Một cuộc hội ngộ đặc biệt

Hôm nay nhà thờ nhỏ bé của mình là địa điểm cho một thánh lễ khá hoành tráng có ĐGM giáo phận và gần 20 linh mục đến tha dự. Đó là thánh lễ bế mạc tuần họp của các cha/thầy dòng SVD đến từ các nước Á Châu - Thái Bình Dương đang phụ trách công việc công lý và hòa bình của hội dòng. Tuần qua các ngài đã tụ họp ở NBL để hội thảo và trao đổi về công việc của các ngài.

Hôm nay là ngày cuối cùng. Thánh lễ bế mạc diễn ra tại nhà thờ của mình, có sự hiện diện của ĐGM Joseph Luuchai, ĐGM giáo phận Udon Thani chủ tế trong thánh lễ. Ngoài ra có đại diện của hội dòng đến từ Roma cũng như cha giám tỉnh dòng đến từ Úc. Trong thánh lễ có một số giáo dân, cũng như khách mời và giới trẻ đến tham dự và giúp trong buổi tiệc sau thánh lễ.

Thánh lễ được cử hành hoàn toàn bằng tiếng Anh và các bài hát cũng bằng tiếng Anh. Mình có cho các bạn trẻ tập trước để hát được trong thánh lễ. Ngoài ra còn có một số bài tiếng Thái. Có lẽ mục đáng chú ý nhất trong thánh lễ là lúc các cha đến từ các nước lên dâng lời nguyện giáo dân bằng ngôn ngữ nơi mình đang làm việc. Có cha người Châu Phi mà lại nói tiếng Hoa.

Sau thánh lễ có bữa tiệc tại nhà sinh hoạt của giáo xứ. Tiệc dành cho khách mời chỉ khoảng 60 người rất ấm cúng và vui vẻ. Trong bữa tiệc giới trẻ lên trình diễn những màn múa truyền thống để giúp vui cho khách.

Không khí trong bữa tiệc giản dị nhưng đầy tình người. Các bạn trẻ hăng say phục vụ thức uống cho khách. Các cha các thầy đều tỏ ra rất ấn tượng với phong cách chào đón thân thiện trong giáo xứ. Chính các cha cũng đã để lại ấn tượng tốt cho người địa phương. Thồn, người bạn trẻ Thái nói rằng: Hình như tính chất của các cha/thầy dòng SVD là đơn sơ và thân thiện.

Khi ra về nhiều người đã đến cám ơn mình vì bữa tiệc đã được tổ chức một cách chu đáo. Bề trên từ Úc nói với mình: Đây là một kết thúc rất tốt đẹp cho những ngày họp vừa qua. Thầy Jay, người chịu trách nhiệm tổ chức nói với mình rằng: - Thầy chỉ nghĩ là sẽ có thánh lễ và bữa cơm giản dị, không ngờ có sự tổ chức long trọng như thế này.

Các bạn trẻ cũng đã tỏ ra rất phấn khởi khi chứng kiến phong cách thân thiện và vui vẻ của các cha và ĐGM. Ngài đã tỏ ra vô cùng hòa nhả và hòa đồng với những người anh em trong dòng cũng như các giáo dân. Mình tin rằng ĐGM Luuchai sẽ trở nên một vì giám mục mà có rất nhiều người yêu quý vì ngài là một con người đơn sơ, hiền hòa, và khiêm nhường.

Giờ này đã gần 10h. Mình hơi mệt nên đi nghĩ trước. Các bạn trẻ VN đang "nhâm nhi" ngoài sân nhà thờ vì có một số thức ăn còn lại. Ngày mai mình sẽ đưa bà Renee đi dã ngoại với một số bạn trẻ. Sinh hoạt ở giáo xứ mình hình như ngày càng phong phú.

Nong Bua Lamphu, ngày 30.4.2010

Mùa hè qua đi


Mùa hè dường như đã kết thúc cùng với các sinh hoạt hè của giáo xứ, đặc biệt là hai chương trình học và sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi lớp 1 tới lớp 6 cũng như cắm trại giới trẻ. Cả hai đều đã diễn ra thành công tốt đẹp. Năm này cả hai sinh hoạt này đếu có số người tham dự nhiều hơn - cả sinh hoạt viên cũng như cộng tác viên. Ví dụ như trại hè năm ngoái chỉ có hai linh mục phụ trách giảng thuyết và hai thầy phụ trách phần sinh hoạt thì trại hè năm này có 3 linh mục phụ trách giảng thuyết và 4 thầy phụ trách sinh hoạt. Vì thế cho nên trại hè năm nay có nhiều điều mới và phong phú hơn.

Đối với chương trình thiếu nhi cũng thế. Năm nay số học sinh tham dự đông hơn năm ngoái khoảng 80%. Thực ra số em còn có thể đông hơn nữa nhưng vì chương trình không đủ người giúp cho nên không dám nhận nhiều quá. Năm nay cũng là một năm mà thời tiết nóng cực kỳ và làm cho các em nhiều khi cảm thấy khó chịu. Thế nhưng có nhiều em không bao giờ vắng mặt, và có em đã còn khóc khi bố mẹ bận công việc xin cho nghĩ vài ngày.

Hôm qua đã các cộng tác viên trong chương trình mùa hè tại nhà thờ đã ngồi lại để đúc kết và chia sẻ cảm xúc, trong đó có những người phụ trách việc dạy học, việc sinh hoạt, trò chơi thể thao v.v.. Ai nấy đều chia sẻ rằng đã có một kinh nghiệm thật tốt và rất hài lòng với những gì chương trình đã làm được. Đọc lại bản đúc kết lượng giá thì các em thiếu nhi cũng như các phụ huynh cũng đã rất hài lòng, và rất muốn có chương trình học tập và sinh hoạt hè này nữa trong tương lai.  

Tuần qua bà Renee, tình nguyện viên tại giáo xứ đã tập hợp một số hình ảnh mà bà đã chụp trong trại hè vừa qua để làm thành một video. 

Nong Bua Lamphu, ngày 29.4.2010

Cậu qua đời đột ngột

Mình thức dậy sáng thứ tư thì nhận được điện thoại từ gia đình cho hay Cậu Sỹ (anh trai của mẹ) đã qua đời tại Việt Nam. Mẹ nói cậu Sỹ là người anh em duy nhật còn lại của mẹ. Mẹ muốn mình cố gắng sắp xếp công việc tại giáo xứ để đi Việt Nam dự lễ đám tang.

Nghe mẹ nói vậy mình đành thu xếp công việc để đi. Vào sáng thứ sáu mình đã có mặt tại Việt Nam. Hương, người con gái của cậu cũng đã về đến VN từ Hoa Kỳ. Mình gặp Hương ở ngã tư Hàng Xanh và cùng nhau đi xuống Bà Rịa.

Ở nhà cậu khách đến thăm viếng và đọc kinh thật nhiều. Có rất nhiều bà con xa gần đến viếng xác. Nhiều người bà con xa đến nỗi bắn canon cũng không tới. Nhưng họ vẫn có tình cảm với cậu nên họ đã đến viếng xác và dự lễ tang. Có rất nhiều khuôn mặt lạ nhưng mình được cho biết đó là bà con nên mình cũng nhận hết. Hóa ra đám tang không chỉ là một dịp để đưa tiển người quá cố mà còn là một cơ hội hiếm có để tìm lại bà con mà chắc chắn rằng nếu không có sự kiện này thì dường như chẳng bao giờ được gặp mặt.

Sáng thứ bảy là lễ đưa đám của cậu tại nhà thờ. Mình không được đồng tế vì luật giáo phận không cho phép. Mình phải ngồi dưới hàng ghế giáo dân. Người đi lễ khá đông, gần đầy nhà thờ. Việc đưa đám diễn ra bằng đi bộ từ nhà cậu đến nhà thờ khoảng 1,5 km. Từ nhà thờ đi ra nghĩa trang cũng đi bộ như vậy. Chỉ riêng quan tài thì có xe chở ra nghĩa trang, không phải khiêng hòm như khi đi từ nhà ra nhà thờ.

Tối Chúa Nhật mình lên máy bay trở về Thái Lan. Người hơi mệt mỏi nhưng cũng vui vì mình đã sắp xếp để đi dự đám tang của cậu được. Chắc chắn có sự hiện diện của mình gia đình cũng phần nào được an ủi hơn trước cái ra đi đột ngột của cậu.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.4.2010

Trang sách mới đầy nỗi niềm và thao thức

Tuần trước một người bạn ở Bangkok gọi điện thoại tới cho mình nói rằng anh ta nằm mơ thấy dấu chỉ về mình. Anh nói rằng trong tương lai gần đây sẽ gặp vấn đề rắc rối với các seour đang làm việc trong giáo xứ. Anh ta nói mình phải làm một trong ba điều: 1) nói chuyện với các seour một cách thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề khó khăn; 2) gởi thư cho ĐGM xin có sự thay đổi các seour chăm sóc nhà trẻ mồ côi; 3) đi gặp và nói chuyện với ĐGM về vấn đề các seour.

Khi nghe như vậy mình cũng tỏ ra không tin lắm, nhưng mình cũng nói với anh bạn rằng thì gần đây mình cũng đã đi gặp ĐGM và có chia sẻ về những khó khăn giữa mình và các seour, vì có những điều các seour làm mà mình thấy không đúng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho các em cũng như cho giáo xứ. Mình trấn an với người bạn rằng như thế là xem như mình đã làm một trong ba điều mà anh nêu lên. 

Thế nhưng tối hôm nay đã có một sự việc xảy ra làm mình phải nghĩ lại điều mà anh bạn đã chia sẻ với mình. Đó là việc có hai seour chăm sóc nhà trẻ tìm đến mình để trình bày những điều mà mình chưa từng biết về những khó khăn của các seour. Sự cố đưa đến cuộc đối thoại này là có trẻ của các seour đã vào phòng Thồn, người giúp việc của giáo xứ để ăn cắp tiền và điện thoại di động và đã bị bắt gặp quả tang. Tiền bị ăn cắp là tiền của nhà thờ mà Thồn đang tạm giữ trong phòng riêng củ mình phía sau nhà thờ. Hóa ra đây không phải là lần đầu tiên bọn trẻ vào phòng của Thồn mà đã nhiều lần rồi và đã ăn cắp nhiều lần. Có khi vào phòng mở TV xem một cách tỉnh bơ trong khi Thồn không có trong phòng. 

Khi Thồn bắt gặp quả tang trẻ ăn cắp đồ thì đã đến trình bày với các seour. Thoạt đầu các seour định chỉ đưa tiền lại cho Thồn để khỏi gây khó khăn cho em đối với mình. Nhưng sau khi trình bày với bề trên vùng Đông Á thì Bề Trên đã khuyên các seour nên tìm đến mình để nói chuyện. Hóa ra việc các trẻ ăn cắp đồ trong phòng Thồn hoặc những đồ linh tinh trong nhà thờ chỉ là cái ngọn mà thôi, còn có rất nhiều vấn đề phức tạp khác mà bây giờ mình đã biết rồi thì không thể làm ngơ được. 

Thời gian qua do nhiều lý do khách quan mà giữa mình và các seour thiếu sự hợp tác trong việc chăm sóc các em mồ côi. Các seour rất khép kín về công việc của các seour và mình lại rất e ngại đi quá ranh giới của mình nên cả hai bên không thể hợp tác với nhau một cách chặt chẻ. Mình đã từng rất bức xúc về điều này vì mặc dầu mình là cha xứ nhưng dường như có quá ít ảnh hưởng đối với những gì xảy ra trong nhà trẻ mồ côi. 

Nhưng tối nay hai seour đã đến nói chuyện với mình một cách vô cùng cởi mở và thẳng thắn. Chỉ có một điều là hai seour này không phải là bề trên của cộng đoàn. Hiện nay bề trên đang đi tĩnh tâm ở nước ngoài, mà seour Clarissa đã nói với mình, không phải ai trong các seour cũng có những suy nghĩ như nhau. Điều này cũng đã nói lên phần nào sự phức tạp trong cách làm việc của các seour khiến có những quyết đinh tùy thuộc vào cá tính của vị bề trên cộng đoàn. 

Tuy thế, khi được nói chuyện với các seour một cách chân tình và lắng nghe những nỗi khổ tâm của các seour, mình đã nhiều lần phải nổi da gà vì thấy điều xảy ra vô cùng kỳ lạ. Đây là điều mà mình không ngờ đã có thể xảy ra được. Giữa mình và các seour chưa từng có lời chia sẻ chân tình như thế. Rất có thể đây sẽ là một bước ngoặc trong mối quan hệ giữa mình và các seour, dẫn đến sự thông cảm và hợp tác với nhau vì lợi ích cho các em mà mọi người đều quan tâm. 

Giờ đây mình đã hiểu thêm về những vấn đề của các em trong nhà trẻ. Nó vô cùng phức tạp và nghiêm trọng. Mình không thể xử lý theo kiểu dè dặt nữa vì mình đã hiểu vấn đề. Mình bây giờ phải làm bổn phận cha xứ của mình đối với các em và với các seour. Mình hy vọng rằng mình sẽ có thể giúp các seour phần nào để gánh nặng của các seour nhẹ bớt. Mình hy vọng rằng các seour sẽ đón nhận sự hợp tác của mình trong tinh thần khiêm nhường và yêu thương. Giờ đây mình đã nhận ra rằng nếu không làm điều này thì vấn đề vốn đã nghiêm trọng sẽ trở nên ngày càng tệ hại hơn nữa. Đó là lý do tại sao bây giờ đã 3h sáng mà mình không thể ngủ được. Trong lòng mình vừa vui vừa thao thức với những gì vừa xảy ra tối hôm nay.

Nong Bua Lamphu, ngày 14.4.2010


Lễ hội nước đến giữa cơn nóng dài

Cơn nóng mấy tuần qua dường như chưa có phần thuyên giảm. Hôm qua trời có vẻ như còn nóng hơn mọi ngày. Buổi tối mình đi chơi thể thao và bơi với một số bạn trẻ Việt Nam. Chạy xe máy về nhà lúc 9h tối mà cái nóng vẫn bao vây mọi không gian. Chạy xe máy ngoài đường mà hơi nóng cứ đập vào mặt như như những lát dao vô hình. Đó là ban đêm. Còn ban ngày thì còn ghê gớm hơn nữa. Ai cũng nói năm này nóng hơn mọi khi. Mình vẫn nhớ năm trước vào dịp mừng lễ hội Nước Songkran thì đã có những cơn mưa lớn làm cho nơi cắm trại giới trẻ trông thật thiên nhiên và xanh tốt. Nhưng năm nay chỉ còn hai ngày nữa là cắm trại mà chưa thấy bất cứ một giọt nước nào nói chi là một cơn mưa nhẹ.

Trời nóng bức nên năm nay người ta bắt đầu chơi Songkran sớm hơn. Người đi trên đường có lẽ ai cũng mong cho mình bị những người đứng hai bên đường tạt nước để cho nhiệt độ trong người dịu xuống. Chúa Nhật vừa rội nhóm giới trẻ nhà thờ sau lễ đã đứng trước nhà thờ để chơi nước. Có đứa đứng tạt nước người ta tới 4 giờ đồng hồ. Ham vui nên quên nóng. Tối về thì đứa nào cũng than vì bị cháy da và rát.

Hôm nay thì lễ hội Songkran mới chính thức bắt đầu. Người Thái cũng mừng Tết truyền thống 3 ngày, nhưng không khí "Tết" ở đây không giống như cái Tết của người Việt Nam. Ở đây vì được nghỉ dài nên người ta cũng đua nhau về quê "ăn Tết". Trong thành phố Bangkok số xe cộ và dân số giảm hắn. Các tuyến xe đò đi tỉnh chật kín người. Cũng thế nhưng không thấy có gì là nao nức đối với người Thái. Cái không khi nhộn nhịp trông chờ ngày Tết đến dường như không có. Cũng không thấy người ta trang trí nhà cửa hoặc đường xá gì để tạo nên không khí Tết. Chỉ có một điều khác thường là đi đâu cũng thấy người ta mở nhạc thật to và tìm cách tạt nước nhau. Người đứng hai bên đường để tạt nước. Người thì đi lại trên xe pick up truck để tạt nước.

Chiều nay các bạn trẻ Việt Nam cũng sẽ đi chơi nhưng có lẽ mình sẽ không tham gia. Mình không mấy hứng thú với sinh hoạt này. Vả lại sợ tạt nước rồi bị cảm thì không làm việc được. Chỉ hai ngày nữa là đến ngày cắm trại giới trẻ nên bị bệnh thì nguy.

Vì thế mình toại nguyện với việc trốn vào phòng ngủ, bật máy lạnh lên để trốn cơn nóng. Còn tạt nước thì để cho bọn trẻ chơi thì tốt hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 12.4.2010

Nghỉ ngơi

Sáng nay nhà xứ thật yên tĩnh. Chỉ có một mình mình ở nhà. Bà Renee đã đi tham quan TT HIV với thầy Damien. Thầy sẽ dẫn bà đi xem nhà dành cho các bạn trẻ bị nhiễm HIV. Thằng Thắng và Hùng đang ở tạm thời tại nhà xứ thì đã đem xe máy đi sửa chưa về. Có lẽ đã sửa xong rồi nhưng luôn tiện ghé qua thăm bạn bè bên trường học.

Hôm nay là ngày duy nhất không có tiếng con nít ở nhà thờ. Cả tuần bọn con nít tới học, giới trẻ ra vào, cộng với sự hiện diện của nhân viên nhà thờ, tình nguyện viên, nên ở đây lúc nào cũng có cảm giác tấp nập. Đôi khi cũng làm cho mình cảm thấy mệt, đặc biệt trong lúc này khi thời tiết có ngày lên quá 40 độ. Không chỉ cái nóng làm cho người ta cảm thấy như muốn chảy mở mà cái oi bức làm cho như không thể thở được.

