Khi phải từ chối


Hôm nay ở nhà thờ chánh tòa Udon mừng lễ quan thầy. Mình dẫn giới trẻ trong giáo xứ đi tham dự. Còn các seour thì dẫn các em mồ côi đi. Cũng đã lâu rồi mình không đi tham dự lễ quan thầy của các giáo xứ vì từ ngày đến làm việc ở NBL thì mình đều bận mỗi ngày thứ bảy.

Đi đến các giáo xứ để tham dự các lễ đã trở nên một việc làm rất thú vị đối với mình vì mỗi lần đi mình đều có dịp gặp gỡ giáo dân ở đây đó. Khuôn mặt của mình đã trở nên quen thuộc với nhiều giáo dân và ngược lại cũng vậy. Giờ đây mình đến đâu cũng được chào đón một cách thân tình. Nhiều người hỏi thăm chuyện giáo xứ và về công việc của mình.

Hôm nay mình gặp một nhóm linh mục tu sĩ người Việt từ Lao đến tham dữ lễ. Có cha Phúc của hội Thừa sai Đức tin, hai thầy dòng Đa Minh, và một thầy dòng Tên. Các thầy đang học ở Lào và đi cùng giáo dân qua dự lễ quan thầy. Họ rất vui khi gặp được mình và gặp được Đức Giám Mục. ĐGM đã đón tiếp các ngài rất thân tình và còn tặng cho mỗi người một quyển sách hình của ngài nữa. Vì thế ai cũng phấn khởi.

Hôm nay một chú người Việt đang lao động ở Thái Lan đến xin mình tiền. Chú nói hộ chiếu của vợ chúng có vấn đề nên phải về lại Việt Nam và mất 5,000 baht. Chú nói chú khó khăn và xin mình giúp đỡ. Nhưng mình từ chối. Mình từ chối chú vì mình thấy vấn đề của chú chưa đến nỗi cơ cực. Những vấn đề như thế này xảy ra thường xuyên với những người Việt Nam lao động ở Thái Lan. Và trên thực tế thì ai cũng khó khăn chứ không phải gì một mình chú. Nhưng người ta không mạnh dạn để xin sự giúp đỡ như chú. Nhưng ngoài chú ra thì cũng có những người khác đến xin mình như thế.

Mình đã từ chối vì hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là thực sự mình không có tiền để giúp đỡ cho những trường hợp như thế này trong khi kinh tế của giáo xứ mình chỉ là "sống qua ngày". Mình muốn làm những dự án trong giáo xứ nhưng chưa thực hiện gì được vì không có ngân quỷ.

Thứ hai là mình không muốn tạo ra một tiền lệ mà những người đến mình để xin giúp đỡ mỗi khi có việc xảy ra vì họ nghĩ rằng mình là nơi dễ dàng để xin vì mình là một ông cha hoặc mình là người đến từ Mỹ.

Hôm nay mình các cha vừa làm lễ xong, bước vào phòng thay áo thì một chị tên Lan chạy vào phòng áo của cha xin mình nói chuyện với một người từ Việt Nam. Mình hỏi chị đó là ai và họ muốn gì. Chị bảo là họ muốn xin tiền giúp xây nhà thờ ở Việt Nam. Mình đã từ chối tiếp cuộc điện thoại đó vì mình không muốn bị quấy rầy khi mới vừa dâng lễ xong và đang đứng chung với ĐGM và các cha. Thứ hai là mình biết chắc chắn mình sẽ không giúp được cho việc xây nhà thờ ở nơi nào đó ở Việt Nam trong khi chính mình đang cần tiền cho giáo xứ của mình.

Khi thấy mình không nhận điện thoại chị Lan đưa cho cha John (Bằng) để nói chuyện. Trong bàn ăn, cha John nói với mình: - Họ cứ nghĩ tôi có tiền vì tôi là một linh mục người Mỹ. Nhưng tôi cũng nói với họ là địa phận phải nuôi tôi chứ tôi không làm gì có tiền. Còn việc giúp tiền xây nhà thờ thì tôi nói tôi không dám hứa. Tôi sẽ viết thư qua Mỹ để xin giúp đỡ, nhưng không biết họ có cho không.

Từ ngày mình đến Thái Lan, mình rất ưu tư đến những bạn trẻ lao động Việt Nam. Nhưng mình đã khẳng định từ đầu là mình sẽ giúp đỡ trong việc đạo đức và tinh thần chứ không thể là một nguồn cung cấp tiền. Đó không phải là mục đích và ước muốn của mình. Nó sẽ làm cho việc mục vụ của mình đi theo một đường hướng tiêu cực. Vì thế những lời xin giúp đỡ thời gian qua đều đã bị mình từ chối một cách thẳng thắn. Phải chăng mình sẽ bị mang tiếng là ông cha 'keo kiệt'? Cũng có thể nhưng đó là điều mình phải chấp nhận nếu mình muốn tiếp tục thực hiện công việc mục vụ theo đúng nghĩa và tinh thần của nó.

Nong Bua Lamphu, ngày 30.8.2008

Đối thoại liên tôn?


Cứ mỗi thứ 5 và thứ 6 thì mình lên trường học của tỉnh để dạy tiếng Anh cho bọn học sinh. Hôm nay mình sẽ dạy bọn lớp 8 và lớp 11. Ngài mai thì mình dại bọn lớp 10. Ở các lớp khác nhau nhưng trên thực tế nhiều khi khả năng nói tiếng Anh chẳng xê xích nhau là bao. Nói chung là chẳng có đứa nào nói được câu "Anh ăn cơm chưa?" bằng tiếng Anh cho đúng văn ngữ. Mà dạy đi dạy lại nhiều lần cũng không nhớ.

Tuần vừa rồi mình hỏi bọn học sinh lớp 10 cái gì dễ nhớ. Chúng nó trả lời, nhớ những thông tin về các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ. Còn tiếng Anh thì học xong rồi quên. Bó tay!

Hôm nay thầy Ron đang liên lạc để đưa mình vào dạy ở một ngôi chùa trong phố. Mình hỏi thầy Ron:

- Trong chùa thì sẽ dạy cho ai?

- Dạy cho các đệ tử. - thầy trả lời.

- Có khoảng bao nhiêu người?

- Có khoảng 30 người. Trược đây tôi có dạy ở đây. Nhưng sau này bận việc nên không dạy nữa.

- Thầy dạy ở đó thầy như thế nào?

- Họ cũng rất tốt. Nhưng có một điều là khi mình vào lớp họ chỉ nói câu chào chứ không đứng dậy như ở trường học.

- Tại sao như vậy?

- Có lẽ vì họ nghĩ rằng họ là nhà sư nên họ không cần đứng lên chào mình.

- Nhưng đây chỉ là đệ tử chứ đâu phải nhà sự.

- Tôi cũng không biết. Nhưng tôi hiếu kỳ khi cha đến dạy đó thì họ sẽ có cử chỉ như thế nào.

- Ừ nhỉ. Tôi không phải là nhà sư nhưng là linh mục, cũng chịu chức như nhà sư. Không biết họ có nhận ra sự tương đồng không?

Nếu hoạt động mới này được giàn xếp êm xuôi thì mình sẽ đi dạy học trong chùa. Cũng là một hình ảnh khá thú vị khi một vị linh mục lại đi dạy tiếng anh cho những vị nhà sư. Trao đổi liên tôn là vậy đấy.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.8.2008


Đi quyên góp


Tuần trước thầy Damien đến gặp mình hỏi:

- Đầu tháng 9 có một cơ hội gây quỷ cho giáo xứ cũng như trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha có thể làm được không?

- Thưa thầy, cơ hội như thế nào ạ? - Mình hỏi lại.

- Hôm nay tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Bangkok. Họ mời tôi đến để nói chuyện trong giáo xứ về công việc truyền giáo, như trước đây tôi đã từng làm. Cứ mỗi tháng là họ mời một nhà truyền giáo về nói chuyện để tạo điều kiện cho các nhà truyền giáo gây quỹ. Nhưng vì tháng 9 này tôi phải đi Mỹ nên tôi không thể nhận lời mời của họ được.

- Vậy thì tiếc quá.

- Vì thế tôi đã nói với nhân viên trong giáo xứ cho cha đi thế tôi.

- Vậy hả? Họ nói sao?

- Họ nói như vậy cũng được.

- Nhưng con ngại quá à. Thầy là một nhà truyền giáo kỳ cựu và họ rất tôn trọng. Vì thế giáo xứ DCCT đã mời thầy đến 3 lần. Nhưng con còn trẻ, mới bắt đầu làm việc. E rằng họ sẽ không muốn cho con thế thầy đâu. - Mình trình bày với thầy Damien một cách chân thật.

- Tôi nghĩ không có vấn đề gì đâu.

- Riêng con thì không ngại trong vấn đề đứng lên chia sẻ về công việc mục vụ cũng như hoạt động HIV/AIDS của trung tâm. Con chỉ ngại là mình không có đủ tư cách để cho họ mời. Nếu được thì con nhờ thầy liên lạc với cha Sririchai, cha xứ ở đó để hỏi ý kiến của cha trước đã.

- Được rồi, để đó tôi sẽ liên lạc với cha Sririchai. Nhưng tôi nghĩ không có vấn đề gì đâu.

Sau khi gặp được cha Sririchai, thầy Damien cho mình biết, ngài nói là không có vấn đề gì. Mình cảm thấy nhè nhàng hơn. Nếu đã hỏi ý kiến của cha xứ thì mình có thể tự tin để thay thế thầy Damien đi nói chuyện "quyên góp".

Nhưng sau đó mình lại tiếp tục ngại. Mình định trước khi đi sẽ liên lạc với cha Sririchai thêm một lần nữa để xác định sự việc cho chắc chắn. Nếu mình xuống Bangkok, bước vào nhà xứ mà các cha ở đó bất ngờ với sự hiện diện của mình thì quê chết.

Nhưng sự lo ngại của mình đã được trấn an. Cách đây vài ngày, mình đã nhận được cuộc điện thoại trực tiếp từ cô thư ký văn phòng yêu cầu mình gởi thông tin cá nhân để cho văn phòng đưa vào bản thông tin liên lạc của giáo xứ bằng tiếng Anh lẫn tiếng Thái.

Vậy là bây giờ mình không còn e ngại với việc có thực sự được mời hay không mà chỉ cần chăm chú vào việc soạn bài chia sẻ để trình bày trong các thánh lễ vào cuối tuần đó.

Giáo xứ DCCT cũng là nơi mình đã từng ở khi còn theo học tiếng Thái ở Bangkok nên mình quen thuộc với không gian và quang cảnh ở đó. Hai ngày thứ bảy và Chúa Nhật có khoảng 5 lễ tiếng Anh và 3 lễ tiếng Thái. Mình sẽ nói chuyện trong tất cả các thánh lễ.

Biết rằng đây là một dịp quan trọng nên mình cũng cố gắng soạn bài chia sẻ kỷ càng để hy vọng rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người giáo dân tốt bụng cũng như có điều kiện ở Bangkok.

Lần nói chuyện ở Bangkok lần này cũng sẽ là lần đầu tiên mình làm công tác "quyên góp" cho công việc mục vụ. Sau này cũng sẽ có thêm những lần như vậy nữa để lo cho những chương trình của giáo xứ. Có lẽ đây là một công việc mà mình không thể tránh được nếu mình muốn phát triển giáo xứ thêm vững mạnh hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.8.2008

Ngày Chúa Nhật


Sáng nay một người đàn ông Mỹ tên Frank đưa gia đình đến tham dự lễ. Ông có vợ người Thái. Đi theo hai vợ chồng là cha mẹ vợ. Hai người không theo đạo Công giáo. Ông Frank xin lễ cầu nguyện cho bà Niyom vì bà bệnh nặng đang chuẩn bị đi mỗ. Đây cũng là lần đầu tiên họ đến nhà thờ này.

Quả thật đây là một cơ hội truyền giáo rất đặc biệt khi có người từ tôn giáo khác đến tham dự lễ và mình lại làm lễ cầu nguyện cho họ nữa. Trong thánh lễ, mình đã nói lên ý nguyện của thánh lễ và xin mọi người cùng chung lòng cầu nguyện cho bà cụ để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Cuối lễ mình cũng mời cả gia đình đứng dậy để cho giáo dân biết mặt và chào đón.

Thời gian qua dường như tuần nào cũng có người từ nơi khác đến dự lễ. Số giáo dân ở đây cũng có dấu chỉ đang tăng dần. Tuy nhiên, việc đi lễ thường xuyên vẫn là vấn đề mà giáo dân ở đây chưa giữ được. Nhiều người tuần đi tuần không. Vì số giáo dân không đông nên chỉ thiếu vài người cũng làm cho nhà thờ có cảm giác trống trải. Nhưng giờ này có thêm giáo dân, khi người này bỏ lễ thì cũng có người khác, làm cho không khí trong nhà thờ duy trì được phần nào sự sinh động.

