Nhật ký Rô-ma 8: Các nhà truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam


Trong tổng tu nghị lần này có một số linh mục Ngôi Lời người Việt Nam. Cha Đinh Đức Quang và cha Minh Hùng là giám tỉnh của hai tỉnh dòng Ngôi Lời—Chicago, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra có cha Nguyên là đại diện cho tỉnh dòng Việt Nam và mình là đại diện cho tỉnh dòng Úc. Ba cha SVD còn lại là cha Sâm, cha Trọng và cha Bảo là những người có chức vụ ở cấp tổng quyền hoặc có vai trò trong khâu tổ chức tổng tu nghị.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong tổng tu nghị của hội dòng có sự tham gia của các thành viên Việt Nam nhiều như thế. Điều này phần nào nói lên sự hiện diện và đóng góp của các nhà truyền giáo Ngôi Lời gốc Việt trong hội dòng ngày càng gia tăng. Hiện nay các nhà truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam đang phục vụ trên khắp năm châu, ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Nhật bản cũng như ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và nghèo khó như Zimbabwe, Togo... Các nhà truyền giáo Ngôi Lời nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, cả các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Tây ban nha, lẫn các ngôn ngữ thổ dân nhỏ bé ít ai biết đến—tuỳ theo nơi từng người được sai đến để phục vụ. 

Sẵn sàng được sai đi, học hỏi, hội nhập văn hoá và dấn thân trong sứ vụ truyền giáo là lý tưởng và lối sống của mỗi nhà truyền giáo Ngôi Lời bởi vì “Sự sống của Ngài là sự sống của chúng ta; Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.” Đó là viễn tưởng mà mỗi chủng sinh trong hội dòng được đào tạo để thấu hiểu và mỗi nhà truyền giáo Ngôi Lời phải hiện thực hoá trong đời sống và công việc phục vụ của mình.

Nemi, Ý, ngày 28.6.2018


Nhật ký Rô-ma 7: Môn đệ truyến giáo trong bối cảnh mới



Nhân dịp Tổng tu nghị lần thứ 18 của Dòng Ngôi Lời, hôm qua Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời đã cho ra mắt một tâp sách mới với tựa đề “Missionary Discipleship in the Glocal Contexts” (tạm dịch “Môn đệ truyền giáo trong những bối cảnh toàn cầu và địa phương”.

Tập sách gồm 21 chương, bao gồm những bài viết chủ yếu của các nhà truyền giáo Ngôi Lời là chuyên gia trong các lĩnh vực thần học, Kinh Thánh, tôn giáo học v.v. Tập sách chia thành ba phần. Phần thứ nhất nhìn vào những bối cảnh của thời đại mới như toàn cầu hóa, kỷ thuật số, môi trường… Phần hai đưa ra những nhận định về các bối cảnh này từ góc nhìn của thần học, kinh thánh, truyền giáo học…. Cuối cùng, phần ba trình bày về khái niệm môn đệ truyền giáo qua những kinh nghiệm thực tế của các nhà truyền giáo đang phục vụ ở những nơi khác nhau trên thế giới.

Đây là một tập sách với  nội dung đa dạng và phù hợp với những vấn đề của thời đại mới. Nó không chỉ đưa ra những lý thuyết mang tính học thuật, nhưng có sự áp dụng vào những bối cảnh cụ thể mà xã hội ngày nay gặp phải ở cấp địa phương cũng như toàn cầu. Dĩ nhiên những suy tư về Kính Thánh và thần học phải liên quan đến thực trạng đời sống trong mỗi xã hội và mỗi thời đại thì mới thiết thực và hữu ích cho đời sống tâm linh và tinh thần của con người.

Trong tập sách này, mình cũng có đóng góp một bài trong phần 1, đó là bài khảo sát về vấn nạn môi trường trong thời kỳ toàn cầu hóa. Trong bài viết, mình nhìn vào vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau—khoa học, chính trị, kinh tế, tâm linh… Quan điểm mình đưa ra là khủng hoảng môi trường là một vấn đề cần có sự hợp tác đa ngành mới có thể khắc phục được phần nào hậu quả gây ra bởi việc hủy hoại môi trường thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Đồng thời, vai trò của tôn giáo là không thể bỏ qua được bởi vì tiếng nói của tôn giáo trên thế giới vẫn là tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn đến các cá nhân và tập thể.

