Một ngày lạ thường

Buổi sáng bắt đầu rất bình thường. Mình thức dậy, làm những sinh hoạt ban sáng. Khoảng 8 giờ thì mình ra khỏi nhà để lo những công việc lặt vặt.

Từ tối qua điện thoại của mình mất sóng. Gọi đi không được. Gọi vào cũng không nghe. Mực trong máy in cũng hết. Mình phải đem hộp mực đi bơm để in tài liệu cho lớp học Anh văn.

Đến tiệm bán máy điện thoại của cô Kày, một giáo dân trong giáo xứ, mình trình bày vấn đề với cô. Mình lấy sim điện thoại (hãng True Move) ra thử bỏ vào máy của cô. Điện thoại có sóng bình thường. Bỏ lại vào máy mình thì không có sóng. Cô Kày lấy sim hãng 1-2-Call bỏ vào máy mình thì thấy có sóng. Cuối cùng mình quyết định mua một điện thoại mới, dùng được hai thẻ sim một lúc. Sim mới và sim cũ, vì sim cũ của mình ở vùng NBL này sóng rất yếu. Đi vào các làng là không sài được.

Vừa mở máy ra để thử thì nhận được cú điện thoại từ Cô Tú. Cô Tú hỏi mình đang ở đâu. Mình trả lời đang ở tiệm cô Kày. Cô Tú bảo cha về gấp vì bác Binh chết rồi. Mình chưa kịp trả tiền điện thoại thì lật đật quay về.

Từ khi chịu chức linh mục đến giờ mình chưa hề lo một lễ đám ma nào, nói gì đến lễ đám ma của người Thái (gốc Việt). Mình mới đến giáo xứ nên sách lễ và những thứ cần dùng mình cũng chưa biết đang nằm đâu. Mình cảm thấy thật vụng về. Nhưng cuối cùng thì mình cũng đến nhà bác Binh và cử hành thánh lễ sau khi gia đình liệm xác.
Bác Binh có con cái trở về từ xa. Những người con này đã lâu rồi không màng gì đến việc nhà thờ nhà thánh. Giờ mẹ qua đời, họ thấy muốn xưng tội để được rước lễ. Nên mình giải tội cho họ. Một số người tham dự thánh lễ hôm nay ở NBL nhưng không đi nhà thờ. Bây giờ trong gia đình có người chết nên không thể nào tránh tham dự thánh lễ. Có lẽ những dịp có người thân qua đời như thế này thì người ta mới quan tâm phần nào đến phần hồn. Giờ đây gia đình tổ chức đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ hàng ngày cho đến ngày chôn, mặc dầu trước đây gia đình không thường xuyên đi lễ. Mình cũng rất may có dịp này để gặp được một số giáo dân trong vùng mà mình chưa có dịp gặp gỡ vì mình chưa biết nhà họ, còn họ thì không đến nhà thờ.

Mình về lại giáo xứ khi đã sau 12h trưa. Mình nghĩ ngơi một lúc thì đi lo công việc tiếp. Đang chạy xe máy trên đường thì nhận được điện thoại của Cô Tú thêm lần nữa. Cô bảo mình tối nay tới nhà làm lễ. Mình nói không được. Mình làm lễ lúc sáng rồi. Tối mình không thể làm lại. Vã lại mình phải dạy Anh Văn tối nay nên không đến nhà được. Cô Tú bảo đáng ra có nhóm Đạo Binh Đức Mẹ đến đọc kinh nhưng họ bận việc ở nơi khác không đến được. Trong gia đình (đạo gốc) không ai biết đọc kinh cầu hồn như thế nào. Cuối cùng gia đình nhờ cô Fon đến để hướng dẫn mọi người đọc kinh.

Từ chiều đường dây internet không làm việc. Mình ghé qua văn phòng dịch vụ cho họ xem router. Họ bảo không thấy vấn đề gì. Về xem lại. Mình cũng đành chịu.

Mình ghé qua tiệm bán đồ IT để bơm mực, với giá 59 baht. Bơm mực xong, mình đi photocopy một số tài liệu cho lớp Anh Văn tối nay.

Xong việc, mình trở về nhà xứ. Mình mở túi lấy hộp mực ra thì phát hiện mực chảy đầy túi nylon. Mình đành quay lại tiệm hỏi tại sao như vậy. Nhân viên bảo vậy là hộp mực bị hư không thấm mực được, phải mua cái mới với giá 550 baht. Giá mắc qúa trời nhưng mình cũng phải cắn răng bỏ tiền ra vì cần in tài liệu cho lớp Anh văn.

Mình quay trở lại giáo xứ, ghé qua nhà của các seour để trình bày với các seour về chương trình giáo lý cho các em trong trung tâm mồ côi. Seour bề trên tỏ ra nghi ngờ về công việc của mình. Seour sợ rằng mình sẽ dùng tên của các em để đi quyên góp. Và nhiều em không muốn học. Các seour không muốn bắt buộc các em phải học, mặc dầu trong đó có nhiều em đã được rửa tội.

Mình trình bày cho các seour về dự định của mình và giúp cho các seour hiểu về vai trò của mình trong giáo xứ. Seour vẫn tỏ ra không tin tưởng. Seour bảo rằng sẽ trả lời cho mình sau.

Lễ chiều xong, mình mệt nhừ và chưa được ăn tối. Pyrat đến rủ mình đi đến nhà bác Binh để cầu nguyện. Mình nói không được vì phải dạy học lúc 7 giờ. Nhưng đến giờ dạy thì không thái có ai đến. Gần 8 giờ cũng chưa có ai. Mình đoán là những người sẽ đến học (4 chị em) có đứa cháu 7 tuổi mới qua đời tối hôm qua nên có lẽ đang lo chuyện gia đình. Nhưng không có ai gọi điện thoại đến nói với mình một câu.

Có một người khác đến tìm mình, đó là Bình. Bình ở Việt Nam mới qua Thái Lan tìm việc. Thoạt đầu Bình đến Udon Thani. Nhưng tuần này mới tìm ra việc ở Nong Bua Lamphu, gần nhà thờ. Tuần trước mình đi làm lễ ở Udon Thani nên gặp Bình ở đó. Bình xin mình sách học tiếng Thái. Mình đang nhờ người photocopy cho Bình. Chưa kịp đưa thì Bình đã tìm đến mình ngay tại nhà xứ. Bình ở rất gần mình nên hy vọng sẽ có dịp đi lễ ở đây.

Gần 8 giờ, mình và Pyrat đến nhà bác Binh. Buổi tối có khách đến chia buồn rất đông. Lúc ấy đã đọc kinh xong nên mọi người đang ăn tối. Mình ngồi nói chuyện ở một bàn có toàn người Việt. Một bác gái nói, bác cảm thấy thật vui khi nghe một người trẻ (là mình) nói tiếng Việt thông thạo như thế này.

