Cha Kang In-Gun, SJ - Tri thức Hàn Quốc tại Campuchia



Trong chuyến đi này mình được gặp gỡ và chia sẻ với cha Kang In-Gun một vị linh mục dòng tên người Hàn Quốc. Mình được biết ngài qua sự giới thiệu củ cha Vincent. Khi cha Vincent biết mình làm luận án tiến sĩ về Phật giáo ngài đã giới thiệu cho mình biết cha In-Gun vì ngài cũng đã thực hiện công trình luận án liên quan đến tư tưởng của một vị sư nổi tiếng người Thái đó là sư Buddhadasa.

Mình đến gặp cha In-Gun tại cộng đoàn chính của dòng Tên ở Phnom Penh. Ngài đón tiếp mình rất nồng hậu. Ngày đã kể cho mình nghe veề những công việc truyền giáo và xã hội của Dòng Tên tại Campuchia cũng như dẫn mình sang trung tâm điều hành bên cạnh để giới thiệu về công việc.

Tại Campuchia Dòng Tên có một quán cà phê có tên là Peace Café (Quán Cà Phê Hòa Bình). Quán cà phê ngoài việc bán thức uống mà người ta thường tìm thấy trong bất cứ quán cà phê nào còn bày bán những sản phẩm như tranh ảnh, đồ thủ công, đồ thêu v.v. do những người khuyết tật trong trung tâm của dòng làm ra. Khách đến uống cà phê có thể mua về những thứ đồ này để ủng hộ cho công việc xã hội của dòng.

Qua những gì cha In-Gun chia sẻ về công việc của Dòng Tên tại Campuchia, mình thấy rằng sự cống hiến của Dòng đối với Giáo hội Công giáo tại đất nước này nói riêng và cả đất nước Campuchia nói chung là một điều thật quý giá. Ở Campuchia không có nhiều dòng tu, nhưng dòng Tên là một trong những hội dòng truyền giáo được đón nhận và có uy tín tại đất nước này.

Bản thân cha In-Gun cũng là một người rất ấn tượng. Ngoài việc giữ trách nhiệm giáo dục và đào tạo trong hội dòng, ngài còn làm mục vụ cho cộng đoàn Hàn Quốc sinh sống tại Campuchia. Ngài giảng dạy các môn triết học ở ĐCV cũng như ở trường đại học hoàng gia của chính phủ. Hiện nay ngài đang thực hiện việc dịch thuật từ điển triết từ tiếng Anh sang tiếng Miên để phục vụ cho việc học tập môn này. Và sắp tới ngài sẽ qua Thái Lan để tham dự chương trình hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Á Châu về Đối thoại liên tôn.

Cha In-Gun đã tặng cho mình cuốn sách luận án tiến sĩ của ngài để làm kỷ niệm trong lần gặp gỡ này. Chắc chắn trong tương lai mình sẽ còn đượ gặp ngài nữa và cả hai người đều hy vọng rằng sẽ có cơ hội để hợp tác trong công việc liên quan đến chuyên môn của mình.

Siem Reap, ngày 5.11.2015

Giáo dân Việt tại Campuchia cầu cho các linh hồn







Tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn. Ở Campuchia giáo dân Việt Nam cũng không quên tổ chức những Thánh lễ và giờ cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt là những người thân trong gia đình đã mất. Phía sau nhà thờ thánh Phanxicô Xavier có một nghĩa trang nhỏ. Vì đất không có nên nghĩa trang nằm sát nhà thờ và nhà giáo dân. Hiệnnay khu nghĩa trang đó cũng đã không còn chỗ trống nữa nên cha xứ đã mua thêmmột miếng đất khác để có nơi chôn cất những người mới qua đời.

Vào ngày lễ nhớ đến các linh hồn (ngày 2 tháng 11), mình đã đến dâng lễ cho một cộng đoàn nhỏ bé ở Km 9. Ở đó họ không có nhà thờ mà chỉ có một nhà nguyện nhỏ. Thi thoảng có linh mục đến dâng lễ ở nhà nguyện này. Bình thường thì giáo dân ở đây đi lễ ở nhà thờ chợ Nhỏ cách đó vài cây số.

Khi biết có linh mục Việt Nam đến Phnom Penh thì ông trùm của giáo họ đã xin mình đến dâng lễ tiếng Việt cho giáo dân ở đó. Vì mình biết vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc tổ chức lễ tiếng Việt trong Giáo hội Campuchia nên mình bảo ông phải liên lạc và xin phép cha xứ, là một vị thừa sai người Thái Lan. Sau khi đã nhận được xự đồng ý của cha xứ mình mới đến dâng lễ.

Thánh lễ ở trên tầng hai của một căn nhà phố rộng khoảng 5 mét và dài khoảng 15 mét. Nhà nguyện đơn sơ, chỉ có một ít tượng ảnh và bàn thờ để dâng lễ. Trước lễ mình tập hát cho cộng đoàn những Thánh ca bằng tiếng Việt và ôn lại một số bài hát thường dùng trong Thánh lễ. Đa số vẫn còn nhớ những câu đáp trong Thánh lễ cũng như những bài hát quen thuộc, đặc biệt là những người lớn tuổi. Họ cũng thuộc lòng các kinh tiếng Việt. Chỉ riêng kinh Vực Sâu mà giáo dân Việt Nam hay đọc để cầu cho linh hồn đã qua đời thì không ai biết. Có lẽ kinh này được phổ biến ở Việt Nam sau khi họ đã di cư nên không quen thuộc.

Nhìn cũng sẽ biết được không sớm thì muộn những Thánh lễ và giờ đọc kinh bằng tiếng Việt cũng sẽ dần dần vắng đi trong đời sống của giáo dân gốc Việt tại Campuchia và thay vào đó là những nghi thức hoàn toàn bằng tiếng Miên. Vài chục năm hoặc vài trăm năm nữa, những người Campuchia gốc Việt cũng sẽ như những người Thái gốc Việt nói rằng, lúc còn nhỏ có nghe ông ba đọc kinh bằng tiếng Việt nhưng bây giờ họ không nhớ nữa. Họ chỉ nhớ được vài câu. Mặc dầu biết rằng đây cũng là diễn tiến bình thường đối với người di cư đến sống trong một đất nước và xã hội khác, nhưng cũng có một chút chạnh lòng khi phải chấp nhận sự mất mát về ngôn ngữ và văn hóa mà cha ông đã truyền lại. Dù sao thì chỉ mong rằng cho dù có mất đi những thứ đó thì thế hệ người Việt tại Campuchia sau này sẽ không bao giờ đánh mất đức tin và lòng đạo đức vốn là tính chất của người Công giáo Việt Nam cho dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Siem Reap, ngày 5.11.2015

Hồng ân từ tượng thánh Phanxicô Xavier được vớt lên từ nước sông Mekong











Có một giáo xứ Công giáo ở ngoại thành Phnom Penh có tên là giáo xứ Phanxicô Xavier (ở Chumpa). Người dân ở đây sống cạnh sông Mekong. Đa số người dân đã lên bờ xây nhà ở, nhưng một số vẫn còn ở dưới bè hoặc chiếc ghe để sinh sống bằng nghề nuôi cá.

