Những giây phút bình yên


Sáng thứ hai sao êm đềm quá. Những người giúp việc nhà thờ hôm nay không đến. Mình ở trong nhà xứ một mình, nghe nhạc thánh ca, làm việc trên máy vi tính, cập nhật trang facebook mà mình phụ trách, hoàn chỉnh bản Thông tin liên lạc Niềm Tin của cộng đoàn Công Giáo Việt tại Thái Lan, và thỉnh thoảng nhìn ra cửa số để xem ánh sáng mặt trời đã xuyên qua bầu trời âm u của tháng giêng hay chưa. Ở đây để ở được một mình không phải là dễ dàng. Vì nhà xứ không lớn, nhà xứ cũng là nơi nhân viên làm việc đi ra đi vào, nên lúc nào cũng có người. Có những giờ đồng hồ mà mình hoàn toàn ở một mình, không có ai xung quanh, không có ai ra vào, như một liều thuốc bổ cho tinh thần, để lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện, đọc sách, nghe nhạc thánh ca và làm những việc phải làm. Mình đang cố gắng tận hưởng những giây phút bình yên này. Cảm tạ Chúa vì những giây phút thật êm đềm và bình an biết bao.

Nong Bua Lamphu, ngày 30.1.2012

Đón Giao Thừa

Nong Bua Lamphu, ngày 22.1.2012

Ngày cuối năm



Mình đang ngồi trong phòng ngủ của mình, nhưng phía sau nhà xứ, cách phòng ngủ của mình chỉ vài mét dường như đang diễn ra một cuộc hội xuân với bao thứ tiếng hổn hợp – tiếng nhạc Xuân, tiếng vằm thịt, dã tỏi, tiếng nói cười, pha với tiếng “cải cọ”, trêu đùa của các bạn trẻ Việt Nam đang chuẩn bị cho bữa liên hoan đón Giao thừa tối hôm nay ngay tại nhà xứ. Đây là các bạn trẻ lao động di dân và các sinh viên đến từ Việt Nam, năm này không trở về quê ăn Tết mà đón Tết ngay trên đất Thái Lan. Tối qua, các bạn đã thức suốt đêm để canh nồi bánh chưng, sáng nay thức dậy sớm để đi lễ Chúa Nhật, và bây giờ đang tranh thủ làm cho xong những món ăn trước khi đi với mình đến tỉnh Udon Thani để tham dự Thánh Lễ giao thừa bằng tiếng Việt tại đây.

Dĩ nhiên đón Tết trên đất Thái không thể nào so sánh với cảm giác quay quần xung quanh gia đình và người thân trong những giây phút linh thiêng của năm mới, nhưng ở đây, dù sao đi nữa cũng có hoa xuân, cũng có bánh chưng, cũng có những bài hát xuân quen thuộc để giúp các bạn quên đi nỗi buồn xa nhà trong ngày đầu năm. Sáng nay, cuối lễ, các bạn trẻ lên trước cộng đoàn để chúc xuân cho cộng đoàn, và tặng bánh chưng mà các bạn vừa mới nấu xong cho các thầy và các seour, cũng như hát một bài “Cầu cho cha mẹ” như một lời cầu nguyện cho gia đình và những người thuộc bậc cha mẹ trong cộng đoàn, các bạn đã quá xúc động và nghẹn ngào. Mặc dầu các bạn nhìn xuống cộng đoàn, mình không thấy nét mặt của các bạn, nhưng trong tiếng hát, mình đã nhận ra được tâm trạng của các bạn.

Bên ngoài các bạn vẫn đang còn bận rộn với việc nấu ăn và bàn tán xôn xao về chuyện này chuyện kia. Thằng Châu nói lớn tiếng, “Chuyển bài đi, chuyển bài đi. Buồn quá.” Nó không muốn nghe bài hát “Xuân này còn không về” đang được mở ra trong máy hát. Thế là một bài mới được mở ra, tiết tấu nhanh hơn, vui nhộn hơn, không làm cho chúng nó nghĩ về hoàn cảnh xa quê hương, xa gia đình.