Đến 9 giờ thì mình và Pyrat ra về. Hai người quyết định tìm đến một quán ăn để uống vài chai bia, nói chuyện cho bớt căng thẳng. Đang ngồi ở quán thì seour Helga gọi điện thoại đến nhờ ngày mai làm phép nhà cho các seour. Đó là căn nhà mà mình vừa dọn ra và các seour sẽ biến thành nhà ăn cho các em trong trung tâm.

Đây là những chuyện chính trong ngày với rất nhiều điều rắc rối cũng như thú vị.

Nong Bua Lamphu, ngày 29.5.2008

Cảm giác bận rộn trong ngày kỷ niệm 2 năm chịu chức linh mục


Bổng nhiên mình có cảm giác bận rộn làm sao. Những ngày này mình đang chuẩn bị dọn vào nhà mới. Tối nay mình phải thu gom đồ đạc để ngày mai chuyển nhà. Lại thêm một lần chuyển nhà nữa – một lần trong dường như hàng chục lần chuyển nhà từ khi bước vào đời sống tu trì.

Thứ bảy này mình bắt đầu dạy giáo lý và tổ chức sinh hoạt cho các em bị nhiễm HIV trong trung tâm mồ côi của các seour dòng Mẹ Têrêxa. Rồi cuối tuần thứ bảy và Chúa Nhật mình dạy Anh văn cho một nhóm học sinh trung học, vừa dạy đàm thoại, phát âm, vừa giúp cho các em chuẩn bị thi vào đại học. Hôm nay mình nhìn vào các câu hỏi của các bài thi từ những năm trước. Phải nói là những câu hỏi khó hơn trình độ của các em hiện nay rất nhiều.

Mới tối nay mình nhận được một cú điện thoại từ một cô gái con cô Lý bán quán ngoài chợ. Có ba chị em muốn mình dạy Anh văn cho họ. Cả ba đã tốt nghiệp đại học hoặc đang đi làm. Mục đích là muốn đàm thoại cho tốt và thông thạo hơn. Mình đồng ý dạy cho họ mỗi tối thứ ba và thứ năm. Mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ. Với nhóm này mình quyết định lấy lệ phí là 50 baht/giờ/người. Mình phải làm như thế này để có thêm tiền chi tiêu cho công việc trong nhà thờ. Đối với các em học sinh học ngày thứ 7 và Chúa Nhật thì mình yêu cầu các em phải trả 30 baht/ngày. Nhưng số tiền đó thì mình sử dụng để mua bánh kẹo cho các em ăn tráng miệng và để photocopy giấy tờ chứ không phải để kiếm tiền. Mục đích mình không dạy miễn phí là vì mình muốn các em phải có trách nhiệm trong việc học hành. Mình còn yêu cầu các em phải trả trước mình mới cho học.

Những công việc khác hiện nay là đang coi lại ngân sách của giáo xứ để xem mình có nên xin ngân sách mới từ giáo phận như thế nào. Với số tiền 9000 baht mà giáo phận cung cấp cho mình hiện nay thì thực sự là không thể nào đủ.

Tuần này mình cũng đang triển khai việc giáo dân đăng ký vào giáo xứ để biết được trong giáo xứ có bao nhiêu gia đình. Việc này có lẽ không dễ dàng vì nhiều giáo dân không đi lễ thì không biết họ có chịu đăng ký hay không. Dù sao đi nữa thì đây cũng là việc quan trọng cần làm dần dần để nắm được con số giáo dân ở vùng Nong Bua Lamphu.

Nói chung cũng có những điều đang tiến triển. Chúa Nhật vừa qua, một người giáo dân tên Arnold đã đồng ý đứng ra tổ chức việc dọn nước uống và thức ăn nhẹ sau thánh lễ 2 ngày/tháng để giúp cho giáo dân có cơ hội gặp gỡ và xây mối tương thân tương ái chặt chẻ hơn.

Có một giáo dân mới đến lần đầu tiên tên Mèm. Cô ta từng đi tu trong dòng Mến Thánh Giá, và hiện nay đang làm việc trong một sở ý tế trong làng. Cô ta nói rằng biết chơi đàn và sẵn sàng giúp chơi đàn trong thánh lễ. Chỉ có một điều là bây giờ nhà thờ chưa có đàn để chơi. Thế là mình phải nghĩ về cách kiếm tiền để mua đàn.

Mèm cũng cho mình hay cô ta từng dạy giáo lý trong nhà thờ. Đó là một điều rất tốt, vì có lẽ mình cũng sẽ cần đến sự giúp đỡ của cô ta trong việc dạy giáo lý cho các em.

Điều cuối cùng. Hôm nay mình kỷ niệm 2 năm chịu chức linh mục. Hai năm trôi qua thật nhanh. Nhìn lại cuộc hành trình của mình thấy thật nhiều biến đổi. Hai năm trôi qua, mình giờ đây đang ở một đất nước mới, nói một ngôn ngữ mới, và đang làm những công việc mới. Đây là điều kỳ diệu mà đôi khi chính mình cũng không hiểu nỗi tại sao nó lại đến với mình. Chỉ có Chúa mới biết tại sao. Mình cũng không bận tâm để đặt câu hỏi. Biết rằng Chúa biết câu trả lời thì mình cũng đủ an tâm.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.5.2008

Dạy giáo lý cho các em mồ côi bị nhiễm HIV


Từ thứ bảy tới trở đi mình sẽ bắt đầu tổ chức cho các em trong viện mồ côi sinh hoạt và học giáo lý. Trong số 21 em trong viện do các seour dòng Mẹ Têrêxa đảm trách, có khoảng một nữa đã được rửa tội.

Tuy nhiên việc nhiều em trong số đó được rửa tội là một điều không được tốt đẹp cho lắm. Trước đây có một linh mục chăm sóc giáo xứ. Ngài đã rửa tội nhiều em mà không hỏi ý kiến của các seour đảm nhiệm. Sau đó ngài đã đưa vào sổ rửa tội của giáo xứ.

Vì việc đã xảy ra nên mình buộc phải có trách nhiệm với các em đã được rửa tội. Bên cạnh đó những em chưa được rửa tội cũng nên được giáo dục để trở nên những con người đạo đức và đàng hòang, cho dù sau này em có được rửa tội hay không.

Khi mình đến gắp Sr. Helga để trình bày về vấn đề giáo dục các em, Sr. đã nói với mình rằng: - Ở đây chúng tôi chăm sóc về phần xác, còn việc phần hồn là của cha. Nên cha muốn làm như thế nào thì chúng tôi cũng chấp nhận.

Mặc dầu mình không hoàn toàn đồng ý với quan niệm của các seour về việc chăm sóc phần hồn là trách nhiệm của ai, nhưng dù sao đi nữa thì các seour cũng không phủ nhận vai trò của mình trong việc chăm sóc cho các em. Vì thế mình đã quyết định sẽ tổ chức cho các em sinh hoạt và học giáo lý.

Chuyện xem ra đơn giản những cũng không phải dễ dàng. Không biết vì phương pháp của các sour chăm sóc các em, hay vì các seour không nói được tiếng Thái nên khó răn bảo các em, mà những đứa trẻ ở đây rất nghịch phá. Trong 21 đứa, hết 19 là con trai. Nhiều em rất cứng đầu và không chịu nghe người lớn. Nhiều em thấy mình đi ngang qua chỉ trơ mắt nhìn chứ không biết nói một lời chào. Tuy nhiên cũng có nhiều em dễ thương và không đến nỗi dạy bảo không được.

