Giới trẻ một giáo phận, hai kiểu giữ đạo





Các bạn trẻ đi lễ Chúa Nhật tại một nhà thờ ở Gp VinhAdd caption

Tối qua mình nói chuyện với một bạn trẻ đang ở quê Hà Tỉnh. Bạn ấy từng làm việc ở Thái Lan nhưng đã trở về Việt Nam để lo việc cá nhân. Bạn chia sẻ với mình rằng ở quê mỗi ngày bạn đi nhà thờ ba lần – Lễ sáng, 3 giờ chiều (đọc kinh Lòng Thường Xót Chúa), và ban tối. Những ngày này còn đi nghe ngắm và được rước Chúa hàng ngày. Bạn trẻ cảm thấy rất sốt sáng và hạnh phúc khi được sống trong môi trường đạo đức của cộng đoàn giáo xứ. Ở Thái Lan bạn chỉ có thời giờ đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

Lời chia sẻ của người bạn trẻ làm cho mình không khỏi phân vân. Nếu ở quê nhà người trẻ được huấn luyện để siêng năng đi nhà thờ, một ngày không chỉ một lần mà nhiều lần, nếu người trẻ luôn lấy nhà thờ làm trung tâm điểm của đời sống thường nhật, thì tại sao có quá nhiều bạn trẻ từ Giáo phận Vinh khi sang Thái Lan làm việc và sinh sống lại lơ là trong việc giữ đạo đến thế. Tại sao lại có trường hợp ban lãnh đạo nhóm giới trẻ phải đi gọi điện thoại từng người, phải gõ cửa từng phòng, còn hứa tới đón tận nơi mà vẫn từ chối đi lễ ngày Chúa Nhật. Lễ tiếng Thái không đi đã đành, lễ tiếng Việt cũng chẳng màng đến. Đã có quá nhiều lần mình nghe những bạn lãnh đạo nhóm nói với mình rằng: - Thưa cha nếu ở đây các bạn đi lễ hết thì chúng con trên 100 người, nhưng chúng con chỉ có 30-40 người thôi!

Gần đây trong một cuộc họp ban điều hành các nhóm và các vị linh mục tu sĩ linh hướng, một anh lãnh đạo yêu cầu các cha đi đến khu vực của mình để thăm viếng từng phòng trọ của các bạn trẻ Việt Nam để kêu gọi và khuyến khích họ đi lễ. Chưa nói đến việc các cha có sức và thời giờ để đi làm công việc này hay không vì trong cộng đoàn có mười mấy nhóm, trải dài trên bảy tỉnh thành trong khi mục vụ cho người Việt chỉ là công việc “làm thêm” của các cha ngoài sứ vụ chính mà hội dòng đã giao phó, thì ta phải đặt vấn đề: Nếu ở quê nhà, các cha xứ còn cấm không cho những giáo dân ăn mặc không chỉnh tề vào nhà thờ, thậm chí có người bị đuổi ra khỏi nhà thờ vì nhuộm màu tóc lòe loẹt, thì hỏi tại sao ở Thái Lan các cha cần phải đi gõ cửa từng phòng để kêu mời đi lễ? Tại sao lại có sự khác biệt trong cách giữ đạo giữa hai môi trường một cách khủng khiếp như vậy?

Hôm qua mình nói chuyện với một giáo dân người Thái mới đi du lịch Anh Quốc và Á Nhĩ Lan về. Vị giáo dân này kể cho mình nghe rằng ở Anh Quốc dường như đã bị trần tục hóa hoàn toàn. Còn người Công giáo ở Á Nhĩ Lan vẫn rất truyền thống và sùng đạo. Tuy nhiên, có nhiều người trẻ Á Nhĩ Lan khi sang Anh Quốc làm việc thì sống lối sống bê tha, không nhà thờ nhà thánh, ăn ở với nhau trước hôn nhân là chuyện bình thường. Nhưng vào những dịp lễ, họ đưa nhau về quê thì nhà ai nấy ở, và trở lại với lối sống nghiêm khắc của cộng đoàn. Sau kỳ nghỉ kết thúc, họ tiếp tục sang Anh và ăn ở với nhau như cũ.

