Một đêm không ngủ trong bệnh viện


Từ một buổi họp mặt cộng đoàn thành một đêm không ngủ trong bệnh viện. Đó là điều mà mình đã trải qua tối hôm qua. Nhưng bệnh nhân không phải là mình mà là một người anh em trong cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok. Tối hôm qua là ngày mà các thành viên trong cộng đoàn Ngôi Lời Bangkok đã chọn để mừng lễ Phục Sinh với nhau sau những ngày bận rộn với các sinh hoạt mục vụ trong mùa lễ. Mình được giao trách nhiệm chọn nhà hàng cho sự kiện này nên đã chọn một nhà hàng Ý ở khu vực Sukhumvit và Asok.

Mọi người có mặt tại nhà hàng vào khoảng 17g30. Mình cũng được giao trách nhiệm chọn những món ăn nên mình gọi những món quen thuộc vì mình đã từng tới ăn ở nhà hàng này hai lần. Mình gọi soup nấm, bruschetta, salad gà, cheese spinach và một pizza carbonara. Khi các món ăn đã được dọn ra thì cha B. ngồi một bên mình nói rằng cảm thấy xâm xoàng, run người và buồn nôn. Ngài đoán có lẽ do thay đổi từ không gian nóng nực qua không gian lạnh nên cơ thể chưa kịp thích ứng. Trước đó ngài và cha H. đi chợ trời Chatuchak để mua mấy bình cắm hoa cho nhà nguyện của cộng đoàn, rồi đi đón cha người Philippines, cha J. ở trạm xe điện Victory Monument, sau đó cả 3 người ngồi xe điện tới nhà hàng. Những ngày qua Bangkok thời tiết cực kỳ nóng và oi bức với nhiệt độ lên tới 43/44 độ C. Người người được khuyến cáo không nên đi lại vào giờ nóng cao điểm nếu không cần thiết.

Vì cha B. cảm thấy không khỏe nên trong khi mọi người dùng bữa thì ngài chỉ ăn vài miếng salad rồi ngồi thinh lặng. Một lát sau, cha B. nói buồn nôn nên cha L. dẫn đi nhà vệ sinh rồi đưa ra ngồi phía trước nhà hàng để nghỉ ngơi. Khi mọi người đã ăn xong, cha L. đi lấy xe ở khu vực gửi xe cách nhà hàng khoảng 5 phút. Nhưng khi đang chờ cha L. tới đón thì cha B. lại kêu mình tới gần và nói là tim đập nhanh bất thường. Mình liền chạy tới nhân viên của tòa nhà để nhờ họ liên lạc xe cấp cứu. Vì là chiều thứ sáu cuối tuần mà còn ở khu vực trung tâm thành phố nên đường xe kẹt cứng. Gần 30 phút sau xe cấp cứu mới tới nơi. Sau khi trao đổi với nhân viên của đội xe cấp cứu thì mình và cha L. quyết định đưa cha B. tới một bệnh viện tư nhân cách nhà hàng khoảng 5 km. Cha L. đi với mình, còn cha H. và cha J. thì phải về nhà vì có chương trình đi công tác ở vùng đông bắc Thái Lan tối hôm qua.

Khi trên đường tới bệnh viện thì một bạn nữ tên T. gửi cho mình hình hộ chiếu của cha B. vì hai tháng trước bạn ấy có giúp cha B. làm thủ tục để nhập cảnh Thái Lan. Bạn T. biết được tình hình vì cha H. gọi điện thoại để báo tin. Nghe tin cha B. đi cấp cứu, bạn T. cũng chạy đến bệnh viện để có gì thì có thể hỗ trợ. Một lúc sau khi cha B. được đưa vào phòng cấp cứu thì T. cũng đã có mặt tại bệnh viện. Trong phòng cấp cứu, vì cha B. mới tới Thái Lan không nói được tiếng Thái nên mình đứng ra trình bày sự việc với bác sĩ/y tá cũng như thông dịch những câu hỏi và hướng dẫn của đội y tế cho cha B. trong quá trình khám bệnh. Dựa trên những lời khai ban đầu và việc khám bệnh, bác sĩ nói rằng không thể khẳng định cha B. có bệnh gì nghiêm trọng hay không. Nhưng ban đầu sẽ cho vào nước biển và tiêm thuốc khắc phục những triệu chứng xâm xoàng, buồn nôn… Nếu sau vài giờ đồng hồ, cha B. cảm thấy khỏe hơn, bác sĩ sẽ cho xuất viện và về hồi phục ở nhà.

Tuy nhiên, sau khi cha B. được tiêm thuốc và tiếp nhận nước biển không lâu thì ngài lại có những triệu chứng bất thường – nhịp tim đập mạnh tới mức máy báo động, huyết áp cũng tăng mạnh. Không rõ vì lý do gì mà ngài bổng dưng kêu tên Chúa Mẹ và vùng vẫy khiến toàn bộ đội ngủ y tế trong phòng cấp cứu phải chạy vào để xem và kiểm soát tình hình. Khi đó mình đang ngồi phía trước phòng cấp cứu, còn bạn T. thì đang ngồi với cha B. bên trong nên chứng kiến toàn bộ sự việc.

Trước những biểu hiện bất thường, bác sĩ cho rằng cần phải thực hiện những xét nghiệm chuyên môn hơn như thử máu, x-quang phổi, scan não v.v. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên nên qua một bệnh viện công để làm những thứ này và nếu cần phải điều trị lâu dài thì sẽ chi phí bệnh viện công sẽ thấp hơn. Do cha B. là người nước ngoài, không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị tại bệnh viện tư sẽ rất cao.

Nghe lời khuyên của bác sĩ, mình nhờ y tá liên lạc dịch vụ xe đưa cha B. qua bệnh viện Rathvithi là một trong những bệnh viện công lớn và uy tín nhất Thái Lan ở khu vực vòng xoay Victory Monument. Lúc đó đã khoảng 22g00. Khi tới bệnh viện Rathvithi thì cha B. được đưa lên xe đẩy của bệnh viện đặt trong khu vực hành lang trước phòng cấp cứu để cho nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân để xem có đạt điều kiện để được điều trị hay không. Dựa trên lời khuyên của nhân viên xe cứu thương, bạn T. khai với bệnh viện rằng, xe cấp cứu đón cha B. từ tư gia chứ không phải từ một bệnh viện khác. Điều này là vì tại Thái Lan, một khi đã nhập một bệnh viện nào đó thì việc chuyển qua một bệnh viện khác phải đi theo một quy trình chuyển viện được phối hợp giữa nơi xuất phát và nơi tiếp nhận. Nhưng quy trình này mất thời giờ và phức tạp.

Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe của cha B. và lắng nghe những lời trình bày của bạn T., phía bệnh viện đã đồng ý thực hiện những xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, họ không đưa cha B. vào bên trong mà vẫn để ngài nằm trên xe đẩy ở ngoài hành lang. Nhiều bệnh nhân khác cũng phải ở ngoài hành lang như cha B. vậy. Chỉ có những bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt họ mới cho vào bên trong.

Sau khi đã lấy các mẫu cần thiết và đưa đi làm các xét nghiệm về não, phổi thì hơn 3 giờ sáng mới có kết quả. Bác sĩ cho rằng não và phổi vẫn bình thường. Tuy nhiên, mức acid trong máu có phần bất thường. Bác sĩ hỏi thêm về các triệu chứng của cha B. để xem có phải là biểu hiện của bệnh co giật hay không. Vì nếu bị bệnh co giật thì phải uống thuốc điều trị cả đời. Dựa trên lời khai chi tiết hơn, bác sĩ cho rằng không hoàn toàn giống bệnh co giật, nhưng để rõ ràng hơn, cần phải xét nghiệm máu thêm lần nữa. Thế là họ lại lấy mẫu máu rồi đem đi xét nghiệm, rồi chờ hai giờ đồng hồ sau để có kết quả.

Trong những giờ đồng hồ chờ phía bệnh viện làm việc, mình, cha L. và bạn T. có khi đứng trong hành lang gần cha B., có khi ra ngoài ghế trước khu vực cấp cứu để ngồi, có khi ra ngoài sân cỏ trong khuôn viên bệnh viện để chờ. Vì là bệnh viện nhà nước nên không gian dành cho bệnh nhân cũng như người nhà khá thô sơ. Ban đêm lại rất nhiều muỗi mà lại không có quạt nên ngồi ở đâu cũng bị muỗi đốt.