Mình thấy cần phải trốn vào phòng ngủ và bật máy lạnh lên cho không khí dễ chịu hơn. Mình cũng không dám bật lạnh lắm, chỉ bỏ khoảng 28-29 độ, vừa đủ để cho phòng bớt sự ẩm thấp nóng nực. Dù sao thì cũng phải tiết kiệm điện để ngân sách giáo xứ không bị quá tải.

Vài ngày nữa người Thái sẽ mừng Tết truyền thống của họ, có khi gọi là Lễ Hội nước. Trời nóng thế này có lẽ những người nào bình thường có thói tránh nước cũng không thể kiểm chế mình trước cám dỗ của sự sảng khoái mà một dòng nước mát có thể mang lại cho họ. Nhưng thời tiết hạn hán thế này không biết người ta có đủ nước để chơi không? Hay là chơi rồi thì thành phố chả còn đủ nước để sài cho những sinh hoạt cần thiết.

Hôm nay ở đây yên tĩnh. Mình được nghỉ ngơi, thấy nhẹ người hơn. Mình đang cần những giây phút như thế nào. Thật hiếm trong lúc này để có được những giây phút như thế.

Nong Bua Lamphu, ngày 10.4.2010

Cơ hội mới


Mấy hôm nay mình trao đổi với bà Renee ơô tình nguyện viên của mình về nhiều điều liên quan đến công việc của mình tại giáo xứ. Bà Renee tỏ ra rất đồng cảm với những suy tư và nguyện vọng của mình. Bà còn đưa cho mình rất nhiều ý kiến và bỏ ra nhiều giờ để tìm hiểu về những cách để giúp mình phát triển những dự án của mình. Bà có trang web facebook và bà viết những bài chia sẻ về những bì bà chứng kiến ở đây. Sau hai ngày đăng bài bà nói với mình là nhận được nhiều phản hồi thông cảm và ủng hộ, đa số từ những người bà quen biết tại Phi Châu. Nhưng những phản hồi đến từ phương Tây thì ít ỏi. Và không chưa có phản hồi nào bày tỏ sẽ ủng hộ bằng gì hơn ngoài lời động viên.

Bà Renee cũng đang tìm cách liên lạc với những người trong giới tổ chức Phi Chính Phủ để tìm tư vấn về việc xây dựng những công trình phát triển cộng đồng. Nhưng có lẽ điều này cần một thời gian khá dài mới có thể thực hiện được.

Hôm nay có một việc xảy ra khá thú vị. Chiều nay mình trình bày với cô Mèm, người giúp việc giáo xứ của mình rằng mình muốn tìm một nơi để thuê để giúp cho những bạn trẻ di dân mới đến hoặc đang thất nghiệp có nơi để tạm trú trong thời gian tìm việc. Cô Mèm chợt nhớ rằng phía sau bệnh viện có một khu đất rất rộng của giáo phận, mua để xây trường học nhưng chưa xử dụng. Ở đó có một căn nhà bị bỏ hoang, không ai chăm sóc. Kẻ trộm phá cửa vào và ăn cắp gạch men và trần nhà. Cô Mèm nói:

- Hay là ta sửa lại căn nhà này cho các bạn ở. Tuy phải bắt đường nước tốn một số tiền, nhưng vẫn tốt hơn là đi thuê.

Hai giờ chiều mình đến xem ngôi nhà cùng với cô Mèm, bà Renee và bạn Thắng. Quả thật ngôi nhà bị bỏ hoang nhưng rất tốt. Nó được xây trên khu đất thật rộng dưới chân núi. Trong vườn có ao cá, có những bụi chuối, có cây dừa và có những cây me ngọt. Cô Mèm nói khu đất này rộng 40 rai. Mình không biết như vậy là bao nhiêu xào, nhưng nhìn thì thấy rất rộng.

Khi bà Renee thấy ngôi nhà và quang cảnh thiên nhiên xung quanh thì bà rất thích. Bà gợi ý đây có thể là nhà dành cho các tình nguyện viên tới ở cũng được nữa. Vì hiện nay bà phải đi ở một nhà trọ trong phố thật ngột ngạt và khó chịu. Bà nói nếu co nơi như thế này cho tình nguyện viên thì thật là lý tưởng. Bà nói sẽ liên lạc với chị gái ở Bangkok xem có thể huy động những mạnh thường quân giúp đở biến ngôi nhà hoang này thành một căn nhà đón tiếp lao động di dân và tình nguyên viên được không?

Chiều nay bà gọi điện thoại cho mình nói là đã có người ở Bangkok hứa sẽ huy động sự giúp đỡ. Bà nói dự án mới đẻ của chúng ta rất có khả năng trở thành hiện thực. Mình cần ngồi lại để xem ngôi nhà cần những sửa chữa gì và cần trang hoàng như thế nào và kêu gọi sự giúp đỡ. Bà tỏ ra rất phấn khởi và đầy hy vọng.

Sau đó Thắng đã chở bà đi chụp hình ngôi nhà để đưa vào dự án quyên góp. Thấy bà Renee tỏ ra rất hy vọng mình cũng đã bắt đầu nghĩ rằng dự án này rất thiết thực và có thể xảy ra. Mình nghĩ rằng không ít lâu thì cũng sẽ có một nhà đón tiếp các lao động di dân, các tình nguyện viên và các khách khứa khác đến thăm nhà thờ. Ngôi nhà này cũng có thể trở thành một nơi cho mình đến để nghỉ ngơi khi không muốn ở nhà thờ.

Từ ngày có bà Renee đến, bà cũng đã làm cho không khí ở nhà thờ thêm phần "quốc tế". Trong bàn ăn trưa mình phải xử dụng cả ba ngôn ngữ, Thái, Anh, Việt. Mình hy vọng rằng thời gian bà Renee ở đây sẽ được một gì đó xảy ra để giúp cho giáo xứ vươn lên và phát triển trong công việc mục vụ và phục vụ của mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 9.4.2010

Trại hè sắp đến

Những ngày lễ Phục Sinh qua rồi nhưng sự bận rộn dường như không giảm bớt tí nào. Bây giờ mình lại chuẩn bị cho trại hè giới trẻ giáo xứ tổ chức vào tuần tới. Năm này mình hợp tác với cha Trực tổ chức tại nhà thờ của cha nên số giới trẻ đi tham dự chắc chắn sẽ tăng lên. Dự tính khoảng 60 bạn trẻ. Có một số bạn trẻ sẽ đến từ Udon Thani và một vài nơi khác nữa.

Năm ngoái trại hè của mình khá đơn sơ, không có những tổ chức cầu kỳ như năm này. Số người ít hơn và tổ chức một cách giản dị hơn. Thế mà năm này ngoài mình và cha Trực ra còn có thêm cha Maitri tới giảng. Có thêm 4 thầy ở đại chủng viện đến giúp sinh hoạt. Nhưng không chỉ thế mà còn có 8 sơ đến tham dự nữa. Các bạn trẻ đang nói đùa với mình có lẽ trại của cha sẽ có nhiều linh mục tu sĩ hơn là trại viên. Thế là số người lớn có mặt cũng không ít.

Tổ chức trại hè lần này mình cũng phải tìm cách để trang trải. Nhưng cũng như năm ngoái việc tìm người giúp đỡ cũng không đến nỗi khó lắm. Mỗi người đóng góp một ít, rồi cuối cùng cũng có đủ. Mình cứ làm việc cho thật tốt rồi những nhu cầu cần thiết rồi cũng được đáp ứng. Mình cứ tin và phó thác vào Chúa. Các bạn trẻ đã từng nhắc nhở mình: cha làm việc của Chúa, thế nào Ngài cũng giúp.

Một điều mà mình cần Ngài giúp trong dịp cắm trại này là thời tiết. Thời gian này trời nóng ghê gớm. Hôm qua nghe nói nhiệt độ lên tới 42 độ. Đi ra ngoài nắng có cảm giác như người sẽ bốc lửa. Ở trong nhà cũng không chịu nỗi sự ngột ngạt. Vùng đông bắc năm này bị hạn hán và trời nóng một cách kỳ lạ. Hôm kia mình đi lên chỗ cha Trực ở tỉnh Nong Khai để xem địa điểm để sắp xếp việc cắm trại. Luôn tiện đi ra sông Mekông để xem vì sẽ có chương trình sinh hoạt cạnh bờ sông. Thật bất ngờ khi thấy mức nước trên sông đã rút một cách khủng khiếp. Xem như dòng sông chỉ rút lại còn một nữa và nơi mà trước đây là nước thì bây giờ là bãi cát rộng để cho người ta dựng lều cho khách ngồi ăn uống.

Mình sẽ tổ chức trò chơi lớn ngoài trời trong khu vực sông nên rất hy vọng rằng thời tiết đừng quá nắng. Nếu không thì các bạn trẻ sẽ cảm thấy dễ mệt. Mình xin Chúa, ngài đã sắp xếp cho mọi việc trôi chãy cho đến bây giớ thì cũng sẽ thương các bạn trẻ trong những ngày cắm trại.

