Chuyện đầu năm


Bây giờ chỉ là cuối ngày mồng hai Tết nhưng xem như Tết đã hết. Sau chương trình đón giao thừa và đốt pháo cũng như buổi tiệc ngày mồng một thì tối nay các bạn trẻ Việt Nam không đến thăm Tết nữa mà chỉ đến học tiếng Anh. Có mấy đứa ở lại nhà xứ ba ngày qua bây giờ cũng đã trở về nhà trọ của chúng. Sau khi thằng Thắng qua làm vệ sinh chiều nay thì căn nhà đã trở lại ngăn nắp và sạch sẽ như cũ. Tối qua thằng Đoàn quên đóng cửa phía sau nhà lại nên nhà đã bị hàng ngìn con muổi đột nhập vào. Thằng Thắng phải lấy chai thuốc xịt muổi/kiến xịch vào tất cả các phòng để giệt muổi. Muổi trúng thuốc bị say bay như điên rồi cuối cùng rơi xuống sàn nhà. Thằng Thắng quét cho vào thùng rác. Mùa này ở đây sao nhiều muổi quá chừng. Nhà mình bình thường rất kín nên ít muổi. Nhưng do các bạn trẻ đến chơi đông nên nhà không thể giữ được như ý mình muốn.

Dạo này bọn thanh niên hay nghe mình mắng vì tụi nó thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn nhà xứ. Trong nhà cứ cái này mất cái kia hỏng mà hỏi tới thì chẳng có đứa nào biết tại sao. Vô lý nhất là cái nắp đậy bồn nước rửa chén to đùng như thế mà cũng bị thất lạc thì thật là khó hiểu. Có khi học hành xong thì bàn ghế trong phòng học ngổn ngang mình phải nhắc mới chịu xếp đặt lại cho gọn gàng. Khi thì phát hiện ra điện cả nhà sáng trưng từ phòng này đến phòng khác mà không ai ở trong các phòng ấy. Thế là phải nhắc nhở. Có khi tụi nó thiếu ý thức phải chỉ. bảo. Tối hôm qua đang ăn tiệc mồng 1 thì thằng Tăng đem nguyên một quả pháo thiệt to bật nổ ngay trong phòng ăn làm mọi người giật cả mình. Còn xác pháo thì bay tứ tung.

Tối thứ bảy bọn thanh niên hay đến nhà xứ chơi rồi ở lại qua đêm để đi lễ sáng Chúa Nhật. Lễ 8h30 sáng nhưng mình ra quy định là trước lễ và sau lễ mọi người phải bước ra khỏi nhà xứ để khi giáo dân đến không thấy chúng lởn vởn bên trong nhà xứ sẽ nhìn không hay. Đôi khi tụi nó cũng quên, cứ làm như nhà xứ là nhà riêng của mình, muốn ra vào như thế nào cũng được. Mình cũng hay mắng, nhưng rồi hình như tụi nó không sợ mình cho mấy.

Tuy vậy, bọn thanh niên dạo này thấy có phần trưởng thành hơn. Trong đêm giao thừa, có đứa chia sẻ rằng: Trước đây khi ở Việt Nam con chỉ biết đi đánh đập phá hoại làng xóm. Nhưng từ khi đến ở gần cha con đã thay đổi rất nhiều. Vừa rồi cải cọ với mấy người ở Udon Thani con còn đi xin lỗi họ nữa. Trước đây con chưa bao giờ biết xin lỗi là gì.

Trong những ngày Tết các bạn trẻ Việt Nam đến chơi khá nhiều, lương có, giáo có. Giáp là một trong những bạn trẻ bên lương. Giáp nói: - Con biết cha rất cởi mở với mọi người nên con thấy rất thoải mái khi đến đây chơi. Con cũng luôn giới thiệu cho các bạn khác bên lương đến đây để cho họ biết cha. Còn chương trình mà cha muốn tụ họp các bạn trẻ Việt Nam để sinh hoạt thường xuyên thì con rất ủng hộ cha và sẽ cố gắng giúp cha.

Giáo xứ đang trở thành một nơi thu hút các bạn trẻ Việt Nam như mình đã dự định. Mình vẫn ý thức được rằng mình đến đây là để làm việc với người Thái chứ không chỉ với người Việt Nam. Tuy nhiên làm sao có thể bỏ quên các bạn khi chứng kiến đời sống chật vật của các bạn khi phải vất vả mưu sinh trên đất Thái Lan này. Mình vẫn nghĩ nếu không có mình thì sẽ còn ai nữa quan tâm đến họ. Vì thế nên cánh cửa của nhà xứ sẽ luôn luôn mở để đón tiếp các bạn trẻ lao động Việt Nam để giúp cho họ có một nơi nương tựa trong những ngày sinh sống xa nhà.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.1.2009

Niềm vui Tết


Thái Lan không có Tết Việt Nam như ở các nơi khác đông người Việt, nhưng mình cũng cố tạo niềm vui Tết cho chính mình và cho những bạn trẻ người Việt không được về quê ăn Tết. Trước nhà xứ mình dựng lên một cây mai (giả) với hai câu đối treo lủng lẳng trên trần nhà xuống để mừng Tết. Như thế thì Nong Bua Lamphu cũng đã có hoa vàng vào ngày Tết.

Tối qua mình đi làm lễ ở Chumphae. Một giáo dân người Thái gốc Hoa tặng mình một cặp bánh trong hộp đỏ thật đẹp.

Sáng nay mình phát bì lì xỉ cho bọn trẻ trong giáo xứ. Không biết ai vui hơn - tụi trẻ khi được bì lì xì hay là mình khi được trao cho bọn trẻ. Các seour cũng đến xin được lì xì nữa. Những nụ cười hân hoan chính là những gì mình muốn được nhìn thấy trên khuôn mặt mọi người trong dịp Tết.












Nong Bua Lamphu, ngày 25.1.2009




Làm đám cưới


Anh Jadet la mot người đàn ông ngoài 40 tuổi đang làm việc trong nhà mồ côi phía sau nhà thờ. Anh có trách nhiệm giúp các seour chăm sóc bọn trẻ. Trước đây đã có vợ, nhưng hai người đã chia tay. Anh có một đứa con, nhưng nó bị bệnh và đã qua đời từ nhỏ. Trước đây anh đã nói với mình là anh không có ý định lấy vợ lại lần nữa.

Chính vì thế mà hôm qua mình rất bất ngờ khi anh đến nói với mình là hôm nay sẽ đám cưới. Mình càng bất ngờ hơn khi anh lại nhờ mình làm nghi thức đám cưới cho anh. Mình hỏi tại sao nhờ mình mà không nhờ người khác? Anh nói là bên nhà thờ Tinh Lànhnơi anh đến sinh hoạt hiện nay không có mục sư.

- Nhưng tôi không thể làm phép cưới cho anh như một bí tích của Công giáo được. - Mình nói.

- Vâng, tôi hiểu như vậy. Tôi chỉ muốn nhờ cha cử hành nghi thức và ban phép lành thôi.

- Nếu anh hiểu như vậy thì tôi sẽ làm được. Ở đây là tôi chỉ là người làm chứng việc đám cưới của anh và là đai diện Chúa cầu nguyện cho anh.

Sáng hôm nay đúng 8h sáng, mình đã có mặt ở nhà anh Jadet để cử hành nghi thức đám cưới của anh. Mình sử dụng nghi thức hôn phối của người Công giáo với những thay đổi cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh. Lễ nghi diễn ra lúc 8h sáng vì sau đó mính phải lái xe đi Udon Thani để họp cấp hạt.

Nhà anh Jadet ở trong một khu dân cư với những căn nhà một tầng một trệt tuy mới và sạch sẽ nhưng rất hẹp. Anh và gia đình có hai căn nhà sát bên nhau nên nối lại thành một căn nhà với một cái sân khá rộng.

Khi đến nơi đã có gia đình hai họ đang ngồi sẵn trong sân để chuẩn bị tham dự tiệc. Nhìn quang cảnh thì cũng khó biết hôm nay sẽ có tiệc cưới vì không thấy trang hoàng gì cả. Nếu không có cái TV với giàn karaoke đặt dưới mái hiên trước nhà thì cũng sẽ không biết là có tiệc.

Mặc dầu anh Jadet và cô Phantip tự xưng là Kitô hửu nhưng có lẽ gia đình và bà con hiện diện thì toàn là theo Phật giáo. Khi cử hành nghi thức mình mời mọi người ngồi xuống trong sân để chứng kiến. Còn cô dâu và chú rể thì đứng trước mặt mọi người để nói lên lời thế ước với nhau cũng như trao nhẫn cho nhau. Trong nghi thức có phần đọc thánh thư và Phúc Âm. Mình cũng dành cơ hội này để chia sẻ về niềm tin Kitô giáo với những người có mặt.

Sau khi đọc những lời nguyện cầu cho đôi tân hôn mình kết thúc nghi thức và chào gia đình ra về. Mình rời nhà anh Jadet với cảm giác hơn nuối tiệc vì mình có quá ít thời gian để hiện diện trong ngày cưới cũng như để chuẩn bị. Có một cơ hội để chia sẻ niềm tin Kitô giáo trơớc một nhóm người ngoại giáo là điều rất quý báu. Nhưng hôm nay mình phải chấp nhận chỉ được chia sẻ thật vắn tắt và cử hành nghi thức cho đôi tân hôn một cách rất đơn giản.