Đúng vậy, xuân này con không về thì buồn lắm. Các bạn trẻ rất buồn. Có đứa nói mong làm sao cho Tết qua mau mau để khỏi thấy buồn. Có đứa nói cứ nhìn vào nhịp sống của người Thái, họ không ăn mừng Tết, thì mình khỏi phải nghĩ mong lung. Mình thì khuyên các bạn trẻ, vui hay buồn là tùy mình. Vì thế, Tết đến, mình không được ở nhà, nhưng mình hãy vui với cái gói bánh chưng, vui với cái đánh bài phạt quỳ, vui với việc hát hò những bài Tết. Thế rồi một vùng trời xuân sẽ hiện lên cho minh cho dù mình có ở bất cứ nơi nào.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.1.2012

Ngày cuối năm

Một ngày cuối năm với những buồn vui lẫn lộn khi nhìn năm cũ sắp qua đi và những giây phút của năm mới đang gần đến. Một năm mới, một cơ hội để bắt tay vào việc mới, với món quà thời gian cho chúng ta sống gần gũi nhau hơn, xây đắp tình thương cho nhau để hương xuân luôn tràn ngập tâm hồn và làm cho đời sống luôn đượm màu tươi thắm của mùa xuân.

Một chút suy tư


Thế là những ngày cuối năm âm lịch cũng đang nhanh chóng đến với nhân loại, cho dù có dân tộc thì quan tâm đến, còn có dân tộc thì không. Riêng với người Việt Nam thì đây là một dịp vô cùng quan trọng. Những ngày qua những đứa con Việt xa quê hương đất nước để mưu sinh cũng đang nô nức trở về quê ăn Tết. Người nào đã quyết định về thì làm sao cũng không về tay không, phải có quà cáp cho gia đình, áo quần, đồ gia dụng, hay là cái gì đó để mang lại niềm vui cho những người thân yêu. Cuối năm người ta thường tìm cách giải quyết nợ nần để cho năm mới có được sự bắt đầu tốt đẹp nhẹ nhàng, tâm lý không bị áp lực bởi những gánh nặng có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong năm mới. Thế mà các bạn trẻ Việt Nam thì chẳng mấy quan tâm đến phong tục này. Họ tìm đến nhau hoặc những người chủ thuê để mượn tiền hoặc xin ứng tiến lương trước để có tiền mua quà và đem về tiêu xài trong những ngày Tết. Bắt đầu năm mới với một số nợ còn hơn là về quê ăn Tết tay không thì cũng buồn bã không kém.

Mình năm mới chẳng đi đâu, không phải mượn tiền ai, mà cũng chẳng phải giải quyết món nợ nào cả. Đời sống của một tu sĩ thoải mái ở chỗ đó. Chúa cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không phải lưu trữ cho ngày sau nên tâm lý không bị đè nặng bởi những ưu tư về đời sống vật chất. Còn tài chánh cho công việc thì Chúa cũng an bài không kém. Sau những năm làm việc mục vụ mình đã phát hiện ra một điều, nếu công việc mình tốt thì chắc chắn Chúa sẽ phù trợ bằng cách này cách khác. Chúa chẳng bao giờ để cho việc của Ngài bị sụp đổ hoặc những tôi tớ của Ngài bị thiệt thòi. Ngược lại Ngài ban cho niềm vui sâu xa và sự bình an tràn ngập đối với những ai trung thành bước trên con đường phục vụ Nước Trời.

Khi chuẩn bị bước qua năm mới, mình không thể quên nhìn lại đôi chút về quãng đường đã qua. Gian nan và thử thách ư? Cũng có. Sự âu lo và buồn phiền ư? Có chứ. Những sai lầm và thất bại ư? Không thể tránh khỏi. Thế nhưng lạ thay, mình vẫn tồn tại, vẫn đang tiến bước tới những gì gọi là tương lai – tương lai do nỗ lực của mình tạo nên, và tương lai do bàn tay của Chúa ban phát. Đời sống linh mục của mình vẫn cứ xoay quanh hai yếu tố đó, dấn thấn, nỗ lực, làm hết mình, đừng thờ ơ, đừng trì trệ, đừng bỏ bê trách nhiệm, và sự quan phòng của Chúa, sự yêu thương nâng đỡ của Ngài, và lòng thương xót không bờ bến của Ngài. May thay cho mình là còn có tình yêu và lòng thương xót Chúa. Nếu không thì cái gọi là sức lực bản thân cuối cùng không biết sẽ đưa mình đến đâu. Năm mới sắp đến cái mình trông mong và cầu xin cũng chỉ là thế, xin cho tình Chúa theo sát mình và đừng để cho mình phải quỵ ngã vì những lỗi lầm và thiếu sót.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.1.2012

