Tuy xa mà gần





Thế là những ngày ở Úc cũng sắp sửa kết thúc. Tối nay mình sẽ đi tham dự lễ phong chức linh mục của thầy sáu Bùi Thiên Hiền và sáng mai sẽ ra sân bay trở về đất Thái để tiếp tục những công việc đang chờ đợi mình. Mười ngày ở đây tuy không dài nhưng vô cùng ý nghĩa, không chỉ đối với đời sống tu trì là một nhà truyền giáo Ngôi Lời khi tham dự tu nghị và đóng góp những ý kiến cho đường hướng phục vụ của hội dòng trong tương lai, mà cũng là một dịp đặc biệt để nối kết tình anh em, bằng hữu trong hội dòng. Sau khi những cuộc họp đã kết thúc thì đó cũng là lúc các thành viên được trò chuyện và thư giãn với nhau thật vui vẻ. Đối với những anh em người Việt Nam thì còn có những bữa ăn chung với nhau tại gia đình của giáo dân người Việt thân quen. Trong những bữa ăn đó luôn tràn ngập tiếng cười với những câu chuyện hài hước và dí dỏm mà các cha kể cho nhau nghe. Dĩ nhiên là còn có những món ăn ngon để kích thích bao tử của mỗi người nữa.

Mình thấy đi đâu mà có giáo dân Việt Nam thì ở đó luôn có sự hiếu khách và đón tiếp thật nồng hậu. Người Việt thích mời khách, đặc biệt là các cha đến nhà, đến để biết nhà và biết mọi người trong gia đình, đến để có không gian thoải mái và ấm cúng để trò chuyện, đến để đãi những món ăn ngon mà tự tay chủ nhà chế biến. Đây là một thứ tinh thần mà không phải lúc nào cũng dễ tìm kiếm trong mối tương quan với những người giáo dân thuộc sắc tộc khác cho dù là Tây phương hay Đông phương. Một điều là cho dù người Việt có ở quê nhà, hay sinh sống ở Mỹ, ở Úc, hoặc ở Thái Lan, thì bản sắc này dường như luôn được duy trì và thể hiện trong lối sống và cách giao tiếp. Đó chính là điểm chung của con người Việt Nam, của giáo dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Marsfield, Úc, ngày 24.6.2015

Cha Kevin va những con chim trong vườn


Khuôn viên Dòng Ngôi Lời tại Úc là một khu vực rất thiên nhiên với nhiều loại cây xanh, đặc biệt là những loài cây chỉ có tại Úc. Vì thế mà ở đây có không ít loài chim chọn nơi để ở. Suốt ngày có thể nghe tiếng chim hót trong vườn. Mình không hiểu biết nhiều về chim chóc nên cũng không biết chúng có tên là gì, nhưng chỉ biết là có con thì kêu thanh thót, nhưng có con thì tiếng kêu inh ỏi rất khó nghe.

Mỗi ngày cha Kevin Cantwell, một nhà truyền giáo Ngôi Lời đã về hưu ra đứng ngoài phòng ngủ của ngài để cho chim ăn. Hàng trăm con chim khi nghe tiếng gọi của ngài ập đến nơi hiên nhà chờ đợi những miếng bánh mì ngài thả xuống đất cho chúng ăn. Tiếng kêu của hàng trăm con chim vang lên giữa khuôn viên nhà dòng. Chỉ có con quạ đen xì là yên lặng đậu trên cành cây xa xa chờ đợi khi nào những con chim kia ăn xong thì mới đến ăn những gì xót lại.

Cha Kevin cho chim ăn mỗi ngày hai lần, sáng và chiều gần 10 năm nay từ khi ngài vào nhà hưu dưỡng sau hơn 40 năm phục vụ truyền giáo tại Úc và Papua New Guinea. Ở tuổi ngoài 80, vì sức khỏe yếu dần, ngài không thể có được niềm vui phục vụ truyền giáo. Nhưng niềm vui của ngài là chăm sóc cho những con chim đang sống trong khu vườn nhà dòng.

Trên kệ sách của ngài trong phòng ngủ còn có những ổ bánh mì mà người ta đã cho ngài để cho chim ăn. Vì bánh mì khô nên trước khi cho ăn thì ngài phải nhúng nước để cho bánh mì mềm ra. Trên kệ sách ngài còn có những cuốn sách về các loài chim để ngài nghiên cứu và tìm hiểu về loại vật này. Ngài rất vui vẻ để giới thiệu cho mình những cuốn sách của ngài về các loài chim.

Trong chuyến đi Úc này, ngoài việc họp hành tu nghị, mình còn có cơ hội để trò chuyện với các nhà truyền giáo kỳ cựu. Nơi các ngài, mình thấy được sự hy sinh và dấn thân. Và sau nhiều chục năm gắn bó với sứ vụ, các ngài giờ đây được nghỉ ngơi và hưu dưỡng, nhưng mình tin rằng nếu các ngài còn sức lực thì sẽ không chọn nơi đây để ở mà sẽ còn tiếp tục lăn lộn trên cánh đồng truyền giáo để rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người.

Marsfield, Úc, ngày 22.6.2015

Bầu trời Úc Châu




Hôm qua chương trình tu nghị bế mạc tốt đẹp. Các thành viên trong tu nghị đã đưa ra những quyết định quan trọng cho đường hướng hoạt động của tỉnh dòng Ngôi Lời Úc trong ba năm tới. Về phần mình trong tuần qua mình cũng đã rất vui khi không chỉ được cử đi để tham dự tu nghị mà trong suốt những ngày họp hành, mình đã có cơ hội đóng góp qua vai trò là một trong những thành viên của ban chỉ đạo để giúp cho tu nghị diễn tiến theo đúng mục đích và quy định của hiến pháp. Ngoài ra trong những cuộc thảo luận về các đề nghị thì mình cũng cố gắng phát biểu ý kiến khi mình thấy cần thiết. Đây là lần thứ hai mình tham dự tu nghi trong tỉnh dòng Úc. So với lần trước thì lần này mình mạnh dạn hơn trong việc phát biểu cũng như tích cực hơn trong sự đóng góp của mình. Có lẽ sau gần 9 năm phục vụ trong tỉnh dòng này, mình đã ngày càng thấy gắn bó hơn với sứ vụ của tỉnh dòng, đồng thời có thêm kiến thức cũng như nhận thức để có thể nói lên những suy nghĩ của mình một cách tự tin.

Sau khi tu nghị bế mạc, một số người đã lên đường để trở về với công việc mục vụ của mình ở các nơi khác nhau. Có người lên đường về New Zealand. Thầy Damien sáng nay đã bay về lại Thái Lan. Mình sẽ tiếp tục lưu lại Úc vài ngày để thăm một số người mà mình quen biết. Hôm nay sau gần một tuần trời mưa dầm dề thì bầu trời đã trở nên trong xanh và có nắng ấm. Lúc sáng mình đi dạo trong khuôn viên nhà dòng và thật sự ấn tượng với màu xanh lơ của bầu trời Úc. Đã lâu lắm rồi mình mới thấy được bầu trời như thế. Ở Thái Lan, một phần vì khí hậu và một phần vì ô nhiễm nên dường như mình chỉ thầy được bầu trời màu xám hoặc xanh nhạt. Nhưng bầu trời ở Úc thì vô cùng tuyệt vời. Chắc chắn đây là một trong những hình ảnh mình sẽ mang về lại Thái Lan với mình sau chuyến đi ngắn ngủi này.

Marsfield, ngày 20.6.2015

Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta



Cứ mỗi ba năm các tỉnh dòng Ngôi Lời tổ chức tu nghị. Hội đồng bề trên, những người giữ chức vụ quan trọng trong dòng, và các đại diện từ các cộng đoàn được cử đi tham dự tu nghị để bàn về công việc của nhà dòng trong quá khứ, hiện tại, và vạch ra đường hướng làm việc cho hội dòng cho ba năm tới. Tu nghị này mình cũng được cử đi tham dự từ cộng đoàn tại Thái Lan. Tu nghị khai mạc chiều tối thứ hai và sẽ kết thúc chiều thứ sáu.

Sau hai ngày gặp gỡ, họp hành và chia sẻ về nhiều đề tài khác nhau, chiều nay hội đồng bề trên đã tổ chức cho mọi người có một chuyến du thuyền trên Cảng Sydney thật vui nhộn và thú vị. Chuyến du thuyền khởi đầu lúc 4 giờ chiều và đi quanh cảng, ngang qua những danh lam thắng cảnh tuyệt vời của thành phố nổi tiếng bậc nhất thế giới.

