Nhìn lại năm 2018: Tháng 3



Sự việc nổi bật nhất trong tháng 3 là chuyến đi đến Nhật Bản. Trong chuyến đi này mình đã đặt ra một số mục tiêu để cho cuộc hành trình có ý nghĩa. Thứ nhất là thăm các anh em dòng Ngôi Lời đang phục vụ tại Nhật. Thứ hai là trải nghiệm về con người và đất nước Nhật bản một cách thực tế hơn. Thứ ba là gặp lại một người anh em linh mục Việt Nam mà mình rất quý mến đang phục vụ tại Nhật. Và cuối cùng là tìm hiểu thêm về thực trạng lao động di dân Việt Nam tại đây.

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày mình đã làm được tất cả những điều đó và đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị trên đất nước hoa anh đào. Nếu ôn lại những gì mình đã chứng kiến thì phải cần rất nhiều trang giấy nên mình sẽ không làm điều đó mà nói về một điều mà mình rất thích ở Nhật—đó là chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mà người Nhật sử dụng đa số nhìn rất giản dị. Thường thì những chiếc xe đạp có kiểu dáng khá đơn điệu và màu sắc cũng chỉ là những màu sẩm tối. Nhưng những chiếc xe đạp ấy xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Ở trong khu vực các trạm tàu điện hoặc trước các trung tâm mua sắm đều có hàng trăm, thậm chí cả ngìn chiếc xe đạp đang được gởi trong bãi đậu xe. Trước các cửa tiệm trong phố người ta cũng thấy có những chiếc xe đạp của khách hàng đang đậu ở đó. Xe đạp ở Nhật không chỉ dành cho sinh viên, học sinh mà ngay ca nhân viên văn phòng hoặc người lớn tuổi cũng đạp xe để đi làm hoặc đi công việc. Có xe còn gắn thiết bị đặc biệt để cho người có con nhỏ chở trẻ em.

Nhật bản là một đất nước phát triển nên ai chưa đến Nhật có lẽ không nghĩ rằng ở đây phương tiện đi lại này được sử dụng nhiều như vậy, ngay cả trong thành phố thủ đô Tokyo. Ở Thái Lan và Việt Nam chiếc xe đạp truyền thống dường như ngày càng thấy hiếm có và thay vào đó la những chiếc xe máy hoặc xe đạp điện. Nếu ai có khả năng thì tậu cho mình chiếc xe ô-tô để trở thành xế hộp. Não trạng phải “lên đời” làm cho nhiều người cảm thấy áp lực phải sắm cho mình những chiếc xe đắt tiền và cảm thấy ái ngái nều phải xuất hiện ở nơi công cộng ngồi trên một chiếc xe đạp. Còn ở Nhật nếu người ta có cảm thấy như vậy thì cũng không thấy hiện lên trên nét mặt của họ bởi vì việc đi lại trên chiếc xe đạp xem ra rất bình thường, bất kể đó là một người đang mặc đồng phục học sinh hoặc là một bộ đồ veston để đi đến văn phòng làm việc.

Một lối sống giản dị là thách đố lớn cho những người đang cố chạy theo kịp với những phong trào mang tính chủ nghĩa vất chất trong đó những gì mới nhất và đắt tiền nhất được cho là có giá trị nhất. Những chiếc xe đạp ở Nhật nhắc nhở chúng ta về một lối sống nhẹ nhàng và bình dị hơn, nhưng lại chất chứa sự văn minh và nhân bản. Giữa sự tối tân và hiện đại của xã hội kỹ thuật số thì chiếc xe đạp là một biểu tượng cho những giá trị về cái thực, về sự chân thành và về sự hài hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên.

Bangkok, ngày 24.12.2018

Nhình lại năm 2018: Tháng 2


Những năm qua mình đã làm phép xác cho nhiều lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng không mấy khi dâng lễ an táng. Đó là vì đa số những trường hợp làm phép xác là ở trong một căn phòng hoặc không gian nào đó trong khu vực nhà xác của các bệnh viện, sau đó thi hài được đưa về Việt Nam để an táng.

Trong tấm hình này là một bạn gái chỉ mới 16 tuổi. Ra đời sớm, qua Thái Lan làm việc, rồi mạng sống bị kết thúc một cách thê thảm trên xa lộ mà có xe chạy với tộc độ cả trăm cây số một giờ. Đa số các tại nạn liên quan đến người Việt Nam xảy ra vào giờ khuya khi họ đang đi làm, đang đi làm về, hoặc đang đi chơi sau giờ làm việc.

Năm 2018 cũng đã có không ít các tai nạn xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong, nhưng cũng có những người thoát được tử thần vì được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời. Dường như các vụ tai nạn xảy ra mình đều được báo và tìm tới để xin hỗ trợ bằng cách này cách khác. Sự hỗ trợ không hẳn chỉ là vấn đề kêu gợi sự giúp đỡ từ cộng đồng về tài chánh, mà còn tư vấn về cách làm các thủ tục để đưa thi hài về quê hương, để đòi bồi thường bảo hiểm, hoặc chỉ là để có những lời động viên an ủi gia đình và người thân của nạn nhân.

Người ta nói trong công việc mục vụ thì có hai sự kiện có nhiều người quay quần lại với nhau: đó là đám cưới và đám tang. Ở Thái Lan thì dường như mình rất ít có cơ hội để tham dự các lễ cưới hoặc đám cưới của các bạn trẻ Việt Nam; nhưng mình đã hiện diện ở không ít những dịp buồn. Mặc dầu không ai muốn có sự việc đau đớn xảy ra, nhưng khi đã phải trải qua biến cố đau thương thì sự hiện diện và nâng đỡ của một vị mục tử cũng mang lại niềm an ủi không ít cho những người trong cuộc.

Niềm vui, nỗi buồn là kinh nghiệm chung của con người bất kê tôn giáo, nên mình không chỉ tìm đến những người bên giáo mà những người bên lương mình cũng tìm cách để nâng đỡ họ trong những lúc vô cùng khó khăn như thế này. Đối với người bên giáo thì việc tìm đến một vị linh mục khi có chuyện nghiêm trọng xảy ra là điều bình thường. Nhưng đối với các anh chị em bên lương thì nhiều khi chính mình phải chủ động liên lạc với họ để xem có cần sự giúp đỡ như thế nào hay không vì nhiều người nghĩ rằng linh mục thì chỉ quan tâm đến người bên giáo.

Những gì mình làm để hỗ trợ cho gia đình của những người gặp nạn hoàn toàn là những thứ mà mình đã học hỏi được trong chính kinh nghiệm phục vụ của mình. Không có lớp học nào trong suốt những năm được đào tạo trong chương trình triết học hay thần học để đối phó với những hậu quả xảy ra từ những vụ tai nạn thương tâm. Và vụ tai nạn thương tâm nhất chính là vụ tại nan xảy ra ngày 2 tháng 6, năm 2014 khi đã có 14 người Việt thiệt mạng trên đường đi tham dự chương trình hội trại do mình tổ chức. Chính từ tất cả những gì mình đã làm để giải quyết các vấn đề trong vụ tai nạn đó đã giúp mình hiểu rõ những gì cần phải làm trong những vụ tai nạn xảy ra tiếp theo.

Vụ tai nạn năm 2014 lấy đi mạng sống của cha Hanh, 12 bạn trẻ Việt Nam và anh tài xế quả là một sự mất mát quá lớn lao. Nhưng cũng chính từ biến cố đó mà mình đã học hỏi được nhiều điều để có thể phục vụ cho những người sau này. Khả năng phục vụ là vậy. Nó dựa trên một phần rất nhỏ kiến thức học hỏi qua sách vở và trường lớp. Phần lớn còn lại là đến từ những trải nghiệm thực tế với những bài học vô cùng giá trị chỉ có thể thu thập được qua trường đời và qua kinh nghiệm dấn thân phục vụ.

Bangkok, ngày 22.12.2018

Nhìn lại năm 2018: Tháng 1

Lên máy bay đi Chiangmai, Bắc Thái Lan

Bức hình này chụp trong ngày mồng 2 tháng 1 đã nói lời tiên báo cho năm 2018 của mình là năm của hàng chục chuyến đi xa cả trong lẫn ngoài nước. Có những chuyến đi mục vụ. Có những chuyến đi họp hành. Và cũng có những chuyến đi kết hợp công việc với nghỉ ngơi, giải trí. Thấy mình đi nhiều quá nên có người bạn trêu là nhìn cứ tưởng là đại gia.

