Một cuộc gặp gỡ vui vẻ


Tối hôm qua mình có dịp gặp lại một số anh em cựu chủng sinh dòng Ngôi Lời. Mọi người bắt đầu tụ họp tại nhà của Hòa từ lúc 6:30 tối, và tiếp sau đó là những món ăn, thức uống, tiếng nói tiếng cười đùa giởn, chia sẻ thật vui nhộn và ấm cúng. Đây là cuộc gặp gỡ vui nhất mà mình có được trong hai tuần qua từ khi về lại Mỹ. Vui và thoải mái biết bao khi gặp gỡ lại các anh em cựu chủng sinh. Có người thì lớn tuổi hơn mình, có người thì thuộc giới đành em, nhưng mọi người rất gần gủi và thân thiện. Mặc dầu họ rời khỏi dòng để đi theo con đường riêng của mình, người thì đã lập gia đình, đã có nghề nghiệp, người thì vẫn còn theo học hoặc là đang trong tình trạng tìm việc làm, nhưng khi tụ họp lại với nhau, mọi người sống trong tình huynh đệ như ngày nào còn sống cùng dưới mái nhà dòng.

Gặp nhau, cũng nói chuyện về công ăn việc làm, cũng nói về gia đình, cũng nói về việc học hành, cũng nói về những vấn đề mà người ta thường nói với nhau trong những lần giao tiếp, nhưng tinh thần nói chuyện rất khác. Khác ở cái chỗ là không phải hỏi han lẫn nhau để cạnh tranh, để so bì, hoặc để tìm cách tiến thân, nhưng hỏi han vì quan tâm, vì muốn biết về đời sống của nhau, để rồi có thể cho nhau một lời khuyên hoặc một lời động viên.

Mình cảm thấy thật hạnh phúc khi được gặp lại những người anh em này và có dịp để chia sẻ đôi chút về những sinh hoạt truyền giáo của mình trong thời gian qua. Nó làm cho những ngày  nghỉ của mình ở đây thêm vui vẻ và có ý nghĩa. Ước gì mình sẽ có cơ hội để gặp gỡ các bạn nhiều hơn nữa.

Costa Mesa, ngày 25.1.2013

Xa lạ

Về Mỹ được hơn một tuần trong kỳ nghỉ mình có một số cảm nhận về đời sống ở đây. Có lẽ những cảm nhận của mình không phải mới lạ vì nó cũng đã được nêu lên bởi những người khác đến thăm Mỹ lần đầu, nhưng mình là người đã lớn lên trên đất nước này, đã hấp thụ văn hóa và lối sống ở đây. Vì thế mà những cảm nhận của mình có phần nào làm cho mình bất ngờ, không phải bất ngờ với xã hội Mỹ, nhưng bất ngờ vì mình đã thay đổi rất nhiều từ ngày mình rời khỏi đất nước này để đi đến sống và làm việc ở một đất nước và văn hóa khác. 

Trở lại Mỹ, mình không bất ngờ khi thấy trong xóm, ai nấy đều sống riêng tư, những cánh cửa nhà luôn đóng kín, và những tấm màn che khuất tất cả những sinh hoạt gì có thể đang diễn ra bên trong. Bước ra trước nhà cũng ít thấy ai đi lại, chỉ thỉnh thoảng có người từ nhà ra xe để đi đâu đó. Có thể nói ở đây rất yên bình, trật từ, và văn mình. Mình đi một vòng xung quanh xóm để hít thở không khí sau nhiều giờ lẩn quẩn trong nhà mà không có một cánh cửa nào được mở cho dù chỉ he hé vì trời lạnh. Thay vì cảm nhận được sự yên bình, trong lòng bổng tràn ngập cảm giác cô đơn -- cô đơn vì không nghe được tiếng xe máy rú quen thuộc mỗi lần mình ngồi nơi cái ghế trước hiên nhà xứ ở Thái Lan để hóng mát hoặc là để trò chuyện với ai đó đến thăm; cô đơn vì không có ai để chào hỏi, không có những học sinh đang ngồi đầy nhốc trên những chiếc xe công cộng đi học về mỗi chiều. Mọi sự đều quá thinh lặng và trật tự.

