Đi làm giấy miễn thị thực

Hôm nay mình lại theo cha Paul đến Khon Ken để thăm giáo xứ cha tại đây. Cha Paul là một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, người Thái gốc Việt. Cha có tên Việt là Thân. Khác với đa số các linh mục Việt kiều Thái khác, cha Paul nói tiếng Việt thông thạo. Đây là lần thứ hai mình đến Khon Ken, lần thứ nhất là đến tham dự cuộc hội nghị các linh mục trong vùng đông bác vào cuối tháng giêng.

Mình đến Khon Ken lần này có ý định muốn tìm hiểu thêm về công việc của cha tại Khon Ken, và thêm một việc thứ hai nữa là đến văn phòng Tổng lãnh sứ quán Việt Nam để xin miễn thị thực vào Việt Nam. Hôm qua, mình nhận được giấy khai sinh mà bố gởi cho mình để chứng minh rằng mình là người gốc Việt.

Chiều nay mình đến văn phòng TLSQ gặp anh Bằng, là người trước đây cấp cho mình visa đi Việt Nam và cũng là người khuyên mình hãy xin giấy miễn thị thực. Mình nghĩ rằng có tờ giấy khai sinh là thủ tục thiết yếu cho việc xin cấp miễn thị thực. Nhưng sự việc không đơn giản như mình nghĩ.

Anh Bằng bảo:

- Giấy khai sinh thì em chỉ mới chứng minh được rằng em là người gốc Việt Nam thôi. Em cần thêm giấy chứng nhận từ một hội Việt kiều ở Mỹ nữa. Mà giấy này phải do bố mẹ em đứng ra xin cho em.

- Nhưng mà bố mẹ em đâu có tham gia vào hội đoàn gì ở Mỹ để làm giấy chứng nhận cho em đâu. – Mình thắc mắc.

- Bố mẹ em có thể viết một đơn lên văn phòng LSQVN tại California để xin chứng nhận về lý lịch của bố mẹ và của em là tốt đẹp.

- Nhưng em xin ra tại Việt Nam. Mà bây giờ em lớn rồi thì tại sao không có thể tự làm đơn này mà bố mẹ em phải làm cho em?

- Theo văn hóa Việt Nam mình thì ai cũng phải có nguồn gốc. Vì vậy, mặc dầu em lớn rồi, nhưng quan hệ gia đình vẫn quan trọng.

Trao đổi với nhân viên văn phòng TLSQVN, mình phát hiện ra việc xin được cấp giấy miễn thị thực không mấy đơn giản. Mình không chỉ phải chứng minh rằng mình lá người gốc Việt, mà còn phải chứng minh rằng mình là người gốc Việt có lý lịch tốt. Mà không chỉ mình mà còn bố mẹ mình nữa.

Mình quên không đặt vấn đề lỡ bố mẹ mình qua đời rồi thì sao? Nhân viên LSQ tránh an mình là việc làm thủ tục thực ra rất đơn giản. Chỉ cần viết đơn lên LSQ ở Mỹ xin chứng nhận là xong. Nhưng trong lòng mình có cảm giác như mọi chuyện không phải dễ dàng như anh ta nói.

Việc xin giấy miễn thị thực mới nảy ra trong đầu gần đây sau khi thấy cứ mỗi lần đi VN là mỗi lần xin visa thì thật là bất tiện và tốn kém, đặc biệt khi mình ở Thái Lan thì có thể sẽ đi Việt Nam thường xuyên. Dù sao đi nữa thì mình cũng cố gắng hoàn tất giấy tờ để được miễn thị thực. Nhưng nếu quá trình xem ra phức tạp quá thì đành chấp nhận sự bất tiện vậy.

Khon Ken, ngày 26.2.2008

Sẽ có lễ tiếng Việt!

Hôm nay sau khi trở về từ Huây Sườm, mình đến nhà thờ Banchik để tham dự lễ tối thứ bảy. Đây là nhà thờ nhỏ chỉ có chưa đến 50 người đi lễ, đa số là người Việt kiều Thái và các bạn trẻ từ Việt Nam sang làm việc.

Hôm nay mình và cha John thông báo cho cộng đoàn một tin mới, đó là bắt đầu tuần sau sẽ có thánh lễ bằng tiếng Việt mỗi tháng một lần cho những ai muốn tham dự thánh lễ tiếng Việt. Lễ tiếng Việt sẽ diễn ra vào tối Chúa Nhật lúc 7h30. Khi nghe tin sẽ có lễ tiếng Việt, các bạn trẻ Việt Nam rất mừng và hứa sẽ thông báo tin về thánh lễ cho những người khác biết.

Bản thân mình rất vui khi đạt được điều này vì mình rất muốn làm mục vụ cho những người Việt tha hương cầu thực. Đến đất Thái, họ bơ vơ và gặp nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Nếu không giúp đỡ họ về tâm linh thì cuộc sống sẽ còn vất vả hơn. Chính vì thế mà từ khi biết rằng có các bạn trẻ làm việc ở đây, mình đã tìm cách xin phép cho có thánh lễ bằng tiếng Việt. Mình cảm thấy vui khi việc xin phép không quá khó khăn, và ĐGM đã đồng ý cho việc ấy xảy ra. Mình hy vọng rằng thánh lễ tiếng Việt sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu mục vụ phần nào cho các bạn trẻ mà còn mở ra một giai đoạn mới trong công tác mục vụ với giáo dân người Việt kiều Thái,
những người chưa bao giờ tham dự một thánh lễ tiếng Việt. Ước gì thánh lễ tiếng Việt sẽ giúp cho họ thấy gần gũi hơn với nguồn gốc máu Việt của họ.

Udon Thani, ngày 23.2.2008


Tìm một lối đi


(Trong giáo xứ đa số là người lớn và trẻ con. Giới trẻ đã đi ra khỏ làng để học và tìm việc làm. Đây là hiện tượng chứng kiến ở nhiều vùng thôn quê không chỉ ở đất Thái mà nhiều quốc gia đang phát triển.)

Là người mới đến giáo phận này, cách đón tiếp và cách làm việc của các vị lãnh đạo giáo phận đôi khi làm mình đặt câu hỏi: - Ở đây họ có cần mình hay không? Họ nghĩ như thế nào về mình? Họ có chương trình gì muốn mời mình cộng tác hay không?

Mình cố gắng nhìn kỹ vào thái độ để đoán xem những người trong giáo phận nghĩ như thế nào về mình, nhưng cũng rất khó để khẳng định được các ngài nghì gì? Mình đến Udon Thani với suy nghĩ rằng mình sẽ được sắp đặt để làm việc này việc nọ để thực tập trong thời gian đầu gia nhập giáo phận, nhưng thực tế hoàn toàn khác với những gì mình suy nghĩ. Không có một chương trình cụ thể để giúp mình hội nhập giáo phận. Mình chỉ gặp Đức Giám Mục ở mỗi buổi ăn, mà phần lớn thì ngài nói chuyện với cha xứ. Nếu ngày nào không có cha xứ thì ngài sẽ nói chuyện với cha phó. Không có cha phó thì ngài mới nói chuyện với mình, theo thứ tự như thế. Mình cũng không rõ lắm Đức Cha có ý định muốn đưa mình vào công việc gì trong địa phận hay không, hay là ngài đang chờ mình tự vặt ra con đường mình muốn đi rồi đến tham khảo ý kiến của ngài.


Cũng may mình là một người có tính tình tương đối năng động, không chịu ngồi yên để chờ người khác chỉ dẫn rồi mới làm. Vì thế khi thấy tình hình ở nhà thờ chánh tóa có vẻ trống trải, mình đã quyết định tự đặt ra cho mình một chương trình thăm viếng các nhà thờ trong địa phận để “hội nhập văn hóa” cũng như “làm quen với công việc của địa phận”. Luôn tiện, mình cũng có dịp gặp gỡ và trao đổi với các cha về những nguyện vọng của mình khi bước chân đến phục vụ ở đây.

Các ngài tỏ ra thông cảm, đặc biệt cha Sốm Nức nghĩ rằng giáo phận nên có một chương trình rõ ràng hơn đối với các linh mục mới đến để sử dụng nhân tài một cách có bổ ích cho giáo phận. Riêng cha Sốm Nức chia sẻ rằng ngài rất đang cần người cộng tác với ngài trong công việc giáo xứ, đặc biệt vấn đề mục vụ giới trẻ mà chính mình cũng đã chia sẻ với ngài rằng mình rất muốn làm việc mục vụ ấy. Vì thế, ngài sẽ rất mừng nếu mình quyết định đến Huây Sườm để làm việc với ngài trong vai trò cha phó.

Lời mời của cha Sốm Nức diễn ra trưa nay khi ngài đưa mình và cha S. đến ăn trưa ở một quán ăn dọc sông Mekong. Quán ăn bình dân, giờ trưa không mấy khách, nhưng cảnh vật thật tuyệt vời. Trước quán ăn, dòng sông Mekong chảy yên bình trong mùa cạn nước. Bờ bên này sông một bãi cát trắng xóa hiện lên trước mắt, không có người chơi, chỉ một vài chiếc ghe đánh cá nhỏ của người dân đang cắm ở đó. Bên kia sông là một dãy núi dài vô tận, thuộc về ranh giới nước Lào. Hình ảnh sông núi thơ mộng và quyến rũ trước mắt làm cho mình chợt nghĩ, phải chăng ở miền xa xôi này chính là điểm dừng chân của mình trong cuộc hành trình truyền giáo trên đất Thái?

Mình hứa với cha Sốm Nức sẽ suy nghĩ thêm và sẽ trả lời ngài sau khi mình đi thăm dò thêm một thời gian ngắn nữa. Ngồi nghĩ lại, mình thấy con đường mục vụ rất thênh thang, có nhiều hướng để đi. Nhưng lối đi đó đôi khi không ai mở ra cho để mình tiến bước. Nhiều khi phải tự mày mò để rồi dần dần nắm được một điểm khởi đầu cho công việc mục vụ. Mình cũng không bất ngờ lắm khi đang gặp phải kinh nghiệm như thế này. Mình đã từng trải qua những kinh nghiệm như thế khi cố gắng vạch cho mình con đường mục vụ. Cuối cùng thì mình cũng đã làm được những gì phù hợp với khả năng và sở thích của mình, mặc dầu điểm khởi đầu hoàn toàn không những gì mình dự trước.

Có lẽ lời mời của cha Sốm Nức đến cộng tác với ngài ở đây là điểm mở đầu đó, hoàn toàn nằm ngoài dự định, hoàn toàn khác với những gì mình hình dung trong đầu trước đây, nhưng có lẽ đó chính là điểm khởi đầu cần thiết cho đời sống truyền giáo của mình trên đất Thái.

Huây Sườm, ngày 21.2.2008

Ra quê

(Buổi sáng trời còn rét, bọn trẻ con trong giáo xứ đi học giáo lý rồi ra đốt lửa hơ ấm).

(Ngôi nhà thờ Huây Sườm chứa được khoảng hơn 100 người. Đây là một trong ba nhà thớ nhỏ mà cha Sốm Nức đảm trách.)

Hôm nay mình theo cha Sốm Nức đến thăm giáo xứ của ngài ở huyện Huây Sườm, cách Udon Thani khoảng 3 giờ đồng hồ lái xe. Trong xe còn có thêm cha S. đến từ Bangkok, là cha bạn của cha Sốm Nức. Cha S. được cha Sốm Nức mời đến giảng phòng cho giáo xứ của cha trong dịp giáo xứ chuẩn bị mừng lễ quan thầy vào thứ bảy tuần này. Ở giáo phận Udon Thani có truyền thống tốt đẹp là trước ngày giáo xứ mừng lễ quan thầy thì có việc chuẩn bị tinh thần bằng cách mời cha khách đến giảng phòng ba ngày liên tục.


Cha Sốm Nức quản lý 3 ngôi nhà thờ nhỏ nhưng lễ mừng quan thầy sẽ diễn ra chỉ ở nhà thờ chính nằm trên con đường lớn. Mình theo cha Sốm Nức đến đây không ngoài mục đích tìm hiểu về công việc mục vụ trong giáo phận và làm quen với văn hóa nông thôn của người Thái.


Đây là một vùng khá xa xôi vì khi đến đây điện thoại của mình đã mất sóng. Mình đang nghĩ có lẽ phải thay đổi dịch vụ điện thoại vì dịch vụ True Move mà mình đang sử dụng ít có phủ sóng ở các vùng nông thôn. Nhưng việc thay đổi số điện thoại không đơn giản vì mình phải thông bao cho người quen biết, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Úc, Việt Nam, và Mỹ.

Ở đây cha Sốm Nức cũng không có nối mạng nên tuần này mình phải chấp nhận sống lối sống lạc hậu, không có internet và không có điện thoại di động. Có lẽ đó cũng là một điều tốt vì chính mình thấy rằng nhiều khi mình lên mạng lướt trong khi không có việc gì cần thiết. Đôi khi mình tự nhận ra rằng mình đang phung phí thời giờ với những trang web mà không mang lại nhiều bổ ích cho mình.

Tối nay là thánh lễ đầu tiên do cha khách chủ tế và mình với cha Sốm Nức đồng tế. Cha S. giảng trong thánh lễ, một lối giảng phóng khoáng, hài hước, và giản dị. Giáo dân từ con nít đến người già cười mãi vì những câu chuyện khôi hài của ngài. Ngồi trên cung thánh nhìn xuống, mình đếm số người giáo dân đến tham dự lễ và nghe giảng khoảng 100 người. Tuy đây là con số không lớn, nhưng nó đã gấp đôi sự mong đợi của cha xứ. Việc chuẩn bị mừng lễ quan thầy của giáo xứ và mùa chay thánh rơi vào thời điểm giống nhau. Thật may biết bao khi giáo giân không chỉ có cơ hội được lắng nghe những bài giảng hay trong thời điểm này, mà con được chuẩn bị thật chú đáo để đón nhận Chúa Phục Sinh đến trong tâm hồn trong chỉ vài tuần tới.

Huây Sườm, ngày 19.2.2008

Ăn giỗ ở nhà bà Giày Huấn

Tối qua mình đi ăn tiệc giỗ ở nhà bà Giày Huấn, một giáo dân Việt Kiều trong giáo xứ. Tiệc giỗ 1 năm của mẹ bà Giày Huấn được tổ chức thật lớn, có sáu cha đến tham dự cũng như mười mấy bàn tiệc. Mà nghe nói đây chỉ là những khách chọn, chứ chưa phải là tất cả những ai quen biết.

Nhà bà Giày Huấn khá lớn, và gia cảnh xem ra khá giả. Cha Gowit nói rằng bà là một người rất thích làm phúc cho các cha và các nhà thờ. Gia đình bà con xem ra rất thành công và hạnh phúc. Khi buổi tiệc đã dần tàn, chỉ còn mình và cha Somnuk ở lại cũng như mấy anh em trong gia đình, mọi người đùa giởn với nhau thật tự nhiên và náo nhiệt (Tuy nhiên, hậu quả của sự náo nhiệt đó là mình đã được tắm bằng một ly bia đầy nhóc do sự quá tay của một ông anh đã uống hơi quá mức). Một người anh họ từ miền Nam Thái Lan lên tham dự tiệc phải móc tiền ra lì xì cho tất cả những người em trong gia đình, như người em trai của anh đến từ Bangkok phải làm từ ngày trước. Nhưng kết quả của cuộc đùa giởn nói trên là cha Somnuk đã nhận được một số tiền khá lớn để đem về giúp cho những nhà thờ nghèo của cha sau khi tất cả phải móc tiền lì xì ra bỏ vào giỏ để dâng cúng cho nhà thờ.

Bà Giày Huấn đi lễ mỗi sáng, còn trong nhà thì bàn thờ có chưng rất nhiều tượng ảnh Chúa và Mẹ. Mình ngồi ở bàn tiệc nhìn quanh một vòng thì thấy trên tường còn có hình của nhà Vua Thái Lan, rất nhiều hình ảnh của con cái, những tờ lịch Việt Nam, trong đó có lịch được Tổng Lảnh Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan tặng trong dịp Tết. Và trên tường có treo một đồng hồ "Hồ Chí Minh". Khác với những người Công giáo Việt kiều ở các nước khác trên thế giới, người Việt kiều Công giáo ở Thái Lan có cảm tình đặc biệt với Hồ Chí Minh và coi ông như một lãnh đạo vĩ đại của đất nước. Trong buổi tiệc, gia đình còn mở nhạc cách mạng ra để cho mọi người thưởng thức. Bà Giày Huấn hỏi mình: - Nhạc này hay không cha?

Mình trả lời một cách tế nhị: - Nghe nhạc này ăn xong muốn đi đánh giặc cô à.

Anh của cô Giày Huấn, năm nay đã 81 tuổi, nghe nói mình là linh mục Việt Nam cũng đến để nói chuyện làm quen. Ông cụ sinh ra ở Quảng Bình nhưng đến Thái Lan từ năm 14 tuổi. Hiện nay con cái rất thành công, trong đó có một người con trai có xưởng sản xuất đồ nội thất tại Bangkok. Anh Tâm khoe với mình, anh rất thân với đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và đi lại với họ luôn.

Còn ông cụ khi nghe mình kể rằng bố qua Mỹ từ những năm 1975, và trước kia có đi lính cho VNCH thì hỏi lại: - Vậy lúc đó đi lính cho thằng Thiệu hay thằng Kỳ?

- Thưa ông, con cũng không rõ. - Mình trả lời. - Con chỉ biết là đi lính cho Miền Nam Việt Nam.

Đến Thái Lan mới thấy người Việt ở đây cũng đa dạng lắm, nhiều thành phần, nhiều ý thức và não trạng khác nhau. Mình làm việc mục vụ trong môi trường này phải thận trọng trong những lời ăn tiếng nói và tránh những gì không giúp đỡ cho công tác mục vụ tâm linh. Đã bước vào con đường truyền giáo là phải chấp nhận sự khác biệt, và tìm cách hòa nhập vào môi trường mới một cách hài hòa và tế nhị để công việc mang lại kết quả như mong muốn.

Udon Thani, ngày 18.2.2008

Lễ Việt Nam

Tối nay mình đến nhà thờ Banchik, một ngôi nhà thờ nhỏ trong thành phố để tham dự thánh lễ. Nhà thờ này có một lễ vào mỗi tối thứ bảy. Số giáo dân đi lễ chỉ vài chục người, đa số là người Việt, trong đó có những người Việt đến lao động ở Udon Thani. Linh mục đảm trách nhà thờ này là cha John, một linh mục người Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất thông thạo. Đó là vì ngài đã từng làm lính trong chiến tranh tại Việt Nam và đã đi tu từ khi còn ở Việt Nam. Mặc dầu ngài đã bị trục xuất ra khỏi Việt Nam sau 1975, nhưng ngài vẫn không quên tiếng Việt mà ngày nay ngài vẫn dùng để giúp đỡ những người Việt ở đây.

Từ khi biết có mình đến Udon Thani, những người Việt đã xin cha John cho mình làm lễ bằng tiếng Việt cho họ một tháng một lần, vì ai cũng ao ước được tham dự thánh lễ bằng ngôn ngữ của mình cho sốt sắng. Cha John cũng đồng ý và đã xin phép Đức Giám Mục. Tuy nhiên mấy tuần nay, ngài bệnh nặng phải đi Bangkok để điều trị nên ngài chưa có dịp nói chuyện với mình. Ngay cả mình cũng không biết là ngài đã quyết định sẽ có lễ bằng tiếng Việt.

Hôm nay tình cờ nghe một giáo dân giúp tại nhà thờ bảo là cha John định sẽ có thánh lễ tiếng Việt vào tuần thứ 4 mỗi tháng mình cũng thấy bất ngờ vì chưa nghe ngài nói gì với mình. Mà thực ra thời gian qua, mình đi đây đó nhiều, không gặp ngài nên ngài có muốn trao đổi gì với mình cũng không dễ gặp.

Mình rất mừng khi nghe rằng mình sẽ được làm lễ bằng tiếng Việt cho những bạn trẻ đang lao động tại Thái Lan. Tuy nhiên mình chưa thể tiến hành gì được trước khi chính thức nói chuyện với cha John để mọi việc được rõ ràng. Là người mới đến nên mình rất e ngại làm những gì không đúng với quy tắc, khiến cho người khác mất lòng, và đặc biệt là có thể làm cho Đức Cha không hài lòng với mình. Sự thận trọng và tế nhị có lẽ sẽ không làm mình thất vọng trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người đi trước mình ở đây.

Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ Việt Nam nhu cầu mục vụ cho họ là một điều mà hiện nay trong giáo phận chưa có ai đảm trách tận tình. Và mình cũng nghĩ rằng chưa có ai hiểu rõ nhu cầu mục vụ ấy như thế nào. Chính vì thế nên việc giúp đỡ họ là một mục tiêu mà mình sẽ đặt vào chương trình mục vụ của mình để họ được nâng đỡ tinh thần khi đến đất nước này để mưu sinh.

Udon Thani, ngày 16.2.2008

Thánh lễ đầu tiên ở tu viện Capuchin

Sáng nay lần đầu tiên một mình dâng lễ ở tu viện Capuchin. Đáng ra cũng run lắm nhưng vì hôm qua có dâng lễ ở bên dòng các seour Salesian rồi nên cảm thấy tự tin hơn. Thánh lễ 6h30 sáng có các seour dòng kín Capuchin cũng như một số giáo dân đến tham dự, trong đó đa phần là những người Việt kiều Thái.

Làm lễ ở đây mình biết một điều là ai cũng chú ý xem mình đọc có rõ ràng không, hay là giáo dân phải căng tai mà nghe mới hiểu được mình đang đọc cái gì? Lễ xong, mình bước ra trước từ phòng thay áo thì cụ già mẹ của bà làm bếp trong nhà xứ quay lại nói:

- Nội đang nói chuyện về cha đó.

- Ủa, nội nói gì về con vậy?

- Nói là cha đọc tiếng Thái nghe thật rõ. Cha giỏi thật.

- Vậy là nội nghe con đọc hiểu hả nội?

- Hiểu chứ. Rõ lắm.

- Vậy con cám ơn nội nhé. Con đọc nội hiểu được con mừng lắm đó.

Mấy giáo dân khác cũng dành cho mình những lời khích lệ như vậy. Cô Bunjan nói với mình bằng tiếng Việt:

- Cha mới qua mà giảng như vậy là hay rồi đó. Trước đây có các cha Tây đến ở nhiều năm ma giảng ngồi nghe vẫn không hiểu gì hết.

Nghe những lời khen thì mình cũng nở mủi và mừng thầm. Nhưng giáo dân cũng không biết rằng chỉ một thánh lễ thường mà mình phải mất gần cả ngày để chuẩn bị. Nào là phải soạn bài giảng, rồi tập đọc đi đọc lại bài Phúc Âm, cũng như các lời nguyện trong thánh lễ. Chữ tiếng Thái ngoằn nghoèo như thế thì nhìn qua đọc một hai lần không thể nào xuôi được. Biết rằng phải có sự xiêng năng cần cù thì khả năng mới tiếp tục phát triển nên mình cũng kiên nhẫn thực tập. Dù sao đi nữa thì bây giờ các cha có thể nhờ mình dâng lễ bằng tiếng Thái mà sẽ không còn thấy ngần ngại. Chính mình cũng thế. Mình ao ước được dâng lễ thông thạo và được chia sẻ Lời Chúa. Mình rất thích được chia sẻ lời Chúa và rất chú tâm để việc soạn bài giảng. Tuy nhiên hiện nay vấn đề ngôn ngữ làm cho mình rất hạnh chế, không thể chia sẻ hết những ý tưởng mình có trong đầu. Hy vọng rằng sẽ có lúc mình nói lưu loát đủ để thực sự chia sẻ Tin Mừng một cách tự tin và sâu sắc với những giáo dân ở đây.

Udon Thani, ngày 16.2.2008

Rời Hà Tỉnh


Mình rời Hà Tỉnh tối mồng 4 Tết, sau năm ngày lưu lại đây, mang theo nhiều kỷ niệm rất đặc biệt với những hình ảnh tốt đẹp về những con người tốt bụng, hiếu khách ở giáo họ Hòa Yên. Tuy nhiên trong lòng mình cũng dâng lên một nỗi buồn vì có lẽ mình sẽ không đáp ứng được những nguyện vọng mà họ trông đợi nơi mình.

Đó là những lời khẩn cầu xin giúp đỡ đến từ những cá nhân cũng như từ những người làm việc trong giáo họ, ngay cả một vị trong ban hành giáo mà đã từng nghi ngờ rằng mình là một linh mục thực sự. Trong giáo họ có những người đang tìm hiểu ơn gọi cần sự giúp đỡ để học hành, nhà thờ nứt nẻ đang cần phải xây lại, gia đình nghèo khổ cần được các seour hỗ trợ, v.v. và v.v. Mình không cảm thấy khó chịu khi nhận được những lời xin giúp đỡ, trong đó cũng có những lời rất chân tình và tha thiết. Tuy nhiên, mình không biết rằng những người giáo dân ở đây có hiểu được rằng mình dường như là một linh mục với hai bàn tay trắng. Mỗi tháng mình nhận được một số tiền nhỏ từ bề trên để tiêu sài. Ngoài ra mình có thêm tiền đi lại và những gì cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Mình không có bất cứ một ngân quỹ nào và hiện nay cũng không có những mối liên hệ nào để gây quỹ. Trên thực tế mình chỉ là một linh mục trẻ, mới ra lò chưa được bao lâu. Mình chưa từng gây quỹ, chưa từng đảm trách những chương trình xây dựng hoặc tài trợ nào. Mình chỉ có làm mục vụ với giới trẻ, và nếu có dư chút tiền thì dẫn các bạn trẻ đi ăn.

Mình chia sẻ hoàn cảnh như thế thì không biết những người lắng nghe có tin mình hay không, nhưng đó là sự thật. Mình là một linh mục đến từ Mỹ, nhưng là một linh mục nghèo thực sự. Trước quá nhiều lời cầu xin giúp đỡ mình cảm thấy lúng túng và bối rối khi phải nói lên lời từ chối mà chính mình cũng không thích phải làm chút nào. Nhưng mình không thể hứa những gì ngoài khả năng của mình, cho dù đó là làm linh hướng cho một em đi tu, chưa nói gì đến việc có người xin mình “cái móng nhà thờ” thì mình chỉ có xin thua. Có lẽ mình phải xin lỗi những con người tốt bụng ở đây vì mình không thể nào đáp trả tấm lòng của họ bằng những thứ vật chất mà họ mong muốn. Hy vọng rằng họ sẽ bằng lòng với những lời nguyện tha thiết mình dâng lên Thiên Chúa cầu xin cho họ được bình an và khỏe mạnh trong năm mới.

Udon Thani, ngày 14.2.2008

Sinh hoạt Tết với giới trẻ




Tối mồng 2 Tết, tưởng đâu sẽ đi nghỉ sớm sau khi trở về từ Can Lộc, nhưng ngược lại là đi ngủ rất trể. Khoảng 7h tối, Thuấn nói với mình: - Giới trẻ sẽ đến nhà con để sinh hoạt. Tụi nó muốn gặp cha. Tối hôm qua tụi nó cũng đến tìm cha, nhưng cha không có ở nhà. Cho nên tối nay tụi nó muốn sinh hoạt với cha.

Khi mình sang nhà Thuấn thì đã có một nhóm bạn trẻ đang chờ ở đó, trong đó có Long là một sinh viên đại học trở về từ Bình Dương. Long là bạn trẻ hoạt bát, lanh lợi, và được đồng bạn khâm phục vì tính nết đàng hoàng và tinh thần phục vụ rất cao. Thước nói với mình: - Gia đình Long là một gia đình mẩu mực trong làng. Ai cũng khâm phục. Bốn anh em chưa bao giờ thấy to tiếng với nhau. Nói chuyện với nhau lúc nào cũng xưng anh với em rất lịch sự.

Có Long huy động các bạn trẻ, nhiều người đã có mặt tại nhà Thuấn, trong đó có các “seour nhí” về quê ăn Tết cũng như các thầy đệ tử của các dòng. Mình được các bạn trẻ mời chia sẻ cũng như sinh hoạt. Ngoài ra mình và Long còn hợp tác với nhau trong việc làm M.C. để tạo ra những trò chơi rất sôi động cho các bạn tham gia. Cuộc sinh hoạt kéo dài đến hơn 11h tối thì gia đình dọn cơm ra đãi các bạn trẻ. Trong bữa ăn cuộc chia sẻ tiếp tục diễn ra khi các bạn đặt cho mình những câu hỏi về đời sống tu, về những vấn đề liên quan đến đức tin, cũng như những vấn đề liên quan đến việc học ngoại ngữ. Chính vì thế mà tối hôm ấy, mình đã không được đi nghỉ sớm như dự định.

Trưa mồng 3, với sự sắp xếp của Thước và gia đình, mình đã mời các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi trong các nhà dòng và đại chủng viện đến nhà để sinh hoạt với nhau. Nhưng cũng có một số bạn thanh niên cũng đến chung vui vì…muốn đi theo. Mục đích của buổi gặp gỡ này không có gì đặc biệt ngoài việc mình muốn tạo ra niềm vui cho những bạn trẻ đang theo đuổi ơn gọi thánh hiến để nâng đỡ tinh thần của các bạn.

Đỉnh cao của buổi sinh hoạt là trò chơi “hái lộc đầu xuân” mà mình đã chuẩn bị với những cái phong bì kèm theo những tờ tiền 20.000, 50.000, 100.000, và một tờ 10.000 (giải bét). Theo thứ tự từ tuổi trẻ nhất đến già nhất, các bạn lên hái lộc. Nhưng trước khi đem lộc về thì phải làm theo những gì đã được yêu cầu trong phong bì. Những “trò” mình bày ra cho các bạn làm khiến mọi người cười nứt ruột. Ai cũng phải làm rất nhiệt tình vì nếu không làm thì sẽ không được lộc. Có người một mình làm không được phải nhờ vào sự trợ giúp của người khác với sự đồng ý sẽ chia 50-50. Tội nghiệp nhất là Long và Đức đã phải hợp tác để hát một bài nhạc sến để rồi mở phong bì chỉ thấy được…10.000, trong khi Vinh đã được 100.000 mà còn được “uống một ly rượu không dùng tay”.

Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ đã không chấm dứt trưa hôm ấy vì tối cùng ngày, Long đã lại tổ chức thêm một buổi sinh hoạt nữa tại nhà của mình. Số bạn trẻ đến tham dự rất đông, và còn có người lớn đến hưởng ứng nữa. Người ngồi trong phòng khách, người ngồi bên cầu thang, người ngồi ngoài hiên nhà, và nhiều người phải chịu lạnh ở trước sân. Xen lẫn giữa trò chơi “Nốt nhạc vui” là những câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra cho mình và thầy Cương (một thầy ở Đại Chủng Viện GP Vinh) chia sẻ. Câu hỏi ấn tượng nhất trong đêm là của bạn Nhật, muốn biết khi mình hôn bạn gái “thật lòng” thì có tội hay không?

Thấy nhiều bạn trẻ đến sinh hoạt trong lòng mình thấy thật vui, vui vì mình có một dịp vô giá để gặp gỡ họ, để giới thiệu với họ một hình ảnh khác về con người linh mục, khác với những gì các bạn đã từng chứng kiến trong môi trường sống của mình. Mình đến với các bạn một cách giản dị hơn, tư nhiên hơn, hòa đồng hơn, và dĩ nhiên là “chịu chơi” hơn nhiều linh mục mà các bạn từng quen biết. Có thể nói nhiều bạn chưa bao giờ chứng kiến một vi linh mục đến nhà ăn Tết như thế này.

Hoan chia sẻ với mình: - Tết này rất đặc biệt vì có cha đến đây. Bình thường thì tụi con đi hết nhà này đến nhà kia, ngồi chơi, uống rượu. Nhưng năm nay tụi con được sinh hoạt, được nghe cha chia sẻ, bớt những điều vô bổ. Con thấy rất vui.

Những lời chia sẻ từ các bạn trẻ với mình đã làm cái mệt trong người đỡ đi rất nhiều vì chiều hôm ấy, mình phát hiện ra mình đang bắt đầu bị rát cổ và nghẹt mũi. Tình hình thay đổi theo từng giờ, càng lúc càng tệ hơn. Đến 11h30 khi buổi sinh hoạt chấm dứt thì mình đã biết rằng mình có thể sẽ bị bệnh rất nặng. Sau khi ăn khuya xong, mình trở về nhà Thước thì mẹ Thước đã đưa cho mình một liều thuốc tổng cộng hơn 10 viên mà bà đã xin nơi seour Trân, trong đó có những loại gì mình không hiểu rõ. Chưa bao giờ mình bị cảm sốt mà uống một lần nhiều thuốc đến thế. Nhưng lúc ấy, mình sẵn sàng uống bất cứ cái gì chỉ để khỏi bị bệnh trong những ngày Tết. Và quả thật là một việc lạ đã xảy ra. Sáng hôm sau khi thức dậy, mình đã khỏe ra rất nhiều. Ăn sáng xong, làm thêm một cử nữa thì vài giờ đồng hồ sau trong người trở lại như cũ, hoàn toàn khỏe mạnh.

Những cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Hòa Yên đã mang lại cho mình niềm vui thật sâu sắc. Có thể nói mình hạnh phúc và tự nhiên nhất khi mình được sinh hoạt với giới trẻ. Nhưng để lấy lòng được giới trẻ thì đôi khi cũng phải chịu làm mất lòng những thành phần khác. Không ai có thể làm được tất cả. Và những ngày ở Hòa Yên đã giúp mình thấy rõ ràng thực tế này trong đời sống của một người làm công tác mục vụ.

Hà Nội, ngày 12.2.2008

Làm lễ ở miền quê


Chiều mồng 1 Tết, mình, Thước, và Thuấn chạy xe máy lên Can Lộc để thăm một số bạn trẻ khác cũng từ Thái Lan về quê ăn Tết. Nơi đến là giáo xứ Kim Lâm được đảm trách bởi cha Nga, một vị linh mục rất năng nổ, chỉ mới 33 tuổi. Một mình ngài quản lý giáo xứ và thêm 5 giáo họ lớn. Nghe nói có cha từ Thái Lan về Việt Nam thăm các bạn, và biết rằng trong giáo xứ của mình có rất nhiều bạn trẻ đi Thái Lan làm việc, cha Nga đã gọi mình từ chiều 30 Tết để mời mình xuống cùng dâng lễ vào sáng mồng 1. Nhưng mình không đi được nên đã hẹn sẽ dâng lễ với ngài sáng mồng hai.

Tuy nhiên, khi biết mình sẽ đến Can Lộc chiều mồng 1, cha Nga đã đến nhà anh Sơn để tham dự buổi tiệc cũng như mời mình về giáo xứ để nghỉ đêm. Nhà xứ là một ngôi nhà rất lớn do cha Nga tự xây lên. Ngài chia sẻ rằng giáo xứ cũng đã từng có việc tranh chấp đất đai với chính quyền, nhưng mọi chuyện đã được giải quyết êm xuôi một cách có lợi cho giáo dân. Theo như những gì nghe được thì đã từ lâu, giáo dân trong vùng này là một lực lượng mà chính quyền cũng phải dè dặt trong cách đối xử.

Tối hôm ấy theo chương là sẽ có giờ chầu vào lúc 7h30. Nhưng khi mình đến, cha Nga quyết định thay đổi giờ chầu thành giờ lễ. Mình hỏi ngài: - Thay đổi bất thình lình vậy có được không?

- Không sao hết. – Ngài trả lời.

Một lúc sau khi đang ngồi ăn tiệc trong nhà xứ (sau khi đã ăn xong ở nhà anh Sơn) thì nghe tiếng phát thanh từ loa được gắn trên nóc nhà thờ:

- Xin thông báo với toàn thể giáo dân tối nay sẽ có thánh lễ thay vì giờ chầu. Thánh lễ được cử hành bởi cha khách đến từ Thái Lan. Xin các bạn trong ca đoàn đến tham dự đông đủ để hát lễ.

Không cần nhiều điều rắc rối, không cần phải thông qua một ban ngành nào, giờ chầu đã biến thành giờ lễ do quyết định của cha xứ trong giờ chót. Không ai phàn nàn, không ai tỏ ra bất bình. Chuyện thật đơn giản. Nhà thờ vẫn đầy nhóc người, ca đoàn hát đông đủ. Mình giảng lễ mà không hề có chuẩn bị gì, nhưng cũng may là nghĩ ra đuợc vài điều để nói, và để cho bọn trẻ cười với một số chuyện hài hước dí dỏm liên quan đến bản thân.

Sau thánh lễ, khi trở lại nhà xứ, cha Nga lại bảo: - Sáng mai cha làm lễ tiếp nhé, ở giáo họ …… Cha chủ tế và giảng luôn.

Tối hôm ấy, mình đi từ nhà này sang nhà khác để thăm gia đình của các bạn trẻ mình quen biết từ Thái Lan. Mỗi nhà chỉ ở lại khoảng 20 phút. Đến đâu thì những ly trà nóng đều được rót ra và những ly rượu đế đều được mang ra để tiếp khách. Đi theo mình còn nguyên một lực lượng các bạn trẻ cũng như các thầy, trong đó có hai thầy Ca và Niên cùng dòng của mình tại Việt Nam là giáo dân của giáo xứ. Đây là điều bất ngờ mà mình chỉ biết được chiều hôm ấy, một điều tình cờ nhưng rất vui.

Thánh lễ ở giáo họ ….. sáng hôm sau còn đông hơn tối hôm trước. Ngôi nhà thờ của giáo họ có cái dome rất cao. Từ ngoài xa lộ nhìn vào đã thấy nó hiện lên giữa ngôi làng quê một cách hoành tráng. Dường như nhà thờ nào ngoài bắc cũng được xây theo kiểu Pháp thời xưa, rất khác với kiểu cách đơn giản trong Nam.

Chưa bao giờ mình được dâng thánh lễ cho nhiều giáo dân như thế. Để khỏi run, mình phải kể một câu chuyện hài hước trong phần chia sẻ lời Chúa cho mọi người cười. Vì là ngày mồng 2 Tết nên bài chia sẻ của mình xoay quanh sự quan trọng của việc sống đạo và có hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ, đặc biệt là các bạn trẻ đi học hoặc đi làm xa phải luôn nhớ rằng mình là ai, và mình đến từ đâu.

Chuyến viếng thăm Can Lộc kết thúc vào trưa mồng 2 sau bữa ăn trưa ở nhà anh Tường. Từ đó, mình, Thước, và Thuấn trở lại huyện Hương Sơn. Chuyến đi thật vất vả vì giá rét. Đến Đức Thọ thì lại gặp mưa nên càng buốt giá hơn.

Trước khi về lại Hòa Yên thì có hẹn với đại gia đình sẽ gặp nhau ở giáo xứ của cha Quý là bà con của gia đình. Đến nơi, cha Quý cũng mời mình ở lại dâng lễ, nhưng mình từ chối vì muốn trở về Yên Hòa để nghỉ ngơi. Thế là kết thúc một chuyến đi tuy hơi nhọc nhưng lại rất vui và đã mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm mới thật tuyệt vời.

Hà Nội, ngày 10.2.2008

Bị nghi ngờ


Chiều 30 Tết, chú Đông dẫn mình qua thăm cha xứ, một linh mục mới ngoài 40 tuổi. Cha xứ không cao, nhưng bề ngang khá to, và vầng trán cao do mái tóc đang dần tiến lui về đỉnh đầu. Ở miền quê Việt Nam, việc một vị khách linh mục đến thăm địa phương phải lên chào cha xứ là thủ tục tất yếu.

Chú Đông cũng có thêm một mục đích muốn đưa mình đến gặp cha xứ, đó là xin ngài cho mình làm lễ đón giao thừa trong giáo họ Yên Hòa vì tối hôm ấy chỉ có một thánh lễ giao thừa ở nhà thờ chính trong khi giáo xứ có đến khoảng 10 giáo họ. Rất tiếc cha xứ không đáp ứng được nguyện vọng của chú Đông vì ngài e ngại vấn đề chính quyền. Hiện nay giáo xứ đang có cuộc tranh chấp khá căng thẳng với chính quyền liên quan đến việc đất đai của giáo xứ. Giáo dân ở đây đã từng đến Hà Nội kiện cáo và theo cha xứ, hiện nay, ngài là người đang được chính quyền đặc biệt quan tâm. Vì thế cha xứ sợ rằng việc mình dâng lễ có thể mang lại hậu quả gì đó không tốt cho chính mình cũng như cho giáo họ.

Chú Đông nghe quyết định của cha xứ thì không mấy vui, nhưng cũng đành phải chấp nhận. Riêng mình không cảm thấy buồn vì không được dâng lễ. Mình thông cảm cho hoàn cảnh của giáo xứ, và mình cũng không nghĩ rằng mình nhất thiết phải đi đến đâu thì dâng lễ ở đó.

Tuy nhiên, có một chuyện xảy ra trong ban hành giáo của giáo họ mà ngay cả mình cũng không ngờ. Mình không hiểu cha xứ có trao đổi gì với ban hành giáo hay không, hoặc các vị ấy có những suy nghĩ như thế nào, mà hai hôm sau, mình được biết là có vị không tin rằng mình là một vị linh mục.

Mình đã quen với sự ngỡ ngàng của nhiều giáo dân và ngay cả linh mục tu sĩ khi họ được biết mình là linh mục bởi lẽ mình nhìn chỉ giống “thanh niên”. Câu nhận xét “Ra đường nhìn không cách nào biết là cha” mình nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Tuy vậy, chưa ai từng nghi ngờ rằng mình là một linh mục sau khi đã được giới thiệu hẳn hoi. Nhưng ở trong giáo họ Yên Hòa này, các vị trong ban hành giáo đã nghi ngờ vì mình đi lễ mà không mặc áo dòng, không quỳ phía trước nhà thờ, mà lại mặc áo quần bình thường như bao nhiêu người khác.

Đối với những người ở quê, sự hiện diện và phong cách “đời thường” của mình là một sự kỳ lạ đối với họ, và có lẽ những vị trong ban hành giáo đã không chấp nhận được, khiến họ đi đến kết luận rằng, đây không phải là một linh mục, mặc dầu mình là người quen biết và người làm mục vụ cho các bạn trẻ trong giáo họ ở Thái Lan như đã giới thiệu.

Chiều 30, sau khi rời khỏi nhà xứ, chú Đông có hỏi mình: - Sao cha không xuất giấy linh mục ra cho cha xứ xem?

Chú Đông hỏi vậy có lẽ vì nghĩ rằng lý do cha xứ không đồng ý cho mình làm lễ là vì ngài không biết rõ tung tích của mình.

- Thưa Chú, con không có thẻ linh mục. – Mình trả lời. – Con chỉ có một chứng chỉ về việc chịu chức ngày nào, ở đâu, và bởi ai. Nhưng đó là một tờ giấy rất to, con cất trong học bàn ở nhà.

Còn trong một bữa tiệc tại một nhà bà con của gia đình, mình cũng chia sẻ với mọi người trong tiệc về vấn đề áo dòng: - Việc con không mặc áo dòng khi đi lễ là vì một lý do rất đơn giản. Trong dòng con ở Mỹ và ở Úc cũng như ở Thái Lan không có áo dòng. Sau Vatican II khi các dòng được quyền chọn việc có mặc hay không mặc áo dòng thì các vị lãnh đạo đã quyết định không mặc áo dòng. Còn việc mặc áo thâm thì đó là phong tục của từng địa phương, không có luật nào của giáo hội bắt buộc các linh mục phải mặc áo như vậy khi đi lễ. Riêng áo alba thì con chỉ mặc khi cử hành thánh lễ, chứ đi tham dự thánh lễ mà thôi thì không được mặc.

Trong những ngày ở lại giáo họ Yên Hòa, nhiều người thắc mặc tại sao không thấy mình dâng lễ. Họ không biết cha xứ e ngại vấn đề an ninh. Họ lại thắc mắc tại sao không thấy ban hành giáo đến chúc Tết mình trong khi mình là một vị linh mục từ xa đã đến thăm giáo họ. Họ không biết ban hành giáo không tin rằng mình là linh mục.