Nghe chuyện của người trẻ Á nhĩ lan không làm cho mình khỏi liên tưởng đến những người trẻ GP Vinh sang Thái Lan làm việc và sinh sống. Khi ở quê, họ sống theo nề nếp của cộng đoàn, nhưng khi sang Thái Lan thì ăn cắp ăn trộm có, cờ bạc có, bắt cóc người để tống tiền có, gọp gạo nấu chung có, lập gia đình rồi mà vẫn ăn ở với người khác có, chỉ việc đi lễ ngày Chúa Nhật, cho dù là tiếng Thái hay tiếng Việt thì rất nhiều người lại không có.

Bangkok, ngày 24.3.2015

Truyền thống ngắm nguyện của người Việt Nam



Các bạn trẻ Việt Nam ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu


Người Công Giáo Việt Nam ở miền trung và miền bắc có một truyền thống rất tốt lành là ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu trong dịp Mùa Chay Thánh. Ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, người Công giáo đi Đàng thánh giá để suy niệm và sống lại cuộc hành trình đau khổ của Chúa Giêsu lên đồi Calvê để hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại.  Mục đích của việc ngắm sự thương khó cũng thế. Tuy nhiên, Đàng Thánh Giá chỉ có 14 chặng (chặng thứ 15 được bổ sung thêm sau này để suy niệm về sự phục sinh của Chúa), trong khi những điều ngắm thì có 15 điều, chỉ tập trung chủ yếu vào hai bối cảnh khi Chúa Giêsu bị đưa ra quan tòa và khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá. Lời ngắm dùng từ ngữ rất bình dị nhưng luôn miêu tả rõ ràng hình ảnh và cảm xúc của Chúa Giêsu khi ngài phải trải qua sự phản bội của người môn đệ, phải chịu những roi đòn ghê gớm từ quân dữ, và sự sĩ nhục từ người Do Thái cùng sự đau đớn khủng khiếp khi bị đóng đinh trên cây thánh giá. Ngắm thứ 10 kể rằng, “Bấy giờ nó bắt Đức Chúa Giê-su nằm ngửa trên Thánh Giá, liền lấy búa đóng đinh tay tả, tay hữu thì nó buộc kéo hết sức, liền giãn xương ngực ra, cho nên Đức Chúa Giê-su đau lắm ; đoạn nó lại kéo hai chân xuống, cho đến lỗ nó làm đã sẵn mà đóng đinh vào. Bấy giờ các quan lấy một ván viết chữ vào rằng : "Giê-su Na-gia-rét, là vua Giu-dêu", đoạn đóng ván ấy vào Thánh Giá. Ý quan viết chữ ấy cho xấu hổ ? song lẽ ý Đức Chúa Trời khiến viết chữ ấy cho thiên hạ biết Đức Chúa Giê-su, dù mà chịu hèn hạ làm vậy, thì cũng là vua thật Giu-dêu, cùng hết mọi nước. Đoạn nó đào lỗ dựng Thánh Giá lên, khi ấy dấu hai tay Đức Chúa Giê-su bởi xác nặng thì xếch ra, máu chảy xuống đất ròng ròng.”

Lời ngắm đọc thấy thảm thương đã đành. Nhưng cái đặc biệt của truyền thống không phải nằm ở nội dung của các sự thương khó mà nằm trong cái cách ngắm là cả một nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt Nam. Người ngắm đọc theo cung điệu với những chỗ nhấn và ngân giọng chính xác, khi trầm khi bổng để truyền tải cảm xúc cho người nghe có thể cảm nhận được sự đau đớn tột cùng mà Chúa Giêsu phải chịu đựng. Vì thế việc ngắm sự thương khó là một nghệ thuật đặc trưng của người Công giáo Việt Nam nói chung và của từng vùng miền nói riêng. Cũng giống như khi đọc kinh, người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau xướng tùy theo giọng địa phương thì việc ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu cũng thế.