Mặc dầu thời tiết tại Úc đang giữa đông và hôm nay trời mưa nhẹ suốt ngày, nhưng cái giá rét và ướt lạnh đã không làm cho tinh thần của các cha, các thầy, cũng như một số khách mời của dòng bị suy giảm. Mọi người vô cùng phấn khích khi lên tàu để tham quan cũng như có những giờ trò chuyện, hát hò, và thư giãn với nhau.

Một trong những điểm nổi bật nhất trong chuyến du thuyền chiều nay là khi cơn mưa sắp tạnh thì trên bầu trời xuất hiện không chỉ một mà đến hai cầu vọng thật rực rỡ. Mọi người đang ở tầng một của tàu đều ùa lên tầng hai để chụp hình với đủ kiểu. Có người thì tự sướng, có người thì chụp hình đôi, rồi chụp hình theo nhóm 4, 5, 6 người. Ai nấy đều phấn khích vì hiện tượng thiên nhiên đặc biệt xảy ra trong chuyến đi.

Sauk hi đã chụp hình xong, mọi người trở lại bên trong tàu để dùng bữa ăn tối. Giờ tour chưa hết, hai ba cha lại đem đàn ra đánh và ca hát tập thể thật vui nhộn. Cha già Đom người Phi luật tân còn đứng lên nhảy múa thật hồn nhiên. Tối nay, cha giám tỉnh cũng dùng cơ hội này để chúc mừng cha Wim nhân dịp kỷ niệm 60 năm khấn dòng. Cha Wim là người Hà Lan, nhưng 60 năm qua ngài đã phục vụ tại Tân Guinea và Úc Châu. Bây giờ ngài đã ở tuổi về hưu nhưng ngài không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục phục vụ hội dòng thật tích cực.

Mặc dầu trong chương trình tu nghị không có sự hiện diện của mọi thành viên trong tỉnh dòng, nhưng cũng có một số đáng kể và tượng trưng cho bức tranh toàn diện của tỉnh dòng Ngôi Lời Úc – một tỉnh dòng đa sắc tộc và văn hóa, một tỉnh dòng tương đối trẻ trung, năng động và đang trên đà phát triển trong mục vụ truyền giáo trên ba quốc gia Úc, New Zealand và Thái Lan. Mình thật hãnh diện và hạnh phúc khi được sống trong không khí này. Mặc dầu các thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng ai cũng chung một sứ vụ, đó là phục vụ trên cánh đồng truyền giáo để mở mang nước Chúa và truyền bá Tin Mừng của Ngài đến những người xung quanh.

Ngày mai, chương trình họp tiếp tục với những thảo luận và những quyết định cho công việc của hội dòng. Cũng sẽ có những giấy phút căng thẳng hoặc những ý kiến bất đồng. Nhưng sự bất đồng đó rất không đáng kể khi đặt nó trong bối cảnh của một chí hướng to lớn và tuyệt vời, đó là cộng tác với Chúa trong sứ vụ cao cả của Ngài.

Marsfied, Úc, ngày 17.6.2015

Đi Úc

Một đường hành lang trong khuôn viên dòng Ngôi Lời tại Úc
Hôm nay mình về đến nhà dòng ở Úc trong một ngày mùa đông giá rét. Ngoài đường thấy nhiều cây lá đã ngã vàng và rơi rụng. Ai nấy đều mặc áo ấm cho dù ở nhà hay đi ra đường. Chị Hào một người chị thân quen đón mình ở sân bay. Sau hơn một giờ đồng hồ trên xe chay xuyên qua nhiều con đường lớn bé thì cuối cùng chiếc xe cũng rẽ vào cổng của trung tâm dòng Ngôi Lời tại Marsfield, một thành phố nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Sydney. Trở lại đây sau ba năm, quang cảnh vẫn thế. Khuôn viên nhà dòng vẫn xanh tươi và yên bình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tiếng chim két trong khu vườn vẫn vang lên inh ỏi như mọi khi.

Mình đi Úc lần này để tham dự chương trình họp của dòng diễn ra ba năm một lần. Mình là một trong ba thành viên hội dòng từ Thái Lan đến tham dự họp. Lý do mình ở Thái Lan mà lại đi họp là vì dòng Ngôi Lời ở Thái Lan còn nhỏ bé nên phải trực thuộc tỉnh dòng Úc. Tỉnh dòng Ngôi Lời Úc bao gồm ba nước  -- Úc, New Zealand và Thái Lan.

Mặc dầu trên nguyên tắc mình thuộc tỉnh dòng Úc, nhưng vì làm việc tại Thái Lan nên có nhiều người anh em trong dòng ở đây mình không nhớ mặt hoặc nhớ tên. Mình gặp họ như gặp lần đầu và phải giới thiệu cho nhau tên tuổi và nơi làm việc. Tuy nhiên, mình cảm thấy vui khi có nhiều  người vẫn biết mình, ngay cả các cha già đang hưu dưỡng. Có lẽ vì Thái Lan là một phần đặc biệt của tỉnh dòng nên nhận được nhiều sự quan tâm. Nó như một đứa con đang ở nơi xa xôi mà trong gia đình ai cũng hướng tới.

Trong lần họp này, nhiều vấn đề liên quan đến sứ vụ của tỉnh dòng trong quá khứ, hiện tại, và nhất là trong tương lai sẽ được bàn thảo. Chắc chắn tương lai của dòng Ngôi Lời ở Thái Lan sẽ là một phần quan trọng trong việc trao đổi và chia sẻ để sứ vụ của dòng trên đất nước này ngày càng phát triển hầu cộng tác vào việc mở mang nước Chúa tại đây.

Marsfield, Úc ngày 15.6.2015

Đi đây đi đó


Người ta nói cuộc đời là một chuyến đi. Dường như trong lúc này hơn bao giờ hết mình cảm nhận về sự thật trong câu nói này, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ đầu tháng 5 đến giờ, mình dường như “đứng ngồi không yên” với những chuyến đi công tác, mục vụ, thăm viếng… Trở lại Thái Lan được ít ngày thì đón tiếp người thân quen từ Mỹ qua du lịch Bangkok. Cuối tuần này mình lại tiếp tục khăn gói lên đường đi Úc để họp hành việc hội dòng. Và cứ thế  thời gian này mình chỉ mặc áo quần lấy ra từ va li. Sau khi giặt là xong thì cũng không treo lên mà gấp lại bỏ vào trong va li để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. 

Có bạn trẻ nói cuộc sống của cha thật là thú vị vì được đi nhiều nơi và làm được nhiều điều. Thì cũng thú vị thật. Đi qua Lào được ăn thịt trâu. Đi Hà Tĩnh được xem người ta làm mùa (nhìn họ làm mùa vui hơn tự mình làm mùa). Đi Úc thời gian này thời tiết đang giữa mùa đông nên được mặc áo ấm như diễn viên phim Hàn Quốc. Nhưng cứ “chạy show” như thế này thì cũng có cái bất tiện. Người ta nói an cư mới lạc nghiệp. Cứ đi lung tung thì không bao giờ ổn định để làm được cái gì liên tục và lâu dài. Mình thì không có cái nghiệp như người khác. Nói cho cùng thì việc đi đây đi đó chính là một phần của cái nghiệp của mình. Mà cái nghiệp của nhà truyền giáo thì có lẽ không đi đôi với sự an cư. Dù sao đi nữa thì từ khi bước vào đời sống tu trì đến giờ thì mình cũng đã chuyển chỗ ở mười mấy lần trên 4 quốc gia nên mình cũng chẳng mong mỏi là sẽ an cư. Nhưng phải có ở một chỗ thì mới có được những sinh hoạt theo thời khóa biểu cố định, ví dụ như giờ ăn, giờ nghỉ, giờ tập thể dục. Mình cũng có một cái nghiệp quan trọng trong lúc này là việc học tập nên phải ở một nơi mới có thể đọc sách, viết bài nghiên cứu và hoàn tất luận án được.

Trên thực tế đi đây đi đó rất thú vị. Được gặp nhiều người, được thấy nhiều điều mới lạ, được học hỏi thêm những thứ mới. Trong cuộc sống phải có những trãi nghiệm như thế thì mới giúp cho mình mở mang tầm nhìn để suy nghĩ và nhìn nhận những gì chung quanh một cách đúng đắn hơn. Nhưng nghĩ cũng tội nghiệp cho cái bao tử vô tội của mình. Thời gian này chắc nó liên tục thắc mắc tại sao chủ nhân của nó ăn uống kiểu gì mà chẳng ra hệ thống gì cả.