Tuy nhiên những ai đó không tin mình là linh mục chỉ là một vài người. Cách đối xử của họ với mình đã làm cho những gia đình mời mình đến Hà Tỉnh ăn Tết rất buồn. Nhưng đối với mình thì không thấy buồn, tuy có chút bất ngờ. Mình không thấy buồn vì mỗi ngày ở đây mình không thiếu những cuộc gặp gỡ với người dân từ những đứa con nít cho đến giới thanh niên, cho đến những người già. Họ đều tin rằng mình là một vị linh mục, và họ đã rất vui khi mình đã đến thăm viếng, gặp gỡ, chia sẻ, và sinh hoạt với họ trong những ngày đầu năm Mậu Tý.


Hà Nội, ngày 10.2.2008

Băng Lào để đi ăn Tết


(Cả nhà đang chờ mình nghe điện thoại từ một bạn trẻ gọi đến hỏi: "Cha về tới Việt Nam chưa?")

Ngày 29 Tết (mồng 5 tháng 2 dương lịch) hai chị Koi và Noi, cùng cha Maitri đưa mình sang Vientiane và tiễn mình ra bến xe đi Hà Tỉnh để đón tết cùng gia đình của những bạn trẻ mà mình quen biết qua việc mục vụ tại Bangkok. Chuyến đi đến Vientiane có một chút trục trặc vì chị Koi cứ ngở rằng đến cửa khẩu là mình có thể làm re-entry permit được, nhưng sự thực không phải vậy. Re-entry permit để trở lại Thái Lan phải làm trước tại sở di trú cách đó một cây số, chứ không thể làm ở cửa khẩu. Thế là mọi người phải theo mình đến sở di trú chờ mình làm giấy tờ, chỉ có chiếc xe bus mà mình đã mua vé qua đến Vientiane thì không chịu chờ.

Cả năm người leo lên chiếc xe tuktuk để đi sở di trú và quay trở lại cửa khẩu. Qua cửa khẩu Thái xong thì phải đón một chiếc xe bus đến cửa khẩu Lào để tiếp tục làm thêm một lượt nữa. Sau đó chúng tôi lại thuê một chiếc xe 15 chỗ ngồi để đến một nhà thờ mà cha Maitri có hẹn với cô giáo dạy giáo lý để trao đổi tài liệu của ngài.

Vì là lần đầu tiên mình đến Vientiane nên mình muốn đi tham quan thành phố. Cha Maitri và hai chị cũng muốn đi chung. Mọi người quyết định sẽ đi tham quan sau khi ăn trưa xong. Các cô dạy giáo lý dẫn đến một quán bình dân để ăn trưa. Nhưng cha Maitri khuyên mình nên ra bến xe mua vé đi Việt Nam cho chắc ăn trước rồi đi đâu thì hãy đi. Mình nghĩ có lý nên làm theo.

Ra đến bến xe miền nam ở Vientiane, mình xém hết hồn khi đến cửa bán vé đi Việt Nam nghe nhân viên bán vé bảo rằng:

- Hôm nay không có chuyến xe đi Việt Nam. Vì sắp gần Tết nên họ nghỉ chạy rồi.

- Anh có chắc không? – Mình hỏi. – Anh thử liên lạc lại xem.

Anh ta cầm điện thoại gọi ai đó, nhưng sau khi bỏ điện thoại xuống thì câu trả lời vẫn như cũ. Ông quản lý thấy một nhóm người đứng cửa sổ thắc mắc nhiều điều nên ra hỏi lý do. Nghe mình trình bày vấn đề, ông bảo:

- Anh có thể bao một chiếc xe đi Việt Nam.

- Bao chiếc xe như vậy bao nhiêu tiền? – Mình hỏi.

- Khoảng 300 USD.

- Trời tôi đi máy bay không có giá đó. Làm gì đi Việt Nam bằng xe mà có giá đó.

Trong khi đứng không biết phải làm gì tiếp thì anh nhân viên nói với chị Koi rằng, hình như có một chiếc xe đi Việt Nam đang đậu ngoài bãi. Hãy ra hỏi dò thử. Ra hỏi thì được biết đây là chiếc xe đi Vientiane-Đà Nẳng – chiếc duy nhất trong ngày, và xe sẽ rời bến lúc 5 giờ chiều.

Nhìn đồng hồ thấy lúc đó đã hai giờ nên mình quyết định ở lại bến xe chờ, còn những người khác thì lên xe đi tham quan. Nói năm giờ chiều nhưng mãi đến hơn 7h tối chiếc xe mới xuất bến. Toàn bộ người trên xe là người Việt Nam đang lao động tại Lào, một số ít tại Thái Lan. Chỉ riêng có một cô bé người Nhật đang tìm đường đi Hà Nội từ Lào. Người ngồi bên cạnh mình là một thanh niên bằng tuổi, quê ở Huế, làm việc xây dựng ở Lào đã được 12 năm. Anh chia sẻ:

- Về thì tốn kém và cực nhọc, mà không về thì trong lòng bức rức khó chịu.

Đó là cảm tưởng chung của tất cả mọi người khi xa quê, xa gia đình trong dịp Tết. Đến cửa khẩu Việt Nam, hộ chiếu của anh bất hợp pháp (hình đã bị phai hẳn không còn thấy gì nữa), nên đã phải cho hải quan ăn một số tiền khá lớn mới được cho qua. Trên xe có nhiều trường hợp bất hợp pháp đành phải bỏ một số tiền ra nhờ lái xe làm thủ tục hộ.

Chặng đường từ Vientiane đến cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tỉnh không xa, và thời gian đi cũng không dài lắm. Xuất bến hơn 7h mà tới 2h sáng là đã đến ranh giới Lào-Việt. Tuy nhiên, giờ đó không phải là giờ hành chánh nên xe phải dừng chờ đến 7h sáng là giờ hành chánh của hải quan cửa khẩu. Cửa khẩu nằm ở trên núi nên khí hậu lạnh cóng, lại còn có mưa nên giá buốt và khó chịu hơn. Ngồi trên xe thì chật chội mà ra ngoài thì lạnh thấu xương không chịu được. Mình trở qua trở về tìm giấc ngủ, còn khi nào ngủ không được thì bắt chuyện với những người khác trên xe. Vì trên xe ai cũng là dân lao động cùng cảnh ngộ nên họ nói chuyện với nhau rất tự nhiên.

Sau nhiều giờ vất vả thì xe cũng đã đến đất Hà Tỉnh, và mình là người đầu tiên xuống xe ở Ngã tư Phố Châu, huyện Hương Sơn. Lúc ấy đã 11h sáng. Có người trên xe thì phải đợi tới tối mới đến Huế hoặc Đà Nẳng để đón giao thừa với gia đình. Chờ mình ở ngã tư là Thước, một bạn trẻ làm việc ở Thái Lan về quê ăn Tết đồng thời chữa bệnh vì mới phát hiện ra bị sỏi thận, cô em gái Thường đang dự tu trong Dòng Mến Thánh Giá Vinh, và Tùng một người em họ mới về từ Đắc Lắc.

Thước đưa mình về nhà của cha mẹ ở trong làng thuộc Giáo họ Yên Hòa, giáo xứ Kẻ Mui. Nhà của Thước nghèo, được dựng theo kiểu quen thuộc là chính giữa có bàn thờ và hai bên là giường ngủ, được che bằng mùng và màn. Trong làng có một số nhà đã được xây loại cấp 3, còn cấp 4 thì hình như rất ít. Người dân Yên Hòa vẫn còn dùng củi để nấu ăn.

