Niềm vui đi tìm bạn (Suy niệm 1Sm 1,24-28; Lk 1:46-56)


Tục ngữ tiếng anh có câu: "Nỗi bất hạnh thích có bạn" (Misery loves company). Đó là vì những người bất hạnh thường thấy được an ủi hơn khi họ nhận ra rằng những người khác cũng đau buồn chẳng khác gì mình. Thời còn học đại học, có những lần tôi trở nên buồn rầu vì làm bài thi không tốt. Lúc đó thường có những đứa bạn an ủi tôi bằng cách nói với tôi rằng chúng nó làm cũng chẳng ra gì. Thế là chúng tôi bổng nhiên cảm thấy thấy đỡ buồn hơn.

Phải chăng ngày nay có quá nhiều người cảm thấy rất buồn bả? Nếu chúng ta bỏ ra ít giờ để theo dõi thời sự hay trao đổi với những người thường xuyên đọc báo chí thì có lẽ không ai tránh được sự bất hạnh. Các đề tài nói chuyện hiện nay dường như xoay quanh các vấn đề chiến tranh, chết chóc và tang thương, hay là tham nhũng, bão tố, hạn hán.... Người ta ngồi lại với nhau dường như chỉ biết chia sẻ về những gì làm cho họ cảm thấy xuống tinh thần. Nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì để khắc phục những vấn đề mà họ than phiền. Phải chăng người ta cảm thấy hạnh phúc với nỗi bất hạnh của mình?!?

Cũng may là trên đời không phải ai cũng sống với thái độ này. Trong ngày thứ sáu của tuần thứ ba mùa vọng, chúng ta nghe được những bài đọc về những người phụ nữ đã thực sự cảm nhận được niềm vui trong đời sống của mình. Thứ nhất là bà Hannah, với lòng tạ ơn, bà đã mang Samuel đến đền thờ để dâng cho Chúa vì Chúa đã cho bà một người con trai mà bà đã từng mong ước. Thứ hai là bà Elizabeth, bà cũng cảm nhận được niềm vui vì trong lòng bà đã thụ thai một người con sau nhiều năm hiếm hoi. Và cuối cùng là Maria. Maria đã cảm nhận được hồng ân của Chúa một cách quá sâu xa làm cho bà phải thốt lên: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi".

Trong ba người phụ nữ không có ai giữ kín niềm vui của mình. Bà Hannah đã tìm đến tiên tri Eli ở đền thờ. Còn bà Elizabeth và Maria lại tìm đến nhau để chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc của mình. Chắc chắn, không chỉ nỗi bất hạnh mới thích có bạn; niềm hạnh phúc cũng thế.

Vậy thì tại sao chúng ta không thấy mình tìm đến những người tỏ ra vui vẻ, hay chính mình không trở nên những người bạn vui vẻ đối với người khác? Có lẽ điều cốt yếu nằm ở nhận xét của thần học gia người Thụy sĩ Karl Barth: "Niềm vui là hình thức biết ơn đơn sơ nhất".

Trong ba bà Hannah, Elizabeth, và Maria, chúng ta thấy họ đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những gì Thiên Chúa đã làm cho họ bằng cách cảm nhận được niềm vui và chia sẻ niềm vui đó với những người xung quanh. Nếu bản thân chúng ta không cảm thấy mình có niềm vui trong tâm hồn hay không biểu lộ niềm vui với người khác, thì e rằng chúng ta phải thử hỏi mình đã cảm nhận được và có lòng biết ơn đối với những hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta hay chưa?

Việc chúng ta nhận ra và chia sẻ niềm vui của mình với người khác không có nghĩa là chúng ta không thừa nhận những đau khổ luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Chắc hẳn các người phụ nữ trên đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính Maria cũng hiểu được rằng, việc bà đồng ý mang Đấng Cứu Thế trong lòng bà sẽ mang lại cho mình những hệ quả nguy hiểm. Nhưng điều này đã không ngăn cản Maria vui mừng và hỷ hoan trong Chúa.

Nhà văn người Lebanon Kaklil Gibran viết rằng: "Niềm vui và nỗi buồn không thể tách rời được...Cả hai đều đến một lúc và khi một trong hai đang ngồi bên cạnh bạn...thì bạn hãy nhớ là nhân vật kia đang nằm ngủ trên giường bạn".

Còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ mừng kỷ niệm biến cố Ngôi Hai giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng và hỷ hoan. Chúng ta hãy chia sẻ niềm vui này với những người xung quanh để cho niềm vui của chúng ta được kết bạn với niềm vui của người khác. Và trên hết, chúng ta hãy cảm nhận hồng ân của Thiên Chúa và biết ơn Ngài vì món quà Con Một Ngài mà Ngài đã trao tặng chúng ta, vì đây chính là nguồn gốc của tất cả niềm vui và niềm hy vọng mà chúng ta có được.


Epping, NSW ngày 19.12.2006

No comments: