Kỷ niệm 4 năm trong đời sống linh mục


Thế mà cũng đã bốn năm rồi từ ngày mình lãnh nhận bí tích truyền chức thánh để trở nên linh mục của Chúa. Chiều nay mình dâng lễ tạ ơn Chúa trong ngôi nhà thờ nhỏ bé của mình. Thực ra nó cũng chỉ là thánh lễ chiều mà mình vẫn dâng mỗi ngày, chỉ có hôm nay có một chút khác biệt nhân dịp mình kỷ niệm 4 năm trong đời sống linh mục.

Tối nay một số bạn trẻ đến giáo xứ để chúc mừng và nấu ăn để chia vui. Quảng thời gian 4 năm cũng chẳng là bao nên không có lý do gì để cho mình phải làm to tất. Mình vẫn thích âm thầm như thế, và đơn sơ như thế. Có lẽ sau này nếu Chúa cho mình làm linh mục một thời gian đáng kể thì mình sẽ có cái gì đó hoành tráng hơn. Bây giờ chỉ cần lời cầu nguyện cho mình thêm nghị lực để làm việc là vừa.

Bây giờ đã khuya, mình buồn ngủ. Các bạn trẻ ăn xong, ngồi nói chuyện một lúc trước nhà, nhưng bây giờ cũng đã về. Mình cảm ơn Chúa đã cho mình bốn năm bình yên trong đời sống linh mục. Giờ đây mình lên giường ngủ với lòng đầy tạ ơn và bình yên trong ơn gọi thánh hiến của mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.5.2010

Mùa mưa đã trở về


Hai ba ngày qua những cơn mưa đã trở lại vùng đất khô cằn này. Những đồng ruộng cách đây vài tuần nhìn khô khan, cây cối héo úa bây giờ như đã có sức sống trở lại chỉ sau vài trận mưa tuy không dài nhưng rất mạnh. Dãy núi chạy ngang qua tỉnh Nong Bua Lamphu bây giờ không phải là một màu vàng héo úa mà là màu xanh đậm của những lá cây vừa mới mọc lên.

Mưa đến cũng làm cho không khí dễ chịu hơn, cho dù chỉ trong vài chục phút hoặc vài giờ đồng hồ. Ở đây thì tình hình oi bức là chuyện thường ngày. Mà nếu không oi bức thì những cơn mưa cũng không chịu đến.

Mùa mưa trở lại thì có những thứ linh tinh phải đế ý nhiều hơn. Ví dụ như khi mưa mà phơi áo quần sau nhà thì rách việc. Hoặc cái bộ ghế salon mà các seour dòng Mẹ Têrêxa hết sài cho lại nhà xứ, bỏ trước hiên mỗi khi mưa đến thì mấy cái nệm cũng ướt nhèm nếu không kịp dọn vào. Nhưng những cái bất tiện này thì là chuyện nhỏ nếu so với lợi ích của người dân làng cần có giọt nước để làm mùa màng. Năm này mùa mưa đến chậm hẳn nên việc trồng trọt dường như cũng bị định chỉ.

Thực ra mình cũng rất thích mùa mưa. Thích được nhìn thấy những đồng ruộng xanh tốt trong mùa trồng lúa. Thích nhìn thấy có những dòng nước chảy dưới con suối chạy xung quanh nhà thờ. Thích nghe tiếng ếch nhái kêu sau mỗi trận mưa dài. Thích cái cảnh gió thổi ào ạt khi trời bắt đầu chuyển mưa và sau đó không gian trở nên một màu xám vì cơn mưa quá lớn. Tạ ơn Chúa vì cuối cùng, mùa mưa cũng đã trở lại với tỉnh NBL.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.5.2010

Hai thằng quỷ sứ



Có khi người ta nghe tới những đứa trẻ bị nhiễm HIV thì họ cảm thấy thương hại và tội nghiệp cho chúng. Ai cũng muốn giúp đỡ cho những trẻ em vô tội mà phải chịu một căn bệnh vô phương trị như thế. Khi nói tới những trẻ em trong các TT mồ côi cũng thế. Ai cũng hình dung những đứa bé tội nghiệp và đáng thương.

