Nhìn tòa nhà Mahanakhon, suy tư về cuộc sống


Ở trong thành phố Bangkok vốn đã có rất nhiều tòa nhà cao ốc bây giờ đã có thêm một tòa nhà nữa, và đó là công trình tạm thời dành ngôi vị tòa nhà cao nhất Thái Lan, thay thế vị trí của tòa nhà Baiyoke II đã chiếm lĩnh ngôi vị này trong suốt hai thập niên qua. Tòa nhà mới có tên là Tháp Mahanakhon, được tỏa lạc trong khu vực Silom/Sathon sầm uất của thành phố. Nơi này không chỉ là một trong những khu vực thương mại quan trọng của Bangkok mà còn là điểm đến của nhiều khách du lịch nước ngoài.

Tòa nhà Mahanakhon với 77 tầng và cao 314m là một tòa nhà phức hợp bao gồm khách sạn, căn hộ cao cấp, văn phòng, khu mua sắm và nhà hàng. Điều đáng chú ý nhất về tòa nhà này là ý tưởng thiết kế rất khác biệt với những tòa nhà xung quanh. Nhìn vào nhiều người liên tưởng đến một ngọn tháp được xây bằng những viên gạch Lego, nhưng dường như một số viên gạch đã bị rút ra và tháp có thể đang trong tình trạng chuẩn bị xập đỗ. Việc trên nóc tòa nhà có thiết kế những cây sắt nhìn như cần cẩu thường dùng trong công trình xây dựng lại khiến cho người nhìn có cảm giác đây là một công trình vẫn đang còn trong tiến trình thi công. Nhưng ý tưởng “chưa xong” đó chính là điều mà kiến trúc sư người Đức Ole Scheeren muốn truyền tải qua thông điệp của mình. Đó là một thông điệp nói lên việc xây dựng như một quá trình phát triển và hình thành mà không nhất thiết phải có điểm dừng tuyệt đối.

Tòa nhà Mahanakhon đã thu hút được nhiều sự chú ý từ giới chuyên gia cũng như du khách. Nó đã nhận được một số giải thưởng danh giá và từ khi khánh thành một cách vô cùng hoành tráng với chương trình “light show” với hàng ngàn ánh đèn đủ màu phát ra từ tòa nhà và chiếu thẳng lên nền trời, thì tòa nhà đang dần trở nên một điểm đến thú vị cho nhiều tầng lớp.

Bản thân tôi từ khi nhìn thấy nó xuất hiện “trên bầu trời” Bangkok cũng có một ít suy nghĩ về nó. Và những suy nghĩ này đủ mạnh mẻ làm cho tôi phải viết bài chia sẻ này, vì đối với tôi tòa nhà này cũng như một ẩn dụ trong cách sống trong xã hội cũng như trong bất cứ một tập thể nào.

Trước tiên tôi muốn chia sẻ ấn tượng của mình về tòa nhà. Vì nó là một tòa nhà rất cao nên dường như tôi đi đâu cũng nhìn thấy nó. Cho dù là đi trên đường cao tốc băng ngang qua thành phố, hay đi trên đường tiến vào thành phố qua cầu Taksin, hay là đi trên đường Narathiwas hướng về trung tâm thì tòa nhào Mahanakhon với diện mạo kỳ lạ cao chót vót luôn đập vào ánh mắt tôi. Tùy theo gốc độ có khi nó đứng san sát với những tòa nhà xung quanh, tuy không cao bằng nó nhưng cũng có tầm cở tương đối. Còn nhìn từ hướng khác thì dường như tòa nhà này chỉ đứng một mình, chọc thẳng lên bầu trời một cách bơ vơ kỳ quái. Từ sân thượng phía sau căn nhà mà tôi đang ở tôi chỉ thấy phần trên của tòa nhà. Những tòa nhà cao tầng chung quanh đã bị che khuất bởi những căn nhà phố nơi tôi ở. Nhưng vì tòa nhà Mahanakhon quá cao nên ngay cả những căn nhà phố cũng không thể che nó được. Nên một phần ba phía trên của nó vẫn còn hiện lên để tôi có thể nhìn thấy. Nó nhìn méo mó, xiêu vẹo như một quái vật trong không gian.