Đây là nghi thức đám cưới đầu tiên mà mình cử hành từ khi đến Thái Lan. Mà đó cũng là một nghi thức cho hai người không phải là Công giáo. Cũng là một kinh nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời truyền giáo non nớt của mình.

Udon Thani, ngày 19.1.2009

Tết dân tộc trên đất truyền giáo


Hôm nay mình đi dự tiệc mừng Xuân Kỷ Sửu của cộng đoàn Việt Kiều tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Những người việt xa quê đã gần một thế kỷ và những người con cháu của họ sinh ra lớn lên trên đất Thái lại xum họp để mừng cái Tết Nguyên Đán.


Khi bước vào hội trường nơi tổ chức tiệc thì thấy có những phụ nữ mặc áo dài khăn đóng đón tiếp khách vào dự tiệc. Những bạn tiệc sắp sẵn để đón tiếp khoảng 400 khách đến tham dự. Chú Hải là người dẫn chương trình. Chú là một trong những người trong ban tổ chức cùng với chú Hòa. Tuần vừa qua khi mình đang còn đi tham dự hội thảo ở Ubon thì hai chú đã đến nhà thờ để gởi thiệp mời dự tiệc đến mình.


Buổi tiệc có những món ăn truyền thống Việt Nam như gỏi hoa chuối, chân heo hấp mềm, bánh cuốn, bánh gai, và chè. Những món ăn đơn giản và thuần túy của Việt Nam cùng với những bài hát quen thuộc như Xuân này con không về và Trống cơm được hát lên trong phần văn nghệ góp vui là những gì người Việt ở đây đã làm được để duy trì bản sắc Việt Nam. Trong mấy trăm người đến dự tiệc đó, có nhiều người đã không còn nói được tiếng Việt. Nhiều người cũng không biết mấy về văn hóa Việt Nam.


Mình nói chuyện với một bác gái đã ngoài 60 tuổi. Mình nói với bác rằng: - Hôm nay là ông Táo về trời đó bác.


Bác hỏi lại: - Ông Táo là ai?


- Dạ thưa bác Ông táo là vị thần mà hàng năm phải lên trời để báo cáo cho Ngọc Hoàng biết về tình hình trên trần thế. Vì thế hôm nay chúng ta phải tiễn ông Táo về trời.


- Vậy à. Vậy bác cúng trái cây và đốt nhang được không?


- Chắc cũng được bác ạ. - Mình trả lời.


Trong nghi thức khai mạc buổi tiệc, chú Hải mời mình lên để phát biểu. Mình cũng lên để nói lời chúc mừng năm mới đến quý khách và đọc một bài thơ chúc Tết mà mình đã chuẩn bị sẵn (kẻo lở bị mời lên phát biểu). Sự hiện diện của mình ở buổi tiệc cũng là một điều mới lạ đối với cộng đồng người Việt ở đây vì mình là một người trẻ tuổi mà lại nói được tiếng Việt thông thạo. Bên cạnh đó mình còn lạ một vị linh mục. Hôm nay khi đi tham dự tiệc mình đã mặc áo linh mục và cổ côn trắng một cách chỉnh tế. Chắc chắn từ trước đến nay ở đây chưa bao giờ có một nhân vật như mình.


Thú vị nhất trong buổi tiệc là mình được đến chào hỏi các cụ cao niên ở trong hai bàn đầu cùng. Một bàn dành cho các bà, một bàn dành cho các ông. Có người tuổi cũng đã gần 90. Mình đến chào và chúc Tết các cụ và hỏi thăm về quê quán của các cụ.


Cái Tết Việt Nam ở NBL cũng chỉ là thế. Không bánh chưng, bánh Tét. Không hoa mai hoa đào. Không có pháo, không múa lân mặc dầu ở trên đất Thái Lan thì những thứ này không phải là không có. Thậm chí ở đây người ta tự do đốt pháo cũng như có rất nhiều đoàn lân của cộng đồng Trung Quốc.


Buổi tiệc đã gây cho mình hai cái bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là không pháo, không múa lân, không có lì xì cho bọn con nít.


Cái bất ngờ thứ hai là khi mình tưởng chừng như những bài hát như Xuân này con không về, Lời ru buồn, và Trông cơm sẽ không bao giờ được nghe người Việt kiều ở đây hát thì lại được nghe chính trong buổi tiệc đón Tết tha hương này.


Tối nay ở nhà xứ cũng tiễn ông Táo về trời. Thằng Đoàn và thằng Tăng ra chợ mua mấy con cá về...nướng. Thằng Thắng thì làm thịt gà.