Thời tiết ở Hà Tỉnh lạnh cực kỳ. Mình không ngờ ở Việt Nam lại có thể lạnh đến mức độ đó. Mình mặc ba bốn lớp áo mà vẫn thấy lạnh. Mẹ của Thước phải bỏ than vào trong một cái thau nhôm cho mình hơ ấm. Mà người Việt Nam có một điều rất lạ. Ngoài trời thì lạnh buốt mà nhà nào cũng mở cửa toang ra cho nên ngồi bên trong cũng chẳng khác ngồi bên ngoài là bao.

Ngày 30 Tết ở nhà Thước dường như mọi người có thể về được đã về. Riêng một người con trai đang đi tu tại Phi Luật Tân và một người chị ở Đắc Lắc không về được. Cha Thước là một người đàn ông đã mất đi một cánh tay vì tai nạn nhiều năm trước, còn mẹ thì vẫn khỏe mạnh nhưng có lẻ khổ cực nhiều do hoàn cảnh của gia đình khó khăn.

Biết mình đến có nhiều người ghé qua, trong đó có cậu Đông của Thước, là cha của Thuấn, một bạn trẻ khác cũng đang làm việc ở Thái Lan. Một bữa ăn trưa được dọn ra với rất nhiều món ăn mà chỉ có ngày Tết mới có thể chứng kiến được. Ở quê dù nghèo bao nhiêu thì ngày Tết cũng phải ăn uống cho thỏa thuê. Đó là cách suy nghĩ của người Việt Nam ở khắp nơi. Mình ngồi ăn trưa bên cạnh một đống than hồng trong thau nhôm, xung quanh là rất nhiều khuôn mặt mới lạ, những con người quê ở Hà Tỉnh. Họ đang đón tiếp một vị linh mục đến nhà mình ăn Tết. Họ vừa cảm thấy vinh dự vừa lo lắng làm sao cho mình thoải mái trong những ngày này, vì hoàn cảnh của họ không được thuận tiện cho mấy. Mình cũng không biết những ngày sắp tới sẽ như thế nào? Đây là cái Tết đầu tiên mình ăn mừng ở xứ này, nơi mình chưa bao giờ đến. Nó sẽ để lại trong mình những kỷ niệm như thế nào? Mình ngồi run lập cập vì giá rét, trong lòng cũng hồi hộp không ít vì biết rằng mình sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ngắn ngủi ở xứ nghèo này.

Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh, ngày 30 Tết (6.2.2008)

Mưa hồng ân



Hôm nay mình đã kết thúc chương trình một tuần lễ đến thăm giáo xứ Ban Dung và ở với cha Wichai. Một tuần thật thong thả, thoải mái và bổ ích để cho mình làm lễ, gặp gỡ người dân trong làng, và thu góp những kinh nghiệm giản dị nhưng rất có giá trị để giúp mình hiểu được đời sống hằng ngày của những người quê Thái Lan.

Tối qua mình và cha Wichai qua giáo xứ Pônsúng ăn tối sau khi làm lễ tối thứ bảy xong. Đến nơi thì các seour Salesian đã ăn xong và trở lại với công việc trang trí nhà thờ cho sự kiện lớn trong giáo xứ hôm nay đó là mừng lễ quan thầy của giáo xứ. Theo lối ăn rất phổ biến của người Thái, trên sàn nhà trong mái hiên có những chiếc chiếu được trải ra. Sau đó đặt lên những lò than và những cái chảo làm được hai chức năng, đó là nấu lẩu và nướng thịt ở phần nhô lên ở chính giữa.

Cả tuần nay thời tiết bất thường, trời giá buốt và mưa nhiều. Mưa lúc to lúc nhỏ, nhưng không có ngày nào không mưa. Đạc biệt hôm qua, trời lâm râm suốt ngày. Cha Thau, cha xứ của giáo xứ Pônsúng bảo là hiện tượng thế giới nóng đã ảnh hưởng đến thời tiết trên cả thế giới và ở địa phương. Ở Trung Hoa, những ngày qua tuyết rơi thật nhiều, ngay cả những nơi bình thường có khí hậu ấm người ta cũng thấy tuyết. Thời tiết lạ thường ở Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến tình hình ở Thái Lan, làm cho những ngày qua giá lạnh và mưa nhiều, không chỉ có những trận “Mưa hoa xoài” mà người ở đây thường chứng kiến vào thời gian này. “Mưa hoa xoài” là những trận mưa xảy ra trong tháng này giúp cho cây xoài trổ hoa để xoài được mùa.

Vì thời tiết giá buốt nên ngồi quanh những lò than ăn lẩu và thịt nướng thì có thể nói là “trên cả tuyệt vời”. Lúc mình và cha Wichai cùng hai em đệ tử thực tập làm mục vụ cuối tuần tại Ban Dung đến thì chỉ còn cha Thau, 3 cô giáo ở trường tiểu học Pônsúng, và thêm vài em đệ tử thực tập cuối tuần ở đây. Cha Thau rót cho mình một ly whiskey, pha thêm một ít soda, và vài viên đá lạnh theo yêu cầu của mình. Cách uống của mình rất khác với cách uống của người Thái. Ở đây uống whiskey, họ cho một ít rượu vào ly lớn, bỏ rất nhiều đá và thêm soda đầy ly, đến nổi khi uống vào thì dường như không thấy vị whiskey còn lại bao nhiêu. Nhưng họ uống nhạt không phải vì họ uống ít. Trong bữa nhậu, một người uống nửa chai whiskey 750ml (và thêm nhiều chai nước soda) cũng là chuyện bình thường. Phong làm việc tại 1 quán bar ở Bangkok cho hay, trong quán thích bán whiskey hơn bán bia vì whiskey lời rất nhiều. Lời không phải nằm ở rượu nhưng ở nước pha. Một chai whiskey mua một thì bán hai, nhưng chai nước soda hay nước đá thì mua một bán 7. Rượu mạnh được ưa chuộng nhất trên toàn nước Thái là whiskey, còn người nhà quê thì có thêm những loại rượu đế khác nhau nấu từ các loại gạo. Khẩu vị của người Thái khác với người Việt Nam ở chỗ thích whiskey, chứ không ai uống cognac như mình.

Cha Thau và cha Wichai đều là con của làng Pônsúng là một vùng đất đỏ, nơi đây có đến 3 ngàn giáo dân Công giáo. Mình đùa với cha Thau rằng cha sinh ra lớn lên ở đây, giờ lại làm cha xứ nhà thờ Pônsúng, có vẻ như cha không tiến xa được bao nhiêu. Ngài cười đáp: - Ừm, nếu như tôi qua được Ban Dung (cách Pônsúng 4 cây số) thì đỡ biết mấy. Ở đó tôi không có bà con họ hàng gì hết. Còn ở Pônsúng thì chú bác, dì dượng đầy.

Nhưng làm việc ở quê thì dĩ nhiên tình người nồng thắm hơn bất cứ nơi nào khác. Tối qua, khi đến nhà xứ, mình thấy trước hiên nhà có hàng trăm bao gạo. Mình hỏi cha Thau: - Tại sao cha có nhiều gạo thế?

- Ồ, đây là gạo mà người dân mang đến cúng biếu trong dịp mừng lễ quan thầy. Giáo xứ sẽ đem phân phát cho nhà đệ tử cũng như các nhà dòng kín để họ dùng. – Cha Thau cho hay.

Để chuