Sự 'chiến thắng' của người Công giáo Việt Nam


Hôm nay ngồi theo dõi tin tức về những diễn tiến tại Hà Nội liên quan đến vụ đòi đất của người Công giáo bổng nhiên mình cảm thấy "hãnh diện" vô cùng vì là người Công giáo Việt Nam. Những ngày qua mình cảm thấy buồn vì người Công giáo Việt Nam bị đối xử bất công. Ngay cả khi nói chuyện với bạn bè thân thiết không thuộc Công giáo mình cũng cảm thấy như họ không cảm thông được cho tâm tư của mình.


Nhưng bổng nhiên hôm nay mình ngộ ra mình không còn buồn nữa. Ngược lại thấy vui hơn và bình an hơn. Mình không cảm thấy người Công giáo như là người bị thua cuộc vì không đòi lại đất được. Ngược lại là người thắng cuộc. Trong biến cố này người Công giáo Việt Nam - kể cả những người ở Hà Nội và những người chỉ có thể hiệp thông trong tâm tình trong lẫn ngoài nước - đã hiểu biết về nhau nhiều hơn.


Từ khi sinh ra đến nay mình chưa bao giờ thấy người Công giáo mạnh dạn, can đảm, đoàn kết, và yêu thương nhau như những gì đã được thể hiện trong thời gian vừa qua. Chưa bao giờ mình thấy các giám mục Việt Nam được ủng hộ bởi những người tín hữu của mình nhiều như bây giờ. Chưa bao giờ mình thấy người Công giáo Việt Nam hiệp nhất cầu nguyện nhiều như thế.


Trong biến cố này người Công giáo đã thể hiện tất cả những đức tín của những người đi theo Chúa, đó là phải hiền hòa, khiêm nhường, sẵn sàng chịu bị xỉ nhục, bôi nhọ và đàn áp, và phải đặt hết niềm tin cậy vào sự quan phòng của Ngài.


Mình cũng nghĩ vấn đề quan trọng không phải là lấy lại được miếng đất hay không. Dù sao đi nữa thì mảnh đất ấy cũng chỉ là của cải thế gian. Chúa Giêsu cũng đã dạy chúng ta hãy cẩn thận và nhiều khi phải từ bỏ những của cải ấy. Chính vì thế nên việc lấy lại đất không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất chính là những giá trị Kitô giáo mà người Công giáo Việt Nam đã khơi dậy trong con người của mình và đã thể hiện nó cho toàn thế giới chứng kiến. Người Công giáo Việt Nam đã làm chứng cho những giá trị Kitô giáo một cách dũng cảm và đáng ca ngợi.


Nhưng thiết nghĩ mặc dầu người Công giáo đã không lấy lại đất thì họ cũng không bị mất đất. Dù sao đi nữa thì bên cạnh Tòa tổng giám mục và nhà thờ Thái Hà sẽ có hai công viên cây xanh tươi đẹp để cho giáo dân và bà con trong vùng thưởng thức thay vì hai lô đất này sẽ rơi vào bụng của những kẻ tham lam nào đó. Ngăn cản được điều xấu cũng không kém gì làm được điều tốt. Nếu không có những buổi cầu nguyện, những người Công giáo từ trên xuống dưới phản đối những điều bất công thì thành phố Hà Nội cũng chẳng sẽ có thêm hai công viên cây xanh được xây dựng một cách "siêu tốc" như thế. Không biết trong tương lai cả nước Việt Nam sẽ còn có thêm bao nhiêu công viên cây xanh được xây dựng nhanh chóng nữa.


Ngồi suy nghĩ lại thì mình mới nghiệm được lời nói của Chúa Giêsu rằng "suy nghĩ của Thiên Chúa không giống suy nghĩ con người". Có lẽ theo suy nghĩ của chúng ta, nếu lấy lại được 2 miếng đất thì mới là công lý. Có lẽ đó cũng là công lý thật. Nhưng đối với Thiên Chúa thì còn nhiều điều có giá trị hơn nữa cần phải đạt được. Của cải vật chất chỉ là phương tiện, là lý do khiến cho chúng ta phải thực hiện sứ mệnh xây dựng nước Chúa mà ngài đã trao ban cho chúng ta. Những gì chúng ta cần phải đạt được trên hết là niềm tin và phó thác vào Chúa, biết trông cậy vào Ngài; biết yêu thương và nâng đỡ nhau; biết chịu đựng khi gặp gian truân đau khổ; biết khiêm nhường khi đang bị xỉ vã; biết nói lên lời chân lý khi chứng kiên điều bất công. Nếu chúng ta đạt được điều đó có nghĩa là chúng ta đã chiến thắng. Đó là điều đáng vui mừng và phấn khởi.


Mình nghĩ rằng người Công giáo Việt Nam đã ra đi trong nước mắt, nhưng đang trở về trong niềm vui vì thấy rằng chuyến đi của mình đã thu được rất nhiều hoa lợi. Mình cảm tạ Chúa vì Ngài đã mang lại cho người Công giáo một thử thách như vàng thử lửa. Và người Công giáo Việt Nam đã chứng mình rằng họ rất trung thành với những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.


Nong Bua Lamphu, ngày 29.9.2008

Đi U về


Hôm nay mình lại đi tỉnh Udon Thani để làm lễ tiếng Việt cho các bạn trẻ lao động Việt Nam ở nhà thờ nhỏ của cha John Tabor. Từ khi có lễ tiếng Việt hàng tháng tại nhà thờ Ban Jick, mình đều là chủ tế. Nhưng hôm nay mình nhường lại cho Cha John. Còn mình chỉ phụ trách phần tập hát và đồng tế.

Thánh lễ diễn ra trong không khí ấm cúng. Các cô chú Việt Kiều cũng đến tham dự và không quên nấu cháo và đồ ngọt để đãi cộng đoàn sau lễ. Các cô cũng rất nhiệt tình đối với mình. Có người thì tặng cho mình một bao nem nướng. Có người gởi cho mình bao dã cầy, cá kho, chai tương. Người khác lại gởi cho mình vài cái bánh chưng. Một cô còn tặng cho mình một bó rau khoai lang nữa.

Một bác Việt Kiều đến đưa cho mình phong bì xin lễ. Mình nói là hôm nay mình không chủ tế. Cha John sẽ chủ tế. Bác nói: - Vậy thì cha làm ý lễ riêng cũng được và trao cho mình phong bì đó. Sau lễ, cô Thảo như thường lệ gởi cho mình một số thức ăn, nhắc nhở mình phải để bánh chưng bên ngoài, đừng đưa vào tủ lạnh kẻo bị cứng. Rồi sau đó cô nhét vào tay mình một số tiền biếu. Từ khi mình đến làm lễ ở Udon Thani, dường như không có thánh lễ nào mà cô không đến xin lễ hoặc biếu thức ăn và tiền.

Tình cảm của những người Việt tại Udon Thani đối với mình thật đáng quý. Mình không ngờ được các cô chú quan tâm đến mình như thế. Chính vì tình cảm này mà mỗi lần mình đi làm lễ ở Udon Thani về mình luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Có một bác nói: - Con muốn xin lễ với cha để cha có tiền xăng về Nong Bua Lamphu.

Việc gặp gỡ với các bạn trẻ lao động Việt Nam cũng vui vẻ lắm. Tuy nhiên vì hoàn cảnh của các bạn khó khăn nên luôn cần đến sự giúp đỡ. Sau thánh lễ có một số người đến xin mình cho họ làm việc trong giáo xứ. Có người xin giúp đỡ cho giáo xứ quê nhà. Có người xin giúp tiền vì đang gặp khó khăn.

Trước những lời xin như vậy mình chỉ biết nói một điều là mình không có khả năng giúp đỡ. Mình bảo các bạn: - Ở Việt Nam làm cha xứ oai phong lắm, có bà bếp, có người ở giáo xứ đến túc trực cả ngày. Còn làm cha xứ ở Thái Lan không oai tí nào. Sáng dậy phải tự đi chợ nấu ăn chứ không ai lo cho mình cả. Giáo xứ nhỏ nên công việc cũng không có mà làm.

Mình nói vậy có lẽ các bạn không hiểu. Tron kinh nghiệm của các bạn, làm cha xứ có nhiều quyền hành, có nhiều việc cần giúp đỡ, và có nhiều tiền. Nhưng có lẽ bây giờ họ mới gặp cha xứ "bèo" như mình, một bà bếp cũng không có nữa.

Đó là vị trí của mình - một bên thì luôn lãnh nhận sự giúp đỡ từ những người tốt bụng. Nhưng ngược lại cũng có rất nhiều người nghĩ rằng mình có nhiều quyền hành cũng như tiền bạc. Mình có thể khẳng định rằng làm cha xứ ở giáo xứ này thì cả hai đều không có bao nhiêu.

Nong Bua Lamaphu, ngày 28.9.2008

Thử thách cho người Công giáo Việt Nam















Mấy hôm nay mình theo dõi tin tức qua mạng về những gì đang diễn ra tại Hà Nội mà trong lòng thấy buồn lắm. Mình đi vào trang tin tức, diễn đàn, blog cá nhân để xem họ bình luận về sự việc như thế nào.

Ý kiến bênh vực lập trường của người Công giáo không ít. Nhưng thực sự mình cảm thấy buồn và bất ngờ khi thấy quá nhiều ý kiến chống đối, lăng mạ, và sĩ nhục người Công giáo cũng như các vị lãnh đạo Giáo hội. Có rất nhiều lời thô tục người ta văng ra để hạ thấp và vu oan cho người Công giáo.

Mình cũng buồn không ít khi thấy có nhiều người Công giáo, có lẽ do phẩn nộ quá nên cũng dùng những lời lẻ không lịch sự để đối phó với những người khác. Mình buồn vì lẽ phải không được trân trọng. Mình buồn vì công lý bị chà đạp một cách tàn nhẫn. Và mình buồn vì người dân Việt Nam lại cắn xé nhau một cách khủng khiếp như thế.

Thỉnh thoảng mình cũng đăng những phản ảnh ở trong các diễn đàn. Mình cố gắng dùng những từ ngữ lịch sự dựa trên tinh thần của Phúc Âm. Mình muốn nhắc cho mọi người, đặc biệt là người Công giáo nhớ rằng, khi mình đau khổ nhất, khi mình gặp khó khăn nhiều nhất là lúc mình phải cảm thấy được an ủi nhất. Vì chính trong lúc này mình được gần gũi Chúa hơn bao giờ hết. Chính trong lúc gian truân là lúc Chúa không chỉ đồng hành với chúng ta mà còn ôm chúng ta vào lòng của Ngài, như trong câu chuyện "vết chân trên cát".

Mình không muốn nói những lời chống đối và thêm dầu vào lửa. Mình chì mong cho ai đó đọc lời của mình thấy rằng việc bị đàn áp và sĩ nhục là một điều rất gắn liền với sứ mệnh của người Kitô giáo. Đi theo Chúa và làm việc của Ngài luôn là điều đi ngược với những giá trị của thế gian. Vì thế trong lúc này, hơn bao giờ hết người Công giáo đang sống thực sự với cái sứ mệnh mà Ngài đã trao phó.

Mình cầu xin cho người Công giáo luôn thực hiện sứ mệnh của mình với lòng tin cậy, kiên trung, yêu mến, và hy vọng.

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người dạy họ rằng:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu sáng trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Matthew 5)



Nong Bua Lamphu, ngày 22.9.2008

Nhóm Tin Lành muốn hợp tác tìm tín đồ


Hôm qua có một nhóm người Tinh Lành đến thăm nhà trẻ mồ côi và sau đó đến thăm mình. Sau khi họ đi, seour bề trên nói với mình là họ muốn đến thường xuyên để cầu nguyện với các em, nhưng seour không chấp nhận vì ở đây các em đã có các seour và cha xứ phụ trách việc tâm linh cho các em. Nếu thỉnh thoảng họ đến thăm các em thì được, chứ việc tổ chức cầu nguyện cho các em thì seour không đồng ý.

Người dẫn đoàn là một người đàn ông Úc têm Michael. Trong đoàn có khoảng 8 người, đa số là phụ nữ. Một người nói tiếng Anh để thông dịch cho ông ta. Mình cũng giới thiệu cho đoàn về sinh hoạt của giáo xứ và của TT HIV của Dòng.

Ông Michael nói muốn hợp tác với mình để truyền giáo, giúp cho người Thái theo đạo Kitô giáo. Mình hỏi ông nhóm hoạt động truyền giáo như thế nào thì được cho biết họ đi vào trong các làng và tổ chức những nhóm cầu nguyện nhỏ ở nhà của ai đó. Sau đó thì sẽ có những thành viên đứng lên làm chứng nhân. Nếu ai muốn trở thành Kitô giáo thì sẽ được nhận vào đạo. Trong lúc trình bày sinh hoạt của họ, ông Michael yêu cầu hai người phụ nữ “làm chứng” cho mình nghe tại chỗ.

Ông Michael mời mình cùng hợp tác trong công việc này vì ông muốn cho tất cả những người Phật giáo tại Thái Lan theo đạo Công giáo. Ông Michael bảo ông không quan trọng họ vào đạo nào, miễn sao họ tin vào Kitô giáo. Ý ông muốn nói rằng nếu mình lôi cuốn được người nào về nhà thờ mình thì tốt. Còn ai muốn đi theo Tin Lành cũng tốt.

Mình chia sẻ rằng mình rất khâm phục tinh thần sốt sắng của họ, đặc biệt là người Tinh Lành luôn sẵn sàng rao giảng Tin Mừng bất cứ cho ai và bất cứ nơi nào, lúc nào. Đó là một điều người Công giáo phải học hỏi từ người Tin Lành. Tuy nhiên ở đây giáo xứ có đường lối truyền giáo riêng mà phù hợp với lối làm việc của người Công giáo. Dù sao trong việc hợp tác xuyên tôn thì mình rất sẵn sàng nếu có những chương trình nào đó để cho cả hai bên cùng đóng góp.

Mình hỏi nhiều lần nhưng có vẻ như nhóm này chưa có chương trình nào ngoài chương trình tìm tín đồ. Họ mời mình đến tham dự một buổi cầu nguyện của họ. Mình nói mình sẵn sàng đến quan sát nếu thời gian cho phép. Tuy nhiên, vào hai ngày thứ Bảy và Chúa Nhật thì dường như mình không có thời giờ. Vì dù sao đi nữa thì mình cũng là một cha xứ phải đảm trách công việc của giáo xứ.

Sau đó thì mình tiễn họ ra về. Trưa hôm nay mình lại nhận một cú điện thoại từ nhóm này. Họ nói là có một người Công giáo lâu năm không đi lễ đến với nhóm họ và họ muốn giới thiệu với mình để mình giúp đỡ hướng dẫn ông ta trở lại đạo. Họ muốn ghé qua thăm mình. Mình mời họ đến để tiếp chuyện.

Người họ dẫn tới là một người đàn ông cao tuổi và một người phụ nữ tự xưng là vợ ông ta. Hai người còn lại là ông Michael và cô thông dịch viên cũng là một tín đồ.

Trong quá trình trao đổi và tìm hiểu thì có nhiều vấn đề làm cho mình cảm thấy có gì không ổn. Thoạt đầu họ giới thiệu ông ta là một người đến với buổi cầu nguyện, có vẻ như từ một nơi nào xa lạ. Nhưng sau khi mình hỏi thì được biệt người vợ của ông cụ là chị gái của một thành viên của nhóm Tin Lành. Thế thì ông đâu phải người xa lạ với nhóm.

Khi nói về niềm tin Công giáo, ông ta bảo Đạo Công giáo cũng tin vào ba Đấng. Thoạt đầu mình nghĩ ông ta nói về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Nhưng hóa ra ông nói về Thiên Chúa, Đức Mẹ, và… Khi mình chỉnh sửa thì người xưng là vợ ông đặt tay lên gối ông ta như muốn cảnh giác với ông rằng “Hãy nói cẩn thận”. Trong quá trình nói chuyện, đã có nhiều lần bà ta phải đặt tay lên gối vì sợ ông nói quá lố.

Tuy nhiên khi mình hỏi ông ta đã rửa tội chưa thì ông bảo là đã rửa tội rồi. Mình hỏi ông nhận bí tích thêm sức ở đâu thì trả lời là ở Bangkok. Và ông chỉ tới Udon Thani cách đây 10 năm. Tuy nhiên ở Udon Thani mà khi nói đến nhà thờ chánh tòa thì ông cũng rất mơ hồ. Người trong nhóm nói ông không biết gì vì lâu nay ông không đi lễ, ngay cả tín điều ông cũng không biết.

Cuối cùng thì mình cũng khuyên ông rằng nếu ông ở Udon Thani thì ở đó có hai nhà thờ. Ông có thể đến đó để đi lễ. Và nếu ông cần mình giới thiệu cho cha xứ ở đó thì mình sẵn sàng. Mình không đặt vấn đề gì với những dấu hiệu bất ổn mà mình nhận thấy trong hoàn cảnh và câu chuyện.


Mình vẫn không hiểu mục đích của nhóm Tin Lành này là gì khi tìm đến nhà thờ mình và muốn hợp tác với mình. Mặc dầu mình luôn có thái độ cởi mở để đối thoại và có mối quan hệ tốt với những tôn giáo khác, mình cũng phải thận trọng để bảo vệ lối đi và mục đích của mình để không bị lợi dụng hoặc bị mang tiếng vì dín líu vào những tổ chức mơ hồ mà mình không quen biết.

Nong Bua Lamphu, ngày 21.9.2008

Đón khách ngày mưa


(Con kênh sau nhà xứ bây giờ nước đã lên đến bờ)



Hôm nay nhà mồ côi cũng như trung tâm ĐMHCG có hai người thanh niên đến thăm. Họ đến từ Hong Kong, một người tên Sunny, một người tên Alfred. Đây là lần thứ hai Sunny đến thăm nhà mồ côi. Sunny va Alfred là những người làm việc từ thiện. Ở Hong Kong họ có một quỷ từ thiện để giúp người nghèo trong cũng như ngoài nước. Số tiền họ nhận được đề được dùng để giúp người nghèo. Mỗi lần đi ra nước ngoài họ không dùng tiền của quỷ mà chỉ dùng tiền riêng cho việc đi lại, ăn ở.

Sunny khoảng hơn 30 tuổi. Còn Alfred thì 27 tuổi. Công việc thường nhật là kinh doanh. Nhưng ngoài đó thì cả hai nỗ lực xây dựng quỷ từ thiện. Hôm nay họ đến gặp mình và tìm hiểu thông tin về trung tâm ĐMHCG để sau này tìm cách giúp đỡ. Mình cũng trình bày về những hoạt động của trung tâm cũng như chương trình sắp đến.

Tối nay mình đi ra ngoài ăn tối với họ. Ngày hôm nay trời chỉ mưa nhỏ nên đường xá có phần ráo hơn. Tuy nhiên trong các con mương thì nước vẫn đang chảy xiết. Con đường lớn trước nhà thờ vẫn đang bị ngập nước. Cũng may là đoạn trước nhà thờ không bị ngập, mà là khúc trước ủy ban tỉnh. Đây là con đường mới nhất và sang trọng nhất tỉnh, thế nhưng mưa đến thì lại thoát nước không kịp. Chắc chắn trong quá trình xây dựng con đường thì cũng đã có những ai đó hưởng lợi không ít từ công trình xây dựng to lớn này.