Thêm một tuần nữa thì đến Tết. Các bạn trẻ Việt Nam không được về quê ăn Tết đang buồn. Thằng Thắng nói: - Trông sao cho hai tuần nay qua mau mau để khỏi phải nghĩ về Tết.


Thằng Tăng thì than: - Sao mà nhớ nhà quá.


Thằng Đoàn thì bình tĩnh hơn. Nó đã nhất trí là những năm này sẽ không về nhà ăn Tết nên không có buồn sầu như mấy đứa khác.


Trước nhà, mình đã dựng lên một cây mai. Chỉ là hoa mai giả nhưng cũng nhìn rất đẹp. Hai bên treo hai câu đối lủng lẳng bằng tiếng Việt. Chỉ có người Việt đọc mới hiểu. Chiều nay thằng Đoàn vẽ một cành đào và lấy giấy xếp hoa đào để trang trí của sổ trước nhà xứ. Vài ngày nữa sẽ đi mua một phong pháo để đốt vào sáng mồng một.


Ngày 23 thì thằng Hùng từ Nong Khai sẽ đến chơi. Nó nói là sẽ gói bánh Tét. Ngày 25 thì mình sẽ làm lễ Chúa Nhật cũng là lễ đón giao thừa bằng tiếng Việt tại Udon Thani.


Trước đây mình đã cố gắng đem Noel đến Nong Bua Lamphu thì bây giờ mình cũng đang tìm cách đem không khí Tết đến cho riêng mình và cho các bạn trẻ Việt Nam ở đây. Dù sao đi nữa thì cái Tết vẫn là thời gian linh thiêng và đầy ý nghĩa với người Việt. Thật buồn nếu cho Tết qua đi như bao nhiêu ngày bình thường khác.


Nong Bua Lamphu, ngày 18.1.2009

Gặp gỡ


Hôm nay mình cùng cha Gowit và chà Trực lái xe hơn bốn tiếng đồng hồ từ Udon Thani đến tỉnh Ubon để tham dự chương trình hội thảo hàng năm dành cho các linh mục trong vùng đông bắc Thái Lan. Kỳ này có số các cha đến tham dự 120 người, trong đó có các giám mục của bốn địa phận trong vùng.

Đây là lần thứ hai mình đi tham dự hội thảo. Lần trở lại này thì mình không còn bở ngở nữa vì đã quen biết nhiều cha ở đây. Mặc dầu mình không nhớ tên của các cha, nhưng cử chỉ thân quen và vui vẻ của các ngài cũng làm cho mình cảm thấy như mình đã trở nên một thành viên bình thường chứ không phải là một người lạ mới đến nữa.

Các cha gặp nhau thì ai nấy đều tay bắt mặt mừng. Nhiều cha đã từng học với nhau khi còn ở đại chủng viện tại Bangkok. Giờ mỗi người làm việc mỗi ngã nên chương trìn hội thảo hằng năm này là cơ hội duy nhất để các ngài gặp gỡ và chia sẻ với nhau. Riêng mình thì đây là cơ hội để làm quen thêm với các cha và xây dựng tình tương thân tương ái với các người nên gần gũi hơn.

Sau một năm gặp lại các cha đến từ các địa phận khác như Ubon, Tha Re, và Khorat, có người nhận xét rằng so với năm ngoái tiếng Thái của mình bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Có người còn nói nghe giọng nói mình rất giống người Bangkok. Có lẽ đó là lời khen quá mức, nhưng những lời nhận xét trên cũng làm cho mình cảm thấy phấn khởi không ít. Quả thực chỉ có những người ở xa mình sau một thời gian gặp lại mới có thể nhận ra những thay đổi mà chính mình cũng như những người ở gần bên mình không dễ dàng nhận ra. Đến đây tiếp xúc với các cha mình mới có cơ hội nhận được những lời nhận xét như trên.

Đề tài của cuộc hội thảo năm nay là "Thánh Phaolo: đời sống và tấm gương". Đây là đề tài phụ hợp với chủ đề má Giáo hội đã đưa ra cho chúng ta trong năm 2008-2009 này. Hy vọng trong những ngày hội thảo mình sẽ không chỉ có cơ hội gặp gỡ và xây dựng tình thân ái với các cha mà còn được học hỏi và đào sâu thêm về thánh Phaolo để có thể thấu hiểu lời giảng dạy của ngài để đem áp dụng không chỉ trong đời sống mục vụ mà còn đời sống tâm linh của chính mình nữa.

Ubon Ratchathani, ngày 12.1.2009

Chúa Nhật tươi hồng


Trưa Chúa Nhật này thinh lặng cực kỳ. Mấy tuần qua ở đây lúc nào cũng có các bạn trẻ Thái và Việt Nam tại nhà xứ. Người đến thăm từ xa, người ở gần đến chơi. Ngày Chúa Nhật thì giới trẻ học đàn, học giáo lý. Hôm nay cô dạy giáo lý không đến, cô dạy đàn cũng vắng mặt vì phải đi Bangkok. Đoàn và Thuấn vừa dọn qua căn nhà thuê để ở. Các bạn trẻ Việt Nam khác đã đi làm. Nhà xứ yên tĩnh lạ thường. Không khí yên tĩnh như một hơi thở trong lành và mát dịu. Mình rất cần những giây phút như thế này vì những ngày qua quả thực là những ngày bận rộn và đầy sinh hoạt.

Tối qua mình đi làm lễ ở Chum Phae, cách NBL hơn 80 cây số. Làm lễ xong thì đi ăn tối với cha xứ và giáo dân ở đó đến 11h30 mới về đến nhà. Đi với mình còn có 4 bạn trẻ nữa. Đây là lần đầu tiên mình đến Chum Phae. Cha xứ nhờ mình đến làm lễ cho ngài vì ngài sắp phải đi Trung Quốc một tháng để thăm gia đình vào dịp Tết. Mình làm biếng lái xe đường dài một mình nên kéo các bạn trẻ đi theo để giúp coi đường và có người trò chuyện.

Việc phải đi lại nhiều nơi không còn là chuyện bất thường đối với mình nữa. Dạo này lái xe đi Udon Thani đã trở nên việc làm thường xuyên. Ngày mai lại phải đi tỉnh Ubon cách đây khoảng 5 giờ đồng hồ lái xe để tham dự cuộc hội thảo hàng năm dành cho các linh mục trong vùng Đông bắc Thái Lan. Đây là dịp cho các linh mục hoạt động trong vùng có cơ hội gặp gỡ xây dựng tình liên đới cũng như trao đối về các đề tài mục vụ quan trọng.

Mình đi họp sau khi đã sắp xếp nơi ở cho Đoàn và Thuấn xong. Giờ hai bạn phải bắt đầu làm việc để kiếm tiền nuôi thân và giúp đỡ gia đình tại Việt Nam. Hy vọng rằng nơi ở sẽ yên ổn và hàng xóm sẽ ít nhòm ngó tiếng ra tiếng vào với hai người thanh niên lạ mặt đến ở trong xóm. Trong nhà thuê giờ đây đã có hai chiếc máy may, chén bát, và những dụng cụ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên nước vẫn chưa bắt xong nên phải lấy nước từ nhà hàng xóm sài tạm. Đâu khoảng một tuần nữa mới có nước cho những sinh hoạt hằng ngày.

Thánh lễ sáng Chúa Nhật hôm nay có không khí khác thường khi tiếng đàn, tiếng hát, và tiếng đọc bài đọc tất cả đều đến từ giới trẻ. Người đánh đàn thường xuyên đi vắng, giới trẻ phải đảm trách tất cả. Và bọn nó đã hoàn tất trách nhiệm một các tốt đẹp. Đây là một niềm vui lớn cho mình khi thấy sự đầu tư vào giới trẻ đã có những kết quả đầu tiên.

Tối qua sau khi đi làm lễ ở nhà thờ Chum Phae mà chỉ có 10 giáo dân tuổi từ trung niên đến cao niên đến tham dự, mình mới nhận thấy hóa ra nhà thờ nhỏ bé của mình cũng có thật nhiều sức sống. Nào là có những giáo dân đến từ các nước khác nhau. Nào là có các em trẻ mồ côi, bạn trẻ người Thái và Việt Nam, có các seour dòng Mẹ Têrêxa và các thầy dòng Ngôi Lời, và còn có thêm hội đồng giáo xứ để giúp tổ chức các sinhh hoạt nữa. Trong lòng mình bổng nhiên cảm thấy niềm hy vọng dâng cao và hạnh phúc trong việc mục vụ tại NBL.

Có lẽ mình vui nên thánh lễ cũng vui ra. Sau lễ lại đứng trò chuyện với các seour và giáo dân. Mọi người tỏ ra cởi mở và thân tình. Mặc dầu cái rét lạnh mới trở lại với NBL cách đây hai ngày, nhưng trong lòng lại cảm thấy ấm cúng và vui sướng thật nhiều. Mùa Xuân đang đến cho người Việt khắp nơi. Mình hy vọng rằng mùa xuân cũng sẽ đến cho cho giáo xứ của mình tại NBL và sẽ ở lại trong suốt năm 2009 này.

Nong Bua Lamphu, ngày 11.1.2009

Đoàn và Thuấn đi thuê nhà


Hôm qua mình dẫn hai bạn trẻ Việt Nam, Đoàn và Thuấn, đi tìm nhà thuê tại Nong Bua Lamphu. Chỉ trong một buổi chiều thì đã tìm ra nhà ở do Nong Bua Lamphu cũng có nhiều căn nhà cho thuê và cũng do quen biết cho nên có người giới thiệu. Cuối cùng thì hai bạn đã chọn thuê căn nhà trong khu mà thầy Ron và Damien đang ở.

Đó là một căn nhà ba phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. Chủ nhà hiện đang ở Bangkok và nhờ một người hàng xóm chăm sóc. Bà Pooky là một người vui vẻ và thích trò chuyện. Theo bà, hai người chỉ cần phải trả 7,000 baht là có thể vào ở một năm mà không phải trả tiền thuê. 7,000 baht này là chỉ để bắt điện và nước vì hai thứ này đã bị cúp từ lâu. Sau một năm nếu tiếp tục thuê thì sẽ trả một tháng 1,500 baht (khoảng 40 USD).

Tuy căn nhà hơi cũ nhưng gọn gàng và khá sạch sẽ. Đối với hai bạn trẻ Việt Nam, đây là một căn nhà rất đẹp, và tốt nhất mà họ ở từ trước đến nay. Vì chưa có bất cứ một dụng cụ gì trong nhà nên hôm nay, sau khi dọn dẹp vườn tược, lau chùi xong, thì mình và các thầy đã cho Đoàn và Thuấn một ít đồ dùng như chén bát, khăn, tranh ảnh…. Thầy Ron còn cho một cây Thánh Giá treo tường rất đẹp.

Hai bạn làm nghề may đồ veston và sẽ nhận hàng từ một chủ tiệm Veston ở Udon Thani về may. Thật may mắn cho hai bạn khi TTĐMHCG có hai máy may không có ai sử dụng nên thầy Damien cho hai bạn đem đi lau chùi và sử dụng miễn phí.

Tuy nhiên Đoàn và Thuấn chưa vào nhà ở được vì điện thì sau 3 ngày mới có. Còn nước thì cần khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, bà Pooky bảo có thể lấy nước từ nhà của bà để sử dụng trong thời gian chờ thành phố đến gắn máy nước.

Mọi việc đang tiến triển êm xuôi cho hai bạn trẻ khi xung quanh có nhiều người tốt bụng đang giúp đỡ. Hy vọng với sự giúp đỡ ấy hai bạn sẽ có cơ hội để tiến thân. Riêng Đoàn muốn về NBL ở là vì muốn gần mình và có cơ hội để học tiếng Anh từ mình.

Từ ngày mình về NBL một hiện tượng mà ở đây chưa từng thấy là có nhiều bạn trẻ Việt Nam đến đi lễ hoặc thăm viếng. Cũng là lẻ nhiên vì mình là người Việt Nam và quen biết nhiều bạn trẻ người Việt. Mục vụ của mình một phần cũng là để nâng đỡ những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan.

Sáng nay khi cùng các bạn lau chùi nhà cửa, cào lá và rác trước sân lại để đốt, mình thấy các bạn thật chăm chỉ. Trong lòng họ đang dâng lên một niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn, cho dù trước mắt thì vẫn còn phải thật nhiều việc phải làm thì sự thăng tiến mới trở thành hiện thực.
Nong Bua Lamphu, ngày 6.1.2009

Bà Khằm Mùn ra đi


Hôm nay mình được tin bà Khằm Mùn đã qua đời sau những ngày tháng bị căn bệnh SIDA hành hạ. Khi bà mới đến trung tâm thì sức khỏe còn khá tốt, mặc dầu mắt đã bị mờ đi. Thế nhưng bệnh tình đã suy giảm thật nhanh chóng. Cách đây hai tháng xe cấp cứu đến đưa bà đi bệnh viện trong tình trạng hôn mê và trí nhớ không còn nữa do não bị vi trùng HIV ảnh hưởng.

Sau khi trở về TT từ bệnh viện cách đây hai tuần thì sức khỏe bà không đỡ hơn bao nhiêu. Bà được đưa vào nằm ở phòng ICU. Mình đến thăm bà và cho nhóm giới trẻ đến đọc kinh cho bà. Bà vẫn còn nhớ mình và đã rất cảm động khi mọi người đến đọc kinh cầu nguyện cho bà. Nước mặt tuôn đổ thành dòng trong sự cảm động cũng như sự đau đớn tuyệt vọng.

Mình khuyên bà và hỏi bà có muốn được rửa tội không. Bà nói là muốn nhận phép rửa tội. Mình liền lấy nước rửa tội cho bà và đưa cho bà một chuổi hạt để cầm trong tay. Mấy hôm sau trở lại thì thấy bà đang đeo trang hạt trong cổ. Bà nói bà không còn sức để cầm tràng hạt được. Mình bảo bà hãy yên tâm. Đeo tràng hạt rất tốt vì Chúa Mẹ sẽ ở gần tim của bà.

Bà Khằm Mùn có một người con trai đang đi lính. Mình hỏi bà có muốn liên lạc với con trai không? Bà nói không vì bà sợ rằng con mình sẽ không chấp nhận bà. Đến nay người con trai ấy vẫn không hề biết về căn bệnh của mẹ mình. Mặc dầu những người trong trung tâm đã khuyên bà nhiều lần, nhưng bà vẫn một mực không chịu liên lạc với người con.

Hôm nay thì cơ hội cho bà được nói chuyện với người con trai đã không còn nữa. Bà đã ra đi, kết thúc một cuộc sống khổ cực đau đớn. Mấy lần đến thăm bà mình hỏi bà muốn xin ơn gì? Bà nói là xin cho được ra đi một cách bình an. Hôm qua mình đã xức dầu cho bà. Lúc ấy bà chỉ thoi thóp thở trong tình trạng gần như bất tĩnh.

Ngày thứ tư bà sẽ được đem đến chùan để hỏa thiêu. Hình như sẽ không có người thân nào đến dự nghi thức hỏa thiêu của bà. Mình cứ nghĩ không biết sau này khi người con trai phát hiện ra mẹ mình đã mất mà không có dịp để từ biệt nó sẽ nghĩ như thế nào? Và nếu sau này nó phát hiện ra mẹ mình chết vì căn bệnh SIDA thì nó có tức giận không?

Nong Bua Lamphu, ngày 5.1.2009

Mang Chúa đến cho người ngoại giáo


Sáng nay cô Lek đến đón mình ở nhà xứ để chở mình đến nhà bố mẹ cô ở bản làng Don Khếm cách giáo xứ 15 cây số. Cô Lek là một người đạo theo hiện đang ở Bangkok. Cô là hôn thế của anh Pyrat cũng chỉ mới được rửa tội trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua tại nhà thờ NBL.

Cô Lek nói với mình: "Thưa cha, con có liên lạc với một cha ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Bangkok. Ngài nói cha không thể cho bố con rước mình thánh Chúa được nhưng cha có thể ban phép lành cho bố con."

"Vâng," mình trả lời. "Đi thăm và ban phép lành thì đối với ai cũng có thể làm được bất kể tôn giáo nào."

Khi đến nhà bố mẹ cô Lek thì thấy ở đó không chỉ có hai cụ mà còn con cháu và hàng xóm nữa, tất cả hơn 10 người. Cô Lek đã cố gắng tụ họp cả gia đình để tham dự nghi thức ban phép lành cho ông cụ và gia đình. Trước khi bắt đầu nghi thức mình ngồi nói chuyện với gia đình một lúc và hỏi thăm về đời sống của gia đình. Đây là một gia đình nông dân, mỗi năm trồng lúa một vụ. Đời sống khá vất vả vì việc trồng trọt mùa màng khó khi nào êm xuôi.

Cô Lek là một người đạo theo nhưng cô rất sùng đạo và rất tôn trọng những truyền thống của đạo Công giáo. Sau khi mình mặc áo alba và đeo giây stola vào thì mình bắt đầu nghi thức ban phép lành cho người cao niên có trong cuốn sách các nghi thức làm phép mà mình đã mua ở Bangkok cách đây vài tháng. Cô Lek giúp mình đọc bài đọc và lời nguyện dành cho mọi người. Sau khi đọc bài Phúc Âm xong mình giảng về ý nghĩa của việc Chúa sinh xuống thế và áp dụng sự kiện trọng đại này vào hoàn cảnh nghèo khó, cực nhọc của gia đình.

Sau khi chia sẻ lời Chúa xong mình đặt tay lên đầu ông cụ và đọc lời chúc lành cho ông. Quả thực đây là một điều mang ý nghĩa sâu sắc nói lên lòng tôn trọng của họ đối với mình vì họ đã sẵn sàng để cho mình đặt tay lên đầu của cụ già. Đối với người Thái việc đặt tay lên đầu người khác là điều cấm kỵ ngoại trừ người lớn làm với trẻ con. Mặc dầu mình còn trẻ và không cùng tôn giáo với gia đình, nhưng họ tôn trọng mình trong vị trí một linh mục và đã sẵn sàng cúi đầu xuống cho mình đặt tay.

Sau khi đặt tay và cầu nguyện cho ông cụ xong, mình lần lượt đặt tay lên tất cả các thành viên trong gia đình từ cụ già cho đến những con cháu. Ai cũng cúi đầu thật thấp để cho mình đặt tay. Mình nhắm mặt đặt tay lên đầu từng người trong thinh lặng nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống trên họ và ban cho họ ân sủng và sự trợ lực của Ngài. Trong lúc ấy mình cảm thấy thật xúc động và như nổi da gà vì cảm thấy như có một sức lực đang được chuyền qua ban tay và toàn thân mình. Hành động đặt tay trong thinh lặng ấy đã tạo nên một cảm xúc mãnh liệt hơn bất cứ một lời nguyện nào mà mình có thể nói ra trong lúc ấy. Khi mỗi người đến trước mặt cho mình đặt tay cô Lek đều nói lên cho mình biết hoàn cảnh của họ và điều họ cần có trong cuộc sống. Lúc ấy mình cảm nghiệm sâu sắc rằng bản thân mình thực thấp hèn và không xứng đáng với trọng trách cao cả mà mình đang làm, nhưng mình cũng cảm nghiệm được rằng đây không phải là mình làm mà chính Thiên Chúa đang làm qua mình. Sự nhận thức này làm mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì mình đang được dùng để mang Chúa đến với gia đình của cô Lek.

Khi đã cử hành nghi thức xong, mình chào gia đình ra về và hẹn sẽ trở lại để thăm gia đình trong một dịp khác. Mình cũng mời gia đình đến nhà thờ thăm, đặc biệt trong các dịp có lễ lớn. Mình ra về trong lòng chan chứa niềm vui vì hôm nay đã có thêm người nghe về Chúa Giêsu Kitô, hiểu hơn một chút về Ngài và về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.1.2009

Đón giao thừa





Tối qua mình định sẽ đón giao thừa một cách âm thầm, có nghĩa là chỉ đợi cho đến 12h đón năm mới xong là lên giường ngủ. Có mấy bạn trẻ Việt Nam đến chơi nhưng cũng không có tổ chức gì. Thế nhưng lúc khoảng 10 giờ thì có Tôn và Keo đến. Tôn và Keo là hai tình nguyện viên của TT ĐMHCG. Em Rát từ bên nhà mồ côi cũng đến nói là một lát nữa một số em trong nhà mồ côi sẽ đến nhà cha đón giao thừa.

Thế là bổng nhiên trong nhà xứ có đến mười mấy người đang chờ để đón mừng năm mới. Mình phải mở phim hoạt hình ra cho bọn trẻ xem, rồi chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt, trống gõ và phải chạy ra cái tiệm 7-Eleven để mua mấy đồ lắc cho bọn trẻ chơi trong phần countdown.

Phút giao thừa trôi qua rồi mà tụi trẻ vẫn chưa chịu về. Mình mở karaoke ra cho bọn nó hát. Bọn nó không hát được chỉ ngồi nghe mấy anh chị hát. Đến 1 giờ sáng mình kêu bọn con nít về ngủ vì đã khuya rồi. Thế mà mấy anh chị lớn vẫn chưa về, vẫn tiếp tục hát cho đến hai giờ sáng.

Thế là chương trình đi chơi banh với mấy bạn Việt Nam bị hủy bỏ vì lý do...thức dậy sớm không nổi. Thế mà sáng sớm mình đang còn ngủ thì bị đánh thức bởi M. gọi từ Việt Nam. M. gọi chúc Tết và tâm sự với mình về vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là những gì đang trải qua khi bản thân mắc căn bệnh HIV.

Sáng nay mình cũng tiếp một linh mục dòng Don Bosco đến từ Chiang Mai. Ngài đưa một nhóm giáo lý viên đến thăm TT mồ côi và giáo xứ. Nhóm giáo lý viên của ngài gồm có 6 thanh niên trẻ đều là người dân tộc ở vùng núi miền bắc Thái Lan. Đoàn đến chơi với các em và hát những bài hát Giáng Sinh tặng cho các em và các seour.

Hôm nay mồng 1 Tết Dương Lịch cũng là ngày mừng lễ Mẹ Thiên Chúa. Chúa Nhật qua mình đã thông báo với cộng đoàn rằng hôm nay là lễ trọng mọi người cần đi lễ, nhưng ngoài các seour và các bạn trẻ Việt Nam thì cũng không thấy giáo dân nào đến dự lễ. Trong năm mới này mình chỉ xin làm sao cho lòng đạo đức của giáo dân được gia tăng để cộng đoàn được phát triển nhờ vào ơn thánh của Chúa.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.1. 2009