Niềm vui của tôi







Từ ngày có mạng xã hội thì mỗi năm đến ngày sinh nhật nhận được rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật đến từ gia đình, người thân và bạn bè. Năm nay cũng thế. Nhưng mình dường như chưa có giờ để đọc những lời chúc đó vì chương trình tĩnh tâm giới trẻ chủ để “Sống trong niềm vui” bắt đầu ngay sáng 28 là ngày sinh nhật. Chương trình tĩnh tâm kết thúc chiều 29 và sau đó là cuộc liên hoan với các tham dự viên đi tĩnh tâm.

Vì trong chương trình tĩnh tâm này mình vừa là người tổ chức, điều khiển chương trình, huấn giảng và hướng dẫn các sinh hoạt nên dường như không có giờ trống. Đến giờ ăn trưa thì chỉ tranh thủ ăn thật nhanh để về phòng nằm nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc trước khi trở lại với chương trình.

Vì thời gian thực hiện chương trình chỉ vỏn vẹn hai ngày nên mình cố gắng đưa thật nhiều tiết mục vào để đạt được mục tiêu của chương trình mà không làm cho các tham dự viên cảm thấy bị nhồi nhét quá nhiều thứ. Trong môi trường sống của người Việt di dân tại Thái Lan thì không dễ gì có thời giờ cho các bạn nghỉ việc 2 ngày để đi tham dự chương trình nên khi đã có cơ hội thì mình cũng muốn cho việc đi tĩnh tâm của các bạn mang lại thật nhiều kết quả tốt đẹp cho mình.

Dựa vào những gì mình quan sát được, cũng như cách các bạn giao lưu, chia sẻ và tham gia các sinh hoạt thì mình tin rằng mọi người đã ít nhiều cảm nhận được niềm vui thiêng liêng khi được sống gần gũi, thân mật với Chúa trong hai ngày tĩnh tâm. Có bạn chia sẻ từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi tĩnh tâm như thế này nên những cảm xúc và cảm nghiệm từ cuộc tĩnh tâm thật đặc biệt và khó tả.

Giờ đây chương trình tĩnh tâm đã kết thúc tốt đẹp. Mình có ít giờ để đọc những lời chúc sinh nhật đã nhận được hai ngày qua, và chuẩn bị vali để tối mai lên đường đi họp tại Rô-ma. Mặc dầu mất ngủ, khan cổ vì phải nói, giảng và hát liên tục trong mấy ngày qua, nhưng không chỉ các bạn đi tham dự tĩnh tâm cảm nhận được niềm vui mà chính mình cũng nhận được niềm vui sâu xa khi đã làm nhịp cầu đưa các bạn đến với niềm vui trong Chúa.

Bangkok, ngày 30.10.2018

Ngẫm nghĩ về chuyến tàu điện





Sáng thứ năm, tuyến xe điện BTS Silom đưa hành khách vào trung tâm thành phố đã gần kín người ngay từ trạm đầu tiên. Càng gần trung tâm số người trên tàu lại càng nhiều hơn. Mọi người đứng gần nhau đến nổi chỉ nhúc nhít chân một chút cũng có thể dẫm vào chân người bên cạnh. Người dân thành phố thủ đô đang đổ vào các tòa nhà thương mại và trung tâm hành chính để làm việc, đa số ở lứa tuổi từ 20 đến 45. Có người đeo khẩu trang y tế để phòng ngừa bệnh lây nhiễm từ những người xung quanh. Trên một toa tàu có hàng trăm người nhưng lượng âm thanh rất ít. Người ta ý thức được rằng trong không gian chật chội mà ồn ào sẽ làm phiền đến những người khác. Để tiêu khiển thời giờ, có người dán mắt vào chiếc điện thoại của mình, lướt qua những hình ảnh của bạn bè trên mạng xã hội Instagram hay những trạng thái được đăng trên Facebook. Một cô gái lướt liên tục những hình ảnh xuất hiện trên màn hình điện thoại, thỉnh thoảng dừng nhanh lại ở bức hình nào đó mà cô ta cảm thấy hấp dẫn. Có người chơi game hoặc chat với ai đó qua LINE, một mạng xã hội được người Thái ưa chuộng. Còn những người khác không chơi điện thoại thì đứng im, cố gắng không nhúc nhích để khỏi đụng vào người bên cạnh. Nhưng va chạm nhẹ không thể tránh được. Mỗi lần chiếc tàu lắc hoặc thay đổi tốc độ thì không thể nào tránh chạm vào người bên trái hoặc bên phải. Nhưng không ai tỏ ra khó chịu bởi điều này vì họ biết rằng đây là tình trạng phải chấp nhận khi đi lại trên phương tiện công cộng.