Tối hôm qua, lúc hơn 11 giờ, mình đi bộ ra xem tình hình. Thấy có nhiều xe của thành phố đầu trên đường. Có một chiếc xe cũ bị tắt máy ngay trước nơi bắt đầu bị ngập nước. Trên xe có khoảng 5 người cao tuổi và 4 người thanh niên. Họ đến từ xa. Mình đến hỏi chuyện xem họ đi đâu. Bà cụ nói nghe nói bà chị bị bệnh ở tỉnh X. nên kéo nhau đi thăm. Nhưng đến đây thì xe tắt máy và gặp lụt nên không qua được. Nhìn họ thì dễ nhận ra cảnh nghèo nàn. Mấy hôm nay trời mưa lớn, có lẽ họ lo lắng lắm về người thân mới kéo nhau đi thăm như thế. Giọng nói của họ cũng thật lạ. Mình phải căng tai nghe mới đoán được họ nói những gì.

Mình lo cho những người già nên hỏi dò xem có ai cần uống nước nóng, trà, cà phê gì không. Nhưng họ đều từ chối. Hay vì họ tưởng mình đang mời họ mua mà họ lại không có tiền? Thấy tình hình như họ phải ở lại ngoài đường suốt đêm, mình sợ họ lạnh định hỏi xem có cần chăn mền gì không? Mình nhớ trong hộp đồ cũ người ta đóng góp có chăn mền. Nhưng rồi nghĩ chăn mền đó chưa được mang đi giặt, nên lại không dám mang ra cho.

Tối nay còn đường trước nhà thờ vẫn chưa thông xe. Có lẽ tất cả những tuyến xe đò đi Chiang Mai đều đã bị hủy bỏ. Bữa ăn tối hằng tuần của mình với thầy Ron cũng bị hủy bỏ vì trước nhà thầy bị ngập nước. Thầy bảo tuần tới rồi trở lại như cũ - đó là trường hợp tuần tới không bị mưa lớn như mấy hôm nay.

Nong Bua Lamphu, ngày 17.9.2008

Chuyện ngày mưa 2


Sáng nay thức dậy nghe trời đang mưa. Kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài thấy cái khe sau nhà nước đã dâng cao gần bờ. Nước đục ngàu. Nhà xứ xây khá cao nên không sợ lụt nhưng ở nơi khác trong vùng nước đã vào nhà. Những đồng ruộng thì cũng đã ngập nước. Chiều hôm qua trời tạnh mưa, mình lấy xe máy chạy đi làm công việc lặt vặt, thấy hai bên đường người ta đứng thả lưới bắt cá thật vui. Nghe nói có người bắt được cá to nữa. Hỏi cá to ở đâu mà có. Người ta bảo cá trốn ra từ những ao nuôi cá. Nước ao cá ngập nên cá cũng theo dòng nước mà bơi đi.

Hôm qua Thoại gọi điện thoại cho mình từ ranh giới Lao-Thái. Nó bảo mới từ Việt Nam trở lại Thái để làm việc. Nó muốn ghé thăm mình. Mình bảo nó tìm chiếc xe đò "hai dãy ghế" đi từ Nong Khai đến Nong Bua Lamphu. Trước đây cũng đã có người đến thăm mình kiểu đó.

Không biết nó lên xe như thế nào mà gần hai giờ đồng hồ sau thì nó gọi điện thoại tiếp báo là nó đang ở Tabor, còn cách NBL xa lắm. Nó nói nó bắt xe đến đây để lên xe khác đi NBL, nhưng không có nữa. Mình bảo nó đi Udon Thani, rồi từ Udon Thani bắt xe đi NBL. Nó nói đi Udon cũng không có xe. Mình hỏi vậy giờ làm sao. Nó nói hết cách rồi, nó phải lên xe trở lại Nong Khai rồi đi thẳng đến Bangkok thôi chứ không ghé thăm mình được nữa. Nó hẹn dịp khác.

Tuần tới mình có người thân đến Bangkok thăm. Mình sẽ đi xuống đó gặp họ. Trước đây mình có liên lạc với cha Prasong nhờ ngài làm lễ thế cho mình vài ngày trong tuần. Cha Prasong đã đồng ý. Hôm qua ngài lại gọi đến nói là mới nhận được tin phải đi họp ở Khorat vào tuần tới, nên không thể đến làm lễ cho mình được nữa. Ngoài cha Prasong ra hầu như không có ai gần mà mình có thể nhờ được. Mình gọi điện thoại tham khảo ý kiến cha Th.:

- Thưa cha, cho con hỏi trước đây, ở giáo xứ con có khi nào cha xứ đi vắng 3-4 hôm mà không làm lễ cho các seour không? Tuần tới con phải đi xa mà giờ không có người làm lễ cho các seour 3 ngày.

- Tôi cũng không rõ. Nhưng theo tôi biết thì các seour rất khó chịu nếu không có lễ mỗi ngày. Khi các seour đến thì các seour cũng có giao kèo với Đức Giám Mục là phải có lễ hằng ngày. Vì thế nếu không có lễ các seour sẽ đi thưa với ĐGM.

- Thế hả cha. Nhưng ở đây giờ con không biết nhờ ai nữa. Người ở gần con nhờ, giờ lại bận việc. Người khác thì ở xa quá hoặc không rãnh.

- Thì ít nhất cha cũng phải gọi cho người này người kia để sau này nếu ĐGM có nói gì thì cũng thưa với ngài là cha đã cố gắng tìm người, thế nhưng không được.

Nói chuyện với cha Th. xong, mình gọi cho anh Trực. Anh Tr. lúc đó đang lái xe chở giáo dân đi mua sắm ở thị trấn. Vì nơi anh ở không có nơi mua bán. Mình trình bày vấn đề với anh Trực. Anh nói: - Thật ra thì mình đến giúp cũng được thôi, chỉ việc phải chạy xe tới 4 giờ đồng hồ nên hơi ngán.

- Thì em cũng không định kêu anh tới giúp. Em chỉ muốn hỏi ý kiến anh xem có nên để 3 ngày không lễ cho các seour không thôi. Cũng xui thiệt, em đã sắp xếp xong xuôi rồi mà giờ lại trục trặc.

Cuối cùng, anh Trực bảo thôi để anh đến làm lễ cho ba ngày - chiều thứ ba, chiều thứ 4, và sáng thứ 5. Như vậy anh vẫn có thễ làm lễ ở giáo xứ anh vào sáng thứ 3 và chiều thứ 5, chỉ mất mỗi ngày thứ 4. Mặc dầu phải cực nhọc lài xe xa xôi, nhưng mình đi Bangkok cũng sẽ yêm tâm và các seour cũng không có lý do để phàn nàn với ĐGM là cha xứ không có làm lễ cho các seour.

Nong Bua Lamphu, ngày 17.9.2008

Tế nhị trong vấn đề tiền bạc


Sáng nay Đức Giám Mục gọi điện thoại cho mình. Ngài nói có một ân nhân ở Bangkok chuyển vào tài khoản ngân hàng của ngài 100,000 baht để cho mình giúp các em HIV. Người này đã nghe mình giảng ở nhà thờ DCCT tuần trước, và họ đã ấn tượng với bài giảng của mình. Vì thế muốn cộng tác giúp cho việc mục vụ với các em. Mình nhận được tin có người muốn giúp thì mình vừa vui vừa lúng túng. Đây là một số tiền khá lớn từ một ân nhân, nhiều hơn tổng cộng số tiền mình nhận được trong cuối tuần trước. Mình hỏi ĐGM là ân nhân có ý giúp cho bất cứ trẻ em HIV nào hoặc là những trẻ em trong nhà mồ côi của các seour?

Đây là một chuyện rất tế nhị giữa mình và các seour vì trước mình đã từng có một vị linh mục dùng tên của các em để đi quyên góp. Các seour đã rất bất bình với điều này. Mặc dầu lần quyên góp này, mình không dùng tên của nhà mồ côi mà chỉ nói về sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, trong đó dĩ nhiên là có giáo dân là trẻ mồ côi. Mình cũng nói về công tác mục vụ của giáo xứ bao gồm những người có HIV và không có HIV. Ngoài ra mình còn chia sẻ chi tiết về sinh hoạt của Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của thầy Damien, vì đây cũng là lần quyên góp cho TT.

Tuy nhiên khi mình nhận được một số tiền lớn đặc biệt cho trẻ em HIV thì mình lúng túng vì không biết ý của ân nhân là như thế nào. Mình sợ rằng mình lại mang tiếng dùng các trẻ em mồ côi để đi quyên góp trong khi mình không hề có ý định đó.

Để tránh sự hiểu lầm mình đi gặp seour bề trên cộng đoàn của dòng Mẹ Têrêxa để trình bày vấn đề. Mình chia sẻ với các seour là mình đi Bangkok để đại diện cho thầy Damian quyên góp cho TTĐMHCG cũng như nhà thờ. Những gì mình chia sẻ chỉ là những gì trong khuôn khổ và trách nhiệm của mình là cha xứ, và những công tác của TTĐMHCG mà thôi. Tuy nhiên, hôm nay mình đã nhận được một số tiền lớn đặc biệt cho những trẻ em HIV. Mình không rõ ý nguyện của ân nhân vì mình không nhận được tiền trực tiếp từ ân nhân. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của mình thì trong nhà thờ cũng có mục vụ cho trẻ em HIV. Các seour cũng có công việc giúp cho các em mồ côi. Và TTĐMHCG cũng có chương trình cho các em. Vì thế, mình đề nghị là số tiền này được chia ra thành ba phần - một phần cho các seour, một phần cho nhà thờ, và một phần cho TTĐMHCG và chỉ được dùng trong sinh hoạt liên quan đến các em HIV.

Seour bề trên cộng đoàn không trả lời liền nhưng muốn bàn lại với các seour trong nhà và cho mình câu trả lời sau. Chiều nay mình vẫn chưa yên tâm nên đến tìm các seour thêm một lần nữa để trao đổi thêm về nội dung của bài chia sẻ ở Bangkok. Seour bảo, nên cha không có nói gì về nhà mồ côi thì sẽ không có vấn đề. Tuy nhiên mình cũng chia sẻ với các seour rằng, mặc dầu mình không phụ trách trẻ mồ côi HIV trực tiếp. Nhưng trên thực tế công việc mục vụ trong giáo xứ có liên quan đến các trẻ em HIV. Và sự hiện diện của các em là một vấn đề rất ảnh hưởng đến đời sống của giáo xứ và mục vụ đối với giáo dân. Vì thế việc mình không đề cập đến các em trong phạm vi liên quan đến đời sống của giáo xứ là không thể nào được. Tuy nhiên mình luôn ý thức được rằng mình không thể lạm dụng tên tuổi của các em để đi quyên góp cho những mục đích riêng như vị linh mục trước đây đã từng làm.

Nếu giáo xứ ở đây là một giáo xứ lớn thì sự hiện diện của những người HIV có lẻ sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của giáo xứ nhiều như hiện nay. Nhưng vì sự liên kết giữa nhà thờ và trung tâm ĐMHCG và nhà mồ côi quá gần gũi không chỉ về không gian mà còn tinh thần khiến cho nó trở nên một khía cạnh quan trọng của đời sống cộng đoàn cũng như công tác mục vụ của mình.

Đến làm việc với các seour mình phải nỗ lực rất nhiều để lấy úy tín cho chính mình cũng như đẩy ngược những thiệt hại đã từng xảy ra trước đây khi mình chưa bước chân đến giáo xứ. Quả thực đây là một thách đố mà mình phải khắc phục một cách khôn khéo và thận trọng. Chỉ với sự tôn trọng, minh bạch, và cởi mở với các seour thì mình mới hy vọng sẽ có một mối quan hệ tích cực trong công việc phục vụ Chúa trong những con người xâu số.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.9.2008

Chuyện ngày mưa


Mấy hôm nay do ảnh hưởng bảo ở đâu đó nên trời ở đây mưa liên tục. Trước nhà thầy Ron nước dâng cao, đi ra ngoài phải lội "sông". Tới sáng nay trời mới bắt đầu tạnh. Thấy trời mưa liên tục mình đoán chắc giáo dân sẽ đi lễ ít hơn thường lệ. Dĩ nhiên là mình đoán không sai. Gần đến giờ lễ rồi mà thấy nhiều người vẫn chưa đến.

So với tuần trước thì hôm nay lễ thật ít người. Mình không mấy bất ngờ khi thấy rằng gia đình họ hàng tuần trước đến dự lễ cầu hồn 1 năm cho ông Hữu tuần nay đã không trở lại. Họ chỉ làm trách nhiệm xin lễ cầu hồn và "làm phúc" bằng cách dâng nhiều của lễ theo phong tục và trách nhiệm của họ. Nhưng sau đó thì mọi sự trở lại như cũ, đó là việc không màng gì đến việc lễ lạt ngày Chúa Nhật.

Hôm nay có Đức ông Dennis, thư ký của ngài Khâm Sứ tại Bangkok đến dâng lễ cùng với mình. Ngài đến Nong Bua Lamphu từ ngày thứ sáu để thăm các seour. Sau lễ mình có ngồi tiếp chuyện với ngài và trình bày về tình hình của những lao động di dân Việt Nam. Ngài khuyên mình nên hợp tác với các cha và các seour người Việt làm một bài tường trình chi tiết và trình thẳng lên văn phòng của Đức Hồng Y. Như thế thì hy vọng sẽ có kết quả hơn trong việc tìm nơi làm lễ cho những người Việt đang mưu sinh tại Bangkok.

*******

Hôm qua trời mua to gió lớn nhưng mình cũng đã tổ chức được một cuộc họp mặt vui vẻ và thân thiện với những thầy cô người Phi Luật Tân và hai người mà mình mới quen biết là Paolo, người Bồ đà nha và bạn của anh là Saiyan.

Thứ sáu tuần trước Paolo đến nhà xứ để hỏi thăm vì đi ngang qua thấy có nhà thờ. Paolo và Saiyan là hai người bạn thân vì cả hai đều làm việc với nhau trên tàu du lịch viễn dương. Saiyan có gia đình ở NBL. Hiện nay cả hai đang có dự đinh sẽ làm ăn tại NBL.

Tối thứ 5 mình đi ăn tối với Paolo và Saiyan và luôn tiện mời họ đến nhà xứ vào tối thứ bảy vì mình có mời nhóm người Phi Luật Tân đến nhà. Saiyan và Paolo nhận lời. Saiyan còn xung phong giúp mình nấu ăn. Dĩ nhiên là mình chấp nhận vì mình đâu biết nấu ăn. Hóa ra Saiyan nấu ăn khá giỏi. Anh ta còn đem thêm gia vị và những đồ nghề khác để biến chế những món ăn nữa. Cuối cùng mình và Paolo chẳng phải làm gì, chỉ giúp rửa rau và dọn chén. Saiyan phụ trách tất cả.

Mặc dầu mưa dầm dề những các thầy cô người Phi Luật Tân cũng chạy xe máy đến lúc 6h30 tối theo giờ hẹn. Đây là nhóm người mà trước đây đã từng không dám bước đến nhà thờ vì họ sợ rằng sẽ bị lây HIV. Nhưng sau khi mình và cha Trực đi tìm làm quen với họ thì họ đã đến nhà thờ thì họ đã trở nên những giáo dân đi lễ thường xuyên. Mình mời họ đến nhà xứ ăn tối với mình để tạo nên sự thân thiện và giúp họ gần gũi hơn với môi trường và khủng cảnh của giáo xứ, hy vọng rằng sẽ giúp họ không còn thấy sợ hãi hoặc lo lắng khi đến gần những người bị nhiễm HIV.

Bữa ăn diễn ra rất vui vẻ. Những câu chuyện và tiếng cười liên tiếp nối nhau. Gần 10 giờ đêm, mưa vẫn tiếp tục rơi không dứt. Paolo và Saiyan đề nghị các thầy cô giáo để xe lại ở giáo xứ. Saiyan sẽ đưa họ về và ngày mai Paolo sẽ đến đó họ đi lễ. Mình ra sân tiễn khách ra về. Trong lòng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với những mối quan hệ mới, là những bước tiến nho nhỏ trong đời sống và công việc mục vụ của mình ở xứ sở Nong Bua Lamphu. Ở đây không có những gì to lớn, chỉ có những chuyện nho nhỏ như thế. Những chuyện giản dị và đơn sơ làm nên câu chuyện mục vụ của mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 14.9.2008

Cha xứ vắng nhà, giáo dân đi lễ đông


Thời gian trôi qua nhanh thật. Mới đây mà mình cũng đã ở giáo xứ này được năm tháng. Từ ngày mình đến đây giáo xứ có phần thay đổi. Giờ đây có người đi lễ nhiều hơn, có những sinh hoạt thường xuyên hơn, và có tổ chức hơn. Nhưng đây vẫn là một giáo xứ nhỏ. Nếu ngày Chúa Nhật nào có thật đông giáo dân thì cũng chỉ khoảng 50 người, đó là tính luôn đám trẻ mồ côi và các seour.

Tuần vừa rồi mình không có ở nhà nghe nói người đến tham dự lễ đông lắm, ghế trong nhà thờ không đủ. Người đến đông hơn thường lệ không phải không có lý do. Việc là trong giáo xứ có một gia đình tổ chức lễ giỗ 1 năm cho ông cụ tên Hữu, cho nên con cháu họ hàng đến nhà thờ xin lễ. Còn bình thường thì gia đình này không thấy ai đến dự lễ cả, ít nhất là từ ngày mình đến đây.

Trong lễ gia đình mang đồ cúng tới thật nhiều, nào là bánh trái, hoa quả và nhiều thứ khác. Ngoài ra còn nhiều phong bì nữa. Cha Maitri đến làm lễ cho mình đem về một số đồ cúng, chia cho các seour một ít, và để lại nhà xứ một phần.

Khi về nghe kể rằng lễ thật đông người thì mình thấy thật làm tiếc vì không có mặt để gặp gỡ gia đình để làm quen và lôi kéo họ trở lại với việc đến nhà thờ nhiều hơn. Nhưng do phải đi giảng ở Bangkok nên mình phải đánh mất một cơ hội lớn. Không biết bao giờ thì mới thấy họ trở lại nhà thờ thêm lần nữa.

Chạy show

Lần đầu tiên trong đời mình hiểu như thế nào là phải "chạy show". Hai ngày thứ bảy và Chúa Nhật mình đã chủ tế hai thánh lễ (1 lễ tiếng Anh, 1 lễ tiếng Thái), đồng tế ở 7 thánh lễ (4 lễ tiếng Thái, 3 lễ tiếng Anh), và giảng hết cả 9 thánh lễ.

Chiều thứ bảy không đến nổi nặng vì chỉ có hai thánh lễ. Nhưng ngày Chúa Nhật hôm nay bắt đầu với thánh lễ 6h30 sáng. Sau đó là lễ 7h30, 8h30, 9h45, 11h00 và 12h30. Sau lễ 12h30 mình được nghỉ ngơi cho đến 5h30 thì làm thánh lễ cuối cùng.

Lý do mình đã có mặt tại 9 thánh lễ như thế là vì mình được giáo xứ DCCT mời đến để chia sẻ về công việc truyền giáo. Trong mỗi thánh lễ có lần xin tiền thứ hai cho việc truyền giáo ấy.

Sau mỗi thánh lễ mình lại đứng trước nhà thờ để gặp gỡ những người giáo dân. Có người đến để bắt tay chào. Có người trao cho một phòng bì với lời nguyện xin lễ hoặc một đóng góp cho việc truyền giáo. Có người đến để phản hồi về bài chia sẻ.

Số tiền quyên góp được từ 9 thánh lễ không biết là bao nhiêu vì mình chưa được trao số tiền đó. Mình cũng hy vọng rằng qua lời chia sẻ của mình về những việc mục vụ đang diễn ra tại NBL, giáo dân ở đây sẽ thương đến và rộng lượng đóng góp cho công việc truyền giáo.

Qua việc cử hành và giảng ở các thánh lễ, mình có dịp gặp gỡ rất nhiều giáo dân quen cũng như lạ. Sáng nay sau lễ có một người Việt Nam tên Bình đến bắt tay mình. Hóa ra anh ta mới đến Thái Lan sáng nay và tình cờ đi lễ nghe mình giảng. Có những người ở nước ngoài đang làm việc tại Thái Lan cũng xin số điện thoại của mình hoặc đưa cho mình những tấm card của họ để sau này có thể liên lạc nếu cần sự giúp đỡ.

Mặc dầu phải làm lễ liên tục và nhiều khi cảm thấy hơi choáng váng và thật là mỏi chân nhưng nhìn thấy sự ủng hộ của các cha cũng như giáo dân làm cho mình thêm phấn khởi và cố gắng "chiến đấu" nhiều hơn. Mình nghĩ rằng chuyến đi này đã mang lại cho mình thật nhiều kinh nghiệm cũng như giúp mình có những mối quan hệ tốt hơn với một số giáo dân ở đây. Hy vọng sau này họ sẽ ủng hộ mình trong những công việc mình đang muốn làm tại NBL.

Tối nay sau khi mọi việc đã xong, mình vào phòng ăn của giáo xứ thì thấy các cha đã mở một chai rượu vang để "chúc mừng". Từ khi đến Thái Lan mình đã luôn nhận được sự hỗ trợ của các cha các thầy trong DCCT, đó là một ơn thật lớn lao làm cho mình có rất nhiều cảm tình với các ngài.

Ăn tối xong, mình đã làm một điều mà mình biết là điều tốt nhất sau một ngày "chạy show" như thế - đó là tìm đến một tiệm massage Thái. Mình yêu cầu xuất massage kiểu truyền thống 2 giờ đồng hồ. Mình nằm nhắm mắt nữa ngủ nửa thức mặc để cho nhân viên massage làm cho cái mỏi mệt trong người biến đi.

Massage xong, người tỉnh táo hẳn ra. Mình dạo bộ ra công viên Lumpini, nơi có tượng đài một vị vua nổi tiếng của nước Thái để thư giản. Một thanh niên đến hỏi xin mình thuốc lá. Mình nói không có. Anh ta hỏi mình đến chơi hả. Mình trả lời là ra hóng mát.

Người thanh niên này nhìn giống người vô gia cư, mặt mày đen đuốc, râu ria chưa được cạo, áo quần không mấy sạch sẻ, hàm răng trên thiếu một chiếc. Hỏi qua hỏi lại vài câu thì mình mới phát hiện ra đây không chỉ là một gã vô gia cư mà còn là một trai đứng đường.

Thấy đây là một cơ hội để tiếp cận với thành phần này mình bắt chuyện hỏi về việc làm của anh ta. Anh ta cho biết là năm nay 22 tuổi (mà nhìn giống 26-27), mới đến Bangkok gần đây. Quê ở Húa Hín. Thời ở Húa Hín đã từng đi bán thân cho khách du lịch, nhưng nay lại kiếm đường lên đây.

Mình hỏi: - Đi khách được khoảng bao nhiêu?

- Vài trăm, tùy theo khách cho. 2-3 trăm. Có khi được 5-6 trăm.

- Khách người Thái hay khách nước ngoài?

- Khách nước ngoài cũng có. Khách người Thái cũng có.

- Làm vậy không sợ à?

- Em đeo bao cao su.

- Tại sao phải làm việc này? Sao không đi làm việc khác, như làm thợ hồ chẳng hạn.

- Làm vậy tự do hơn.

- Không cảm thấy mình làm điều sai trái à?

- Không. Em thấy bình thường.

- Tay sao nhiều vết sẹo vậy?

- Trước đây em chơi thuốc.

- Giờ còn chơi không?

- Bỏ được hơn 2 năm rồi.

- Sao bỏ được?

- Tại vì không có tiền mua thuốc. Mắc quá. Em vào chùa cai.

- Gia đình có mấy anh em?

- Em có hai anh chị.

- Ba mẹ có biết em làm việc này không?

- Không.

- Ba mẹ làm nghề gì?

- Ba chạy xe đò.

- Bình thường ngủ ở đâu?

- Em ở đây. Em không có nhà ở, không có tiền thuê phòng.

- Vậy tắm rửa ở đâu?

- Vào công viên tắm trong phòng vệ sinh, mất 2 baht.

- Vậy em có định bỏ nghề này không?

- Em chưa biết.

- Em có đi thử máu bao giờ chưa?

- Trước đây có thử. Lâu rồi. Em không bị gì hết.

- Nên đi thử lại.

Còn muốn tìm hiểu thêm về đời sống của gã thanh niên này để tìm hiểu cuộc sống như thế nào để đưa đẩy anh ta vào con đường này. Nhưng nhìn đồng hồ thấy đã 12h tối, nên quyết định phải về để nghỉ ngơi.

Hôm nay là một ngày thật thú vị. Trong một ngày mà mình đã bắt tay với không biết bao nhiêu thành phần người. Chỉ một ngày trôi qua mà mình cảm thấy như mình đã sống mấy tháng trời.

Bangkok, ngày 7.9.2008

Làm lễ dỗ


Hôm nay mình đến nhà bác Chu Sanga để làm lễ kỷ niệm 100 ngày qua đời của cụ Maria Lien Quang Binh. Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ. Số người đến dự lễ có khoảng 30 người. Còn những vị khách khác thì ngồi bên ngoài không vào vì họ không có đạo.

Thánh lễ diễn ra khá ấm cúng. Mình chia sẻ về ý nghĩa của sự sống và sự chết. Sau thánh lễ mình nhận được một vài lời khen từ các giáo dân đến xa, nói rằng mình giảng hay làm mình cũng mừng.

Trong phần dâng lễ, gia đình dâng lên cho mình ba giỏ, mỗi giỏ có những thứ trái cây, thức ăn, thức uống, đồ ngọt, cà phê, v.v. Lại thêm cà phê nữa. Mình thì ít uống cà phê, mà dường như lần nào có người cúng cũng cúng cà phê. Trong tủ của nhà xứ có cả chục bao/chai cà phê uống vẫn chưa xong. Ngày Chúa Nhật, mình dọn cà phê ra cho giáo dân uống, nhưng cũng không đủ để giải quyết số cà phê mà mình có trong tủ.