Những chuyến đi trong năm 2018 đã mang lại cho mình thật nhiều trải nghiệm quý giá. Ở mỗi nơi đến mình không chỉ có cơ hội để hiểu biết thêm về văn hóa và xã hội ở đó mà còn được xây dựng những mối quan hệ mới, duy trì và vun đắp những mối quan hệ đang có, hoặc nối kết lại những mối quan hệ cũ. Những chuyến đi mục vụ đến Phuket để dâng lễ cho các bạn Việt Nam ở đó đã làm cho mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết hơn. Chuyến đi đến Nhật tháng 3 đã tạo cơ hội cho mình gặp lại một người anh em linh mục mà mình đã xa cách mười mấy năm qua. Chuyến đi đến Roma để tham dự tổng tu nghị của hội dòng tháng 6 cũng đã giúp cho mình gặp gỡ lại một người bạn cùng lớp chịu chức với mình nhưng hiện đang truyền giáo tại Nam Mỹ. Và trên hết là trong chuyến đi này, mình đã được đi hành hương ở nhiều nơi quan trọng như Assisi và Tòa thánh Vatican. Trong chuyến đi thứ hai đến Ý tháng 11 vừa qua, mình được đoàn tụ với hai người chị gái đến từ Hoa Kỳ và cả ba chị em đã có những ngày hành hương với nhau thật ý nghĩa.

Có những chuyến đi xa đáng nhớ nhưng không phải cứ đi xa mới quan trọng. Có những chuyến đi gần hơn, chỉ vài chục cây số. Những chuyến đi đó không đòi hỏi một sự chuẩn bị quy mô hay đòi hỏi nhiều thì giờ vì nó được thực hiện đều đặn và thường xuyên. Đó là những lần đi dâng lễ ở các nhà thờ khác nhau. Đó là những ngày lái xe đi dạy học ở Đại Chủng Viện Lux Mundi. Đó là những lần đi thăm một người trong bệnh viện, đi giúp đàm phán đòi bồi thường cho gia đình của một nạn nhân tai nạn giao thông, hay thậm chí chỉ là đi đến một quán cà phê nhỏ để ngồi đọc sách, chấm bài, viết nhật ký…. Nhưng những gì làm trong những chuyến đi này đều quan trọng không kém vì tất cả những gì làm được trong những chuyến đi ngắn ngủi này nối kết lại để tạo thành một sứ mệnh truyền giáo với sứ vụ yêu thương, phục vụ, rao giảng và chia sẻ.

Việc đi chỉ có ý nghĩa đặc biệt và cụ thể nếu nó kèm theo hành động ngừng. Nếu ai đó cứ đi mãi mà không bao giờ ngừng thì không có gì đáng nói. Những gì liên quan đến chuyến đi chỉ nổi bật khi nó có khởi hành và kết thúc. Trong những ngày cuối năm 2018 này, mình đang cố ý ngừng lại để nhận ra những hồng ân, những niềm vui và những kết quả đã gặt hái được từ những cuộc hành trình lớn nhỏ mà mình đã thực hiện trong suốt năm qua.

Bangkok, ngày 20.12.2018

Sứ vụ làm nhịp cầu

Có lần người phụ trách công việc truyền thông của Dòng Ngôi Lời đã phỏng vấn tôi về mục vụ di dân Việt Nam và đã đặt câu hỏi như sau: - Cha cảm thấy vai trò lớn nhất của cha trong mục vụ này là gì? 

Tôi đã trả lời rằng: - Tôi thấy vai trò lớn nhất của tôi là làm nhịp cầu nối kết mọi người với nhau. Tôi muốn nối kết các bạn trẻ Việt Nam với giáo hội Thái Lan. Tôi muốn các anh chị em Việt Nam biết cách hội nhập vào xã hội và giáo hội sở tại, biết thích nghi với lối sống và văn hoá của đất nước nơi họ đang sinh sống, và biết đóng góp cho giáo xứ tại Thái Lan với tinh thần cởi mở và rộng lượng như với giáo xứ quê nhà. Ngược lại, tôi cũng muốn cho các linh mục và giáo dân Thái Lan hiểu biết và cảm thông cho các bạn trẻ hơn, cũng như học hỏi từ những điều tốt lành nơi các bạn. 

Vì đây là mục đích lớn trong công việc mục vụ của tôi đối với người Việt Nam tai Thái Lan nên khi cha Piyachat, đại diện ĐGM Tgp. Bangkok ngõ ý nhờ tôi giúp tổ chức chuyến đi thăm Gp. Vinh cho các linh mục thuộc Tgp. Bangkok tôi đã không ngần ngại đồng ý. Mặc dầu tôi không có gốc gác gì ở Gp. Vinh hoặc có vai trò gì trực tiếp trong Tgp. Bangkok, nhưng tôi có đủ tương quan với cả hai giáo phận để có thể biết mình cần phải làm gì để cho chuyến đi trở nên hiện thực. Mục đích của chuyến đi, theo cha Piyachat, là để tìm hiểu về cơ cấu, phương pháp và đường hướng của chương trình mục vụ của Gp Vinh tromg các lĩnh vực giáo lý, gia đình, giới trẻ v.v. từ đó rút ra những kinh nghiệm cho công việc mục vụ tái Thái Lan. Ngài bày tỏ nguyện vọng không chỉ muốn ngồi trong phòng họp nghe thuyết trình mà còn được trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các thành phần khác nhau trong giáo phận, với những người làm công tác mục vụ cũng như gặp gỡ giáo dân. 

Sau những lần trao đổi với cha Hồng Ân, thư ký chánh văn phòng toà giám mục Gp. Vinh qua email cũng như một lần trực tiếp tại toà giám mục Xã Đoài, cuối cùng chương trình chi tiết đã được ấn định. Ngày 19.11.2018, đoàn linh mục Tgp. Bangkok được dẫn đầu bởi cha Piyachat đã đáp xuống sân bay Vinh vào lúc 18.45 sau khi đoàn đã có những giờ tham quan tại Sài Gòn ngày hôm đó. 

Một điều khá kỳ diệu là giờ bay được ấn định bởi hãng hàng không Vietjet là 17.00 và sẽ đáp lúc 18.45. Thánh lễ đón tiếp đoàn ở nhà thờ chánh toà Xã đoài được ấn định là 19.45. Để kịp lễ thì chuyến bay không thể trễ giờ cho dù chỉ vài phút. Tôi rất hồi hộp vì ai cũng biết hãng Vietjet là vua trễ giờ. Chiều hôm đó tôi nhắn tin cho các bạn trẻ trong nhóm sinh hoạt của mình để xin lời cầu nguyện. Mọi người bắt đầu cầu nguyện online, gửi vào nhóm những câu kinh Kính Mừng mà họ đang đọc. Và Chúa Mẹ dường như đã lắng nghe và ban cho như ý. Mặc dầu giờ lên máy bay được ấn định là 16.40, nhưng mới chỉ 16.30 đã có thông báo mời hành khách lên máy bay.  Đúng 17.00, máy bay bắt đầu di chuyển, và đúng 18.45 thì máy bay đáp xuống sân bay Vinh. Đối với các hãng máy bay khác thì điều này không có gì quá bất ngờ, nhưng đối với VJ thì đây dường như là một phép mầu. 

Một sự bắt đầu suôn sẻ xem như là dấu chỉ tiên báo điều tốt lành cho chuyến đi. Và quả thực mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Các cha đã rất lấy làm hứng thú với những gì đã chứng kiến cũng như nghe được từ các bài thuyết trình và chia sẻ về công việc mục vụ. Các ngài đặc biệt ấn tượng với những giáo dân luôn sẵn sàng hy sinh để phục vụ giáo hội trong các vai trò hội đồng mục vụ hoặc giáo lý viên mà không hề đòi hỏi sự đáp trả bằng vật chất. Các ngài thán phục sự cặn kẻ trong chương trình giáo lý kéo dài 10 năm để chuẩn bị cho giới trẻ có đầy đủ hành trang sống đạo giữa đời. Các ngài khen ngợi các trẻ em tới tham dự các Thánh lễ dài vào giờ tối rất nghiêm trang. Các ngài bất ngờ khi thấy nhà thờ đầy nhóc người vào một Thánh lễ được tổ chức trong tuần, và thấy giáo dân đặc biệt là giới trẻ có lòng yêu mến các linh mục không kém gì lòng yêu mến Chúa. 

Suốt chuyến đi, tôi đã vừa làm thông dịch viên vừa làm hướng dẫn viên để các ngài có thêm hiểu biết về giáo hội và giáo dân Việt Nam, cụ thể là giáo dân thuộc Gp. Vinh. Điều này quan trọng bởi vì 90% các di dân Việt Nam tại Thái Lan đến từ Gp. Vinh. Từ chuyến đi này, các cha sẽ có cái nhìn mới và thiện cảm hơn với các bạn trẻ Việt Nam mà các ngài gặp ở nhà thờ hay ở một nơi nào đó tại Thái Lan. Chắc hẳn khi đã đến thăm “nhà” của nhau thì mối tương quan giữa hai bên sẽ trở nên thân mật hơn. Sự tôn trọng và tình cảm dành cho nhau sẽ được gia tăng. 

Trên chuyến bay trở lại Sài Gòn từ Vinh, một cha trong đoàn hỏi tôi: - Theo cha thì các linh mục Thái Lan nên biết điều gì về các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan?