Bản thân tôi đã tìm hiểu một số thông tin về tòa nhà này, về ý tưởng thiết kế và suy nghĩ của những người đã tạo nên nó, nhưng tôi chưa mấy cảm thấy thuyết phục vì những điều trên lý thuyết nó khác với cảm xúc của tôi khi nhìn vào tòa nhà. Tôi hiểu được như thế nào là một công trình kiến trúc phải là một lời đối thoại với thành phố và toàn thể cư dân của nó. Tôi cũng hiểu được rằng một tòa nhà mới phải mang được nét riêng, phải gây được sự chú ý và sự quan tâm của những người xung quanh. Tôi cũng đồng ý rằng bất cứ một cái gì mới được dựng lên phải đáp ứng nhu cầu tìm tòi và sáng tạo của con người.

Biết là thế nhưng khi tôi nhìn vào tòa nhà này, cho dù là từ trong xe, hay từ sân thượng nhà tôi, hay từ phòng gym nơi tôi tập thể dục buổi chiều, tôi luôn có một cảm giác hơi khó chịu và bất an. Tôi không mấy biết gì về phong thủy, nhưng tôi nghĩ rằng khi xây một căn nhà hay một tòa nhà, người Á châu luôn cố gắng tạo nên sự hài hòa với môi trường xung quanh không chỉ qua việc cân nhắc những yếu tố địa lý, phương hướng mà còn qua kiểu mẫu kiến trúc nữa. Sự hài hòa này là điều mà tôi không cảm nhận được ở nơi tòa nhà mới này. Ngược lại tôi cảm thấy có một chút hoang mang mặc dầu tôi biết rằng cái cảm giác “nhà có thể sẽ bị đỗ bất cứ lúc nào” chỉ là ảo giác vì trên thực tế người ta đã xây dựng công trình một cách kiên cố và đúng tiêu chuẩn của một tòa nhà cao ốc.

Trường hợp tòa nhà Mahanakhon đối với tôi không khác gì nhiều sự việc khác trong cuộc sống. Có những công trình, có những tổ chức, hay những dự án được thành lập lên bởi những con người có ý tưởng muốn thể hiện sự vĩ đại và hoành tráng, gây được nhiều sự chú ý của mọi người xung quanh, và làm được điều mới lạ và giá trị. Dĩ nhiên họ làm được phần nào những điều họ mong muốn, nhưng bên cạnh đó dù vô tình hay chủ ý, họ cũng gây ra sự thiếu cân bằng trong môi trường và xã hội, làm cho giảm đi sự hài hòa mà mọi người đang cố gắng hướng tới.

Ở Thái Lan là đất nước Phật giáo, mà Phật giáo thì luôn nhắc nhở mọi người phải nhận ra rằng con người là vô ngã. Vì thế việc cho rằng mình có một cái tôi để xây dựng lên, để duy trì và bảo vệ là một ảo tưởng, và việc luôn đề cao cái tôi của mình là nguyên do dẫn đến sự xung đột, sự bất hòa, và nỗi khổ trong cuộc sống. Ki-tô giáo, mặc dầu không đồng tình với Phật giáo về vấn đề bản ngã, nhưng cũng luôn dạy rằng con người chỉ tìm ra được chính mình khi sẵn sàng quên đi bản thân. Chính trong sự khiêm nhường và hạ thấp chình mình thì mình mới được nâng lên một cách đúng nghĩa.

Những người có công trong việc dựng lên tháp Mahanakhon dường như cho rằng sự hài hòa với môi trường xung quanh sẽ làm cho tòa nhà mất đi bản sắc riêng của nó, hoặc khiến cho nó không thể hiện được hết tính năng của nó. Và có lẽ những người trong xã hội hay giáo hội là những người tạo nên những công trình này công trình nọ nhiều khi cũng có một suy nghĩ như thế. Nhưng tư duy này thật đáng tiếc vì tôi cho rằng trong đời sống con người giá trị lớn nhất là sự cân bằng và sự hài hòa – tình yêu dành cho Chúa phải được thể hiện qua mối tương quan yêu mến với tha nhân, giờ làm việc cực nhọc phải được cân bằng với giờ nghỉ ngơi và giải trí, lời nói hay ho trên môi miệng phải được biến đổi bằng hành động tốt lành, và lợi ích riêng tư cần được xem xét trong tiêu chí về cái tốt cho tập thể. Một khi chúng ta quên cân nhắc những điều này thì đó là lúc chúng ta đánh mất sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống. Và đó là nguyên do dẫn đến những sự bất hòa, sự bất an và sụ xung đột trong xã hội và trong mối tương quan giữa con người với môi trường thiên nhiên, cũng như giưa con người với nhau.

Bangkok, ngày Chúa Nhật 11.9.2016

"Thảm họa môi trường"


Cách đây hơn một tháng mình nảy ra ý tưởng sử dụng không gian trống trên sân thượng của nhà để trồng giàn mướp và một ít loại rau khác. Làm như vậy để có cái gì để nhìn mà còn ăn được nữa. Thế là mình nhờ vài bạn trẻ giúp kiếm hộp xốp, mua đất, tìm các loại hạt giống khác nhau để gieo. Việc gieo hạt giống khá tốt đẹp. Chỉ vài ngày sau khi gieo là thấy có những mầm non chui lên từ dưới lớp đất, nhìn rất xanh tươi và dễ thương.

Sau một tháng những cây mướp cũng như loại rau và cây cảnh trồng đều phát triển. Nhưng rau và mướp thấy có vẻ phát triển hơi chậm. Thằng Thắng nói mấy cây mướp sao mà lá hơi vàng vàng. Để nó đi mua phân về bỏ vào cho mau tốt.


Chiều thứ sáu vừa qua, hai cha con đi chợ trời ở trong khuôn viên cái chùa gần nhà. Trước chùa có một bà già bán cây cảnh. Mình tới hỏi cụ bà để mua phân. Bà chỉ cho thấy những bao bịch trong đó có những hạt màu đỏ xanh trắng. Nhìn như sỏi hơn là phân, nhưng nghe bà nói là phân nên quyết định mua một bao 50 baht.

Khi trả tiền mình hỏi bà cụ phân dùng như thế nào. Bà trả lời là rắc nó lên đất. Nghe lời chỉ dẫn của bà cụ, mình đem nó về và rắc nó lên những hộp xốp nơi có những cây mướp cây rau đang được trồng. Chưa bao giờ rắc phân nên cũng không biết bao nhiêu là vừa. Thấy phân còn nhiều nên mình rắc luôn vào những cây cảnh trồng trước nhà cũng như trong nhà. Rắc xong, mình tưới cho mỗi cây một ít nước để cho phân mau tan.

Làm xong việc, nghĩ rằng vài ngày nữa sẽ thấy những cây mướp và rau mọc lên xanh tươi. Ai dè hơn một ngày sau thì thấy cây nào cây nấy đang trong tư thế nghẻo cổ. Mấy cây nhỏ nhỏ thân lìa khỏi rễ lúc nào không biết. Lá mướp đang mùa xuân biến thành mùa thu trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Cây xương rồng xinh xắn rắn chắc cũng siêu vẹo ngã nghiêng.

Mình bảo chú Cường mau giúp “cấp cứu” mấy cây cảnh, chuyển chúng sang chậu đất khác may ra còn vớt vát được. Mấy cây to to biết đâu còn sức vượt qua được thảm họa. Còn mấy cây nhỏ thì chẳng còn gì mà hy vọng.

Hôm nay mình đi dạy học ở Đại Chủng Viện. Trong bàn ăn trưa, mình hỏi cha phụ tá ĐCV: - Thưa cha, bỏ phân vào đất giúp cho cây mau lên mà nó làm cho cây chết là sao, thưa cha?

Cha phụ tá trả lời: - Hay là phân nhiều chất quá. Cha trồng theo kiểu tự nhiên có lẽ tốt hơn.

Khó hiểu thật. Bỏ phân vào cho cây mau lớn mà làm cho nó chết hết. Coi như là vụ này mất mùa. Thảm họa môi trường to rồi. Ở Việt Nam người ta phải hồi phục biển. Còn ở đây phải hồi phục mấy cái hộp đất để trồng vụ khác.

Bangkok, 21.8.2016