Nhưng không phải đứa nào cũng thế. Trường hợp hai thằng Boy và Arm trong TT của thầy Damien là một điển hình. Hai đứa này năm nay 15 và 16 tuổi. Cả hai đều bị nhiễm HIV từ khi mới sinh. Cả hai đều đã từng ở những TT khác. Nay thầy Damien đem về TT dành cho các bạn trẻ bị nhiễm HIV ở và giáo dục. Thầy Damien xây dựng một TT thật đẹp và khang trang. Có nhiều cái bọn nó có trong TT còn hơn cả mình có trong nhà xứ nữa. Ví dụ mình mới gần đây mới có cái máy làm cho nước lạnh để uống. Thế mà bọn nó đã có từ lúc mới xây TT. Thầy Damien còn sắm cho bọn nó một cái TV màn hình phẳng. Còn mình thì có một cái TV cũ rích.

Nói vậy thôi chứ không phải mình so đo với mấy tụi nó. Mình cũng chẳng mấy khi xem TV mà so bì làm gì. Cái mình muốn nói là tụi nó được thầy Damien chăm sóc khá chu đáo, từ chỗ ăn chỗ ở. Đứa nào cũng được đi học. Việc làm của tụi nó cũng chẳng nhọc nhằn gì. Giúp làm vườn tược đôi chút, tưới cây, quét nhà, cho mấy con bò ăn cỏ. Thế mà tụi nó cũng làm không xong.

Hai thằng Boy và Arm là hai đứa phá nhất nhà. Tụi nó giống nhau từ cái tướng đi "cà chớn" mà mình nói hoài cũng chẳng thèm thay đổi. Từ ngày hai đứa gặp nhau ở TT thì đã kết thành một đôi bạn vì cả hai đều có cái cá tính láu cá như nhau. Người lớn khuyên lơn bao nhiêu cũng chẳng thèm nghe. Thằng Arm năm nay 15 tuổi ra mà vẫn còn đọc không ra chữ.

Tuần trước tụi nó rũ nhau trốn đi bụi hơn cả tuần. Đây chẳng phải là lần đầu tiên. Lần trước đi bụi, sau này xin về lại, thầy Damien cũng cho trở về. Lần này tụi nó đi bụi, ăn cắp vặt bị cảnh sát bắt. Nhưng sau đó cảnh sát cũng thả đi. Tụi nó không chịu về nhà. Đêm khuya thằng Arm trốn vào để....lấy đồ đi tiếp và xin đồ ăn. Nhân viên TT không cho nó ăn. Hỏi nó có còn muốn ở đây nữa không? Nó nói không. Thế là TT cho nó ký giấy tờ xác định là nó không muốn ở đây nữa. Hai tụi nó đi bụi tiếp. Nhưng bây giờ nó mệt rồi, không còn chỗ để đi. Không có tiền bạc, thuốc men cũng không uống. Tụi nó cứ về lẩn quẩn trước nhà thờ để cho nhân viên TT cảm thấy thương hại mà cho nó ăn.

Thầy Bernd ghét tụi nó vì tụi nó chẳng biết phép lịch sự. Nó có ý định muốn xin trở lại TT, mà khi gặp thầy Bernd chẳng thèm chào. Thầy hỏi cũng chẳng màng trả lời. Thầy phát ghét bảo tụi nó cút. Tối hôm qua tụi nó ngủ ở xưởng gỗ đối diện với nhà thờ. Nó không dám trở về TT dành cho tụi nó cách nhà thờ khoảng 4 km vì ở đó không nhận tụi nó nữa.

Sáng nay hai đứa ngồi ở cổng nhà thờ để chờ thầy Damien đi Bangkok về để xin trở lại. Nhưng thầy Damien không đến. Tụi nó lẩn quẩn trong khuôn viên nhà thờ cho đến trưa. Buổi sáng mình ra nói chuyện với tụi nó, nhìn tụi nó đứa nào cũng xa sút vì thiếu ăn và thuốc uống. Mình hỏi chuyện tụi nó nhưng tụi nó chẳng buồn lòng trả lời những cầu hỏi của mình. Tụi nó chỉ nói năm ba chữ mỗi khi mình hỏi đi hỏi lại điều gì đó.


Thầy Bernd cũng có ra gặp tụi nó, nhưng thấy tụi nó chẳng tỏ ra ân hận hay muốn thay đổi. Thầy Bernd liền bảo tụi nó cút.

Tối này khi ăn tối hỏi thầy Bernd về hai đứa. Thầy Bernd nói không biết. Nhưng có lẽ cũng đâu đó, vì bây giờ tụi nó chẳng còn nơi nào để đi nữa. Thầy Bernd đóan là chắc trước sau gì cũng nhận tụi nó lại vì không còn nơi nào chịu nhận tụi nó. Nhưng nhận lại rồi thì không biết sẽ làm gì. Chẳng lẽ để cho tụi nó biến TT thành một cái khách sạn, thích đi thì đi, thích về thì về?