Tôi đã trả lởi ngài rằng: - Có nhiều điều cần biết. Thứ nhất là các bạn còn trẻ và thiếu thốn nhiều điều, trong đó có kiến thức về cách thích nghi vào một môi trường mới. Khi họ đến nhà thờ và làm điều gì không đúng, điều họ cần là sự giáo dục và lời chỉ bảo từ các cha để họ làm tốt hơn. Thứ hai, họ rất tôn trọng linh mục, và họ rất vui mừng khi quý cha đến với họ. Tuy nhiên, có nhiều linh mục Thái Lan không làm điều này, cho dù trong các dịp lễ quan trọng mà họ có mời quý cha hiện diện để chọ họ cảm ơn và tặng quà. Thứ ba, mặc dầu các bạn trẻ rất bận rộn với công việc, nhưng họ luôn sẵn sàng cộng tác vào công việc của giáo xứ nếu các cha cần đến họ. Vì thế quý cha nên tạo cơ hội cho các bạn trẻ tham gia vào các sinh hoạt chung của cộng đoàn. 

Chuyến đi đã kết thúc. Các cha cũng đã về lại Bangkok. Tôi có việc riêng nên đã ở lại Việt Nam thêm một ngày. Ngay lúc này tôi đang ngồi trong phòng chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến bay trở lại Bangkok bị trễ giờ, nhưng tôi không khó chịu vì tôi có thêm giờ để ngồi viết nhật ký, để ôn lại những gì đã xảy ra tong những ngày qua. Trên màn hình TV, đội tuyển bóng đá Việt Nam đang thi đấu với đội tuyển Campuchia.  Tôi vừa viết nhật ký vừa thỉnh thoảng nhìn lên màn hình theo dõi trận bóng. Việt Nam vừa mới đá vào quả thứ nhất sau hơn 40 phút của hiệp đầu đã trôi qua. Ở trong phòng, có vài người la lên trong sự vui sướng. Còn tôi thì có một niềm vui sâu lắng hơn trong lòng, đó là niềm vui của một người đang thi hành sứ vụ của mình, một sứ vụ làm nhịp cầu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người. Đây là điều tôi đã làm, đang làm và sẽ còn tiếp tục làm trong suốt cuộc đời truyền giáo của tôi.


Sài Gòn, ngày 24.11.2018

Đi tới và dừng bước


Sau một tháng 10 chất chứa hàng loạt sinh hoạt, bao gồm 1 chuyến đi công tác ở Việt Nam, một chuyến đi hành hương và họp tại Ý, 1 chương trình hội thảo quốc tế, 1 chương trình tĩnh tâm giới trẻ và nhiều sinh hoạt linh tinh khác nữa thì hôm nay mình đã trở lại với giảng đường tại Đại Chủng Viện Lux Mundi. Tuần này mình phải “dạy bù” vì trên thực tế kỳ học mới đã bắt đầu từ tuần trước, nhưng vì mình bận công việc tại Rô-ma nên đành phải bắt đầu muộn hơn những người khác.

Kỳ học này mình dạy 3 lớp—2 lớp Kinh Thánh và 1 lớp thần học giáo hội. Vì mình đã từng dạy các môn này trước đây nên mình đỡ phải mất nhiều giờ để chuẩn bị giáo án. Hôm nay mình đã bắt đầu với môn Tân Ước cho các thầy năm 4. ĐCV đang có chính sách chuyển đổi việc giảng dạy từ tiếng Thái qua tiếng Anh nên mình cũng thử giảng bài từ đầu tới cuối bằng tiếng Anh xem các thầy tiếp thu được chừng nào. Mặc dầu mọi người biết tiếng Anh phần nào, nhưng đa số vẫn còn chưa đủ khả năng để tiếp thu như mong muốn. Mình biết rằng sẽ phải điều chỉnh công việc giảng dạy để đưa vào thêm tiếng Thái để giúp cho các thầy hiểu nội dung của bài học hơn. Mặc dầu mình cũng rất muốn đáp ứng đường hướng của HĐGM Thái Lan là sử dụng tiếng Anh trong việc giảng dạy, nhưng thực tế cho thấy điều này chưa hoàn toàn khả thi.

Sau những tháng ngày lu bu với nhiều sinh hoạt khác nhau, mình cảm thấy vui khi trở lại với giảng đường. Công việc giảng dạy sẽ giúp cho mình lấy lại nhịp hoạt động và làm việc đều đặn cũng như tái tạo sự thăng bằng trong cuộc sống.

Đây cũng là thời gian thuận tiện để xem xét lại những ưu tiên trong công việc mục vụ, không ôm đồm quá và không chạy theo những gì không mang lại sự tốt lành cho cá nhân hay cho người khác. Đã đến lúc phải ngừng một số sinh hoạt, giảm một số mối quan hệ, và tập trung vào những gì thật sự thiết yếu cho đời sống tâm linh của chính mình cũng như sứ mệnh phục vụ Giáo hội.

Bangkok, ngày 12.11.2018

Lang thang chiều thu Rô-ma


Chiều nay mình có giờ rảnh rổi trước khi phải ra sân bay để trở lại Thái Lan nên đã quyết định đưa vali đi gửi ở trạm xe điện chính của thành phố Rô-ma rồi mang ba-lô đi dạo trên đường phố. Sau gần 30 phút lang thang qua những con phố, mình đã đến khu vực Đấu trường Colloseo, một công trình vĩ đại của Đế quốc La Mã, được khởi công xây dựng năm 72 sau công nguyên. Đấu trường Colloseo là một trong những biểu tượng quen thuộc nhất về thành phố cổ kính này. Để thư giãn và tìm cho mình một khoảng thời gian riêng tư thì ít có nơi nào lý tưởng hơn là tìm đến một quán nước gần đấu trường để vừa uống nước, vừa viết nhật ký và ngắm một trong những di tích lịch sử giá trị nhất thế giới. Một trong những thứ mà người Ý rất ưa chuộng là ngồi ăn uống ở những nhà hàng và quán cà phê có đặt bàn ghế ngoài trời để vừa thưởng thức những thức ăn, thức uống vừa hòa mình vào không gian và nhịp sống của thành phố.

Sau những ngày trải qua những trận mưa bất thường, bây giờ Rô-ma đã trở lại với thời tiết thu thật mát dịu. Nắng thu vàng đủ ấm để giúp giảm bớt cảm giác giá rét của những làn gió cuối thu đang báo hiệu mùa đông đã gần đến. Lang thang một mình qua những đường phố cổ lát kín đá, ngắm nhìn những chậu hoa đang dần tàn trước cái lạnh của mùa đông đang gần kề, mình có cảm giác bình an khó tả. Nó là cảm giác của một người đóng vai khách lạ ở một nơi vốn đã trở nên quen thuộc nên không còn cảm giác hồi hộp hay sợ hãi. Nó là cảm giác của một người đã hoàn tất mục tiêu đã đặt ra cho chuyến đi nên không còn có gì để nuối tiếc hay đắn đo. Và nó cũng là cảm giác của một người sống hoàn toàn với hiện tại, chỉ biết mình đang hạnh phúc với không gian và thời gian ngay lúc này mà không phải nghĩ ngợi về những gì đang chờ đợi mình ở nơi khác và giờ khác. Cảm giác bình an đó tràn ngập tâm hồn làm cho mình dường như bước đi hoài mà không thấy mỏi mệt, ở một mình mà không thấy cô đơn, và nhìn xung quanh chỉ nhận ra những cái đẹp mà không hề để ý đến những thứ không tốt.

Dường như lâu lắm rồi mình mới có cảm giác bình an đến lạ như thế này. Có lẽ mình sẽ khắc ghi nó sâu trong lòng, để sau này cho dù nhiều năm có trôi qua thì mình sẽ vẫn còn nhớ về một chiều thu Rô-ma thật yên bình và lãng mạn, một ký ức đẹp để kết thúc một chuyến đi, một hành trình nhỏ trong vô số cuộc hành trình mà mình sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời.

Rô-ma, ngày 8.11.2018

Kết thúc công việc tại Rô-ma


Chuyến đi công tác tại Rô-ma chuẩn bị kết thúc sau 4 ngày họp chuyên ban kỹ thuật số của tổ chức truyền thông Signis. Là thành viên của ban gồm 8 người từ các quốc gia khác nhau, cuộc họp này nhằm mục đích trao đổi về những nghiên cứu mà các thành viên trong ban đã thực hiện thời gian qua với đề tài “Giáo hội và xã hội trong thời kỳ kỹ thuật số”. Với đề tài này, mỗi người được giao trách nhiệm nghiên cứu về các khu vực khác nhau như Đông Á, Bắc Mỹ, Châu Phi…. Mình phụ trách khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc trao đổi kiến thức, ban cũng đã bỏ ra thời giờ để gặp gỡ một số tổ chức về truyền thông kỹ thuật số. Đặc biệt, hôm qua ban đã đến Vatican để gặp gỡ và hội thảo với đại diện ban quản trị của Bộ truyền thông thuộc Tòa thánh.

Sau những ngày trao đổi kiến thức và tìm hiểu thông tin, hôm nay ban đã có buổi làm việc để vạch ra kế hoạch hoạt động cho 3 năm tới. Ban ý thức sâu xa rằng ngày nay công nghệ thông tin kỹ thuật số là yếu tố không thể loại bỏ ra khỏi công tác truyền thông. Tuy nhiên, việc truyền thông Công giáo trong thời kỳ kỹ thuật số cần được xây dựng trên nền tảng của thần học về truyền thông xã hội và mục vụ. Vì thế ngoài những hoạt động mang tính giáo dục về kỹ năng thì ban còn muốn nghiên cứu và phổ biến những tài liệu mang tính thần học hầu thúc đẩy cho việc truyền thông Công giáo đi theo phương hướng phù hợp với Giáo hội và tránh xu hướng trần tục hóa.


Rô-ma, ngày 8.11.2018

Hành hương

Hôm nay là ngày thứ ba mình có mặt  tại nước Ý, một đất nước mà đi đến đâu mình cũng cảm nhận được tính chất đầy văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nó. Trong chuyến đi này, mình có dịp đến hai thành phố mà mình chưa được đến trước đây, đó là thành phố Venice và Padova. Venice là một thành phố nổi tiếng trên thế giới vì những con kênh lớn bé chạy ngang, dọc qua thành phố. Người ở Venice chủ yếu đi lại bằng thuyền hoặc đi bộ. Đây là thành phố duy nhất mà có những chiếc taxi không phải bằng ô-tô mà bằng thuyền để cho người ta có thể đi lại. Tuy nhiên, mình đã không đi lại bằng phương tiện này vì nó đắt hơn nhiều so với những con thuyền lớn đón người lên xuống ở các bến. Khách du lịch đến Venice còn thích ngồi thuyền gondola là loại thuyền có một mái chèo để đi dạo xung quanh thành phố. Tuy nhiên, dịch vụ này rất đắt, hết 80 euro cho 30 phút.

Chiều hôm qua khi đến Venice thì thời tiết âm u và thỉnh thoảng có mưa nhẹ. Ở một số nơi vẫn có nước ngập do những ngày trước ở đây có bão lớn khiến ¾ thành phố nằm dưới nước. Đến sáng nay thì trời đã khô ráo và quang cảnh trong thành phố thật tươi sáng. Mình và hai chị gái đã đi bộ từ khách sạn đến quãng trường và Vương cung thánh đường thánh Mác-cô. Đây là địa điểm nổi tiếng nhất thành phố nơi có đông đảo khách du lịch tìm đến để chiêm ngắm ngôi nhà thờ uy nghi, tráng lệ cũng như thưởng thức một không gian vô cùng thơ mộng và lãng mạn tại đây.

Mình lưu lại Venice cho đến trưa rồi đón thuyền đi ra ga tàu để mua vé đi thành phố Padova (Padua). Cá nhân mình thì đây là một thành phố mà mình đã muốn đến từ lần đầu tiên tới Ý nhưng đã không có dịp. Lần này vì mình có lịch trình đi Venice nên việc đi Padova là điều hiển nhiên. Thành phố Padova chỉ cách Venice 45 phút bằng tàu điện trên đường trở lại Rô-ma. Đây là quê hương tại Ý của vị thánh lớn trong giáo hội, đó là thánh An-tôn thành Padova. Mặc dầu thánh An-tôn gốc là người Bồ-đào-nha, nhưng ngài đã chọn Padova làm nơi sinh sống, rao giảng và phục vụ trong đời sống tu trì của ngài. Ngày nay, địa điểm nổi tiếng nhất trong thành phố Padova là Vương cung thánh đường thánh An-ton. Thoạt nhìn bên ngoài, ngôi nhà thờ tuy lớn, nhưng được xây bằng gạch xem ra không ấn tượng hơn những ngôi nhà thờ lớn khác tại Ý. Nhưng khi bước vào bên trong thì mình không khỏi ngỡ ngàng bởi cách thiết kế và những tác phẩm nghệ thuật trên các vách tường và trên mái vòm của nhà thờ.

Bên trong Vương cung thánh đường có không gian đặc biệt có đặt Thánh thể để mọi người có thể đến để chầu và cầu nguyện. Mộ của thánh An-tôn cũng được đặt bên trong nhà thờ, ở phía bên trái để mọi người có thể lần lượt đi ngang qua để đặt tay lên mộ và xin ơn. Ngoài ra, phía sau cung thánh còn có một không gian vô cùng đẹp nơi có đặt những xương thánh và kỷ vật liên quan đến thánh An-tôn cũng như một số vị thánh khác. Một số thứ vô cùng đặc biệt là lưỡi không hề bị mục nát của thánh nhân, xương hàm của ngài, và chiếc áo dòng mà ngài đã từng mặc. Mình đã theo dòng người xếp hàng để lần lượt đi vào chiêm ngắm những vật thánh này cũng như quỳ gối cầu nguyện trong gian phòng đó.

Đến bốn giờ chiều thì mình đã tham dự Thánh lễ với hàng ngìn người khác đến hành hương tại đây. Trong Thánh lễ cũng như trước đó, mình đã cầu nguyện cho gia đình, cho những người thân quen, và đặc biệt những ai đã gửi gắm nhờ mình chuyển lời cầu đến thánh An-tôn. Lễ xong, mình và hai chị gái đã bắt xe điện trở lại ga tàu để lên tàu đi về Rô-ma. Mình đang viết những dòng nhật ký này trong khi đang ngồi trên tuyến tàu điện nhanh sẽ đưa mình trở lại với thủ đô của Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Ở đây mình sẽ có những ngày họp và làm việc, nhưng trước khi vào họp, mình sẽ tận dụng dịp này để có những ngày hành hương đầy ý nghĩa với hai chị gái. Không dễ gì để ba chị em có thể gặp nhau như thế này. Chỉ việc được gặp nhau đã là một niềm vui lớn, còn được đi hành hương với nhau thì quả là một hồng ân tuyệt với mà Chúa đã ban tặng cho mình và hai chị.

Italy, ngày 3.11.2018

Trở lại Rô-ma trong ngày lễ các thánh nam nữ



Chuyến bay tới Rô-ma từ Bangkok, quá cảnh ở Istanbul, Thổ nhỉ kỳ cũng đã đưa mình tới đích điểm an toàn. Đến nơi rồi nhưng mình chưa bước ra khỏi sân bay vì đang ngồi chờ hai chị gái đang ngồi trên chuyến bay Alitalia từ California dự kiến sẽ đáp xuống Roma lúc 12.25. Nhân dịp mình có chuyến đi họp ở Roma trong tuần tới, ba chị em hẹn gặp nhau tại đây để đi hành hương với nhau ít ngày trước khi mình vào họp. Đây sẽ là lần đầu tiên hai chị đến Italy và lần thứ hai mình đến đất nước này. Vì mình có một chút kinh nghiệm nên sẽ lên chương trình cho ba chị em đi hành hương. Mình đã mua vé tàu đến những nơi trong lịch trình cũng như đặt phòng khách sạn trong cũng như ngoài Rô-ma.

Thời tiết tại Ý đang trong mùa thu nên cũng khá rét. Ai nấy đều mặc áo ấm và có người còn đeo khăn quàng cổ. Tuần này trời mưa khá nhiều. Mới cách đây 2 ngày thành phố Venice bị ngập nước tới ¾ thành phố. Ở một số nơi mưa to gió lớn đã làm cây cối xụp đỗ và gây chết người.  Biết có thời tiết không mấy thuận lợi nên mình có chuẩn bị dù và áo lạnh chống nước. Ngay trong lúc này bên ngoài trời rất âm u nhưng không thấy mưa. Tuy nhiên trong dự báo thời tiết thì trong hai ngày tới nhiều nơi sẽ có mưa. Mưa nắng là chuyện của trời nên mình chỉ biết chấp nhận và đối phó cách tốt nhất có thể.

Lần thứ nhất mình bước chân đến Roma là tháng 6 vừa qua, đúng vào ngày kính thánh Anton Padua, thánh quan thầy của mình. Hôm nay mình đến đây trùng vào ngày Giáo hội mừng kính các thánh nam nữ và ngày đầu tiên của tháng cầu cho các đẳng linh hồn. Italy là vùng đất của rất nhiều thánh nhân, trong đó có những vị thánh lớn như thánh Phan-xi-cô và thánh Catarina thành Sienna. Mặc dầu đức tin của người Ý trong thời đại mới không còn như những thế hệ xa xưa, nhưng dẫu sao thì người ở nơi khác cũng có thể đến đây để chứng kiến và cảm nhận được sự tuyệt diệu của niềm tin sâu sắc được thể hiện qua những kiệt tác trong kiến trúc và nghệ thuật mà các thế hệ người Công giáo tại Ý đã để lại cho Giáo hội. Mình xem như là một hồng ân lớn khi có cơ hội đến đây thêm lần nữa để hành hương bắt đầu từ ngày mà Giáo hội trên trần thế đang hiệp thông một cách đặc biệt với Giáo hội hiển thắng trên thiên đàng trong lời chúc tụng, ngợi khen Chúa.

Rô-ma, ngày 1.11.2018

Niềm vui của tôi







Từ ngày có mạng xã hội thì mỗi năm đến ngày sinh nhật nhận được rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật đến từ gia đình, người thân và bạn bè. Năm nay cũng thế. Nhưng mình dường như chưa có giờ để đọc những lời chúc đó vì chương trình tĩnh tâm giới trẻ chủ để “Sống trong niềm vui” bắt đầu ngay sáng 28 là ngày sinh nhật. Chương trình tĩnh tâm kết thúc chiều 29 và sau đó là cuộc liên hoan với các tham dự viên đi tĩnh tâm.

Vì trong chương trình tĩnh tâm này mình vừa là người tổ chức, điều khiển chương trình, huấn giảng và hướng dẫn các sinh hoạt nên dường như không có giờ trống. Đến giờ ăn trưa thì chỉ tranh thủ ăn thật nhanh để về phòng nằm nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc trước khi trở lại với chương trình.

Vì thời gian thực hiện chương trình chỉ vỏn vẹn hai ngày nên mình cố gắng đưa thật nhiều tiết mục vào để đạt được mục tiêu của chương trình mà không làm cho các tham dự viên cảm thấy bị nhồi nhét quá nhiều thứ. Trong môi trường sống của người Việt di dân tại Thái Lan thì không dễ gì có thời giờ cho các bạn nghỉ việc 2 ngày để đi tham dự chương trình nên khi đã có cơ hội thì mình cũng muốn cho việc đi tĩnh tâm của các bạn mang lại thật nhiều kết quả tốt đẹp cho mình.

Dựa vào những gì mình quan sát được, cũng như cách các bạn giao lưu, chia sẻ và tham gia các sinh hoạt thì mình tin rằng mọi người đã ít nhiều cảm nhận được niềm vui thiêng liêng khi được sống gần gũi, thân mật với Chúa trong hai ngày tĩnh tâm. Có bạn chia sẻ từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi tĩnh tâm như thế này nên những cảm xúc và cảm nghiệm từ cuộc tĩnh tâm thật đặc biệt và khó tả.

Giờ đây chương trình tĩnh tâm đã kết thúc tốt đẹp. Mình có ít giờ để đọc những lời chúc sinh nhật đã nhận được hai ngày qua, và chuẩn bị vali để tối mai lên đường đi họp tại Rô-ma. Mặc dầu mất ngủ, khan cổ vì phải nói, giảng và hát liên tục trong mấy ngày qua, nhưng không chỉ các bạn đi tham dự tĩnh tâm cảm nhận được niềm vui mà chính mình cũng nhận được niềm vui sâu xa khi đã làm nhịp cầu đưa các bạn đến với niềm vui trong Chúa.

Bangkok, ngày 30.10.2018

Ngẫm nghĩ về chuyến tàu điện





Sáng thứ năm, tuyến xe điện BTS Silom đưa hành khách vào trung tâm thành phố đã gần kín người ngay từ trạm đầu tiên. Càng gần trung tâm số người trên tàu lại càng nhiều hơn. Mọi người đứng gần nhau đến nổi chỉ nhúc nhít chân một chút cũng có thể dẫm vào chân người bên cạnh. Người dân thành phố thủ đô đang đổ vào các tòa nhà thương mại và trung tâm hành chính để làm việc, đa số ở lứa tuổi từ 20 đến 45. Có người đeo khẩu trang y tế để phòng ngừa bệnh lây nhiễm từ những người xung quanh. Trên một toa tàu có hàng trăm người nhưng lượng âm thanh rất ít. Người ta ý thức được rằng trong không gian chật chội mà ồn ào sẽ làm phiền đến những người khác. Để tiêu khiển thời giờ, có người dán mắt vào chiếc điện thoại của mình, lướt qua những hình ảnh của bạn bè trên mạng xã hội Instagram hay những trạng thái được đăng trên Facebook. Một cô gái lướt liên tục những hình ảnh xuất hiện trên màn hình điện thoại, thỉnh thoảng dừng nhanh lại ở bức hình nào đó mà cô ta cảm thấy hấp dẫn. Có người chơi game hoặc chat với ai đó qua LINE, một mạng xã hội được người Thái ưa chuộng. Còn những người khác không chơi điện thoại thì đứng im, cố gắng không nhúc nhích để khỏi đụng vào người bên cạnh. Nhưng va chạm nhẹ không thể tránh được. Mỗi lần chiếc tàu lắc hoặc thay đổi tốc độ thì không thể nào tránh chạm vào người bên trái hoặc bên phải. Nhưng không ai tỏ ra khó chịu bởi điều này vì họ biết rằng đây là tình trạng phải chấp nhận khi đi lại trên phương tiện công cộng.

Xã hội thời nay cũng không khác một chuyến tàu đông người là bao. Cho dù là một tập thể nhưng dường như ai nấy đều có thế giới riêng của mình. Vì không muốn làm phiền nhau nên họ chọn lối sống chủ nghĩa cá nhân, tập trung vào những chuyện riêng tư của mình mà không cần biết có những gì đang xảy ra với người xung quanh. Người ta chỉ đụng chạm vào nhau khi bị tác động từ bên ngoài, nhưng không chủ ý tìm đến nhau. Vì thế những cú va chạm bất đắc dĩ đó chỉ nằm ở mức da thịt nhưng không hề có ảnh hưởng gì đến cảm xúc hay tâm hồn của họ. Họ đứng đối mặt nhau, nhưng ánh mắt không hề gặp nhau vì họ e ngại trước những bí mật trong đáy sâu con người họ sẽ bị người đối diện phát hiện và tận dụng để tấn công họ bằng cách này hay cách khác. Họ đứng kề vai nhau nhưng không có nghĩa là họ mong muốn sự bình đẳng với người bên cạnh. Họ đi cùng hướng nhưng không có nghĩa họ nhắm tới đích điểm như nhau. Vì thế mọi người vẫn đi cùng chiều theo vòng xoay trái đất, đi cùng hướng trên một tuyến tàu điện, nhưng đó chỉ là sự đồng nhất mang tính hình thức nộng cạn. Khi quan sát kỹ càng mới thấy sự hỗn loạn phía sau sự trật tự, khoảng cách phía sau sự gần gũi, sự xa lạ phía sau sự thân quen.

Bangkok, ngày 26.10.2018

Chuyện trong ngày

Chiều nay mình lên xe "hộp" 7 baht để đi tập thể dục thì thấy trên xe đã có hai hành khách, một người đàn ông trung niên và một phụ nữa cao tuổi. Vừa đến đoạn chợ chiều thì bác ra hiệu muốn xuống. Tài xế xe hộp dừng lại trước chợ cho bà xuống. Bác gái xuống xe rồi đi thẳng về hướng chợ.

Thấy bác gái chưa trả tiền xe, người hành khách nam trên xe liền gọi "bác, bác". Mới đầu bác không nghe nên tiếp tục bước đi. Thấy bác không quay lại, tài xế xe bắt đầu di chuyển để đi tiếp. Đó cũng là lúc bác gái chợt nhớ mình chưa trả tiền xe nên quay lại, trong tay đã cầm sẵn 7 baht.

Bác gái gửi tiền xe cho tài xế và xin lỗi vì xuống xe mà quên trả tiền. Tài xế nhận tiền từ bác gái rồi đạp ga đi tiếp.

Bangkok, ngày 24.10.2018

Chuyện mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan



Một trong những công việc của mình tại Thái Lan là mục vụ cho người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây. Năm 2017 mình được HĐGM Thái Lan bổ nhiệm đặc trách mục vụ di dân Việt Nam tại Gp. Chanthaburi. Như thường lệ mỗi năm có chương trình tĩnh tâm dành cho ban lãnh đạo các nhóm để giúp cho họ trau dồi đời sống tâm linh và thêm nghị lực để phục vụ cộng đoàn.

Năm nay mình cũng tổ chức chương trình tĩnh tâm hai ngày, một đêm cho ban lãnh đạo các nhóm mà mình làm tuyên úy. Bên cạnh đó mình còn mở chương trình ra cho bất cứ bạn trẻ nào muốn tham dự có thể ghi danh để đi tĩnh tâm. Chỉ khác biệt là thành viên ban lãnh đạo của các nhóm sẽ được bao mọi chi phí từ lệ phí chương trình cho đến tiền xe đi lại. Còn các bạn trẻ khác thì phải đóng phí tham dự và tự túc đi lại.

Để giúp cho chương trình tĩnh tâm năm nay thêm phong phú và ý nghĩa mình đã nhờ anh em trong Dòng Ngôi Lời, thậm chí mời người chuyện về thánh nhạc từ Việt Nam qua để cộng tác trong việc thực hiện chương trình. Sau khi hạn chót để ghi danh tham dự chương trình tĩnh tâm đã trôi qua thì có rất nhiều bạn trẻ ghi danh đi tham dự, còn thành viên ban lãnh đạo từ các nhóm/cụm mà mình phụ trách có số lượng ghi danh tham dự là….0.

Bangkok, ngày 22.10.2018

Có nên tự hào là con Thiên Chúa?



Nhiều lần tôi thấy người Công giáo phát biểu nơi này nơi kia, đặc biệt là trên những diễn đàn mạng xã hội, câu: “Tự hào là người Công giáo” hoặc “Tự hào là con Thiên Chúa.” Có lẽ khi nói điều này, người phát biểu muốn bày tỏ niềm vui khi được Thiên Chúa ban cho sự sống, được liên kết mật thiết trong ân nghĩa với Ngài và được mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài. Và niềm vui đó càng gia tăng khi biết rằng chính mình đã được cứu độ bởi Đức Ki-tô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Cha ban cho chúng ta Đức Giê-su như là một Đấng Cứu Thế và là một bậc Thầy luôn dạy bảo, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta sống một lối sống cởi mở, yêu thương, phục vụ.

Khi nói một cách nôm na rằng chúng ta tự hào là người Công giáo với những cảm nhận như trên thì điều đó không thể hiện sự kiêu căng hay tự cao tự đại. Tuy nhiên nếu không cẩn thận trong cách phát biểu, đặc biệt trong bối cảnh tương quan với những người khác tôn giáo, một câu nói “trống rỗng” không kèm theo lời phân tích rõ ràng có thể dẫn đến hiểu lầm và mâu thuẫn. Một câu nói thiếu ý thức cũng có thể dẫn đến thái độ muốn chia rẽ và loại trừ.

Mặc dầu tinh thần “tự hào” có thể được hiểu theo nghĩa tích cực thì chúng ta cũng phải nhớ rằng thái độ đó chưa phải là giá trị tâm linh sâu sắc nhất trong thần học Ki-tô giáo. Đối với người Công giáo, điều mà mỗi người chúng ta phải trau dồi va nuôi dưỡng không phải là lòng tự hào mà là tâm hồn biết cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Được sinh ra là con Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi Đức Ki-tô, được sống trong tình yêu của Ngài không phải là những thành tích mà chúng ta đã đạt được bởi công lực hay trí tuệ của mình. Đây là những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách nhưng không, và không ai có thể dám nói rằng mình đáng được lãnh nhận những hồng ân đó.

Tâm hồn cảm tạ tri ân sâu xa chính là thái độ của Đức Maria khi Mẹ ca ngợi Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Đó cũng là thái độ của tác giả Thánh vịnh 118:21, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.”

Hơn ai hết, thánh Phao-lô đã có công trong việc rao giảng Tin Mừng đến người ngoại giáo và thành lập những cộng đoàn Ki-tô hữu ở nhiều nơi trong thời sơ khai. Nhưng trong thư thứ hai gửi tin hữu Thexalonica, ngài không hề tỏ ra tự hào trước thành tích của mình. “Chúng tôi phải luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ, vì lòng tin của anh em đang phát triển mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác cũng gia tăng” (1:3). Thánh Phao-lô đã ý thức sâu xa rằng đức tin và đức ái của các Ki-tô hữu có phát triển thì cũng nhờ vào bàn tay của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của chính thánh nhân hay do các tín hữu tự làm nên mà có.

Vì thế mỗi người chúng ta thay vì tự hào là con Thiên Chúa hay là người Công giáo thì nên phát triển nhiều hơn tâm hồn cảm tạ tri ân là giá trị tâm linh tốt lành, thánh thiện nhất. Một tâm hồn biết cảm tạ Chúa cũng sẽ biết can đảm ca ngợi Ngài trước mặt người khác như Đức Maria đã làm trong kinh Magnificat. Một tấm lòng tri ân Thiên Chúa sẽ dám đi ngược chiều với những người khác trong lời nói và hành động như một trong 10 người bị bệnh phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành đã làm. Những hành động yêu thương, phục vụ khiêm tốn xuất phát từ chính tâm tình cảm tạ bởi vì chúng ta ý thức được rằng tất cả những gì chúng ta đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa, bất kể đó là đức tin hay là của cải vật chất, thì không thể chỉ giữ lấy cho riêng mình mà phải chia sẻ cho những người xung quanh.

Lòng tự hào nếu bất cẩn hay thiếu ý thức có thể dẫn đến thái độ kiêu căng và tự đắc. Nhưng một tâm hồn cảm tạ sẽ luôn giúp chúng ta nhận ra vị trí đích thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và những người xung quanh.

Bangkok, ngày 20.10.2018

Chuyện 2 bà bán quán, 4 quả trứng và 20 baht




Ở gần nhà cộng đoàn có hai bà người Thái mở quán bán hàng. Quán trước nhà bán bánh trái và tạp hóa. Quán phía sau nhà bán thức ăn và tạp hóa. Hai bà tuổi tác cũng khoảng như nhau, nhưng tính cách bán hàng thì khác nhau.

Bà quán trước rất sẵn sàng cho nợ tiền. Không phải mình không có tiền trả phải mua thiếu mà vì có khi đi ra trước nhà thấy nải chuối ngon bổng dưng muốn mua. Bà chủ quán luôn vui vẻ bảo cứ lấy về đi rồi khi nào đem tiền tới trả cũng được. Có khi mua nải chuối còn được khuyến mãi thêm trái ổi hoặc cái bánh nếp.

Nhưng bà chủ quán sau nhà thì không mấy chiều khách. Trưa hôm trước mình muốn nấu mì tôm mà trong tủ lạnh không có trứng nên tới quán bà ta mua trứng. Mình mua 4 quả hết 20 baht. Mình đưa cho bà 100 baht nhưng bà không có tiền thối. Mình nói vậy để tôi lấy trứng về rồi lát nữa tôi mang 20 baht ra trả cho. Bà chủ quán bảo không được, nếu lấy trứng về thì phải để tờ 100 baht lại cho bà rồi lúc khác trở lại lấy tiền thối. Mặc dầu mình đã mua thức ăn của bà nhiều lần và bà biết nhà mình chỉ cách quán bà vài chục mét, thế mà bà sợ mình quỵt tiền bà.

Thấy thái độ của bà chủ quán thiếu tin tưởng mình nổi lòng tự ái nên bảo, “Nếu bà không tin tôi sẽ trở lại trả tiền cho bà thì tôi xin trả trứng lại vậy.” Bà chủ quán chấp nhận lấy lại 4 quả trứng.

Thế là mình đi tay không về nhà. Trưa hôm đó đành phải ăn mì tôm với rau mà không có trứng.

Bangkok, ngày 19.10.2018

Đi “xe hộp”




Từ ngày chuyển nhà cộng đoàn về đường Ekkachai tương đối xa trung tâm thành phố, mình ngày càng thường xuyên sử dụng phương tiện xe công cộng để đi lại, đặc biệt khi phải vào khu vực trung tâm nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc cũng như khó tìm chỗ đậu xe. Thái Lan có rất nhiều phương tiện xe cộng cộng—xe điện, taxi, thuyền, xe buýt, xe du lịch 16 chỗ ngồi, xe tuk tuk, xe ôm, xe song thaeo và xe krapong.

Nhiều người dân ở vùng đường Ekkachai đi lại bằng xe ôm và xe krapong. Mình chỉ thỉnh thoảng ngồi xe ôm, nhưng xe krapong thì mình đi nhiều vì nó vừa tiện lợi vừa rẻ. Với giá cho mỗi lượt đi bất kể dài ngắn chỉ 7 baht mà lại có rất nhiều chuyến nên mình ít khi phải đợi lâu để được lên xe (đó là khi không đụng vào giờ cao điểm khi xe ít khi có chỗ trống). Tuyến xe mình đi là số 15 bắt đầu từ trung tâm mua sắm Big C  ở hẻm 65 cho tới chợ Talat Phlu, một quãng đường dài khoảng 10km.


Mình không hiểu lý do tại nào xe này mang tên là xe krapong. Từ “krapong” có nghĩa là “cái lon” trong khi nhìn cái thùng xe thì có vẻ giống như một cái hộp hơn. Trong cái hộp phía sau đó ngồi tối đa được 10 người. Nếu tài xế chở 10 người từ đầu tuyến tới cuối tuyến thì sẽ thu được 70 baht. Nếu có người lên người xuống thì được nhiều hơn. Nhưng cũng có khi thấy xe trống trơn không có khách, đặc biệt là vào những giờ thời tiết nóng nực ít có người đi lại. Có những lần mình ra đầu hẻm lên xe đi một quãng đường dài mà không thấy có thêm khách thì bắt đầu cảm thấy áy náy và thương hại cho tài xế.

Mặc dù đi xe bình dân, nhưng không có nghĩa cả tài xế lẫn khách không có văn hóa. Thường thì xe không có người thu tiền. Khi xuống xe, mỗi người khách tự động đi tới phía trước để trả tiền cho tài xế. Không có trường hợp leo lên xe rồi xuống mà bỏ trốn không trả phí. Vào những giờ cao điểm khi khách nhiều hơn xe thì mọi người phải ý thức xếp hàng ở các trạm một cách trật tự.


Mặc dầu mình có xe ô-tô để đi lại, nhưng mình thấy việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng, đặc biệt là để làm những công việc hằng ngày như đi mua sắm, đi tập thể dục…thuận tiện và tiết kiệm hơn. Hơn thế nữa đây cũng là cách mình giúp giảm bớt việc làm ô nhiễm môi trường bằng một hành động thiết thực và cụ thể.

Bangkok, ngày 18.10.2018

Đi Xã Đoài



Ngày 2-3 tháng 10, mình và cha Piyachat Chaiyadet, đặc trách mục vu của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan đến Xã Đoài, GP Vinh để chuẩn bị cho chuyến đi của phái đoàn linh mục thuộc TGP Bangkok đến thăm và tìm hiểu về sinh hoạt mục vụ của Giáo phận vào tháng 11 tới đây. Mục đích của chuyến đi là để giúp cho các linh mục thuộc TGP Bangkok tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm cũng như cơ cấu làm mục vụ từ các giáo hội địa phương khác. Giáo Phận Vinh là một Giáo phận lớn ở Việt Nam nên việc đến đây là một lựa chọn đúng đắn. Bên cạnh đó, tại Thái Lan hiện nay có nhiều con em thuộc GP Vinh đang sinh sống và làm việc nên đây cũng là một dịp thuận lợi cho các linh mục Thái Lan được biết nhiều hơn về quê hương và cuộc sống của những người giáo dân Việt Nam trong giáo xứ của các ngài tại Thái Lan.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, thời gian qua, mình đã đại diện cho TGP Bangkok để liên lạc với Tòa Giám Mục Gp Vinh để lên chương trình. Chuyến đi của mình và cha Piyachat về Việt Nam hai ngày qua cũng nhằm mục đích trao đổi cụ thể hơn với cha thư ký TGM Vinh để ấn định các sinh hoạt nhằm đáp ứng mục đích của chuyến đi một cách tốt đẹp.

Cha Piyachat và mình đã rất hài lòng với kết quả của chuyến đi chuẩn bị này. Ngoài việc được gặp gỡ ĐC Phao-lô Nguyễn Thái Hơp và trình lên ngài kế hoạch chuyến đi, mình và cha Piyachat cũng đã được cha Hồng Ân, thư ký TGP sắp xếp cho giờ làm việc với ngài để lên chương trình cách chi tiết. Mình tin rằng nếu thực hiện theo chương trình một cách chu đáo thì sẽ mang lại rất nhiều điều rất bổ ích cho các linh mục Thái Lan có tham gia chuyến đi này.

Mặc dầu là một chuyến đi làm việc khá cập rập, nhưng mình cũng đã tận dụng thời gian để thăm hỏi và gặp gỡ một số người mình quen biết trong Giáo phận. Mỗi chuyến đi xa đều có những vất vã của nó, nhưng sự mệt nhọc sẽ được bù đắp bằng nhiều niềm vui lớn nhỏ. Nhìn lại chuyến đi đến GP Vinh nhanh như chong chóng vừa rồi, mình thấy có những niềm vui như sau:

1) Được cha Hồng Ân thư ký Tòa giám Mục Vinh đón tại sân bay và sắp xếp cho chương trình làm việc chu đáo.

2) Gặp lại một số bạn trẻ ở gần Xã Đoài từng sinh hoạt với mình ở tỉnh Nong Bua Lamphu 5-10 năm về trước khi còn làm cha xứ ở vùng Isan.

3) Dâng lễ ở nhà thờ Gx. Trung Hậu và gặp lại những khuôn mặt thân quen ở đây nơi mình đã từng tới thăm cách đây 5 năm.

4) Được thầy sáu Thi làm hướng dẫn viên đưa đi những nơi cần thiết để chuẩn bị cho chuyến thăm Gp. Vinh của phái đoàn linh mục TGP. Bangkok vào tháng 11.

5) Được thấy cảnh cha Peter, đặc trách mục vu HĐGM.TL học cách dùng điếu cày từ các cha ở Xã Đoài.

6) Được mẹ của bạn Thuyên ở Gx. Phương Mỹ làm thịt con gà trong nhà cho bữa trưa.

7) Được ăn hai quả trứng vịt lộn ở Quán 86 tại Quán Hành.

Bangkok, ngày 4.10.2018

Chuyện giữa bữa ăn

Vừa rồi về Việt Nam có dịp dùng bữa tại một gia đình ở Hà Tĩnh. Trong bữa tiệc còn có hai cha xứ và một thầy sáu. Đang lúc dùng bữa thầy sáu nói: - Ở Thái Lan các anh chị em Việt Nam chắc rất biết ơn cha Đức nhỉ?

Mình chưa kịp phản ứng thì cha L., một trong hai vị cha xứ nói: - Cha Đức phải biết ơn người Việt Nam mới đúng chứ!

Mình hỏi lại: - Sao vậy thưa cha?

Cha L. đáp: - Nếu không có người Việt ở Thái thì có gì cho cha làm?

Mình: ????. Thưa cha, con có rất nhiều công việc không liên quan gì đến người Việt Nam ở Thái Lan. Ví dụ, công việc trong tuần là dạy học tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan.

Cha L.: Thế à?

Vị cha xứ thứ hai: - Cha L. nói sai bắt phạt!

Bangkok, ngày 7 tháng 9, 2018

"Tin vịt Vs. Truyền thông vì hòa bình"








Tuần này mình tham dự Hội nghị của tổ chức truyền thông Công giáo Signis Á Châu. Signis là một tổ chức truyền thông xã hội có thành viên trên khắp thế giới, trong đó có nhiều quốc gia tại Á Châu. Từ “Signis” được chế rà từ hai từ “Sign” (dấu chỉ) và “Ignis” (tiếng Latin, lửa).

Năm nay Hội nghị của Signis được tổ chức tại Thái Lan với chủ đề “Tin vịt vs. Truyền thông vì hòa bình.” Địa điểm là ở Trung tâm dòng San Gabriel tại đường Thong Lo, thủ đô Bangkok. Trong số những tham dự viên có các linh mục, tu sĩ, cũng như giáo dân là thành viên của tổ chức. Mình tham dự Hội nghị trong vai trò là thành viên của Signis Thái Lan và là thành viên của Ban Kỹ Thuật số, là ban mới nhất mà tổ chức Thành lập để hoạt động về truyền thông Công giáo trong thời kỳ kỹ thuật số.

Sáng nay Hội nghị đã khai mạc với một Thánh lễ được chủ tế bởi ĐGM Prathan, chủ tịch của Ủy ban truyền thông xã hội thuộc Hội đồng Giám Mục Thái Lan. Ngài cũng là Giám mục GP. Surat thani. Hội nghị sẽ diễn ra một tuần với những phiên họp cũng như giờ hội thảo về các đề tài liên quan đến chủ đề.

Trong số các tham dự viên có hai cha là người Việt Nam, trong đó cha Vinh thuộc Giáo phận Phú Cường mình đã từng gặp trong một chuyến đi Philippines. Trước đây ngài từng học về truyền thông xã hội tại thủ đô Manila và cộng tác với đài Radio Chân Lý Á châu. Và đó chính là nơi mình đã gặp ngài.

Trong số người đến tham dự có khá nhiều đến từ Ấn Độ và có thể nói phái đoàn đến từ đất nước này là những người khá hoạt bát và hay phát biểu quan điểm. Chắc chắn trong những ngày tới sẽ có nhiều giờ thảo luận sôi nổi, không phải chỉ vì những con người làm truyền thông thì thường rất hoạt bát, mà vì chủ đề liên quan đến vấn đề rất thời thượng và ảnh hưởng nhiều về xã hội ngày nay cũng như tương lại của Giáo hội Công giáo trên khắp toàn cầu.

Bangkok, ngày 13.8.2018

Nhật ký Rô-ma 9: Trải nghiệm ở Ý



 Chương trình tổng tu nghị đã trải qua gần ¾. Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bế mạc. Hôm qua cha Tân Tổng Quyền đã được bầu xong. Phó tổng quyền và các thành viên trong hội đồng tổng quyền sẽ lần lượt được bầu trong những ngày tới đây. Bên cạnh việc bầu cử còn có nhiều vấn đề trong hội dòng được thảo luận một cách sôi nổi trong nhóm nhỏ cũng như trong phòng họp lớn. Vì tổng tu  nghị chỉ diễn ra mỗi 6 năm một lần nên đây là dịp quan trọng để nêu lên những vấn đề quan trọng nhất đối với hội dòng trong hiện tại cũng như tương lai.

Vì chương trình họp và sinh hoạt mỗi ngày khá nhiều giờ nên mình cảm thấy may mắn khi tổng tu  nghị lần này trùng với giải bóng đá thế giới. Ít nhất sau một ngày họp hành thì buổi tối anh em trong dòng từ khắp nên trên thế giới có thể xem bóng đá để thư giản. Đối với một hội dòng quốc tế thì không khí xem bóng đá trong phòng luôn luôn vô cùng nhộn nhịp. Trong dòng có cha Alehandro là người Brazil nên mỗi lần đội Brazil thi đấu là ngài đem trống đem cờ ra không khác gì đi xem thi đấu tại sân vận động. Cha Eugene, bề trên của tỉnh dòng Nhật là người gốc Ba Lan nên khi hai đội này đá với nhau thì ngài không biết phải cổ võ cho đội nào.

Chương trình tổng tu nghị diễn ra tại trung tâm Ad Gentes của dòng, nhưng vì có quá nhiều thành viên về họp nên trong trung tâm không đủ phòng ngủ cho mọi người. Ban tổ chức đã phải thuê phòng của hai hội dòng khác gần đó cho anh em ở lại. Mình được bố trí cho phòng ngủ ở nhà của các seour dòng Mercedarie. Nemi là một thành phố nhỏ ở vùng núi cách Rô-ma 30km. Tuy nhiên, trung tâm Ad Gentes thì ở nơi cao hơn nên mỗi ngày mình phải leo núi để lên họp. Tối thì thong thả cuốc bộ về. Ngày nào lười đi bộ thì có thể leo lên xe đưa đón để đi lên đi xuống.

Phòng ngủ của mình nhìn xuống con đường nhộn nhịp nhất trong khu phố cổ một bên hồ nước Nemi. Thành phố này có tuổi khoảng 1.500 năm. Nhà cửa ở đây có lẽ không có tuổi đó, nhưng nhìn vào cũng thấy rất lâu đời. Con đường không có trải nhựa mà lót đá như những con đường xưa tại Ý. Mỗi tối ở trong phòng ngủ mình có thể nghe tiếng bọn con nít nô đùa bên dưới. Ngoài ra còn nghe tiếng những người đi ăn tối ở trong các nhà hàng hoặc đi quán bar hay quan kem. Ở Ý người ta đi ăn tối rất muộn. Các nhà hàng thường nhộn nhịp từ 10g tối trở đi. Người Ý nói chuyện lớn tiếng không thua gì người Việt hay người Hoa, vừa nói bằng miệng vừa dùng ngôn ngữ hình thể. Vì thế nên người Ý có phong cách khá phóng khoáng so với người từ các nước Âu châu khác.

Những tuần qua các nhà hàng trong phố có thêm khách từ các cha thầy dòng Ngôi Lời tới họp tổng tu  nghị. Trong phố cổ có một nhà hàng khá lớn, có ba tầng nên các cha hay đến đó. Thật ra thì trong trung tâm đã có thức ăn ngày ba bữa. Tuy  nhiên, tối nào cũng có một số các anh em hẹn nhau ra ngoài ăn để thay đổi không khí. Có khi là các anh em gốc Ba Lan hẹn nhau đi ăn. Có khi thì các cha thầy đang làm việc tại Châu Phi tổ chức đi ăn với nhau. Tối hôm kia, nhân dịp lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ, các anh em đang phục vu trong tỉnh dòng Ngôi Lời tại Hoa Kỳ hoặc có quốc tịch Hoa Kỳ cũng hẹn nhau ra ngoài ăn mừng. Có ngày mình cũng xuống phố đi dạo, uống nước hoặc ăn kem. Kem tại Ý rất nổi tiếng và được người Ý cũng như du khách rất ưa chuộng.

Tại Ý ngoài có nhiều quán kem thì còn có nhiều quán bar. Người Việt Nam nghe tới quán bar thì có lẽ hình dung đến những nơi ăn chơi sô bồ với nhạc cực mạnh và còn có những thứ khác không đàng hoàng. Tuy nhiên, ở Ý quán bar đơn thuần chỉ là một quán nước, mà một trong những loại nước có bán là bia rượu. Vì thế người ta có thể thấy quán bar ở trong hẻm, ở ngoài công viên, bên lề đường, thậm chí bên cạnh một vương cung thánh đường hoặc một tu viện. Việc dùng bia rượu là điều rất bình thường trong lối sống của người Ý nên ở đâu có bán nước đều có bán hai thứ này.

Những ngày qua ở Ý mình rất thích thú với những trải nghiệm lớn bé. Ngoài việc đã có dịp đến thăm viếng các vương cung thánh đường và đi hành hướng đến những nơi vô cùng quan trọng đối với người Công giáo, mình còn được thưởng thức một văn hóa rất nghệ thuật và lãng mạn. Mặc dầu là một chuyến đi công tác, nhưng mình không chỉ tới để họp hành mà còn tới để hành hương, để học hỏi thêm về lịch sử Giáo hội, để cảm nhận được giá trị tâm linh và nghệ thuật của những gì thuộc về Giáo hội Công giáo, và để nối kết tình thân ái với những người anh em Ngôi Lời đang phục vụ ở khắp năm châu bốn bễ.

Nemi, Ý ngày 6.7.2018

Nhật ký Rô-ma 8: Các nhà truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam


Trong tổng tu nghị lần này có một số linh mục Ngôi Lời người Việt Nam. Cha Đinh Đức Quang và cha Minh Hùng là giám tỉnh của hai tỉnh dòng Ngôi Lời—Chicago, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra có cha Nguyên là đại diện cho tỉnh dòng Việt Nam và mình là đại diện cho tỉnh dòng Úc. Ba cha SVD còn lại là cha Sâm, cha Trọng và cha Bảo là những người có chức vụ ở cấp tổng quyền hoặc có vai trò trong khâu tổ chức tổng tu nghị.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong tổng tu nghị của hội dòng có sự tham gia của các thành viên Việt Nam nhiều như thế. Điều này phần nào nói lên sự hiện diện và đóng góp của các nhà truyền giáo Ngôi Lời gốc Việt trong hội dòng ngày càng gia tăng. Hiện nay các nhà truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam đang phục vụ trên khắp năm châu, ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Nhật bản cũng như ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và nghèo khó như Zimbabwe, Togo... Các nhà truyền giáo Ngôi Lời nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, cả các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Tây ban nha, lẫn các ngôn ngữ thổ dân nhỏ bé ít ai biết đến—tuỳ theo nơi từng người được sai đến để phục vụ. 

Sẵn sàng được sai đi, học hỏi, hội nhập văn hoá và dấn thân trong sứ vụ truyền giáo là lý tưởng và lối sống của mỗi nhà truyền giáo Ngôi Lời bởi vì “Sự sống của Ngài là sự sống của chúng ta; Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.” Đó là viễn tưởng mà mỗi chủng sinh trong hội dòng được đào tạo để thấu hiểu và mỗi nhà truyền giáo Ngôi Lời phải hiện thực hoá trong đời sống và công việc phục vụ của mình.

Nemi, Ý, ngày 28.6.2018


Nhật ký Rô-ma 7: Môn đệ truyến giáo trong bối cảnh mới



Nhân dịp Tổng tu nghị lần thứ 18 của Dòng Ngôi Lời, hôm qua Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời đã cho ra mắt một tâp sách mới với tựa đề “Missionary Discipleship in the Glocal Contexts” (tạm dịch “Môn đệ truyền giáo trong những bối cảnh toàn cầu và địa phương”.

Tập sách gồm 21 chương, bao gồm những bài viết chủ yếu của các nhà truyền giáo Ngôi Lời là chuyên gia trong các lĩnh vực thần học, Kinh Thánh, tôn giáo học v.v. Tập sách chia thành ba phần. Phần thứ nhất nhìn vào những bối cảnh của thời đại mới như toàn cầu hóa, kỷ thuật số, môi trường… Phần hai đưa ra những nhận định về các bối cảnh này từ góc nhìn của thần học, kinh thánh, truyền giáo học…. Cuối cùng, phần ba trình bày về khái niệm môn đệ truyền giáo qua những kinh nghiệm thực tế của các nhà truyền giáo đang phục vụ ở những nơi khác nhau trên thế giới.

Đây là một tập sách với  nội dung đa dạng và phù hợp với những vấn đề của thời đại mới. Nó không chỉ đưa ra những lý thuyết mang tính học thuật, nhưng có sự áp dụng vào những bối cảnh cụ thể mà xã hội ngày nay gặp phải ở cấp địa phương cũng như toàn cầu. Dĩ nhiên những suy tư về Kính Thánh và thần học phải liên quan đến thực trạng đời sống trong mỗi xã hội và mỗi thời đại thì mới thiết thực và hữu ích cho đời sống tâm linh và tinh thần của con người.

Trong tập sách này, mình cũng có đóng góp một bài trong phần 1, đó là bài khảo sát về vấn nạn môi trường trong thời kỳ toàn cầu hóa. Trong bài viết, mình nhìn vào vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau—khoa học, chính trị, kinh tế, tâm linh… Quan điểm mình đưa ra là khủng hoảng môi trường là một vấn đề cần có sự hợp tác đa ngành mới có thể khắc phục được phần nào hậu quả gây ra bởi việc hủy hoại môi trường thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Đồng thời, vai trò của tôn giáo là không thể bỏ qua được bởi vì tiếng nói của tôn giáo trên thế giới vẫn là tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn đến các cá nhân và tập thể.

Vấn đề về môi trường thiên nhiên vẫn là một đề tài mà mình quan tâm và tìm cách trình bày qua các bài viết khác nhau. Trong tháng 3 vừa qua, tạp chí New Theology Review (Tạp chí Thần học mới) tại Hoa Kỳ đã cho phát hành một bài viết của mình với tựa đề “Chủ nghĩa nhân đạo Ki-tô giáo và đạo đức môi trường.” Liên quan đến vấn đề tôn giáo và môi trường thì mình không chỉ viết về Ki-tô giáo mà còn có một số bài viết từ quan điểm của triết học và linh đạo Phật giáo.

Nemi, Ý – ngày 26.6.2018