Phiên chợ ở chùa




Những con hẻm trong khu phố tôi ở khá nhộn nhịp với lượng xe hơi và xe máy lưu thông không ít. Cứ khoảng 5 giờ sáng là tôi bắt đầu nghe tiếng xe rồ máy và tiếng người nói chuyện trên đường. Phòng ngủ của tôi ở tầng trên nhưng vì sát đường nên tôi nghe những âm thanh này rất rõ. Nó làm tôi nhớ lại thời gian tôi thực tập tại Việt Nam và ở trong một căn nhà phố trên đường Đặng Văn Ngữ ở quận Phú Nhuận, chỉ có ở đây thì nghe tiếng xe chứ không nghe tiếng bóp còi inh ỏi như ở Sài Gòn.

Cách hẻm tôi ở chỉ vài trăm mét là một ngôi chùa khá lớn với cái tên rất dễ thương dịch từ tiếng Thái ra tiếng Việt là Chùa Tre Bạc. Vì ngôi chùa được nhiều người biết đến nên cái hẻm chính cũng được mang tên là hẻm Chùa Tre Bạc, mặc dầu nó có cái tên chính thức là hẻm 43 đường Chan. Nói đến đây thì tôi chợt nhớ ra cái tên của con đường nơi tôi ở là Đường Vầng Trăng. Nghe cũng lãng mạn chán.

Trở lại chuyện cái chùa thì cứ mỗi chiều thứ sáu là khu vực này nhộn nhịp lên gấp bội lần vì trong khuân viên chùa diễn ra một phiên chợ tuần với hàng trăm gian hàng bán đủ thứ từ thức ăn cho đến áo quần, đồ gia dụng, v.v. Đặc điểm của phiên chợ này, và có lẽ đó là lý do nó thu hút hàng ngìn người đến mua sắm là giá cả cực kỳ rẻ. Một bó rau muống hay một bó cải to đùng chỉ có giá 10 baht. Có khi ba bó rau tùy chọn thì bán 20 baht. Ai thích ăn rau có thể đến ôm về bỏ trong tủ lạnh ăn vài ngày không hết. Tuần trước nhân dịp trời mưa và cũng là ngày của phiên chợ nên tôi đã bảo mấy bạn trẻ ra chợ mua thật nhiều rau về để ăn lẫu.

Chiều nay sau khi xong công việc tôi tản bộ ra chợ để dạo. Người người tấp nập, con nít có, nhân viên văn phòng vừa tan sở có, người già dẫn cháu đi chơi cũng có. Tôi ghé sang hàng trái cây còn thấy hai seour cũng đi mua chôm chôm, một sơ mặc tu phục màu trắng, còn sơ thứ hai mặc tu phục màu xanh. Hai sơ mãi mê chọn trái cây nên không để ý tôi chụp hình lén. Nhưng vì tôi không biết danh tính của hai sơ nên cũng không đến chào hỏi.

Tôi đi dạo một vòng thấy có quầy bán khoai lang luộc nên tôi mua nửa ký để ăn chơi. Khoai lang mới luộc nên nóng hổi. Tôi bóc một củ vừa ă vừa đi ngắm những hàng hóa người ta bày bán. Mặc dầu tổ chức chợ trong khu vực thành phố đông đúc, nhưng bầu khí rất thoải mái. Mọi người đi lại từ tốn để mua hàng. Những tiếng chào hàng vang lên xung quanh thật ngọt ngào: “Mời anh chọn hàng nhé”, “Mời chị thử hàng nhé.” Mọi thứ diễn ra vui vẻ và nhộn nhịp dưới bóng của mái chùa và tượng Đức Phật đang nhìn về phía mọi người với ánh mắt từ bi, đằm thắm.

Cái phiên chợ hàng tuần người Thái gọi là tà-lạt nắt (chợ hẹn). Có lẽ vì cứ vào ngày giờ đó mỗi tuần là người ta hẹn nhau đi ra chợ mua sắm và gặp gỡ nhau. Sau một tuần làm việc vất vả, vào chiều thứ sáu người dân lại dẫn nhau ra chùa để thưởng thức những món ăn bình dân và mua về nhà những món đồ cần thiết cho gia đình mà không phải méo mặt vì giá tiền. Tôi cũng không phải là người thích đi chợ, nhưng có lẽ thỉnh thoảng tôi cũng sẽ hẹn những ai đó để cùng đi chợ, cùng chọn những bó rau đem về nhà, để thưởng thức món chè Thái hay những củ khoai lang ngọt bùi. Tôi cảm thấy thật vui khi đã tìm ra cho mình được một điểm hẹn thú vị, cho dù đó chỉ là nơi mà tôi sẽ đi lang thang một mình để đắm chìm vào bầu khí của đời sống thành phố.

Bangkok, ngày 24.6.2016

Chuyện tu trì

Trong lớp thần học giáo hội của mình có các thầy đền từ nhiều dòng khác nhau. Mình để ý trong danh sách có hai thầy người Việt thuộc dòng Camilian. Nhiều năm qua dòng Camilian đã “nhập khẩu” ơn gọi từ Việt Nam, và kết quả là bốn năm năm trở lại đây dường như các linh mục chịu chức trong dòng này đều là người Việt.

Tuy nhiên tuần này hai thầy người Việt đã đến đưa đơn xin rút lui khỏi lớp. Khi đưa đơn đến mình không hỏi lý do nhưng ký vào giấy. Mặc dầu đã nhận được chữ ký của mình trong giờ học nhưng hai thầy không về mà tiếp tục tham dự giờ học từ đầu tới cuối.

Sau khi lớp học kết thúc, mình ra về thì gặp hai thầy đang chờ mình ở tầng dưới.Họ đến nói với mình bằng tiếng Thái: - Thưa cha chúng con rút khỏi lớp, nhưng chúng con xin phép tiếp tục đến nghe cha giảng bài hàng tuần được không ạ?

Mình trả lời: - Dĩ nhiên là được. Trong lớp cũng có một thầy đã từng học môn này ở Philippines, nhưng thầy vẫn muốn tham gia lớp học.

- Chúng con cũng muốn học môn này của cha, nhưng chúng con học không nổi. Lý do là chúng con đang học ngoài hệ thống.

- Tại sao là ngoài hệ thống?

- Thưa cha là vì chúng con không phải đi học để chịu chức linh mục mà đi theo ơn gọi tu huynh. Vì thế chúng con không cẩn phải học chương trình triết mà có thể vào thẳng chương trình thần học. Tuy nhiên chúng con chỉ mới là năm nhất trong chương trình thần học thôi. Nhưng để học các môn thần học thì chúng con phải học những môn yêu cầu trước. Mà có quá nhiều môn chúng con phải học nên bài vở sẽ theo không kịp.

- À, thế là chúng con mới khấn lần đầu à?

- Thưa cha đúng rồi.

-Nhưng cha nghe nói bây giờ các thầy thần học dòng Camilian là về học tại Việt Nam. Sao tụi con lại còn ở đây?

- Thưa cha là vì chúng con mới khấn, nhưng không học làm linh mục. Cha bề trên ở đây sợ rằng tụi con về Việt Nam sẽ gặp phải nhiều áp lực nên khuyên chúng con học ở đây thì tốt hơn.

- À, cha hiểu rồi. Nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu lắm về ơn gọi tu huynh là gì. Họ cứ cho rằng ai không thể làm linh mục được mới làm thầy. Trong khi đó, ơn gọi làm thầy vĩnh viễn là một ơn gọi rất đặc biệt và phải thật sự trung kiên mới theo tới cùng được.

Quả thật rất đáng tiếc khi ơn gọi linh mục ở nhiều nơi trên thế giới ngày càng giảm bớt, nhưng ơn gọi tu huynh thì càng hiếm hoi hơn. Mình mong rằng hai thầy mới khấn sẽ bền vững trong ơn gọi của mình. Hai thầy dấn thân theo Chúa không phải vì chức vụ, không phải vì mong được trọng vọng, mà muốn dâng hiến cuộc đời cho Ngài. Xã hội vẫn đề cao các linh mục trên các tu sĩ nam nữ, nhưng Thiên Chúa chỉ nhìn thấy ai là người sẵn sàng hy sinh và yêu mến Ngài nhiều nhất.

Bangkok, ngày 17.6.2016

Bắt đầu công việc mới tại Đại chủng viện duy nhất tại Thái Lan




Đại chủng viện Lux Mundi nằm trên một con đường khá rộng lớn ở huyện Sampran, tỉnh Nakhon Pathom cách thủ đô Bangkok vài chục cấy số. Hôm nay là ngày khai giảng của đại học Saengtham gắn liền với ĐCV. Chương trình khai giảng tương đối đơn giản. Nó diễn ra sau tiết học sáng và trước giờ ăn trưa của các thầy. Ở đây mọi người đến lớp đều mặc đồng phục như những sinh viên. Nhìn thoáng qua thấy giống như một học viện dành cho nam giới hơn là một ĐCV. Lý do là trường Saengtham đã đăng ký như một trường đại học được cấp bằng nên cũng phải làm theo mô hình của những đại học khác. Ngoài ra, theo học tại đây không chỉ có các thầy mà còn có khoảng 80 người không có đi tu nhưng chỉ học để lấy bằng cấp. Có một ít các seour cũng học ở đây. Số còn lại, khoảng 170 người là các thầy thuộc lớp triết và thần. Số người này không chỉ bao gồm tất cả các chủng sinh đến từ 10 giáo phận trên đất nước Thái mà còn các dòng tu nam nữa. Có dòng cho các thầy đi học ở nước ngoài như Philippines thì không theo học tại đây.

Giáo hội Thái Lan là một giáo hội nhỏ bé chỉ có vỏn vẹn khoảng 300.000 giáo dân nên việc chỉ có duy nhất một đại chủng viện không phải là điều khó hiểu. Trước đây khi ơn gọi còn nhiều hơn thì số người học tại ĐCV lên tới gần 400 nhưng ơn gọi ngày càng khan hiếm, lượng người theo học tại Saengtham giảm xuống đáng kể. Sáng nay trước giờ khai giảng cha Aphisit là phó giám đốc ĐCV đã nói với mình như thế.

Hôm nay mình đến để tham dự chương trình khai giảng và để làm quen với các cha cũng như giao cho bộ phận in ấn những tài liệu mình sẽ dùng cho hai môn mà mình sẽ đảm trách trong học kỳ thứ nhất này, đó là môn tôn giáo học và môn giáo hội học. Trong hai môn này thì môn thứ nhất nằm trong chuyên môn của mình, còn môn thứ hai thì không. Tuy nhiên, việc các giáo sư phải dạy theo yêu cầu là một sự thật phải chấp nhận trong môi trường giáo dục. Mình phải tìm hiểu để xây dựng một giáo án cho đầy đủ và cố gắng thực hiện việc giảng dạy như một người chuyên môn. Cũng nhờ việc phải tìm tòi và nghiên cứu thêm để đáp ứng yêu cầu mà người dạy cũng thu thập được thêm kiến thức về các lĩnh vực khác nhau.

Ngày đầu tiên đến đây trò chuyện và dùng cơm với các cha mình thấy các ngài cũng khá thân thiện. Mỗi người đến từ các giáo phận khác nhau nhưng đã được bổ nhiệm để cộng tác phục vụ cho ĐCV chung của giáo hội Thái Lan. Có một cha người Ý thuộc hội thừa sai PIME cũng đang dạy và lưu trú trong ĐCV. Có một cha bằng tuổi mình đến từ Gp. Tharae. Ngài là người gốc Việt và biết nói tiếng Việt nên thấy mình là nói tiếng Việt bất kể các cha khác xung quanh không hiểu được gì.