Sau cuộc họp nội bộ vừa qua thì có lẽ tương lai của mình sẽ ở lại Nong Bua Lamphu và phục vụ ở đây chứ không đi nơi khác. Vì thế mình cũng có thể nghĩ đến một số dự án lâu dài mà mình có thể bắt đầu để làm cho giáo xứ tiếp tục phát triển, không chỉ làm cho nhà thờ là một nơi tôn giáo, mà còn là một phần của cộng đồng người Thái nói chung.

Hôm nay giáo xứ mừng lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Mình giảng bằng tiếng Thái lẫn tiếng Anh vì nhận thấy dạo này nhà thờ có nhiều người nước ngoài không thông thạo tiếng Thái. Mình quyết định đưa tiếng Anh vào thánh lễ như một việc đáp ứng nhu cầu mục vụ của cộng đoàn. Tuy nhiên, mình chưa hỏi dò ý kiến ai về quyết định này. Mình hy vọng rằng việc chia sẻ vắn tắt bằng tiếng Anh trong thánh lễ sẽ không làm cho người Thái khó chịu nhưng họ thông cảm vì lợi ích của mọi người.

Nong Bua Lamphu, ngày 17.8.2008

Việc làm "gõ đầu" trẻ

Hôm nay là ngày thứ hai mình đi dạy ở trường trung học ở tỉnh. Mình dạy học sinh lớp 8 và lớp 10. Trách nhiệm của mình là giúp cho bọn học sinh phát triển khả năng nghe và nói tiếng Anh. Ở Thái Lan bây giờ trường học nào cũng có khoa tiếng Anh. Ở trường trung học của tỉnh có đến gần 20 giáo viên dạy tiếng Anh. Thế nhưng học sinh lại nói tiếng Anh rất kém, có lẽ vì các thầy các cô nói tiếng Anh cũng không giỏi cho lắm.

Mình chỉ dạy vào hai chiều thứ 5 và thứ 6. Đây là việc mà thầy giáo trưởng khoa ngoại ngữ tên Saiyon mời mình đến dạy chứ không phải mình chủ động đi kiếm. Trước đây, mình có ý định dạy tiếng Việt hoặc tiếng Anh ở đây. Nhưng thầy trưởng khoa bảo là phải dạy mỗi ngày, nên mình quyết định điều đó sẽ rất khó khi mình cần phải đi họp hoặc có những chuyến đi xa để lo công việc của giáo xứ hoặc việc cá nhân. Cuối cùng mình bỏ ý định dạy ở trường học và chỉ mở dạy cuối tuần ở nhà thờ.

Nhưng gần đây, thầy Saiyon, qua thầy Ron, muốn ngõ ý mời mình đến dạy một số lớp. Mình đồng ý dạy với điều kiện là chỉ một số giờ trong tuần, và phải có tiền bồi dưỡng (khác với thầy Ron đang dạy miễn phí ở trường). Mặc dầu số tiền bồi dưỡng chỉ là 200 baht một giờ, nhưng tính ra thì mỗi tháng mình cũng có thêm được vài nghìn để sử dụng cho những sinh hoạt khác trong giáo xứ.

Có lẽ mình cũng có "ơn gọi" dạy học vì khi đứng lớp mình luôn cảm thấy rất phấn khởi và muốn làm hết mình để truyền đạt lại kiến thức cho bọn học sinh. Tuy nhiên, bọn này thì rất rụt rè. Chúng nó học tiếng Anh từ khi mới vào lớp mẫu giáo mà bây giờ hỏi vài câu căn bản chúng nó cũng chỉ biết nhìn nhau cười, học hỏi nhau phải trả lời ra sao.

Những lớp mình được giao cho dạy là lớp học sinh giỏi. Nhưng nếu bọn học sinh thuộc dạng giỏi nói tiếng Anh được như thế này thì mình không dám nghĩ tới bọn học sinh bình thường nói tiếng Anh như thế nào.

Một điều bọn học sinh luôn rất bất ngờ khi thấy mình mặt mày thì giống bọn chúng, mà nói tiếng Anh thì rất thông thạo. Khi mình nói rằng mình đến từ Hoa Kỳ thì lúc nào cũng nhận được sự phản ứng bất ngờ và thú vị từ chúng. Mình biết rằng trong đầu chúng đang muốn biết mình là người gốc nào. Nhưng mình giả vờ như không để ý để cho chúng tò mò. Đợi lúc nào chúng hỏi thì mình mới cho biết là mình người gốc Việt.


Với hoạt động mới nhất của mình là một bước đi sâu hơn vào trong cộng đồng địa phương, để hòa nhập vào nhịp sống và lối sống của họ, đặc biệt là thành phần giới trẻ mà mình có phần quan tâm và ưu tư lớn về tương lai của chúng trong xã hội ngày nay. Mình cũng hy vọng rằng với những hiểu biết này, sau này mình sẽ có cơ hội tổ chức những chương trình để giúp cho xã hội và giáo hội địa phương thăng tiến và phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 14.8.2008

"Mất" xe

Chiều Chúa Nhật anh Trực gọi mình từ Udon Thani nói: - Mình đang trên đường về Nong Bua Lamphu.

- Ủa tại sao về? Anh không đi lên Huây Lêp Mừ nữa à? - Mình hỏi.

- Có chứ. Nhưng có vấn đề trục trặc.

- Vấn đề gì vậy?

- Hôm nay lên nhà thờ chánh tòa ăn trưa, gặp Đức Giám Mục. Trong khi nói chuyện thì mới biết là chiếc xe cha Gowit đưa là để cho Trực đem lên trên kia sài chứ không phải cho Nong Bua Lamphu. Đức Giám Mục bảo nên về lấy đi không thôi lên trên kia không cò xe chạy.

- Vậy khi cha Gowit giao xe cho anh thì ngài nói như thế nào?

- Thì ngài bảo là đem xe đi sử dụng thôi. Trực nghĩ có nghĩa là đem cho giáo xứ NBL. Hóa ra là muốn cho Trực đem lên trên kia sử dụng.

Thế là ở đây mình trở lại tình hình cũ, không có xe chạy, ngoài một chiếc xe Honda Wave cũ mà thầy Ron mua lại từ một học sinh của thầy. Bình thường khi một linh mục đến làm trong giáo phận thì giáo phận có trách nhiệm lo việc xe cộ cho linh mục. Nhưng từ ngày mình vào giáo xứ làm việc ở giáo phận không thấy lên tiếng về phương tiện đi lại của mình.

Văn phòng của giáo phận muốn hội dòng đảm trách việc này để hỗ trợ cho tài chánh của giáo phận, trong khi bề trên của dòng lại xác định rằng đây phải là trách nhiệm của giáo phận. Mình đứng ở giữa như một chiếc bóng bị đá qua đá lại. Đời sống phục vụ là thế. Nhiều khi khó khăn trong công việc không chỉ đến từ bản chất công việc mà đến từ những yếu tố bên ngoài mà mình không kiểm soát được. Dù sao đi nữa thì mình cũng sẽ vui vẻ làm việc với tất cả những điều kiện và khả năng mà mình có được.

Nong Bua Lamphu, ngày 11.8.2008

Những diễn tiến


Mấy ngày qua bề trên tỉnh dòng từ Úc sang Thái Lan để họp hành với cộng đoàn nhỏ bé ở đây, bao gồm hai sư huynh, mình và cha Trực. Việc họp hành xây quanh sinh hoạt của cộng đoàn trong thời gian hiện tại và trong tương lai nhằm định hướng cho những công việc truyền giáo của hội dòng trên đất Thái. Mình cũng trình bày về công việc mình đang thực hiện và ý định của mình cho thời gian sắp tới.

Đi theo với cha bề trên còn có cha Nguyên là một thành viên trong hội đồng bề trên. Đây là chuyến đi đầu tiên của Ngài đến Thái Lan. Sau khi gặp gỡ, lắng nghe anh em chia sẻ về công việc của mình, cũng như chứng kiến hoạt động của anh em, cha Nguyên nói rằng ngài rất ủng hộ anh em và khi trở về Úc sẽ trình bày cho các thành viên trong hội dòng để họ cũng hiểu và thông cảm cho những khó khăn ở điểm truyền giáo xa xôi này.

Mình rất mừng khi nghe những lời ủng hộ của cha Nguyên mà mình xem như là một vị đàn anh. Được sự hỗ trợ về tinh thần là một món quà rất quý giá khi mình đang khởi hành con đường phục vụ của mình ở đây.

Sáng hôm nay cha Trực đã làm thánh lễ Chúa Nhật ở giáo xứ trước khi lên đường đi thực tập ở một giáo xứ giáp với sông Mekông. Từ đây đến đó lái xe cũng khoảng 4 giờ đồng hồ. Đức Giám Mục cũng đã bày tỏ rằng sau này muốn cha Trực giúp làm việc ở đó lâu dài. Tuy nhiên, cả mình lẫn cha Trực đều mong muốn được làm việc với nhau tại Nong Bua Lamphu vì muốn sống gần nhau trong cộng đoàn cũng như hỗ trợ cho nhau trong công việc của mình.

Thánh lễ sáng hôm nay cũng có điều đặc biệt hơn thường vì có phần chúc mừng các bà mẹ mà người Thái Lan sẽ chính thức mừng vào ngày 12 tháng 8. Đây cũng là ngày sinh nhật của bà hoàng hậu nước Thái mà người dân cũng rất yêu quý. Thoạt đầu mình không định tổ chức gì đặc biệt vào ngày lễ này vì nó không trùng hợp với ngày lễ Chúa Nhật. Tuy nhiên, theo sự yêu cầu của một vị giáo dân, mình đã quyết định mừng các bà mẹ theo truyền thống của người Thái.

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha Trực mời tất cả các bà mẹ (cũng như các sơ đang chăm sóc cho những trẻ em mồ côi) lên trước cộng đoàn. Sau đó, cô dạy giáo lý đại diện cộng đoàn nói lời chúc mừng các bà mẹ trong ngày đặc biệt của các ngài. Tiếp theo, các em trẻ xếp hàng để nhận hoa màu trắng từ cha Trực và đến quỳ trước các bà mẹ. Đa số các em lên nhận hoa là các em mồ côi. Nhiều bà mẹ đi lễ không có con cái đi theo, trong đó có những bệnh nhân trong trung tâm HIV, nên các em trẻ đại diện làm con của họ.

Sau đó các em cúi đầu lạy các bạ mè và tặng cho các ngài những đóa hoa màu trắng để nói lên lòng biết ơn với công lao trời biển của các ngài. Sau lễ, mọi người lại để cắt bánh và chia sẻ những câu chuyện vui vẻ trước khi ra về.

Chiều nay mình có thêm ba em đến xin học tiếng Anh với mình. Ngày càng có thêm người muốn học tiếng Anh. Tuy nhiên mình không muốn nhận quá nhiều học sinh vì việc dạy ngôn ngữ cho nhiều người một lúc sẽ không đạt hiệu quả. Học sinh mới của mình có một em đang học lớp 10 và hai em học lớp 12. Thế là hiện nay mình có 13 em học sinh, 2 em lớp 12, 10 em lớp 11, và 1 em lớp 10. Mình nghĩ thế là đủ. Nếu sau này cha Trực có được trở về làm việc ở NBL thì mình mới có điều kiện mở thêm lớp học.

Thoạt đầu mình về NBL chỉ là để thế cho cha Trực cho đến khi anh sẵn sàng đến làm cha quản xứ ở đây. Nhưng theo tình hình hiện nay thì phải chăng trách nhiệm này sẽ rơi vào tay mình? Đó là câu hỏi đang chờ đợi câu trả lời trong những tháng ngày sắp tới.

Nong Bua Lamphu, ngày 10 tháng 8. 2008

Sự thận trọng


Sáng nay mình nhận được email từ văn phòng của tỉnh dòng bên Úc yêu cầu mình gởi một số hình cho bài viết về công việc mục vụ của mình tại Thái Lan được đăng trong tờ báo của dòng. Seour Rita, người phụ trách việc này yêu cầu mình gởi những tấm hình liên quan đến việc mục vụ mà mình đang làm. Mình tìm một số hình trong đó có hình mình đang làm nghi thức thêm sức, hình mình đi trao quà cho các học sinh nghèo, và hình mình dạy học ở nhà xứ.

Thầy Damien cũng đang phát hành một tờ báo nội bộ về mục vụ ở Thái Lan và đăng bài viết của mình. Thầy cũng kèm theo những bức hình của mình mà thầy có được.

Sáng nay mình nghe nói một trong những hình mà thầy đưa vào trong bài bị bên Úc yêu cầu lấy ra và thay thế với một tấm hình khác. Đó là bức hình mình đang ôm chầm một bé gái chừng 5 tuổi trong một lần đi phát đồng phục học sinh cho những em xuất phát từ gia đình có người bị nhiễm HIV. Bé gái đó là một trong những em được nhận quà. Hình được chụp tại buổi phát quà hôm đó.

Tuy nhiên bên Úc yêu cầu thay thế hình là vì nhận thấy rằng việc mình ôm một em bé là điều đáng kỵ trong xã hội Úc và muốn tránh những dư luận không tốt liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em.

Khi mình nghe nói đến điều này cũng thấy bất ngờ vì khi thấy thầy Damien đưa hình vào bài thì cả mình và thầy hoàn toàn không nghĩ gì đến cách nhìn vào bức hình dưới gốc độ đó, đặc biệt vì ở xã hội địa phương, đây không phải là một điều cấm kỵ, ngược lại là một điều được khuyến khích. Ngoài ra hành động của mình diễn ra trước mắt mọi người một cách rất ngẫu hứng và tự nhiên.

Tuy nhiên mình cũng đã từng sống ở Mỹ và Úc nên rất hiểu về sự thận trọng tối đa mà người có trách nhiệm phải thể hiện để không xảy ra những điều đáng tiếc về sau. Mình chỉ tiếc là xã hội ngày nay đã phải đi đến mức độ mà giữa con người với con người buộc phải hạn chế những cách thể hiện tình thương căn bản và tự nhiên nhất mà bao nhiêu thế hệ con người đã từng làm với nhau. Đặc biệt trong những tình huống mà cái ôm, cái nắm tay hoặc nắm vai là một cử chỉ thể hiện sự chấp nhận đối với người đó một cách chân tình. Mình đang nghĩ đến những trẻ em bị nhiễm HIV mà nhiều người không dám đến gần vì nghĩ rằng đến gần thì sẽ bị lây. Vẫn có người không dám uống cà phê sau lễ Chúa Nhật vì sợ rằng uống cà phê ở nhà thờ sẽ có nguy cơ lây vi trùng từ những người giáo dân bị nhiễm.

Trên thế giới này còn có rất nhiều người đang cần một cái ôm, một cái nắm tay. Tiếc thay nhiều người đã không biết đem tình cảm và hành động của mình đến nơi thực sự cần thiết một cách đúng đắn khiến cho con người trong xã hội hôm nay ngày càng trở nên lạnh nhạt và đa nghi.

Nong Bua Lamphu, ngày 6.8.2008

Tin vui


Sáng nay mình gọi điện thoại cho cha Bình, một người anh trong dòng hiện đang phục vụ ở Hoa Kỳ. Trong những anh em trong dòng, mình có mối quan hệ khá gần gũi với anh Bình nên thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại để trò chuyện với anh.

Anh Bình báo cho mình một tin tức rất vui liên quan đến một cặp vợ chồng mà anh thân thiết. Cặp vợ chồng này ở tiểu bang Texas. Mình đã đến nhà của hai anh chị một lần. Mặc dầu mình không thân với hai anh chị, nhưng mình cũng đã từng biết chị khi chị còn là ca trưởng trong ca đoàn ở giáo xứ của mình tại California. Em trai của chị trước đây cũng đã từng học đại học ở Berkeley với mình.

Chuyện là hai anh chị mới có một đứa bé gái sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, cố gắng và cầu xin. Trước đây chị đã từng mang thai nhưng thai bị hư vì tình trạng thể lý của chị không được tốt làm cho bào thai không sống được lâu. Bác sĩ đã phán rằng chị sẽ không bao giờ có con được. Thế mà vừa qua, chị phát hiện mình lại mang thai. Nhưng lần này chị không đi bác sĩ như những lần trước. Thậm chí chị không báo cho những người thân biết. Cho đến thời gian sáu tháng chị mới đi bác sĩ và báo cho anh Bình biết. Lần này chị không cậy vào bác sĩ nữa vì không còn tin những lời của bác sĩ mà chỉ tin và cầu nguyện với Chúa. Cuối cùng Ngài đã ban cho hai anh chị một đứa con gái khỏe mạnh trong tháng vừa qua.

Đó là một tin tức thật tuyệt vời. Quả thật Chúa đã ban cho hai anh chị một phần thưởng thích đáng vì hai anh chị đã kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào sự trợ giúp của Ngài trước những thất vọng trong quá khứ cũng như những lời phán quyết một cách dứt khoát của ngành y khoa. Thêm một lần nữa chúng ta chứng kiến sự thật của câu nói, "Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được."

Chắc chắn đối với hai anh chị được nghe tiếng khóc của đứa bé giữa đêm khuya sẽ không phải là một điều quấy rầy giấc ngủ anh chị mà là tiếng kêu nhắc nhở anh chị về niềm hạnh phúc và hồng ân bao la trong đời sống của mình. Ước gì bao nhiêu đứa bé sinh ra đều được những người cha người me hồi hộp trông đợi như đứa bé này. Nếu có như thế thì chắc chắn những trường hợp cha mẹ bạc đãi lãng quên con cái, thậm chí đem con đi bán vào những động mãi dâm sẽ không bao giờ xảy ra trong xã hội.

