Tìm đến nguồn ơn phúc



Quay quần xung quanh bàn tiệc thánh tại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, TGP Huế

Gần một tuần nay chưa viết nhật ký. Không phải không có gì để viết. Chuyện để ghi chép lại trong trang nhật ký để làm một kỷ vật trong cuộc đời thì tuần qua rất nhiều. Nào là chuyện đưa các nữ tu Thái Lan đi hành hương Việt Nam với hàng loạt câu chuyện khôi hài và cảm động trong chuyến đi. Nào là cuộc gặp gỡ vào đêm khuya ở Sài Gòn với một bạn trẻ mà mình đã từng giúp trong thời gian bạn ấy cố gắng vượt qua sự nghiện ngập với ma túy. Nào là ngồi chia sẻ với đứa cháu ở một quán cóc ở Vũng tàu đã nhiều năm mới gặp lại.  

Chuyến đi Việt Nam chỉ bốn ngày ba đêm mà có cảm giác như một hành trình thật dài. Có lẽ vì lịch đi thật dày đặc và những nơi đến cách nhau thật xa, hôm nay đang ở Sài Gòn, hôm sau lại ở Huế, rồi hôm tiếp theo lại ở Vũng Tàu.  Tuy nhiên, làm người hướng dẫn cho các seour có phần thoải mái hơn cho những người giáo dân vì các seour quen nếp sống cộng đoàn, giờ giấc trật tự nên không gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình hành hương. Mẹ bề trên năm này 84 tuổi, đi lại khó khăn nhưng không thấy một lần than phiền. Nơi nào mẹ đi được thì cố gắng đi. Nơi nào không đủ sức thì mẹ tìm gốc nào đó ngồi chờ. Có khi thì ngồi cầu nguyện trong nhà thờ khi các seour đang mua đồ lưu niệm trong nhà sách Công giáo. Khi thì ngồi chờ trên xe khi các seour đang đi tham quan chụp hình ở một điểm du lịch nào đó.

Seour Buathong cũng tuổi già chân yếu nhưng không bỏ qua bất cứ một điểm nào trong chuyến đi. Ngay cả ở tượng đài Kitô Vua ở Núi Nhỏ Vũng Tàu mà seour cũng cố gắng leo lên được một nửa chặng đường. Trên đường xuống núi, seour nói với mình: - Cha biết không ở nhà là thấy đau chân đó. Mà đi như thế này lại không thấy đau chân.

Mình nói với seour: - Dĩ nhiên là có ơn Chúa đó seour à.

Ơn Chúa chính là điều mà các seour đã liên lỉ cầu xin suốt chuyến đi hành hương. Ngày cuối cùng trên đường trở về Sài Gòn từ Vũng Tàu, mình mời các seour chia sẻ cảm xúc trong chuyến đi này. Nhiều seour đã chia sẻ rằng luôn cầu nguyện cho dòng được thêm ơn gọi, cho mọi người yêu thương nhau, cho mình được sức khỏe để phục vụ và không trở nên gánh nặng cho hội dòng. Mẹ bề trên chia sẻ rất hạnh phúc khi thấy các thành viên hội dòng già trẻ cùng đi với nhau và được ở gần gũi nhau trong chuyến đi này.

Có seour chia sẻ rằng chuyến đi này thật bổ ích cho ơn gọi của mình, củng cố lại tinh thần thực hiện sứ mệnh đã được trao phó qua những gì chứng kiến được nơi lòng đạo đức của người Công giáo tại Việt Nam. Những bài chia sẻ của mình trong các Thánh lễ ở Thánh Địa La Vang, ở nhà thờ chánh tòa Huế Phủ Cam, ở nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu cũng cố gắng hướng tới việc giúp cho các seour nung nấu tinh thần phục vụ trong ơn gọi cá nhân và tập thể theo linh đạo của hội dòng. Trong ba ngày liên tiếp, những bài Phúc Âm đã khiến cho mình có những bài suy niệm dường như rất phù hợp với thực trạng của hội dòng các seour trong hiện tại. Một seour lớn tuổi chia sẻ trên xe: - Những bài giảng của cha trong chuyến đi này thật sâu sắc. Giống như là Chúa soi sáng cho cha biết điều gì đó về hoàn cảnh hội dòng của chúng ta trong lúc này.  

Nghe các seour chia sẻ mình chỉ biết âm thầm tạ ơn Chúa. Đúng là ý Chúa Thánh Thần soi sáng. Mình chỉ chia sẻ theo Lời Chúa và theo những ý tưởng nảy lên trong tâm trí mà mình cho rằng liên quan đến đời sống cộng đoàn và tu trì. Không ngờ đó chính là những điều rất thiết thực mà các seour cần được nghe trong lúc này. Chuyến đi của các seour không chỉ là một chuyến hành hương mà còn là một cuộc tĩnh tâm cộng đoàn trong dịp Mùa Chay Thánh, một cuộc tĩnh tâm lưu động trãi dài hàng ngìn cây số. Và các seour đã cảm nhận được nhiều điều về chính mình, về những người chị em trong cộng đoàn, cũng như người Công giáo tại đất nước Việt Nam láng giềng.

Bangkok, ngày 29.3.2014  

Ngày Chúa Nhật yên bình


Hôm nay là ngày Chúa Nhật đầu tiên trong thời gian khá lâu mình ở nhà trong sự yên tĩnh của căn phòng. Thật ra thì chuyện ở một mình trong phòng không gì lạ. Hằng ngày mình vẫn như thế. Nhưng điều đó ít khi xảy ra vào ngày Chúa Nhật vì bình thường ngày Chúa Nhật là ngày dành cho công việc mục vụ. Ban sáng mình phụ giúp việc lễ lạt tại trường đại học. Sau đó lái xe đi dâng lễ và sinh hoạt với các nhóm bạn trẻ Việt Nam ở những nơi khác nhau tùy theo ngày.

Nhưng hôm nay lịch dâng lễ của mình không có nhóm bạn trẻ Việt Nam. Ban sáng mình dâng lễ Chúa Nhật tại trường đại học cho cộng đoàn giáo dân Thái. Sau đó mình ngồi tòa giải tội rồi về nhà. Ra khỏi nhà nguyện mình thả bước chậm rải qua khu cây xanh mọc quanh ao nước trong khuôn viên trường đại học, tận hưởng những làn gió mát và vẽ đẹp giản dị của những cánh hoa vàng rơi rụng đầy lối đi. Bước vào căn phòng. Mọi thứ vẫn thế. Đồ đạc trong phòng cũng vẫn vậy. Bước ra ban công đưa mắt lướt một vòng quang cảnh thành phố thủ đô. Cũng không gì khác mọi ngày. Cũng vẫn những cây xanh đan xen giữa những ngôi nhà phố chật hẹp. Cái sân vận động bóng đá quốc gia rộng lớn vẫn đứng rất ngạo nghễ giữa những tòa nhà nhỏ bé xung quanh. Nhìn từ xa tòa nhà Baiyoke 84 tầng cao nhất thành phố vẫn vươn cao để thể hiện đẳng cấp của mình giữa một rừng bêtông và sắt thép.

Mọi thứ không có gì khác thường. Chỉ có tâm hồn mình cảm thấy rất nhẹ nhàng và bình yên trong một sáng Chúa Nhật tĩnh lặng và thanh thản.

Bangkok, ngày 23.4.2014

Cảnh đẹp người cũng vui theo



Không biết hoa này có tên gì mà những ngày này mỗi lần ra đường ở Bangkok là thấy trên đường phố vàng rực rở vì có những cây hoa này rộ nở.  Thái Lan là đất nước nổi tiếng vì chùa vàng. Nhưng ngoài ra vô số tháp chùa vàng thì cảnh vật thiên nhiên ở đây trong thời điểm này cũng vàng không kém.

Những ngày qua mình có nhiều sinh hoạt nên hay phải đi đây đó. Ở một thành phố như Bangkok thì ùn tắc giao thông là câu chuyện hàng ngày. Ai đi lại cũng cảm thấy ái ngại. Thế nhưng mỗi lần ra đường cứ ngắm nhìn những hàng cây hoa nở vàng thắm hai bên đường là lòng cảm thấy vui vui như Tết. Có lẽ nhìn xa xa cái màu vàng của loài hoa này cũng gợi lên cho mình hình ảnh những cây hoa mai nở rộ vào dịp Tết dân tộc.

Người Bangkok nói khi hoa này nở là dấu chỉ mùa hè đang đến. Có lẽ vậy. Những ngày này, thời tiết ở Bangkok dần trở nên nóng nực hơn. Mọi người đang trông chờ Lễ Hội Nước vào dịp tháng 4 là cao điểm của mùa nóng tại Thái Lan. Nhiệt độ đang tăng dần. Hè đang đến. Thế mà nhìn hoa thì trong lòng cứ cảm thấy như xuân đang về.

Bangkok, ngày 22.3.2014

"Chúng nó rất đạo đức cha ạ"


Chúa Nhật vừa qua mình tổ chức tĩnh tâm mùa chay cho một nhóm giới trẻ Việt Nam. Mình và bạn trẻ đại diện nhóm lên chương trình bắt đầu vào 12h trưa. Sáng Chúa Nhật, lúc 10h30 mình và thầy Vương cùng một bạn trẻ lật đật khởi hành vì đường tới nhà thờ mất khoảng 1h đồng hồ. Thầy Vương dự định sẽ cho các bạn tập hát trước khi vào tĩnh tâm.

11h30 đến nơi không thấy ai cả, chỉ một số giáo dân người Thái đang ngồi họp ở bàn đá và một nhóm giới trẻ người Thái đang ngồi vòng tròn dưới mái hiên gần nhà thờ. Mình và thầy Vương quyết định đi ra ngoài kiếm gì ăn trưa kẻo vào chương trình rồi thì đói.

Đi mãi mới gặp được một quán ăn. Vào quán kêu 3 dĩa cơm chiên cho nhanh gọn để trở lại nhà thờ kịp giờ tĩnh tâm. Đến nơi thì thấy duy nhất một bạn trẻ là người đại diện nhóm đang chuẩn bị gì đó. Bên trong nhà thờ tối om. Đèn điện và máy quạt đều tắt cả.

15 phút sau mới bắt đầu có thêm một số bạn đến, nhưng lại không vào nhà thờ. Bạn đại diện ra mời họ vào. Rồi lác đác thêm vài người nữa. Khoảng 30 phút sau thì mới có được vài chục người. Và gần 1h đồng hồ thì mới có một số lượng tương đối đông.

Đang khi chờ các bạn đến nhà thờ Cô Pền là cô giáo lý viên và là người giúp sắp xếp sinh hoạt nhà thờ đến nói chuyện với mình. Cô nói: - Thưa cha, cha cần những gì? Tuần này cha xứ đi vắng. Con nghe cha xứ nói là các bạn trẻ Việt Nam sẽ xử dụng nhà thờ nhiều tiếng đồng hồ vi có họp. Nhưng con không biết là bắt đầu mấy giờ. Con cứ tưởng các em sẽ bắt đầu lúc một hai giờ như mọi khi.

Mình nói với cô Pền: - Thật ra hôm nay là ngày tĩnh tâm mùa chay cho nhóm. Sẽ có những phần giảng thuyết, đi đàng thánh giá, chầu Thánh thể, giải tội và Thánh lễ nữa. Sau đó mới có chương trình họp nhóm.

- Thế à? Vậy mà con cứ nghĩ là chỉ lễ và họp thôi. Vậy để con chuẩn bị Thánh giá, hào quang và nến cho cha nhé. Áo và khăn con sẽ treo trên móc phía sau nhà tạm cho cha.

- Cám ơn cô nhiều nhé. Làm phiền cô quá.

- Không sao đâu cha ạ. Con thấy các em rất đạo đức. Chỉ cái là nhiều khi các em không liên lạc rõ ràng với con nên không thể sắp xếp được.

- Đúng vậy. Nhiều khi chúng nó còn lơ là về trách nhiệm của mình quá. Tôi hẹn bắt đầu tĩnh tâm 12h mà bây giờ đã gần 1h rồi mà vẫn chưa đến đầy đủ. Tôi cảm thấy hơi khó chịu.

- Thôi, cha thông cảm cho các em đi. Con thấy chúng nó cũng dễ thương lắm.

Cô Pền nói chuyện với mình xong rồi đi ra phía sau nhà tạm để chuẩn bị các thứ cho chương trình tĩnh tâm. Thầy Vương đang ngồi ở nơi cây đàn đến trao đổi với mình. Thầy nói: - Những bài hát con nhờ các bạn đi photocopy vẫn chưa có. Nên cũng chưa tập hát được. Bây giờ chúng ta làm sao?

Mình nói với thầy Vương: - Chúng ta phải giúp cho các em ý thức về trách nhiệm của mình nhiều hơn. Để tĩnh tâm tốt thì cần có thời giờ, không thể làm qua loa cho xong. Mình nghĩ tốt nhất là cho các bạn lựa chọn một trong hai điều. Một là chúng ta làm chương trình tĩnh tâm đầy đủ như đã dư định. Có nghĩa chúng ta bắt đầu trể thì sẽ kết thúc trể. Hai là chúng ta hủy chương trình tĩnh tâm và chỉ dâng Thánh lễ Chúa Nhật để làm trọn bổn phận ngày Chúa Nhật rồi sau đó ra về.

Mình và thầy Vương nhất trí như vậy. Gần 1h, mình cầm micrô nói chuyện với nhóm bạn trẻ về việc chương trình tĩnh tâm bị gián đoạn vì sự chậm trể của các bạn. Mình cho các bạn chọn một trong hai điều nói trên. Ai muốn điều nào thì dơ tay biểu quyết. Và kết quả là không có ai chọn chỉ dâng Thánh lễ rồi ra về.

Thế là mình bắt đầu chương trình tĩnh tâm như đã lên kế hoạch. Sau phần giảng thuyết, chia sẻ và hướng dẫn các bạn sám hối, mình vào ngồi tòa giải tội. Thầy Vương hướng dẫn mọi người trong phần đi Đàng Thánh Giá và chầu Thánh Thể. Dường như mọi người đã được tham dự bí tích Hòa giải. Sau Thánh lễ các bạn tiếp tục ở lại để thực hiện việc bầu chọn ban điều hành mới cho nhóm. Mọi việc kết thúc lúc 5h chiều.  

Khi mọi người đang ra về, cô Pền đến đưa cho mình một mảnh giấy có tên và số điện thoại của cô. Cô bảo: - Cha có gì thì liên lạc với con nhé.

Mình cảm ơn cô và cho cô biết nhóm đã có trưởng nhóm mới và từ này trở đi việc sắp xếp lễ và các sinh hoạt nhóm sẽ do người mới liên lạc với cô. Cô Pền hỏi mình: - Thưa cha, sinh hoạt hôm nay như thế nào ạ?

Mình trả lời: - Tôi cho các em lựa chọn. Một là tham dự trọn vẹn chương trình tĩnh tâm và họp như đã lên kế hoạch cho dù phải về nhà trể. Hai là dâng Thánh lễ vắn tắt rồi ra về. Các bạn đã chọn đỉều thứ nhất.

Cô Pền cười vui vẻ và nói: - Chúng nó rất đạo đức cha ạ.

Bangkok, ngày 21.3.2014

Gian nan của các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan



Mặc dầu bận rộn trong công việc nhưng các bạn trẻ Việt Nam này ở tỉnh Ayutthaya cũng đã sắp xếp thời giờ để đến tham dự chương trình tĩnh tâm Mùa Chay để chuẩn bị tâm hồn mừng Đức Kitô Phục Sinh.

Tối hôm qua đi dâng lễ mừng Thánh Giuse ở trường Assumption Bangna về, một bạn trẻ đến thăm mang theo một số đồ mà mình nhờ bạn ấy mua giúp – trứng gà, yogurt, đậu phụ, mì gói…. Cất xếp vào tủ lạnh xong hai cha con rủ nhau ra một quán cóc gần trường ăn tối.

Ăn tối xong trở lại phòng, lên mạng, vào facebook thăm dò tình hình của những người quen biết, và đọc những tin nhắn nhận được. Bổng nhiên nhận được tin nhắn trực tiếp từ một bạn trẻ đang làm việc ở một tỉnh lân cận Bangkok. Bạn ấy cho biết: - Cha ơi, hôm qua phòng nhà con bị công an bắt mấy anh em rùi. Giờ công an lại biết chỗ ở của chúng con rùi. Không biết lúc nào lại đến để bắt nữa. Mà chuyển phòng thì không biết chuyển nơi đâu cả. Tình hình cũng lo lắm cha ạ. Con nhờ cha cầu nguyện cho chúng con với.

Nghe tin buồn của các bạn, mình nói với bạn ấy: - Chắc chắn cha sẽ cầu nguyện cho chúng con. Và xin Thánh Cả Giuse phù trợ cho chúng con nhé.

- Dạ con cảm ơn cha nhiều.

- Các bạn bị bắt làm nghề gì? – Mình hỏi.

- Dạ con gái thì đi xợp. Còn tụi con thì có người lắp lốt. Có người nuột cha ạ.

Ai không phải là những lao động Việt Nam tại Thái Lan thì khó lòng hiểu được những công việc nói trên là gì. Ở Việt Nam thì có ngôn ngữ Hán Việt. Còn ở đây thì có ngôn ngữ Thái Việt. "Xợp" là việc làm phục vụ nhà hàng quán ăn. "Lắp lốt" là việc làm hướng dẫn xe cộ ra vào ở bãi đậu xe. Còn "nuột" là việc làm mát-xa trong nhà vệ sinh của những nhà hàng, quán bar...Ở Thái Lan có không ít các bạn trẻ Việt Nam đang làm những nghề nói trên. So với những công việc khác thì những việc này có thu nhập kha khá. Công việc nào cũng đàng hoàng chân chính.

Mình hỏi tiếp: - Người trong nhà con bị bắt là ai?

- Dạ em gái họ và mấy người hàng xóm ở phòng kế bên nữa. Cả thảy là năm người. Nhưng chắc "lắp" tiền "ba cằn" là ra được cha ạ. (Tiền bảo chứng)

- Mỗi người hết bao nhiêu?

- Bốn mườn (40,000 baht) cha ạ. Nhưng ông chủ quán đã bỏ ra 30,000 cho mỗi người rồi. Sau này sẽ được hoàn lại. Bây giờ những người bị bắt vẫn có thể trở lại làm việc nhưng mỗi 12 ngày phải ra tòa.

- Vậy sau khi ra tòa bị phạt thì ông chủ có giúp không?

- Dạ có cha ạ. 

Nghe có ông chủ tốt bụng cũng mừng. Thế đấy. Chuyện đi tìm việc làm, rồi đi làm việc, rồi chuyển việc vì công việc không thích hợp, hoặc đang làm việc mà bị bắt là chuyện thường ngày của những bạn trẻ Việt Nam đang lao động tại Thái Lan. Mọi người đang mong chờ giữa chính quyền Thái và chính quyền Việt Nam sớm có thỏa thuận để công dân hai nước có thể qua lại làm việc tự do. Hiện nay chinh quyền Thái đã có ký kết như vậy với một số nước láng giềng như Lào và Miến Điện, nhưng với Việt Nam thì chưa. 

Nhưng không vì thế mà các bạn trẻ Việt Nam không tìm đến Thái Lan để tìm việc làm vì ở quê nhà không có việc để làm hoặc có thì thu nhập quá thấp. Chiều hôm qua một bạn tên T. vừa mới từ Việt Nam qua lại Thái Lan nói với mình rằng: - Con dự định ở Việt Nam kiếm việc làm, tháng ba bốn triệu để được ở gần gia đình, vợ con, nhưng kiếm không ra nên đành phải qua lại.

Hai ngày qua T. đi vòng quanh tỉnh Udon Thani để tìm việc nhưng chưa có công việc vừa ý. Tuy nhiên, người chủ cũ của T. ở một tỉnh khác lại đang muốn cho bạn trở lại làm với họ vì T. cũng như nhiều bạn trẻ Việt Nam khác làm việc siêng năng và biết chịu khó. 

Có cung thì cũng phải có cầu. Luật kinh tế là thế. Chỉ mong sao các vị lãnh đạo cấp quốc gia và quốc tế biết xây dựng những chính sách để giúp đỡ người dân có công ăn việc làm, có thu nhập tốt để có một cuộc sống hạnh phúc và bình an. 

Bangkok, ngày 20.3.2014

Tính già hóa non


Mình thì không thông thạo gì về văn chương Việt Nam là bao, nhưng trong văn chương Việt Nam có hai câu tục ngữ mà mình rất thích vì nó rất thực tế với cuộc sống thường nhật đó là "Tính già hóa non" và "Sai một li đi một dặm." Hai câu này dường như áp dụng được cho rất nhiều tình huống trong cuộc sống. Và tối hôm qua mình đã cảm nhận được nó rất rõ ràng.

Chuyện là chiều hôm qua mình được mời đi thuyết trình trong chương trình hội thảo sinh viên tại trường đại học Assumption ở Bangna cách nơi mình ở khoảng 50 phút lái xe. Mình đánh đo cách nào đi để tiện nhất. Thoạt đầu tính sẽ đi bằng xe đò thì chỉ mất 40 baht mỗi chặng. Đi về hết 80 baht. Tuy nhiên, vì sợ rằng chương trình kết thúc trể thì xe đò ngừng hoạt động phải đi bằng taxi về thì xa. Tiền taxi khoảng 300 baht.

Sau khi cân nhắc mình quyết định tự lái xe đi để có thể kiểm soát giờ giấc đi lại thoải mái hơn và có lẽ sẽ tiết kiệm hơn về chi phí. Tuy nhiên mình chưa bao giờ lái xe đi trường ở Bangna mặc dầu đã đi dâng lễ và tham dự một số chương trình ở đây nhiều lần. Mình quyết định nương nhờ vào cái phần mềm GPS trên máy điện thoại của mình để chỉ đường.

Mình lên xe ngồi. Khởi động máy GPS. Cô nàng GPS chỉ đường đi bằng đường cao tốc có trạm thu phí. Mình không chịu nghe lời nàng. Mình chọn một lối khác xa hơn một tí nhưng không có thu phí. Đường cũng tương đối dễ đi vì xe nhà trường đưa mình đi dâng lễ ở Bangna thường đi lối này vào các giờ cao điểm mà đường cao tốc cũng bị kẹt.

Mình đến Bangna trước giờ hội thảo gần 45 phút và có đủ thời giờ để tìm chỗ đậu xe và chuẩn bị cho chương trình. Chương trình chấm dứt lúc 7h30 tối. Sau khi chụp hình lưu niệm với các bạn sinh viên xong, mình và hai bạn sinh viên Việt Nam khác lên xe về trường ở chi nhánh Huamak.

Lên xe mình hỏi hai bạn: - Tụi con có rành đường về bằng đường cao tốc không. Cha không rành lắm. Mà máy GPS thì e rằng không giúp được tại vì trước khi lên đường cao tốc có công trình xây dựng đường. Mình phải đi vòng. Máy GPS không biết thì sợ mình sẽ bị lạc.

Hai bạn sinh viên ngồi xe đò đi học hằng ngày nhưng cũng không hay để ý đến đường xá nên cũng không rành. Mình quyết định đi về bằng đường cũ. Xa hơn, nhưng chắc chắn hơn. Dù sao đi nữa cũng tránh được cái trạm thu phi. Bạn Ngọc nói cái trạm đó buổi tối thu tới 60 baht.

Cô nàng GPS chỉ đường rất tốt cho dù lối đi không phải là đường lớn. Mình chạy đến khúc chuẩn bị lên đường Motorway là con đường mà xe có thể chạy đến 120km/h một mạch về nhà. Nhưng trời hơi tối. Cô nàng GPS bổng nhiên chậm chạp. Mình nhìn không rõ. Chưa đến lối rẽ đã vào. Đi vài trăm mét thì phát hiện ra mình đã rẽ vào lối đi Pattaya, ngược với đích điểm của mình.

Cô nàng GPS rất thông cảm, báo cho mình biết là khoảng 5km nữa là sẽ có điểm quay xe. Mình đạp ga tăng tốc vì đường bấy giờ khá trống. Chạy một lúc cô nàng GPS báo còn 3km nữa. Rồi sau đó còn 1.5km. Rồi bổng nhiên cô nàng GPS đi ngủ. Đến lối exit nàng vẫn chưa thức dậy. Lối ra không có đèn nên nhìn cũng không rõ có phải là lối ra hay không. Chạy thêm một tí nữa. Cô nàng GPS thức giấc, điều chỉnh lại vị trí và báo cho biết là chạy thêm 10km nữa sẽ có lối ra. Thế là đã chạy quá.

Đường lại vắng nên mình đạp ga chạy 120km mong sao cho mau đến điểm quay xe. Chạy một lúc thì gặp cái trạm lấy thẻ thu phí. Lấy thẻ thu phí xong, đạp ga phóng tiếp. Cuối cùng thì đến cái trạm trả tiền. Mình hỏi cô nhân viên thu phí: - Đi ngược lại như thế nào? Tôi không thấy lối đi ngược.

Cô ta bảo phải đi thêm một đoạn nữa. Mình nghe lời cô nhân viên trạm thu phí chạy thêm một đoạn nữa thấy có một con đường cong. Biết là sẽ trở lại đúng hướng. Tuy nhiên không phải trở vên cái đường Motorway mà nó dẫn mình lên đường cao tốc. Chạy một lúc gặp cái trạm thu phí. Chạy thêm một đoạn nữa thấy có bảng hiệu đi sân bay. Tuy nhiên, cô nàng GPS lại bảo cứ đi về lối Dindaeng. Hai bạn sinh viên nói: - Đi theo hướng sân bay là đúng rồi đó.

Mình cũng nghĩ vậy nên không chịu nghe lời cô nàng GPS rẽ qua lối sân bay. Nhưng cô nàng GPS rất kiên quyết. Nàng không đưa mình về sân bay mà nàng bắt mình phải quay ngược lên đường cao tốc đi lối cũ. Nhưng trước đó thì gặp thêm một cái trạm thu phí nữa.

Vì cô nàng GPS quá kiên quyết nên mình cũng đành phải chiều, lên đường cũ. Chạy một lúc gặp thêm một cái trạm thu phí nữa. Rồi đến trung tâm mua sắm Mega, và cuối cùng chuyển qua đường Motorway để về nhà. Khi tới nơi thì đã mất 1 tiếng 45 phút, gấp đôi thời gian đáng ra phải đi. Ngoài ra còn phải đi qua bốn năm cái trạm thu phí.

Hóa ra dự tính tránh cái đường cao tốc lúc đầu để tiết kiệm 60baht lại dẫn đến việc phải trả hơn thế gấp mấy lần vừa tiền xăng dầu lẫn tiền đường. Và do cái dụ cứ nương tựa vào cô nàng GPS mà không chịu tự dùng đầu óc tính toán khi lái xe mà làm phải đi thêm tới mấy chục km và mất thêm gần 1h đồng hồ.

Xong sự cố thì chẳng biết nói gì hơn là "Thôi, rút kinh nghiệm vậy."

Bangkok, ngày 19.3.2014

Cái nghề tay trái


Chiều hôm qua đang tập thể dục thì nhận được cuộc điện thoại từ một số lạ. Mình bấm nút trả lời thì được biết trên đường giây là cha David Kelly, một linh mục dòng Tên từ Mỹ. Ngài vừa qua lại Thái Lan vài ngày. Cha Kelly phụ trách chương trình đưa sinh viên từ Mỹ qua Thái Lan học để có trải nghiệm xuyên văn hóa.

Cha Kelly muốn nhờ mình một việc. Mình hẹn gặp ngài ở lobby của tòa nhà mình đang ở vào lúc 5h30 chiều. Ngài trình bày cho mình biết:

- Tháng 7 này tôi sẽ đưa 40 sinh viên từ trường đại học của dòng Tên bên Mỹ sang Thái Lan để học. Năm này tôi muốn làm khác mọi năm bằng cách tổ chức cho sinh viên một khóa tiếng Thái giao tiếp ngắn hạn để các em hòa nhập tốt hơn vào văn hóa mới. Tôi đã nghĩ đến cha vì tôi cần một người vừa thông thạo tiếng Anh vừa thông thạo tiếng Thái. Cha có thể giúp được không?

Mình trả lời: - Tôi phải xem lại lịch của tôi vào thời gian đó. Vì tháng 7 và tháng 8 tôi có khá nhiều sinh hoạt.

Sau khi xem lại lịch, trong đó có hai chuyến đưa đoàn giáo dân Thái Lan đi hành hương Việt Nam vào cuối tháng bảy và trung tuần tháng 8, thì mình và cha Kelly đã thống nhất lịch học và các đề tài học cho nhóm sinh viên Mỹ.

Thế là lịch mùa hè của mình coi như đã kín hết cả. Cũng lấy làm lạ, bổng nhiên cái việc dạy tiếng Thái của mình trở nên "có giá". Cách đây hơn một tháng, mình quyết định mở một lớp dạy tiếng Thái cho các sinh viên Việt Nam tại đại học Assumption, chi nhánh Huamark thì sau đó không lâu nhận được điện thoại từ một bạn sinh viên Việt Nam đang học ở chi nhánh Bangna. Em ấy nói thấy cha mở lớp học ở Huamark mà bên Bangna cũng có nhiều bạn muốn học. Nhờ cha tạo điều kiện để cho các bạn bên này cũng được học.

Mình đồng ý và bạn sinh viên ấy đã liên lạc trường, mở ghi danh học viên, và sắp xếp ngày giờ. Thế là bắt đầu từ chiều hôm nay sẽ có thêm một lớp tiếng Thái nữa. Mình sẽ đi dạy lớp ở chi nhánh Bangna, sau đó tối về dạy lớp ở Huamark. Hy vọng những cái "nghề tay trái" này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc học hành của mình. Dù sao đi nữa thì mình chưa bao giờ chỉ thích làm một việc. Trong cuộc sống phải có cái này cái nọ. Như thế cho dù hơi vất vả nhưng sẽ thấy thú vị.

Bangkok, ngày 14.3.2014

Tổ chức hành hương Việt Nam


Cách đây hai tuần bất ngờ nhận được điện thoại từ cha Anucha, một linh mục trong TGP Bangkok phụ trách lĩnh vực hành hương và du lịch. Ngày nói:

- Thưa cha, tôi muốn nhờ cha giúp một việc. Tôi muốn tổ chức chương trình đi hành hương Việt Nam như cha tổ chức tháng 12 năm ngoái với cha Chavalit. Cha có thể giúp được không?

Mình nói: - Thưa cha, cha định đi lúc nào?

- Tháng tư tới đây.

- Gấp vậy cha. Không biết có kịp không vì làm tour thì không khó, nhưng vấn đề ở giá cả vé máy bay. Để con tham khảo với công ty bán vé máy bay rồi trình lại cho cha xem nhé.

- Vâng. Ngày mai tôi phải đi họp. Có gì nhờ cha liên lạc với cô giáo dạy giáo lý cô Phetch nhé.

Ngày hôm sau, mình liên hệ với anh Linh, người phụ trách làm tour ở Việt Nam. Anh Linh trả lời là làm được và giá tour cũng không cao. Tuy nhiên, sau đó mình hỏi giá vé máy bay từ một đại lý bán vé máy bay tại Thái Lan thì được câu trả lời vé đi theo nhóm bây giờ đã hết tại vì ngày đi trùng với dịp Lễ Hội Nước nên người ta đi du lịch rất đông.

Thế là dự định đi hành hường Sài Gòn - Đà Lạt vào tháng 4 phải hoản lại. Chiều Chúa Nhật vừa qua, mình đến nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nơi cha Anucha là phó xứ để dâng lễ cho nhóm các bạn trẻ Việt Nam ở đó thì ngài lại mời mình vào nhà xứ để bàn lại về chương trình hành hương. Sau khi xem lịch thì đã quyết định sẽ tổ chức vào tháng 8 trước lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Thêm lần nữa mình lại liên lạc với anh Linh và đại lý bán vé máy bay. Hôm qua mình bỏ ra một buổi sáng để làm chương trình đi hành hương 4 ngày 3 đêm ở Sài Gòn và Đà Lạt. Dĩ nhiên trong chương trình không thể thiếu việc đi tham quan hoặc dâng Thánh lễ ở các nhà thờ nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Con Gà, nhà thờ Domaine, và nhà thờ Ba Chuông. Tuy nhiên, ngoài ra sẽ còn chương trình đi thăm viếng TGM Đà Lạt, Tiểu Chủng Viện Xuân Hòa Đà Lạt và Đại Chủng Viện Thánh Giuse TGP Sài Gòn. 