Từ khi các seour thông báo cho các em biết là sẽ có việc học giáo lý thì Tôn đã tỏ ra phản đối không muốn học. Tôn năm nay 14 tuổi nhưng thân hình thì chỉ bằng đứa trẻ 10 tuổi. Tuy nhỏ con, nhưng Tôn lại là đầu đàn và tiếng nói của Tôn có sức mạnh đối với các em khác.

Tôn không chỉ không muốn học giáo lý, mà còn không muốn đi học ở trường nữa. Hôm nay mình đi Udon Thani về, gặp Tôn trong sân. Mình hỏi Tôn sao không đi học, em chẳng có một câu trả lời. Mình bảo Tôn ngồi xuống nói chuyện với mình. Em cũng ngồi, nhưng mình hỏi bao nhiêu cũng không chịu nói.

Mình hỏi Tôn có muốn mình dạy Anh văn ở nhà không. Nó lắc đầu. Mình hỏi em tại sao không muốn học. Nó chỉ làm thinh như bị ai cắt lưỡi.

Mình nghe cô Fốn bảo là Tôn bị các đứa trẻ khác ở trường chọc nên nó không muốn đi học. Nhưng cô bảo trước đây em rất dễ thương. Không hiểu tại sao những năm sau này tính tình em trở nên cộc cằn hẳn ra.

Thực ra mình cũng hiểu tâm trạng của các em, đặc biệt là những em đang ở tuổi dạy thì. Em càng ngày càng lớn lên, càng hiểu biết về thế giới và hoàn cảnh của mình. Không còn vô tư chạy nhảy như trước nữa. Những nỗi buồn càng ngày càng thay thế cho những tiếng cười và tiếng nô đùa. Chính vì thế nên các em lại rất cần có người quan tâm để những bức tường bảo vệ bản thân sẽ không được tiếp tục xây quanh các em nữa.

Nhình trước mắt mình thấy việc cho các em sinh hoạt và học giáo lý sẽ không dễ dàng. Nhưng đó là việc cần thiết mà mình phải làm, vì tương lai của những đứa trẻ tuy tính tình hung hăng, bợm trợn, nhưng lại cũng rất đáng thương.

Nong Bua Lamphu, ngày 26.5.2008

Giáo dục giới tính cho học sinh trung học


Hôm nay mình đi theo nhân viên của Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến một ngôi trường trung học để làm công tác giáo dục về giới tính. Tên trường là gì mình không nhớ, nhưng phải lái xe hơn một giờ đồng hồ trên con đường đầy ổ gà ổ vịt mới tới nơi. Xe cứ nhảy cà tưng cà tưng. Mình thì không lo cho bản thân, nhưng cứ lo cho chị Fon ngồi bên cạnh vì chị đang mang thai. Mình hỏi chị có sao không thì chị trả lời là không sao hết. Mình cũng yên tâm hơn.

Hôm nay là ngày thứ hai nhóm đến giáo dục cho các em. Có khoảng 130 em từ lớp 7 đến lớp 9. Khi đến nơi thì mọi người đã chờ trong hội trường. Không cần rườm rà. Vừa đến nơi thì Tôm, một tình nguyện viên của trung tâm nhảy vào với chương trình sinh hoạt để cho mọi người phấn khởi. Mà mình phải công nhân là Tôm giỏi cực kỳ. Những trò chơi, cử chỉ hài hước, và những bài hát sinh hoạt làm cho không khí vô cùng náo nhiệt. Mình nhận ra ở Thái Lan khi sinh hoạt hay có kèm theo một bộ trống. Mà khi tiếng trống vang lên thì làm cho mọi người muốn đi theo nhịp trống chứ không thể ngồi yên. Vì vậy việc đi theo vòng, xếp hàng, đứng ngồi của các em thật nhanh nhẹn và chính xác.

Chương trình giáo dục giới tính của trung tâm bao gồm những đề tài cần thiết để giúp cho giới trẻ hiểu thêm về vấn đề tình dục cũng như hậu quả xảy ra khi bước vào chuyện yêu đương khi chưa đủ trưởng thành. Chương trình cũng giúp cho các em hiểu về vấn đề HIV và những cách có thể bị lây cũng như không bị lây từ những người khác.

Nhóm nhân viên đã trình bày vấn đề với các em qua hình thức các sinh hoạt và trò chơi thay vì chỉ ngồi nghe giảng thuyết. Theo cô Fon, làm như thế thì các em dễ tiếp nhận hơn. Tuy nhiên khi nói đến các vấn đề nhạy cảm thì không thể nào tránh những tiếng cười và cử chỉ mắc cở từ các em. Đó cũng là một điều bình thường, mà ngày nay càng không giáo dục thì hệ quả lại càng nghiêm trọng trong giới trẻ từ vấn đề mắc bệnh lây nhiểm đến việc có thai ngoài ý muốn.

Hôm nay sau khi phát hiện ra Tôm rất có tài trong việc sinh hoạt giới trẻ cũng như tham gia nhiều công tác xã hội trong tỉnh, mình đã ngõ ý mời em giúp mình trong việc sinh hoạt với các em trong trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Bắt đầu từ tuần sau mình sẽ dạy giáo lý và sinh hoạt với các em. Tuần qua, mình phát hiện ra cha xứ trước đây vài năm đã rửa tội mười mấy em. Khi mình đưa danh sách từ sổ rửa tội cho sơ đảm nhiệm xem thì chính sơ cũng rất bất ngờ. Những đứa trẻ ấy được rửa tội từ lúc nào sơ cũng không biết. Theo sơ thì chỉ có vài em là đích thân sơ nhờ cha làm phép rửa tội vì khi đó các em đang bệnh nặng. Nhưng sau khi rửa tội xong thì các em đã khỏe mạnh lại.

Trong cuộc nói chuyện với sơ phụ trách, mình và sơ đã đồng ý rằng, dù như thế nào đi nữa thì những em này cũng đã được rửa tội. Vì thế cần phải lo việc đạo đức cho các em một cách đầy đủ. Mình quyết định sẽ dạy giáo lý để chuẩn bị cho các em nhận bí tích Thánh thể. Còn những em khác chưa rửa tội cũng sẽ học, và nếu sau này các em muốn được rửa tội thì sẽ ban bí tích. Tuy nhiên việc ép các em vào đạo thì không thể làm được, vì các em bây giờ đã có trí khôn.

Thế là dần dần việc mục vụ của mình tại giáo xứ này đang hình thành. Đây là những dấu chỉ tốt cho việc mình bước chân đến đây. Mình nhất định sẽ không ngồi không, nhưng sẽ cố gắng để giúp cho giáo xứ này trở nên một nơi sinh động, phù hợp với tính chất của một cộng đoàn Kitô giáo. Đó là ước mơ của mình. Mình hy vọng rằng đó cũng là ý định của Chúa.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.5.2008

Tin từ phương xa

Hôm nay thật lạ. Từ hôm qua công ty cung cấp internet làm công tác di chuyển đường giây mạng từ nhà xứ cũ sang nhà xứ mới nên mình không được vào mạng. Hôm nay trở lại thì phát hiện ra một loạt email gởi đến từ phương xa. Thư đầu tiên là của Long Phi, người bạn cùng lớp tu với mình phục vụ ở Chile gởi đến hỏi thăm. Đã khá lâu rồi hai đứa không liên lạc với nhau. Long Phi nói dạo nay rất bận rộn trong công việc mục vụ, mặc dầu bản thân chỉ là cha phó.

Mình cũng nhận được email của một người bạn tên Châu từ Canada. Châu trước đây cũng đi tu nhưng đã xuất và lấy vợ. Châu khoe cô vợ đã có thai được 5 tháng. Cuối tuần này Châu sẽ lái xe từ Canada xuống Chicago để tham dự lễ chịu chức của các anh em trong dòng. Dòng SVD của mình cứ cuối tháng năm mỗi năm là tổ chức lễ tấn phong linh mục.

Rồi mình lại nhận thêm email của cha Ken, là cha đào tạo mình khi mình mới bước vào chương trình thỉnh sinh của dòng vào năm 1998. Ngài gởi mấy tấm hình của căn nhà mà lớp thỉnh sinh ở trước đây và hình của cây mà lớp mình trồng trước nhà. Cha nói, cây này bây giờ cũng đang lớn dần như các anh em vậy. Nó có màu đỏ đậm rất hay, và rất tươi tốt.

Mình cũng nhận được tin buồn của Dì Uyên gởi về mẹ của Dì. Dì Uyên không phải là dì ruột của mình, chỉ là dì lại, nhưng rất thân thiết với gia đình của mình. Dì cũng là một ma seour dòng Mến Thánh Giá. Dì báo cho mình hay là mẹ của dì đã qua đời ở Việt Nam. Mẹ của dì linh hồn là Maria. Thực ra dì gởi email cho mình ở địa chỉ yahoo từ ngày 17. Nhưng mình ít vào email này nên không biết. Hôm nay mới phát hiện ra. Mình lập tức hồi âm cho dì để chia sẻ nỗi buồn với gia đình. Mình cũng hứa là ngày mai mình sẽ dâng lễ để cầu nguyện cho linh hồn Maria sớm về hưởng nhan thánh Chúa.

Hôm nay mình cũng nhận được lời trách móc từ một người bạn khác vì thờ ơ trong việc giữ liên lạc. Mới đầu mình bào chữa cho bản thân và cũng giận vì nghĩ rằng người khác không thông cảm cho mình. Nhưng nghĩ lại thì cũng thấy đôi khi mình cũng thờ ơ thật trong việc quan tâm đến những người thân bạn bè của mình. Cũng nhiều khi mình chạy theo công việc, theo những sinh hoạt cá nhân mà quên hẳn rằng cũng có nhiều người đang chờ tin của mình, đang chờ lời thăm hỏi từ mình, và sự quan tâm của mình đến họ.

Không hiểu sao hôm nay mình nhận được nhiều email gợi lên cho mình nhiều kỷ niệm cũ. Có lẽ đây cũng là một lời nhắc nhở với mình rằng, cho dù ở trong công việc và môi trường mới, nhưng đừng cắt đứt những mối quan hệ đã xây dựng được từ những năm trước đây. Có được những mối quan hệ thân thiết không dễ dàng tí nào. Nó cần rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng. Nếu để cho nó mất đi vì sự thờ ơ thì quả thật là đáng tiếc.

Nong Bua Lamphu, ngày 21.5.2008

Hồng ân Thiên Chúa bao la


Hôm nay mình đi tham dự lễ khấn của các thầy dòng Chúa Cứu Thế ở Nong Khai. Có hai thầy khấn trọn đời. Ngoài ra còn có một thấy khấn lần đầu và một số thầy khấn lại. Mình được gia đình của một trong hai thầy khấn trọn đời mời đến dự lễ, đó là thầy “Kềng”. Đây là một gia đình người Thái gốc Việt, và cũng là một trong những gia đình người Việt đầu tiên mà mình được làm quen khi bước đến đất Thái.

Nong Khai cách Nong Bua Lamphu gần hai giờ đồng hồ lái xe. Đây là một thành phố du lịch ở ranh giới Thái-Lào, ráp sông Mekong. Thoạt đầu mình nghĩ sẽ ngồi xe đò đi một mình. Nhưng sau đó thì quyết định rủ một người giáo dân đi cùng cho vui. Đó là anh Pyrat, người mà mình mới cho nhận bí tích thêm sức cách đây vài tuần. Mình nói với Pyrat là mình sẽ trả tiền xăng cho anh, vì thời gian này anh đang chờ đợi đi làm ở Đài Loan, nên cũng không có việc làm. Thoạt đầu mình nghĩ tiền xăng có lẻ chỉ mất khoảng 500 baht. Nhưng cuối cùng thì số tiền đó lên đến gấp đôi. Thời buổi này vật giá leo thang khủng khiếp, đặc biệt là xăng dầu.

Mặc dầu đi tốn tiền thật, nhưng mình lại rất vui khi rủ Pyrat đi chung. Suốt chuyến đi hai người nói chuyện với nhau rất thân thiện và chia sẻ với nhau nhiều điều. Pyrat chỉ thua mình hai tuổi nên có cảm giác như nói chuyện với một người bạn hơn là một người giáo dân. Đề tài được nói đến nhiều nhất là hồng ân của Chúa trong đời sống của mình. Pyrat tiết lộ:

- Trước đây tôi là một người tính tình nóng nảy, và cũng thích chơi bời. Lúc ấy tôi gặp người con gái nào cũng không ngần ngại lên giường với cô ta. Nhưng giờ đồng hồ ấy, hay những giây phút ấy không hề làm cho tôi thấy hạnh phúc. Nó chỉ là một thú vui nhất thời. Nhưng từ ngày tôi biết về Thiên Chúa, tôi cảm thấy như mọi sự đã thay đổi. Vấn đề chơi bời tôi không còn quan tâm nữa. Trong tôi cảm thấy hạnh phúc thực sự, và tôi cảm thấy trong mình thật bình an.

Người dẫn Pyrat đến với đạo Công giáo chính là người tình của anh. Nhưng đây không phải là một người đàn bà cùng lứa tuổi mà là một người đàn bà lớn tuổi hơn anh rất nhiều. Người đàn bà đó cũng đã từng có chồng và có hai người con. Người con trưởng chỉ thua Pyrat ba tuổi. Người yêu của Pyrat cũng là một người đạo theo. Nhưng từ khi theo đạo Công giáo, cô ta đã trở nên một người rất sùng đạo, và chính sự sùng đạo ấy đã giúp cho Pyrat ấn tượng với cô ta, và cũng ấn tượng với đạo Công giáo.