Suy đi nghĩ lại thì khi đã vào tuổi teen thì nuôi nấng và dạy dỗ rất khó khăn. Đã khó khăn cho dù đó là một người trẻ bình thường. Còn khó khăn hơn nữa khi người trẻ đó bị nhiễm HIV, và cần phải ý thức được rằng căn bệnh của mình sẽ làm cho mình phải hạn chề nhiều điều. Mình không thể làm những gì mà đồng lứa làm được. Làm thế nào để cho tụi nó hiểu và chấp nhận? Đó là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.5.2010

Ngày mai bắt đầu xây "sala"


Tối nay mình, thầy Bernd và hai bạn trẻ Việt Nam tiển bà Renee ra ga xe lửa ở Udon Thani. Bà Renee đã rời NBL sau 6 tuần làm tình nguyện viên tại nhà thờ. Sáu tuần qua bà đã làm khá nhiều việc và đã giúp cho mình có con đường mới trong việc phổ biến mục vụ qua mạng. Bà cũng giúp cho thầy Bernd về kỹ thuật chụp cũng như chỉnh sửa hình.

Tối nay tiễn bà ra ga xe lửa, mặc dầu cũng tiếc là sẽ không còn bà để giúp vào những việc của nhà thờ. Nhưng ngược lại cũng thấy phần nào nhẹ nhỏm trong người vì 6 tuần qua, mình đã phải bỏ khá nhiều thời giờ để "phục vụ" bà vì bà là người Mỹ, không nói được tiếng Thái. Bà đi đâu cũng cần có người đưa đi. Vì thế nên để có bà làm tình nguyện viên ở nhà thờ thì phải mất khá nhiều thời giờ và tiền. Tuy nhiên, ngược lại thì bà cũng cống hiến cho nhà thờ được những việc rất bổ ích.

Bà Renee là tình nguyện viên đầu tiên của mình. Việc tiếp nhận tình nguyện viên là điều mình đã từng muốn làm. Tuy nhiên, vì điều kiện nhà xứ không có nơi nghỉ nên việc tiếp nhận tình nguyện viên cũng có một số cản trở.

Ngày mai mình sẽ có thợ đến xây một cái "sala" để có nơi sinh hoạt nhóm và dạy giáo lý. Sala không lớn, bề ngang chỉ 5 mét và 6 cạnh. Sala sẽ xây trên bờ của con suối chạy phía sau nhà thờ. Mặc dầu rất cần có nơi để sinh hoạt và dạy các em vì nhà thờ không có phòng học, nhưng chí phí cho việc xây sala cũng lên đến 100,000 baht (hơn 3,000 USD). Đây là số tiền nhiều hơn mình dự định, và cũng nhiều hơn số tiền có được bây giờ. Mình chỉ có được 2/3 số tiền cần có. Tuy vậy, mình vẫn tiến hành với công việc với niềm hy vọng rằng trong thờ gian tới đây sẽ tìm được ân nhân để giúp đỡ với số tiền đang thiếu.

Đây là "công trình" xây dựng đầu tiên của mình từ khi đến đây. Mình đi Việt Nam thấy các cha tìm đâu ra tiền mà có thể xây nguyên cái nhà thờ, hoặc là tháp chuông, tượng đài. Mình chỉ cần vài ngìn USD mà sao cũng thấy vất vả quá. Có lẽ mình không mấy giỏi trong vấn đề quyên góp. Thật may là nhà thờ của mình đang trong tình trạng tốt và không cần phải xây lại.

Nong Bua Lamphu, ngày 16.5.2010

Bangkok hỗn lọan


Tuần qua mình ở Bangkok và đã chứng kiến tận mắt tình trạng hổn loạn đang xảy ra trong khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt xung quanh công viên Lumpini là công viên lớn nhất thành phố Bangkok.

Mình đến Bangkok từ chiều Chúa Nhật do mình được nhờ đi làm lễ cưới cho hai đôi người Việt, một đôi vào Chúa Nhật một đôi vào chiều thứ sáu. Và trong những ngày giữa đó thì mình đã làm những việc khác như gặp người quen, liên lạc với một số người để giúp mình trong công tác mục vụ, và những việc linh tinh khác mà mình có thể làm được trong thời gian lưu lại Bangkok.