Và vì ngắm không chỉ là một việc đạo đức mà còn là một nghệ thuật nên ở nhiều giáo xứ người ta còn có tổ chức thi ngắm mà chỉ có những người ngắm giỏi mới dám đi tranh tài. Trong những chương trình ngắm để cầu nguyện cũng như để thi thố, người ngắm lên đứng trước cộng đoàn, xoay về hướng bàn thờ. Nơi đó có đặt cuốn sách ngắm. Ngày xưa chưa có sách quốc ngữ thì người ta dũng sách chữ nho còn gọi là chữ nôm. Bên cạnh người đứng ngắm có một vị “trọng tài” cầm sách quan sát dò theo từng li từng tí. Bất cứ một cái lỗi nào cho dù là sai một dấu chấm, dấu phẩy, phát âm sai hay làm một động tác nào không đúng thì vị trọng tài cho vang lên một tiếng trắc. Ở nhiều nơi người ta sắp xếp một đoàn thiên thần để đón rước người ngắm nguyện về lại chỗ ngồi một cách long trọng nếu họ không bị một cái trắc nào. Nhưng nếu bị một trắc thì đoàn thiên thần rút lui và người ngắm không được vinh dự đó. Nếu người ngắm bị ba cái trắc thì phải ngừng ngay lập tức để cho người khác lên ngắm lại.

Mặc dầu việc ngắm nguyện là một sinh hoạt đạo đức vô cùng nghiêm túc, nhưng cũng có không ít sự khôi hai gắn liền với nó. Khi người Công giáo ngồi nói chuyện với nhau, họ hay kể về những điều hài hước liên quan đến sinh hoạt này. Trong những cuộc thi ngắm, người ngắm hay còn nhận được những tràng pháo tay chúc mừng như đã hoàn tất một tiết mục văn nghệ đặc sắc. Người ngắm mà vụng về cũng có thể làm cho “khán giả” cười rồ lên. Có người kể rằng, trong giáo xứ của họ, một lần kia có người lên đứng ngắm, nhưng đến một câu ngắm thì đọc thiếu một chữ. Giáo dân phát hiện và bắt đầu xì xào bình luận vì không thấy vị giám khảo đánh trắc. Vị giám khảo hiểu được tình huống nên giải trình cũng bằng cung điệu của giọng ngắm cho ăn nhập với bài ngắm rằng, “Không phải mô…Chỗ ni bị gián cắn mất rồi…” Ở vùng quê là thế. Trước đây người ta dùng sách nghi thức cũ kỷ nên cũng dễ tạo nên những tình huống khôi hài trong đời sống đạo.

Người Công giáo từ hai vùng bắc và trung của Việt Nam khi di cư vào nam cũng đã mang theo truyền thống tốt lành này theo mình và ở các nhà thờ của họ, vào Mùa Chay vẫn thường xuyên nghe những tiếng ngắm buồn da diết giúp cho giáo dân sống tinh thần mùa ăn năn thống hối. Việc ngắm thường dành cho người lớn tuổi, đặc biệt là những ông cụ bà cụ. Ở Thái Lan thì không có những người lớn tuổi. Chỉ có những người trẻ lao động di dân. Nhưng cứ đến Mùa Chay Thánh thì các bạn trẻ ở nhiều khu vực khác nhau cũng tổ chức ngắm nguyện để hòa nhập vào tinh thần của mùa phụng vụ. Mặc dầu xa quê không có những người ngắm giỏi như ở quê nhà, không có những cuộc thi tài ngắm để chấm điểm, không có người đánh trắc mỗi khi ngắm sai hay đoàn thiên thần rước về một cách vinh quang khi ngắm tốt, nhưng chỉ có lòng đạo đức của các bạn để suy niệm và cầu nguyện về sự thương khó của Chúa, để sống lối sống đạo đặc trưng của người Công giáo Việt Nam trên đất khách quê người, và để chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón mừng ngày lễ Chúa Kitô Phục Sinh.