Bangkok, ngày 12.6.2015

Giỗ 1 năm cha Giacôbê và 12 bạn trẻ GP Vinh



Cũng là giờ này cách đây đúng một năm, tôi đang vội vả trên đường đi đến tỉnh Chaiyaphum sau khi nhận được hung tin rằng cha Hanh và nhiều bạn trẻ đã chết vì xe đưa đoàn giới trẻ từ Bangkok đến Nong Bua Lamphu để tham dự đại hội giới trẻ gặp phải tai nạn và bốc cháy. Hai chiếc điện thoại tôi cầm trong tay reo liên tục. Các bạn trẻ đang ở hiện trường gọi tới để cập nhật thông tin về sự việc cho tôi biết; có người gọi đến để hỏi cha sắp tới nơi chưa. Người từ Bangkok thì gọi tới để hỏi cha đã nghe gì chưa? Người thì gọi tới để hỏi cách đi đến hiện trường vì họ không biết tỉnh Chaiyaphum nằm ở đâu. Đường dài 100 cây số từ Nong Bua Lamphu đến hiện trường dài như vô tận. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã đến nơi, đã chứng kiến sự thật mà có nằm mơi tôi cũng không bao giờ hình dung ra được, và đã lao vào thực hiện bổn phận và trách nhiệm của mình đối với cha Hanh, các bạn trẻ và gia đình của họ. Trong sự việc đó tôi không thể đếm nổi những điều mà dường như tôi chỉ mới làm lần đầu tiên trong đời. Nhưng nhờ vào ơn Chúa mà tôi cũng đã làm tròn bổn phận của mình để tôi không thấy áy náy với lương tâm.

Một năm đã trôi qua, từ sự việc đau thương đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm giải quyết vấn đề tai nạn với cha Hanh và các bạn trẻ. Hóa ra đó là lần đầu nhưng không phải là lần cuối vì kể từ sự việc đó đã có thêm nhiều tai nạn nữa xảy đến cùng với các bạn trẻ đang lao động tại Thái Lan. Và nhờ vào kinh nghiệm có được mà tôi có thể giúp đỡ nhiều hơn cho những nạn nhân và gia đình của họ. Đó là điều an ủi tôi nhiều nhất vì trong điều này mà tôi tìm ra được ý nghĩa của sự ra đi của cha Hanh và các bạn.  Có bạn trẻ nói đùa với tôi sau này nếu cha được phong thánh chắc cha sẽ làm quan thầy của người gặp tai  nạn giao thông.

Hôm qua tôi đã dâng lễ giỗ tròn một năm cầu nguyện cho cha Giacôbê và các bạn trẻ tại nhà thờ giáo xứ Trại Lê ở Hà Tĩnh, nơ có đến 3 trong số 12 bạn trẻ bị thiệt mang. Cha Giuse Trần Đức Ngợi đã giúp tổ chức Thánh Lễ và giảng lễ. Lễ tám giờ sáng, thời tiết nóng nực, nhưng gia đình người thân cũng như bạn bè của các nạn nhân đã đến tham dự đông đủ. Các dãy ghế đều kín người. Thánh lễ diễn ra thật trang nghiêm và long trọng. Sau lễ mọi người ra trước nhà thờ để thắp nhang cho các nạn nhân, rồi qua nhà xứ để gặp gỡ trò chuyện và dùng thức ăn nhẹ.

Lần gặp gỡ này có nhiều tiếng cười hơn nước mắt. Một năm đã trôi qua, nỗi buồn đã phần nào vơi đi. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa cũng như sự nâng đỡ lẫn nhau đã giúp cho mỗi người nhận được sự an ủi và lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống. Sự mất mát thì không thể nào bù đắp lại được, nhưng mỗi người đã biết cách chấp nhận, biết phó thác, và biết tin cậy vào sự quan phòng của Chúa. Tôi cũng thế. Tôi đã phần nào cảm nhận được những hồng ân mà Chúa đã ban cho tôi xuyên qua biến cố đau thương này. Và tôi tiếp tục suy gẫm để nhận ra ý nghĩa cũng như thánh ý của Chúa trong sự việc, cho dầu có khi điều  này thật khó khăn để nghiệm thấy.

Hà Tĩnh, ngày 2.6.2015