Một giáo dân của xứ này kể cho mình nghe rằng, trước đây khu vực này chỉ có năm bảy gia đình là người Công giáo. Một ngày nọ có một người Campuchia là người Phật giáo vớt dưới sông lên một bức tượng gỗ. Ông ta đóan rằng đây là tượng linh thiêng nên ông đem về thờ nơi nhà ông. Khi người Công giáo Việt Nam ở đó nhìn thấy bức tượng thì nhận ra đó là một vị thánh Công giáo. Mà hóa ra đó là thánh Phanxicô Xavier. Họ xin chủ nhân bức tượng cho họ đưa về. Mới đầu người tìm ra tượng không đồng ý, nhưng cuối cùng ông cũng đã chấp nhận bán lại bức tượng.

Sau khi bức tượng thánh Phanxicô Xavier hiện diện ở Chumpa, người Công giáo nghe tin và đưa nhau về sinh sống ở đây ngày càng đông hơn. Thầy Bun Ly là người con của giáo xứ kể rằng có một seour đã khuyên họ hãy khấn thánh Phanxicô Xaiver cho đất khỏi bị lở để có thể xây nhà. Sau khi tín hữu tổ chức rước kiệu thánh nhân thì dường như đất phía bên này ngày càng bồi nhiều hơn trong khi phía bên kia sông lại vẫn bị lở. Thế là người ta bắt đầu xây nhà để sống ở đó. Và cuối cùng thì một ngôi nhà thờ với cái tên nhà thờ thánh Phanxicô Xavier cũng đã được xây cất.

Hiện nay giáo xứ có hơn 300 gia đình. Đời sống người dân rất khó khăn. Có những tháng trong năm mực nước sống dâng lên cao thì cả làng phải sống trong tình trạng bị nước ngập. Ai cũng phải cố gắng hết mình mới xây được một căn nhà để sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục sinh sống dưới sông vì không có điều kiện để lên bờ. Cũng có những người không muốn lên bờ vì công việc và thói quen sống dưới bè của mình.

Giáo xứ Phanxicô Xavier là 100 phần trăm Việt Nam. Nhưng cha xứ đương nhiệm là một nhà thừa sai người Thái Lan. Hiện nay 3 trong 9 thầy trong ĐCV là người con của giáo xứ này.

Siem Reap, ngày 4.11.2015

Nhóm tìm hiểu ơn gọi Thánh Micae tại Phnom Penh



Tại Campuchia có một nhóm dành cho các bạn nam có tên là Nhóm ơn gọi Thánh Micae. Thành viên của nhóm đến từ nhiều xứ khác nhau. Mục đích mà họ tham gia vào nhóm này là để tìm hiểu và duy trì ơn gọi đi tu để trở thành linh mục. Nơi sinh hoạt chính và cũng là điểm nội trú cho các bạn trẻ trong nhóm này là ở giáo xứ Bungtumpun. Vào ngày Chúa Nhật các bạn cũng chia ra đi đến các giáo xứ khác nhau để giúp cho các sinh hoạt giới trẻ.


Trong chuyến đi Campuchia lần này mình có dịp gặp gỡ và lắng nghe một vài bạn trong nhóm chia sẻ về sinh hoạt của nhóm. Hiện nay trong đại chủng viên cũng có một số các thầy đã từng xuất thân từ nhóm. Điều này cho thấy việc tổ chức và duy trì nhóm tìm hiểu ơn gọi nói trên là điều cần thiết để hỗ trợ và củng cố ơn gọi cho các bạn trẻ trong bối cảnh Giáo hội Campuchia còn rất non trẻ và đang thiếu những linh mục bản xứ.

Siem Reap, ngày 3.11.2015

Nỗi niềm của thế hệ người Công giáo Việt lớn tuổi tại Campuchia



Giáo hội Campuchia đa phần là người Việt Nam. Người Công giáo gốc Campuchia chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên do tình trạng người Việt Nam tại Campuchia bị phân biệt đối xử nên vấn nạn này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mối tương quan giữa người Công giáo gốc Việt và gốc Miên. Những nỗ lực để đưa hai bên xích lại gần nhau và thông cảm cho nhau không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như mong muốn.

Một điều đáng chú ý là các nhà truyền giáo và thừa sai nước ngoài không học tiếng Việt mà chỉ học tiếng Miên để làm việc mục vụ. Điều này cũng dễ hiểu vì các ngài đang làm việc trên đất nước Campuchia chứ không phải Việt Nam, nên việc phải biết tiếng Miên là điều chủ yếu.  Ngoài ra, các vị lãnh đạo giáo hội Campuchia đang chủ trương Khmer hóa giáo hội để Giáo hội Công giáo tại Campuchia không chỉ là giáo hội của người di dân Việt Nam mà sẽ trở thành giáo hội của Campuchia thực thụ.

Điều này không phải dễ dàng vì đa số giới trẻ Công giáo gốc Việt bị thất học nên việc nói và đọc tiếng Miên cũng chưa thông thạo. Một sơ thuộc dòng Thừa sai Thánh Mẫu chia sẻ với mình rằng lý do sơ chưa giỏi tiếng Miên là vì đi học rồi lại không có mấy cơ hội để sử dụng khi sợ phục vụ trong một cộng đoàn của người gốc Việt. Ngay cả với trẻ em khi sơ hỏi chuyện chúng bằng tiếng Miên thì nó lại trả lời bằng tiếng Việt (Điều này ngược lại với trẻ em Việt Nam ở Mỹ hay ở Úc thường cha mẹ hỏi bằng tiếng Việt thì chúng lại trả lời bằng tiếng Anh).