Cuối cùng thì bác sĩ cũng đã có kết quả xét nghiệm và cho hay rằng trong máu không có gì đáng lo ngại nên cho về nhà, theo dõi tình hình, và nếu có biến chứng gì thì trở lại bệnh viện để được khám với bác sĩ chuyên ngành.  Thấy kết quả xét nghiệm khá tốt, ngoài ra, cha B. cũng không có những biểu hiện bất thường như ở bệnh viện đầu, và đã tỉnh táo trở lại, nên mình và cha L. cũng an tâm để đưa ngài về nhà. Mình, cha L. và cha B. đi bộ ra ngoài vòng xoay và lên taxi về nhà dòng. Còn bạn T. thì đi xe điện về phòng trọ. Khi đến nhà dòng thì cũng đã 6g sáng, giờ mà bình thường mình đang chuẩn bị uống cà phế sáng và chuẩn bị cho các sinh hoạt của ngày mới.

Nghĩ lại về chuyện xảy ra tối hôm qua thấy rằng đời sống cộng đoàn cũng như đời sống trong gia đình luôn có những sự việc xảy ra mà mọi người cùng trải qua với nhau – có khi vui, có khi buồn, chuyện này tiếp nối chuyện kia nhiều khi ngoài dự định của mình. Trong cộng đoàn tu trì, các thành viên không những chia sẻ trong mục vụ nhưng còn trong những khía cạnh khác của cuộc sống hằng ngày, kể cả lúc bệnh hoạn. Mỗi thành viên một khi đã rời bỏ gia đình để gia nhập một cộng đoàn tu trì thì họ đều đặt niềm tin tưởng vào cộng đoàn đó để nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn, yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần. Họ mong chờ sẽ tìm thấy nơi cộng đoàn một gia đình mới mà các thành viên không phải gắn bó với nhau dựa trên huyết tộc, nhưng dựa trên tình yêu mến huynh đệ của Đức Ki-tô. Mặc dù lý tưởng này không phải khi nào cũng trở nên hiện thực trong kinh nghiệm thực tế của mỗi người tu trì, nhưng khi nhận được thì nó vô cùng ý nghĩa và nó bù đắp được cho rất nhiều sự hy sinh mà một người phai thể hiện khi chọn con đường tu trì.

Trong sự việc tối hôm qua là một cơ hội để mà các anh em trong cộng đoàn tu trì sống tinh thần huynh đệ với nhau các cụ thể. Nhưng nếu thuật lại câu chuyện tối hôm qua mà không đề cập tới sự hiện diện của bạn T., một bạn nữ, một giáo dân là một sự thiếu xót. Đời sống huynh đệ của người tu trì còn được hỗ trợ bởi những người không chọn con đường dâng hiến, nhưng họ luôn sẵn sàng để đồng hành và cộng tác với người tu trì. Tối qua, không chỉ mình và cha L. là hai linh mục đã chọn con đường phục vụ phải hy sinh thời giờ và giấc ngủ để lo lắng cho cha B. khi bệnh hoạn, mà còn có một bạn trẻ cũng đã hy sinh một cách tương tự. Bạn ấy không chọn con đường tu trì, không tuyên thệ các lời khấn, không được bao nhiêu người trọng vọng, nhưng bạn cũng đã đồng hành với cha B. cũng như với mình và cha L. trong lúc khó khăn. Và sau khi xong việc ở bệnh viện, bạn ấy còn phải trở về căn hộ của mình để lo những trách nhiệm khác cho bản thân. Có thể nói bạn ấy đã hy sinh nhiều hơn mình và cha L. nữa, vì sự hy sinh của các cha một phần đến từ trách nhiệm. Còn sự hy sinh của bạn ấy hoàn toàn đến từ tinh thần tự nguyện. Đó là phương cách mà bạn đã chọn để đi trên con đường hướng tới sự thánh thiện, và đó là một tinh thần vô cùng đáng khâm phục.

Bangkok, ngày 30.4.2022

Phản hồi từ độc giả (1)



Sau khi có một sơ thuộc Dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam đọc xong sách "Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số" của mình vừa mới xuất bản thời gian gần đây, sơ đã gửi cho mình một email phản hồi về tập sách. Trong email có phần nội dung như sau:

"Con chào cha. Con vừa đọc xong tập sách 'Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số'. Con nhận thấy đây là một tập sách mang đầy 'tính thời sự'. Cách Cha dẫn từ những câu chuyện thực tế đến nội dung sách rất khéo. Tập sách cho con hiểu thêm nhiều vấn đề về sứ mạng của Giáo hội liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Ở trang 307, đoạn Cha kể về việc Cha giúp những người di dân lao động Việt Nam tại Thái Lan có được những thông tin cần thiết và chính xác trong thời điểm dịch bệnh lên cao bằng việc “lùng sục khắp các cổng thông tin”, làm con rất xúc động. Gấp tập sách lại, con nghĩ về Cha Gus, vị đặc trách ơn gọi. Ngài thật kiên nhẫn, nhẹ nhàng và tận tụy với sứ vụ qua việc giữ liên lạc và gặp gỡ “ứng sinh tiềm năng” mỗi khi có thể, để nhờ đó tiếng Chúa đã đi vào lòng một con người. Cách thức của Cha Gus đã để lại một tấm gương rất đẹp về lòng nhiệt thành đối với sứ vụ"

Bên cạnh đó, sơ còn cho mình biết trong sách có một số lỗi đánh máy để nếu có tái bản thì chỉnh sửa. Vui biết mấy khi có người đã bỏ thời giờ đọc sách, chia sẻ cảm nghĩ về tập sách, còn nêu lên những hạt sạn để giúp mình hoàn thiện trong tương lai nữa. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm sách. 

Bangkok, ngày 28.4.2022

"Người dùng" ma túy và internet



Trong tiếng Anh, trước đây người ta gọi người chơi ma túy là “người dùng ma túy” (drug user). Nếu dùng ngày càng nhiều mà không bỏ được thì trở thành người nghiện ma túy (drug addict). Nhưng từ khi công nghệ internet được phát minh và phổ biến rộng rải cho người dân thì những người sử dụng công nghệ này cũng được gọi là “người dùng”. Vì thế người dùng internet trong tiếng Anh là “internet user”. Không ai ngờ được rằng, internet cũng có thể trở nên một thứ gây nghiện khiến cho nhiều người chuyển từ “người dùng internet” thành “người nghiện internet” (internet addict). Nhìn lại mới nhận ra tính “ứng nghiệm” trong việc sử dụng từ “người dùng” để nói về những người đón nhận và đưa công nghệ kỹ thuật số vào cuộc sống của mình.

Ngày nay, rất nhiều trung tâm cai nghiện internet đã mọc lên trên khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Á châu như Nhật Bản và Hàn Quốc. Quá trình cai nghiện internet có nhiều điểm tương đồng với quá trình cai nghiện ma túy, bia rượu, thuốc lá… vì các triệu chứng và hậu quả của việc nghiện internet cũng giống như các loại nghiện trên. 

Người Việt Nam bỏ ra trung bình 6 giờ 39 phút mỗi ngày trên internet, xếp thứ 25 trên thế giới. Cao nhất là người Nam Phi với 10 giờ 46 phút. Đứng thứ 2 là Philippines với 10 giờ 27 phút. Thái Lan xếp thứ 7 với 9 giờ 06 phút. Trên toàn thế giới ngày nay có 4,66 tỷ người (60%) được liệt kê vào thành phần “người dùng internet”. Tuy nhiên, trong số này chắc chắn có một số đáng kể không chỉ là người dùng mà đã trở thành “người nghiện internet.”


Thí nghiệm về sự tương tác trên FB


Gần hai tháng qua mình làm một thí nghiệm nhỏ về cách những người theo dõi mình trên mạng xã hội, cụ thể nền tảng Facebook, tiếp cận với nội dung mình đăng. Mình có một trang Facebook Fanpage có 30.000 người theo dõi, nên đã dùng nó để thực hiện "thí nghiệm" này. Kết quả của thí nghiệm mang tính thực nghiệm này gợi lên một số điều khá thú vị cũng như đáng quan ngại.

 

1. Nội dung những bài đăng (post) bao gồm như sau:

 

                a. Bài viết ngắn (1 câu caption, hoặc một đoạn 4-6 câu) kèm theo một tấm hình của mình để minh họa đăng trực tiếp trên trang FB Fanpage. Tấm hình được chụp từ phía sau nên chỉ thấy phần sau và cảnh vật nơi hình được chụp.

                b. Bài viết ngắn (4-6 câu) kèm theo một tấm hình của mình để minh họa đăng trực tiếp trên trang FB Fanpage. Tấm hình được chụp từ phía trước, thấy mặt và cảnh vật nơi hình được chụp.

                c. Bài viết ngắn (4-6 câu) kèm theo một tấm hình minh họa liên quan đến bài viết, nhưng không phải hình của mình, đăng trực tiếp trên trang FB Fanpage.

                d. Bài viết ngắn (4-6 câu) có hình minh họa, nhưng đăng trên trang blog của mình và được chia sẻ vào trang FB Fanpage.

                e. Bài viết dài (khoảng 3-5 đoạn) có hình minh họa, nhưng đăng trên trang blog của mình và được chia sẻ vào trang FB Fanpage.

 

2. Mức tiếp cận qua số lượng ‘like’ và tương tác được xếp theo thứ tự như sau:

 

                * Bài đăng trực tiếp trên trang FB Fanpage mà có hình của mình thấy mặt với nội dung ngắn nhận được số lượng like và tương tác cao nhất – trung bình khoảng 600.

                * Tiếp theo là những bài đăng trực tiếp trên trang FB Fanpage có hình của mình chụp từ phía sau. Những bài viết này nhận được số lượng like và tương tác thấp hơn – trung bình khoảng 400.

                * Thấp hơn đáng kể là những bài viết có hình minh hoạ được đăng trên FB Fanpage, nhưng không phải hình của mình – dưới 100 like.

                * Thấp nhất là những bài viết được chia sẻ từ trang blog của mình – trung bình khoảng 20-25 like.

 

3. Nhận định

 

Kết quả của thí nghiệm này gợi lên những điều sau đây:

 

1. Những người theo dõi trên trang Facebook bấm ‘like’ và tương tác với hình ảnh hơn là nội dung của bài viết. Rất có thể nhiều người chỉ bấm like khi thấy hình của mình hiện lên trên tường của họ, nhưng không hề tiếp cận với nội dung mà mình đăng tải. Lý do bấm like có thể vì thích tấm hình của mình hoặc muốn khuyến khích chủ nhân tấm hình, nhưng không phải vì ấn tượng với nội dung của bài viết. Dĩ nhiên vẫn có một số có đọc nội dung nên đã phản hồi trong phần bình luận. Tuy nhiên, số lượng người phản hồi về nội dung rất ít nên không thể biết được có bao nhiêu người có đọc nội dung.

 

2. Nhiều người theo dõi mình trên trang Facebook không đọc bài viết của mình và không tương tác nếu không có kèm theo hình của mình để minh họa. Điều này có thể thấy được trong sự khác biệt một cách ngoạn mục giữa những bài đăng có hình của mình và không có hình của mình về số lượng ‘like’ và ‘tương tác’ do Facebook cung cấp cho mình.  Ngoài ra, những bài viết được chia sẻ từ trang blog mà người theo dõi phải “mất công” bấm vào mới có thể tiếp cận với nội dung thì càng nhận được ít sự tương tác.

 

3. Văn hóa của mạng xã hội thúc đẩy một lối tiếp cận và tương tác nhấn mạnh hình ảnh hơn nội dung chữ viết, nhấn mạnh hình thức hơn là chất lượng. Văn hóa này đề cao hình ảnh của người viết hơn là tư tưởng của người viết. Vì thế sự tiếp cận chỉ nằm ở mức độ ‘nhìn’ bên ngoài chứ không ở mức độ ‘cảm nhận’ bên trong. Văn hóa này cũng không thúc đẩy thói quen đọc hiểu mà chỉ khuyến khích nhìn và phản ứng. Điều này rát đáng quan ngại cho việc xây dựng kiến thức của mỗi người. Khi người ta không còn thích đọc thì sẽ bị thiệt thòi về việc nâng cao kiến thức. 

 

4. Kết luận

 

Thí nghiệm nhỏ này cho thấy bản chất MXH không thúc đẩy một lối tương tác và xây dựng mối tương giao một cách sâu xa, có ý nghĩa. Người dùng MXH, nếu không chủ động để tạo cho mình một cách sử dụng nó một cách có ý thức, tạo nên sự nối kết một cách có ý nghĩa, thì dễ dàng rơi vào tình trạng sử dụng MXH như một hình thức giải trí vô bổ để tiêu khiển thời giờ. Mặc dù MXH có tiềm năng nối kết giữa người này với người khác rất lớn, nhưng để cho sự nối kết trở nên hiện thực và có giá trị đòi hỏi mỗi người phải tận dụng những lợi thế của nó để đạt được sự tương tác đích thực. Sự nối kết đích thực không nằm ở chỗ số lượng like để khuyến khích hoặc làm thỏa mãn nhu cầu được like, được chấp nhận, được tăng bốc của người đăng ảnh, nhưng qua những chia sẻ và đón nhận những tâm tình của nhau với thái độ cởi mở và sự thấm cảm.

Nghi thức "tắm Phật" - "tắm Đức Mẹ"

 

Hôm qua mình đi thăm một gia đình giáo dân người Thái Lan mà mình thân quen. Gia đình 3 mẹ con (bố đã qua đời) rất đạo đức và luôn hoạt động tích cực trong nhà thờ và cộng đồng Công giáo. Bà mẹ là thành viên của hội đồng mục vụ trong giáo xứ và phong trào Lòng Chúa Thương Xót Thái Lan. Người con trai tên P. chuyên vẽ những ảnh Chúa Mẹ để phổ biến trong cộng đồng Công giáo. Anh cũng thường xuyên thực hiện những chương trình Công giáo bàn về những vấn đề thời sự trong Giáo hội để mở rộng quan điểm.

Hôm qua anh P. chia sẻ với mình anh đang chuẩn bị thực hiện chương trình về hội nhập văn hóa tại Thái Lan vì trong dịp lễ hội Songkran vừa qua, có trường học Công giáo đã tổ chức nghi thức “tắm Đức Mẹ” song song với nghi thức “tắm Phật” để mừng lễ hội té nước mà người Thái gọi là Tết truyền thống của họ. Trường Công giáo nói trên hình như muốn tạo điều kiện cho các giáo viên và học sinh Công giáo cùng được tham gia vào ngày lễ theo tín ngưỡng của mình, nên đã đặt hai bức tượng Phật và Đức Mẹ bên nhau để cho mỗi người thuận tiện bên nào thì tưới nước lên tượng đó.

Nghi thức tắm Phật được người theo Phật giáo Nam tông cử hành trong nhiều dịp lễ khác nhau, trong đó là dịp lễ Songkran tại Thái Lan là một thời điểm mà nghi thức này được tổ chức phổ biến ở các chùa chiền cũng như ở các cơ sở nhà nước và tư nhân trên khắp cả nước. Khi các bức hình về sinh hoạt “tắm Đức Mẹ” trong dịp lễ hội Songkran của trường học Công giáo được đăng tải lên mạng xã hội Thái Lan thì đã có nhiều ý kiến trái chiều trong giới giáo dân. Có người cho rằng việc cử hành một nghi thức Phật giáo với tượng ảnh Công giáo là lạc đạo, không phù hợp với niềm tin Công giáo. Nhưng người khác thì cho rằng đây chỉ là một cử chỉ mang tính “hội nhập văn hóa” – có nghĩa là thể hiện lòng kính mến Đức Mẹ bằng một cử chỉ truyền thống quen thuộc của người Thái. Vì dư luận trái chiều nên anh P. sẽ mời một linh mục có hiểu biết về lĩnh vực hội nhập văn hóa để giải thích quan điểm của Giáo hội cũng như thần học cho giáo dân có thêm hiểu biết nhằm đánh giá hành động của trường Công giáo.

Quả thật hoạt động của anh P. rất có giá trị cho Giáo hội địa phương, vốn vẫn là một Giáo hội nhỏ bé với chỉ hơn 300.000 giáo dân. Mặc dù các chương trình mà anh P. thực hiện mang tính độc lập, không nằm dưới sự bảo trợ hay ủy thác của bất cứ giáo phận hay tổ chức tôn giáo chính thức nào, nhưng anh rất thận trọng trong việc bàn thảo về vấn đề và mời những người có uy tín để trình bày các quan điểm. Nhờ vậy mà anh P. nhận được nhiều sự trân trọng trong cộng đồng Công giáo, ngay cả với các linh mục tu sĩ trong Giáo hội địa phương. Được biết sắp tới TGP Bangkok sẽ mời anh chia sẻ trong một cuộc họp của các linh mục trong Tổng Giáo phận. Đây là một cử chỉ có tính “hiệp hành” thực sự khi các linh mục sẵn sàng lắng nghe và đón nhận tiếng nói của giáo dân để nhận ra quan điểm, tâm tư và nguyện vọng của hàng giáo dân nhằm phục vụ họ tốt hơn, và đặc biệt để tạo điều kiện cho giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm một cách tích cực hơn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Bangkok, ngày 22.4.2022

Bài học cuộc sống từ những chú sóc


Trong khu vườn của nhà cộng đoàn có nhiều cây xanh nên có rất nhiều con sóc lui tới để tìm ăn và chạy nhảy trên các nhành cây. Mình không rõ có bao nhiêu con, nhưng cũng chính vì chúng nó, mà mặc dù trong vườn có nhiều cây ăn trái như xoài và mít, nhưng không có cây nào có trái. Lý do là khi các cây vừa mới ra hoa thì mấy chú sóc đã tới ăn sạch. Vì thế cây ăn trái trong vườn chỉ trồng để lấy bóng mát.