Ngày mai mình chính thức bắt đầu công việc truyền đạt kiến thức. Trước đây mình cũng đã dạy học ở các trường khác nhau, nhưng có lẽ đây là thách đố lớn nhất vì nó đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn khả năng chuyển tải nó đến những người trẻ là lãnh đạo của giáo hội sau này. Mình thấy đó là trọng trách khá lớn. Mình chỉ mong sao Chúa Thánh Thần sẽ làm việc nơi thầy cũng như trò để mục đích của việc học tập được đạt tới.

Sampran, ngày 6.6.2016

Mãn tang cha Giacôbê và các bạn trẻ

Còn một ngày nữa là tròn hai năm từ ngày xảy ra tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của cha Giacôbê và 12 bạn trẻ đang trên đường đi tham dự hội trại dành cho giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Ngoài những người Việt xấu số còn có thêm tài xế người Thái Lan cũng đã tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc này. Thời gian hai năm những nỗi đau nỗi buồn do sự mất mát lớn lao này có lẽ cũng đã phần nào nguôi ngoai. Tuy nhiên sự nhớ thương cho dù không phải lúc nào cũng được thể hiện trên nét mặt hoặc trong lời nói, nhưng đều vẫn còn ở đó, được dấu kín trong lòng để rồi mỗi lần đến dịp lễ giỗ hay sinh nhật thì những cảm xúc đó lại tái xuất hiện thêm một lần nữa.

Đối với mình trải nghiệm về biến cố đau thương này có thể nói đã ảnh hưởng đến đời sống và công việc mục vụ của mình không ít. Trước khi xảy ra tai nạn mình đã có ba lần tổ chức hội trại và năm 2014 là lần thứ tư. Nhưng từ khi có sự cố mình dường như không còn ý chí, hứng thú hay can đảm để tổ chức chương trình hội trại nào nữa, đặc biệt chương trình gì mà đòi hỏi tham dự viên phải đi xa. Khi đang chuẩn bị hội trại lần này mình đã nói với những bạn trẻ cộng tác viên rằng "Năm này có lẽ là năm cuối cùng cha tổ chức hội trại." Không ngờ câu nói đó đã được ứng nghiệm.

Tuy nhiên kinh nghiệm và những bài học mà mình đã có được từ việc phải giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ tai nạn đã giúp cho mình có những kiến thức và hiểu biết về pháp luật mà mình chưa từng có trước đó. Chính nhờ vào biến cố này mà mình biết phải làm thủ tục với các cơ quan chính quyền, bệnh viện và đại sứ quán Việt Nam như thế nào khi có người qua đời tại Thái Lan. Cũng từ kinh nghiệm này mà mình biết về luật bồi thường của Thái Lan liên quan đến các khoản bảo hiểm và phải đàm phán như thế nào để được bồi thường một cách thoả đáng. Trong gần 10 năm phục vụ tại Thái Lan, 8 năm đầu mình không hề biết gì về những vấn đề này. Chỉ hai năm qua mình mới biết và chính vì thế mà mình đã có thể đem kiến thức này để đi giúp đỡ các bạn trẻ đã gặp nạn trên đất Thái. Như thế mỗi lần xảy ra tai nạn dẫn đến thương tích hay thiệt mạng, các bạn trẻ gọi đến cho mình thì mình có thể bình tĩnh để hướng dẫn họ trong những việc cần phải làm cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Sự hỗ trợ của mình ít nhiều giúp cho họ cảm thấy an tâm và được an ủi hơn trước một tình huống vô cùng khó khăn và rối rắm.

Có những điều nhận được từ biến cố đau thương này mà không phải là những kiến thức hay kỷ năng làm việc mà là những mối quan hệ mới và gần gũi hơn. Chính từ sự việc này mà mình đã biết và gần gũi với nhiều gia đình của các nạn nhân qua những ngày chờ đưa thi hài về quê hương, qua những lần mình đến nhà tại Việt Nam để thăm viếng và động viên, hoặc qua những lần gặp mặt để cầu nguyện cho những linh hồn đã ra đi. Biến cố này đã giúp cho mình có thêm mối tương quan với các vị chủ chiên ở GP Vinh, đặc biệt là cha xứ giáo xứ Trại Lê nơi có đến ba trong 12 bạn trẻ bị thiệt mạng. Và cách nào đó biến cố này cũng đưa mình xích lại với các bạn trẻ tại Thái Lan nhiều hơn vì cái chết của cha Giacobe và 12 bạn trẻ không chỉ là sự mất mát chỉ riêng cho hội dòng hoặc gia đình của các nạn nhân nhưng là sự mất mát chung cho toàn thể cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Thái Lan. Sự hoang mang, nỗi buồn và nỗi tiếc thương trước cái chết của họ là cảm nhận chung cho mọi người đã từng gần gũi hoặc quen biết họ, hoặc ít nhất là đồng cảm với hoàn cảnh của những người phải tha phương cầu thực mà gặp khó khăn trên đất khách quê người.

Từ biến cố này mình cảm nhận được rằng Chúa có thể làm cho đau khổ trở thành hồng ân vì Ngài không để cho mọi thứ chỉ là sự mất mát mà nó có thể trở nên công cụ để giúp đỡ người khác, để xây dựng những mối tương quan, và để mọi người nhận thấy sự mỏng dòn của đời sống con người mà chọn cho mình một lối sống tốt lành và ngay thẳng. Người miền trung có phong tục sau hai năm là mãn tang. Chúa Nhật tới này cộng đoàn Công giáo sẽ tổ chức lễ mãn tang cầu nguyện cho cha Giacobe và các bạn trẻ. Mãn tang chỉ mang tính tượng trưng về tinh thần nói lên việc khép lại một biến cố để mọi người có thể tiếp tục với cuộc sống của mình mà không bị ám ảnh bởi những nỗi đau buồn mất mát. Sắp tới em trai của một bạn bị mất sẽ cưới vợ sau ngày anh trai mình hết khó. Đúng thế mọi thứ sẽ vẫn phải tiếp tục. Gia đình của các nạn nhân cũng sẽ phải sống. Bố mẹ phải lo lắng cho những đứa con còn lại trong gia đình. Người chồng mất vợ cũng phải tiếp tục làm ăn để nuôi những đứa con dại. Những đứa bé mồ côi cha mồ côi mẹ cũng phải lớn lên, phải phấn đấu để học hỏi làm người và thành công trong xã hội. Mọi thứ đều sẽ qua đi ngay cả cảm giác nhớ nhung cũng sẽ phai dần, nhưng chắc chắn một điều sẽ không bao giơ phai nhạt, đó là lời cầu nguyện cho cha Giacobe và các bạn trẻ dâng lên Chúa. Một khi Chúa đã đón nhận thì Ngài sẽ không bao giờ lãng quên trong tâm trí vô biên của Ngài. Ngài sẽ nhớ đây là những con người đã thiệt mạng khi đang trên đường đi tham dự hội trại với chủ đề "Yêu như Giê-su." Ngài sẽ nhớ đây là những đầy tớ trung thành đúng như hàng chữ còn xót lại trên trang giấy Kinh Thánh bị cháy nửa chừng nằm trên thảm cỏ xanh bên lề đường nơi xảy ra tai nạn. Và Ngài sẽ nhớ rằng cho dù họ đã chết thảm thương có thể không kịp ăn năn thống hối nhưng họ luôn trông mong vào tình thương và lòng thương xót của Ngài. Mãn tang không có nghĩa là gạt những người thân qua một bên nhưng là để tiếp tục với cuộc sống, với trách nhiệm, với những gì cần phải làm cho bản thân và người khác, đồng thời gởi gắm tất cả vào bàn tay êm ái và yêu thương của Chúa.

Bangkok, ngày 1.6.2016