Bên cạnh đó, những người lớn tuổi thì lại càng không nói được tiếng Miên và nhiều người không cảm thấy sốt sắng khi tham dự Thánh lễ bằng tiếng Miên. Nhiều người lớn tuổi không thể xưng tội bằng tiếng Miên mà phải xưng tội bằng tiếng Việt, trong khi linh mục là người nước ngoài không hiểu được tiếng Việt.



Để cho Giáo hội Công giáo tại Campuchia được hội nhập văn hóa thực sự khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh, trong đó sự hy sinh lớn lao nhất sẽ đến từ lớp người Việt cao tuổi. Họ rất muốn duy trì những thánh lễ và những sinh hoạt tâm linh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Họ muốn sống đạo cách Việt Nam tại Campuchia. Nhưng nếu làm như vậy thì Giáo hội Công giáo sẽ khó có thể phát triển và đi sâu vào lòng dân tộc của người bản xứ. Vì thế tiến trình Khmer hóa giáo hội phải được thực hiện. Nhiều nơi bây giờ không còn lễ tiếng Việt nữa. Một số nơi làm lễ tiếng Miên xen kẻ với một ít tiếng Việt nếu vị linh mục chủ tế là người gốc Việt. Tuy nhiên, sẽ không có điều này khi vị linh mục là người Miên hoặc là người nước ngoài.

Những thay đổi nào cũng đòi hỏi phải có hy sinh và dường như sự hy sinh là món ăn hàng ngày của những bậc ông bà cha mẹ Việt Nam tại Campuchia không chỉ về xã hội và kinh tế, mà ngay cả trong đời sống tâm linh và đạo đức. Nghĩ đến bao nhiêu sự mất mát của họ mà không thể không cảm thấy thương tâm.

Siem Reap, ngày 4.11.2015

Cha Vincent

Mình gặp cha Vincent Senechal ở giáo xứ Bungtumpun thuộc Phnom Pênh. Ngài là một nhà thừa sai người Âu châu và cũng là một tiến sĩ Kinh Thánh.  Giáo xứ ngài coi sóc có cả người Việt lẫn người Campuchia. Trong Thánh lễ Chúa nhật còn thấy có một số tu sĩ  truyền giáo và một số người nước ngoài cũng đến tham dự. Trong số người nước ngoài đó có những tình nguyện viên cho các tổ chức Công giáo hoặc tổ chức phi chính phủ.

Vì số linh mục bản xứ còn quá ít ỏi nên Giáo hội Campuchia rất cần những nhà truyền giáo và nhà thừa sai nước ngoài đến để phục vụ. Ngay cả các giám mục ở đây cũng là người nước ngoài. Tuy nhiên mọi người đều phải học tiếng Miên để phục vụ cho giáo hội địa phương.

Trưa hôm đó cha Vincent mời mình và hai bạn trẻ đi cùng mình ăn trưa ở một nhà hàng buffet trong thành phố. Nhưng cha ăn ít tại vì mẹ của ngài nói là dạo này nhìn béo lên quá.  Mình thì cũng không ăn nhiều vì lúc đó đang bị cảm nên không có tinh thần ăn uống. Hai bạn trẻ đi cùng mình có lẽ ngại nên cũng không ăn nhiệt tình cho lắm. Nghĩ lại mà thấy hơi tiếc vì nhà hàng mà cha Vincent đưa tới là một nơi nhìn khá sang trọng. Biết vậy đi ăn nơi bình dân sẽ đỡ tiếc tiền hơn.

Siem Reap, ngày 4.11.2015

Những mảnh đời Việt Nam tại Campuchia

Cha Sok Na, một linh mục người Campuchia gốc Việt chỉ mới chịu chức 3 tháng, nhưng ngài hoạt động như một nhà chăn chiên kỳ cựu. Hiện nay ngài đang chăm sóc cho một giáo xứ nhỏ có tên là Kok Norea. Ở đây hầu hết các giáo dân là người gốc Việt. Họ sống trong môi trường và tình trạng rất khó khăn vì người Việt chưa được chấp nhận và đối xử công bằng tại Campuchia. Vì thế hầu hết các trẻ em trong làng đều không được đi học hoặc là đi học trể.

Trong Thánh lễ Chúa Nhật vừa qua, cha đã thông báo trong nhà thờ rằng sau khi ngài đi gặp gỡ và nói chuyện với hiệu trưởng của các trường học nhà nước thì cuối cùng cũng đã có một trường học sẵn sàng đón nhận con em Việt Nam đến học. Tuy nhiên trường học này hơi xa làng, các em còn nhỏ không thể đi bộ hoặc tự đạp xe đi học được. Vị hiệu trưởng cũng yêu cầu là nếu đến học thì phải học đều đặn, không được ngày đi ngày không.

Mặc dầu nơi học chưa được thuận tiện, nhưng việc họ cho các con em Việt Nam đến học cũng là một tin vui sau khi bị hiệu trưởng ở trường gần làng từ chối thẳng thừng. Cha Sok Na thông báo là chiều Chúa Nhật sẽ tổ chức cho các em đi thi để xếp lớp học ở trường. Mặc dầu việc đi học bằng phương tiện như thế nào chưa thể trả lời được, nhưng trước hết phải tranh thủ cho các em được ghi danh đi học để giúp cho các em có tương lai hơn. Hoàn cảnh nghèo nàn và trẻ em thất học là vấn nạn lớn của cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia. Đa số đang sống trong tình trạng không được chấp nhận ở đất nước sở tại, nhưng cũng không có điều kiện về kinh tế hoặc pháp lý để hồi hương về sinh sống tại Việt Nam. Nhiều gia đình đã qua Campuchia hơn 20 hoặc 30 năm, nhưng cuộc sống vất vả mà họ trốn tránh tại Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi họ trên xứ sở quê người.

Cha Sok Na là linh mục người Campuchia thứ 8 được chịu chức từ khi giáo hội Campuchia được tái lập, và là linh mục đầu tiên được chịu chức trong GP Phnom Phenh kể từ năm 2001. Cha Sok Na không chỉ phải chăm sóc cho đoàn chiên về mặt tâm linh mà con đang phấn đấu cho họ được thăng tiến về mặt xã hội và kinh tế. Đó là một thách đố không hề dễ dàng với bất kỳ vị linh mục nào, đặc biệt là một linh mục trẻ.

