Đợi chờ


Hôm nay một người bạn hỏi thăm:


- Tại sao cả tuần này tớ không thấy cậu đưa gì mới lên trang web?


- Ừh, không viết gì hết, bởi vì tớ không thấy có gì để viết? - Mình trả lời.


- Không phải nhật ký là để ghi lại chuyện hằng ngày sao?


- Cũng đúng, nhưng mỗi ngày chỉ có việc ăn, ngủ, học, cầu nguyện thì lấy gì mà viết?


- Ờ hen, như vậy cũng không mấy thú vị, người viết còn chán nói gì đến người đọc. Tưởng đâu cuộc sống của một nhà truyền giáo phiêu lưu lãng mạn lắm chứ.


- Cũng có, ai nói không có. Nhưng mấy ngày qua không thuộc về những ngày đó.


- Vậy những ngày qua là thời gian gì?


- Có lẽ nó như thời gian một hạt giống phải kiên nhẫn âm thầm chờ đợi ngày nảy mầm và thoát ra khỏi lớp đất bao phủ nó, băng qua sự tăm tối và vươn tới ánh sáng.


- Thời gian này kéo dài bao lâu?


- Tớ không biết. Tớ chỉ biết thời gian này tớ không giống ông cha vì không có giáo dân, không giống nhà truyền giáo vì chẳng có bài sai. Nhưng mỗi ngày tớ học thêm được vài chữ tiếng Thái, vài cấu trúc văn phạm, vài cụm từ mới. Tớ bật TV lên nhiều khi vẫn như vịt nghe sấm. Tớ đang chờ ngày mà mình không còn là hạt giống nữa nhưng là một cây hoa, cây lúa, hay một loài cây nào đó mọc trên lưng đồi để ai đó đi ngang qua có thể nhìn thấy và nhận ra rằng tớ là tác tạo của Thượng Đế, một tác tạo tốt lành và hữu ích trong thế giới.


Bangkok, ngày 29.7.2007

Hành trình của một vị linh mục


Trong bữa ăn tối, các cha ngồi nói chuyện với nhau. Đề tài chuyển đến những phim kinh dị. Cha S. bảo:


- Khi còn trong đại chủng viện, lần đầu tiên tôi xem phim Exorcist, tôi sợ lắm. Nhưng dạo này phim kinh dị không còn sợ nữa, nhiều khi xem thấy buồn cười.


- À, các cha có biệt giáo phận Bangkok có linh mục phụ trách việc trừ quỷ không? Hình như mỗi giáo phận điều có linh mục được giao trách nhiệm đó. - Mình hỏi.


Cha S. chỉ sang cha Sr. bảo:


- Ngài có làm đó.


Cha Sr. không phải là linh mục phụ trách việc trừ quỷ, nhưng ngài đã có một số kinh nghiệm đối diện với những trường hợp người thường bị các linh hồn nhập. Ngài kể cho mọi người trong bàn nghe về những kinh nghiệm mà ngài đã trải qua. Mình nghe rất thú vị vì chưa từng gặp những trường hợp như thế, cũng như chưa từng biết ai có kinh nghiệm này. Cha Sr. nhận định:


- Khi đối diện với những linh hồn đó, mình không nên cải tay đôi với họ. Mình phải luôn nói chuyện bình tỉnh và nhẹ nhàng. Chỉ như vậy mình mới có thể thuyết phục họ rời khỏi người mà họ đã nhập.


Cha Sr. kể về nhiều trường hợp rất hay. Một lúc sau, mọi người trong bàn ăn đã đứng dậy cất bát dĩa. Chỉ còn mình và cha Sr. lại ở bàn ăn. Cha chia sẻ với mình:


- Những kinh nghiệm này đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về thiên đàng, hỏa ngục, và nơi luyện ngục. Nó cũng giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về các bí tích và mầu nhiệm của Chúa. Trước đây thời gian tôi học trong đại chủng viện, và ngay cả sau khi chịu chức, tôi đã có rất nhiều điều ngờ vực. Suốt thời gian 15 năm làm linh mục, tôi vẫn tiếp tục ngờ vực những điều đó. Ví dụ, làm sao một tấm bánh lại là thân thể của Chúa Giêsu? Hơn 20 năm trong đời sống linh mục, qua những kinh nghiệm trên, tôi mới bắt đầu có những cảm nhận mới. Bây giờ thì đã ba mươi mấy năm rồi.


Cha Sr. bắt đầu đi vào chi tiết về những cảm nhận của cha thì tiếc thay, cô thư ký gõ cửa phòng ăn báo rằng cha có khách. Thể là cuộc chia sẻ phải chấm dứt đột ngột. Mình lấy làm rất tiếc vì mình nhận ra rằng kinh nghiệm và cảm nhận của một vị tiền bối như cha Sr. sẽ rất bổ ích cho chính bản thân và đời sống linh mục của mình.


Hơn một năm trôi qua từ khi mình chịu chức, nhưng chính mình đôi khi cũng cảm thấy bất ngờ khi bổng nhiên "nhớ lại" mình là một ông cha. Mình vẫn không hiểu hết một ông cha là như thế nào? Một ông cha phải làm gì? Và một ông cha phải biết những gì, phải tin những gì, có thể nghi ngờ những gì, có thể phấn đấu với những điều gì? Cha Sr. đã phải trải qua thời gian hàng chục năm mới bắt đầu nhận định rõ ràng niềm tin và ơn gọi của ngài. Vậy mà khi đứng dậy bỏ dĩa vào bồn nước ngài còn nói:


- Vẫn chưa phải là 100%. Còn phải tiếp tục tìm hiểu nữa.


Nghe cha Sr. tâm sự mình vừa cảm thấy được an ủi, vừa cảm thấy lo lắng. An ủi là vì mình biết rằng mình vẫn còn rất non trẻ trong đời sống linh mục, vì thế mình hãy cho mình thời gian và cơ hội để thăng tiến và cảm nhận ý nghĩa của ơn gọi này. Nhưng lo lắng vì không biết mình có đủ kiên nhẫn như cha Sr. hay không? Và mình có chịu khó tìm cho mình câu trả lời đối với những điều mà mình chưa hiểu được hay không? Hay là mình sẽ thơ ơ, biếng nhác, để rồi mình trở nên một vị linh mục làm việc cách máy móc mà không thực sự đặt hết tâm hồn của mình vào sứ vụ, vì chính mình cũng không biết được sứ vụ đó thực sự như thế nào?


Bangkok, ngày 23.7.2007

Ngày Chúa Nhật

Ngày Chúa Nhật, trong lòng tự nhiên cảm thấy trống vắng. Mình đang ở nhờ giáo xứ này, nhưng ở đây đã có quá nhiều linh mục, các cha không cần sự giúp đỡ của mình. Mình không cần phải làm lễ trong nhà thờ. Đi chỗ khác làm lễ ư? Nơi nào bây giờ? Mình chỉ làm lễ được bằng tiếng Anh. Tiếng Thái chưa đủ để nói hết câu chuyện lấy gì mà làm lễ được bằng tiếng Thái?



Mình không thích làm lễ đồng tế. Đứng trên cung thánh như thể để làm "cảnh" mình cảm thấy dễ bị chi phối. Nếu linh mục chủ tế đã làm tất cả những gì cần thiết trong thánh lễ thì sự hiện diện của mình cũng chỉ là dư thừa. Đôi khi có nhiều cha đồng tế, chia nhau đọc lời nguyện Thánh Thể, cha này nhường cha kia, cha trẻ tuổi nhường cha lớn tuổi, cha chức nhỏ nhường cha chức lớn, mọi người nhìn qua nhìn lại, chỉ qua chỉ lại, Thánh Lễ dường như rối cả lên. Nếu không có vai trò gì thích đáng trong thánh lễ, ví dụ như giảng thuyết, mình vẫn thích ngồi cùng giáo dân để tham dự thánh lễ hơn. Như thế mà trọn vẹn hơn đứng trên cung thánh trong khi không làm điều gì.



Thêm vào cảm giác trống trải là vì trưa nay mình bị một người bạn 'xù'. Hẹn gắp nhau vào giờ trưa, nhưng 30 phút trước cuộc hẹn thì anh ta lại gọi tới bảo rằng trong người không khỏe do hôm trước đi ngoài trúng mưa. Không thể trách người bị bệnh, nhưng cớ anh ta gọi cho mình sớm hơn một tí thì mình có thể nhận một lời mời khác. Trước đó, một người tên Lâm mà mình chưa hề gặp gọi tới hỏi thăm. Anh cho biết là bạn của anh O. (là người mình quen biết). Lâm bảo:



- Con đã nghe anh O. nói nhiều về cha nhưng chưa có dịp gặp. Hôm qua con đi dự đám cưới gặp chị T. Chị nói cha đã ở Việt Nam về. Nên con gọi tới hỏi thăm.



Lâm hỏi mình bây giờ có rảnh không? Mình trả lời không rảnh vì lát nữa có cuộc hẹn. Thế nhưng bây giờ không còn cuộc hẹn đó nữa. Đành ở nhà đọc sách và học bài vậy. Một ngày Chúa Nhật đáng ra khá bận rộn trở nên yên lặng và trống trải.

Bangkok, ngày 22.7.2007

Đi xem đội tuyển Việt Nam


Mình mới đi xem đội tuyển Việt Nam đá banh với đội tuyển Iraq trong trận tứ kết giải bóng đá Châu Á 2007 về. Rất tiếc là kết quả của trận đấu (Iraq 2 - Việt Nam 0)ngoài sự mong ước của những người ủng hộ đội tuyển. Từ phút đầu tiên Việt Nam đã thể hiện kiểu chơi thiếu tập trung và yếu ớt. Những cú đưa banh dài thì thiếu chính xác, còn lừa banh thì không giữ được lâu. Trước các cầu thủ to lớn của Iraq, các cầu thủ Việt Nam xem thật vụng về và thiếu kỷ thuật.


Điều làm mình bất ngờ khi vừa mới đến khu vực sân vận động Rajamangala là số cổ động viên người Việt đi ủng hộ đội tuyển Việt Nam rất đông, phải gấp mấy chục lần số CĐV đội tuyển Iraq. Nào là những người đang lao động tại Thái Lan, nào là các sinh viên đang du học ở đất nước này, và đặc biệt là rất nhiều người Việt đã đăng ký đi tour để du lịch Thái Lan đồng thời xem bóng đá. Trước khi trận bóng bắt đầu, cảnh tượng bên ngoài sân vận động rất náo nhiệt. CĐV đi thành nhiều tốp, hô to những khẩu hiệu chiến thắng, chụp hình, thổi kèn và phất cờ liên tục. Trong sân vận động, những giây phút trước khi trận đấu bắt đầu cũng không kém phần hồ hởi.
Thế nhưng sự hương phấn đó dường như đã bị dập tắt một cách tuyệt đối từ khi đội Iraq làm thủng lưới Việt Nam chỉ ở phút thứ hai của trận bóng. Mọi người ngồi mong chờ đội tuyển Việt Nam tạo ra một pha bóng độc đáo nào đó hầu lấy lại niềm hy vọng của khán giả, nhưng điều này dường như đã không xảy ra trong suốt 90 phút của trận đấu. Đối với đội tuyển Việt Nam, có thể nói lực bất tòng tâm. Một anh CĐV đến từ Hà Nội phát biểu khi trận đấu kết thúc và niềm hy vọng Việt Nam giành được một vé vào vòng bán kết bị dập tắt hoàn toàn: - Việt Nam ta chỉ đến thế thôi.


Dù sao đi nữa thì mình cũng đã có một buổi tối đầy thú vị khi được đi xem bóng đá ở một sân vận động lớn và một giải bóng đá lớn. Trên đất Thái nhưng vài tiếng đồng hồ đó mình có cảm giác như đang ở Việt Nam vì xung quanh chỉ là người Việt. Đúng như mình dự tính, chỉ cần mua vé hạng thấp, nhưng khi vào sân vận động rồi thì có quyền di chuyển tới ghế ngồi tốt do số lượng khán giả rất ít so với số ghế trong sân vận động. Mình mua vé hạng thấp nhất, nhưng rốt cuộc đã được xem trận bóng từ ghế hạng VIP. Việt Nam có thua đi nữa thì cũng đáng đồng tiền 150 baht mình bỏ ra để đến thưởng thức không khi đội tuyển Việt Nam tham gia vòng tứ kết ở giải bóng đá Châu Á.

Chuyện trong ngày


Hôm nay mình trở lại trường học, mình vào lớp của cô giáo Lakhana, người đã từng dạy mình ở level II. Bây giờ cô dạy level III. Mình vui vì được vào lớp của cô, vì cô dạy rất năng động và vui vẻ. Cô nói nhanh hơn những người khác, nên tạo điều kiện cho mình luyện nghe tốt hơn.


Tuy nhiên mình lại không thấy vui với những người cùng học với mình. Họ đều là những người tuổi U50. Lớn tuổi không phải là cái tội, chỉ có điều họ lớn rồi nên tiếp thu ngôn ngữ không được nhanh. Mình không được đến trường học tiếng Thái hai tháng rồi, trong khi họ đang học liên tục thế mà họ vẫn nghe và nói không được tốt như mình. Giờ học mình thấy chán chán làm sao ấy. Lớp của mình có 6 người, nhưng hôm nay chỉ có bốn. Hai người kia mình không biết lý do gì mà không đến trường. Mình đang cầu mong họ sẽ đến, và hy vọng họ ở tầm tuổi mình để mình cảm thấy có bạn trong lớp.


Ở trường, có những người trước kia học sau mình, nhưng giờ thì cao hơn mình. Còn những người trước mình thì lại càng bỏ xa mình nhiều hơn nữa. Nhưng mình không mấy bận tâm với điều này. Mình vẫn cảm thấy rất tự tin với những gì mình đã học được trong thời gian qua và sẽ trau dồi trong những ngày tháng tới. Trong bản tính mình có một chút cạnh tranh, làm cho mình không muốn thua thiệt trước những người khác. Chính cái tính cạnh tranh này sẽ thúc đẩy mình cố gắng để cho kịp bạn kịp bè.


Trở về Thái Lan, đời sống sẽ rơi vào nếp, chứ không còn 'lang bang' như những tháng ngày ở Sài Gòn nữa. Sáng nay, vừa thức dậy, mình gọi điện thoại về Mỹ để thăm mẹ. Thật ra mình tồi tệ lắm, rất làm biếng gọi điện thoại về nhà, nhiều khi cả tháng chỉ gọi một lần. Hôm qua, chị Tr. (chị kế mình) gởi email bảo: - Bố và Mẹ nhớ em lắm. Chị 'highly recommend' em gọi điện thoại về thăm bố mẹ. Em biết rồi, mấy người về hưu luôn nghĩ ai cũng rảnh rỗi như mình.


Thế là sáng vừa thức dậy, mình gọi điện thoại. Mẹ gặp mình trên điện thoại, nói không dứt. Nhưng mình phải chuẩn bị đi học nên đành phải ngắt lời mẹ. Mẹ bảo mới bị trúng gió, đổ bệnh mấy tuần nay. Đầu tháng 8 có hẹn đi chụp hình trong đầu xem có gì không vì thời gian này bị đau đầu nhiều quá. Bố cũng bị bệnh này bệnh kia làm mất ăn mất ngủ. Mình nghe thấy buồn ghê gớm, mà chẳng làm được gì giúp đỡ bố mẹ trong tuổi già.


Tối nay đi công chuyện bên ngoài về tới nhà, mở mail ra thấy có email của Khánh ở Lăng Cô. Khánh là con đỡ đầu của một người anh em trong dòng mà mình gặp trong chuyến đi Lăng Cô vừa qua. Khánh viết: "Cha đi rồi có nhớ tụi con không? Không biết sao con nhớ Cha lắm, đặc biết cứ nhớ cái tên của cha. Chắc là cha để lại ấn tượng cho con rồi, ở Việt Nam chưa bao giờ đi chơi với một ông cha nào như cha, rồi còn hiểu nhiều về thanh niên nữa chứ. hihih...."


Hằng ngày trong đời sống, nhiều khi không có gì to lớn xảy ra hết. Chỉ có những nỗi buồn nho nhỏ khi nhận được tin không vui, rồi lại có những niềm vui nho nhỏ đến từ một nơi khác. Cái vui cái buồn nó cứ song hành với nhau, mang đến cho mình những cảm xúc lẫn lộn. Vui rồi buồn, buồn rồi vui. Đời là thế đấy.


Bangkok, ngày 20.7.2007

Trở về lối cũ


Hôm nay mình lên trường đăng ký học khóa mới. Vì vắng mặt hai tháng nên văn phòng bắt mình phải test lại, bằng cách ngồi đàm thoại với cô chủ nhiệm trường. Cô chủ nhiệm đưa ra những câu hỏi để cho mình trả lời. Cũng may là thời gian ở Việt Nam mình chịu khó tự học nên bây giờ vẫn còn có thể đàm thoại với cô một cách khá thoải mái. Mình vẫn không quên những điều căn bản mà mình đã học ở trường.

Học xong, mình đón xe đến sân vận động thể thao gần đó để hỏi mua vé đi xem đá bóng, trận Việt Nam gặp Iraq trong giải Asian Cup 2007. Nhưng mình được cho biết là ở đây không bán vé. Mình gọi anh Kh., một người rất hâm mộ môn bóng đá để xin ý kiến. Anh bảo đợi anh trước thương xá MBK, anh sẽ tới đón đi mua vé. Anh Kh. gọi điện thoại hỏi thông tin tìm ra chỗ mua vé ở một thương xá gần đó, thế là hai anh em dắt nhau đi mua vé.

Vé có bốn hạng khác nhau, hạng cao nhất là 800 baht, còn thấp nhất là 150 baht. Anh hỏi:
- Bây giờ mình mua loai vé nào?

- Theo em thì mình cứ mua hạng bèo nhất. - Mình trả lời. - Trận đấu này người ta đi coi rất ít, biết đâu ở đó sau một lúc họ sẽ cho mình tự do đi lại, rồi mình sẽ đến ghế nào trống mà tốt để coi.

Đi theo anh Kh. còn có thêm hai anh người Nghệ An mà anh Kh. đang giúp cho họ làm visa đi Tiệp Khắc để làm việc. Thế là anh Kh. cũng mua vé cho họ, còn mình thi mua thêm cho cha Tr. tối nay mới đón chuyến bay từ Việt Nam sang Bangkok.

Trở về lại Bangkok trong lúc này cũng rất may mắn vì mình có dịp được đi coi đội tuyển Việt Nam chơi trong trận bóng đá lịch sử nhất của đội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được lọt vào vòng tứ kết ở một giải bóng đá lớn, và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam được tham gia Cup Châu Á. Hy vọng rằng với một chút may mắn, và nhiều nỗ lực của các cầu thủ, đội tuyển Việt Nam sẽ làm được điều ngoài mong đợi là đạt được một vé vào vòng bán kết. Chắc chắn nếu điều đó xảy ra thì ở Việt Nam sẽ có những cuộc ăn mừng trên đường phố như chưa bao giờ từng chứng kiến.

Mình trở lại đây, mọi sự vẫn như xưa. Các cha ở DCCT vẫn niềm nở với mình. Có một cha trẻ của DCCT đến đây thực tập, trước đây tỏ ra rất im lặng, khó gần gũi. Chưa kịp làm quen, mình đã đi Việt Nam, nhưng về lại đây, thấy cha rất khác lúc trước. Ngồi trong bàn ăn, cha nói chuyện rất cởi mở và tự nhiên. Mình thấy vui lên hẳn khi nhận ra điều này.

Còn các cô thầy giáo ở trường vẫn vui vẻ. Những người bạn như Ph. và anh Kh. vẫn ân cần như ngày nào. Mình trở lại Thai Lan lần này, có một chút cảm giác như trở về nhà. Chắc chắn đó là dấu hiệu mình ngày càng cảm thấy gắn bó và thoải mái với đất nước và con người ở đây. Ngày mai, hành trình học tiếng Thái sẽ tái bắt đầu một cách nghiêm túc bằng cách bước vào lớp học. Hôm nay trong giờ test, cô chủ nhiệm hỏi mình:

- Em có siêng năng không?

- Em nghĩ là cũng siêng năng. - Mình trả lời.

- Vậy em học ở đây, ai trả tiền học phí cho em?

- Thưa cô hội dòng tài trợ cho em.

- Nếu em không phải bỏ tiền riêng của mình để học, liệu em có siêng năng không?

- Em nghĩ mặc dầu em không phải bỏ tiền riêng để học, nhưng vì công việc truyền giáo của em đòi hỏi em phải rất thông thạo tiếng Thái, nên em nghĩ rằng mình phải siêng năng.

- Vậy thì chúc em học tốt.

- Vâng, em cám ơn cô rất nhiều.

Bangkok, ngày 19.7.2007

Rời Việt Nam


Thế là mình cũng đã bước lên máy bay rời Việt Nam để trở về Thái Lan, trở lại với việc học hành, và những công việc khác mà mình đang mới bắt đầu làm quen trong vài tháng từ khi được chuyển sang đất Thái. Cuộc phiêu lưu ở Việt Nam kéo dài đúng hai tháng. Mình đến Việt Nam ngày 17 tháng 5 và rời đó vào 17 tháng 7. Hai tháng trôi qua rất nhanh khi hằng ngày đều có những cuộc gặp gỡ với bạn bè, người thân quen, và những người mà mình đã từng đồng hành với họ trong cuộc sống. Không có ngày nào mà mình không bước ra khỏi nhà để gặp ai đó trò chuyện, chia sẻ, và giải trí. Việc học mình không dám bỏ bê, tuy nhiên, ở đây nó khó giữ được vị trí ưu tiên mà mình muốn có.

Mình về lại Thái Lan với tấm visa mới, với nỗ lực mới để tiếp thu và thăng tiếng trong việc học thông thạo tiếng Thái. Mất đi hai tháng học, mình bị “sa sút phong độ” phần nào, nói theo ngôn từ bóng đá mà mình hay nghe các bình luận viên phát biểu trên TV, nhưng hy vọng rằng với trí thông minh không quá tồi tệ của mình, mình sẽ mau tìm lại được những gì mình đã mất.

Ngồi trên chuyến bay Air France từ Sài Gòn đến Bangkok, mình chỉ có đủ thời gian để coi lại bài báo mà mình đã viết cho Dân Chúa Úc Châu số tháng 8, rồi viết một bài cho NKTG, một phần để cho thời giờ ngồi không trên máy bay được tận dụng, và một phần để ghi lại những cảm nhận khi đang bay trong không trung. Cũng có thể một không gian khác sẽ tạo ra cho mình những cảm nghĩ và cảm xúc khác thường đôi chút.

Hôm nay tiễn mình ở sân bay có một nhóm 9 người, trong đó có 3 người là anh em cùng dòng, 5 người là bạn bè, và một người là một bạn trẻ mình đang đồng hành và nâng đỡ khi đã bị nhiễm HIV do lầm lẫn đi vào con đường ma túy. Tính mình không thích những cuộc chia tay rườm rà, kéo dài, và ướt át. Mình không thích có nhiều người phải đưa đón. Họ phải tốn nhiều giờ đến sân bay chỉ vì đứng với mình vài phút nói chuyện, rồi mình phải đi vào trong, họ thì ra về. Mình thấy không cần thiết. Thế nhưng những người này đã không đồng ý với lời từ chối được tiễn đưa của mình. Đến giờ mình ra sân bay, họ lần lượt tìm đến để chia tay. Đành phải chịu vậy. Dù sao đi nữa, có người tiễn đưa cũng có nghĩa rằng chung quanh mình vẫn còn có người quan tâm đến mình. Đó cũng đã đủ mang lại cho mình một cảm giác ấm cúng trong lòng. Và với cảm giác đó, mình lên máy bay, đi về Bangkok với một niềm vui nho nhỏ và một sự mong ước sẽ sớm gặp lại những khuôn mặt thân thương mà mình đã để lại ở đất nước Việt Nam này.

Trên bầu trời Thái Lan, ngày 17.7.2007

Cô nhân viên tại Lãnh sự quán Thái


Thế là cuối cùng mình cũng đẵ nắm được trong tay cái visa về lại Thái Lan. Sau nhiều cuộc điện thoại qua Thái Lan, ra Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, và với văn phòng Lảnh sự quán tại Sài Gòn, công văn của Bộ ngoại giao cũng đã đến tay nhân viên văn phòng lảnh sự quán và việc tiến hành làm visa được thực hiện. Chiều hôm nay lúc 3h, mình đã đến nhận visa....3 tháng!


Mình mở visa ra thấy chỉ được 3 tháng, mình thắc mắc với cô nhân viên người Việt:


- Chị ơi, cho em hỏi tại sao em xin visa 1 năm mà ở đây chỉ cho em ba tháng?


- Ở đây chỉ có thẩm quyền cấp visa 3 tháng thôi. Khi em qua Thái Lan, em phải xin gia hạn. - Chị điểm tỉnh trả lời.


- Vậy chị có biết visa này em có thể xin gia hạn được không?


- Điều đó lệ thuộc vào cục quản lý nhập cảnh bên ấy. Chị cũng không biết.


Thế là mình không biết tương lai sẽ ra sao? Cứ phải chờ qua đó rồi hay vậy. Mình không dám tỏ ra thất vọng vì dù sao đi nữa mình cũng được trở về Thái Lan. Mình cũng không thể bực bội với chị làm việc ở văn phòng vì quả thực chị đã đối xử với mình rất tốt trong quá trình làm giấy tờ.


Ngày trước khi lên nộp đơn, chị vui miệng hỏi:


- Em qua Thái Lan làm truyền giáo, vậy em là gì? Em có phải là cha xứ không?


- Vâng, em là linh mục, sau này qua đó em cũng có đảm trách giáo xứ.


- Vậy thì chị phải gọi em như thế nào?


- Ồ, chị cứ gọi em bằng em là được rồi.


- Thời gian ở đây em có làm lễ ở nhà thờ nào không?


- Dạ em có làm lễ đây đó, nhưng không có giúp trong giáo xứ vì em không được phép của chính quyền.


- Chị nhìn em cũng có tướng làm ông thầy ông cha lắm.


- Ủa vậy sao? Em thấy ai nhìn em cũng nói rằng em chẳng giống ông cha tí nào.


- Tại vì họ nhìn chưa kỹ thôi, chị nhìn chân mày em thì thấy em phải là làm cha làm thầy.


- Vậy thì em cảm ơn chị quá, lâu nay mới có người giúp em củng cố con đường mình chọn lựa. Ai cũng nói em không giống cha giống thầy làm em bận tâm không biết mình có đi sai đường hay không?


- Không sai đâu, ai cũng có một cái số mà. Mình làm cái gì đã định mệnh cho mình.


- Bên em thì cũng có quản điểm là Thượng Đế kêu gọi mình làm cái gì đó, và mục đích của mình là làm theo đúng cái sứ mệnh đó. Nếu mình làm khác ơn gọi của mình thì sẽ không tìm thấy hạnh phúc.


- Chị cũng nghĩ như vậy.


Cuộc trao đổi với chị làm việc trong văn phòng lảnh sự quán tuy ngắn ngủi nhưng rất thú vị. Sự thân thiện và cởi mở của chị đối với mình rất bất ngờ, đặc biệt trong một cơ quan ở Việt Nam. Có lẽ do chị làm việc cho chính phủ Thái Lan nên cung cách của chị đối xử với khách không thể như nhiều cán bộ ở các cơ quan của người Việt, đó là một cung cách rất hách dịch và khó chịu. Dù sao đi nữa thì Thái Lan được mệnh danh là "đất nước cửa nụ cười" nên chị đã có lối nói chuyện và cư xử phù hợp với hình ảnh ấy. Đi tới cơ quan và gặp được sự niềm nở như chị như một làn gió mát trước nhưng khuôn mặt lạnh lùng và khó gần gũi của các cán bộ nhà nước và các công nhân viên của rất nhiều dịch vụ ở nước này. Nếu đi đâu cũng gặp được nhân viên dễ chịu như chị thì công việc sẽ trôi chảy biết bao!


Sài Gòn, ngày 16.7.2007

Mừng hụt


Sau chuyến trở về từ Lăng Cô, sáng qua mình và anh Tr. gặp nhau để đến văn phòng lãnh sự quán Thái Lan trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3 để làm visa đi Thái Lan, trong tay có một bức thư mà mình được bên kia cho biết là thư chấp thuận cấp visa từ chính quyền Thái Lan. Thư bằng tiếng Thái được cô thư ký của nhà dòng fax qua, chữ không rõ lắm nên mình đọc cũng không ra.


Mình đưa đơn xin visa và thư fax cho cô nhân viên người Việt. Cô không đọc được tiếng Thái, nên mang ra sau cho "sếp" người Thái đọc. Cô trở lại một lúc sau với thông tin không mấy hậu:


- Em ơi, thư này không phải là thư chấp thuận visa. Đây chỉ là thư của cục quản lý nhập cảnh gởi đến bộ ngoại giao. Ở đây chưa nhận được công văn nào của bộ ngoại giao nên không thể cấp visa cho em được.


- Vậy khi nào thì bên này sẽ nhận được công văn của bộ ngoại giao? - mình hỏi.


- Cái này chị không biết, em cứ để số điện thoại của em ở đây, lúc nào có thì chị sẽ gọi báo cho em.


- Vậy em là người quốc tịch Mỹ, làm sao bộ ngoại giao biết em đang ở Việt Nam mà gởi công văn về đây?


- Khi em làm đơn xin visa, em không yêu cầu họ gởi công văn về văn phòng tổng sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh à?


- Em đâu có biết. Việc làm thủ tục này là do văn phòng của dòng và Hội đồng giám mục Thái Lan làm cho em. Bây giờ em thấy thật bối rối.


Cô nhân viên cũng không biết làm gì để giúp mình. Mình cũng không biết nên yêu cầu gì được nơi cô. Thế là mình chỉ biết tìm đến một quán cà phê trên đường Hồ Xuân Hương, gần đường Trần Quốc Thảo để uống nước, bình tâm lại, và gởi email cho thầy Ron ở Thái Lan để báo cáo tình hình.


Cách đây vài ngày mình đã đặt chuyến bay về Thái Lan ngày 17 tháng 7 kịp thời cho việc bắt đầu khóa học mới. Thế nhưng mình phải thay đổi vé thêm một lần nữa. Từ khi đến đây tấm vé trở về Bangkok của mình đã bị thay đổi ngày đến 3 lần rồi. Mình cảm thấy hơi mắc cở khi phải trở lại văn phòng vé để dời ngày thêm một lần nữa.


Thầy Ron gọi điện thoại cho mình bảo:


- Tôi đã yêu cầu Noi (cô thư ký) liên lạc với người ở văn phòng di trú Công giáo để giải quyết vấn đề. Hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng. Khi nhận được lá thư chấp thuận visa, tôi đã thầm nghĩ điều này không thể dễ quá dàng như thế này được. Tôi đã nghĩ không sai.


Thầy Damien đang đi quyên góp ở Mỹ cho việc mục vụ ở Thái Lan khi nhận được tin tức thì email chia sẻ:


- Tôi thật lấy làm tiếc vì nhiều khó khăn mà cha đang gặp phải trong việc làm visa. Điều này chắc chắn sẽ làm cho tiến trình học ngôn ngữ bị gián đoạn. Mọi sự nghe có vẻ phức tạp quá.


S., một thằng bạn ở Việt Nam thì trấn an:


- Thôi đừng bực mình quá, bực mình cũng chẳng giải quyết được gì.


Trước đây khi đang ở Thái Lan, nghe nói phải về Việt Nam làm giấy tờ, tôi cũng thấy mừng. Nếu có được một hai tuần tại Việt Nam cũng vui, việc học hành không bị ảnh hưởng mà còn có dịp để gặp gỡ nhiều người thân quen. Thế những bây giờ đã gần hai tháng rồi. Người Mỹ có thuật ngữ "too much of a good thing" (tạm dịch "cái tốt có quá nhiều") để nói về việc cái tốt mà nhiều quá thì thành xấu. Có lẽ đây là một trường hợp như thế.


Sài Gòn, ngày 13.7.2007

Kiên Giang và Lăng Cô thân thương


Mình trở lại Sài Gòn từ hai chuyến đi tham dự lễ tạ ơn tân linh mục của hai anh em cùng dòng từ Mỹ về. Một lễ diễn ra tại kinh A, tỉnh Kiên Giang, một lễ thì ở làng Loan Lý, Lăng Cô. Hai vùng đất nước khác nhau với những con người khác nhau. Ở Kiên Giang là những người Bắc di cư 54, còn ở Lăng Cô là người gốc Quảng Trị. Thế nhưng ở cả hai nơi mình đều có cảm giác như nhau, đó là sự thân tình của gia đình, bà con, xóm giềng, sự vui mừng của toàn thể cộng đồng khi có một người con được làm linh mục. Họ vui, mình thấy vui lây.


Lần này về Việt Nam, mình không đi đâu xa, chỉ duy nhất hai chuyến đi này là vì hai tân linh mục đều là bạn thân của mình ở Mỹ. Chuyến đi lần đầu tiên tới Lăng Cô mình cảm thấy đặc biệt thú vị vì ở đó mình đã có vài ngày để làm quen, gặp gỡ, và chia sẻ với những người làng ở đó, đặc biệt là một số bạn trẻ con đỡ đầu của cha Th. là người bạn tân linh mục. Bọn nó gặp mình ngày đầu tiên, không biết mình là linh mục. Ngày hôm sau, tụi nó thấy mình cầm áo lễ đi đến nhà thờ, tụi nó giựt mình.


- Ngày đầu con gặp cha, con cứ nhìn cha vì thấy khuôn mặt cha quen lắm, mà con cứ tưởng cha là anh mô. Thấy cha mang đôi giày Adidas, bận áo thun, quần jean nên con đâu có ngờ là cha. - Một thằng tên Khánh nói.


Thằng Đăng thì bảo:


- Cha không lớn tuổi hơn tụi con bao nhiêu, chắc phải xưng bằng anh em mới thấy thân thiện.


Mình đến nói chuyện với nó khi buổi tiệc đã gần tàn. Tụi nó nán mình lại để uống thêm vài chai, rồi sau đó rủ mình đi karaoke. Mình OK! Tụi nó bảo tụi nó không có kinh phí. Mình sẵn sàng làm nhà tài trợ. Karaoke ngoài quê cũng không mắc như ờ thành phố.


Karaoke xong, tụi nó muốn đi ra biển chơi, nhưng mình thấy đã đủ rồi nên cho tụi nó về nghỉ ngơi. Mình bảo:


- Nếu mấy em muốn đi chơi nữa thì phải về nhà nghỉ ngơi, tắm rửa đã, rồi sau đó đi lại. Giờ đã uống nhiều bia, mà chạy xe thì không tốt.


Tụi nó nghe lời. Mình hẹn tụi nó 7h30 tối gặp ở nhà nghỉ. Đến giờ hẹn, chỉ có 1 đứa quay lại, mấy đứa kia đang....ngủ. Sáng hôm sau vừa mới 7h, tụi nó đã chạy xe máy đến nhà nghỉ mời mình đi uống cà phê. Rồi sau đó đi Suối Voi chơi.


Đi chơi với mình tụi nó thấy vui. Tụi nó bảo:


- Chưa bao giờ được đi chơi với cha nào như vậy hết. Thấy rất là thoải mái, cha rất hiểu tuổi thanh niên.


Chiều hôm qua mình phải ra sân bay Đà Nẳng đi ngược vào Sài Gòn. Cha Th. cùng đi để đón bạn ở sân bay. Tụi nó đòi đi theo để tiển chân mình, nhưng xe không đủ chỗ. Tụi nó đòi chạy xe máy theo. Mình không cho, nói như vậy thì mệt mà chẳng được gì. Phải chia tay từ đó vậy.


Mình lật đật về phòng thu dọn đồ đạc, nói lời chia tay với bà cố cha Th., leo lên xe vào Đà Nẳng cho kịp giờ bay. Lật đật quá chừng do đi Suối Voi về trể, không kịp chào hết mọi người. Chuyến bay của mình là 6h10 chiều, nhưng khi đến nơi nhân viên hãng Việt Nam Airlines cho hay, chuyến bay bị trể hai tiếng. Thế là mình phải cập rập chia tay những khuôn mặt vui vẻ và dễ thương tại Lăng Cô chỉ để đến sân bay....ngồi chờ. Thật là rách việc!
Sài Gòn ngày 12.7.2007

Câu chuyện xung quanh bàn tiệc giỗ

Chiều qua mình đến Tân Bình làm lễ đồng tế với cha Vinh, một người anh em mới chịu chức tháng trước ở Mỹ về. Cha Vinh làm lễ giỗ cho ông ngoại nên mời mình đến làm lễ chung. Lễ xong anh mời mình qua nhà ông bác ăn tối với gia đình, có thêm cha chánh xứ là cha Th.

Trong bữa ăn, câu chuyện dẫn đến việc nhiều người đi lễ mà không vào nhà thờ. Bên ngòai nhà thờ thì giáo dân đứng đầy trong khi bên trong thì lại rổng. Luôn chuyện mình đưa ra nhận xét cá nhân về những người giáo dân ở Nhà thờ chính tòa Sài Gòn đi lễ mà chỉ đứng ngoài nhìn vào…tường nhà thờ, không nghe không thấy được bất cứ điều gì bên trong nhà thờ.

- Thực sự những người này nên ở nhà ngủ hoặc đi uống cà phê có lẽ sẽ bổ ích hơn là đi lễ kiểu đó. – Mình nhận xét.

- Cha nói vậy chứ con thấy những người này đang làm chứng về đức tin đó chứ. – Anh Thiên, anh họ của cha Vinh lý luận.

- Làm chứng như thế nào, anh nói nghe đi. – Mình hỏi lại.

- Thì Nhà thờ chính tòa ở trung tâm thành phố, có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Đứng bên ngoài nhà thờ như vậy thì người ta mới thấy rằng người Việt mình thật sùng đạo. Nhà thờ đông đến nỗi phải đứng ngoài đường mà người ta vẫn đi lễ.

Cả nhả bật cười. Cha Th. bảo:

- Trước đây mình cũng nghĩ như cha vậy, mà bây giờ nghe anh Thiên lý giải mình mới thấy một cách nhìn khác. Hóa ra những người đứng trước nhà thờ đang thi hành việc làm chứng cho đức tin.

Cái kiểu làm chứng cho đức tin này mình sợ lắm. Tuần trước, mình đi lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng. Chủ tế đang giảng lễ, bổng nhiên từ túi quần của một giáo dân bên cạnh tuổi độ gần 50 reng lên tiếng quen thuộc của điện thoại di động. Reng một hồi, rồi hai hồi, giữa hồi thứ ba thì ông ta mới mò cái điện thoại ra khỏi túi quần, rồi…trả lời: “Alô” như đang đứng giữa chợ Bà Chiểu. Bên kia nói gì mình không biết, nhưng ông ta trả lời: “Giờ đang lễ không nói chuyện được”.

Ông ta đóng điện thoại bỏ lại vào trong túi quần. Không đến năm phút sau, điện thoại lại ngân lên như trước. Ông ta lại trả lời: - Đang đi lễ không nói chuyện được.

Mình thấy máu trong người đang dồn về tim. Gân trên trán căng thẳng. Mình liếc người đàn ông với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tại sao ông ta không tắt điện thoại hoặc cho nó vào chế độ thinh lặng? Lần đầu tiên cho là vô tình, nhưng lần thứ hai thì quả thực là đáng trách.

Thế nhưng câu chuyện điện thoại vẫn chưa kết thúc. Sau vài phút, sự việc lại tái diễn với lần reng thứ ba. Điện thoại reng, ông ta thanh thản lấy nó ra khỏi túi quần để trả lời cho đối phương là ông đang đi lễ, không nói điện thoại được.

Trong giờ lễ đó có ba người được biết qua điện thoại là ông ta có đi lễ ngày Chúa Nhật. Phải chăng ông đang làm chứng cho đức tin của mình? Nếu giáo dân cứ làm chứng đức tin kiểu này thì có lẽ giờ lễ sẽ trở thành một phiên chợ lúc nào không hay.

Sài Gòn, ngày 6.7.2007

Dự lễ trên xe máy


Từ Bảo Lộc trở về Sài Gòn, anh Tr. (Việt kiều Úc) nhận xét nhiều lần: - Đường này nhiều nhà thờ thật.

Đúng vậy, quốc lộ từ Bảo Lộc đến Ngã Ba Giầu Giây rồi sau đó là quốc lộ 1 từ Ngã Ba Giầu Giây đến Ngã Ba Vũng Tàu có vô số nhà thờ. Ai đi trên hai tuyến đường này cũng không bỏ qua được cảnh một ngôi nhà thờ quen thuộc hiện lên sau mỗi năm mười phút. Nếu đi vào ngày Chúa Nhật thì ta sẽ thấy có rất nhiều người giáo dân đi lễ. Người Việt vẫn vốn rất sùng đạo và đi lễ rất đều đặn. Ở vùng miền quê thì có nơi như Gia Kiệm 3h30 sáng thì chuông nhà thờ đã rung. Lễ ngày thường ở một nhà thờ Việt Nam còn đông hơn lễ Chúa Nhật của rất nhiều nhà thờ bên Mỹ hay Châu Âu.

Lễ ở nhiều nơi, giáo dân tràn ra bên ngoài nhà thờ vì bên trong có khi không đủ chỗ. Nhưng không phải ai đứng bên ngoài nhà thờ cũng vì bên trong không có chỗ ngồi. Ở nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn vốn có rất nhiều chỗ ngồi, nhưng mỗi thánh lễ đều có nhiều chục người không thèm đi gửi xe để vào bên trong dự lễ. Họ đứng hoặc ngồi trên yên xe trên đường nhìn vào trong, mặc dầu trước mắt họ là những cánh cổng nhà thờ rất cao và những bức tường gạch che khuất bất cứ những gì đang diễn ra bên trong. Nhà thờ không hề gắn loa bên ngoài nên âm thanh duy nhất mà họ nghe được là tiếng xe cộ inh ỏi trên đường phố. Thế nhưng họ vẫn đứng, hoặc ngồi trên yên xe mãi một tiếng đồng hồ đến khi họ thấy có dấu hiệu thánh lễ bên trong kết thúc thì họ nhanh chóng dọt về.

Tuần trước mình đi lễ 4 giờ chiều, sau đó ngồi lại ở một quán cóc bên lề đường để quan sát cảnh vật trong khuôn viên quảng trường Hòa Bình trước nhà thờ chính tòa. Nhìn những người giáo dân đứng bên ngoài nhà thờ nhìn vào trong, trong số họ có không ít người đã tuổi được xưng bằng chú bằng bác, có vợ chồng và con trẻ, có cô cậu thanh niên, mình có cảm giác muốn giăng một băngrôn trước mắt họ với lời khuyên: Quý vị đi lễ như thế này thì ở nhà tốt hơn! Thật vậy, tại sao phải làm khổ chính mình khi đứng bên ngoài, không nghe được gì, không thấy được gì? Nếu họ nghĩ rằng họ đứng đó thì họ đã làm trách nhiệm đi lễ, họ không cần phải đi xưng tội “Thưa cha con có bỏ lễ ngày Chúa Nhật” thì mình cho rằng họ đã lầm to. Tới đứng trước ngôi nhà thờ nào đó một tiếng đồng hồ rồi cho rằng mình đã đi lễ là một điều vô lý nếu không nói là ngu xuẩn.


Du khách đến Việt Nam chứng kiến người Việt đi lễ phổ biến họ rất thán phục. Nhưng thiết nghĩ khi họ chứng kiến cảnh vô số người đi lễ như những người ở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, chắc trong lòng họ cũng có một cảm giác buồn cười. Còn mình thì thấy phẫn nộ lắm.


Sài Gòn ngày 5.7.2007

Chuyến đi Bảo Lộc


Ngày Chúa Nhật mình vẫn còn thấy khó chịu trong người, không muốn đi Bảo Lộc chút nào nhưng vì đã hẹn với anh Tr. một người quen từ Úc về Việt Nam làm lễ giổ mãn tang cho bố nên mình không đành lòng thay đổi chương trình.

Bảo Lộc những ngày này trời mưa liên tục, khí hậu lạnh lạnh, nằm trong giường rất dễ ngủ. Lễ giỗ của cụ Đ. do những người con của cụ tổ chức, trong đó có hai người vừa về từ Úc diễn ra tốt đẹp. Mình không có vai trò gì đặc biệt trong lễ giỗ này, chỉ là khách của gia đình. Thế nhưng mình lại trở nên điểm chú ý của nhiều người trong buổi tiệc vào ban trưa và buổi đọc kinh vào ban tối. Cũng vì cái việc mình đến từ Mỹ, là một ông cha trẻ, rồi ‘cha mà sao nhìn giống như thanh niên’, và ‘ra đường ai mà biết là cha’. Đối với những người quê ở đây, sự hiện diện của mình như một hiện tượng lạ.

Một ngày ở Bảo Lộc nhưng mình cũng đã được gặp gỡ rất nhiều người, trong đó là một nhóm cựu tu sinh ở Đại Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt với cái tên Têrêxa. Bây giờ họ đã ở tuổi U50, có gia đình và phải bươn chải với cuộc sống lo lắng cho vợ cho con, nhưng họ vẫn thường gặp gỡ để sinh hoạt. Anh Khâm cho hay, một trong những sinh hoạt chủ yếu của nhóm là chia sẻ và hát với nhau những bài hát của Xuân Tưởng, một nhạc sĩ cũng đã từng theo học ở ĐCV Simon Hòa để nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp thời gian còn ăn cơm nhà Chúa.

Rồi mình gặp gỡ một người anh em bà con trong gia đình đang gặp phải áp lực từ phía bên bố vì anh không chịu theo đạo Công Giáo (Mẹ theo phật giáo). Anh băn khoăn không biết nên làm thế nào để cho vợ và con theo đạo trong khi mình không bị xua đẩy và chỉ trích vì quyết định cá nhân của mình.

Rồi mình gặp chị Hường, chị gái của một linh mục trong địa phận Đà Lạt. Chị có một quyết định rất đáng trân trọng là chọn ơn gọi độc thân để phục vụ Chúa. - Tu tại gia rất khó. – Chị chia sẻ với mình. – Lối sống này ít được sự nâng đỡ của người khác. Có nhiều người khi lớn tuổi cảm thấy cô đơn. Họ đưa ra ý kiến lập một nhóm để làm việc mục vụ. Nhưng khi họ đến ở với nhau thì không sống với nhau được vì họ không quen sống theo quy luật như trong một hội dòng.

Đây cũng là giáo xứ có cha phó là người dân tộc thiểu số. Trong bữa tiệc, mình ngồi trong bàn với các ông trùm của các giáo họ trong giáo xứ. Toàn thể số người khách trong bàn đều được giới thiệu là 'ông trùm'. Một ông trùm cho mình biết, cha Tr. là cha người thiểu số duy nhất được đào tạo và làm việc công khai tại Việt Nam. Mình không dám xác định thông tin này, nhưng chắc chắn việc có linh mục thiểu số được chịu chức và làm mục vụ là một bước tiến rất quan trọng và thiết yếu cho quá trình truyền giáo tại Việt Nam, đặc biệt là đến người dân tộc khác.

Chỉ một ngày trong một nơi khác mà mình gặp gỡ, trò chuyện, và làm quen được với nhiều người quá chừng. Mặc dầu trong người không khỏe, phải luôn canh giờ để uống hết năm loại thuốc mà bác sĩ chỉ định, phải từ chối những ly cà phê, những điếu thuốc lá, những ly rượu đế mà họ mời mình uống để chia sẻ tình thân, nhưng trong lòng mình rất vui vì mình đã được gặp gỡ, làm quen, và chia sẻ với những con người rất đáng mến tại vùng đất Bảo Lộc.

Sài Gòn ngày 3.7.2007

Đau quằn quại


Mình không rõ nguyên do bắt nguồn từ đâu, nhưng từ chiều hôm kia mình bắt đầu có cảm giác hơi khó chịu trong người, nhìn đồ ăn cảm thấy dợn dợn. Trong bụng thấy hơi sình sình. Sáng hôm qua mình bắt đầu uống thuốc vì có dấu chỉ sắp bị Tào Tháo rượt. Càng lúc thấy càng bất ổn. Nhưng mình vẫn cố gắng uống thuốc rồi đi chơi với anh em trong dòng từ Mỹ về. Đi đến nhà hàng Hàn Quốc, mình chỉ nhình chứ không dám ăn, mặc dầu mình rất thích đồ ăn Hàn Quốc. Sau đó cả nhóm đi nghe hát. Mình cũng đi, rồi về đến nhà lúc 11h tối. Mình đi ngủ được vài tiếng đồng hồ thì chợt tỉnh thức bởi cảm giác tức đau trong bụng. Mình nằm trằn trọc cố tìm lại giấc ngủ nhưng không được.

Cha Q. cho mình một loại thuốc uống để chặn lại Tào Tháo rất thành công, nhưng trong bụng mình bấy giờ lại có cảm giác thắt quặn làm mình đau điếng. 4h30 sáng, cơn đau không thuyên giảm mà càng lúc thấy càng trầm trọng hơn. Mình lủi thủi leo xuống giường, mặc vào chiếc áo sơ mi và quần dài, rồi ra đường đón chiếc xe ôm đến Bệnh Viện Hoàn Mỹ trên đường Trần Quốc Thảo.

Mình bước vào khoa cấp cứu xin được khám và điều trị. 5h sáng trong khoa cấp cứu chưa mấy bận rộn, tuy cũng có khoảng 8 bệnh nhân đang được chăm sóc. Cô y tá chỉ tới một chiếc giường nhỏ cạnh tường và bảo mình nằm xuống. Sau gần 3 tiếng đồng hồ trong khoa cấp cứu, mình đã được chuyền nước biển, chích một mủi thuốc giảm đau, xét nghiệm máu, siêu âm, một mủi thuốc kháng sinh, và toa thuốc để về nhà uống. Kết qủa của bác sĩ về bệnh tình sau quá trình khám là: viêm đường ruột.

Đây là lần thứ hai mình bị viêm đường ruột, lần đầu tiên cũng là khi đang làm việc tại Việt Nam. Khi ấy mình cũng phải đi khám cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ khi chỉ 1h sáng vì cơn đau quằn quại trong bụng. Khi về đến nhà, cha Q. bảo:

- Em bị viêm đường ruột vì em cứ hay ăn những thức ăn trên đường phố. Em phải cẩn thận. Có ăn thức ăn đường phố thì tìm những gì nóng mà ăn.

Anh Q. nói đúng, mình quá ỷ lại trong việc ăn uống. Mình ít khi lo sợ về vấn đề vệ sinh khi ăn uống bên ngoài. Mình không sợ hủ tíu gõ, không sợ cháo lòng 4.000/tô, hay sợ canh bún vỉa hè. Nhưng có lẻ sau lần bệnh này mình phải bắt đầu cẩn thận hơn trong việc ăn uống, đặc biệt là những gì trên đường phố.

Cơn đau đã giảm nhiều rồi, những viên thuốc bác sĩ cho uống qủa thật có hiệu quả. So với lúc sáng, mình như một con người khác. Bây giờ đã gần 5h chiều, mình đang đợi chị L. mang cháo đến cho mình ăn tối. Khi ốm có người quan tâm cho mình, mình thấy có phần an ủi hơn. Không có cha mẹ hay người thân bên cạnh, thiết nghĩ khi bệnh hoạn mà không có ai nâng đỡ thì sẽ buồn tủi lắm. Mình vẫn thấy rằng mình thuộc số người còn rất may mắn.

Sài Gòn ngày 30.6.2007