Ở đây những trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV thiếu tình yêu của cha mẹ, mặc dầu có các seour và nhân viên trung tâm chăm sóc, nhưng tính tình của nhiều em rất hung hăng và bướng bỉnh. Nhiều em không lễ phép khi gặp người lớn. Nhiều em mỗi lần thấy mình đi đến thì chỉ biết trơ mắt ra nhìn rồi quay mặt đi, không màng với một câu chào. Nhiều khi mình cất giọng hỏi chúng: "Chào cha chưa?" thì chúng mới chắp tay lên chào. Còn nếu mình không nói gì thì chúng cũng cứ tỉnh bơ như không thấy người lớn.

Nhân viên trung tâm bảo họ cũng luôn dạy cho các em biết kính trên nhường dưới nhưng dường như chúng không ý thức được. Trách nhiệm quản lý và trực tiếp giáo dục các em là việc của các seour nên mình không dám nói nhiều. Tuy nhiên mình cũng đã từng đặt vấn đề phải chăng phương pháp giáo dục các em cần phải được điều chỉnh để đạt kết quả hơn. Thời gian qua mình tổ chức giáo lý cho các em, hy vọng rằng với sự giáo dục tôn giáo bên cạnh những gì các em đang học hỏi ở trung tâm và ở trường, các em sẽ ngày càng ngoan ngoản và đạo đức hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 5.8.2008

Có xe hơi

Tối nay mình đang lái xe ngoài đường thì Bank gọi đến hỏi:

- Cha có rảnh không?

- Em cần gì vậy? - Mình hỏi.

- Nếu cha rảnh thì tụi con nhờ cha giúp con học bài tiếng Anh. Ngày mai tụi con phải thi.

- Được rồi. Khoảng 5 phút nữa cha sẽ về đến nhà.

Một lúc sau thì Bank, Nat, và Boat chạy xe đến nhà xứ. Mình ngồi giúp giải thích những bài tập tiếng Anh cho chúng. Giờ đây ba em làm bài tập. Mình ngồi không. Thỉnh thoảng nó không hiểu từ thì nhờ mình giải thích. Mình thấy ngồi không cũng tốn thời giờ nên đem máy ra viết nhật ký.

Bọn học sinh ở đây học tiếng Anh năm này qua năm khác, nhưng ít đứa hiểu được bài đọc. Bài thi tiếng Anh cũng khó. Thầy cô giáo ở trường nói tiếng Anh cũng không chính xác. Mình không hiểu chúng nó thi như thế nào được.

Tuần qua mình đến trường dạy học sinh lớp 10 và 11. Mình hỏi những câu rất đơn giản nhưng bọn học sinh trả lời không được. Đây là hậu quả của một lối giáo dục chỉ học bằng sách vở mà không biết thực hành.

Tuần này mình đang tập lái xe tay. Từ trước đến giờ mình chưa bao giờ lái xe tay nên chạy không được. Giờ đây giáo phận giao cho mình một chiếc xe pick up truck đời nào cũng không rõ. Cha Trực đưa nó từ trên Udon Thani về. Khi về đến nhà, mình hỏi: - Xe chạy có được không?

Anh Trực trả lời: - Xe này đi xuống dốc thì nhanh lắm. Nhưng đi lên đồi thì hơi chậm.

Anh Trực tập cho mình chạy xe tay. Mình ngồi lên xe nổ máy. Máy nổ lên xe rung thật mạnh. Mình đạp clutch để sang số thì tự nghỉ, nếu chạy xe này nhiều thì khỏi phải tập thể dục chân trái.

Mặc dầu xe cũ kỷ, đã có gần 450,000 km, nhưng có vẫn hơn không. Tập chạy xe tay quen, mỗi lần đi xa không cần phải nhờ người khác đưa hoặc là mượn xe người khác. Việc đi lại sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dạo này giá xăng dầu lên cao, có xe thì cũng có nghĩa chi phí sẽ gia tăng. Nghĩ lại thấy chạy cái xe máy mà tiết kiệm được nhiều tiền. Vì vậy nên nếu đi lại trong thành phố thì cũng phải dũng cái xe máy cho vui.

Nong Bua Lamphu, ngày 5.8.2008