Lễ xong thì gia đình dọn tiệc nhưng mình không ở lại được vì phải đi dạy học. Hôm nay mình chỉ dạy hai tiết. Nhưng khi dạy xong thì cổ họng dường như không còn giọng nói nữa vì số học sinh trong phòng thì đông, mà chúng lại rất thích nói chuyện nên bên cạnh việc dạy học còn phải có việc giữ trật tự nữa.

Lớp 8 mà mình được giao để dạy rất tốt. Mặc dầu chúng hơi lộn xộn, nhưng ngược lại rất có tinh thần tham gia. Mỗi khi mình yêu cầu đứng lên để trả lời, hoặc đọc đều có nhiều cánh tay đưa lên. Chúng nó tiếp thu bài còn nhanh hơn những học sinh lớp 10, lớp 11. Mình đưa bài làm về nhà chúng cũng hoàn tất mốt cách nghiêm túc.

Tối nay đáng ra có cuộc hẹn lúc 7 giờ với một người muốn đến học tiếng Anh. Nhưng lúc gần 6h thì họ gọi đến nói là không giữ hẹn được. Mình cũng không bất ngờ với những sự việc như thế này vì việc bỏ hẹn là chuyện bình thường ở đây. Ít ra họ có gọi điện thoại đến để nói thì xem như là đàng hoàng lắm rồi. Còn có nhiều người không đến mà im hơi lặng tiếng không thấy một lời báo.

Mấy ngày qua mình đã giải quyết được nhiều vấn đề trước khi lên đường đi Bangkok vào cuối tuần này nên trong lòng thấy yên tâm hơn. Bây giờ chỉ còn lại việc thực hành tốt việc giảng ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế.

Tối nay sẽ đi ngủ sớm. Chiều nay khi gần tối thì có một trận mưa khá to, xóa đi phần náo sự nóng nảy và oi bức của khí hậu hôm nay. Trong phòng mình không có máy lạnh, không biết đến mùa nóng thì sẽ ra sao. Phải chờ rồi xem vậy.

Nong Bua Lamphu, ngày 4.8.2008

Chuyện trong tuần


Tuần nay mình có cảm giác bận rộn lạ thường, mà hình như không phải bận rộn ảo mà bận rộn thật. Nào là có hai thầy ở nước ngoài đến thăm cộng đoàn 3 ngày phải đón tiếp. Nào là phải giặt, phơi, xếp, và đóng thùng những áo quần cũ và chăn mềm mà một người giáo dân ở Bangkok đã gởi cho mình để phân phát cho những nạn nhân lũ lụt ở tỉnh Nong Khai. Bên cạnh đó là phải hoàn tất tờ thông tin liên lạc của giáo xứ cho tháng 9.

Ngoài ra mình cũng tiếp tục với "chiến dịch công việc nhỏ" để xây dựng tinh thần giáo xứ. Lần này mình đi mua một album, rồi chọn một số hình sinh hoạt của giáo xứ thấy được được đem đi rửa. Rửa xong mình bỏ vào album và đặt nó ở cái bàn trong phòng khách để mọi người có thể xem khi đến thăm nhà xứ. Rồi mình đi tìm một cải bảng, đi mua giấy màu và những dụng cụ khác để trang trí. Trang trí xong, mình dán hình sinh hoạt lên trên bảng để trước nhà thờ cho mọi người cùng ngắm khi họ đến dự lễ ngày Chúa Nhật.

Tuần này mình lại càng bận rộn thêm vì bà cụ Liên Quang Binh qua đời lúc tháng 6 bây giờ đã đến lúc kỷ niệm 100 ngày. Bác trai và con cháu từ các tỉnh trở về Nong Bua Lamphu để tổ chức kỷ niệm 100 ngày. Mình cũng phải đến để tham dự chương trình đọc kinh và sáng mai sẽ cử hành thánh lễ tại tư gia.

Lễ xong là có bữa tiệc lớn. Nhưng mình không ở lại được vì phải đi dạy học ở trường trung học Nong Bua ngay sau đó. Ngày mai mình dạy bọn học sinh lớp 8 và lớp 11. Tối mai có một phát ngôn viên của đài radio trong tỉnh muốn đến gặp mình để tham khảo về việc dạy tiếng Anh riêng cho ông ta. Mình không biết ông bao nhiêu tuổi. Trưa nay mình nhận đuợc cuộc điện thoại từ vợ của ông. Vợ của ông là một giáo viên ở trường học Nong Bua. Mình cũng chưa được gặp người này. Họ có số điện thoại của mình là do thầy Ron đưa. Mình không biết phải yêu cầu họ trả bao nhiêu tiền một giờ. Mình hỏi cô Fốn thì cô nói, trước đây, chồng cô học ở Udon Thani với người dạy riêng mất hết 500 baht một giờ. Mình gọi điện thoại cho thầy Ron trình bày sự việc với thầy. Mình nói: - Ở đó người ta lấy 500 baht một giớ. Ở đây tôi lấy 200 thấy có được không?

Thầy Ron nói 200 baht hơi nhiều đối với người ở đây. Nó như gần 1/2 ngày lương của họ. Thầy góp ý mình nên lấy 150 baht trở xuống. 100 baht thì vừa. Có lẽ mình sẽ lấy 100 baht. Như vậy là bằng một nữa tiền mình nhận được khi dạy học ở trường NBL. Ở đây mình được 200 baht một giờ. Nếu mình dạy bán thời gian thì mỗi tháng được thêm một ít tiền để lo cho những công việc của giáo xứ.

Chiếu thứ 6 Đức Giám Mục sẽ đến làm lễ cho các seour dòng Mẹ Têrêxa nhân dịp kỷ niệm ngày qua đời của mẹ vào ngày 5 tháng 9. Ngài sẽ đến lúc 3 giờ chiều. Lúc ấy mình đang còn dạy học nên không thể tham dự thánh lễ được. Nhưng mình sẽ trở về ngay sau tan lớp. Mình dự định sẽ mời ĐGM cũng như các cha đến thăm nhà xứ mới, nên chiều mai phải cho Bình làm vệ sinh sạch sẽ để đón tiếp các ngài.


Sáng thứ bảy mình sẽ làm lễ cho các seour lúc 5h30 sáng. Và đúng 6 giờ thì mình sẽ lên xe ra sân bay để đi Bangkok để giảng về công việc truyền giáo tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Những ngày này mình đang tìm giờ để coi lại hai bài giảng (một bài tiếng Thái, một bài tiếng Anh) nhưng vì bận rộn nên cũng chưa xong.


Cả tuần này mình không viết nhật ký, nên hôm nay viết dài để bù. Còn nhiều chuyện linh tinh khác trong đời sống hằng ngày mà mình chưa nhắc đến. Nghĩ lại cũng nhiều chuyện lắm chứ.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.9.2008