- Mặc dầu mối tình của tôi không giống như những gì bình thường trong xã hội, hay giống như những gì tôi từng nghĩ trước đây, nhưng đây là một người đã mang lại cho tôi hạnh phúc thực sự. – Pyrat chia sẻ. – Chúng tôi đã yêu nhau 5 năm. Cô ta đã giúp cho tôi biết đến Thiên Chúa, cảm nhận được những hồng ân mà Ngài ban cho tôi. Và đó là điều mà chưa từng có ai mang lại cho tôi. Giờ đây tôi không chỉ cảm thấy mạnh mẻ về thể xác mà còn về tinh thần nữa.

Thời gian trôi qua thật nhanh khi mình và Pyrat miệt mài chia sẻ với nhau về tình yêu của Thiên Chúa và những hồng ân mà Ngài ban tặng cho con người, cũng như cách con người đối xử với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa. Pyrat nhận xét:

- Thật là một phép lạ vì cha là người sinh ra ở Việt Nam, rồi sang Mỹ ở. Còn tôi chỉ là một người bình thường ở một tỉnh nhỏ nhất của nước Thái. Thế mà hai chúng ta lại được gặp nhau và được chia sẻ với nhau một cách thân thiết như thế này, như chúng ta đã quen biết nhau từ lâu. Tôi nghĩ rằng chỉ có Chúa mới làm được điều tuyệt vời như thế này.

Hôm nay đi lễ khấn trọn đời, mình gặp nhiều khuôn mặt quen thuộc. Đến tham dự một sự kiện trong giáo phận, mình không còn là khuôn mặt mới nữa. Giờ đây, mình quen biết các cha, các seour, các em chủng sinh, cũng như nhiều giáo dân. Mình cảm thấy rất “bình thường” không ngượng ngùng như những ngày đầu bước đến giáo phận. Giờ đây mình có thể đùa giởn với các cha, và tay bắt mặt mừng với một số giáo dân. Có lẽ do một phần giờ đây mình không còn “thất nghiệp” nữa. Mình đã có xứ riêng, có chương trình làm việc, và có dự án cá nhân. Điều này làm mình tự tin hơn và thoải mái hơn.

Sau lễ và tiệc trong khuôn viên giáo xứ, mình và Pyrat ghé sang chợ Đông Dương bên cạnh sông Mekong để xem đồ. Ở đó ngoài gặp món hàng “Trà Hoàng Gia” và “Trà Thanh Nhiệt” được nhập từ Việt Nam mình còn bất ngờ gặp vài tốp giáo dân cũng có suy nghĩ muốn ghé qua chợ như mình. Ba lần mình bất ngờ khi nghe giọng nói cất lên sau lưng: “Cha mua gì chưa?” Hoặc “Cha đang tìm gì đó?”

Đi chợ Đông Dương xong, mình và Pyrat lên xe trở về NBL. Nhưng trước đó lại ghé vào siêu thị Lotus để mua những thứ đồ cần thiết. Pyrat mua đồ tạp hóa về cho gia đình bán lẻ trong làng. Mình mua kẹo bánh về cho giới trẻ ăn trong những giờ học giáo lý và học ăn văn trong giáo xứ. Mỗi người tiêu hết hơn 1000 baht.

Về tới nhà thì trời đã chiều. Một ngày dài bắt đầu từ sáng sớm đã kết thúc một cách tốt đẹp. Mình bắt cơm rồi ăn với cá mòi đóng hộp mà mình mới mua về từ siêu thị Lotus. Ăn xong, mình đi tắm, thấy trong người mát mẻ và tỉnh táo ra. Giờ thì ngồi ghi lại những gì đã xảy ra trong ngày – với lòng tri ân hồng ân vô biên mà Thiên Chúa ban lại cho mình mặc dầu nhiều khi mình lãng quên không nhận ra những hồn ân tuyệt vời ấy.

Nong Bua Lamphu, ngày 19.5.2008

Làm "báo"


Thứ hai vừa rồi bổng nhiên mình nảy ra ý tưởng làm tờ thông tin liên lạc cho giáo xứ mỗi tháng một lần. Mình nghĩ trong đầu, ở NBL có người Công giáo, nhưng họ không đến nhà thờ. Nếu họ không chịu đến với mình thì mình phải đến với họ, và không đến trực tiếp thì đến gián tiếp bằng một tờ thông tin về giáo xứ. Đây cũng là một dịp tốt để mình tìm ra địa chỉ của những gia đình Công giáo trong tỉnh.


Mình có tính nghĩ gì ra là làm liền, nên tìm đến chị Fon. Chị Fon là một trong những giáo dân tích cực trong giáo xứ. Số người như chị chỉ đếm được trên một bàn tay. Chị cũng là nhân viên của trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của thầy Damien. Mình nhờ chị viết cho mình những tin tức trong giáo xứ thời gian gần đây. Ví dụ như giáo xứ có cha mới, việc xây nhà xứ đang ở giai đoạn kết thúc, có một em đang chuẩn bị vào tiểu chủng viện Dòng Chúa Cứu Thế, v.v. Ngoài ra mình cũng đăng những hình ảnh sinh hoạt của giới trẻ, tin tức từ TTĐMHG, và một vài bài chia sẻ.


Nói chung là tờ thông tin khá đơn sơ, nhưng cũng là một phương tiện tốt để mình tiếp cận với những người giáo dân có thái độ khá thờ ơ với giáo xứ, cũng như giúp cho mọi người rõ hơn về những gì đang xảy ra ở đây. Chỉ có một điều là tiếng Thái của mình chưa đủ tốt để tự viết những bài đăng trên tờ thông tin. Vì vậy mình phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, và đó là điều làm cho sự hoàn tất công việc không được nhanh chóng. Tuy nhiên, mình phải chấp nhận thực trạng. Và đây cũng là một kinh nghiệm dạy cho mình phải biết từ tốn và nương tựa vào những người xung quanh thay vì ôm mọi việc trong tay.


Nong Bua Lamphu, ngày 16.5.2008

Những đứa trẻ nghèo


Em trai này thử giày thấy vừa vặn nên mang luôn, không màng tới đôi dép cũ kỷ của mình nữa.


Cũng như bất cứ học sinh ở nơi nào, có được một bộ đồ mới để mặc đến trường là ước muốn của các em.




Khuôn mặt ngây thơ và hồn nhiên của bé trai này không nói lên được sự nghèo khổ mà em phải trải qua do có bố mẹ bị nhiễm HIV.



Một số em còn được nhận thức ăn như trứng gà và sữa tươi.


Ông ngoại đưa cháu đi nhận đồng phục.



Hai ngày qua mình cùng các nhân viên của Trung Tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại đi phân phát đồng phục, giày dép, và túi sách cho học sinh nghèo. Tất cả các em học sinh đều xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó, có cha hoặc mẹ, hoặc cả hai đều bị nhiễm HIV hoặc đã chết vì căn bệnh AIDS. Một số các em cũng đang mắc phải căn bệnh chưa có phương pháp chữa trị này.



