Trở về bụi tro



Sáng nay vừa lái xe ra khỏi nhà để đi dạy ở tiểu chủng viện tại tỉnh Udon Thani chưa được 10 phút thì nhận được cuộc điện thoại từ cô Fốn. Cô Fốn hỏi: - Cha đang ở đâu?

- Tôi đang trên đường đi Udon Thani.

- Cha ơi, tình trạng của anh Uthai ở bệnh viện đang trầm trọng.

- Trầm trọng như thế nào?

- Bác sĩ nói có lẽ cũng không qua nỗi.

- Đến chiều nay có được không?

- Có lẽ không được.

- Vậy thì để tôi quay lại bệnh viện rồi sau đó tôi đi dạy cũng được.

- Vâng.

Sau khi cúp điện thoại, mình quay xe về hướng bệnh viện tỉnh Nong Bua Lamphu. Khi bước vào căn phòng tập thể dành cho hàng chục bệnh nhân thì gặp bà M. vợ của anh Uthai. Bác sĩ đang giải thích cho bà về tình hình của anh ta và bảo bà hãy quyết định có nên hô hấp cho anh hay không. Mới đầu bà M. nói là muốn hô hấp nhưng sau đó, nghe bác sĩ nói là vì não anh không còn hoạt động nữa, nên hô hấp rồi thì phải đeo ống và cũng không tĩnh dậy được thì bà đổi ý.

Mình nhìn vào máy đo nhịp tim thấy chỉ còn 36. Khi mới vào thì nhịp tim là 40. Mình muốn đọc kinh cầu cho anh Uthai nhưng phát hiện ra mình không có chuổi tràn hạt trong tay nên chạy ra bãi đậu xe để lấy. Khi trở lại phòng bệnh sau vài phút thì thấy chiếc màn màu xanh dương xung quanh giường của anh Uthai đã kéo lại. Máy đo nhịp tim của anh bây giờ hiện lên con số 0. Anh đã tắt thở sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh AIDS.

Mình ở lại với bà M. để an ủi bà và người thân của anh Uthai cho đến hơn 9h sáng thì lên đường đến Udon Thani để dạy học. Vì hôm nay là buổi dạy cuối cùng trước khi các chủng sinh nghỉ hè nên mình không muốn hủy bỏ giờ dạy. Buổi học đáng ra bắt đầu lúc 8h sáng đã bị đình trể đến hai giờ đồng hồ.

Đến 12h trưa thì học xong và mình chúc các chủng sinh một kỳ nghỉ vui vẻ, cũng như thành công trong năm tới khi các em sẽ chuyển lên đại chủng viện. Một chủng sinh đại diện cho lớp đứng lên cám ơn và nói rằng rất thích khi được học tiếng Anh với mình cũng như ước gì được học nhiều hơn.

Khi rời khỏi tiểu chủng viện, mặc dầu trong bụng đã đói nhiều vì ăn chay, nhưng mình phải lật đật chạy đến bệnh viện tại Udon để khám sức khỏe để làm thủ tục cho việc gia hạn bằng lái xe. Cầm được tờ giấy trong tay rồi thì chạy về văn phòng giáo phận để gặp cô Fốn và lấy thêm những giấy tờ cần thiết khác. Nghĩ là sẽ được việc khi bước vào cơ quan giao thông để làm thủ tục. Nhưng hóa ra sự việc không đơn giản. Anh cán bộ ngồi sau quầy nhận hồ sơ, xem qua, rồi lại phán: - Nếu anh muốn làm lại bằng lái hôm nay thì anh sẽ phải thi lại và chúng tôi chỉ có thể cấp cho anh bằng lái một năm. Nhưng nếu anh đến ngày mai để gia hạn, vì bằng của anh hết hạn vào ngày mai, thì anh không phải thi lại, và chúng tôi sẽ cấp cho anh bằng lái 5 năm.