Khi mình đi dạo trong vườn, mình thích nhìn mấy chú sóc chơi trò “rượt bắt nhau”. Thường trò chơi này chỉ diễn ra giữa hai con. Một điều thú vị là mặc dù mình đã xem chúng chơi trò này rất nhiều lần, nhưng chưa có lần nào mình chứng kiến con sóc bị đuổi thực sự bị bắt. Thường thì con này đuổi con kia từ cành cây này qua cành cây khác. Có khi con đang bị đuổi dừng lại núp sau một tán lá hoặc một cành cây nào đó, khi bị con kia phát hiện thì chạy tiếp. Chúng nó đuổi nhau một hồi thì ngừng cuộc chơi, và sau đó mỗi con chạy mỗi hướng.

Có lẽ niềm vui của những con sóc hồn nhiên này chỉ là sự phấn khích khi chúng đuổi tìm nhau. Chúng nó không thực sự có nhu cầu để bắt nhau cho bằng được hay để chụp lấy nhau. Sự vô tư trong cách những con sóc chơi với nhau cũng là bài học cho con người khi đối xử với nhau trong cuộc sống. Trong sự tranh đua với nhau, niềm vui đích thực không hẳn là sự khuất phục đối phương, nhưng chỉ đơn giản là được tham gia trong những cuộc chơi. Những cuộc chơi đó giúp cho đời sống chúng ta có thêm hương vị, thêm màu sắc, và có thêm những mối tương quan thú vị.

Nếu việc thắng thua không trở nên mục đích sống còn thì có lẽ người ta sẽ có nhiều chỗ hơn cho sự chia sẻ, nhường nhịn và tương trợ lẫn nhau trong sự giao tương trong cuộc sống. Còn nếu mục đích là sự khuất phục người khác thì đó sẽ là một trò chơi không bao giờ kết thúc, bởi lẽ, đã chiến thắng được người này thì phải tìm cách để chiến thắng người tiếp theo. Như thế toàn thể cuộc sống chỉ bao gồm những cuộc tranh đấu tiếp nối nhau không bao giờ ngừng. Và giả sử nếu chúng ta khuất phục được mọi đối thủ và hoàn toàn chiến thắng, thì phần thưởng của chúng ta là một cuộc sống đơn độc ở trên tột đỉnh vinh quang và quyền lực.

Bangkok, ngày 21.4.2022


Tâm hồn trẻ nhỏ

 Trong số các anh chị em di dân Việt Nam thường xuyên tới tham dự Thánh lễ tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời, Bangkok gần đây có hai gia đình vừa mới có thêm em bé. Tuần trước, khi họ tới tham dự lễ, mình hỏi bé B. là người vừa mới được làm anh của một bé gái: - B. ơi, em của con tên gì?

B. trả lời tên của em là Khủng Long Xe. Mình lấy làm lại tại sao bé gái mới sinh ra lại được đặt cho cái tên “hầm hố” như vậy. Anh Tr., bố của B. giải thích rằng, khủng long xe là một món đồ chơi mà B. rất ưa thích nên đã lấy tên đó để đặt cho em gái của mình. Mặc dù bố mẹ đã đặt cho bé một tên khác, nhưng B. nhất quyết không chịu gọi em bằng cái tên mà bố mẹ đẵ đặt.

Trẻ con thì luôn chân thật và việc B. đang thể hiện sự quý mến em gái của mình bằng cách lấy tên món đồ chơi mà mình ưa thích nhất để đặt cho em là điều dễ hiểu. Trẻ em có cách riêng để bày tỏ cảm nhận của mình không giống như người lớn. Tuy nhiên, người lớn lại hay áp đặc lối suy nghĩ và bậc thang giá trị của mình trên người trẻ khiến chúng dần dần bị đưa vào khuôn khổ được đặt ra bởi gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều đáng tiếc là cái khuôn khổ đó không phải lúc nào cũng đúng đắn hay bổ ích cho sự phát triển con người một cách toàn diện. Đặc biệt khi những giá trị mà người ta áp đặc cho người trẻ khiến chúng trở nên những con người hẹp hòi, phân biệt đối xử với người khác dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội….

Bangkok, 19.4.2022

Chú mèo xám trong vườn



Mình có thói quen đi dạo trong vườn khoảng 30 phút mỗi sáng sớm trước giờ kinh sáng và Thánh lễ cộng đoàn. Đó cũng là lúc mình uống cà phê và ngắm những nụ hoa đang nở trong ngày mới. Khi đi dạo trong vườn mình thường thấy có một con mèo màu trắng, không biết của nhà nào, hay tới chơi trong vườn. Mặc dù đã thấy mình nhiều lần, nhưng nó rất sợ người nên khi thấy mình tới gần là nó đi trốn sau những bụi cây xanh.

Sáng nay mình không thấy con mèo trắng như mọi khi, mà lại thấy một con mèo màu xám. Mình không nhận ra nó, không biết có phải là lần đầu tiên nó tới chơi trong khu vườn của nhà dòng hay không. Mình đi lại gần con mèo để nhìn nó rõ hơn. Khác với con mèo trắng, chú mèo xám có vẻ không sợ người cho lắm. Nó không nhìn chăm chăm vào mặt mình để chuần bị tinh thần tẩu thoát khi cần thiết. Khi mình đã chỉ cách nó vài bước, mình ngồi xuống trước mặt nó và nói chuyện với nó để làm quen. Nó vẫn đứng yên không bỏ trốn. Thấy con mèo có vẻ dạn dĩ, mình đưa tay ra để vuốt trên đầu của nó. Mặc dù nó bắt đầu cựa quậy, tỏ ra như muốn tránh bàn tay của mình, nhưng nó cũng vẫn không chạy đi. Mình bắt đầu vuốt trên vùng cổ và lưng của nó. Chú mèo hình như thích cảm giác này nên nó bắt đầu mắt lim dim, rồi nằm xuống, để cho mình vuốt và gãi nhẹ trên vùng lưng và vùng bụng của nó. Khoảng vài phút sau, nghĩ rằng chú mèo đã quen với mình nên mình lấy tay nắm vào bụng của con mèo như để nâng nó lên, và đó là lúc nó phản ứng lại bằng cách quay đầu cắn vào tay của mình rồi bỏ chạy một mạch, trèo lên tường tẩu thoát qua nhà hàng xóm.  Mặc dù quả tấn công của chú mèo chỉ khiến cho tay bị xước nhẹ, nhưng cũng đủ rỉ máu và thấy rát trong vài giờ đồng hồ.

Nghĩ lại sự cố với con mèo xám, mình nhận ra rằng, việc mình bị chú mèo tặng cho một cái cắn cũng thỏa đáng. Nó đã thể hiện sự thiện chí bằng cách để cho mình lại gần nó, để cho mình vuốt ve nó trong khi những con mèo khác thì luôn bỏ chạy. Đáng ra mình chỉ cần làm như thế là đủ. Khi mình chỉ vuốt và gãi nhẹ con mèo, tạo cho nó sự thoải mái và nhẹ nhàng, nó đã có những cử chỉ dễ thương, thân thiện và tạo cho mình niềm vui đầu ngày. Nhưng điều đó lại không đủ. Mình chợt cảm thấy rằng mình muốn bắt lấy nó, giữ nó chặt hơn trong bàn tay của mình, để kiểm soát nó dễ dàng hơn. Chú mèo đã cảm nhận được ý đồ ích kỷ đó nên nhanh chóng tìm cách chạy thoát. 

Những gì xảy ra với con mèo xám là bài học nhắc nhở mình rằng mình có quyền có những hành động mang lại niềm vui cho người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa mình có quyền kiểm soát họ hoặc áp đặc các điều kiện trên họ. Những cử chỉ tốt đẹp chỉ có ý nghĩa đích thực khi được thể hiện trong sự tự nguyện vô điều kiện, không ảnh hưởng đến sự tự do và quyền lợi của người khác. Nếu không, những cử chỉ đẹp trở thành những công cụ để tạo thêm quyền lực cho chính mình, đồng thời hạ thấp vị trí của người khác. Tình yêu đích thực luôn là tình yêu được thể hiện trọng sự tự do, tôn trọng sự tự do của người khác và không có nhu cầu sở hữu người khác. 