Với một chương trình hành hương như thế, mình hy vọng các linh mục vào giáo dân Thái Lan sẽ có một trải nghiệm đặc biệt về Giáo hội và người Công giáo Việt Nam, phần nào giúp nung nấu lòng đạo đức của người Công giáo Thái Lan giúp họ sống đạo tích cực và hăng say hơn. Mình cũng hy vọng rằng qua chuyến đi này họ sẽ có cái nhìn mới về những bạn trẻ Công giáo Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan, có thái độ thông cảm hơn, và sẵn sàng nâng đỡ các bạn hơn trong đời sống đạo khi đang phải lặn lộn làm ăn trên đất Thái.

Bangkok, ngày 12.3.2014


Giải tội Mùa Chay

Hôm qua mình đi dâng lễ cho nhóm bạn trẻ ở Bang Bon. Ở đây nhóm khá đông, trên 200 người. Mình tới nhà thờ trước giờ lễ 1 tiếng đồng hồ với ý định ngồi tòa giải tội để cho các bạn tham dự bí tích hòa giải trong mùa Chay Thánh. Nhưng khi vừa đến nơi thì cha Anucha, cha phó xứ mới mình vào nhà xứ để trao đổi một số vấn đế liên quan đến sinh hoạt sắp tới của nhóm nên cuối cùng mình chỉ còn gần 30 phút để ngồi tòa.

Các bạn xếp hàng để xưng tội rất đông. Mình tranh thủ nghe tội và đưa lời khuyên vắn tắt để tiết kiệm thì giờ. Khoảng 5 phút trước khi giờ lễ bắt đầu, Long, nhóm trưởng đến nói với mình là nhờ cha giải tội cho thêm ba người nữa thôi. Mình gật đầu.

Mình giải tội thêm 3 người như anh Long yêu cầu rồi tắt đèn và máy quạt trong tòa giải tội. Mình kéo cánh cửa bước ra ngoài. Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đang xếp hàng để xưng tội. Bạn nữ đứng đầu hàng năn nỉ. - Cho con xưng tội đi cha. Thêm một người nữa thôi.

Mình thấy bạn nữ năn nỉ chân tình nên không thể nào từ chối. Mình nói: - Được rồi. Thêm một người nữa thôi nhé.

Có bạn nam đứng trong hàng nói vào: - Năm người nữa đi cha ơi.

Mình trình bày với các bạn vì hết giờ rồi nên mình chỉ giúp thêm một người nữa thôi. Sau lễ nếu tiện mình sẽ giải tội thêm. Mình trở vào tòa giải tội. Không bật máy quạt vì chỉ giải tội cho một người rồi sẽ đi chuẩn bị vào lễ. Anh Long thấy mình chưa ra khỏi tòa giải tội nên trở lại xem. Mình nghe giọng một bạn nam nói với anh Long: - Cha nói sẽ giải tội thêm 3 người nữa!

Mình ngồi trong tòa giải tội vừa buồn cười vừa lấy làm lạ. Tại sao có người đang xếp hàng để đi xưng tội mà lại phạm tội "nói láo" ngay cả trong lúc đang chuẩn bị đi xưng tội nhỉ. Nhưng nghĩ lại có lẽ Chúa cũng thông cảm. Các bạn đã rất muốn được lãnh nhận bí tích hòa giải trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay Thánh, cho dù phải "lừa" anh nhóm trưởng một chút.

Nhưng mình chỉ giải tội thêm đúng một người như mình đã nói. Và sau đó mình bứơc ra khỏi tòa. Tất cả mọi người đành phải vào nhà thờ để chuẩn bị Thánh Lễ.

Lễ xong, mình đứng nói chuyện và chụp hình lưu niệm với một số bạn trẻ. Một người giáo dân Thái đến chào hỏi mình và chia sẻ về cách mà anh ta tham gia vào sinh hoạt trong giáo xứ. Đang lúc đứng nói chuyện với anh người Thái, một bạn nam đến nói với mình: -Thưa cha lúc nãy cha giải tội còn lở cỡ. Cha có còn ngồi tòa nữa không?

Nhớ lại lời hứa của mình là sẽ giải tội thêm nếu có thì giờ, mình trở lại tòa giải tội và giúp thêm nhìều bạn lãnh nhận bí tích hòa giải. Có lẽ Mùa Chay ai cũng muốn có một sư chuẩn bị đúng đắn phù hợp với tinh thần của mùa phụng vụ này.  Ước gì mọi người đều ý thức được việc chuẩn bị tâm hồn để thực sự sẵn sàng đón mừng Chúa Kitô Phục Sinh.

Bangkok, ngày 10.3.2014

Những người chị của mình


Mình có ba người chị ruột, không có người em nào. Chị S. là chị cả. Chị như mẹ thứ hai của mình. Ấn tượng của mình về chị như vậy vì mình nhớ khi còn nhỏ, mẹ mình hay có công việc đi Sài Gòn để làm thủ tục đoàn tụ gia đình. Chị S. ở nhà có trách nhiệm chăm sóc cho đàn em, đặc biệt là chuyện ăn uống và ngủ nghỉ. Có những lần mình đang chơi ngoài đường với bạn bè trong xóm, chị gọi về nhà để tắm rửa ăn uống. Lúc nào cũng cho ăn nhiều hơn bụng mình có thể chứa. Buổi trưa chị bắt đi ngủ. Có những ngày nhắm mắt mãi mà không sao ngủ được. Nhắm mắt mà không ngủ cũng khó giữ cho nó nhắm được lâu. Mở mắt ra thì sợ bị cho là chưa đi ngủ. Vì thế nên mặc dầu muốn mở mắt ra lắm, nhưng không dám và cố nhắm nghiền lại cho đến khi trong đầu nghĩ là đủ lâu rồi thì mới mở mắt ra. Để đánh lừa chị, mình lấy tay làm tóc bù xù lên, ngáp lên ngáp xuống ra vẻ như đã ngủ một giấc thật ngon rồi leo xuống giường.

Chị thứ hai của mình là chi M. Chị M. nóng tính như mình, nhưng lại rất tình cảm. Chị cũng thuận tay trái như mình. Có lẽ vì mình thấy chị có nhiều điểm giống mình nên mình rất đồng cảm với chị. Có thời gian chị gặp khó khăn trong vấn đề tình cảm mình rất lo cho chị. Có đêm nằm trên giường cầu nguyện cho chị mình không thể nào ngủ được. Thế rồi mọi chuyện cũng đã tốt đẹp do sự an bài và tình yêu thương của Chúa. Mình không còn lo lắng về chị nữa. Mình tin rằng Chúa rất thương chị, như cả nhà ai cũng thương chị, như chị yêu thương và quan tâm đến mọi người trong gia đình vậy.

Chị thứ ba là chị Tr., gần tuổi mình nhất. Hai chị em được cơ hội nhiều nhất khi gia đình sang định cư ở Mỹ vì cả hai chị em còn nhỏ tuổi. Có thời gian cả hai chị em đi học cùng trường và cũng đi sinh hoạt trong đoàn thiếu nhi ở nhà thờ với nhau. Nhưng rồi sau đó chị lên đại học, rồi đi học trường dược ở tiểu bang xa nên hai chị em cũng ít khi được gặp nhau. Mình cũng lên đại học, rồi khăn gói vào đại chủng viên đi theo ơn gọi của mình. Chị tốt nghiệp, lập nghiệp, rồi lập gia đình. Ngày đám cưới của chị mình cũng không có mặt vì đang ở nước ngoài phục vụ truyền giáo. Hai chị em cũng ít có dịp nói chuyện với nhau, nhưng mình vẫn gần gũi với chị. Thỉnh thoảng chị gởi email cho mình và chia sẻ về kinh nghiệm đức tin của chị. Mình thấy càng ngày chị càng có cảm nhận sâu xa hơn về Thiên Chúa qua những trải nghiệm của chị trong cuộc sống.  

Mình cũng có một người chị tinh thần là chị H. Chị H. luôn than phiền là chị bận rộn vì chị có quá nhiều việc phải làm. Nào là công việc y tá ở bệnh viện, nào là trợ giúp cho công việc làm ăn của chồng chị, nào là chăm sóc cho hai đứa con trai, mà cả hai đều có vấn đề về sức khỏe. Nhưng hai thằng nhỏ đứa nào cũng học hành cực kỳ giỏi. Chị gởi điểm thi SAT của thằng anh cho mình xem. Vừa rồi nó thi được điểm gần tuyệt đối! Chị bận rộn thế đó mà không hiểu tại sao chị có thật nhiều giờ dành cho mình. Khi thì nhắn tin. Khi thì viết email. Khi thì tìm cách "làm đẹp" cho mình bằng cách tìm mua cho mình những cái áo, cái túi đẹp. Hình như chị rất hiểu cái "gu" của mình. Chị bận rộn thế mà chị luôn quan tâm đến mình. Có lẽ trong ngày của chị có hơn 24 giờ đồng hồ. 

Nhân ngày quốc tế phụ nữ, ngày 8.3, mình xin gởi lời cảm mến tri ân đến những người chị của mình, đã luôn tận tuy chắm sóc, lo lắng, cầu nguyện, và yêu thương cho đứa em này. Cho dù ở một phương trời rất xa, nhưng luôn nhớ đến các chị và yêu thương các chị thật nhiều.

Bangkok, ngày 8.3.2014


Đọc lại thư cũ mẹ gởi cho con


Ngày mai là mồng 8 tháng 3, ngày quốc tế phụ nữ. Trong đời sống mình cũng có một người phụ nữ rất quan trọng. Sáng nay thức giấc nhớ đến mẹ, muốn nói chuyện với mẹ nên đã gọi điện thoại về nhà. Điện thoại reo, mẹ bắt điện thoại nói với giọng vui mừng: - Chào người Thái Lan! 

Trong giọng nói của mẹ, mình biết mẹ rất vui khi nhận được điện thoại của mình. Cũng đã gần một tuần mình không gọi về nhà mà mẹ cũng không có gọi qua. Mẹ không gọi là không phải vì không nhớ mà là mẹ sợ mình bận rộn không muốn làm phiền. Còn mẹ thì lúc nào cũng nhớ tới con, cũng muốn gọi hỏi thăm, muốn biết con đang ăn uống như thế nào, đang phục vụ như thế nào, có gặp khó khăn gì trong đời sống tu trì hay không...

Sáng nay ngồi đọc thư cũ của mẹ gởi cho mình cách đây 7 năm. Lúc đó mình mới đến Thái Lan không lâu. Đọc xong thấy nhớ và thương mẹ lắm. Biết ơn mẹ lắm. Mình đã chia sẻ thư của mẹ gởi cho mình trước đây. Giờ đọc lại vẫn thấy ấm lòng và cảm động như khi mới nhận được vậy.

----------
Nhật ký truyền giáo ngày 30.3.2007

Có những cái trong đời rất riêng tư mà mình không thể chia sẻ được với ai. Nhưng cũng có những cái quá tuyệt vời mình không chia sẻ thì thấy thật tiếc. Hôm nay, mình nhận được thiệp cưới của anh Tr. là anh ruột của mình. Kèm theo thiệp cưới là lá thư mẹ gởi cho mình. Đọc thư mẹ mình nhớ và thương mẹ quá. Mẹ càng già thì dường như tình thương của mẹ lại càng biểu lộ rõ ràng hơn đối với mình. Hay là bây giờ mình càng trưởng thành mới nhận thấy đúng đắn hơn cái mà đã hiện diện từ lúc mình mới chào đời nhưng quá vô tư nên không nghĩ đến.

Lá thư của mẹ gởi cho mình như sau:

Con yêu dấu,

Sáng nay nghĩ đến con, mẹ muốn gởi đến con những tấm thiệp hồng của ngày cưới anh con. Mẹ muốn con cùng chia sẻ niềm vui của gia đình và Tr. bằng tất cả tình mến yêu và với những gì con có thể làm được.

Kèm theo đây là những tâm tình, yêu thương, nhớ nhung của me dành cho con từ khối óc và trái tim. Mặc dầu có nói chuyện với con qua điện thoại cách đây mấy ngày, nhưng mà nhớ nhung đến với con thì mỗi một ngày con ạ. Mẹ vẫn thân thưa với Chúa là dâng con cho Ngài làm của lễ hy sinh, nhưng tình mẫu tử tự nhiên cua một người mẹ vẫn có ở đây.

Mẹ cầu xin cho con an lành mạnh khỏe, để phục vụ cho giáo hội và trau dồi cho mình được thăng tiến để con làm được những gì hữu ích cho đồng loại.

Mẹ cũng ước ao con luôn học hỏi những điều hay, lẽ phải của mọi người chung quanh con, bởi vì con còn trẻ mới ra đời, thiếu kinh nghiệm nên con phải cố gắng học hỏi bậc đàn anh. Với tâm tình của mẹ, viết đến đây mẹ lại nghĩ, có lẽ con sẽ nghĩ....biết rồi, mẹ nói làm gì....nhưng với tâm tình của mẹ nên luôn nhắc nhở, có thể một ngày mai không còn cầm viết được nữa...hoặc không có cơ hội để nói, cho nên lúc nào nói được thì cứ thể hiện, phải thế không con??
.....

Mọi người trong nhà vẫn bình an, T. đã đi làm lại rồi. Cuối thư, thương yêu chúc con luôn an vui, mạnh khỏe trẻ trung, yêu đời, yêu người... Và sống với tất cả tâm tình hiến dâng.

Mẹ của con,

TKN
----------

Bangkok, ngày 7.3.2014


Nhớ hoa bò cạp vàng


Ở thành phố nhộn nhịp mà có người đến du lịch từ khắp thế giới như Bangkok đáng ra rất vui. Muốn gì đều có cả, phố xá, trung tâm mua sắm, nhà hàng quán ăn tấp nập, tụ điểm giải trí thì vô kể. Ở đây mình cũng quen biết thật nhiều người, Thái có Việt có. Nhưng cũng có những lúc mình chỉ muốn quay trở lại vùng quê mà mình từng làm việc truyền giáo. Ở đó, vào những tối mùa thu, đi dạo trong khuôn viên nhà thờ, mình luôn gặp thấy hương thơm của những cây hoa sữa, có khi thật nồng nàn, có khi chỉ thoang thoảng tùy theo sức mạnh của làn gió đêm. Vào những tháng mùa nắng như bây giờ là lúc mình lại được nhìn thấy những chùm hoa bò cạp vàng thật rực rỡ ngay bên ngoài cửa sổ phòng ngủ mỗi sáng thức giấc kéo chiếc màn cửa nhìn ra vườn. Rồi vào mùa mưa, mình thật thích cảm giác chạy xe trên con đường vành đai bên ngoài phố. Con đường rộng thênh thang, rất ít xe đi lại, hai bên đường là những đồng lúa xanh thắm, và trước mắt là bầu trời đang dần sáng lại sau một cơn mưa bất chợt rơi xuống.

Ở đây cũng có những con người rất dễ mến. Có các nhà truyền giáo đang hăng say phục vụ quên mình để rao giảng Tin Mừng yêu thương của Chúa. Có các trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV, mặc dầu mang trong người một căn bệnh không thể chữa lành, nhưng vẫn biết vui cười trong cuộc sống. Và có các bạn trẻ Việt Nam cứ đến những tối cuối tuần, sau khi xong công việc và ăn uống thì cùng nhau đạp xe lên nhà thờ để sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa.

Bây giờ đã vào tháng 3, mình nhìn ra cửa sổ phòng trọ thấy thành phố Bangkok về đêm cũng rất đẹp với những ánh đèn lung linh huyền ảo. Nhưng ước gì sáng mai khi thức giấc, vén màn nhìn ra cửa sổ thì sẽ thấy những chùm hoa bò cạp vàng tươi thắm để chào một ngày mới.

Bangkok, ngày 6.3.2014

Suy tư ngày Lễ Tro


Sáng thứ tư Lễ Tro. Mình ở trong căn phòng trọ nhỏ. Ngồi viết bài luận văn về đạo đức môi trường. So sắn giữa hai quan điểm triết lý Tây phương và Phật giáo. Triết lý Phật giáo dựa trên giáo lý vô ngã. Áp dụng lối suy nghĩ Tây phương về giá trị nội tại của thiên nhiên vào lối nhìn của Đông phương gặp khó khăn. Mình lập luận như thế và đưa ra những giáo lý Phật giáo để chứng minh điều đó.

Viết được hơn 2 tiếng đồng hồ. Vừa mỏi mắt vừa mỏi cổ, nhất là sau ót. Mình ngừng tay. Ngồi lên giường làm những động tác co giản kết hợp với những hơi thở sâu và chậm. Mình thấy dễ chịu hơn. Ngồi một lúc nhìn ra cửa kiếng. Thành phố Bangkok trải dài trước mắt với vô số tòa nhà cao thấp. Một chiếc bong bóng bay lơ lững giữa không gian. Có lẽ quà tặng của một sinh viên mới ra trường ở trường đại học Ramkhamhaeng gần đây bị bay mất.

Mình quan sát những tòa nhà cao tầng. Có một tòa nhà đang được xây dựng nằm ngay ở giữa tầm nhìn. Nhà nhiều đến thế rồi. Vô số rồi. Nghe nói kinh tế đang khó khăn. Thế mà người ta vẫn xây thêm. Ở đâu cũng thế. Người ta cứ tìm cách xây thêm. Cao hơn. Đẹp hơn. Hiện đại hơn.

Mình liếc nhìn bài luận văn đang nằm giang dỡ trên máy vi tính. Cái chữ vô ngã (not-self) nằm trơ trơ trên màn hình. Mình tự nhủ: Có lẽ giáo lý này chỉ đem ra bàn trong các bài nghiên cứu hoặc được đề cập đến trong các ngôi chùa. Còn ngoài kia, người ta vẫn xây dựng. Xây lên những tòa nhà thật cao, những trung tâm mua sắm thật đẹp, những quán xá thật sang. Xây để thỏa mãn cái tôi của người đầu tư, và để đáp ứng cái tôi của người tiêu dùng.

Thứ tư Lễ Tro. Mình tự nhắc mình: Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai rồi sẽ trở về bụi tro.

Bangkok, ngày 5.3.2014


Đau mà đã

Mấy ngày qua mình cảm thấy thân thể nhức mỏi từ trên xuống dưới nên hôm nay quyết định chạy ra tiệm mát-xa Thái mà mình thường đến mổi khi cần mát-xa trị liệu. Nó là một cái tiệm nhỏ nằm ở đầu đường Ramkhamhaeng 24. Một giáo sư người Úc trong trường giới thiệu tiệm này với mình cách đây sáu tháng. Trong tiệm có 10 thợ mát-xa, 8 nữ 2 nam. Lần đầu tiên đến đây, mình được giao cho một thợ nam tên Chana. Anh ta nặng khoảng 90 cân, người to béo khỏe mạnh. Mình nghe nói anh là thợ giởi nhất tiệm nên rất đắt khách. Nếu muốn được anh mát-xa phải liên lạc trước ít nhất ba bốn tiếng đồng hồ. Nhưng hôm nay mình ra tiệm mà không hẹn trước nên anh Chana không rảnh. Mình không tiện chờ nên nhờ một thợ khác làm thế. Người thợ mát-xa cho mình là một thợ nữ. Mình trình bày với cô về tình trạng của mình và nhờ cô giúp đỡ.

Cô thợ mát-xa hỏi: - Anh mát-xa bao lâu?

Mình trả lời: - Làm cho tôi hai tiếng. Đặc biệt làm ở vai.

Mình năm xuống giường. Cô thợ bắt đầu ra tay, bắt đầu với những cái nhấn ở bàn chân rồi dần dần di chuyển qua những phần khác của thân thể. Vì sức của phụ nữ có hạn chế mà mình thì sức chịu đựng khá cao nên thợ mát-xa chỉ dùng ngón tay bấm thì không đủ độ sâu. Cô thợ chủ yếu dùng cánh tay, cùi chỏ, và bàn chân để mát-xa.  Có khi thì cô ta nhấn. Khi khác thì dùng cánh tay đè. Khi khác thì dùng bàn chân dẫm lên người. Cô ta thoăn thoắt làm từ động tác này đến động tác khác trong phương pháp mát-xa Thái. Có khi những động tác ấy làm mình đau điếng lên, nhưng cũng cắn răng chịu đựng vì biết rằng "sau cơn đau người lại khỏe".

Và cứ như thế, sau hai giờ đồng hồ liền để cho cô thợ bấm, rồi bẻ, rồi đè, rồi vặn, rồi dẫm lên người ở các tư thế nằm ngã, nằm nghiêng, nằm xấp, và ngồi, cuối cùng thì cuộc mát-xa cũng đã kết thúc. Cô thợ làm những động tác đấm cuối cùng trên vai rồi hỏi: - Anh đã cảm thấy nhẹ hơn chưa ạ? 

Mình trả lời: - Cảm thấy nhẹ hơn rất nhiều rồi ạ. Cảm ơn cô.

Bangkok, ngày 4.3.2014

Chuyện buồn trên đất khách quê người


Sau những ngày cuối tuần bận rộn với nhiều sinh hoạt, sáng nay mình tự nhủ, "Hôm nay mình sẽ ở nhà để đọc sách, làm bài thi giữa kỳ. Rồi ban chiều sẽ đi tập thể dục ở câu lạc bộ vì gần hai tuần nay chưa có giờ đi tập". Nhưng vừa nghĩ xong điều này thì ít phút sau, mình nhận được một cuộc điện thoại đến từ một bạn trẻ người Việt. Bạn ấy nói với mình trên điện thoại: - Thưa cha, tối hôm qua anh của con chết. Không biết cha có thể sắp xếp để đến cử hành nghi thức cầu nguyện được không?

- Lý do qua đời là gì vậy? - Mình hỏi.

- Thưa cha anh bị nhồi máu cơ tim.

- Bao nhiêu tuổi rồi mà bị nhồi máu cơ tim vậy?

- Thưa cha, anh năm này 33 tuổi.

- Trời, mới 33 tuổi mà đã chết vì bị nhồi mau cơ tim sao?  Anh con tên thánh gì?

- Thưa cha, tên thánh Antôn.

- Vậy giờ con đang ở đâu?

- Con ở gần đường Phuthamonthon Sai 1.

- Nhà thờ ở  đó tên gì? Có phải tên Ngai Tòa Thành Phêrô không?

- Thưa cha con cũng không rõ nữa. Nhưng ở đây có một trường học. Để con hỏi người ở đây xem.

Người bạn trẻ nhờ một người Thái nói chuyện trên điện thoại với mình. Mình hỏi ông ta: - Nhà thờ ở đây tên gì?

Ông người Thái trả lời: - Tôi không biết tên nhà thờ. Nhưng trường học là trường học Thánh Phêrô. Ở đây khuôn viên rất lớn. Tôi đến đây để tập thể dục ban sáng.

Nghe ông người Thái nói vậy, mình đã chắc chắn đây là nhà thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô nơi sẽ được tổ chức Thánh lễ mừng Chúa Kitô Phục Sinh vào tháng 4 này. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ đến nhà thờ này và cũng không rõ nó nằm ở đâu.

Bạn trẻ Việt Nam nói đã xin phép cha xứ cho gởi xác ở đây cho đến khi hoàn tất thủ tục để đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, cha xứ yêu cầu phải có giấy chứng nhận của cảnh sát và bác sĩ trước khi được phép đưa quan tài đến. Mình nói với bạn ấy: - Vậy thì con cứ làm những gì cần làm. Khi nào xong thì gọi cho cha, cha sẽ đến ngay.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một bạn tên An gọi điện thoại tới gặp mình nói: - Thưa cha tụi con đã hoàn tất xong các giấy tờ để đưa quan tài tới nhà thờ. Không biết bây giờ cha có thể đến nhà trọ để làm nghi thức liệm xác được không?

- Được. - Mình trả lời. - Vậy thì bây giờ cha sẽ kêu taxi đi tới chỗ con. Nhưng cha không biết đường tới. Nên con phải chỉ cho taxi cách đi.

Thế là mình lật đật tắm rửa, thay áo quần, lấy cuốn sách các nghi thức và áo alba bỏ vào cặp sách ra ngoài đón taxi đi đến nhà trọ của người mới qua đời. Sau hơn một giờ đồng hồ trên xe taxi, đi nhầm đường vài vòng, và nhiều cuộc điện thoại giữa ông taxi và các bạn Việt Nam, thì mình cũng đã đến được nhà trọ của các bạn.

Đường đi vào nhà trọ là một con hẻm nhỏ. Khi đang đi tới phòng trọ, một bà người Thái đang ngồi trước nhà nói một cách chia sẻ: - Đưa anh ta về bình yên với vợ con anh nhé.

Khi đến nơi, mình thấy có khoảng trên 20 bạn trẻ đang tụ họp. Giữa sân là một chiếc hòm màu trắng.Một người thân nói với mình: - Hòm nảy gỗ mỏng quá. Sợ đi dọc đường ván văng ra mất. Các bạn trẻ bàn cải qua lại với người bán hòm, nhưng cuối cùng không thỏa thuận được nên quyết định giữ cái hòm. Những người Thái hàng xóm tỏ ra bức xúc với người bán quan tài vì làm ăn không lương thiện.