Năm nay TTĐMHCG phân phát cả đồng phục lẫn giày và túi sách. Tuy nhiên, mỗi em chỉ được chọn đồng phục hoặc là giày/túi sách chứ không được cả hai. Mặc dầu mỗi bộ đồng phục không nhiều tiền, nhưng đối với gia đình của các em thì đây là một số tiền không dễ kiếm.

Hôm qua ở Sí Bùn Rường, do nhân viên bỏ quên một bao đồ ở trung tâm nên khoảng 10 em không được nhận giày và túi sách. Những em đó khi được biết hôm nay chưa được nhận buồn đã buồn cực kỳ. Đến lúc lên chụp hình lưu niệm các em không chịu lên vì không được nhận đồ. Tuy nhiên, những món đồ bỏ quên đó thì nhân viên TT cũng đã tìm ra và sẽ giao lại cho những người cộng tác viên ở Sí Bùn Rường để đưa đến cho các em kịp ngày khai giảng năm học.

Hôm nay cũng diễn ra cảnh trao quà cho các em như vậy ở một địa điểm khác, nhưng lần này thì không bị thiếu đồ. Chỉ có một điều đáng tiếc là một em trai học lớp 6 nhận được đôi giày to qúa cở vì mẹ em báo cở không chính xác. Khi xỏ giày vào thấy không mặc được, em buồn lắm. Mẹ dỗ chừng nào cũng không chịu nghe. Mình thấy em tội nghiệp quá nên trước khi ra về mình giao cho người mẹ một số tiền để mua giày mới cho em. Hy vọng rằng sau khi có giày mới vừa cở thì em sẽ không còn buồn như sáng nay nữa.

Nong Bua Lamphu, ngày 13.5.2008

"Dụ dỗ" giới trẻ








Hôm nay mình dẫn nhóm giới trẻ đi dã ngoại ở một điểm du lịch cách nhà thờ khoảng 65 cây số. Điểm đến có tên là Bang Sen II. Chuyến đi chơi này được tổ chức trước khi các em trở lại năm học vào tuần tới. Ngoài mục đích chó các em vui chơi cho thoải mái sau những ngày “học hè” căng thẳng thì mình còn muốn tìm cách để xây mối quan hệ gần gũi với các em và xây dựng cho các em tinh thần phấn khởi để xiêng năng đến nhà thờ cũng như tham gia vào những sinh hoạt trong giáo xứ. Khi mình nói về kế hoạch của mình với một người bạn thì anh ta chọc mình đang đi dụ dỗ con nít.

- Đúng là dụ dỗ con nít thật. – Mình trả lời. – Nhưng chỉ là dụ dỗ cho nó đi nhà thờ và có tinh thần đạo đức thôi, chứ không dụ dỗ chuyện bậy bạ.

Từ ngày mình thực hành kế hoạch “mua chuộc” giới trẻ thì chi phí tiêu sài bổng gia tăng lạ kỳ. Đa số là đi vào việc mua thức ăn cho tụi nó ăn. Đứa nào cũng ở tuổi học sinh nên nó ăn dường như không biết ngừng. Khi mình ở một mình thì mình ăn uống rất đơn giản. Nhưng khi có các em đến nhà xứ thì mình phải có đồ ăn mà tụi nó ăn được, đặc biệt là những thứ đồ ăn vặt.

Dù sao đi nữa thì mình cũng rất vui khi thấy trong giáo xứ bé tí tẹo cũng có những khuôn mặt trẻ trung và đầy sức sống. Có những bạn trẻ dễ thương và biết lắng nghe. Và còn có bạn trẻ như em Luked đã từ mình tìm đến nhà thờ muốn tìm hiểu đạo Công Giáo, và từ mình xin phép bố mẹ cho vào đạo. Em mới đuợc rửa tội dịp lễ Phục Sinh vừa qua và đang học giáo lý để nhận bí tích thêm sức vào năm tới. Luked con dẫn một người bạn của mình là em Teng đến nhà thờ và em Teng cũng theo đạo với Luked. Đứa em trai của Luked, tên Kêm, năm nay 13 tuổi cũng muốn theo chị mình. Hôm qua mình hỏi Kêm: - Nếu cha mở lớp dạy giáo lý em muốn học không?

Kêm trả lời là có. Mấy ngày nay Kêm đến nhà xứ chơi hằng ngày. Nó có tính tình rất hiền lành và dễ bảo giống như người chị gái của nó. Nếu có được những đứa trẻ dễ thương như thế này trong giáo xứ, mình sẽ không tiếc tiền tí nào để “mua chuộc” tụi nó. Chỉ có điều là mình phải cố gắng tìm ra tiền để làm điều này vì quỷ giáo xứ mà giáo phận trao cho mình mỗi tháng chỉ 9,000 baht (chưa đến 300 USD). Trong 9,000 đó bao gồm tiền điều hành giáo xứ, cũng như tất cả chi phí ăn uống, đi lại, mua sắm v.v. của mình. Vì chi phí thì nhiều mà tiền giáo phận cung cấp thì quá ít nên mình cũng gặp khó khăn trong việc ngân quỹ. Mình thì cũng không có tiền riêng và không có nguồn tài trợ nào. Đó là điều mình cần giải quyết nếu mình muốn làm việc mục vụ đa dạng hơn trong tương lai.

Nong Bua Lamphu, ngày 9.5.2008

Đi cho biết đó biết đây


Hôm nay cô Tu, một giáo dân trong giáo xứ chở mình đi một vòng Nong Bua Lamphu. Mục đích là đi thăm giáo dân, những người đã từng bước chân qua cửa nhà thờ tại đây, cho dù chỉ vào những lần trong gia đình có chuyện như cho con rửa tội, hoặc xin lễ giỗ cho người thân.

Mình ghé qua một cửa tiệm bán điện thoại di động lớn trong thành phố. Chủ nhân là người Thái gốc Việt. Cô chủ tiệm ra tiếp chuyện ở quầy bán. Bên kia đường là một tiệm bán đồ xây dựng, do người chồng đảm trách. Mình không ghé qua thăm tiệm của người chồng.

Sau đó cô Tu đưa mình đến một căn nhà to đùng ở con đường chính ra vào thành phố. Phía trước là cửa tiệm bán xe Nissan. Chủ nhân của cửa tiệm ấy cũng là một người Thái gốc Việt. Trong nhà có tới 10 người giúp việc, toàn là những người lao động đến từ Nghệ An. Mình hỏi xem có ai bên đạo Công giáo không, nhưng chẳng có ai.

Trong nhà có bà cụ bà năm nay đã 97 tuổi mà trí óc vẫn minh mẫn không thể ngờ. Mình vào nói chuyện với cụ một lúc. Cụ không hề bị lãng tai, nói câu nào hiểu câu đó. Cụ nói hoàn toàn với giọng Hà Tỉnh. Tiếng Thái cụ không hiểu nhiều lắm vì cụ qua Thái Lan lúc cũng đã lớn tuổi. Cụ không theo đạo Công giáo, nhưng trước đây thì đi nhà thờ luôn. Lý do gia đình có đạo là vì bên con rể là theo đạo Công giáo. Tuy nhiên, trong căn nhà tò đùng ấy mình không thấy có bàn thờ Chúa Mẹ gì cả.