Hóa ra gia hạn bằng lái phải gia hạn vào đúng ngày hết hạn, không được trước dù chỉ một ngày. Với tâm trạng thất vọng, mình ôm đống giấy tờ ra về đợi ngày mai quay lại làm thủ tục gia hạn bằng lái. Chỉ mong ngày mai cán bộ sẽ không phán điều gì đó khiến cho mình bị treo giò vì bằng cũ đã hết hạn mà bằng mới thì chưa làm xong.

Chiều về làm lễ tro xong, mình chạy ra chợ đêm mua thức ăn về nhà ăn. Mình đi chung với một bạn trẻ trong giáo xứ. Nhiều người nhìn chăm vào mặt mình vì họ thấy vết tro trên trán của mình. Chắn chắn họ không hiểu tại sao có vết đen trên trán. Ở đây ai cũng theo Phật giáo. Ít ai hiểu rằng Kitô giáo là gì, nói gì đến chuyện hiểu về Mùa Chay hoặc Lễ Tro. Mình cứ thản nhiên đi đến hàng bán gỏi đu đủ, quầy bán trứng gà, rồi hàng bán rau xanh. Nhiều người nhìn mình nhưng không ai hỏi. Em Tèng đi chung với mình nói: - Ước gì họ hỏi chúng ta để chúng ta có cơ hội trả lời cho họ hiểu về ý nghĩa của vết tro trên trán của chúng ta.

Bây giờ đã khuya. Một ngày dài đã trôi qua với nhiều sinh hoạt. Mình khá mệt. Thời tiết lại nóng bức. Hôm nay nhiệt độ lên đến 37*C. Đi ngoài trời ban ngày như bị lửa đốt. Ngày mai anh Uthai sẽ được hỏa táng. Những con vi trùng HIV sẽ không còn trong người anh nữa. Linh hồn anh đã được thoát ra khỏi thân xác tàn tạ. Linh hồn ấy giờ đi về đâu chỉ có Chúa mới biết. Mặc dầu anh không theo đạo Công giáo, mình vẫn cầu xin cho anh được đón nhận vào bàn tay yêu thương và tha thứ của Ngài.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.2.2009

Trời nóng


Mình đi Bangkok về hôm qua sau những ngày dẫn cha Thiên và Khánh đi tham quan thành phố thủ đô nước Thái. Từ ngày rời Bangkok để dọn đến làm việc truyền giáo tại Nong Bua Lamphu, mình đã quen với lối sống bình dị và không khí trong lành ở vùng quê. Nay trở lại Bangkok thấy đời sống thật phức tạp và náo nhiệt. Việc đi lại tuy dễ dàng vì có nhiều phương tiện giao thông, nhưng cái nào cũng tốn tiền.

Khánh thì rất ấn tượng với đời sống hiện đại của Bangkok và không ngừng so sánh với đời sống và môi trường ở Việt Nam. Cha Thiên thì có đem máy chụp hình đi nhưng không chụp được nhiều hình vì anh không mấy ấn tượng với đời sống đô thị.

Trở lại Nong Bua Lamphu thấy thời tiết ở đây nóng hẳn lên, vừa nóng vừa oi bức. Có lẽ vì thế mà cách đây năm phút thì một cơn mưa lớn đã trào xuống để vở tan cái nóng nực hôm nay. Cơn mưa chẳng kéo dài bao lâu, chỉ là một cơn mưa giông, nhưng cũng đủ làm cho không khí dễ chịu hơn.

Hôm nay là một tối thứ bảy thất thường. Các bạn trẻ Việt Nam ai cũng bận việc nên không đến chơi. Từ sáng mình đưa một nhóm đi mừng lễ quan thầy ở Pon Sung, một làng Công giáo cách đây khoảng 150 cây số. Chiều về đến nhà thì chúng nó ở lại chơi một lúc rồi ra về. Vì thế nên tối nay rất yên tỉnh. Thằng Khánh nói từ ngày nó đến đây, tối nay là lần đầu tiên nó ở nhà một mình với mình. Những ngày khác luôn có người khác ở chung trong giáo xứ.

Tuần qua bề trên tỉnh dòng từ Úc đến thăm và làm việc với cộng đoàn. Ngài cũng đi gặp ĐGM để bàn về việc mục vụ của mình và anh Trực tại giáo phận Udon Thani. Cuộc gặp gỡ không giải quyết được những thắc mắc mà hội dòng đang gặp phải với giáo phận. Tuy nhiên, qua cuộc gặp gỡ thì mình cũng được biết rằng ĐGM đã bổ nhiệm cho mình làm việc tại Nong Bua Lamphu với nhiệm kỳ 5 năm. Có lẽ đó là một thời gian vừa phải cho mình xây dựng giáo xứ cũng như thực hiện những chương trình để xây dựng giáo xứ và cộng đoàn.

5 năm cũng là một quảng thời gian dài. Sau khi xong nhiệm kỳ thì mình quả thực không còn là một linh mục trẻ nữa. Không biết trong thời gian này mình sẽ làm được những gì. Cũng muốn làm nhiều điều lắm, nhưng rồi không biết bản thân có khả năng tới đâu. Nhìn tới bổng nhiên thấy hơi sợ và thiếu tự tin. Mình sợ nhất là muốn làm nhiều, dự định nhiều, và nói nhiều, nhưng rồi cuối cùng kết quả không được bao nhiêu.

Nong Bua Lamphu, ngày 21.2.2009

Ngày dài


Hôm nay sau lễ Chúa Nhật mình cùng hội đồng giáo xứ lên xe đi tỉnh Muang Loei để thăm viếng và trao đổi với hội đồng giáo xứ ở đó. Nhà thờ cách giáo xứ của mình hơn 100 cây số. Cha xứ ở nhà thờ Muang Loei là cha Frank, một linh mục thuộc dòng OMI đến từ Phi Luật Tân. Mục đích của chuyến đi này là để cho thành viên trong HĐGX có dịp trao đổi và học hỏi từ những giáo xứ khác. Chuyến đi mất khoảng 1 tiếng rưởi thì đến nơi.Khi đến nơi đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi rất cởi mở và thân tình. Hai bên chia sẻ về hoàn cảnh của giáo xứ cũng như đưa ra những ý kiến để giúp cho giáo xứ phát triển.

Sau khi trao đổi xong thì mọi người cùng nhau ăn trưa với những món ăn Thái thuần túy rất ngon miệng. Vừa ăn vừa nói chuyện, ai nấy đều cho rằng chuyến đi này rất bổ ích về mặt tinh thần vì có dịp được làm quen với nhau cũng như học hỏi từ nhau. Mình cũng ngỏ lời với cha Frank rằng hy vọng sau này hai giáo xứ sẽ có dịp hợp tác với nhau để tổ chức những sinh hoạt chung.

Khoảng gần 3 giờ chiều thì đoàn lên xe trở về Nong Bua Lamphu. Nhưng trước khi rởi khỏi Loei thì đoàn cũng không quên ghé qua điểm bán me ngọt trong phố. Ở đây người ta bán me ngọt 100 baht 4 ký. Mình mua 4 ký đem về làm quà cho các bạn trẻ đang sinh hoạt tại nhà xứ.

Vừa về đến nơi thì cũng thấy cha Trực đã đến Nong Bua Lamphu cùng cha bề trên từ Úc qua thăm viếng và họp với anh em trong dòng. Thế là mình qua nhà thầy Ron để họp cộng đoàn về những sinh hoạt của hội dòng tại Thái Lan. Ngày mai bề trên sẽ có một cuộc họp với ĐGM tại Udon Thani để giải quyết một số vấn đề khúc mắc liên quan đến sinh hoạt của hội dòng trong giáo phận của Ngài.

Cha Tim và thầy Ron sẽ đi họp với ĐGM. Mình sẽ không có mặt trong cuộc họp này vì mình sẽ phải đi Bangkok sớm mai. Lý do đi là vì có cha Thiên từ Úc sang. Đây là lần đầu tiên cha đến Thái Lan. Cha muốn đi tham quan, nhưng không biết cáh đi nên nhờ mình xuống dẫn đường. Mình nhờ có cha Trực đến giúp trông nom xứ nên cũng có thời giờ để làm hướng dẫn viên du lịch cho cha Thiên vài ngày. Dĩ nhiên thì mình cũng sẽ dùng cơ hội này để làm một số việc khác tại Bangkok.

Họp và ăn tối với các cha và các thầy xong thì trở về giáo xứ với cha Trực. Thằng Tuấn tuần nay bị cảm mãi không khỏi. Mình kêu nó nằm xuống làm massage Thái và cạo gió cho nó. Tối qua mình massage bằng dầu nóng. Nó nói hôm nay có phần đỡ hơn, nhưng chưa lành nên hôm nay cạo gió. Lưng nó có rất nhiều gió, cạo đến đâu bầm tím tới đó. Mình học nghệ thuật massage Thái cũng giúp được người khác phần nào. Chỉ có điều là giờ này mình cũng mệt mỏi, nhưng không ai massage cho mình được cả.

Bây giờ cũng đã khuya rồi. Mai phải ra sân bay sớm. Áo quần vẫn chưa cho vào vali. Nhưng mắt thì trịu xuống cả rồi vì thực sự buồn ngủ.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.2.2009

Dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ Việt Nam


Các bạn trẻ Việt Nam bây giờ không còn muốn học tiếng Thái nữa mà thích thú với việc học tiếng Anh hơn. Mình đã dạy tiếng Anh cho các bạn khoảng một tháng. Có 5 đứa học, 3 đứa học tương đối nhanh, 2 đứa học chậm. Các bạn cũng cần cù, và có lẽ nắm được ngôn ngữ tốt hơn bọn học sinh người Thái mà mình dạy ở trường. Dù sao thì học một nhóm ít người cũng dễ tiếp thu hơn trong lớp mấy chục đứa.

Mình là một thầy giáo cộc tính. Nhiều khi tụi nó quên những luật văn phạm đơn giản là mình nổi cáu lên làm tụi nó phải sợ. Thằng Đoàn thì cứ phát âm chữ "r" thành chữ "gi" sửa lui sửa tới bao nhiêu lần vẫn chưa được. Thằng Thưởng thì bị "ám ảnh" bởi cách phát âm của các thầy cô giáo thời còn học ở Việt Nam nên bây giờ từ "o'clock" thì nó cứ phát âm là "ơ-clock", hoặc chút "at" thì phát âm là "ớt".

Tối qua mình dạy cho tụi nó đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh. Sáng nay mình làm lễ bằng tiếng Anh bắt tụi nó phải đọc. Từ này trở đi mỗi lần bắt đầu và kết thúc buổi học sẽ đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh. Như thế sau này chắc chắn sẽ thuộc lòng.

Các bạn trẻ Việt Nam học tiếng Anh và hy vọng qua đó sẽ có một cái gì tốt đẹp hơn cho tương lai. Mình cũng hy vọng như thế.

Nong Bua Lamphu, ngày 14.2.2009

Đám cưới nghèo


Hôm qua khi đang nghỉ trưa trong phòng thì nhận được cuộc điện thoại số lạ. Trên đường giây là giọng của một cô gái.

- Thưa cha con là V. đây.

- V. hả? Có gì không em? - Mình hỏi.

- Thưa cha, con có chuyện muốn nhờ cha. Tối hôm nay con có lễ cưới. Con nhờ cha giúp trong thánh lễ.

- Ủa, em là người mà cha John vừa rao trong nhà thờ cách đây hai tuần phải không?

- Vâng, đúng rồi ạ.

- Vậy lễ cưới là tối nay à?

- Vâng.

- Vậy thì cha John sẽ cử hành thánh lễ còn chỉ cần mình giúp chuẩn bị bài hát phải không?

- Vâng.

- Lễ mấy giờ?

- Thưa cha 7 giờ.

- Thế à. Mình không biết có đi được không vì 6 giờ tối mình phải làm lễ ở giáo xứ. Nếu mình sắp xếp với các seour ở đây để thay đổi giờ lễ được thì mới đi.

Nói chuyện điện thoại xong mình lật đật leo xuống giường để đi tìm các seour hẹn giờ lễ sớm hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau đó thì mở máy vi tính ra để soạn các bài hát phù hợp với lễ cưới. Các bài hát lễ cưới mình không mấy rành, nhưng cuối cùng cũng tìm ra được những bài cần thiết.

Cô dâu và chú rễ là một cặp trai gái chỉ 22 tuổi, đang lao động tại Thái Lan. Chú rễ bên lương, lấy người công giáo nên phải theo đạo. Các bạn trẻ cho hay lý do có đám cưới sớm cũng ngoài ý muốn.

Tối qua mình không đi Udon một mình mà còn kéo theo một xe 7 người nữa. Khi lễ lạt xong xuôi trở lại Nong Bua Lamphu thì cũng đã 10 giờ tối. Trên đường về nhà thì thằng Điệp gọi cho thằng Giáp và nói là đang luộc hột vịt lộn mà nó mới đem qua từ Việt Nam. Giáp hỏi nó có đủ cho 7-8 người không. Thằng Điệp nói là mỗi người được hai quả. Thằng Giáp nói vậy thì được. Nó xung phong đi mua bia để về uống với vịt lộn.

Các bạn trẻ ở trên tầng 3 của một tòa nhà trong trường học mà các bạn làm việc. Nơi ở sách sẽ và thoáng mát. Tụi nó trải chiếu ra ở hành làng bên ngoài phòng ngủ để thưởng thức món hột vịt lộn với bia Leo.

Đến 11 giờ mình bảo những đứa khác không làm việc ở trường phải về để cho anh em đi ngủ để hôm sau đi làm. Thế là cuộc họp mặt kết thúc. Người vào phòng ngủ, người ra về nhà trọ. Mình trở về căn nhà xứ yên tĩnh và ấm cúng của mình. Đời sống truyền giáo đôi khi cũng giản dị đến mức không thể tưởng tượng được.

Nong Bua Lamphu, ngày 10.2.2009

Chuyện cuối tuần





Hôm nay cha Frank từ Muang Loei đưa giáo dân và giới trẻ ở giáo xứ cha đến thăm viếng nhà trẻ mồ côi, TT ĐMHCG, và giao lưu với giới trẻ trong giáo xứ của mình. Giáo dân của cha Frank rất vui vẻ và thân thiện. Họ đến nấu thức ăn mời các em trong nhà trẻ cũng như những bệnh nhân trong TTĐMHCG.


Buổi chiều thì đến phiên mình đãi cha Frank và giáo dân của ngài với một bữa B-B-Q với những món ăn thịt nướng, cá nướng, và những món ăn khác mà các bạn trẻ Việt Nam trong giáo xứ tự nấu. Đầu bếp chính là Khánh. Khánh không phải là thành viên của giới trẻ trong giáo xứ mà là một bạn trẻ từ Việt Nam đến Thái Lan để du lịch và thăm mình.


Quê Khánh ở Lăng Cô nên nói giọng huệ rặc. Trước đây mình cứ tưởng giọng miền trung thì nơi nào cũng giống nhau. Thế mà nghe giọng thằng Khánh, rồi so sánh với mấy đứa ở Nghệ An và Hà Tỉnh mới thấy là giọng nói mỗi nới khác nhau cực kỳ.


Khánh đến Thái Lan chơi bằng đường bộ. Nó đi xe đò từ Huế ra Hà Tỉnh. Rồi từ Hà Tỉnh bắt xe qua Viên Chăn, Lào. Rồi từ Lào sang Thái. Nhưng đến cửa khẩu Thái thì hải quan không cho vào vì nó bị nghi ngờ là người Việt tìm cách vào Thái Lan làm việc bất hợp pháp. Trong người nó chỉ có hơn 1000 baht (vài chục USD) trong khi luật Thái Lan đòi hỏi khách du lịch phải có trong người 20,000 baht mới được vào. Từ Lào nó gọi cho mình là không vào được. Mình phải lái xe 2 tiếng đồng hồ đến Nong Khai để bảo lãnh cho nó qua cửa khẩu.
Đi cùng Khánh trên chuyến xe có mấy người Việt Nam khác nữa. Họ qua Thái Lan để làm việc. Nhưng hải quan cũng không cho vào. Sau Tết người Việt Nam qua Thái rất đông. Họ thừa biết qua để làm gì. Mình bảo lãnh cho Khánh, những người khác cũng xin mình bảo lãnh cho họ. Mình đồng ý. Nhưng ông hải quan không chịu. Ông nói mình chỉ được bảo lãnh cho Khánh thôi. Cuối cùng thằng Khánh được qua cổng. Mấy người kia chỉ được qua sau khi chùi cho hải quan mỗi người 500 baht. Thà vậy còn hơn không.


Nong Bua Lamphu, ngày 7.2.2009









Làm thông dịch viên

Sáng nay ông Fred, một chuyên gia công tác xã hội trong lĩnh vực HIV/AIDS đến nói chuyện cho giới trẻ nghe về căn bệnh thế kỷ. Cuộc nói chuyện diễn ra sau thánh lễ Chúa Nhật. Mình gọi giới trẻ vào phòng học để nghe ông Fred nói chuyện.

Trong nhóm giới trẻ một nửa là người Thái, và một nửa là người Việt Nam. Người Thái không biết tiếng Việt, đa số người Việt không giỏi tiếng Thái. Còn không có đứa nào biết tiếng Anh. Ông Fred thì chỉ nói được tiếng Anh vì ông là người Mỹ.

Vì thế mình phải làm thông dịch viên cho ông Fred. Nhưng ở đây không chỉ thông dịch ra một thứ tiếng mà phải vừa tiếng Thái vừa tiếng Việt cho mọi người cùng hiểu. Cũng may là ông Fred trình bày rất ngắn gọn và vắn tắt nên những gì cần phải thông dịch không đến nổi khó khăn.

Cho các bạn trẻ có kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS là một điều rất quan trọng. Các bạn cũng có những câu hỏi rất thiết thực về những hành động hằng ngày mà có thể gây nguy hiểm cho chính mình.

Có bạn hỏi: Nặn mụn nhau có nguy hiểm không? Dùng bàn chải đánh răng có nguy hiểm không? Quan hệ tình dục qua đường miệng nguy hiểm như thế nào?

Buổi nói chuyện chỉ diễn ra chừng một giờ đồng hồ, quá ít để truyền đạt nhiều kiến thức. Tuy nhiên, chúng cũng đã được nghe những gì căn bản. Đặc biệt là ông Fred đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần nhìn vào những người bị nhiễm HIV với ánh mắt thiện cảm và yêu thương, chứ không phải chê ghét và ruồng bỏ. Ông Fred cũng khẳng định rằng chúng ta có thể chung sống với người bị nhiễm HIV mà không phải sợ hải bị lây lan. Như ông đã nói, chúng ta phải có những hành động nhất định mới có thể lây nhiễm được chứ không phải dễ mà bị nhiễm. Đó là việc quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và những hành vi thiếu đạo đức khác.

Ngày hôm nay các bạn trẻ đã ở nhà thờ suốt ngày. Sau cuộc nói chuyện một số bạn trẻ đi học đàn. Sau đó thì cùng nhau nấu và ăn trưa. Buổi chiều thì học giáo lý. Sau khi học giáo lý xong thì rủ nhau đi đá bóng và chơi bóng chuyền. Đến 6h tối thì trở lại giáo xứ nấu cơm và ăn tối. Ăn tối xong thì một số bạn trẻ về, một số còn lại đi học và làm bài tập tiếng Anh. Nhà xứ dạo này càng ngày càng vui nhộn. Đôi khi mình cũng mất đi thời gian yên tĩnh mà mình muốn có. Nhưng đó là điều mình phải hy sinh khi đã quyết định làm cho nhà thờ trở nên nơi lui tới của giới trẻ.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.2.2009