Gặp gỡ gia đình người Ấn Độ
Hôm qua tôi được mời đến một gia đình người gốc Ấn Độ để làm quen và dùng cơm trưa. Họ là giáo dân trong giáo xứ được đảm trách bởi các cha trong Hội dòng. Gia đình bao gồm hai vợ chồng và ba người con trai.
Đây là một gia đình không giàu có, cũng không nghèo khó, nhưng họ tham gia rất tích cực vào đời sống của giáo xứ. Ông Clem giúp giáo xứ trong việc quản lý sổ sách, bà Jennie tham gia ca đoàn. Và cả ba thằng con trai đã từng giúp lễ và tham gia sinh hoạt giới trẻ.
Sau những câu chào hỏi làm quen dè dặt ban đầu, chúng tôi đã nhanh chóng trở nên thân thiện do thái độ cởi mở mà cả hai bên đều đã thể hiện. Chúng tôi trao đổi và chia sẻ hết đề tài này sang đề tài khác, từ vấn đề gia đình cho đến chính trị, văn hoá, tôn giáo...
Tôi là người Mỹ gốc Việt, trong khi họ là người Úc gốc Ấn Độ. Nhưng sự khác biệt này đã không ngăn cản chúng tôi có một cuộc trò chuyện và gặp gỡ đầy thú vị. Đó cũng vì chúng tôi đến với nhau trên tinh thần cởi mở và đón nhận nhau như những người cùng một đức tin Công giáo. Trong hơn ba giờ đồng hồ trò chuyện với nhau, chúng tôi đã uống trà, uống rượu, và dùng một bữa cơm bao gồm các món ăn thuần tuý Ấn Độ.
Bà Jennie nói: - Tôi không dám nấu những món ăn cay quá vì sợ cha không dùng được.
- Ồ thế à! Tiếc qua, vì tôi ăn cay rất khá. Tôi có thể ăn cay hơn thế này nhiều lắm.
Ông Clem mách:
- Lúc đầu chúng tôi định nấu các món Tây để mời cha, nhưng sau đó nghĩ lại thì nói thôi, cứ nấu thức ăn Ấn cho cha làm quen.
- Vậy là đúng rồi đấy. Món Tây thì ngày nào tôi chẳng ăn. Được thử các món Ấn Độ thì khó mới có được.
Làm một nhà truyền giáo, tôi đi nhiều nơi và sống trong môi trường đa văn hoá. Vì thế, việc tiếp xúc với những người khác văn hoá mình trở nên như một cơ hội để tìm hiểu và thưởng thức những cái mới mẻ. Nếu mang trong mình thái độ bảo thủ và tầm nhìn hẹp hòi sẽ khiến cho nhiều cơ hội để tiếp cận với sự phong phú luôn hiện diện xung quanh mình dễ bị đánh mất.
Đó là một điều rất đáng tiếc. Biết bao nhiêu người hằng ngày bỏ qua những dịp may như thế chỉ vì họ không thích hay e ngại tiếp xúc với những gì mà họ không quen thuộc. Cái gần gũi và quen thuộc mang lại cho mình tâm trạng an toàn và thoải mái. Nhưng chính cái khác lạ mới mang đến cho mình những hương vị đặc biệt nhất mà cuộc sống cung cấp cho mình.
Một điều mà chúng ta có thể khám phá ra khi tiếp cận với những người khác mình là, khi những người thoạt đầu xem ra rất khác nhau ngồi lại với nhau để chia sẻ với nhau một cách chân tình những gì thuộc về mình, họ lại nhận ra rằng, họ thật ra rất giống nhau và hoàn toàn có thể thông cảm cho nhau. Đó là vì đằng sau những ấn tượng nông cạn bên ngoài, rút cuộc cái quan trọng nhất vẫn là tâm tư của con người, ai cũng mang trong mình những khắc khoải tìm được hạnh phúc, tình yêu, và sự thông cảm. Chỉ tiếc là nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được những thứ đó cho chính mình, cho dù bằng những hành động gây tổn thương đến những người xung quanh.
Khi ra về, ông Clem đã nói với tôi:
- Bất cứ lúc nào cha muốn đến chơi, gia đình chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp cha.
Epping, NSW ngày 4.12.2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment