8 năm linh mục của Chúa



 
Ngày mai là tròn 8 năm trong cuộc đời linh mục rồi nhỉ. Nghĩ cũng mau thật. Tám năm bay qua cái vèo. Tám năm trước ở Hoa Kỳ, mình đang trông chờ ngày được lên đường đi đến cánh đồng truyền giáo, trông chờ được đến với những con người bị xã hội xa lánh, ao ước được sống như thánh Đamien, vị linh mục người Bỉ đã hy sinh cuộc đời đồng hành với người bị phong hũi trên hòn đảo Molokai. Cuộc đời truyền giáo trước mắt xem thật phiêu lưu và lãng mạn. Mình luôn mơ về một cuộc sống như thế.

Giờ đây tám năm đã trôi qua. Mình dường như vẫn đang hướng tới một cuộc đời truyền giáo mà mình đã từng xây dựng trong lý tưởng. Nhìn lại những trải nghiệm xem ra có nhiều chênh lệch giữa lý tưởng và thực trạng. Trong lý tưởng, mình hy sinh thật nhiều. Trên thực tế, mình còn quá ít kỉ. Trong lý tưởng mình luôn dấn thân quên mình. Trên thực tế, mình vẫn còn quá lười biếng. Trong lý tưởng, mình rao giảng Tin Mừng thật hăng say. Trên thực tế, mình vẫn còn quá rụt rè.  Trong lý tưởng mình là một nhà truyền giáo vui vẻ, hiền lành, được nhiều người yêu mến. Trên thực tế, mình rất nóng tính và dễ mất bình tĩnh trước những điều mình cho là không đúng.  

Tám năm trôi qua dường như mình đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để trở thành một nhà truyền giáo lý tưởng. Dù sao đi nữa thì vẫn chưa trể để tiếp tục cố gắng, tiếp tục phấn đấu, tiếp tục hoàn thiện bản thân. Dù sao đi nữa thì khi nào còn ao ước, còn có lý tưởng, và còn có hy vọng, thì mọi sự vẫn chưa kết thúc.

Bangkok, ngày 26.5.2014  


Chuông gió


Ngoài ban công phòng trọ của mình có treo một bộ chuông gió bằng đồng mà một người Thái đã tặng cho mình cách đây không lâu. Có tất cả là 6 cái chuông cùng cỡ vây quay hai viên đá thạch. Mỗi khi có gió đến những cái chuông chạm vào viên đá thạch tạo nên một âm thanh thanh thoát rất dễ chịu. Khi ngồi trong phòng do bị cách âm bởi cánh cửa kiếng nên tiếng chuông không lớn, chỉ nghe được thoang thoảng mỗi khi bị rung. Nếu mình không chú ý lắng nghe thì nhiều lúc tiếng chuông cũng chỉ hòa vào những thứ âm thanh khác rồi lặng đi trong không gian. Nhưng cũng có những lúc tiếng chuông đánh vào tai rất êm dịu, nhẹ nhàng. Có khi ngồi đọc sách hoặc làm việc trên máy vi tính một mình trong căn phòng trọ, nghe được tiếng chuông làm cho mình có cảm giác như mình đang trú ẩn ở một chốn thật xa xôi và bình yên, chứ không phải là đang ở giữa lòng một thành phố sầm uất đầy xe cộ và khói bụi ngột ngạt như Bangkok.

Sáng nay, mình bước ra ban công, ngắm nhìn bộ chuông gió treo lơ lửng trước bức phông toàn cảnh thành phố thủ đô. Mình đưa tay đẩy một chiếc chuông cho nó chạm vào viên đá thạch. Âm thanh trong trẻo phát ra từ sự va chạm đó. Rất bình yên và êm dịu. Mình chợt ngộ ra đâu phải cái va chạm nào trong cuộc sống cũng phải tạo nên sự khó chịu, tổn thương và đau đớn. Có những cái va chạm mà kết quả là những điều vô cùng tốt đẹp và giá trị. Nó có thể mang lại cho cuộc sống niềm vui, sự hạnh phúc, sự an bình. Bộ chuông gió treo trên ban công của mình còn biết dùng năng lực của gió để tạo nên một thứ âm thanh thật tuyệt vời. Có lẽ con người cũng nên học hỏi để  làm cho những cái va chạm với nhau không phải là những lần hủy hoại tính mạng của nhau mà là những dịp gặp gỡ, là những cơ hội để trao đổi, và là sự cộng tác để tạo nên những thứ tốt đẹp và tích cực cho cuộc sống của mình và cho những người xung quanh.

Bangkok, ngày 16.5.2014


Nhớ về Mẹ Fatima



Hôm nay lễ mừng Đức Mẹ Fatima. Mình ngồi nhớ lại kỷ niệm về Mẹ. Mẹ Fatima đã đồng hành với mình suốt cả một quãng đường thật dài trong cuộc đời truyền giáo. Mình nhớ năm 2008 khi mình mới nhận xứ tại một nhà thờ ở vùng đông bắc Thái Lan, đời sống cộng đoàn ở đó thật buồn tẻ. Ngoài Thánh lễ Chúa Nhật có vài chục người đến tham dự thì chẳng có một sinh hoạt nào khác. Ngay cả việc dạy giáo lý cho thiếu nhi cũng không có vì trong cộng đoàn không có người dạy. Mình phải tìm cách để xây dựng đời sống cộng đoàn cho sống động hơn. Sinh hoạt đầu tiên mình nghĩ đến là việc đọc kinh Mân Côi mỗi thứ bảy đầu tháng. Nhưng thay vì tụ tập đọc kinh ở nhà thờ thì mình kêu gọi đọc kinh Mân Côi ở các gia đình trong giáo xứ. Đây là cơ hội để cho giáo dân có dịp thăm viếng nhau và cũng là dịp để mỗi gia đình đón Đức Mẹ về nhà mình.

Để đọc kinh Mân Côi cộng đoàn thì phải có tượng Đức Mẹ. Khi ấy mình vừa mới đến. Nhà thờ không có bất cứ một ngân quỹ nào cả. Mỗi tháng giáo phận chỉ cung cấp cho mình 9,000 baht (300 USD) để trang trải cho tất cả các chi phí của giáo xứ kể cả những nhu cầu hằng ngày của cha xứ. Nên để có tiền mua tượng Đức Mẹ thì không thể dùng vào số tiền đó được.

Một ngày nọ mình đi tham dự lễ ở nhà thờ chánh tòa giáo phận. Sau lễ mình ngỏ lời hỏi một bác Việt Kiều: - Thưa bác, cho con hỏi ở đây muốn mua tượng Đức Mẹ thì mua ở đâu?

Bàc trả lời: - Phải mua từ Bangkok mang lên.

Mình hỏi tiếp: - Vậy một tượng Đức Mẹ khoảng bao nhiêu tiền?

- Thưa cha, tùy theo kích thước ạ. Mà cha muốn mua tượng cở nào?

- Thưa bác, không lớn lắm ạ. Con chỉ cần một tượng nhỏ nhỏ để có thể đưa đi đọc kinh ở các gia đình giáo dân một cách thuận tiện.

- Vậy cha thích Đức Mẹ nào?

- Con muốn có Đức Mẹ Fatima.

- Sao cha không chọn Đức Mẹ Mân Côi? Cha định tổ chức đọc kinh Mân Côi ở các gia đình mà.

- Dạ thưa bác con quen Đức Mẹ Fatima từ lâu rồi nên con thấy gần gũi với Mẹ Fatima ạ.

Mình tiếp tục kể cho bác Việt Kiều nghe tại sao mình thích Đức Mẹ Fatima: - Trước đây con từng là thành viên trong Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở nhà thờ của con ở bên Mỹ. Ở bên đó hầu hết các đoàn thiếu nhi ở nhà thờ Việt Nam là Thiếu Nhi Thánh Thể. Nhưng ở nhà thờ con không có Thiếu Nhi Thánh Thể mà lại có Thiếu Nhi Fatima. Con gia nhập từ năm học lớp 8 cho đến khi lên đại học. Bác biết không, con là thành viên đầu tiên của Phong Trào Thiếu Nhi Fatima được làm linh mục đó. Vì vậy nên con muốn tiếp tục phổ biến linh đạo Fatima nơi con đang phục vụ.

Nghe mình kể xong, bác Việt Kiều nói: - Như vậy thì tốt quá. Tôi rất ủng hộ cha trong điều này. Vậy để tôi cúng cho nhà thờ cha một tượng Mẹ Fatima nhé. Tôi nghĩ cha mua tượng nhỏ nên không nhiều tiền đâu. Tôi sẽ đặt mua và gởi đến cha nhé.