Vấn đề về môi trường thiên nhiên vẫn là một đề tài mà mình quan tâm và tìm cách trình bày qua các bài viết khác nhau. Trong tháng 3 vừa qua, tạp chí New Theology Review (Tạp chí Thần học mới) tại Hoa Kỳ đã cho phát hành một bài viết của mình với tựa đề “Chủ nghĩa nhân đạo Ki-tô giáo và đạo đức môi trường.” Liên quan đến vấn đề tôn giáo và môi trường thì mình không chỉ viết về Ki-tô giáo mà còn có một số bài viết từ quan điểm của triết học và linh đạo Phật giáo.

Nemi, Ý – ngày 26.6.2018

Nhật ký Rô-ma 6: Tổng tu nghị và bóng đá



Năm nay chương trình Tổng tu nghị diễn ra song song với giải bóng đá thế giới nên mỗi tối, một trong những phòng họp trở thành nơi tụ tập của các cha và thầy để xem bóng đá. Tại Rô-ma, giờ đá là 8g tối nên rất thuận tiện vì đúng sau giờ ăn tối. Tôi hôm qua là trận bóng đá giữa Đức và Thụy Điển. Vì cha tổng quyền là người Đức và trong số các tham dự viên Tổng tu nghị cũng có một số người Đức nên đội tuyển Đức được ưu ái một cách tuyệt đối. Vì trong Tổng tu nghị không có người Thụy Điển nên việc thiên vị đội tuyển Đức cũng không gây khó khăn gì.

Trận bóng giữa Đức và Thụy Điển rất căng thẳng cho tới những giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, đội tuyển Đức đã chiến thắng một cách xuýt xao nên ai cũng thở phào nhẹ nhỏm. Nhiều cha đến bắt tay cha tổng quyền cũng như cha bề trên tỉnh dòng Đức để chúc mừng chiến thắng.

Nếu giải bóng đá thể giới quy tụ nhiều quốc gia lại với nhau thì Tổng tu nghị của dòng cũng quy tụ các thành viên từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ khác điều là một nhà truyền giáo Ngôi Lời có thể xuất phát từ Philippines, nhưng lại phục vụ tại Me-xi-cô và nói thông thạo tiếng Tây ban nha. Có người xuất phát từ Indonesia nhưng phục vụ tại Nhật bản nên nói thông thạo tiếng Nhật. Tuy nhiên, trong cuộc họp thì chỉ dùng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và Tây ban nha. Sự phong phú và đa văn hóa của Dòng Ngôi Lời là đặc điểm mang giá trị chứng tá nói lên sự hiệp nhất trong sứ vụ giữa những sự khác biệt và đa dạng. Trong một thế giới tuy đa dạng nhưng ngày càng bị chia rẽ bởi những chủ nghĩa cực đoan thì sự hiệp nhất trong yêu thương mà Dòng Ngôi Lời hướng tới là tiếng nói và hành động mang tính tiên tri để khẳng định và đề cao một viễn tượng chất chứa tính nhân văn và tâm linh mà Hội dòng thực hiện trong sứ vụ của mình.

Nemi, Ý ngày 24.6.2018




Nhật ký Rô-ma 5: Gặp gỡ và lắng nghe lời huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô



Một trong những điều nổi bật trong chương trình tổng tu nghị của hội dòng Ngôi Lời là cơ hội cho toàn thể tham dự viên được diện kiến Đức Giáo Hoàng. Trong lần tổng tu nghị năm 2012, ĐGH Benedicto XVI đã đến trung tâm Ad Gentes của hội dòng tại Nemi và cuộc gặp gỡ với ngài đã diện ra tại đây. Trong tổng tu nghị lần này, việc diện kiến đã diễn ra trong phòng Thánh Clemens VIII tại Tòa thánh Vatican.

Sau khi các thủ tục cần thiết đã được hoàn tất thì các lính Thụy Sĩ trẻ đã hướng dẫn đoàn vào bên trong để chờ ĐTC. Lúc 13.00, ĐGH Phan-xi-cô đã bước vào phòng tiếp khách trước sự vui mừng của toàn thể mọi người trong căn phòng. Mặc dầu trong ngày, ĐTC có lịch làm việc và tiếp đón khá nhiều vị khách, nhưng trên khuôn mặt ngài vẫn nở nụ cười rất tươi.

