Lê Thị Ngọc Huy: Cô gái bán nước lá dứa


Trong các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những quốc gia có nền ẩm thực độc đáo nhất với nhiều món ăn đã được biết đến trên khắp thế giới. Vì thế việc có nhiều người Việt khi đến Thái Lan sinh sống và làm việc đã học làm những món ăn Thái để dùng hằng ngày hoặc đãi khách trong các buổi liên hoan không phải là điều gây bất ngờ. Có không ít người Việt đã trau dồi đủ khả năng chế biến thức ăn Thái để có thể về Việt Nam tự mở các nhà hàng Thái hoặc thậm chí mở quán ngay tại Thái Lan.

Chị Lê Thị Ngọc Huy là một trong những người Việt tại Thái Lan đã dám thử thách chính mình bằng một quán café chuyên bán những thức uống truyền thống của Thái Lan. Mặc dầu thời gian sinh sống tại Thái Lan mới được 5 năm, nhưng với kiến thức học tập trong lĩnh vực kinh tế cũng như sở thích kinh doanh sẵn có, chị đã không ngần ngại thử nghiệm bằng cách mở quán café kết hợp với quán ăn nhẹ trong khu vực Onnut, đường Sukhumvit. “Do đã từng trải nghiệm làm thuê trước đây khi mới sang Thái Lan, là người luôn tìm tòi, tìm hiểu lối sống văn hóa của người bản địa cũng như du khách đến Thái Lan, nên tôi đã nắm bắt được hình thức và lối kinh doanh tại đây,” Ngọc Huy chia sẻ.

Thức uống thương hiệu và cũng là tên mà Ngọc Huy đã đặt cho quán của mình là nước “bai toey horm/Bày tời hỏm,” (ใบเตยหอม). “Bày tời hỏm” là một loại lá dứa được người Thái ưa chuộng sử dụng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là nước uống và thức ăn tráng miệng. Nước giải khát làm từ lá dứa có mùi thơm thoang thoảng dịu dàng. Khi trời nóng uống nước lá dứa giúp mang lại sự sảng khoái và thanh mát.

Khả năng pha chế nước giải khát làm từ lá dứa đến với Ngọc Huy sau một thời gian làm việc cho một đôi vợ chồng chủ quán ăn Thái Lan. Hai ông bà đã quý mến cô nhân viên trẻ trung của mình và đã dạy cho Ngọc Huy bí quyết pha chế đặc biệt mà theo chị là “chưa có ai làm được.” Đôi vợ chồng chủ quán ngoài việc truyền lại cho Ngọc Huy kiến thức pha chế nước còn chỉ dạy chị cách kinh doanh cũng như cách sáng tạo trong công việc.

Sau một thời gian dài làm việc với chủ quán người Thái, cuối cùng Ngọc Huy đã dành dụm được một số vốn nhỏ nên đã đi đến quyết định mở quán cho riêng mình. Ngọc Huy chia sẻ, “Sau sáu tháng mở quán mọi hoạt động đang tạm ổn định. Vì có những yếu tố hợp lý nên hiện nay bán nước rất chạy. Có khi nước bày tời không đủ bán. Ngoài ra khách hàng ưa chuộng và khen ngợi những gì trên thực đơn.” Tuy nhiên, Ngọc Huy cho hay việc mở quán không hề đơn giản vì có nhiều vấn đề phải giải quyết đòi hỏi sự kiên định và tự tin mới vượt qua được.

Sau khi quán café bước vào giai đoạn ổn định, Ngọc Huy đã tiếp tục mở thêm một quán ăn nhẹ bên cạnh để phát triển nghề nghiệp kinh doanh tại Thái Lan. Để có hai quán nói trên, Ngọc Huy đã phải nhờ vào chủ đầu tư là người Thái để có giấy phép kinh doanh vì người Việt Nam vẫn chưa thể kinh doanh tự do tại Thái Lan. Tuy nhiên, Ngọc Huy là người trực tiếp quản lý quán mà các nhân viên bao gồm cả người Thái lẫn người Việt.

Vấn đề pháp lý là chuyện không dễ dàng giải quyết với những người Việt có ý định kinh doanh tại Thái Lan. Theo Ngọc Huy, người Việt Nam truyền thống chịu khó, cần cù chăm chỉ luôn học hỏi và sáng tạo, nên nếu pháp luật địa phương cho phép làm ăn, kinh doanh thì người Việt sẽ có nhiều cơ hội để gặt hái thành công. “Tôi thấy Thái Lan không chỉ là nơi đầu tư phát triển kinh doanh mà còn là nơi để cho người Việt có thể học tập về văn hóa, cách cư xử, cũng như phát triển trí tuệ.”

Thoạt nhìn bên ngoài, ít ai nghĩ rằng cô gái quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh với thân hình mảnh mai lại có chí hướng mạnh mẻ như cái tên gọi của mình. Ngọc Huy khẳng định rằng chị không muốn dừng lại ở việc chỉ mở quán café bán nước lá dứa (bai toey horm), nhưng sẽ lập một công ty chuyên sản xuất nước lá dứa trong thời gian tới. Hiện Ngọc Huy đang trao đổi với một số nhà đầu tư vào sản phẩm nước uống của chị. Ngọc Huy nói, “Chủ chốt của tôi là kinh doanh nước “bai toey horm”; đây là nghề tôi yêu quý. Vì thế tôi ao ước được nâng cao kinh doanh thức uống này bằng cách thành lập công ty.”

Câu chuyện của Ngọc Huy cho thấy mặc dầu mỗi người có thể chỉ đến Thái Lan với ý định ban đầu là tìm cho mình một công việc để mưu sinh, nhưng vì cơ duyên, sự may mắn và sự nỗ lực bản thân mà nhiều người cũng có thể lập nghiệp một cách bền vững trên xứ người. Đối với Ngọc Huy, sự nghiệp và cuộc sống hiện nay dường như đặt trọn vào tình cảm với một loại lá rất gắn liền với đời sống, văn hóa và con người Thái Lan.

Bangkok, ngày 5.5.2019