Sau khi rời căn nhà to đùng thì cô Tu đưa mình đến một căn nhà bình thường hơn. Ở đó có hai ông bà ở với nhau. Con cháu thì ở xa, có người mở khách sạn ở khu du lịch Phuket tận phía nam. Hai ông bà còn tương đối khỏe nên tự lo cho bản thân. Con cái mỗi tháng gởi tiền về để cho ba mẹ tiêu xài.

Đến thăm, bà cụ đưa một dĩa khoai lang luộc ra mời mình ăn. Đây là món ăn mà mình đã không được ăn từ lúc còn rất nhỏ. Đây là khoai lang luộc, rồi cắt ra từng lát, đem phơi khô. Khi ăn vừa ngọt vừa dẽo.

Ngoài ra còn có mít ướt vừa rụng xuống từ một cây trong vườn cũng đem ra mời mình ăn. Lúc đó cũng đã 12h trưa, mình đói meo vì chưa ăn sáng nên được mời những món ăn đó mình khoái lắm. Nhà của hai ông bà thì có nhiều tượng ảnh Chúa Mẹ lắm, khác với căn nhà to đùng kia.

Cũng còn nhiều nơi nưa mình chưa được đi. Rồi dần dần mình sẽ đi. Đa số trong họ là người Việt. Nhưng họ không mấy đi lễ. Thấy ông cha tới nhà thì cũng không tỏ ra niềm nở cho lắm. Mình nghỉ đến đây cũng thấy hơi buồn. Buồn không phải mình mong có được sự đón tiếp nồng hậu vì mình là ông cha. Mình chỉ buồn là sự đón tiếp nguội lạnh ấy cũng nói lên phần nào tinh thần đạo đức của những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và còn các bí tích khác nữa.

Nong Bua Lamphu, ngày 6.5.2008

Ngày Chúa Nhật đẹp trời






Hôm qua mình lần đầu tiên làm bí tích thêm sức cho anh Pyrat, một thanh niên người Thái. Đáng ra thêm một thời gian học giáo lý nữa ánh mới được thêm sức như các bạn trẻ khác trong lớp. Nhưng anh Pyrat đang chuẩn bị đi Đài Loan làm việc 3 năm. Anh sợ rằng khi ở Đài Loan sẽ không có nơi để học giáo lý và thêm sức, nên anh xin cho được thêm sức trước.

Tuần qua mình gặp Pyrat hằng ngày để dạy cho anh khóa “cấp tốc” để kịp lãnh nhận bí tích. Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, mình cũng mời anh lên chia sẻ về hành trình đức tin của mình cho mọi người nghe. Việc này một phần là giúp cho anh tập làm chứng cho đức tin của mình như Chúa Giêsu đã ra lệnh các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm qua, và một phần để cho giáo dân nghe những người khác chia sẻ về đức tin, không chỉ các linh mục.

Sau lễ có dọn một ít thức ăn nhẹ và nước giải khát để mừng anh Pyrat cũng như tạo cơ hội cho giáo dân ở lại gặp gỡ nhau nhiều hơn. Riêng với bọn giới trẻ thì mình đã dẫn cả nhóm đi ăn trưa kiểu “trải chiếu ngồi bệt dưới bóng cây” ở một quán vĩa hè dọc bờ hồ trong phố. Khi ăn thì ai nấy đều cười nói rất vui nhộn. Chỉ có điều là sau đó trở về nhà thờ học giáo lý thì ai cũng ngủ gà ngủ gật.

Tuần qua một bạn trẻ Việt Nam tên Đoàn từ Bangkok đi làm hộ chiếu ở Lào đã ghé qua và ở lại với mình. Tối Chúa Nhật thì cũng là lúc mình đưa Đoàn ra bến xe. Trước khi về, mình và Đoàn chạy khắp phố để tìm nơi ăn tối. Mình mới đến NBL không bao lâu nên những quán ăn mình cũng không mấy rành. Cuối cùng thì mình ghé qua chợ đêm và bước vào một quán ăn bình dân.

Mình và Đoàn xem thức ăn trên bảng và hỏi nhau muốn ăn gì? Cuối cùng thì quyết định là sẽ ăn cơm gà luộc và kuấy tiếu (món ‘phở’ của người Thái). Vừa ngồi xuống bàn để đợi thức ăn thì bà chủ tiệm tới hỏi bằng tiếng Việt:

- Hai anh người Việt hả?

- Vâng. Tụi con người Việt. – Mình trả lời. – Vậy cô cũng là người Thái gốc Việt. Ồ hay quá.

- Hai anh làm việc ở NBL hả?

- Dạ thưa không. Anh này làm ở Bang Kok. Còn con là linh mục đạo Công giáo. Con làm việc ở nhà thờ và trung tâm HIV gần bến xe tỉnh.

- À bác biết chỗ đó rồi.

Chồng của bà chủ cũng tới trò chuyện và làm quen với mình và Đoàn. Ông ta là người Lào nên không nói được tiếng Việt.

- Tôi cũng biết cô Fon, là người làm việc ở trung tâm HIV. Cô hay đến đây mua thức ăn.

- Thưa bác, ở đây bác có người làm là người Việt không?

- Có một người. – Bà chủ chỉ vào một chị đang bán hàng ở quầy thức ăn. – Lúc hai anh vào nó nghe nói tiếng Việt nên nó nói với tôi.

- Thưa bác, chị ấy có theo đạo Công giáo không? – Mình hỏi.

Bà chủ không biết. Bà gọi chị lại cho mình gặp. Chị tên Tâm. Chị Tâm nói là chị có đạo, đến từ Hà Tỉnh 5 năm rồi, nhưng không đi lễ được vì phải làm từ 6h30 sáng tới khuya mỗi ngày.

Mình tự giới thiệu mình là linh mục đang coi nhà thờ ở gần đây. Mình hỏi chị có nhiều người Việt Công giáo ở NBL không? Chi nói cũng có, nhưng không ai đi lễ được vì không có giờ và không biết nơi.

- Em nhờ chị Tâm một điều nhé. Em nhờ chị thông báo lại cho các bạn là ở NBL có một cha người Việt Nam đang làm việc ở đây. Và sắp đến sẽ có thêm một cha nữa. Em muốn tìm cơ hội để gặp gỡ các bạn và tìm cách giúp đỡ các bạn trong vấn đề đạo đức.

Chị Tâm ghi lại cho mình số điện thoại để liên lạc. Thế là một trong những dự định của mình đã có một bước tiến nhất định, đó là tìm những người Việt lao động tại NBL để làm việc mục vụ cho họ. Chắc chắn điều này sẽ gặp phải khó khăn, nhưng mình biết rằng, nếu mình không giúp thì sẽ không mấy ai quan tâm. Vì thế mình hy vọng sẽ tìm ra được cách nào đó để thực hiện công việc này tới mức nào có thể.