Cha Sok Na dâng lễ bằng hai thứ tiếng (Miên và Việt). Ca đoàn hát thánh ca tiếng Việt cũng như tiếng Miên. Sau lễ có sinh hoạt giới trẻ và thiếu nhi. Mặc dầu thiếu thốn đủ điều nhưng người Công giáo Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì đức tin của mình và truyền đạt lại cho thế hệ con cháu. Đó là một điều vô cùng đáng trân trọng nơi tinh thần của người Công giáo Việt Nam ở khắp mọi nơi.

Siem Riep, ngày 3.11.2015

Bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sleng

Từ năm 1975 đến 1979 quân Khmer Đỏ đã biến trường học phổ thông thành một trại tù để giam cầm, hành hạ và giết chết hàng chục ngìn người dân Campuchia mà họ cho là thuộc thành phần tri thức (giáo viên, sinh viên, bác sĩ, tu sĩ v.v.). Từ một cơ sở giáo dục thế hệ trẻ bọn Khmer Đỏ đã biến đổi và cải hoán nó như xây thêm hàng rào điện, gia cố phòng thành trại giam, phòng hỏi cung và phòng tra tấn với đủ loại hình thức tra tấn khác nhau.

Trong hàng nghìn người đã bị giam cầm ở đây, chỉ có dưới 12 tù nhân còn sống sót khi rời nhà tù vốn là "nỗi ác mộng" đối với người Campuchia. Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng trưng bày những hình ảnh nạn nhân và tư liệu về tội ác của Khmer Đỏ thật đáng kinh khủng. Một số nơi còn có thể nhìn thấy những vết máu đã khô trên sàn nhà hoặc trên tường.

Mình đến bảo tàng từ sớm. Số người đến tham quan còn thưa thớt. Đi dọc những hành lang của trường bổng nhiên làm cho mình cảm thấy nổi da gà. Ly Thy người bạn trẻ đi cùng mình nói rằng trước đây người ta còn hay nghe những tiếng rên phát ra từ trong các lớp học. Nghĩ đến những gì con người có thể làm với đồng loại không khỏi làm cho ta kinh ngạc với sự độc ác có thể xuất phát từ trong chính mình.


Phnom Phenh, ngày 3.11.2015

ĐCV Thánh Gioan Vianney của Giáo hội Campuchia








Trong chuyến đi Campuchia, mình đã ở lại tại Đại chủng viện John Mary Vianney tại Phnom Phenh là ĐCV duy nhất của Giáo hội Công giáo Campuchia. Với số người Công giáo chỉ được khoảng trên 20.000 ngìn người trên 14 triệu dân số, nên giáo hội Campuchia rất nhỏ bé. Đức giám mục của GP Phnom Penh là một vị giám mục trẻ, được tấn phong khi chỉ mới 40 tuổi. Và ngài cũng là một vị thừa sai người Pháp.

Tại ĐCV hiện nay có 9 thầy ở các lớp khác nhau. Giám đốc ĐCV là cha Bob, một linh mục thừa sai người Canada. Năm nay ngài đã 78 tuổi và đã phục vụ tại Campuchia 18 năm. Tuy nhiên, mỗi ngày Chúa Nhật ngài vẫn chạy một chiếc xe môtô khá to để đi làm lễ ở các nhà thờ. Trong ĐCV có 8 thầy là gốc Việt và chỉ có một thầy là thuộc về một dân tộc thiểu số.  Điều này cũng phản ảnh rằng đa số những người Công giáo tại Campuchia đều là người gốc Việt, di cư sang từ các tỉnh miền tây Việt Nam khi còn nhỏ hoặc là sinh ra và lớn lên tại đất nước này.

Cho dù số người Công giáo tại Campuchia ít và ơn gọi cũng không nhiều, nhưng chúng ta thấy lòng đạo đức của người Việt Nam cho dù ở đâu trên thế giới đều rất cao. Và không chỉ ở các nước phương tây mà còn ở Thái Lan cũng như ở Campuchia đều cống hiến nhiều cho giáo hội địa phương để Tin Mừng của Chúa được hiện diện giữa những người khác tôn giáo.

Phnom Phenh, ngày 2.11.2015

Đến Melbourne trong ngày mùa xuân

Tối hôm qua máy bay của mình đáp xuống sân bay Melbourne lúc 20.30. Nhưng hơn hai tiếng đồng hồ sau mình mới ra khỏi sân bay vì mất rất nhiều thời giờ để làm tủ tục hải quan, chờ lấy hành lý, và xếp hàng để kiểm tra hành lý trước khi được ra bên ngoài. Cha Thiên và thầy Tube đón mình tại sân bay và đưa về đại chủng viện của dòng ở Boxhill, ở ngoại ô thành phố Melbourne. Ở đây vào ngày mai và mốt sẽ diễn ra chương trình hội thảo quốc về truyền giáo do Dòng Ngôi Lời tổ chức. Hôm nay các chuyên gia trong lĩnh vực truyền giáo học đang lần lượt đến Melbourne để thuyết trình trong chương trình, tất cả đều là những nhà truyền giáo Ngôi Lời đang phục vụ ở các nước khác nhau trên toàn thế giới. Có người đến từ Roma, có người đến từ Brazil, có người đến từ Hoa Kỳ. Mình cũng đến từ xa, nhưng không phải đến để thuyết trình mà đến để lắng nghe và học hỏi.

Melbourne hôm nay thời tiết rất đẹp với nắng ấm và bầu trời tronh xanh. Người ta nói khí hậu ở vùng này trong một ngày có bốn mùa. Có khi nắng chang chang rồi bổng nhiên mây kéo về rồi đổ mưa. Sau đó thì nhiệt độ giảm mạnh và phải đem áo ấm ra mặc. Mình không có kinh nghiệm sống ở Melbourne nên cũng chưa trải nghiệm được cảm giác bốn mùa trong một ngày như thế nào. Cách đây 9 năm mình có đến Melbourne thì lúc đó nhiệt độ rất nóng, trên 40 độ C.

Úc Châu đang bước vào mùa xuân. Trong khuôn viên của Đại chủng viện Ngôi Lời hoa nở rộ với nhiều sắc màu tươi thắm. Các nhà truyền giáo Ngôi Lời lại có dịp gặp gỡ và tham gia chương trình hội thảo trong bầu khí thân thiện và cởi mở. Hôm nay cũng là ngày mừng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quan thầy của các nơi truyền giáo. Lại thêm một lần nữa, chúng ta được nhắc nhở rằng việc truyền giáo bao gồm cả việc to lớn cũng như những công việcc nhỏ bé. Điều quan trọng là trong mọi việc ta phải làm với một lòng yêu thương bao la. Như thế thì cho dù hành động phục vụ có nhỏ nhặt bao nhiêu đi chăng nữa mà khi nó đi kèm với một tình yêu chân thật thì nó sẽ trở nên một công việc ý vô cùng ý nghĩa và bổ ích. Như thánh  nữ đã nói, chúng ta cần phải làm những công việc bình thường với một tình yêu vô thường.