Nhìn chung thấy có 3 loại người. Có người làm điều tốt cho người khác nhưng không trông chờ lời cảm ơn. Có người làm điều tốt cho người khác và không trông chờ gì hơn ngoài một lời cảm ơn. Và có người làm điều tốt cho người khác, và qua điều tốt đó, muốn đặt họ dưới sự kiểm soát của mình. Trong cách cư xử với con mèo xám, mình đã rơi vào trường hợp thứ 3. Và có lẽ đó cũng là trường hợp mà rất nhiều người thường rơi vào. 

Bangkok, ngày 18.4.2022

Mùa Phục Sinh thứ 3 với Covid-19

 


Đây là lễ Phục Sinh thứ ba mà mình và toàn thế giới đón mừng trong tình trạng dịch bệnh. Cơn khủng hoảng Covid-19 vẫn đè nặng trên nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Thái Lan nơi mình đang phục vụ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì tâm trạng của mình trong mùa Phục Sinh này khác với hai năm trước. Mùa Phục Sinh năm 2020, đại dịch mới ập đến nên cả thế giới đều hoang mang. Mọi người vẫn chưa biết nhiều về con vi-rút corona nó nguy hiểm tới mức nào. Chủng đầu tiên của vi-rút cũng khá nguy hiểm, gây chết chóc cho nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh nền, nên sự sợ hãi tràn ngập toàn thế giới.

Qua mùa Phục Sinh thứ hai thì tâm trạng của nhiều người tương đối ổn hơn. Sự hoang mang và lo sợ có phần nào giảm xuống. Mọi người xem việc tránh tổ chức các hoạt động tôn giáo rầm rộ là để hạn chế sự lây lan không cần thiết, bên cạnh đó không khiến cho tôn giáo trở thành tâm điểm của sự chỉ trích trong dư luận cho rằng tôn giáo là nguyên do khiến cho dịch tái phát hoặc bùng nổ. Điều này đã xảy ra ở nhiều quốc gia, một số cộng đồng tín ngưỡng đã bị quy trách nhiệm và chỉ trích nặng nề khi có tình trạng dịch bệnh tái phát.

Đến mùa Phục Sinh năm này thì dường như mọi người đã trở nên quen dần với việc sống với dịch. Mặc dù vẫn có những hành động căn bản để bảo vệ bản thân và người khác, nhưng nhiều người chỉ làm vì là quy định của các nhà chức trách chứ không phải vì cá nhân họ cảm thấy bất an. Tại Thái Lan, năm này các nhà thờ vẫn tổ chức các nghi thức Tam Nhật Thánh đầy đủ, mặc dù nếu so với năm ngoái, thì số ca nhiễm hằng ngày trong thời điểm này cao hơn năm trước rất nhiều – mỗi ngày hơn 20.000 ca nhiễm và có hơn 100 người tử vong. Nhưng nếu đi ra đường hoặc đến các trung tâm mua sắm ở Bangkok thì ngoài việc thấy ai cũng đeo khẩu trang thì dường như không mấy có dấu hiệu rằng dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại đây vì những nơi này người đi lại rất tấp nập.

Có thể thấy rằng cái mà người ta gọi là “đại dịch” còn lệ thuộc rất nhiều vào tâm ly của cộng đồng. Cách đây hai năm khi Thái Lan chỉ có vài chục ca nhiễm mỗi ngày, ai nấy đều lo sợ, bất an, hoang mang vì đại dịch. Nhưng hai năm sau, số ca nhiễm hằng ngày tăng hàng trăng hàng nghìn lần, nhưng người ta lại tỏ ra bình thản trước thực tại dịch bệnh. Họ vẫn đi lại và tụ tập để sống và đáp ứng nhu cầu cần giao tiếp, cần gặp gỡ, cần được tay bắt mặt mừng với những người thân cận, đặc biệt trong các dịp lễ truyền thống và tôn giáo.

Qua trải nghiệm về đại dịch, mình cũng nhận ra rất nhiều bài học cho cá nhân. Một trong những bài học đó là ngay cả trong những vấn đề mà mình nghĩ là “hiển nhiên” – ai cũng hiểu như thế, ai cũng phải làm như thế -- chưa hẳn là thực tế. Trên thực tế, trong bất cứ vấn đề nào người khác cũng có thể và có quyền có cách nhìn và cách cảm nhận khác, và họ sẽ không sẵn sàng để cho người khác áp đặc một lối suy nghĩ khác trên họ. Điều này đã thấy rất rõ trong những quan điểm khác nhau mà người ta có về hiện tượng Covid-19 và những vấn đề liên quan - nguồn gốc của dịch bệnh, cách nào để phòng ngừa, thuốc nào để điều trị.... Những bất đồng quan điểm này đã gây nên sự xáo trộn trong nhiều gia đình, cộng đoàn và toàn xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là làm thế nào để mọi người có chung một quan điểm, mà làm thế nào để mọi người khác quan điểm có thể sống chung với nhau. Đây vẫn là bài toán khó mà mỗi vấn đề, mỗi trường hợp, mỗi sự việc đòi hỏi nơi những người liên quan thái độ bình tĩnh và sự thiện tâm thiện chí để suy tư, phân định và hành động. Thay vì bỏ ra quá nhiều thời giờ và năng lượng để khẳng định ai đúng ai sai (một điều mà có thể không bao giờ thực hiện được), có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta đầu tư chất xám và công sức vào việc tìm ra chỗ đứng chung và củng cố vị trí đó cho vững chắc. Biết đâu khi người ta nỗ lực thực hiện điều này thì những điểm bất đồng bổng nhiên không còn thấy quan trọng và to tác như trước nữa. Kinh nghiệm hơn hai năm qua cho thấy ranh giới giữa “bệnh” và “dịch” một phần lệ thuộc vào não trạng và tâm lý của chúng ta. Vì thế, sự bất đồng giữa người này với người khác cũng vậy. Mức ảnh hưởng của nó trên đời sống và mối tương quan của chúng ta sẽ còn lệ thuộc vào thái độ và cách nhìn nhận của chúng ta về vấn đề mà chúng ta đối phó. Nó có thể là một triệu chứng mà chúng ta có thể khắc phục trong sự bình thản phân định về vấn đề, hoặc nó có thể trở thành một căn bệnh ngày càng leo thang và trở thành một loại dịch trong gia đình, trong cộng đồng và trong toàn xã hội.

Bangkok, ngày 16.4.2022

Bầu khí Tam Nhật Thánh tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời, Bangkok



Sáng thứ sáu Tuần Thánh tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời Bangkok khá yên ắng. Gần 7 gờ sáng, mình ra trước nhà thấy cha Bính đang tưới cây cảnh trong vườn. Tưới cây xong, cha quét sân và phía ngoài đường. Nhà cộng đoàn có nhiều giàn hoa leo dọc bức tường trước nhà nên hoa rụng rất nhiều, mỗi ngày đều phải quét để cho sạch đường. Phần mình thì sau khi uống xong ly cà phê hòa tan (không đường) thì ra dọn dẹp trong khu vườn nhỏ sau nhà. Phía sau nhà có một mảnh vườn với giàn hoa ti-gôn và sử quân tử mọc rất tốt nên phải thường xuyên cắt tỉa, vì những nhánh hoa thích leo qua phía nhà hàng xóm. Bên cạnh cắt tỉa giàn hoa ti-gôn, mình cũng xịt thuốc cho một số cây cảnh như hoa dâm bụt, hoa ngũ sắc (mà các bạn người Hà Tĩnh gọi với cái tên không mấy dễ thương là hoa ‘kích lợn’)…đang bị rầy bám vào các nhánh cây. Mình cũng nhổ cỏ dại và những cây mưng con đang mọc lên đầy vườn. Trong vườn có một cây mưng lớn, nó luôn đẻ ra đầy những cây con xung quanh. Một vài tuần một lần, mình phải nhổ những cây con để chúng không át những cây hoa mà mình trồng trong vườn.

Hôm nay là ngày ăn chay kiêng thịt bắt buộc trong lịch phụng vụ. Đối với mình thì ngày hôm nay chỉ có khác biệt ở phần kiêng thịt, chứ bình thường mình ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting), có nghĩa là nhịn ăn 16 tiếng đồng hồ, ăn hai bữa trong vòng 8 tiếng đồng hồ còn lại, không ăn vặt, nên cách ăn uống cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, có lẽ do yếu tố tâm lý hoặc là do cám dỗ của ma quỷ, mà có khi bình thường ăn như vậy mà không thấy đói, nhưng vào ngày phải ăn chay kiêng thịt thì lại cảm thấy đói cũng nên.


Các cha trong cộng đoàn Ngôi Lời ở Bangkok không ai làm mục vụ giáo xứ nên những ngày Tam Nhật Thánh cũng không quá bận rộn. Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ khoảng 20-30 người di dân Việt Nam thường xuyên tới nhà cộng đoàn để tham dự các Thánh Lễ nên trong những ngày này, các cha cũng cử hành đầy đủ các nghi thức Tam Nhật Thánh để mọi người có thể tham dự một cách trọn vẹn hơn. Đối với hầu hết các di dân Công giáo Việt Nam tại Thái Lan, thì họ chỉ đi lễ vào Chúa Nhật Phục Sinh. Còn những ngày khác thì bận đi làm hoặc không sốt sắng nên không mấy ai đi tham dự các nghi thức tại các nhà thờ của Thái Lan. Riêng ngày Chúa Nhật Phục Sinh thì tại những nơi có nhiều di dân Việt Nam đang cư trú có tổ chức Thánh lễ bằng tiếng Việt để phục vụ cho giáo dân Việt Nam. Phần lớn các anh chị em Việt Nam sẽ đi tham dự các Thánh lễ tiếng Việt này. Một số khác tham dự Thánh lễ tiếng Thái. Và có một số khác không đi lễ nào vì “quên”, hoặc “bận”, hoặc một lý do nào đó mà chỉ họ mới biết.

Tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời thì tối hôm qua đã tổ chức Thánh lễ rửa chân và chầu Thánh lễ. Chiều nay sẽ có nghi thức ngắm nguyện sự thương khó của Chúa Giê-su với sự tham dự của một số anh chị em Việt Nam đảm nhận việc ngắm. Sau khi ngắm xong thì sẽ cử hành nghi thức tưởng niệm sự thương khó của Chúa Giê-su.

Riêng mình thì tối thứ bảy, mình sẽ chủ tế Thánh lễ Vọng Phục Sinh cho cộng đoàn nhỏ bé tại nhà dòng với đầy đủ các nghi thức như làm phép lửa, phép nến, nước… Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, mình sẽ đi dâng lễ ở nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức cho một nhóm di dân Việt Nam ở quận Chomthong, Bangkok. Đây là một trong hơn 10 nhà thờ trong TGP Bangkok có tổ chức Thánh lễ hàng tháng cho di dân Việt Nam. Tuy nhiên, đó là trước thời đại dịch. Từ khi có dịch, nhiều nhà tạm thời ngưng các sinh hoạt, nhiều di dân Việt Nam cũng hồi hương, nên mục vụ di dân cũng giảm bớt đáng kể.

Không khí những ngày Tam Nhật Thánh tại nhà cộng đoàn như vậy đó. Nhẹ nhàng, không quá bận rộn, mặc dù cũng có những sinh hoạt đánh dấu ngày lễ. Trước nhà có một giàn máy, nên mình mở nhạc thánh ca suốt ngày để tạo thêm bầu khí linh thiêng của ngày lễ. Cha Hùng cũng lái xe đi mua những thứ đồ cho ngày lễ như nước, và thức ăn thức uống để phục vụ các giáo dân khi họ tới tham dự các nghi thức. Cha Bính phụ trách phần phụng vụ nên chuẩn bị các bài hát, tập cho một số anh chị em hát bài Thương Khó, tập bài Exultet… Mình thì dọn dẹp vườn tược và tượng đài Đức Mẹ, cắt tỉa hoặc trồng thêm cây cảnh để khu vườn nhìn khang trang hơn. Chị giúp việc nhà thì cũng lau chùi và chuẩn bị những món ăn để mừng lễ Phục Sinh vào tối mai. Cha Linh vắng nhà vì ngài đi Malaysia để dâng lễ Phục Sinh cho một nhóm di dân Việt Nam trên đảo Penang. Cứ thế, mỗi người làm một ít việc cho ngày lễ long trọng hơn và diễn ra tốt đẹp.

Ở Thái Lan, Giáo hội rất nhỏ bé nên các sinh hoạt Lễ Phục Sinh cũng không nhộn nhịp như ở các Giáo hội khác, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành tại nước này. Năm nay Tuần Thánh trùng hợp với dịp Lễ hội té nước (Songkran) của Thái Lan, nhưng mọi thứ cũng rất yên ắng vì chính quyền cấm các sinh hoạt té nước để hạn chế dịch bệnh lây lan. Đây là năm thứ ba lễ hội lớn nhất Thái Lan mà người ta gọi là Tết Thái Lan bị hạn chế trầm trọng. Tuy nhiên từ góc nhìn của mình thì việc chính quyền Thái Lan cấm các hoạt động Songkran cũng tốt cho người Công giáo, để họ có tâm trí hướng về tinh thần của Tam Nhật Thánh hơn. Có lẽ sẽ rất khó cho một số người để hòa mình vào tâm tình của ngày lễ khi xung quanh, mọi người đang ăn mừng, nhảy múa, vui chơi, tạt nước nhau…. Những năm trước dịch, không ít lần thấy các bạn trẻ Công giáo Việt Nam, vào thứ Sáu Tuần Thánh đăng hình ảnh đang đi chơi té nước tại những tụ điểm mừng lễ Songkran, hoặc đi quán bar, karaoke….thay vì đi nhà thờ tham dự các nghi thức Tuần Thánh. Hành động của các bạn trẻ cho thấy rằng đời sống đạo của họ khi mưu sinh ở nước ngoài rất đáng quan ngại.

Thời gian gần đây, vì công việc của mình nên mình đã dần dần không tham gia vào các mục vụ di dân Việt Nam nữa. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến người di dân nói chung, cách riêng di dân Việt Nam vẫn là một mối ưu tư mà mình luôn suy tư và nghiên cứu trong cương vị của mình. Và dĩ nhiên mình sẽ tìm cách để đưa đề tài về di dân vào các diễn đàn hội thảo mà mình tham gia hoặc tổ chức trong tương lai. Vấn đề di dân là vấn đề của Giáo hội, của xã hội, của thời đại….nên không thể nào gác nó qua một bên được. Trên thế giới sẽ luôn có hiện tượng di dân, vì thế cần có những hiểu biết và tiếng nói đúng đắn về người di dân để tránh tình trạng người di dân bị bỏ quên, bị lạm dụng, bị đàn áp, hoặc bị gạt bên lề xã hội.

Bangkok, ngày 15.4.2022  

Khoảnh khắc bình minh


Khoảnh khắc bình minh hằng ngày là lúc người ta có đủ ánh sáng mặt trời để từ khoảng cách xa có thể phân biệt giữa con trâu với con bò hoặc giữa cây soài với cây mít. Nhưng khoảnh khắc bình minh tâm hồn là lúc chúng ta nhìn vào mặt người khác và có thể nhận ra đó là người anh em của mình.

14.4.2022

Đường thập giá


Đường thập giá là con đường để đi qua, không phải để dừng lại cắm lều trú ẩn. Và cũng như tất cả mọi con đường khác, con đường thập giá có điểm khởi đầu và cũng sẽ có điềm kết thúc. Nếu chúng ta không dấn thân trên con đường ấy thì sẽ không thấy được điều gì đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường.

13.4.2022

Thay đổi người khác


Nếu bạn nghĩ rằng khi bạn thay đổi được ai đó thì bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn, bạn hãy cứ thử xem. Nhưng đừng có bất ngờ khi phát hiện ra rằng, mặc dù người đó đã thay đổi hoặc thậm chí không còn trên đời nữa, bạn cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc hơn trước. Bởi lẽ, niềm hạnh phúc đích thực nằm trong sự thay đổi nơi chính bản thân hơn là thay đổi nơi người khác.

