Kết thúc một chuyến đi


Mặc dầu đoàn hành hương của mình tranh thủ lên đường khá sớm, và thủ tục các cửa khẩu tương đối nhanh chóng, nhưng vì những điều kiện khách quan như trời mưa, các công trình sửa đường, và có những chặng đường gồ ghề, v.v. mà đoàn cũng chỉ trở lại nơi xuất phát ngày đầu tiên khi đã gần 7 giờ tối. Ngày lên đường đi Việt Nam từ Nakhon Phanom, trời mưa dầm dề. Ngày trở về Nakhon Phanom từ Việt Nam, trời mưa to hơn nữa. Chỉ có một điều, có thể là hồng ân của Chúa ban đặc biệt cho đoàn là suốt những ngày đi hành hương tại Việt Nam thì trời không mưa mà cũng không nắng. Thời tiết mát mẻ và dễ chịu ở tất cả mọi địa điểm mà đoàn đi đến.

Đến Nakhon Phanom trời mưa to, hành khách lại mỗi nhóm muốn xuống mỗi nơi khác nhau, đồ đạc mua sắm tại Việt Nam chất đầy xe nên có phần phức tạp. Ngày lên đường đi hành hương, xe rất gọn gàng vì chỉ có ít đồ. Nhưng ngày về thì nào là tượng ảnh, đồ lưu niệm, nào là bánh trái, cà phê, v.v. Chỉ một mình Bác Mày có tới 3 giỏ lớn chứa những đồ đạc đã sắm để đem về làm quà cho gia đình và người thân. Khi còn ở Việt Nam, bác muốn mua sắm nhưng sợ không mang lên máy bay được vì hành lý cho phép hạn chế. Mình nói với Bác mình có thể giúp bác đưa về Bangkok được vì mình sẽ trở về Bangkok từ Nakhon Phanom bằng xe đò, không đi máy bay. Thế là bác “tung hoành” và mua đủ thứ đồ mà bác ưa thích. Bác là một trong số hành khách mà không bỏ qua bất cứ điểm mua sắm nào cho dù đó là cửa tiệm bán tượng ảnh ở các nhà thờ hay là cửa hàng miễn thuế ở các cửa khẩu.

Đến khi xong việc vào lúc 7h30 tối, mình, Hải, và chị Tâm (nhóm tổ chức tour) lên taxi để ra bến xe bắt xe đò về Bangkok. Nhưng trên đường đi thì được biết giờ đó không còn xe đò nữa. Ba người quay lại khách sạn I-Hotel để tìm cách giải quyết. Trong ba người, Hải là người cần phải gấp rút về lại Bangkok vì sáng hôm sau phải đón đoàn khách du lịch từ Việt Nam. Mình và chị Tâm không gấp rút, nhưng mình cũng nóng lòng muốn về lại Bangkok để làm những việc khác nên không muốn lưu lại một đêm ở Nakhon Phanom. Chị Tâm và Hải liên lạc để thuê xe đi tới bến xe Khon Kaen vì ở đó có chuyến xe cuối cùng là 1 giờ sáng. Tuy nhiên, vì đường mưa, tài xe taxi không chắc đến kịp giờ, nên mình sợ hỏng việc. Sau khi cân nhắc về các phương tiện xe và giá cả, cuối cùng mình quyết định bao một chiếc xe taxi đi thẳng về Bangkok với giá 7,000 baht. Nhờ sự sắp xếp của anh tài xế mà chiếc xe taxi nhỏ bé 5 chỗ ngồi đã chứa hết cả ba người cộng thêm tất cả những hành lý của khách cũng như của bác Mày gởi đưa về.

Xe rời khỏi Nakhon Phanom lúc 9g tối. Trời vẫn mưa to. Chị Tâm nhắc anh tài xế không cần phải gấp vội, nếu buồn ngủ thì dừng lại nghỉ ngơi. Đi khoảng 45 phút, xe ghé vào một trạm xăng. Ba chị em vào tiệm 7-Eleven để mua thức ăn tối. Chị Tâm ăn cơm hộp. Mình và Hải mua hai mì gói tô và bỏ thêm trứng vào. Ăn xong xe tiếp tục lên đường.

Khoảng hơn hai giờ sáng, anh lái taxi chạy vào một tiệm sửa xe. Anh nói lốp xe bị hỏng, phải vá. Trong khi thợ vá xe, mình và Hải ngồi trong xe ngủ. Chị Tâm nằm nghỉ trên cái võng trước cửa tiệm. Mất gần 30 phút, lốp xe được sửa xong.

Đến gần 5h sáng, mình đang ngủ lại tỉnh dậy. Thấy xe đang chạy vào một trạm kiểm sóat. Có cả trên chục người đang thi hành nhiệm vụ, cả cảnh sát lẫn lính tráng. Mình không bất ngờ vì trước khi lên xe thì anh tài xế đã nói là khả năng mình sẽ bị dừng lại để kiểm tra rất cao trên tuyến đường này. Không ai cảm thấy lo lắng vì mọi người đều có giấy tờ hợp pháp. Cảnh sát thấy trên xe có nhiều đồ đạc nên muốn kiểm tra. Ông cảnh sát yêu cầu xem hộ chiếu của mình. Mình đưa cho ông xem. Họ bắt chị Tâm mở va li của chị ra cho họ xem. Rồi các giỏ đồ của bác Mày họ cũng muốn kiểm trả. Mở ra ông cảnh sát thấy cà phê Việt Nam. Ông ta khen hiệu cà phê này ngon. Ông đã từng uống cà phê này. Kiểm tra đồ đạc chỉ toàn thấy đồ lưu niệm, bánh trái, v.v. mà không thấy gì khả nghi hay bất hợp pháp như ma túy nên họ cho xe tiếp tục đi.

Xe tiếp tục lên đường. Anh tài xế nói sẽ cố gắng đến Bangkok trước giờ cao điểm để tránh kẹt xe. Và cuối cùng, sau 10 tiếng đồng hồ từ khi xuất phát từ Nakhon Phanom thì mình cũng đã về tới nhà tại Bangkok. Mình đưa toàn bộ hành lý của mình và đồ đạc của bác Mày lên phòng. Ngày mai con gái của bác sẽ ghé qua để nhận lại. Tạ ơn Chúa đã về đến nhà bình an. Cho dù chuyến đi về có nhiều trục trặc, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến chương trình hành hương của mình.  Mình đã tổ chức một chương trình hành hương tốt đẹp và đạt được kết quả như mong muốn. Mọi vất vả cũng đã được Chúa trả công thỏa đáng bằng việc ban cho thời tiết thật thuận tiện trong suốt chuyến đi, và đến mỗi nơi đều có những trãi nghiệm rất đặc biệt cho những vị khách hành hương của mình.

Bangkok, ngày 29.7.2015

Năm ngày hành hương Việt Nam



Năm giờ sáng, mình kéo hành lý xuống sảnh khách sạn, mang chìa khóa đến khu vực tiếp tân để trả chìa khóa phòng. Counter tiếp tân tối om. Nhân viên tiếp tân đang nằm ngủ trong mùng phía sau bàn. Nghe tiếng người, anh ta hỏi: - Anh trả phòng hả?

-Vâng tôi trả phòng.

- Răng anh trả phòng sớm rứa?

- Tôi phải đi ra ngoài có tí việc.

Thật ra thì mình chẳng có việc gì cả. Chỉ có ý muốn ra ngoài uống cà phê khi trời còn tinh mơ sáng để thưởng thức cái không khí yên tĩnh trong những giây phút đầu tiên của bình mình. Nhưng kế hoạch không thành vì khi bước ra trước khách sạn thì trời đang mưa. Mặc dầu chỉ mưa nhẹ nhưng cũng đủ ướt để làm mình không thể đi ra ngoài, mà cũng không thấy có ai bán cà phê để mua.

Mình trở lại bên trong sảnh khách sạn để ngồi chờ đoàn xuống ăn sáng. Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến hành hương Việt Nam. Sáng nay, đoàn sẽ điểm tâm ở khách sạn ở Huế, rồi qua dòng Thánh Tâm để dâng lễ sáng, và nhanh chóng lên xe để trở lại Thái Lan. Vì đường dài và phải mất thời giờ làm thủ tục qua bốn cửa khẩu nên phải tranh thủ.

Thế là coi như chương trình hành hương cũng đã chấm dứt, mặc dầu vẫn còn chuyến đi trở lại Thái Lan từ Việt Nam. Quá trình năm ngày bốn đêm xem ra không dài, nhưng khi nhìn lại tất cả những  sinh hoạt của đoàn, những nơi tham quan và thăm viếng, những người đã gặp gỡ, những  thánh lễ đã dâng, và những câu chuyện đã chia sẻ thì những ngày ngắn ngủi vừa qua thật là phong phú và đặc biệt.

Mình cũng như những cộng sự với mình đã nỗ lực hết mình để tổ chức một chương trình hành hương và du lịch thú vị và có ý nghĩa cho đoàn. Mặc dầu ngân sách để tổ chức vô cùng hạn chế, nhưng ban tổ chức vẫn quan điểm rằng điều quan trọng là mình mang lại cho mọi người trong đoàn những ấn tượng tốt về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam.

Mình tin rằng điều đó đã được thực hiện như mong muốn. Chỉ sang ngày thứ hai của chương trình mà đã có người hỏi, “Khi nào cha sẽ tổ chức nữa? Cha mà tổ chức nữa ta tôi sẽ đi.” Sang ngày thứ ba đã có nhiều người hỏi, “Cha tổ chức chuyến này có bị lỗ vốn không?” Mình chỉ mỉm cười trả lời, “Tôi không ngại lỗ vốn nếu như tôi và mọi người lời về ơn phúc.”

Tối hôm qua mình đã tổ chức cho đoàn dùng bữa ăn tối tại nhà thờ chán tòa Phủ Cam. Cha Hiếu Trung là cha phó tại Phủ Cam đã tụ họp hơn 100 bạn trẻ và các em thiếu nhi đến để giao lưu với đoàn. Các em ca hát, nhảy múa, sinh hoạt và thể hiện tinh thần đón tiếp hết mình làm cho mọi người trong đoàn vô cùng phần khởi. Cô Fon chia sẻ rằng, “Nhìn thấy lòng đạo đức và sự  hăng say của các em làm cho mình muốn chảy nước mắt.”

Cha Kriengkray chia sẻ trong bữa ăn, “Nhìn thấy sức sống và sự năng động của các con làm cho cha có thêm nghị lức để trở lại giáo xứ của cha để xây dựng nhóm giới trẻ ở đó được mạnh mẻ hơn.”

Seour Jai bày tỏ sự ao ước trong tương lai sẽ có dịp quay lại đây để gặp gỡ, giao lưu với các bạn trẻ, đặc biệt là tìm những bạn nữ có ơn gọi thánh hiến để gia nhập hội dòng của seour tại Thái Lan.

Bây giờ đã hơn 5:30 sáng. Một số người đã xuống trả phòng và ăn sáng. Một giờ đồng hồ nữa, mình sẽ dâng Thánh lễ. Thánh lễ này là thánh lễ tạ ơn. Mình chỉ biết tạ ơn Chúa vì tất cả những hồng ân mà Chúa đã ban cho mình và mọi người trong đoàn suốt chuyến đi này.

Huế, ngày 28.7.2015




Đi làm visa truyền giáo


Hôm nay chưa tới 4g sáng mình đã thức dậy để chuẩn bị ra sân bay đón chuyến bay sớm nhất đi tỉnh Udon Thani để gia hạn vi-sa. Cứ mỗi năm vào dịp tháng bảy là mình phải đến sở di trú ở đây để làm thủ tục gia hạn. Trên thực tế thì đây chỉ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình làm thủ tục. Vì trước đó khoảng ba bốn tháng là mình đã phải nộp hồ sơ cho văn phòng giáo phận để họ bắt đầu làm thủ tục để gia hạn giấy phép làm việc. Sau khi hoàn tất việc này thì văn phòng của giáo phận sẽ chuẩn bị cho mình một sấp hồ sơ bao gồm đủ thứ giấy tờ để mang đến sở di trú để gia hạn vi-sa. Thị thực của mình là loại dành cho người truyền giáo với thời hạn một năm.

Trước đây mình làm việc trong giáo phận Udon Thani nên việc đến sở di trú để gia hạn thị thực không phải là chuyện khó. Tuy nhiên, từ ngày mình chuyển về Bangkok thì việc này trở nên bất tiện hơn. Vì giữa hai nơi cách nhau trên 500km nên mình phải đi lại bằng máy bay để tiết kiệm thời giờ. Tuy nhiên, chi phí đi lại thì còn mắc hơn phí làm thị thực nữa.

Hai năm  qua mình đã phải làm như vậy. Mình không thể gia hạn ở Bangkok vì tổ chức bảo lãnh cho mình là giáo phận Udon Thani. Vì lấy địa chỉ ở đây nên buộc phải đến địa phương để làm thủ thục. Năm này mình cũng thế. Nhưng năm này bổng nhiên ông hải quan cho mình biết là không thể đóng dấu một năm như mọi khi mà phải quay lại sau một tháng để biết kết quả việc cứu xét. Có nghĩa là chính phủ Thái Lan đã ban hành luật mới làm mất thời giờ hơn cho người cần gia hạn thị thực. Nếu mình ở Udon Thani thì luật mới này gây thêm một chút phiền phức nhưng vẫn chấp nhận được, nhưng vì mình ở Bangkok nên điều luật này trở nên vô cùng phiền phức và tốn kém. Chi phí đi lại cũng như thời giờ bổng nhiên nhân gấp đôi.

Nhưng luật là luật nên mình không còn cách nào ngoài việc chấp hành nếu muốn tiếp tục duy trì cái vi-sa truyền giáo mà mình đã xử dụng suốt thời gian qua. Dù sao đi nữa thì có được nó cũng đã tốt lắm rồi vì hiện này vẫn có nhiều nhà truyền giáo có nhu cầu có được cái thị thực này để phục vụ tại Thái Lan nhưng không được vì chính phủ Thái hạn chế số lượng thị thực truyền giáo tại đất nước này. Nói cho cùng thì Thái Lan vẫn là một đất nước Phật giáo và không phải họ sẽ luôn sẵn sàng để cho các nhà truyền giáo Kito giáo đến đây để hoạt động mà không có những hạn chế và rào cản.

Sân bay Udon Thani, ngày 3.7.2015