Melbourne, Australia, ngày 1.10.2015

Tháng 9 đen đủi cho người Việt tại Dindaeng

Một thánh lễ của nhóm Công giáo Viêt Nam ở Din daeng. Nhóm đang chuẩn bị tổ chức lễ quan thầy nhóm vào ngay 11/10 trong hoàn cảnh đa số thành viên nhóm đã về quê. Hy vọng trong tháng Mân Côi Đức Mẹ sẽ phù trợ cho những người con cái của Mẹ được bình an nơi xứ người.


Các lao động Việt Nam trong khu vực quận Din Daeng của Bangkok mấy ngày hôm nay phải cảnh giác và lo lắng hơn thường khi cảnh sát Thái Lan đang đi kiểm tra nhiều nhà có người Việt ở và làm việc để điều tra vụ đâm người chết ở tỉnh Nakhon Pathom vào cuối tuần qua. Tháng 9 dường như là một tháng rất khó khăn cho các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan nói chung và cho các bạn trẻ trong khu vực Din Daeng nói riêng. Trong khi đa số các lao động Việt Nam đã lần lượt “hồi hương” sau khi chính quyền Thái Lan ban lệnh cấm người nước ngoài đi gia hạn hộ chiếu ở các cửa khẩu quốc tế sau vụ đánh bom tại Bangkok vào giữa tháng 8, thì số còn lại đã nhờ vào những dịch vụ đi gia hạn hộ chiếu được nhưng rất tốn kém và vất vả hoặc thậm chí để hộ chiếu hết hạn và lưu trú tại Thái Lan bất hợp pháp.

Ở Dindaeng lượng lao động Việt Nam giảm thấy rõ rệt khi Thánh lễ tiếng Thái chiều Chúa Nhật tại nhà thờ Fatima thường có khoảng một nửa giáo dân là giới trẻ Việt Nam thì bây giờ Thánh lễ đó đã trở nên trống trải hơn hẳn. Ngoài khó khăn về giấy tờ thì các lao động Việt Nam ở khu vực Dindaeng thời gian qua cũng phải đối phó với tình trạng công việc không mấy trôi chảy. Đa số người ở khu vực này là làm công việc may. Tuy  nhiên, trong những tháng mùa mưa thì lượng hàng làm không được nhiều. Có những xưởng chỉ cố gắng cầm cự cho đến hết mùa mưa khi công việc trở nên thuận lợi hơn.  Trong lúc này, những xưởng có hàng thì thường là “hàng khó,” làm ra sản phẩm mất nhiều thời giờ nhưng thu nhập thì không tương xứng.

Mùa mưa cũng đã gần hết. Công việc may mặc tưởng chừng sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng lệnh cấm đi gia hạn hộ chiếu vẫn chưa có thay đổi. Rồi mấy  ngày qua bổng nhiên cảnh sát Thái đi kiểm tra hàng loạt nhà nơi có người Việt Nam làm việc để truy lùng và điều tra một nghi can Việt Nam được cho là thủ phạm đã đâm chết một người đồng hương ở tỉnh Nakhon Pathom, cách xa Bangkok khoang 50km. Trong quá trình điều tra cảnh sát đã nhận được thông tin anh ta đang lẫn trốn ở khu vực Din Daeng hoặc có quan hệ nào đó với một số người trong khu vực. Thế là họ đi gõ cửa các nhà có lao động Việt Nam. Nghe nói hàng chục người đã bị cảnh sát bắt. Có người bị bắt nhưng không liên quan đến vụ án và giấy tờ vẫn hợp pháp thì được thả ra sau khi “đóng phạt”. Nhiều người hộ chiếu đã “chết” thì vẫn bị giam giữ để ra tòa.

Mình không biết nhiều về vụ giết người nói trên. Có người bảo rằng thủ phạm và nạn nhân là người quen biết nhau, thậm chí là bạn bè với nhau. Nhưng vì mâu thuẫn trong cuộc sống mà dẫn đến việc người này cầm dao đâm chết người kia. Mấy ngày qua sau khi có một người đăng hình nạn nhân với thân hình đẩm máu nằm ngã trên sàn nhà, trên người chỉ mặc một chiếc quần sọoc thì đã có hàng trăm người chia sẻ hình đó. Mình cũng có đưa tin nhưng mình  không đăng hình nạn nhân vì mình cho rằng không nên đăng những tấm hình không mấy “lành mạnh” như thế. Thiết nghĩ cũng nên tôn trọng người chết cũng như gia đình của họ. Có lẽ họ sẽ rất đau buồn khi thấy hình ảnh của người thân yêu trong tình trạng vô cùng bi thảm bị đăng tải và chia sẻ tràn lan như thế.

Trở lại câu chuyện của các lao động Việt Nam tại khu vực Din Daeng thì không rõ nghi can có những mối quan hệ như thế nào và với ai trong khu vực này, nhưng rõ ràng hành vi của một người đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Trong khi các lao động Việt Nam đã và đang phải gặp nhiều khó khăn và áp lực trong cuộc sống đến từ những yếu tố chính trị và kinh tế ở đất nước sở tại cũng như tác động của thời tiết vào công việc, thì hành vi xấu nói trên lại làm cho mọi thứ càng trở nên tệ hại hơn. 

Bangkok, ngày 30.9.2015

Câu chuyện sống nhanh



Một bạn trẻ nhắn tin cho mình trên Facebook nói rằng: - Thưa cha con có vấn đề nhờ cha khuyên bảo?

Mình hỏi: - Chuyện gì đó?

- Thưa cha con là người bên lương. Nhưng con có người yêu là người bên giáo.

- Hai người có vấn đề nhờ cha giúp đỡ hả?

- Vâng, thưa cha.

-Việc gì thế?

-Thưa cha, con mới biết được rằng con đã có bầu với người yêu của mình.

- Con có bầu được bao lâu rồi?

- Thưa cha, mới hơn một tháng.

- Vậy con muốn cha giúp con như thế nào?