12.4.2022

Bình thản


Khi có người nào đó khen bạn đẹp, bạn giỏi, bạn đừng vội cảm thấy vui. Ngược lại, bạn phải tự nhắc nhở mình rằng, đó chỉ là cảm nhận chủ quan của người đó về mình trong lúc này. Bởi vì, một người khác với một cách nhìn và tâm trạng khác có thể sẽ không cho rằng bạn giỏi hay đẹp. Vì thế những lời khen và tâng bốc đến từ người khác chỉ phản ảnh tình trạng của người nói chứ không phải thực tế khách quan về mình. Nếu chúng ta biết giữ thái độ bình thản trước lời khen và tâng bốc đến từ người khác, thì chúng ta cũng sẽ giữ được thái độ bình thản như vậy trước những lời chê bai và chỉ trích về mình. Như vậy niềm vui và bình an mà chúng ta có được sẽ không phải lệ thuộc vào lời khen hoặc lời chê từ bên ngoài mà sẽ đến từ chính bên trong con người của chúng ta. Còn nếu chúng ta đặt niềm vui và hạnh phúc của chính mình vào tay của người khác, thì tâm trạng của chúng ta sẽ như một trò chơi cảm giác mạnh roller coaster -- lên xuống thất thường không bao giờ đạt tới sự thăng bằng trong cuộc sống.

Khó chịu



Khi người nào đó có lời nói hay hành động làm bạn cảm thấy khó chịu, nếu bạn tự chất vấn mình với ba câu hỏi này, bạn sẽ hết cảm thấy khó chịu:

1) - Tâm trạng của tôi trong lúc này như thế nào khiến cho tôi cảm thấy khó chịu với người đó?

2) - Tại sao người đó làm cho tôi cảm thấy khó chịu trong khi người khác không tỏ ra khó chịu?

3) - Tại sao người đó phải nói và hành động theo tiêu chuẩn của tôi? 

Gần đây mình đang chú tâm làm "bài tập" này và thấy có hiệu quả. Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

9.4.2022

Trải nghiệm biên tập sách tiếng Việt


Cách đây không lâu có một nam tu sĩ trẻ chia sẻ với mình rằng thầy muốn thực hiện một tập sách có bài viết từ nhiều tác giả. Tuy nhiên, thầy vẫn có một chút do dự về khả năng làm biên tập của mình. Vì mình đã tiếp xúc với thầy nhiều lần trên mạng và cũng đã từng đọc nhiều bài viết do thầy thực hiện nên mình tin rằng thầy có đủ khả năng để làm công tác biên tập. Nhưng để khuyến khích thầy thêm nữa, mình nói với thầy rằng: "Cha chỉ mới học xong lớp 3 tại Việt Nam trước khi đi định cư ở Hoa Kỳ mà còn dám biên tập sách học thuật tiếng Việt, huống chi là thầy." Có lẽ lời động viên của mình cũng đã giúp cho thầy thêm tự tin để triển khai dự án thực hiện tập sách. Mình cũng mới nhận được thông tin từ thầy rằng đã có hơn 30 người tham gia viết bài sau khi nhận được lời mời. 

Mình rất thán phục những người trẻ dám nghĩ dám làm, đặc biệt là những thứ đòi hỏi nhiều chất xám và một chút liều lĩnh. Mình cũng đã từng liều lĩnh như vậy khi vào năm 2004, sau khi mình được Hội dòng cho đi Việt Nam để thực tập mục vụ truyền giáo hai năm thì trong sáu tháng cuối của chương trình, mình đã quyết định thực hiện một tập sách về Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Trong tập sách có bài viết của một số tác giả không chuyên nghiệp khác, chủ yếu các tu sĩ nam nữ trẻ, và dĩ nhiên có một số bài viết của mình. Mặc dù vốn từ tiếng Việt không nhiều, nhưng nhờ thời gian thực tập ở Việt Nam, được học hỏi và sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, đồng thời chăm đọc sách báo tiếng Việt, nên khả năng tiếng Việt cũng phần nào thăng tiến. Để thực hiện các bài viết, mình còn phải đến tòa soạn của Báo Tuổi Trẻ để xin đọc lại những số báo cũ không có trên mạng để lấy tài liệu. Tuy nhiên, động lực lớn nhất vẫn là sự đam mê tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện một công việc mà mình cho là có ý nghĩa để đánh dấu và tổng kết hai năm thực tập tại Việt Nam. 

Sau khi tập sách thứ nhất được phát hành theo dạng "lưu hành nội bộ" và được bán khá chạy tại một số nhà sách Công giáo ở Sài Gòn, năm 2005, mình tiếp tục thực hiện một tập sách thứ hai cũng về giới trẻ Việt Nam. Nhưng lần này mình đã trở về Hoa Kỳ và đang tiếp tục chương trình thần học chuẩn bị cho việc khấn trọn và chịu chức linh mục. Tập sách thứ hai này, cũng như tập sách thứ nhất được phát hành dưới một bút danh nên ngoài những người trong cuộc thì cũng không ai biết chủ biên là ai. 

Sau đó, mình không biên tập tập sách tiếng Việt nào nữa cho mãi đến năm 2018, mình có dịp đi công tác tại Nhật Bản và tái ngộ với cha Đaminh Nguyễn Quốc Thuần tại Osaka. Cha Thuần cũng là người đã từng tham gia viết bài trong cuốn sách đầu tiên khi vẫn còn làm thầy trong dòng Ngôi Lời, tỉnh dòng Việt Nam. Trong chuyến đi này, mình và cha Thuần trao đổi và chia sẻ về nhiều vấn đề liên quan đến di dân Việt Nam tại Á châu, cụ thể ở Nhật Bản và ở Thái Lan. Mặc dù cha Thuần làm mục vụ giáo xứ cho người Nhật, và mình giảng dạy tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan, nhưng cả hai đều tham gia mục vụ  di dân Việt Nam nhiều năm nên có rất nhiều ưu tư đối với di dân Việt Nam nói chung, cách riêng di dân Việt Nam Công giáo. 

Khi ấy, mình và cha Thuần đã bàn về việc thực hiện một tập sách chuyên đề về mục vụ di dân Việt Nam tại Á châu với sự tham gia viết bài của những người trong cuộc, mắt thấy tai nghe, và đã đồng hành với di dân Việt Nam tại các quốc gia Á châu. Mặc dù có kế hoạch như vậy, nhưng sau khi trở lại Thái Lan, vì bận bịu với công việc, nên mình cũng không triển khai cho mãi đến năm 2020, vì đại dịch Covid-19 làm cho nhiều hoạt động bị khựng lại, nên mình và cha Thuần mới có thời gian để làm cho ý tưởng trở nên hiện thực. Mình và cha Thuần đã liên lạc mời các linh mục, tu sĩ và chuyên gia tham gia viết bài cho tập sách và đã may mắn nhận được sự chiếu cố từ các tác giả đang phục vụ tại Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Lào, Nhật Bản và Thái Lan. Với sự hợp tác giữa mình và cha Thuần mà tập sách "Di dân Việt Nam tại Á châu: Thực trạng & Đường hướng Mục vụ" đã được xuất bản tháng 12, 2020. 

Lần này sách được phát hành như một công trình nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Á châu về Tôn giáo và Truyền thông Xã hội, và lấy tên mình một cách công khai là đồng biên tập nên có thêm áp lực về mức độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sự cộng tác của cha Thuần cùng với sự hỗ trợ của một số người khác nên tập sách cũng đã được đánh giá tốt về mặt chuyên môn. 

Vậy bài học ở đây là gì? Chúng ta có quyền "liều lĩnh" để làm những gì mới, những gì thách đố chất xám trong con người của mình, miễn sao đó là điều mà mình tâm huyết và có ích lợi cho cá nhân và người khác. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công cao hơn, mình cần phải nhận ra giới hạn của mình và biết tìm tới những người có thể hỗ trợ và nâng đỡ mình trong công việc. Xung quanh mình vẫn có rất nhiều người nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ nếu mình dám ngõ lời với họ. Sự khiêm tốn sẽ không những giúp cho công việc của mình trở nên nhẹ nhàng hơn, mà còn làm cho kết quả được cao hơn. 

Bangkok, ngày 7.4.2022

Tâm tình người làm biên tập

 


Hôm nay, sau khi vừa hoàn tất việc biên tập tạp chí “Religion and Social Communication” (Vol. 20, No. 1, 2022) mình chính thức bắt tay vào biên tập tập sách chuyên đề tiếng Anh tạm thời có tựa đề “Social Communication in the Post Pandemic Church: Perspectives from Asia and Beyond” (Truyền thông xã hội trong Giáo hội hậu đại dịch). Tập sách có sự tham gia viết bài của 16 tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau - Ấn độ, Nhật bản, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Italy, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Singapore. Một số bài viết trong tập sách này đã từng được phát hành trong tạp chí học thuật “Religion and Social Communication” do mình làm tổng biên tập, và sẽ được tác giả biên soạn lại cho phù hợp với bối cảnh hậu đại dịch. Có ba bài được dịch qua tiếng Anh từ bản gốc tiếng Việt do các tác giả Việt Nam thực hiện. Ba bài viết này đã từng được phát hành trong tập sách chuyên đề tiếng Việt có tựa đề “Đường hướng mục vụ hậu đại dịch Covid-19: Các bài học từ dấu chỉ thời đại” (2021) cũng do mình làm chủ biên. Và những bài còn lại là hoàn toàn mới, lần đầu tiên được phát hành. Với tập sách này, được phát hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Á châu về Tôn giáo và Truyền thông Xã hội (Asian Research Center for Religion and Social Communication, ARC), mình hy vọng rằng, TT ARC sẽ có một đóng góp giá trị vào những suy tư đang diễn ra liên quan đến biến cố đại dịch đã làm chao đảo thế giới thời gian qua.