Giới trẻ nhà thờ đi "quét lá đa"



Hôm nay sau lễ Chúa Nhật, nhóm giới trẻ của nhà thờ đi đến chùa trong làng Huây Lức để làm tình nguyện quét khu vực nhà chùa, để giúp cho nhà chùa bắt đầu công việc làm thuốc thảo dược. Trước đây, người ta từng làm thuốc thảo dược ở đây, nhưng vài năm qua thì đã ngừng làm. Thiếu người chăm sóc nên khu vực này đã xuống cấp. Bà Thawi pòn, một Phật tử nay lại muốn giúp cho nhà chùa trở lại với công việc bổ ích này nên đã xin nhóm giới trẻ nhà thờ đến để cộng tác làm vệ sinh khu vực. Nhóm giới trẻ đã hăng hái tham gia sinh hoạt "quét lá đa" mà không ai thấy mệt nhọc. Ngược lại các bạn đều đã rất vui và phấn khởi khi được sinh hoạt với nhau, cũng như chung tay giúp đỡ tôn giáo bạn.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.1.2012

Nhà mình đã có nụ tầm xuân




Tết đến mà trong nhà không có hoa thì thật là thiếu không khí. Ở Việt Nam, người ta chưng hoa mai hoa đào, cây tắc, chậu hoa cúc. Ai không có tiền xắm cây cảnh thì cũng phải có chậu hoa mồng gà để chưng trên bàn thờ cúng ông bà. Nghe nói bên Mỹ bây giờ người ta cũng có hoa mai thật để chưng vào dịp Tết, nhưng đó là một giống hoa mai gì đó không phải như ở Việt Nam. Dù sao đi nữa thì cũng là hoa.



Những cái Tết qua tại Thái Lan, mình không có hoa mai hoa đào thật, chỉ có hoa giả. Mỗi năm gần Tết đến, mình kêu bọn giới trẻ Việt Nam ra ngoài đồng chặt mấy nhành cây về rồi gắn hoa giả lên. Nhìn xa xa cũng giống cây hoa ngày Tết, tạo nên bầu không khí Tết trong nhà xứ giúp cho những con người Việt sống xa xứ bớt nhớ nhà, nhớ cái không khí Tết quê hương khi không được về chung Tết với gia đình, bà con, xóm làng. Rồi vào ngày Tết, các bạn trẻ Việt Nam cũng quay quần xung quanh cây hoa giả đó để ăn uống, trò chuyện và tự tạo niềm vui cho chính mình.

Ngoài cây hoa mai hoa đào thì mình cũng rất thích thú với nụ tầm xuân. Mình nhớ năm 2003 khi mình đang còn thực tập ở Sài Gòn, vào dịp Tết thấy nhiều tiệm hoa trưng bày bán nụ tầm xuân với đủ màu sắc. Người ta cắm thành những bình hoa ma mình có thể mua để làm quà Tết cho những người thân bạn bè. Năm đó, mình mua khá nhiều bình như vậy, và người bán sẽ đem giao tận nhà. Mình nhớ mình gởi cho Chị Liên, một người chị mà mình đã quen biết tại Sài Gòn một bình. Chị rất mừng vì nhận được món quà Tết dễ thương của mình, làm chị nhớ mãi và lúc nào cũng nhắc đến cái bình nụ tầm xuân đó.

Từ Tết năm đó, mình bắt đầu để ý đến nụ tầm xuân nhiều hơn và muốn có nó trong nhà vào ngày Tết. Nhưng ở Thái Lan thì không thấy bán, mà hoa đào hoa mai cũng chẳng có. Mình cũng rất lấy làm lạ vì khí hậu hai nước giống nhau. Sao lại không có những loại hoa như nhau?