Nói chung sáu ngày qua mình đã làm được rất nhiều việc bổ ích và đã tận dụng thời gian mình có, mặc dầu việc đi lại nhiều khi đã bị ảnh hưởng do tình hình bất ổn đang xảy ra tại Bangkok. Đêm đầu tiên ở đây mình nghỉ tại nhà khách Tin Lành Bangkok và đã chứng kiến tòa nhà đậu xe đối diện với khách sạn bây giờ không còn dùng cho việc gởi xe nữa mà là nơi ăn ngủ của binh linh đến thành phố Bangkok để canh gác các đường phố.

Tối thứ 5 khi mình và một người bạn ngồi taxi để đi ăn tối, vừa đi qua ngã tư đường Withayu thì chứng kiến sự hổn loạn đang xảy ra mặc dầu mình không biết thực hư của sự việc như thế nào. Sau đó thì Phong, một bạn trẻ Việt Nam gọi tới báo cho mình biết là trong khu vực đó có sự cố bắn nhau và đã có người bị thiệt mạng. Tối về phòng nghỉ xem tin tức thì mới biết một trong những người bị trúng đạn là ông Se Deng, một trong những lãnh đạo của phe áo đỏ.

Hôm qua mình phải đi Minhburi vào giờ trưa để làm lễ cưới. Minburi là một quận nằm ven thành phố. Nhưng để thoát ra khỏi khu vực đường Sathorn đã mất hết một khoảng thời gian rất lâu vì những còn đường chính như Sathorn và Praram 4 đã bị đóng. Bao nhiêu xe cộ lủi vào những con đường hẻm chật nít, và cuối cùng thì chẳng có ai được đi đâu cả. May là tài xế taxi kiếm được một con hẻm nhỏ không có nhiều xe để cho mình trốn thoát cải cảnh xếp hàng dài giẳng mà chỉ có nhúc nhít đôi chút.

Hơn hai giờ đồng hồ sau mình cũng đã đến Minburi để kịp làm đám cưới cho hai bạn trẻ từ Việt Nam đang lao động tại Thái Lan. Tình trạng của đôi vợ chồng trẻ cưới nhau vào ngày Chúa Nhật cũng thế. Mặc dầu đang lao động cực nhọc và bất hợp pháp tại Bangkok, nhưng trong hoàn cảnh nào thì người ta cũng có thể yêu đương và việc hiển nhiên là lấy nhau làm vợ làm chồng. Tiệc cưới của họ cũng rất giản dị. Một cặp thì tổ chức tại một quán nhậu/karaoke, nơi mà họ là nhân viên phục vụ. Cặp thứ hai thì tổ chức tại một nhà hàng tương đối sang trọng hơn, nhưng không phải là bao nguyên nhà hàng mà chỉ đặt bàn ở ngoài sân ờ bờ hồ khá đẹp và lãng mạn. Trong nhà hàng này cũng có một bạn trẻ đang làm việc trong bãi đậu xe.

Lễ cưới không được long trọng nhưng cũng có những nét hay. Có lẽ chỉ ở Thái Lan các bạn trẻ mới có thể có một đám cưới mà "ca đoàn" hát chính là các seour dòng Mân Côi và các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đang tu học tại Bangkok. Rồi cũng có những người bạn mặc dầu bận rộn mưu sinh nhưng cũng hy sinh thời giờ để đến tham dự lễ cưới và tiệc mừng.

Thành phố Bangkok những ngày nay thật kỳ lạ. Có những nơi thì đời sống người ta vẫn tiếp diễn không mấy thay đổi. Người ta vẫn đi lại, vẫn làm việc, vẫn đi chơi. Nhưng cũng có nhiều nơi mà sự hiện diện của binh lính và cảnh sát làm cho không khí ở đó rất căng thẳng. Quả thật mình không ngờ công viên cây xanh thật đẹp và thơ mộng ở trung tâm thành phố, nơi mình đã từng đi chạy bộ và đi dạo bây giờ trở nên như một chiến trường, nơi đã xảy ra những vụ bắn nhau đến chết người.

Mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đã trở lại NBL. Dù sao đi nữa thì ở đây vẫn an toàn, không bận tâm khi phải đi lại. Leo lên xe không cần phải cân nhắc nên đi đường nào và tránh đường nào. Đó là ưu điểm của việc sống và làm việc ở một nơi đơn sơ nhỏ bé mà không có nhiều người biết hoặc quan tâm đến.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.5.2010