- Cha có thể cho con biết con và người yêu phải làm như thế nào để làm phép cưới.

- Nếu con muốn gia nhập đạo thì phải học giáo lý dự tòng để lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức để gia nhập đạo. Bên cạnh đó con và người yêu phải học giáo lý hôn nhân trước khi lãnh nhận bí tích hôn phối.

- Phải mất bao lâu thưa cha?

- Chương trình bao lâu lệ thuộc vào mỗi lần học nhiều giờ hay ít giờ. Nó cũng tùy theo điều kiện thời giờ của cả người dạy lẫn người học nữa.

- Vậy bình thường cha dạy bao lâu?

- Cha chưa bao giờ dạy giáo lý dự tòng dưới sáu tháng. Còn giáo lý hôn nhân thì khoảng 2 tháng.

- Sao lâu vậy cha?

- Như vậy chưa phải là lâu đâu con. Thông thường cha dạy giáo lý dự tòng trong vòng một năm. Vì có đức tin không chỉ là học thuộc lòng một số tín điều hay đọc được một vài kinh. Gia nhập một tôn giáo có nhiều điều phải học hỏi. Ngoài ra,đức tin cần thời gian để được gieo mầm, để được phát triển, được thử thách và củng cố. Đức tin cần phải được sống và thử nghiệm thì ta mới có thể xác định được đức tin của mình là loại đức tin gì. Người học đạo cần có thời giờ để học hỏi, suy  gẫm, và quyết định xem mình có thực sự tin và muốn gia nhập tôn giáo này hay không?

- Thưa cha con hiểu. Nhưng trong trường hợp của con thì chắc như vậy không được.

- Vậy con muốn được như thế nào?

- Con muốn được làm lễ cưới trong vài tháng. Con nghe nói có nơi chỉ dạy vài tháng là xong.

- Ở đâu dạy nhanh thì cha không biết. Riêng cha thì cha nghĩ rằng ngoài việc dạy cho xong những bài học thì ai cũng cần thời gian để thấm nhuần những điều mình học. Theo đạo không phải là một cái thủ tục để hoàn tất cho xong mà là để tiếp nhận một căn tính và một lối sống mới.  Học để tin. Học để mến Chúa. Học để biết yêu tha nhân.

Bạn trẻ trên facebook nói với mình: - Con hiểu những điều cha nói. Nhưng như thế thì con phải chờ lâu quá cha à.

Câu chuyện về bạn trẻ nói trên là một trường hợp xảy ra không ít đối với nhiều người trẻ ngày nay. Họ thích sống vội, sống nhanh. Họ làm quen nhanh, bắt đầu yêu nhanh, và quan hệ nhanh, rồi có thai nhanh.  Sau khi phát hiện mình đã mang thai, họ muốn gia đình và giáo hội phải nhanh chóng giải quyết cho họ, để họ có một cái lễ cưới đàng hoàng, và có một đám cưới đẹp.

Trong lối sống nhanh sống vội, tìm hiểu cặn kẻ về nhau không quan trọng; chờ đợi và giúp nhau sống kiên nhẫn không quan trọng. Học đạo để hiểu đạo và sống đạo không quan trọng. Điều ta nhìn thấy là một thói quen sống nhanh, làm cho hậu quả đến nhanh, và tìm cách giải quyết nhanh. Nhưng không phải điều gì cũng có thể giải quyết nhanh được. Vì thế khi lựa chọn một lối sống nhanh thì mình cũng phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng có khi những giải quyết cho những suy nghĩ và hành động nông nổi của mình không thể nào đến nhanh như mình mong muốn.

Bangkok, ngày 29.9.2015  

Trả lời phỏng vấn về mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan




Hôm nay lần đầu tiên mình được phỏng vấn về mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan. Cuộc phỏng vấn được thực hiển bởi văn phòng truyền thông của Tông Giáo Phận Bangkok và sẽ được đăng tải trên trang web của TGP. Để nội dung của chương trình được phong phú và đầy đủ hơn, mình đã mời thêm chị Tâm và hai bạn trẻ Việt Nam đến tham gia và chia sẻ. Chị Tâm là một trong những thành viên của Ban điều hành Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan. Còn hai bạn trẻ đã làm việc tại Thái Lan vài năm nay nên cũng biết được tiếng Thái để có thể trả lời những câu hỏi của người làm chương trình.

Cuộc phỏng vấn là cơ hội để cho mình trình bày về tính chất của công việc mục vụ mà các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan đã làm trong suốt hơn 10 năm qua, và đặc biệt trong những năm trở lại đây. Mặc dầu mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan rất tích cực và phong phú, nhưng trên thực tế trong giáo hội địa phương chưa hiểu nhiều về công việc này và cũng không biết nhiều về đối tượng của mục vụ là các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan.

Trong quá trình trả lời phỏng vấn, mình đã chia sẻ về việc các linh mục tu sĩ Việt Nam đang cộng tác trong mục vụ di dân Việt Nam hầu hết là không phải được sai đến Thái Lan để làm công việc này, nhưng chỉ bắt đầu tham gia khi thấy có nhu cầu lớn mà số người để dấn thân trong mục vụ thì ít. Phía bên giáo hội địa phương không có bổ nhiệm người phụ trách mục vụ di dân Việt Nam một cách chính thức nên công việc mục vụ chủ yếu là trách nhiệm của các vị quản xứ. Nếu cha xứ nào thấy trong nhà thờ của mình có các bạn trẻ Việt Nam đến tham dự Thánh lễ mà quan tâm thì tìm cách tiếp cận và nâng đỡ. Nhiều cha xứ mặc dầu thấy có người trẻ Việt Nam đến đi lễ ở nhà thờ mình nhưng vì khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa, v.v. nên không thể giúp đỡ nhiều cho họ. Sự cộng tác của các linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan nhằm mục đích giúp các vị linh mục quản xứ địa phương có thể làm mục vụ cho giáo dân của mình là những người trẻ lao động di cư Việt Nam một cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đây không phải là sứ vụ mà các linh mục Việt Nam tại Thái Lan được hội dòng hoặc giáo hội địa phương giao phó một cách chính thức mà chỉ là công việc tình nguyện bên cạnh những trách nhiệm chính khác của mình.