Tết năm nay mình quyết chí phải có nụ tầm xuân trong nhà. Thế là tuần trước, may mắn có Sr. Năm đi công việc ở Việt Nam. Mình gởi Sr. Năm mua nụ tầm xuân, và cuối cùng seour đã trở lại với một bó nụ tầm xuân màu đỏ. Tối qua, các bạn trẻ mở ra bỏ vào bình và đặt ngày phòng trước của nhà xứ. Thế là không khí ngày Tết đã đến với nhà xứ của mình. Năm nay chắc chắn ngày Tết sẽ hạnh phúc hơn vì không còn chỉ có cái hoa giả mà còn có thêm nụ tầm xuân đến từ Việt Nam nữa.

Nong Bua Lamphu, ngày 14.1.2012

Dạy lớp tiếng Anh giao tiếp






Tuần này mình bắt đầu một việc mới, đó là dạy lớp tiếng Anh giao tiếp cho những người làm việc trong tỉnh. Việc dạy tiếng Anh thì không mới vì mình đã dạy nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên dạy cho các đối tượng là những người lớn có nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh trong công việc của mình. Có người thì chủ tiệm bán xe máy, đồ điện tử. Có người thì tiệm bán đồ xây dựng. Có người thì công nhân viên nhà nước, hoặc là nhân viên ngân hàng. Mọi người đều ngày càng thấy nhu cầu cần nói được tiếng Anh để buôn bán và làm việc tốt hơn, nhưng khả năng hiện nay còn quá kém. Lớp tiếng Anh giao tiếp này được tổ chức bởi trường Community college của tỉnh, và mình được mời để dạy. Vì học viên tòan là những người lớn cho nên lớp này được mở vào buổi tối, từ 6:30 đến 9:30 tối, mỗi tuần 3 ngày.

Mình đã dạy được hai buổi và cũng cảm thấy thú vị với việc này. Tuy nhiên chỉ mới trong hai buổi mà đã có một số người từ buổi thứ nhất không trở lại, mà buổi thứ hai lạ có thêm người mới. Mình cũng chẳng cảm thấy bất ngờ vì đã quá quen với hiện tượng có những người đến học vì hiếu kỳ, nhưng không có chí để đi thường xuyên. Nhiều người đi được một vài lần rồi bỏ. Số người duy trì cho đến cùng thì chỉ một phần nào đó. Trước đây mình được mời dạy ở nơi này nơi khác, chứng kiến hiện tượng này, mình cũng hơi bức xúc. Nhưng bây giờ thì mình chẳng còn bận tâm nữa. Việc muốn học hay không là chuyện của họ, mình cứ làm tốt việc mình là được. Tuy nhiên, mình cũng khuyến khích các học viên nên cố gắng và chuyên cần thì mới gặt hái được kết quả. Còn nếu không cố gắng rồi bỏ dỡ, rồi than phiền rằng người dạy không tốt thì cũng chẳng bổ ích gì cho họ, mà cũng mang tiếng cho người dạy.

Lớp học bây giờ có hơn 20 người, một con số tương đối vừa phải cho một lớp sinh ngử. Ít quá thì buồn mà đông quá thì khó mà dạy cho tốt. Mình hy vọng trong số người này sẽ có khoảng 10-15 người đi học thường xuyên, và may ra có một vài người cố gắng và tiến tới trong khả năng giao tiếp tiếng Anh. Dù sao đi nữa thì đây cũng chỉ là lớp giao tiếp căn bản. Mình đã nhận lời để dạy lớp tiếp theo, nâng cấp thêm một chút.

Nong Bua Lamphu, ngày 11.1.2012

Xuân này con không về

Tối hôm qua mình đi sinh hoạt nhóm Hy Vọng tại Udon Thani, con An hỏi mình: - Tết này cha có chỗ cho tụi con ăn Tết không?

- Cái gì chứ việc đó là chuyện nhỏ.- Mình trả lời.

- Vậy năm này cha làm chủ xị nha. - Con Tiên chêm vào.

- Nhưng mà muốn cha làm chủ xị thì phải lên gói bánh chưng đó nghen.

- Cha định gói bao nhiêu cái bánh? - Con Yến hỏi.

- Chắc không nhiều đâu. Khoảng hai ba chục cái là đủ? - Mình trêu. Con Yến giụt mình.

