón tiếp và sắp xếp chỗ ăn ở cho phái đoàn Vatican trong suốt chuyến đi.

Ở các nước khác thì các ban ngành có lẽ sẽ có rất nhiều thành viên. Nhưng Thái Lan là một giáo hội nhỏ bé, nhân sự hạn chế nên ban bệ không đồ sộ. Tuy nhiên, con số ít không nghĩa là không thể làm việc hiệu quả và nhanh chóng. Mặc dầu trong khâu tổ chức có nhiều bất cập vì lý do khách quan cũng như chủ quan, nhưng cuối cùng điều mà Giáo hội Thái Lan đã làm được trong sự kiện ĐTC đến thăm mục vụ thì có thể không ai ngờ được đó là thành tích của một giáo hội với chỉ vỏn vẹn hơn 300.000 giáo dân trên toàn quốc. Con số này chỉ tương đương với một giáo phận tại Việt Nam.

Năm nay kỷ niệm 350 sứ vụ truyền giáo tại Thái Lan. Chuyến tông du của ĐGH đến đất nước này và những gì đã xảy ra trong những ngày vừa qua cho thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ lãng quên những đàn chiên bé nhỏ của Ngài được phản ảnh qua việc ĐTC đến thăm mục vụ một giáo hội mà chỉ chiếm 0.5% dân số đất nước. Tuy nhiên, một con người bé nhỏ cũng có thể làm những việc to lớn khi đã có ơn Chúa. Những gì Giáo hội Thái Lan đã làm được trong mấy ngày qua chắc chắn đã có ơn Chúa trợ giúp. Mình tin rằng các ân sủng sẽ còn tiếp tục được tuôn đổ xuống trên Giáo hội Thái Lan trong suốt năm thánh này để Giáo hội không ngừng thăng tiến và kiên trì trong việc thi hành sứ vụ tình yêu của Thiên Chúa.

Bangkok, ngày 23.11.2019