Sau khi cha Tổng Quyền Heinz Kuluke, SVD giới thiệu vắn tắt với ĐTC về phái đoàn, ngài đã đứng dậy và đọc bài huấn dụ bằng tiếng Tây ban nha mà ngài thông thạo. Trong bài huấn dụ, ĐTC đã mời gọi các nhà truyền giáo Ngôi Lời phải đặt niềm tin vào sự quan phòng của Chúa qua đời sống cầu nguyện và việc cử hành các bí tích. Ngoài ra, sự tín thác vào Chúa còn được thể hiện qua việc dám mạo hiểm, dám để cho Chúa Thánh Thánh hoạt động trong chính mình. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc nhở Dòng Ngôi Lời phải ý thức về ân sủng của Dòng là công bố Lời Chúa đến mọi người, trong mọi nơi, mọi lúc và mọi văn hóa. ĐTC nói rằng để làm việc này đòi hỏi nhà truyền giáo Ngôi Lời phải tận dụng tất cả mọi phương tiện có được để đáp ứng thách đố của việc rao giảng lời Chúa cho những ai chưa biết đến Đức Ki-tô. Cuối cùng, ĐTC đã khuyến khích các nhà truyền giáo Ngôi Lời hãy sống sứ vụ truyền giáo trong các cộng đoàn chất chứa tình huynh đệ, yêu thương và tương trợ lẫn nhau. Mặc dầu các thành viên dòng Ngôi Lời đến từ nhiều văn hóa khác nhau, nhưng khả năng họ đồng hành với nhau trong tình huynh đệ sẽ là một lời chứng giá trị trong thế giới ngày nay. ĐTC nhắc nhở rằng, nếu các nhà truyền giáo Ngôi Lời không thể sống tinh thần cộng đoàn yêu thương thì sẽ khó để cho họ tiến ra bên ngoài để gặp gỡ những người khác, đồng thời làm việc để đối phó với những vấn đề liên quan đến công lý và hòa bình.

Ngoài đọc bài huấn dụ đã soạn sẵn, một vài lần ngài con nhìn lên để chia sẻ một cách tự phát, kêu gọi các nhà truyền giáo hãy trở lại với  nguồn gốc của mình qua những hành động quan tâm và yêu thương, đồng thời tưởng nhớ đến những nhà truyền giáo Ngôi Lời trẻ đã sống sứ mệnh của mình trên khắp năm châu, và đã nhắm mắt trên các vùng đất xa xôi như Châu phi, Châu á và khắp nơi trên thế giới.

Khi ĐTC đã kết thúc bài huấn dụ, ngài đã bỏ thời giờ ra để bắt tay với hết mọi người trong phái đoàn, và còn chụp hình lưu niệm chung với mọi người. Mặc dầu chương trình diện kiến không kéo dài nhiều giờ nhưng những ý tưởng trong bài huận dụ của ngài rất phù hợp với chủ đề của tổng tu nghị lần này là: Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng ta: Bám rễ trong Lời Chúa, và dấn thân trong sứ vụ của Ngài.

Những ý tưởng của ĐTC tuy ngắn gọn nhưng đủ sâu sắc để cho các thành viên trong hội dòng, cụ thể là trong Tổng tu nghị, suy gẫm và cân nhắc trong những ngày tới khi mọi người sẽ vạch ra đường lối hoạt động của Hội dòng trong những năm tới.

Nemi, Ý, ngày 23.6.2018

Nhật ký Rô-ma 4: Bên lề cuộc họp


Khi các nhà truyền giáo Ngôi Lời đến với nhau trong tổng tu nghị, không chỉ ở trong những giờ họp chính thức mới có sự trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. Xung quanh bàn ăn chính là lúc có rất nhiều câu chuyện, thông tin, trải nghiệm và ý kiến được chia sẻ và trao đổi một cách tự do và hăng hái. Đặc biệt khi những người đến tham dự đều là những nhà truyền giáo kỳ cựu đã từng phục vụ nhiều nơi trên thế giới, nói được nhiều thứ tiếng, và đảm nhận nhiều vai tro lãnh đạo khác nhau trong hội dòng.

Sáng nay mình ngồi cùng bàn với cha tổng quyền, và các cha đến từ Châu phi, Châu âu và Indonesia. Trong lúc đang điểm tâm câu chuyện về tình hình tại đất nước Zimbabwe được nhắc đến, đặc biệt sau khi tổng thống Mugabe bị phế truất và bị tố cáo với hàng loạt tội danh. Sự bất ổn tại Zimbabwe cũng như nhiều quốc gia tại Châu phi là nguyên do có rất nhiều trại tị nạn nơi những nạn nhân của chiến tranh và bạo lực tìm đến để trốn thoát cái chết và nghèo đói. Cha tổng quyền nói có khi số người tị nạn ở một quốc gia lên tới hàng triệu mà thế giới không ai đề cập tới. Có những vấn đề được nói đến thường xuyên, nhưng cũng có những con người và sự việc luôn bị lãng quên.

Ở trong một thế giới với nhiều bất an, ngày càng có sự chia rẻ bè phái theo xu hướng cực đoan, cha Tổng quyền nhắc nhở mọi người trong bàn ăn rằng đó chính là nơi các nhà truyền giáo như chúng ta phải dấn thân vào để đối phó với tình trạng xung đột và thiếu công lý. Thế giới càng đi ngược với những giá trị nước trời thì vai trò và tầm quan trọng của nhà truyền giáo càng gia tăng. 

Quả thật không chỉ ở trên bục giảng mà cha tổng quyền cũng như các nhà truyền giáo có thể trao cho nhau những lời đóng góp chân thành cho sứ vụ truyền giáo của mỗi người. Những lời nói đánh động và khích lệ tinh thần cũng có thể nói lên khi đang ngồi uống cà phê, trong bàn ăn, hoặc trong lúc cùng nhau tản bộ thư giản trong khuôn viên nhà dòng. 


Nemi, Ý, ngày 21.6.2018

Nhật ký Rô-ma 3: Nhận ra Thánh ý Chúa



Tổng tu nghị là cuộc họp quan trọng nhất trong bất cứ hội dòng nào. Đối với dòng Ngôi Lời, tổng tu nghị diễn ra sáu năm một lần. Địa điểm tổ chức là trung tâm Ad Gentes của dòng tại Nemi, cách Rô-ma khoảng 1 giờ đồng hồ lái xe. Đây là lần đầu tiên mình được tham dự tổng tu nghị của dòng trong vai trò là đại diện được cử đi bởi tỉnh dòng Úc châu. Ngoài người được cử đi thì cha bề trên tỉnh dòng cũng đi tham dự theo chức vụ của mình.

Tổng tu nghị là một sự kiện lớn đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị cũng như thời gian nhiều ngày để thực hiện. Chương trình của dòng kéo dài khoảng 1 tháng. Có dòng còn tổ chức tổng tu nghị lên tới 6 tuần. Đối với dòng Ngôi Lời, tổng tu nghị không chỉ là dịp để thảo luận những vấn đề quan trọng trong sứ vụ của hội dòng, lắng nghe báo cáo của cha tổng quyền và hội đồng tổng quyền, và vạch ra hướng đi cho hội dòng trong 6 năm tiếp theo, mà còn là một dịp để gặp gỡ, trò chuyện, và xây dựng những mối quan hệ mới giữa các thành viên trong hội dòng.  Vì các thành viên đến từ khắp năm châu nên bên cạnh một số khuôn mặt quen thuộc còn có rất nhiều khuôn mặt mới để gặp gỡ và làm quen.

Chương trình tổng tu nghị lần này nhấn mạnh khía cạnh tâm linh nên có nhiều giờ để chia sẻ trong các nhóm nhỏ và chia sẻ lời Chúa bênh cạnh giờ kinh nguyện và Thánh lễ. Hôm nay, ngày thứ ba của tổng tu nghị, mọi người được một ngày không phải để lắng nghe và thảo luận các vấn đề của hội dòng trên khắp thế giới, mà là nghe giảng tĩnh tâm, cầu nguyện và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Các bài giảng giúp cho mọi người hiểu được quá trình nhận ra Thánh ý Chúa trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc chung của dòng. Cha giảng phòng đã chia sẻ về cách mà vị thánh sáng lập Dòng Ngôi Lời, thánh Arnold Janssen đã nhận ra ý Chúa và đi đến những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của Hội dòng cho đến ngày hôm nay.

Đứng trước nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sứ vụ của Hội dòng trong tương lai, một ngày tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn và tinh thần quả thật là bổ ích cho các thành viên để cho những gì được quyết định trong những ngày tới sẽ đúng với Thánh ý của ngài. Mà quyết định gì phù hợp với thánh ý Chúa thì chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt lành.

Nemi, Ý, ngày 19.6.2018

Nhật ký Rô-ma 2: Những nét chưa được đẹp về Rô-ma



Tới Rô-ma lần đầu tiên, được đi viếng các nhà thờ nguy nga, lộng lẫy mang ý nghĩa to lớn về tâm linh, nghệ thuật và văn hóa, mình cảm thấy vô cùng khâm phục sự sáng tạo và khả năng của người Ý. Mình không hiểu họ làm như thế nào mà có thể xây những nhà thờ và các tòa nhà độc đáo như thế từ hàng ngìn năm trước. Ở đâu trong thành phố này người ta cũng có thể nhìn thấy những bằng chứng về một văn hóa và dân tộc đầy trí tuệ và sáng tạo.

Thế nhưng không biết từ khi nào người Ý đã buông thả để cho họ bị mất điểm trong sự đánh giá của người khác. Chỉ là lần đầu tiên tới đất nước này nên mình không biết những gì đã xảy ra cho đất nước và con người Ý trong lịch sử cận đại, nhưng có những thứ mình thấy nhan nhản trước mắt hoàn toàn đối nghịch với sự văn minh trong những kiệt tác về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa của họ.

Điều đầu tiên mình nhìn thấy khi rời khỏi sân bay cho đến khi về tới nhà dòng là những con đường đầy cỏ dại không có ai cắt tỉa. Hai bên đường người ta để cho cỏ mọc tự do. Tháng 6 thời tiết còn “xuân” nên thấy hoa dại nở vàng, tím đỏ cũng có phần đẹp. Nhưng đó là một nét đẹp dành cho những cánh đồng quê chứ không phù hợp với đường phố thủ đô, trong công viên, thậm chí trong khuôn viên các nhà thờ lớn như Vương cung thánh đường Thánh Phao-lô ngoại thành. Khi hỏi tại sao các con đường dường như bị bỏ bê thì được biết chính phủ Ý không muốn tốn kém ngân sách để dọn dẹp, trồng cây, tưới hoa…. Vì thế khi mùa hè lên cao thì cỏ dại trên đường sẽ khô héo và để lại một màu vàng úa.

Đường phố tại Rô-ma còn mất vẽ đẹp rất nhiều bởi người Ý hút thuốc và quăng tàn thuốc khắp mọi nơi. Thậm chí đang đứng chờ xe điện người ta vẫn có thể hút thuốc rất thản nhiên.Ở những xã hội tân tiến việc hút thuốc ở nơi công cộng ngày càng bị hạn chế bởi luật pháp hoặc ý thức con người, nhưng ở Ý dường như chưa đi theo xu hướng này. Thật đáng buồn khi trong Quãng trường thánh Phê-rô tại Vatican thấy có quá nhiều người hút thuốc và xả rác.

Thành phố Rô-ma cũng là một thành phố có rất nhiều graffiti (hình và chữ vẽ trên tường). Graffiti có thể là việc vẽ trên tường cổ mang tính nghệ thuật rất cao, nhưng graffiti muốn nói ở đây là hình và chữ vẽ bậy bạ trên tường của các tòa nhà, trạm xe buýt, xe điện, và những công trình công cộng khác làm cho thành phố mất tính thanh lịch và sạch sẽ. Mặc dầu Rô-ma là một thành phố có khách du lịch đến rất cao, và số tiền thu được từ ngành du lịch là khổng lồ, nhưng dường như tiền ấy không được dùng để làm sạch đường phố và tăng thêm vẽ đẹp sẵn có. Ở Rô-ma thì đa số những công trình thu hút khách du lịch đông đảo là những công trình của Giáo hội Công giáo. Cũng vì Giáo hội mà những công trình đó được bảo trì cho đến ngày hôm nay qua thời gian và những cuộc chiến tranh khác nhau.

Cái đẹp, cái tốt là điều mà người ta không chỉ phải cố gắng tìm ra và làm lên mà còn phải giữ gìn một cách liên tục. Một xã hội đã từng văn mình và hùng mạnh cũng có thể đi xuống nếu con người trong xã hội ấy không cầu tiến, không nỗ lực để duy trì những giá trị đã từng giúp cho họ thành công trong mọi lĩnh vực. Điều này lịch sữ đã chứng minh cho thấy rõ ràng trên khắp thế giới qua nhiều thời đại. Biết vậy, nhưng vẫn có những xã hội và những con người chỉ thích phô trương và khoe khoang những cái hay cái giỏi đã từng làm mà không biết nhìn nhận sự bê tha trong hiện tại. Họ thỏa mãn với đỉnh cao nào đó mà họ đã đạt tới trong quá khứ và ngụy biện cho sự thấp hèn trong hiện tại.  Những người như thế không thể đi lên mà cứ mãi mãi sống dựa trên sự vinh quang của một thời mà bây giờ không có ai ngoài bản thân họ nhận ra và không ngừng nhắc tới.

Rô-ma, ngày 15.6.2018