Tình hình bây giờ là các bạn trẻ VN tại Thái Lan, cả thành phần lao động lẫn sinh viên đang nô nức về quê ăn Tết. Con Yên nói là thứ bảy này bọn sinh viên VN tại trường đại học Udon Ratchapat đã bao luôn một chiếc xe 45 chỗ ngồi để đưa tụi nó về Đà Nẳng với số tiền mà mỗi đứa phải đóng là một ngìn baht. Tính ra cũng không đắt hơn vé đi xe đò là bao mà thoải mái hơn nhiều vì xe tới đón ở tận trường học và đi trong ngày chứ không bị tốn thời giờ đứng chờ ở cửa khẩu như mấy chiếc xe đò.

Còn các bạn trẻ lao động thì cũng đang lần lượt về quê ăn Tết. Có đứa đã về từ ngay sau Giáng Sinh, và đợi sau Tết mới quay lai. Nhưng cũng có nhiều đứa không về được vì về quê sợ tốn kém quá. Không phải sợ tốn kém tiền xe đò, mà tốn kém cái khoản về tới nhà thì phải đi chơi ăn nhậu với bạn bè, mà túi tiền thì quá mỏng. Có nhiều đứa thoạt đầu cũng lên kế hoạch về quê ăn Tết vì mấy năm nay chưa được về. Nhưng ngày lễ sắp đến nơi, hỏi lúc nào về thì tụi nó trả lời rằng "Dạ có lẽ con không về nữa."

- Ủa sao thế. Không phải là dự định năm nay về nhà ăn Tết à? - Mình hỏi.

- Dạ mới đầu định vậy nhưng nghĩ lại thấy không đủ tiền. - Tụi nó trả lời.

- Ờ thôi chịu khó ăn Tết ở Thái rồi gởi số tiền mà sẽ tiêu sài đó về cho gia đình ăn Tết cũng được vậy. - Mình động viên.

Thế là đêm giao thừa sẽ có một Thánh lễ tại Udon Thani, rơi vào tối Chúa Nhật. Thấy số các bạn trẻ ở lại Thái Lan cũng không đến nổi ít, mình đang dự tính sẽ tổ chức một Thánh lễ mồng 1 Tết tại nhà thờ mình. Dù sao đi nữa thì cũng phải tạo nên cái không khí Tết cho các bạn trẻ VN đang phải xa nhà trong ngày lễ quan trọng của người Việt. Riêng mình thì đã bao nhiêu cái Tết xa nhà rồi nên cũng thấy bình thường. Ở đâu thì vui đó vậy.

Nong Bua Lamphu, ngày 9.1.2012

Lập nhóm giới trẻ VN tại tỉnh Mahasarakham


Ngày mồng 1 Tết Tây mặc dầu không phải là ngày quá linh thiêng đối với người Việt Nam, nhưng đối với Giáo hội Công giáo thì ngày này cũng có một tầm quan trọng rất lớn. Đó là ngày Giáo hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Trong dịp này mình quyết định đi thăm viếng và dâng lễ cho một nhóm các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc, và học tập tại tỉnh Mahasarakham, cách NBL khoảng gần 200 cây số. Mặc dầu trước đây mình cũng đã nghe về tỉnh này và còn biết một vài người ở đây, nhưng mình lại không biết ở đây có khoảng 40 bạn trẻ Việt Nam, và đặc biệt hơn nữa là các bạn có ao ước được có một linh mục đến dâng lễ bằng tiếng Việt.

Gần đây, qua một vài người Việt Kiều, các bạn đã làm quen được với nhà thờ và được cha Ping đón tiếp, và còn được đọc kinh và hát trong thánh lễ tiếng Thái một tháng một lần. Nhưng nhiều bạn bày tỏ là việc đi lễ tiếng Thái không mấy thuận tiện vì không phù hợp với giờ làm việc của các bạn. Vã lại, nhiều bạn do không thông thạo tiếng Thái nên đi lễ không cảm thấy sốt sáng.