Bangkok, ngày 23.3.2015


Phục vụ

Cha cố Giacobe rửa chân cho một thành viên ban điều hành nhóm trong dịp Tĩnh tâm thường niên 2014
Tối hôm qua một bạn đang phục vụ trong một ban điều hành nhóm Công giáo Việt tại Thái Lan chia sẻ với mình rằng phải rất vất vả khi mỗi lần có lễ nhóm và phải gõ cửa phòng của từng người để nhắc nhở các bạn trẻ đi lễ vì lòng đạo đức của nhiều bạn vẫn còn kém. Bạn ấy trách nhiều khi các cha không chứng kiến điều này nên không biết thông cảm và động viên cho những người lãnh đạo nhóm.

Sáng hôm này mình và cha Hà, cha linh hướng Hiệp Hội ngồi trao đổi về chương trình họp và tĩnh tâm hàng năm dành cho ban điều hành các nhóm vào tuần tới. Thấy số nhóm liên lạc để ghi danh chưa đầy đủ, hai anh em lại gọi điện thoại "gõ cửa" để hỏi xem nhóm đi tham dự mấy người. Có người bị "gõ cửa" khi đang ngủ. Có người "gõ cửa" mà có lẽ ngủ kỷ quá nên không thấy trả lời.

Điều mà bạn trẻ nói trên cũng có phần đúng. Nhiều khi các cha không thể chứng kiến hết mọi việc xảy ra với các bạn, cho nên các cha không hiểu hết được cảnh những người lãnh đạo nhóm phải hy sinh như thế nào khi phải đi gõ cửa và nhắc nhở nhau để giữ đạo. Các cha cũng không phải tự mình đi gõ cửa từng phòng trọ như các bạn. Nhưng về việc phải "gõ cửa" tâm hôn thì các cha không mấy xa lạ với điều này. Các cha vẫn phải gõ thường xuyên thế thôi.

Bangkok, ngày 11.3.2015


Hoa thắm giữa đời




Từ khi đến Bangkok ở mình đã được làm quen với cây hoa chuông vàng được trồng ở rất nhiều nơi, đặc biệt là dọc những đường phố. Khu vực Huamak nơi mình đang ở cũng có trồng những cây hoa này. Mỗi năm vào độ tháng hai thì những cây hoa chuông vằng bắt đầu nở rộ và bao trùm toàn cây khi lá chưa mọc ra. Hoa mọc thành chùm, và mỗi cái hoa có hình dạng như một cái chuông hoặc cái kèn trumpet. Vì thế mà cây hoa này trong tiếng Anh còn có tên là silver trumpet tree. Khi cây hoa chuông vàng nở rộ cũng là dấu hiệu mùa nắng nóng sắp đến. Không ít lâu, người ta sẽ thấy cây hoa bò cạp vàng cũng nở rực rở và vàng thắm không kém. Và chỉ một thời gian ngắn sau khi hoa bò cạp vàng xuất hiện thì sẽ có hoa phượng đỏ. Và cứ như thế, trong thời gian từ tháng hai đến tháng sáu thì cảnh vật tại Thái Lan thật rực rở sắc màu, đặc biệt là vàng và đỏ.

Mặc dầu thành phố Bangkok nhiều khi nhìn như một cái rừng bê-tông với vô số tòa nhà cao tầng, đường xe điện, cầu vượt,...nhưng nếu quan sát kỷ hơn thì xung quanh cũng có rất nhiều cảnh vật thiên nhiên cho ta thưởng thức để tìm thấy niềm vui và nguồn cảm hứng trong cuộc sống. Chỉ tiếc là ngày nay, nhiều người quá bận rộn với công việc và những trò thú tiêu khiển khác trong cuộc sống, đặc biệt là điện thoại và mạng xã hội, mà họ không còn nhìn thấy vẻ đẹp thật tuyệt vời xung quanh mình. Ngắm nhìn một cây hoa chuông vàng cũng đã đủ mang lại cho người ta rất nhiều niềm vui. Mà trong thời điểm này thì trên đường phố có hàng ngìn cây hoa đang đua nhau nở. Vì thế đi đâu cũng có thể tìm thấy được niềm vui và sự lạc quan yêu đời nếu ta chịu khó bỏ ra một chút thời giờ để thưởng thức vẻ đẹp quanh ta.
Bangkok, ngày 9.3.2015