Nói về sinh hoạt của Hiệp Hội, mình đã chia sẻ về quá trình mục vụ di dân Việt Nam được hình thành trong những năm đầu tiên cho đến nay là lúc mà đã có nhiều nhóm các bạn trẻ Việt Nam được thành lập và sinh hoạt thường xuyên trên khắp cả TGP Bangkok và các vùng lân cận.  Mình và chị Tâm đặc biệt nhấn mạnh về sự dấn thân của các bạn trẻ Việt Nam trong việc tham gia vào những vai trò làm lãnh đạo các nhóm, cũng như tham gia những sinh hoạt tâm linh, và sự cố gắng giữ đạo trong môi trường có nhiều thách đố trong cuộc sống cũng như không có những người lớn ở gần bên để nhắc nhở.

Hai bạn trẻ Trà My và Lý đã chia sẻ về niềm vui của mình khi được đi tham dự các Thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ để duy trì đời sống tâm linh và lấy Thánh lễ làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống hằng ngày. Thánh lễ không chỉ là cơ hội để gặp Chúa mỗi ngày Chúa Nhật mà còn là một dịp để gặp gỡ bạn bè thân quen để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Được bồi dưỡng về đời sống tâm linh hai bạn có nghị lực để phấn đấu làm việc, đóng góp cho kinh tế gia đình, và phần nào làm cho bố mẹ ở quê nhà bớt lo lằng khi con cái đi mưu sinh ở đất khách quê người.

Chị Tâm chia sẽ rằng không chỉ mình làm những việc này việc nọ giúp giới trẻ mà chính chị cũng nhận được rất nhiều từ các bạn trẻ, đó là tình thương, sự thân thiết, sự ấm cúng mà các bạn trẻ dành cho chị. Ngoài ra, nhìn vào sự hy sinh và lòng đạo đức của các bạn trẻ cũng là nguồn cảm hứng giúp chị thăng tiến hơn trong đời sống tâm linh của mình.

Trước những chia sẻ của mọi người, cô làm chương trình đã bày tỏ sự cảm kích sâu sắc vì khi nhìn lại bản thân cũng như nhìn vào thực trại của nhiều người giáo dân trong xã hội Thái Lan ngày nay thì có sự khác biệt rất nhiều về lòng đạo đức cũng như cách giữ đạo. Theo cô những gì được nghe hôm nay là những điều mới mẻ đối với cô về những bạn trẻ Việt Nam và rất đáng khâm phục.

Kết thúc cuộc phỏng vấn mình đã nói rằng mục đích chính yếu của mình khi đến Thái Lan là để truyền giáo. Công việc mục vụ cho người Việt Nam đã đến với mình một cách bất ngờ khi mình bước chân đến đất nước này. Mặc dầu mình dân thân trong mục vụ cho người trẻ Việt Nam, nhưng mình không bao giờ quên mục đích lớn hơn trong sứ vụ mà mình đã được trao phó. Mình tin rằng, mình đã và đang truyền giáo tại Thái Lan qua các bạn trẻ Việt Nam. Nếu mình có thể giúp cho các bạn trẻ Việt Nam sống đạo tốt, vững bền trong đức tin và trung tín với giới răn của Chúa, các bạn sẽ trở nên những chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người, kể cả người Kitô giáo cũng như Phật giáo tại Thái Lan. Và qua đó Nước Chúa sẽ được mở mang trên vùng đất Thái Lan. Vì thế mục vụ cho giới trẻ Việt Nam không đơn thuần là một công việc giúp cho các công nhân Việt Nam tại Thái Lan sống đạo tốt mà là một công cụ để rao giảng Tin Mừng của Chúa đến với những người bản xứ.

Bangkok, ngày 21.9.2015

Suy gẫm về cách sống trước tình trạng những cuốn hộ chiếu gặp nguy cơ phải “chết”


"Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" Mc. 9,35

Những ngày qua có một câu nói cứ lẩn quẩn trong đầu của tôi đó là câu “gần đất xa trời.” Tôi nghĩ về câu nói này không phải vì tôi đang gặp phải tình hình sức khỏe kém hay bệnh hoạn mà có lẽ vì tôi đang suy nghĩ về những cuốn hộ chiếu của các bạn trẻ lao động Việt Nam tại Thái Lan đang đối phó với nguy cơ bị “chết yểu” vì không thể đi gia hạn được như mọi khi.* Có người cảm thấy nuối tiếc vì họ đã cố gắng duy trì cho hộ chiếu “sống” những năm qua, mỗi tháng chịu khó bỏ ra cả chục giờ đồng hồ trên những chuyến xe đưa người đi “tò” ở các cửa khẩu giáp ranh giới Thái – Campuchia. Ai cũng lo sợ về tương lai và sự an toàn của mình trên đất Thái một khi cuốn hộ chiếu để giúp cho họ an tâm đi lại trên đường phố sẽ không còn hiệu lực nữa. Chính vì nỗi lo sợ đó mà nhiều người đành phải quyết định lên đường về quê cho dù biết rằng về nhà trong lúc này sẽ khó có được việc làm để có thu nhập ổn định. Ở quê hương mùa lũ sắp đến, có nơi đã bắt đầu.

Những ai chưa lên đường về quê thì cũng hàng ngày trông chờ thông tin đến từ người thân quen bạn bè về cách nào để làm cho hộ chiếu tiếp tục còn sống. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục tin nhắn cũng như những cuộc điện thoại đến từ các bạn muốn biết có tin gì mới có thể mang lại cho họ chút tia sáng hy vọng trước tình cảnh ngày càng căng thẳng và khó khăn. Nhưng tôi chưa có tin gì vui mang đến cho họ mặc dầu tôi cũng rất muốn được làm người mang tin vui đến cho người khác. Nhiều người gọi điện thoại đến các dịch vụ đưa người đi gia hạn hộ chiếu không thành công còn tự mình thuê xẻ để đi, nhưng cũng phải quay về mà trong hộ chiếu không có con dấu  mới. Có người đi lên sở di trú xin gia hạn thì cũng được chỉ 7  ngày mà phải trả gần 2.000 baht. Tối hôm nay tôi mới nghe một thông tin có dịch vụ đưa người đi gia hạn mãi trên cửa khẩu Muddahan với một lệ phí kỷ lục là 8.000 baht cho ba tháng. Nhưng tôi chưa xác định được thông tin này cũng như thắc mắc đây là loại visa kiểu gì mà tôi chưa từng nghe tới.