Nhưng dù sao đi nữa thì các bạn đã thể hiện lòng đạo đức và tinh thần hăng say, làm cho seour Wantha rất khen, và giáo dân người Thái cũng cảm mến. Khi các bạn liên lạc xin mình đến dâng lễ cho các bạn tại Mahasarakham, mình đã bày tỏ sự lo ngại vì đường đi quá xa, phải mất khoảng hơn 3 giờ đồng hồ lái xe mới đến nơi. Nhưng mình cũng đã thử lòng nhiệt thành của các bạn bằng cách đưa ra điều kiện như sau: Nếu các bạn có ít nhất 4 hoặc 5 người đến NBL tham dự chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng mình tổ chức ngày 17 tháng 12 vừa qua, thì mình sẽ đồng ý đến dâng lễ cho các bạn vào dịp đầu năm. Mới đầu mình nghe các bạn trả lời là không ai đi được vì xa qua, và không thể bỏ việc được. Nghe điều này, mình nghĩ là có lẽ các bạn đã không thực sự ao ước có linh mục đến dâng lễ, cho nên cũng xem như việc đi Mahasarakham dễ dâng lễ sẽ không diễn ra. Nhưng thật bất ngờ vào ngày tĩnh tâm, mặc dầu đến trể, nhưng đã có 4 bạn thuê taxi từ Khon Kaen đến NBL để tham dự tĩnh tâm đúng như điều kiện mình đưa ra. Thế là không có lý do gì mà mình có thể từ chối lái xe đi Mahasarakham để dâng lễ.

Hôm qua, mình và một số bạn trẻ VN từ NBL đã đi dâng lễ và hoàn toàn bất ngờ khi đến nơi thì thấy đã có một số bạn đã có mặt trong nhà bếp của nhà xứ, với sự giúp đỡ của Sr. Wantha đang nấu những món ăn như chả ram, mực nhồi thịt, lẩu cá, v.v. để liên hoan sau lễ trong dịp đầu năm. Các bạn chuẩn bị một bữa ăn thật thịnh soạn. Mặc dầu một số bạn đã về VN để ăn Tết Nguyên Đán, nhưng số còn lại cũng hơn 30 người. Trong Thánh lễ còn có sự hiện diện của một số giáo dân người Thái và Việt Kiều Thái. Họ cũng đến tham dự để ủng hộ các bạn trẻ khi lần đầu tiên có lễ tiếng Việt tại giáo xứ.

Sau khi dâng lễ và liên hoan xong đã có một cuộc họp với các bạn trẻ để trao đổi và chia sẻ. Và từ cuộc họp đó, các bạn đã chính thức thành lập nhóm và nhận Đức Maria làm thánh quan thầy. Các bạn cũng đã chọn cho mình một ban lãnh đạo gồm có nhóm trưởng, nhóm phó, thủ quỹ, và một người đảm nhận việc phụng vụ. Anh Thành, một người đã có gia đình và tuổi đã ngoài 30 được mọi người tín nhiệm làm nhóm trưởng. Và anh Thành đã rất hăng hái chấp nhận vai trò mới của mình. Từ này trở đi, cho dù các bạn không có điều kiện để đi lễ sáng Chúa Nhật, nhưng các bạn sẽ tụ họp vào 12 giờ trưa để đọc kinh, cầu nguyện, và chia sẻ Lời Chúa. Đó cũng là một điều kiện mà mình đưa ra với nhóm để mình đồng ý trở lại tiếp tục dâng lễ. Đó là trong những tuần mình không đến thì các bạn phải sinh hoạt tâm linh trong nhóm. Các bạn cũng đã chấp nhận điều kiện của mình.

Thế là một sự kiện tốt đã xảy ra trong ngày đầu năm. Một nhóm các bạn trẻ Công giáo Việt Nam được chính thức thành lập. Để từ đây, các bạn có thể tụ họp thường xuyên, sinh hoạt tâm linh, và nâng đỡ nhau trong đời sống tinh thần, hầu giúp cho những ngày xa nhà không cô đơn, và có thể duy trì đời sống đạo đức khi sống và làm việc giữa những người Phật giáo. Mặc dầu phải đi rất xa để dâng lễ cho các bạn, mình cảm thấy rất phấn khởi khi thấy các bạn có tinh thần. Mong rằng tinh thần này sẽ tiếp tục duy trì và ngày càng phát triển trong ơn nghĩa của Chúa và Đáng quan thầy của các bạn, đó là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Nong Bua Lamphu, ngày 2.1.2012