Sau đó không lâu bác Việt kiều đã tặng cho mình một bức tượng Mẹ Fatima. Và từ đó Mẹ Fatima đã đồng hành với mình trong suốt thời gian mình phục vụ tại nhà thờ thánh Micae, tỉnh Nong Bua Lamphu. Cứ mỗi thứ bảy đầu tháng, giáo dân trong cộng đoàn tụ họp với nhau để đọc kinh Mân Côi. Có khi thì đọc ở nhà các giáo dân, có khi thì tụ tập đọc kinh ở nhà thờ. Mẹ Fatima đã đồng hành với đoàn con nhỏ bé của Mẹ, trong đó có những trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV, có những bạn trẻ Việt Nam đến sinh sống và làm việc trong vùng, và có những người giáo dân Thái vẫn còn đang cố giữ gìn đức tin Công giáo giữa một xã hội Phật giáo ngày càng bị trần tục hóa.

Sau 5 năm phục vụ tại nhà thờ thánh Micae, mình được trao phó một sứ vụ mới. Mình chia tay ngôi nhà thờ nhỏ bé và những người giáo dân tốt lành để đến Bangkok, rồi bắt đầu một chặng đường mới trong đời sống truyền giáo. Mình đã gởi gắm cộng đoàn lại cho Đức Mẹ tiếp tục trông nom. Thời gian qua hình như linh mục quản xứ ở đó không còn tổ chức đọc kinh Mân Côi mỗi thứ bảy đầu tháng nữa mà chỉ có trong tháng 10 là tháng Mân Côi. Không biết Mẹ có buồn không khi mỗi thứ bảy đầu tháng Mẹ không được đứng trên bàn thờ nhìn xuống đàn con thân yêu của Mẹ nữa. Nhưng dù sao đi nữa mình tin rằng Mẹ cũng sẽ không bỏ những con cái của Mẹ vì họ rất cần sự yêu thương và đùm bọc của Mẹ. Giáo xứ nghèo, nhỏ bé, và những người con của Mẹ phải đương đầu với vô số thách đố và cạm bẫy trong cuộc sống. Chắc Mẹ không nỡ bỏ mặc cho họ phải tự mình chống chọi giữa đại dương bao la tràn ngập sóng gió mà sẽ che chở bằng một tình yêu dù im lặng nhưng rất sâu đậm và bền bỉ.

Bangkok, ngày 13.5.2014

 

Về với bình yên


Sáng nay lại thêm một ngày mưa rơi ở tỉnh Nong Bua Lamphu. Một màu xám đặc che kín bầu trời nhìn thật buồn sầu. Ngồi nhìn ra cửa sổ phòng ngủ ngắm mưa đổ từng hạt nặng, nghe nhạc, viết nhật ký, cảm thấy cuộc đời thật êm đềm và nhẹ nhàng. Kỳ học vừa xong. Mình rời sự ồn ào náo nhiệt và cái nóng bức của Bangkok, đến Nong Bua Lamphu, gặp những ngày trời mưa mát mẻ. Không khí trong lành. Nhịp sống chậm lại. Mình ở với anh em trong cộng đoàn, được chia sẻ, cầu nguyện, và trò chuyện với nhau. Trong lòng cảm thấy bình yên lạ thường.

Mỗi lần trở lại cộng đoàn là một lần trở lại với những khuôn mặt thân quen, những anh em cùng chí hướng, cùng một sứ vụ phục vụ Chúa và tha nhân trên cánh đồng truyền giáo Thái Lan. Mỗi khi trở lại với cộng đoàn là trở lại với sự quen thuộc trong tính cách của từng người với sự khôi hài và lạ lẫm của mỗi bản tính làm cho cộng đoàn thêm màu sắc và sự đa dạng. Ở đây có sự chấp nhận nhau vì là anh em cùng một hội dòng, có sự thông cảm cho nhau vì không ai là hoàn hảo, có sự nâng đỡ và khuyến khích nhau vì thành công của người khác cũng chính là niềm vui của mình, và đôi khi cũng có sự chịu đựng nhau vì ý thức rằng đó là điều mà những thành viên trong một đại gia đình phải biết làm.

Ba ngày ở trong cộng đoàn cảm thấy thật hạnh phúc. Xa Bangkok. Xa sự ồn ào, chật chội của thành thị. Xa những tòa nhà chọc trời và những vỉa hè tấp nập người. Xa những dòng xe rồng rắn trên đường phố và những bữa ăn một mình trong căn phòng ký túc xa của trường đại học. Mình tìm đến nguồn suối ơn phúc, nơi có những cơn mưa, có những khuôn mặt thân quen, nơi có những câu chuyện vui vẻ, và nơi có những phút giây đầy an bình.

Nong Bua Lamphu,ngày 2.5.2014