Hoàn cảnh bấp bênh của các bạn trẻ lao động Việt Nam và mọi cố gắng của họ để duy trì cho chiếc hộ chiếu khỏi phải chết làm chúng ta nhận ra rằng sự nỗ lực sinh tồn là vô cùng mãnh liệt trong cuộc sống con người. Không chỉ theo bản chất tự nhiên của con người khiến chúng ta luôn luôn muốn được tồn tại mà chúng ta còn được dạy và huấn luyện cách tốt nhất để ngăn cản tình trạng bị hủy diệt và tránh né cái chết. Dường như đó là thực tại của cuộc sống. Chúng ta luôn được huấn luyện về cách để sống nhưng chúng ta không bao giờ được dạy cách để chết. Một bác sĩ có trách nhiệm phải tìm ra mọi cách để giúp cho bệnh nhân tiếp tục duy trì cuộc sống vì đó là điều mà dường như ai cũng muốn. Có một  gia đình  người Thái rất giàu có. Họ có một đứa con trai duy nhất. Cách đây hơn một năm, đứa con trai này đòi cho bằng được một chiếc xe môtô mặc dầu trong nhà có nhiều chiếc xe hơi sang trọng mà cậu ta có thể lái. Vì muốn chiều con nên cha mẹ đành sắm cho chàng quý tử một chiếc môtô. Vừa có được chiếc xe, cậu ấm đem ra đường chạy thì bị tai nạn làm cho thân thể bị bại liệt và trở nên gần như là người thực vật. Nhưng vì gia đình có điều kiện nên họ quyết định tìm mọi phương pháp để điều trị cho con mình mà không hề tiếc tiền. Ngoài việc chạy thầy chạy thuốc, bố mẹ cậu còn mời cả linh mục lẫn nhà sư về để cầu nguyện cho đứa con mau được hồi phục.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta ý chí sống còn cũng mãnh liệt không kém, có lẽ vì bằng cách này hoặc cách khác, chúng ta luôn được dạy là phải sống, phải tồn tại. Tuy nhiên, xã hội thường dạy chúng ta một cách sống mà nhiều khi buộc chúng ta phải đánh mất những giá trị tốt lành, thậm chí đánh mất luôn cả linh hồn. Chính vì mục đích sống và tồn tại nên có khi chúng ta không kềm chế được bản thân khiến chúng ta chọn con đường gian lận và lừa dối. Cũng vì sự tồn tại nên chúng ta cạnh tranh và trở nên ghen tị khi nhìn thấy người khác được điều tốt hơn mình. Chính vì sự tồn tại mà chúng ta luôn muốn được làm người trên đưa mắt nhìn xuống người khác chứ không muốn làm người nhỏ bé phải phục tùng bất cứ ai.

Phấn đấu để sống là một điều quan trọng, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên học hỏi cách để chết. Chúa Giêsu đến trong thế giới không chỉ để sống nhưng còn để chết. Và Ngài đã chia sẻ cho các môn đệ biết rõ Ngài sẽ chết như thế nào trước khi sự việc sắp xảy ra. Ngài sẽ bị bắt bớ và sẽ bị người ta giết chết. Nhưng các môn đệ của Ngài không hiểu và dường như khôn quan tâm trước lời chia sẻ vô cùng quan trọng đó. Họ không quan tâm vì họ quá bận tâm với việc phải sống như thế nào? Họ tranh cải với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất và đáng được nhiều quyền lợi nhất.  Họ muốn biết ai sẽ có cuộc sống với nhiều điều tốt đẹp nhất trong ánh mắt của người đời.

Khi nghe các môn đệ tranh cải với nhau về điều  này, có lẽ Chúa Giêsu đã cảm thấy vô cùng buồn lòng. Ngài đã bỏ ra ba năm dài để dạy dỗ họ, chia sẻ với họ, trải qua bao nhiêu thăng trầm với họ. Nhưng đến giây phút này, trước mốc thời giờ quyết liệt nhất trong sứ vụ của Ngài, những con người mà chính Ngài đã lựa chọn để cộng tác và tiếp tục sứ vụ rao giảng Tinh Mừng dường như chưa thấu hiểu Ngài và chưa cảm nhận được tính chất thực sự của cuộc sống của một người môn đệ của Chúa.

Ngài đành phải dạy họ thêm lần nữa, giúp cho họ nhận ra rằng phẩm giá của con người không phải nằm nơi của cải vật chất, địa vì xã hội, hay quyền lực, mà nằm trong sự dấn thân phục vụ người khác. Người cao trọng nhất phải là người sẵn sàng làm cho mình trở nên bé mọn và thấp hèn nhất. Trong ánh mắt của người đời, ai được phục vụ là người cao trọng. Nhưng trong bậc thang giá trị của Thiên Chúa thì mọi thứ trở nên đảo ngược. Ai là người phục vụ nhiều nhất, phục vụ cách nhiện tình, phục vụ trong tin yêu, phục vụ vô vị lợi, người đó được Thiên Chúa cho trở nên người vĩ đại trong Nước Trời.

Một trong những bài học giá trị nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Ngài là bài học phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã thể hiện bài học này một cách sống động và đầy ấn tượng trong bữa tiệc ly khi ngài đã cúi đầu xuống để rửa chân cho các môn đệ của mình. Ngài cũng đã nhắc nhở họ hãy làm cho nhau như chính Ngài đã làm cho họ.

Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ như một bài học giúp cho các môn đệ cũng như cho chúng ta làm quen với cách chết – chết đi với cái tôi của mình, chết đi với những ham muốn về vật chất và thể xác, chết đi với những khát vọng quyền lực để thống trị người khác. Bài học phục vụ là dạy cho chúng ta chết đi với sự ghen tuông và cạnh tranh tiêu cực để dành về cho mình nhiều điều nhất có thể cho dù người khác sẽ bị mất mát và thiệt thòi. Và bài học phục vụ cũng chính là bài học giúp cho chúng ta sẵn sàng chết đi với những thứ trong đời này, nhưng lại mang đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Chúa Giêsu xuống trần thế không phải để sống mà là để chết. Ngài đã chết vì yêu thương và chết vì phục vụ. Chính vì thế mà Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh với một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để cho dù chúng ta không được người đời tôn vinh và trọng vọng trong đời này, nhưng chúng ta sẽ được Thiên Chúa nâng lên, được sống bên cạnh Ngài trong sự sống đời đời mai sau.

Bangkok, ngày 16.9.2015

* Do chính quyền Thái Lan xiết chặt các cửa khẩu nên người nước ngoài không thể đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng như nhiều người từng làm, trong đó có hầu hết các lao động Việt Nam bất hợp pháp.