Xã hội thời nay cũng không khác một chuyến tàu đông người là bao. Cho dù là một tập thể nhưng dường như ai nấy đều có thế giới riêng của mình. Vì không muốn làm phiền nhau nên họ chọn lối sống chủ nghĩa cá nhân, tập trung vào những chuyện riêng tư của mình mà không cần biết có những gì đang xảy ra với người xung quanh. Người ta chỉ đụng chạm vào nhau khi bị tác động từ bên ngoài, nhưng không chủ ý tìm đến nhau. Vì thế những cú va chạm bất đắc dĩ đó chỉ nằm ở mức da thịt nhưng không hề có ảnh hưởng gì đến cảm xúc hay tâm hồn của họ. Họ đứng đối mặt nhau, nhưng ánh mắt không hề gặp nhau vì họ e ngại trước những bí mật trong đáy sâu con người họ sẽ bị người đối diện phát hiện và tận dụng để tấn công họ bằng cách này hay cách khác. Họ đứng kề vai nhau nhưng không có nghĩa là họ mong muốn sự bình đẳng với người bên cạnh. Họ đi cùng hướng nhưng không có nghĩa họ nhắm tới đích điểm như nhau. Vì thế mọi người vẫn đi cùng chiều theo vòng xoay trái đất, đi cùng hướng trên một tuyến tàu điện, nhưng đó chỉ là sự đồng nhất mang tính hình thức nộng cạn. Khi quan sát kỹ càng mới thấy sự hỗn loạn phía sau sự trật tự, khoảng cách phía sau sự gần gũi, sự xa lạ phía sau sự thân quen.

Bangkok, ngày 26.10.2018

Chuyện trong ngày

Chiều nay mình lên xe "hộp" 7 baht để đi tập thể dục thì thấy trên xe đã có hai hành khách, một người đàn ông trung niên và một phụ nữa cao tuổi. Vừa đến đoạn chợ chiều thì bác ra hiệu muốn xuống. Tài xế xe hộp dừng lại trước chợ cho bà xuống. Bác gái xuống xe rồi đi thẳng về hướng chợ.

Thấy bác gái chưa trả tiền xe, người hành khách nam trên xe liền gọi "bác, bác". Mới đầu bác không nghe nên tiếp tục bước đi. Thấy bác không quay lại, tài xế xe bắt đầu di chuyển để đi tiếp. Đó cũng là lúc bác gái chợt nhớ mình chưa trả tiền xe nên quay lại, trong tay đã cầm sẵn 7 baht.

Bác gái gửi tiền xe cho tài xế và xin lỗi vì xuống xe mà quên trả tiền. Tài xế nhận tiền từ bác gái rồi đạp ga đi tiếp.

Bangkok, ngày 24.10.2018

Chuyện mục vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan



Một trong những công việc của mình tại Thái Lan là mục vụ cho người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây. Năm 2017 mình được HĐGM Thái Lan bổ nhiệm đặc trách mục vụ di dân Việt Nam tại Gp. Chanthaburi. Như thường lệ mỗi năm có chương trình tĩnh tâm dành cho ban lãnh đạo các nhóm để giúp cho họ trau dồi đời sống tâm linh và thêm nghị lực để phục vụ cộng đoàn.

Năm nay mình cũng tổ chức chương trình tĩnh tâm hai ngày, một đêm cho ban lãnh đạo các nhóm mà mình làm tuyên úy. Bên cạnh đó mình còn mở chương trình ra cho bất cứ bạn trẻ nào muốn tham dự có thể ghi danh để đi tĩnh tâm. Chỉ khác biệt là thành viên ban lãnh đạo của các nhóm sẽ được bao mọi chi phí từ lệ phí chương trình cho đến tiền xe đi lại. Còn các bạn trẻ khác thì phải đóng phí tham dự và tự túc đi lại.

Để giúp cho chương trình tĩnh tâm năm nay thêm phong phú và ý nghĩa mình đã nhờ anh em trong Dòng Ngôi Lời, thậm chí mời người chuyện về thánh nhạc từ Việt Nam qua để cộng tác trong việc thực hiện chương trình. Sau khi hạn chót để ghi danh tham dự chương trình tĩnh tâm đã trôi qua thì có rất nhiều bạn trẻ ghi danh đi tham dự, còn thành viên ban lãnh đạo từ các nhóm/cụm mà mình phụ trách có số lượng ghi danh tham dự là….0.

Bangkok, ngày 22.10.2018

Có nên tự hào là con Thiên Chúa?



Nhiều lần tôi thấy người Công giáo phát biểu nơi này nơi kia, đặc biệt là trên những diễn đàn mạng xã hội, câu: “Tự hào là người Công giáo” hoặc “Tự hào là con Thiên Chúa.” Có lẽ khi nói điều này, người phát biểu muốn bày tỏ niềm vui khi được Thiên Chúa ban cho sự sống, được liên kết mật thiết trong ân nghĩa với Ngài và được mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài. Và niềm vui đó càng gia tăng khi biết rằng chính mình đã được cứu độ bởi Đức Ki-tô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Cha ban cho chúng ta Đức Giê-su như là một Đấng Cứu Thế và là một bậc Thầy luôn dạy bảo, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta sống một lối sống cởi mở, yêu thương, phục vụ.

Khi nói một cách nôm na rằng chúng ta tự hào là người Công giáo với những cảm nhận như trên thì điều đó không thể hiện sự kiêu căng hay tự cao tự đại. Tuy nhiên nếu không cẩn thận trong cách phát biểu, đặc biệt trong bối cảnh tương quan với những người khác tôn giáo, một câu nói “trống rỗng” không kèm theo lời phân tích rõ ràng có thể dẫn đến hiểu lầm và mâu thuẫn. Một câu nói thiếu ý thức cũng có thể dẫn đến thái độ muốn chia rẽ và loại trừ.

Mặc dầu tinh thần “tự hào” có thể được hiểu theo nghĩa tích cực thì chúng ta cũng phải nhớ rằng thái độ đó chưa phải là giá trị tâm linh sâu sắc nhất trong thần học Ki-tô giáo. Đối với người Công giáo, điều mà mỗi người chúng ta phải trau dồi va nuôi dưỡng không phải là lòng tự hào mà là tâm hồn biết cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Được sinh ra là con Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi Đức Ki-tô, được sống trong tình yêu của Ngài không phải là những thành tích mà chúng ta đã đạt được bởi công lực hay trí tuệ của mình. Đây là những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách nhưng không, và không ai có thể dám nói rằng mình đáng được lãnh nhận những hồng ân đó.

Tâm hồn cảm tạ tri ân sâu xa chính là thái độ của Đức Maria khi Mẹ ca ngợi Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Đó cũng là thái độ của tác giả Thánh vịnh 118:21, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.”

Hơn ai hết, thánh Phao-lô đã có công trong việc rao giảng Tin Mừng đến người ngoại giáo và thành lập những cộng đoàn Ki-tô hữu ở nhiều nơi trong thời sơ khai. Nhưng trong thư thứ hai gửi tin hữu Thexalonica, ngài không hề tỏ ra tự hào trước thành tích của mình. “Chúng tôi phải luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ, vì lòng tin của anh em đang phát triển mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác cũng gia tăng” (1:3). Thánh Phao-lô đã ý thức sâu xa rằng đức tin và đức ái của các Ki-tô hữu có phát triển thì cũng nhờ vào bàn tay của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của chính thánh nhân hay do các tín hữu tự làm nên mà có.

Vì thế mỗi người chúng ta thay vì tự hào là con Thiên Chúa hay là người Công giáo thì nên phát triển nhiều hơn tâm hồn cảm tạ tri ân là giá trị tâm linh tốt lành, thánh thiện nhất. Một tâm hồn biết cảm tạ Chúa cũng sẽ biết can đảm ca ngợi Ngài trước mặt người khác như Đức Maria đã làm trong kinh Magnificat. Một tấm lòng tri ân Thiên Chúa sẽ dám đi ngược chiều với những người khác trong lời nói và hành động như một trong 10 người bị bệnh phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành đã làm. Những hành động yêu thương, phục vụ khiêm tốn xuất phát từ chính tâm tình cảm tạ bởi vì chúng ta ý thức được rằng tất cả những gì chúng ta đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa, bất kể đó là đức tin hay là của cải vật chất, thì không thể chỉ giữ lấy cho riêng mình mà phải chia sẻ cho những người xung quanh.

Lòng tự hào nếu bất cẩn hay thiếu ý thức có thể dẫn đến thái độ kiêu căng và tự đắc. Nhưng một tâm hồn cảm tạ sẽ luôn giúp chúng ta nhận ra vị trí đích thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và những người xung quanh.

Bangkok, ngày 20.10.2018

Chuyện 2 bà bán quán, 4 quả trứng và 20 baht




Ở gần nhà cộng đoàn có hai bà người Thái mở quán bán hàng. Quán trước nhà bán bánh trái và tạp hóa. Quán phía sau nhà bán thức ăn và tạp hóa. Hai bà tuổi tác cũng khoảng như nhau, nhưng tính cách bán hàng thì khác nhau.

Bà quán trước rất sẵn sàng cho nợ tiền. Không phải mình không có tiền trả phải mua thiếu mà vì có khi đi ra trước nhà thấy nải chuối ngon bổng dưng muốn mua. Bà chủ quán luôn vui vẻ bảo cứ lấy về đi rồi khi nào đem tiền tới trả cũng được. Có khi mua nải chuối còn được khuyến mãi thêm trái ổi hoặc cái bánh nếp.

Nhưng bà chủ quán sau nhà thì không mấy chiều khách. Trưa hôm trước mình muốn nấu mì tôm mà trong tủ lạnh không có trứng nên tới quán bà ta mua trứng. Mình mua 4 quả hết 20 baht. Mình đưa cho bà 100 baht nhưng bà không có tiền thối. Mình nói vậy để tôi lấy trứng về rồi lát nữa tôi mang 20 baht ra trả cho. Bà chủ quán bảo không được, nếu lấy trứng về thì phải để tờ 100 baht lại cho bà rồi lúc khác trở lại lấy tiền thối. Mặc dầu mình đã mua thức ăn của bà nhiều lần và bà biết nhà mình chỉ cách quán bà vài chục mét, thế mà bà sợ mình quỵt tiền bà.

Thấy thái độ của bà chủ quán thiếu tin tưởng mình nổi lòng tự ái nên bảo, “Nếu bà không tin tôi sẽ trở lại trả tiền cho bà thì tôi xin trả trứng lại vậy.” Bà chủ quán chấp nhận lấy lại 4 quả trứng.

Thế là mình đi tay không về nhà. Trưa hôm đó đành phải ăn mì tôm với rau mà không có trứng.

Bangkok, ngày 19.10.2018

Đi “xe hộp”




Từ ngày chuyển nhà cộng đoàn về đường Ekkachai tương đối xa trung tâm thành phố, mình ngày càng thường xuyên sử dụng phương tiện xe công cộng để đi lại, đặc biệt khi phải vào khu vực trung tâm nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc cũng như khó tìm chỗ đậu xe. Thái Lan có rất nhiều phương tiện xe cộng cộng—xe điện, taxi, thuyền, xe buýt, xe du lịch 16 chỗ ngồi, xe tuk tuk, xe ôm, xe song thaeo và xe krapong.

Nhiều người dân ở vùng đường Ekkachai đi lại bằng xe ôm và xe krapong. Mình chỉ thỉnh thoảng ngồi xe ôm, nhưng xe krapong thì mình đi nhiều vì nó vừa tiện lợi vừa rẻ. Với giá cho mỗi lượt đi bất kể dài ngắn chỉ 7 baht mà lại có rất nhiều chuyến nên mình ít khi phải đợi lâu để được lên xe (đó là khi không đụng vào giờ cao điểm khi xe ít khi có chỗ trống). Tuyến xe mình đi là số 15 bắt đầu từ trung tâm mua sắm Big C  ở hẻm 65 cho tới chợ Talat Phlu, một quãng đường dài khoảng 10km.


Mình không hiểu lý do tại nào xe này mang tên là xe krapong. Từ “krapong” có nghĩa là “cái lon” trong khi nhìn cái thùng xe thì có vẻ giống như một cái hộp hơn. Trong cái hộp phía sau đó ngồi tối đa được 10 người. Nếu tài xế chở 10 người từ đầu tuyến tới cuối tuyến thì sẽ thu được 70 baht. Nếu có người lên người xuống thì được nhiều hơn. Nhưng cũng có khi thấy xe trống trơn không có khách, đặc biệt là vào những giờ thời tiết nóng nực ít có người đi lại. Có những lần mình ra đầu hẻm lên xe đi một quãng đường dài mà không thấy có thêm khách thì bắt đầu cảm thấy áy náy và thương hại cho tài xế.

Mặc dù đi xe bình dân, nhưng không có nghĩa cả tài xế lẫn khách không có văn hóa. Thường thì xe không có người thu tiền. Khi xuống xe, mỗi người khách tự động đi tới phía trước để trả tiền cho tài xế. Không có trường hợp leo lên xe rồi xuống mà bỏ trốn không trả phí. Vào những giờ cao điểm khi khách nhiều hơn xe thì mọi người phải ý thức xếp hàng ở các trạm một cách trật tự.


Mặc dầu mình có xe ô-tô để đi lại, nhưng mình thấy việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng, đặc biệt là để làm những công việc hằng ngày như đi mua sắm, đi tập thể dục…thuận tiện và tiết kiệm hơn. Hơn thế nữa đây cũng là cách mình giúp giảm bớt việc làm ô nhiễm môi trường bằng một hành động thiết thực và cụ thể.

Bangkok, ngày 18.10.2018

Đi Xã Đoài



Ngày 2-3 tháng 10, mình và cha Piyachat Chaiyadet, đặc trách mục vu của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan đến Xã Đoài, GP Vinh để chuẩn bị cho chuyến đi của phái đoàn linh mục thuộc TGP Bangkok đến thăm và tìm hiểu về sinh hoạt mục vụ của Giáo phận vào tháng 11 tới đây. Mục đích của chuyến đi là để giúp cho các linh mục thuộc TGP Bangkok tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm cũng như cơ cấu làm mục vụ từ các giáo hội địa phương khác. Giáo Phận Vinh là một Giáo phận lớn ở Việt Nam nên việc đến đây là một lựa chọn đúng đắn. Bên cạnh đó, tại Thái Lan hiện nay có nhiều con em thuộc GP Vinh đang sinh sống và làm việc nên đây cũng là một dịp thuận lợi cho các linh mục Thái Lan được biết nhiều hơn về quê hương và cuộc sống của những người giáo dân Việt Nam trong giáo xứ của các ngài tại Thái Lan.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, thời gian qua, mình đã đại diện cho TGP Bangkok để liên lạc với Tòa Giám Mục Gp Vinh để lên chương trình. Chuyến đi của mình và cha Piyachat về Việt Nam hai ngày qua cũng nhằm mục đích trao đổi cụ thể hơn với cha thư ký TGM Vinh để ấn định các sinh hoạt nhằm đáp ứng mục đích của chuyến đi một cách tốt đẹp.

Cha Piyachat và mình đã rất hài lòng với kết quả của chuyến đi chuẩn bị này. Ngoài việc được gặp gỡ ĐC Phao-lô Nguyễn Thái Hơp và trình lên ngài kế hoạch chuyến đi, mình và cha Piyachat cũng đã được cha Hồng Ân, thư ký TGP sắp xếp cho giờ làm việc với ngài để lên chương trình cách chi tiết. Mình tin rằng nếu thực hiện theo chương trình một cách chu đáo thì sẽ mang lại rất nhiều điều rất bổ ích cho các linh mục Thái Lan có tham gia chuyến đi này.

Mặc dầu là một chuyến đi làm việc khá cập rập, nhưng mình cũng đã tận dụng thời gian để thăm hỏi và gặp gỡ một số người mình quen biết trong Giáo phận. Mỗi chuyến đi xa đều có những vất vã của nó, nhưng sự mệt nhọc sẽ được bù đắp bằng nhiều niềm vui lớn nhỏ. Nhìn lại chuyến đi đến GP Vinh nhanh như chong chóng vừa rồi, mình thấy có những niềm vui như sau:

1) Được cha Hồng Ân thư ký Tòa giám Mục Vinh đón tại sân bay và sắp xếp cho chương trình làm việc chu đáo.

2) Gặp lại một số bạn trẻ ở gần Xã Đoài từng sinh hoạt với mình ở tỉnh Nong Bua Lamphu 5-10 năm về trước khi còn làm cha xứ ở vùng Isan.

3) Dâng lễ ở nhà thờ Gx. Trung Hậu và gặp lại những khuôn mặt thân quen ở đây nơi mình đã từng tới thăm cách đây 5 năm.

4) Được thầy sáu Thi làm hướng dẫn viên đưa đi những nơi cần thiết để chuẩn bị cho chuyến thăm Gp. Vinh của phái đoàn linh mục TGP. Bangkok vào tháng 11.

5) Được thấy cảnh cha Peter, đặc trách mục vu HĐGM.TL học cách dùng điếu cày từ các cha ở Xã Đoài.

6) Được mẹ của bạn Thuyên ở Gx. Phương Mỹ làm thịt con gà trong nhà cho bữa trưa.

7) Được ăn hai quả trứng vịt lộn ở Quán 86 tại Quán Hành.

Bangkok, ngày 4.10.2018