Một người thân trong gia đình đưa cho mình nhũng giấy tờ của cảnh sát và bác sĩ để xem. Anh nói: - Thưa cha, nhờ cha giúp chúng con dịch những văn bản này qua tiếng Anh. Đại Sứ Quán Việt Nam nói phải dịch qua tiếng Anh từ tiếng Thái mới làm thủ tục đưa xác về Việt Nam được.

Mình nhìn những văn bản tiếng Thái. Chỉ là những bản photo. Những bản gốc thì phía sở cảnh sát và bệnh viện giữ lại. Bản photo mờ, đọc rất khó. Nét chữ viết bằng tay của bác sĩ và cảnh sát mình cũng chịu. Mình nhờ người hàng xóm giúp đọc cho mình nghe rồi vừa nghe vừa dịch qua tiếng Anh. Mình xin giấy trắng A4. Các bạn trẻ Việt không có giấy. Một ông già người Thái hỏi: - Cậu cần mấy tờ? - Mình trả lời: - Thưa ông chỉ hai ba tờ thôi.

Ông già lật đật đi tới nhà nào đó, vài phút sau trở lại với một xấp giấy trắng A4. Ông nói giấy của nhà con gái ông. Họ có dịch vụ photocopy nên có giấy A4. Mình tìm chỗ để ngồi viết nhưng không có bàn. Mình nhìn thấy nhà hàng xóm có cái tủ bán kem cây. Mình xin cho dùng để làm bàn. Bà già chủ quán nói cứ tự nhiên. Mình ngồi xuống viết trong khi một cô người Thái cố gắng đọc những nét chữ ngoành nghoèo cho mình nghe. Có chữ viết nhỏ quá ba bốn người Thái xúm lại mà vẫn đọc không ra. Mình gợi ý: - Biết sơ sơ nội dung để tôi chuyển dịch là được rồi. Không cần chính xác 100% đâu.

Cuối cùng thì mình cũng hoàn tất cái văn bản để mang đi Đại Sứ Quán Việt Nam làm thủ tục đưa xác về quê để chôn cất. Xong việc chuyển ngữ văn bản, mình tiến hành việc làm nghi thức liệm xác. Phòng trọ của người qua đời năm trên tầng hai nên mọi người phải lên bên trên để tham dự nghi thức. Sau đó đưa xác xuống bên dưới để bỏ vào quan tài. Rồi đưa ra xe để di chuyển qua nhà thờ.

Sau khi làm xong những gì có thể, mình ra ngoài quán ăn phở với các bạn trẻ Việt Nam trước khi lên taxi về nhà lúc gần 4h chiều. Giờ này nếu không có gì trở ngại thì có lẽ linh cữu của anh Antôn cũng đang được di chuyển về quê hương của anh để được chôn cất. Anh ra đi một cách đột ngột. Xung quanh anh không có anh em ruột thịt, chỉ một ít bà con và người đồng hương. Tại quê nhà, gia đình của anh đang kiệt quỵ trước hung tin về cái chết quá đột ngột của anh. Anh để lại một người vợ và ba đứa con thờ. Đứa đầu 4 tuổi. Đứa thứ hai 2 tuổi, và đứa út chỉ mới 6 tháng. Ba đứa con này giờ phải mồ côi cha. Và tuổi của chúng cũng quá nhỏ để sau này có bất cứ ký ức gì về người cha của mình, đặc biệt khi người cha ấy phải xa vợ xa con lăn lộn ở xứ người để làm ăn lo cho gia đình.

Bangkok, ngày 3.3.2014


Giải tội



Từ ngày mình đến học ở trường đại học Công giáo Assumption mình cũng cộng tác vào công việc mục vụ của trường, chủ yếu là cử hành Thánh lễ ngày thường và cuối tuần tại hai địa điểm của trường. Vì ở đây có nhiều linh mục đang theo học nên trách nhiệm này cũng không mất nhiều thì giờ. Tuy nhiên sau một thời gian quan sát thì mình nhận ra một "chỗ trống" nho nhỏ mà mình có thể giúp được, đó là việc giải tội mỗi ngày Chúa Nhật trước Thánh lễ tiếng Anh.

Tại nhà nguyện trường Assumption có một thánh lễ tiếng Anh vào mỗi sáng Chúa Nhật lúc 10h dành cho cộng đồng quốc tế. Nhà nguyện tuy không lớn lắm, nhưng người đến tham dự cũng tầm 200 người. Ghế ngồi trong nhà nguyện không đủ, nhiều người phải đứng suốt giờ lễ. Một số lớn là người Phi Luật Tân. Nhưng cũng có những người Châu Phi, sinh viên Việt Nam, Ấn Độ, Đông Timor... Vì linh mục nước ngoài cũng không ít nên trường phân bổ trách nhiệm cho các ngài dâng lễ luân phiên.

Sau một thời gian quan sát mình phát hiện ra là trước Thánh lễ tiếng Anh dường như không bao giờ thấy có linh mục giải tội. Thường thì các cha chỉ đến nhà nguyện sát giờ thánh lễ bắt đầu nên nếu có giáo dân nào cần tham dự bí tích hòa giải cũng không kịp.

Bên trái của cửa chính đi vào nhà nguyện là phòng giải tội. Nhưng nếu nhìn thoáng thì sẽ không biết đó là phòng gì vì không có đèn như thường thấy ở các tòa giải tội trong nhà thờ. Cách đây hai tuần, mình đến gặp cô Téo là nhân viên phụ trách công việc mục vụ của trường đại học. Mình nói với cô rằng: - Chị Téo à, tôi thấy có một việc muốn hỏi chị.

Chị Téo trả lời: - Việc gì vậy cha?

- Tôi thắc mắc tại sao trước giờ lễ không thấy có ai ngồi tòa giải tội trong khi người đi lễ rất đông. Chắc hẳn phải có người cần đi xưng tội.

- Thưa cha thật ra các cha được phân bổ chủ tế phải đến sớm để giải tội. Nhưng có lẽ các ngày không đến.

- Theo tôi thì nên có linh mục giải tội trước Thánh lễ vì đây là một mục vụ rất quan trọng cho đời sống tâm linh của người giáo dân.

- Thưa cha tôi cũng nghĩ vậy.

- Thế thì tôi sẽ giúp trong việc mục vụ này. Ngoại trừ tôi phải vắng mặt. Nếu không mỗi tuần tôi sẽ đến giải tội trước giờ lễ tiếng Anh.

- Nếu cha làm được như vậy thì tốt quá.

- Tôi nghĩ đây là điều cần làm. Mà tôi nhờ chị một việc. Chị có thể giúp tôi làm một cái bảng bằng tiếng Anh và tiếng Thái cho mọi người biết đây là phòng giải tội không?

- Được chứ! Để tuần này tôi làm cho cha nhé. Tuần sau cha sẽ có rồi.

Thế là hai tuần qua mình ngồi giải tội trong phòng này với cái bảng ghi rỏ "Phòng giải tội" trên cửa bằng hai thứ tiếng Anh-Thái. Bảng còn cho biết là phòng có linh mục đang ngồi tòa hay không. Giờ ngồi tòa không lâu, chỉ tầm 30 phút. Nhưng hai tuần ngồi tòa vẫn có người vào xưng tội, những cái tội làm nặng trĩu lòng người, làm mất ơn thánh, làm mất đi sự an bình trong cuộc sống. Và thay mặt Chúa, mình ban cho họ ơn tha thứ để họ được tham dự Thánh lễ trọn vẹn bằng cách rước Mình Thánh Chúa vào lòng.

Trước đây cái khung thời giờ 9:30 đến 10:00 giờ sáng sau Thánh lễ tiếng Thái là lúc mình thường ngồi uống cà phê sáng với Thầy Martin, cựu hiệu trưởng của trường đại học và một số giáo dân đến tham dự Thánh lễ trong văn phòng của thầy. Đây là một khoảng thời gian rất vui vẻ được trò chuyện và gặp gỡ với họ. Nhưng giờ đây, mình đã nhận ra một điều quan trọng hơn để có thể đóng góp cho công việc mục vụ của trường.

Bangkok, ngày 1.3.2014