Nong Bua Lamphu, ngày 8.4.2010

Phục Sinh vui tươi

Ở Mỹ mình lớn lên với không khí đêm lễ vọng Phục Sinh rất hoành tráng. Đây là thánh lễ mà nhà thờ sẽ chật ních người không đủ chỗ ngồi. Ca đoàn sẽ hát những bài hát thánh ca rất hùng hồn, và tất cả các nghi thức đều thật trang nghiêm.

Khi mình đến Thái Lan làm cha xứ của giáo xứ nhỏ bé của mình, mình cũng muốn phần nào dựng lại những gì đã đi sâu vào tiềm thức của mình, với tất cả điều kiện mà một cộng đoàn nhỏ bé có thể làm được. Mình chú tâm vào các nghi thức, tìm cách thực hiện các nghi thức một cách ấn tượng và có ý nghĩa. Nhưng năm trước đây, mình đã phải uất ức ngay trong thánh lễ khi nhìn xuống hàng ghế giáo dân thấy còn nhiều chỗ trống ngay trong đêm vọng Phục Sinh.

Nhưng ngày hôm sau, ngày Chúa Nhật, mình phát hiện ra nhà thờ lại thiếu chỗ ngồi. Hóa ra người dân ở đây lại coi trọng lễ ngày Chúa Nhật Phục Sinh hơn tối thứ bảy. Thế là năm này, mình cũng tổ chức lễ một cách trang nghiêm tối thứ bảy, cũng đầy đủ các nghi thức phải có, nhưng bớt cầu kỳ hơn.

Năm này cũng thế, mặc dầu tối thứ bảy năm này so với năm ngoái thì số người đi đông hơn khá nhiều, nhưng ngày Chúa Nhật vẫn là ngày chính.

Năm nay, lễ ngày Chúa Nhật thật hoành tráng, đối với một nhà thờ nhỏ bé của mình. Người đến tham dự lễ có nhiều thành phần. Ngoài những người đến thường xuyên, giới trẻ, các em mồ côi, các bệnh nhân AIDS của trung tâm, hôm nay còn có các em thiếu nhi đang tham gia chương trình sinh hoạt hè ở nhà thờ. Và một thành phần khác nữa là một số cụ già trong các làng mà cộng đoàn giáo xứ thăm viếng và giúp đỡ. Đây là những cụ già neo đơn hoặc nghèo khó.

Cuối thánh lễ, có phần chào đón Thầy Bernd, SVD vừa mới đến giáo xứ để thực tập chương trình xuyên văn hóa 1 năm. Ngoài ra chào đòn bà Renee đến để làm tình nguyện viên trong giáo xứ.

Sau đó là phát phần thưởng cho hai bạn trẻ xuất sắc trong giáo xứ.

Sau khi thánh lễ kết thúc, mọi người ra trước nhà thờ để cử hành nghi thức chúc Tết Thái các người cao niên trong giáo xứ cũng như những người già đến dự lễ. Các cụ già nghèo khó mỗi người được tặng một gói quà gồm nhiều thứ đồ như gạo, nước mắm, dầu ăn, mì gói, v.v. Những phần quà này nhận được từ một người ở Mỹ muốn làm từ thiện.

Ngày lễ vẫn chưa kết thúc ở đây. Sau đó là việc ăn uống mà thức ăn là do các gia đình trong giáo xứ đưa đến. Còn giới trẻ và các em thiếu nhi thì đua nhau chạy xung quanh nhà thờ để tìm cho được những quá trứng đã được dấu kỹ để đem đổi lấy quà.

Sau khi đã tìm trứng xong và ăn uống xong, các em thiếu nhi và giới trẻ chuyển qua nhà sinh hoạt chung để tham gia các trò chơi thi đua. Các em thật hào hứng với những trò chơi vui nhộn mà các anh chị giới trẻ đã chuẩn bị sẵn.

Đến 12 giờ trưa thì các sinh hoạt kết thúc và công tác làm vệ sinh khuôn viên nhà thờ bắt đầu.

Trước đây mình đã quen với một tối thứ bảy vọng Phục Sinh hoành tráng và một ngày Chúa Nhật Phục Sinh khá yên ắng. Thế những ở giáo xứ mình, ngày Chúa Nhật Phục Sinh đã trở thành một ngày lễ thật vui nhộn và hào hứng với nhiều sinh hoạt đầy ý nghĩa. Vì ngày Phục Sinh rơi vào dịp mà người Thái chuẩn bị mừng Tết truyền thống nên hai năm qua, lễ Phục Sinh không chỉ là ngày mừng Chúa sống lại, mà còn là ngày chúc mừng năm mới cho nhau.

Giờ đây mình không còn thấy buồn với một buổi tối thứ bảy thiếu hoành tráng nữa. Có lẽ việc ngày Chúa Nhật là một ngày ăn mừng đích đáng cũng có ý nghĩa không kém.

Nong Bua Lamphu, ngày 4.4.2010

Đi chặng đàng thánh giá



Chiều nay giáo dân đi chặng đàng thánh giá trong khuôn viên nhà thờ. Các bạn trẻ thay phiên nhau vác thánh giá đi theo các chặng từ nhà sinh hoạt cho đến trước cửa nhà thờ. Nghi thức được các bạn trẻ đảm trách một cách sốt sáng và đầy ý nghĩa. Mặc dầu người tham dự chặng đàng thánh giá phần nhiều chỉ giới trẻ, thiếu nhi, các thầy các seour, và một ít người lớn, nhưng việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa đã rất đầy đủ và sâu sắc. Cây thánh giá dùng trong nghi thức được các bạn trẻ Việt Nam đóng từ hai khúc cây bạch đàn chặt trong khu đất sau nhà thờ. Năm ngoái các bạn cũng đã làm thánh giá như thế.












Nong Bua Lamphu, ngày 2.4.2010

Rữa chân


Tối qua mình cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh và nghi thức rữa chân. Thánh lễ cũng đơn sơ, không có gì gọi là long trọng. Nhưng đối với cộng đoàn của mình, lễ tối thứ năm mà có đầy nhà thờ cũng là một điều mà trước đây chưa từng có. Suy nghĩ theo cách đó thì thánh lễ tối hôm qua cũng tương đối long trọng và có đầy đủ nghi thức, kể cả nghi thức rữa chân.

Ở các giáo xứ lớn, người ta sẽ "tuyển chọn" những người được rữa chân. Có thể là những quý vị trong hội đồng giáo xứ, những người tích cực tham gia cách sinh hoạt của nhà thờ, thậm chí một vài vị ân nhân nào đó trong giáo xứ.

Còn ở nhà thờ mình, mình chỉ mong sao có đủ người có thể gọi là "đàn ông" để cho đủ 12 người để rữa chân. Năm ngoái, xuýt một chút nữa là thiếu 12 tông đồ. Nhưng may thay, năm nay số người lại dư khá nhiều. Nhưng các tông đồ của mình cũng không giống như các nơi khác.

Tối qua, các thành phần tông đồ của mình như sau:

1 bạn trẻ 16 tuổi bị nhiễm HIV
1 thanh niên ngoài 30 tuổi bị nhiễm HIV
2 bạn trẻ Việt Nam lao động di dân
2 bạn trẻ người Thái, một đang là tiểu chủng sinh dòng Chúa Cứu Thế, một là học sinh trong phố
2 cụ già
2 người đàn ông trung niên, một người là thầy giáo, một người là công nhân
2 người đàn ông Tây, một là thầy Damien một nhà truyền giáo Ngôi Lời, một là người đàn ông người Ý đến thăm người yêu tại Thái Lan.

Suy đi nghĩ lại 12 vị tông đồ của mình cũng thật là xứng đáng. Nếu so sánh với các tông đồ của Chúa thì trong nhóm 12 người đó cũng có nhiều thành phần và lứa tuổi. Cũng có những người đã từng có quá khứ không mấy tốt lành cho lắm. Cũng có những người dân rất bình thường và giãn dị, cũng có người đến từ gia đình có một chút địa vị. Hóa ra, 12 người mà mình rữa chân tối hôm qua cũng phản ảnh được sự đa dạng trong 12 vị tông đồ của Chúa.

Nghi thức rữa chân mà mình cửa hành tối hôm qua đã làm cho mình cảm động và hân hạnh. Mình đã được rữa chân cho những người bị xã hội xa lánh, những người tầm thường trong xã hội, cũng như những người có đị vị trong cộng đoàn. Việc rữa chân này nhắc nhở mình rằng vai trò của mình là phục vụ tất cả mọi người, từ thành phần thấp hèn nhất tới thành phần sang trọng nhất. Mình không thể chỉ quan tâm đến một số người nào đó mà quên hẵn những người khác.

Mọi người đều là con cái của Chúa, đều đáng cho mình phục vụ, và cần đến sự phục vụ của mình. Từ người trẻ cho đến người già, từ người bị xã hội ruồng bỏ cho đến người cao trọng. Sứ vụ của Chúa Giêsu cũng đã như thế. Ngài không lãng quên bất cứ một ai. Đối với mọi người, ngài đều có lời dạy dỗ và an ủi. Vì thế, sứ vụ của Chúa Giêsu chính là sứ vụ của mình. Và cuộc sống của Ngài cũng là cuộc sống của mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 2.4.2010