 

Từ ngày đảm nhiệm việc điều hành TT ARC, mình có nhiều cơ hội không những để tiếp cận các học giả từ nhiều quốc gia cũng như ngành chuyên môn, mà còn trở nên nhịp cầu nối kết các chuyên gia lại với nhau trong những diễn đàn hội thảo, tạp chí học thuật hoặc tập sách nghiên cứu chuyên đề. Vì trách nhiệm của người biên tập là phải làm việc với từng tác giả để phát triển, chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết không chỉ về mặt ý tưởng mà những chi tiết như văn phong, câu từ, cách trích dẫn….nên mỗi bài viết có khi mình đọc đi đọc lại và chỉnh sửa hơn 10 lần trước khi được phát hành. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một số tác giả từ Á châu vì nhiều người chưa thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ học thuật bằng tiếng Anh. Vì thế từ giai đoạn bản thảo cho tới sản phẩm cuối cùng là một quá trình bao gồm rất nhiều bước đòi hỏi sự nỗ lực và kiên nhẫn từ phía tác giả cũng như người biên tập. Nhưng sau khi đã hoàn tất thì mọi người cảm thấy rất hài lòng với những gì đã xảy ra. Đặc biệt một số tác giả trẻ là các nghiên cứu sinh thạc sĩ hoặc tiến sĩ, chưa có nhiều kinh nghiệm viết bài tham luận cho các tạp chí quốc tế phải rất vất vả mới có được một bài đủ tiêu chuẩn để phát hành. Vì TT ARC có chủ trương khuyến khích và cổ võ các nghiên cứu trong lĩnh vực Tôn giáo và Truyền thông Xã hội, nên mặc dù nhiều nhà nghiên cứu trẻ có những bài viết chưa thực sự đạt tiêu chuẩn chuyên môn, nhưng mình cố gắng làm việc với họ để giúp họ cải thiện bài viết để được phát hành. Ngoài ra, mình cũng hy vọng trong quá trình làm việc, họ sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm về cách xây dựng ý tưởng và trình bày những suy luận một cách hợp lý cho những bài viết sau.

 

TT ARC là một tổ chức hoàn toàn vô lợi nhuận, nên tất cả những gì mình làm cho TT có thể nói là làm không công. Nhưng sự đền đáp mà mình nhận được – đó là nhìn thấy những đứa con tinh thần – các tập sách, các số tạp chí mà mình biên tập được ra đời và đến với các độc giả và những người làm nghiên cứu. Ngay cả những bài viết của các tác giả khác mà mình đã giúp góp ý và biên tập để thành những bài viết hoàn thiện, mình cũng xem như là những đứa con tinh thần mà mình cảm thấy rất vui khi chứng kiến chúng ra đời.

 

Bangkok, ngày 5.4.2022

 

Sống vô tư



Trong Mùa Chay Thánh này mình đang cố gắng nhìn vào mọi người với một thái độ và não trạng mới, không đặt ra điều kiện, không dựa trên những thành kiến, không đánh giá theo những gì đã từng biết về họ trước đây, đặc biệt không áp dụng những tiêu chuẩn chủ quan trên đối phương. Mình cố gắng nhìn người khác với một thái độ vô tư nhất có thể. Mình nghĩ rằng đây là điều sẽ làm cho mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ và bình an hơn. Từ khi mình bắt đầu tập làm việc này, mình cảm thấy ít khó chịu trước những lời nói và hành động của người khác, thậm chí không thấy có gì phải khó chịu hay không hài lòng. Mình tin rằng nếu mình duy trì được cách nhìn nhận này về người khác, những mối tương quan với người thân cận sẽ được cải thiện, và mình cũng sẽ bớt phán đoán những người khác, cho dù là người tiếp xúc trên mạng, trong công việc, hay trên đường phố. Sẽ tuyệt với biết mấy nếu thực hành điều này sẽ giúp cho mình bớt những nếp nhăn trong tâm hồn cũng như trên vầng trán.

4.4.2022

Thỏa mãn tạm thời

 

Một điều mà ai cũng đang hoặc đã từng trải qua là: Sau khi chúng ta đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, hoặc tiền bạc để có được một thứ gì đó (ví dụ chức vị, tài sản, người yêu...), niềm vui có được điều đó không tồn tại lâu dài bởi vì: 1) chúng ta sớm trở nên chán hoặc thất vọng với thứ đó và tìm cách có cái mà chúng ta nghĩ là tốt hơn; 2) chúng ta "chịu đựng" vật/người đó vì biết rằng không thể nào có được thứ tốt hơn; hoặc 3) chúng ta rơi vào tình trạng luôn bất an sợ sẽ mất cái chúng ta có được nên phải đấu tranh bằng mọi giá để tiếp tục giữ lấy nó. Vì thế sự "thỏa mãn" nhanh chóng nhường chỗ cho những cảm xúc tiêu cực khác và chúng ta tiếp tục sống trong sự bất an và thiếu hạnh phúc đích thực. 

4.4.2022

Cây nến


Một ngọn nến không thể nào xóa tan được bóng tối. Nhưng nó có thể giúp ai đó nhìn thấy đường để bước đi giữa bóng tối. 

Đáp lễ

 

Trong xóm có một cụ già luôn đi quanh xóm nhặt ve chai. Mỗi tuần, bà tới nhà dòng để lấy ve chai mà các cha để dành cho bà. Mỗi tuần, cụ già cũng ghé qua nhà để gửi một bó hoa nhỏ để đặt trước tượng đài Đức Mẹ trong khuôn viên của nhà dòng. Những ngày khác, mỗi lần bà cụ đi quanh xóm để nhặt ve chai, khi đi ngang qua cổng nhà dòng, bà đều dừng lại vài giây phút chấp tay vái Đức Mẹ rồi đi tiếp. Các cha cũng cố gắng duy trì mội tương quan thân thiết với những người trong xóm nên thỉnh thoảng cũng đem cái này cái nọ làm quà biếu. Dĩ nhiên, họ luôn đáp lễ. Mình biếu bao cam thì họ cũng biếu lại quả mít hay một món gì tương tự. Đối với cụ già thì bà không biếu cho các cha món đồ gì ngoài bó hoa nhỏ bé để dâng Đức Mẹ hàng tuần. Thiết nghĩ cụ ngộ ra một điều mà những người khác có thể chưa nhận ra, đó là, tất cả mọi thứ mà chúng ta nhận được đều xuất phát từ Ơn Trên. Vì thế lòng biết ơn trước tiên phải được thể hiện với Ơn Trên, và đối với cụ bà, đó là qua việc dâng hoa cho Đức Mẹ, mặc dụ bản thân bà là một người theo Phật giáo. 

3.4.2022

Ánh sáng tâm hồn


Tâm hồn của mỗi người ví như một bóng đèn luôn luôn tỏa sáng, không bao giờ bị tắt. Nhưng ánh sáng đó thường bị khuất mờ bởi những lớp bụi bám vào mặt bóng đèn, ngày càng dày đặc hơn, khiến cho nó không còn làm tốt chức năng của một bóng đèn nữa. Những lớp bụi bám vào tâm hồn của chúng ta là những ham muốn dục vọng, sự ghen ghét, kiêu căng, ích kỷ, hận thù, nỗi sợ hãi, chán chường thất vọng. Chúng trở thành những lớp bụi bao trùm tâm hồn của chúng ta khiến cho nó trở nên tối tăm, nặng nề, thiếu sức sống. Tuy nhiên, ánh sáng của tâm hồn vẫn còn đó trong mỗi người, và sẵn sàng lan tỏa khi những lớp bụi bao trùm được dần dần tẩy sạch.

2.4.2022

4 loại người



Trên đời có bốn loại người. Người luôn làm vì người khác mà không làm vì bản thân. Người luôn làm vì bản thân mà không làm vì người khác. Người không làm vì bản thân mà cũng không làm vì người khác. Người làm vì bản thân và cũng làm vì người khác. Loại người cuối cùng là hoàn hảo nhất.

1.4.2022