Nong Bua Lamphu, ngày 5.5.2008

Đi lễ Tha Re





Hôm qua mình cùng 4 giáo dân từ Nong Bua Lamphu lái xe ba tiếng rưởi đồng hồ để đi tham dự mừng lễ quan thầy tại nhà thờ chánh tòa ở giáo phận Tha Re. Cô Éo là người gốc Tha Re, có chi em ở gần nhà thờ chánh tòa. Cô nói mỗi năm vẫn có giáo dân từ đó đến tham dự lễ quan thầy của mình, nhưng mình chưa bao giờ đi một lần. Vì thế lần này cô muốn tổ chức đi để đáp ơn.

Mình cũng chưa bao giờ đến Tha Re nên cũng muốn đi để làm quen. Tha Re là giáo phận có nhiều người Công Giáo nhất Thái Lan. Và ở đây cũng có rất nhiều người Công Giáo gốc Việt Nam. Có người di cư đến đây từ những năm người Việt Nam bị bắt đạo từ các thế kỷ trước.

Đến Tha Re, xe ghé qua nhà người chị của cô Éo. Ở đó mình gặp một bà cụ, gốc người Hà Tỉnh. Bà còn nói được một ít tiếng Việt. Mình hỏi bà:

- Thưa bà, bà sinh ra ở đâu?

Bà cụ không hiểu. Mình hỏi lại thêm lần nữa. Bà vẫn không hiểu. Bà bảo mình hãy dịch sang tiếng Thái. Dịch xong rồi thì bà cho hay là nếu hỏi như vậy thì bà sẽ nói rằng:

- Đẻ ra ở mô?

Bà chỉ hiểu được câu “đẻ ra ở mô” chứ “sinh ra ở đâu” thì bà không biết.

Ở giáo phận Tha Re cũng có rất nhiều linh mục là gốc người Việt, và vẫn nói được tiếng Việt một ít. Tuy nhiên, cha phó của nhà thờ chánh tòa mới chịu chức được 1 năm thì không nói được. Đức Giám Mục của địa phận cũng là gốc Việt, và nghe đâu Ngài nói tiếng Việt còn tốt. Nhưng mình chưa được nghe.

Sau khi lễ kết thúc, các cha vào nhà xứ để ăn trưa. Mình đang ngồi ăn và trò chuyện với các cha cùng bàn thì có một seour Dòng Mến Thánh Giá Tha Re đến chào mình và từ giới thiệu:

- Thưa cha, con là cô của chị Tâm ở Bangkok. Lúc nảy con nghe một cha nói với con là có cha người Việt Nam đến dự lễ nên con tìm đến gặp cha.

- Ồ, Seour là cô của chị Tâm à? Con chào seour nhé. – Mình vừa bất ngờ vừa vui mừng khi gặp được người thân của người quen.

Seour mời mình qua thăm nhà dòng của các seour gần nhà thờ chánh tòa. Ở đó mình còn được gặp seour bề trên của hội dòng cũng như nhiều seour khác, trong đó có không ít các seour là gốc Việt. Các seour đón tiếp mình rất nồng nhiệt và còn mời mình xuống thăm lần tới và ở lại ở nhà khách. Dòng Mến Thánh Giá Tha Re rất rộng và đẹp với một khu vườn thật tuyệt vời. Mình nghĩ rằng đây có thể sẽ là nơi đến để cắm phòng trong tương lai.

Mình nói với seour bề trên rằng mình có một người Dì cũng là seour Dòng Mến Thánh Giá ở Hoa Kỳ. Seour bề trên đáp: - Vậy thì chúng ta xem như là chị em với nhau. Vậy rất là tuyệt vời.

Mình còn rất muốn ở lại trò chuyện với các seour, nhưng những người giáo dân ở NBL đang chờ mình ngoài nhà thờ để trở về. Vì thế mình phải tạm biệt các seour và hẹn vào một dịp khác.

Chuyến đi về lại NBL mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Khi về đến nơi thì trời tối, không phải vì trể mà vì mây đen bao phủ đầy trời. Mình trở về kịp để dâng lễ chiều, và sau đó là nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Nhật, mừng Chúa Giêsu về trời.

Chuyến đi Tha Re đã để lại những ký ức tốt đẹp trong tâm trí mình, và cũng là lần đầu tiên mình đi với giáo dân tại NBL. Mình hy vọng rằng những sinh hoạt như vậy sẽ giúp cho mình gần gũi và gây tình thân ái với giáo dân nhiều hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 4.5.2008

Đi phát đồng phục học sinh

Cứ đến đầu tháng 5 mỗi năm trước khi năm học mới ở Thái Lan bắt đầu thì các nhân viên của trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do thầy Damien điều khiển đi phân phát đồng phục học sinh ở các tụ điểm khác nhau trong tỉnh Nong Bua Lamphu.

Sáng nay chiếc xe 15 chỗ đa đưa mình và các nhân viên đến một bệnh viện cách giáo xứ 70 cây số để phân phát đồng phục học sinh và một số đồ đạc khác cho người dân ở đây.

Đối tượng học sinh được nhận đồng phục miễn phí là các em xuất thân từ gia đình nghèo khổ có bố mẹ bị nhiễm HIV, hoặc đã qua đời vì căn bệnh SIDA. Một số ít các em cũng bị nhiễm HIV. Hôm nay số đồng phục được mang theo để phân phát là 130 bộ theo kích thước của các em đặt trước.



Cô Fon là trưởng nhóm chào hỏi mọi người và giới thiệu nhóm nhân viên của TT.

Ghế không đủ ngồi một số các em phải ngồi trên cỏ. Hôm nay phòng lớn của bệnh viện được dùng để họp nên việc tổ chức phát quà phải diễn ra trong một khu có rất nhiều cây cối bên ngoài bệnh viện.

Các em xếp hàng để nhận đồng phục. Mình giúp nhân viên phát đồng phục cho các em.





Mỗi bộ đồng phục đều có ghi tên của các em nên không sợ bị lẫn lộn. Một số các em không có mặt nên phải nhờ phụ huynh hoặc người thân lên nhận thế.


Khi nhận đồng phục rồi thì các em mặc thử xem có vừa không. Vì không có nơi thay quần áo nên việc mặc thử phải diễn ra ngay tại "hiện trường".



Không có nơi thay áo quần hẳn hoi thật là bất tiện, nhưng các em vẫn vui vẻ thử đồ.


"Sao bạn thấy đồng phục mới có đẹp không?"



Các em bé này kiên nhẫn xếp hàng để đến phiên mình nhận đồng phục.



Cu tí chưa đến tuổi đi học nên không được nhận đồng phục, nhưng cũng muốn lên xếp hàng với các anh chị.


Hôm nay mình bận chiếc áo Ngày Giới Trẻ Thế Giới do giới trẻ Việt Nam tại Úc Châu làm. Mình được tặng chiếc áo này trong chuyến đi Úc vừa qua.



Mặc xong những em nào có mặt để nhận đồ thì xếp hàng để chụp một tấm ảnh lưu niệm.


Nong Bua Lamphu, ngày 2.5.2008