Mình đi nhà thờ ngày Chúa Nhật, xin được đồng tế với cha quản nhiệm. Thánh lễ cũng trật tự như vậy, từ lúc giáo dân bước vào nhà thờ, đi rước lễ, cho đến lúc ra về, họ rất trật tự. Ca đoàn hát trong Thánh lễ cũng đúng phụng vụ hoàn toàn. Cha chủ tế dâng Thánh lễ hoàn toàn đúng theo các quy tắc phụng vụ. Những thừa tác viên nghiêm túc và vô cùng trật tự. Khi nhập lễ, họ xếp thành hàng để tiến vào nhà thờ cùng với các em giúp lễ và linh mục. Họ không mặc đồng phục, nhưng mọi người đều có màu đen giống nhau, đàn ông thì đồ veston, đàn bà thì cũng đồ tây. Đến giờ rước lễ, họ cũng xếp thành hàng tiến lên cung thánh để nhận bánh và rượu để cho giáo dân rước lễ một cách vô cùng nghiêm trang. Sau khi nghi thức hiệp lễ xong, họ xếp thành hàng tiến về chỗ ngồi. 

Mình quan sát những gì diễn ra trước mắt với thái độ khâm phục. Thật văn minh và nghiêm trang. Nhưng sao trong lòng mình lại cảm thấy trống rỗng quá, xa lạ quá. Có lẽ mình là khách nên chưa quen với mọi sự ở đây. Hay vì mình mới đến nên chưa thể hòa nhập vào không khí của cộng đoàn. Nhưng hòa nhập cách nào? Mình nghe nói ở Mỹ bây giờ linh mục không thể chạm vào bất cứ ai, đặc biệt là các trẻ dưới tuổi vì thành niên vì vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Còn trong cộng đoàn Việt Nam thì mỗi lần giáo dân nhìn thấy có cha đồng tế trong Thánh lễ thì trong đầu ngay lập tức liên tưởng đến việc quyên góp. Mình cảm thấy ái ngại, thiếu tự tin. Mình ước gì mình chỉ đang ngồi dưới hàng ghế giáo dân thay vì trên cung thánh. Có lẽ như thế thì tư tưởng sẽ thoải mái hơn. 

Thế đó, cảm giác "xa lạ" đã trở thành cảm giác bao quát cho những ngày đầu tiên mình trở lại Mỹ -- xa lạ với cách người ta giao tiếp với nhau, xa lạ với cái bận rộn của những người sống trong xã hội này đến nỗi họ có rất ít thời giờ để thăm hỏi và gặp gỡ nhau, xa lạ với cái trật tự được phát huy tối đa để bù đắp lại cho cái thiếu thốn trong mối tương quan giữa con người với con người. Hình như văn minh và trật tự bao nhiêu thì người ta càng xa cách và khép kín bấy nhiêu. Càng ít gặp nhau, ít trao đổi với nhau, ít va chạm với nhau, thì những xung đột và rối rắm càng được hạn chế. Có lẽ đó là phương thức sống của người Mỹ, và người Việt ở Mỹ cũng ngày càng hấp thụ lối sống đó.  Riêng mình thì mình không hợp với lối sống này. Mình thích sống trong một xã hội mà người thân và bạn bè có thể gặp nhau không chỉ vào ngày cuối tuần hoặc một ngày lễ đặc biệt nào đó mà thôi. Mình thích sống một nơi mà đôi khi mọi sự không hoàn toàn sạch sẽ, trật tự, hoặc có những va chạm trong mối quan hệ, nhưng đó là những điều làm cho cuộc sống thú vị và không nhàm chán. 

Costa Mesa, ngày 21.1.2013

Về tới nhà

Chyến may bay dài mưới mấy tiếng đồng hồ từ Bangkok đến Taipei, rồi từ Taipei đến Los Angeles của hãng hàng không EVA đã đưa mình về ngôi nhà ấm cúng của mình tại thành phố Costa Mesa, bang California. Ở đây ấm cúng không phải vì thời tiết ấm khi nhiệt độ ban đêm là dưới 10 độ C, nhưng ấm cúng vì ở đây có bố mẹ mình đang chờ mình về sau một thời gian dài. Cuộc đời truyền giáo chỉ cho phép mình về thăm gia đình 3 năm một lần, vì thế mỗi chuyến như vậy là cả một "sự kiện" không chỉ cho mình mà còn cho cả gia đình.

Anh Chương là người đón mình ở sân bay tại vì nơi anh làm việc chỉ cách sân bay vài phút lái xe. May bay hạ cánh lúc 7h tối giờ địa phương, nhưng mãi hơn 8 giờ mình mới ra được phía trước do tốn nhiều giờ chờ hành lý và xếp hàng chờ kiểm tra hành ly. Ở Mỹ việc kiểm tra rất khắt khe để bảo đảm sự an ninh đất nước. Tuy nhiên mình mang quốc tịch Mỹ nên khi đến phiên mình thì nhân viên chỉ hỏi qua loa vài câu rồi cho mình đi. Có lẽ vì mình khai là nhà truyền giáo nên họ cũng dễ dãi hơn. Đang khi chờ kiểm tra hành lý thì mình có giờ để mở cái vali to ra tìm một chiếc áo jacket để mặc. Những người khác thông mình hơn mình đã chuẩn bị áo lạnh sẵn trên máy bay và khi xuống tới nơi là đem ra mặc liền. Nhưng mình đã không nghĩ trước nên phải lục vali. Cũng may là trong vali có áo ấm, và cũng không khó kiếm nên có để mặc.



California có khi hậu tương đối ôn hòa nên mùa đông ở đây không rét buốt như những nơi khác trên nước Mỹ, nhưng so với khí hậu tại Thái Lan thì ở đây lạnh hơn nhiều. Tuy nhiên về đến nhà thì cái lạnh không là vấn đề vì mẹ mình đã chuẩn bị một món ăn bảp đảm có thể mang lại ấm cúng cho bất cứ ai, đó là món bún bò Huế. Mẹ dọn tô bún bò ra với mùi thơm thật đậm đà trong một cái tô cở "khủng". Mình ăn mãi không hết, cuối cùng phải chịu thua. Mẹ nói cố gắng ăn xác cũng được nếu ăn không hết.

Ăn xong mình dọn áo quần ra khỏi vali, bỏ đồ bẫn vào máy để giặt. Mình không nói chuyện với bố mẹ nhiều vì lúc ấy đã hơn 10h tối. Bố mẹ lớn tuổi giờ đó bình thường đã đi nghỉ rồi. Kỳ nghỉ này mình sẽ được ở nhà khá dài ngày nên sẽ có nhiều thời giờ để tâm sự. Còn bây giờ mình chỉ muốn thưởng thức cái cảm giác ờ trong nhà của bố mẹ, một cảm giác giản dị, ấm cúng. Về đây mình trở lại thành con của bố mẹ, em út trong gia đình. Mặc dầu giờ đây các anh chị đã có gia đình riêng và không còn ai ở đây nữa. Nhưng sẽ có những ngày cuối tuần mà mọi người sẽ tụ họp, đặc biệt trong dịp Tết sắp đến. Và lúc đó gia đình sẽ đông đủ, và mình chỉ sẽ là một thành viên trong gia đình, không phải là một cha xứ, không phải là một nhà truyền giáo... Cái phúc được làm con, làm em trong một gia đình đầy đủ là một ân huệ lớn mà mình sẽ được cảm nhận trong kỳ nghỉ này.

Costa Mesa, CA ngày 12.1.2013

Hướng về phía trước


Đã hơn một tuần từ ngày  mình rời Nong Bua Lamphu, đi Bangkok rồi đi Việt Nam vài ngày, bây giờ trở lại Bangkok để đi Mỹ thăm gia đình trước khi trở lại Thái Lan với trách nhiệm mới. Trong dịp đi Việt Nam vừa qua, mình đã đi đến bệnh viện Hoàn Mỹ trên đường Phan Xích Long để chụp hình MRI sống cổ của mình. Sau khi nhận được kết quả thì biết rằng mình có bệnh mà rất nhiều người thời buổi này mắc phải đó là bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, bác sĩ nói sự bất thường trong sống cổ của mình chưa đến nỗi nhiều. Trên hình thì cho thấy thế nhưng trên thực tế mình phải đương đầu với cảm giác khó chịu nơi cổ và nơi vài dường như không ngừng. Khi nhiều khi ít, nhưng luôn có cảm giác cứng cổ, nhức mỏi ở vùng cổ và vai. Đặc biệt mỗi lần nuốt nước bọt thì phải cố gắng mới nuốt được, và luôn có tiếng kêu ực ực phát ra từ chỗ có vấn đề. Căn bệnh của mình bắt đầu từ hơn 7 năm trước. Nhưng lúc đó chỉ là vùng cổ, nhưng bây giờ đã lan ra ở các vùng vai và có thể nơi khác nữa. Trước đây mỗi lần nhức mỏi nơi vùng cổ, nằm xuống thì thấy bớt, nhưng bây giờ nằm cũng đau. Nếu cái nệm hoặc cái gối không tốt lại càng thêm đau.

Mình đang tập cách sống với cảm giác khó chịu trong người, tuy nhiên cũng tìm cách này cách kia để làm cho mình giảm đau, ví dụ như làm những động tác yoga để giúp cho vùng cổ và vai giãn ra nhiều lần trong một ngày, đặc biệt là buối sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Thỉnh thoảng mình bôi dầu nóng lên cổ và vai, hoặc gián cao, nhưng mình cố gắng không xử dụng thuốc giảm đau nếu thực sự không cần thiết. Vì ở Thái Lan là đất nước có nghệ thuật mat-xa nổi tiếng nên thỉnh thoảng mình cũng đi mat-xa truyền thống, và dĩ nhiên cảm giác khi được mát-xa rất thoải mái, nhưng sau đó thì triệu chứng đau không thuyên giảm và trở lại như cũ.

Mình đang có dự đinh khi về Mỹ sẽ nhờ một người bạn là bác sĩ xem lại những tấm hình MRI và đưa ra lời khuyên cho việc điều trị lâu dài khi trở lại Thái Lan. Trong kế hoạch của mình có hai loại điều trị song song với nhau, đó là vừa nhờ đến physical therapy và châm cứu. Ở Bangkok thì cả hai cách điều trị này đều tìm được, nhưng trước đây ở NBL thì không. Chính vì thế mà thời gian qua, mặc dầu đã có nhiều lần muốn điều trị nhưng điều kiện không cho phép. Năm này, mình chuyển về BKK, hy vọng rằng điều kiện để điều trị sẽ tốt hơn và sau khi trải qua điều trị thì những triệu chứng đau nhức sẽ giảm đi ít nhiều.

Mình cảm thấy phấn khởi khi sắp được chuyển về BKK để học. Đây không phải chỉ là dịp cho mình được điều trị sức khỏe, trở lại thói quen tập thể dục như trước đây, mà còn là dịp cho mình thay đổi không khí, thay đổi công việc mục vụ, cũng như phát triển bản thân trên con đường truyền giáo để phục vụ giáo hội và hội dòng. Mình nghĩ đây là ý Chúa và đây là đúng lúc mình rẽ sang một con đường khác để làm những điều tốt cho bản thân và hội dòng.

Chuyển qua lối khác, mình để lại những công việc mà mình đã bắt đầu trong tay của những người khác với niềm tin là họ sẽ tiếp tục nó một cách tốt đẹp theo cách riêng của họ. Mình không đòi hỏi họ làm y như mình, chỉ mong rằng họ hiểu được và cố gắng duy trì tinh thần mà những sinh hoạt mục vụ được dựa trên và tiếp tục phát triển nó.
Trong ngày chia tay cộng đoàn, mình đã rất dũng cảm. Mình đứng lên phát biểu khá dài. Và nói những điều mà trong long mình muốn nói. Mình nói rất tỉnh táo và rõ ràng. Mình cám ơn những người đã giúp mình trong công việc. Mình chỉ ra những công sức thực sự mà những người trong cộng đoàn đã đóng góp. Và mình gởi gắm giáo xứ vào tay họ vì chỉ có họ mới thực sự làm cho cộng đoàn tiếp tục phát triển và sống động. Còn các nhà truyền giáo thì đến rồi lại đi, có người đến ở lâu, nhưng cũng lắm người chỉ dừng lại một thời gian ngắn.

Mình đang nói thật tốt và mình nghĩ thầm trong lòng là mình sẽ vượt qua cái phần này một cách trôi chảy không có sự cố. Nhưng rồi mình biết rằng nếu mình chỉ cảm ơn và gởi gắm thì không cách nào mình nói được hết những tâm tư của mình. Sẽ rất thiếu đầy đủ nếu mình không có những lời xin lỗi đối với những thiếu xót trong trách nhiệm mà mình đã lãnh nhận. Vì thế mình đã phải nói lời xin lỗi với cộng đoàn, và đó chính là lúc mà mình nghẹn ngào không thể nói nên lời. Rồi như thế nước mắt cứ chảy xuống thành dòng, không thể nào ngăn cản được. Mình phải gằng hết mình để nói được những câu xin lỗi để cho những lời nói tạm biệt cộng đoàn được trọn vẹn.

Và như thế mình bình an ra đi, ra đi sau khi đã làm những gì có thể, ra đi sau khi đã cố gắng, đã cảm ơn, đã nêu lên công sức của những người giáo dân trong cộng đoàn, sau khi đã gởi gắm mọi sự vào tay của họ, và sau khi đã xin lỗi vì đã không làm tốt tất cả những gì cần phải làm. Giờ đây mình tiếp tục cuộc hành trình của mình, nhìn về những gì đang chờ đợi mình phía trước. Mình phải lên một kế hoạch mới, sẽ có những trãi nghiệm mới, gặp gỡ những con người mới, và đương đầu với những thách đố mới. Đời sống của một nhà truyền giáo thực sự phiêu lưu và thú vị.

Bangkok, ngày 9.1.2013

Thanh thản

Thế là mình đã thực sự xong nhiệm kỳ tại nhà thờ thánh Micae, NBL. Sau thánh lễ Chúa Nhật tuần qua, mình đã chia tay giáo dân, và sau giây phút giao thừa Tết tây, mình đã lên xe đi  Bangkok với tẩt cả "gia tài" của mình chất trên môt chiếc xe pick-up của hai vợ chồng anh Addy và chị Fon. Hai anh chi cùng với Cô Mèm và Thắng đã tình nguyện tiễn mình đến Bangkok thay vì để cho mình đi xe đò xuống. Quyết định của họ cũng rất sáng suốt vì chiếc xe pick-up đã chứa được tất cả các đồ đạc của mình, không phải chuyển xuống sau qua dịch vụ chuyên chở. Bản thân họ cũng cảm thấy an tâm khi thể hiện cử chỉ quan tâm lớn đối với mình khi mình rời khỏi giáo xứ.

Giờ đây mình đang ở Bangkok, đang chuẩn bị cho chuyến đi về Mỹ để thăm gia đình trước khi trở lại Thái Lan để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời truyền giáo. Có thể nói đây là những ngày rất thanh thản vì mình không còn vướng bận bất cứ một công việc gì liên quan đến trach nhiệm cũ. Những gì mình cần giàn xếp thì đã giàn xếp. Những ai cần chia tay thì đã chia tay. Những gì muốn chia sẻ thì đã chia sẻ. Giờ đây mình thoải mái để ban giao lại cho người khác, những anh em kế tiếp mình, những người nhân viên mà mình đã huấn luyện, những người giáo dân mà mình đã hướng dẫn trong thời gian qua. Và trên hết, mình đặt mọi sự trong bàn tay của Chúa, xin Ngài tiếp tục soi sáng và phù trợ cho cộng đoàn nhỏ bé tại nơi này. 

Đã rất lâu rồi mình mới có cảm giác như bây giờ, đó là không có điều gì phải bận tâm suy nghĩ trong lúc này. Thậm chí một bài giảng lễ cũng không phải nghĩ đến. Giờ đây mình chỉ phải chuẩn bị về nhà, gặp lại những người thân yêu, có những ngày nghỉ ngơi bên cạnh người thân. Cái cảm giác kết thúc một chặng đường và sẵn sàng đi vào một hướng mới thật tuyệt vời, đặc biệt là vì trước đó mình đã làm hết mình. Dĩ nhiên không phải là hoàn hảo, nhưng cũng không ai đòi hỏi điều đó. Họ cần sự nhiệt tình dấn thân, và mình dám khẳng định rằng mình đã làm điều này. Và mình tin rằng giáo dân đã nhận ra điều ấy nơi mình. Chính vì thế mà mình cảm thấy rất bình an khi rời khỏi giáo xứ. Đây là cảm giác mà mình sẽ cố gắng tận hưởng trước khi những trách nhiệm và lo toan lại đến với mình thêm lần nữa.

Bangkok, ngày 3.1.2013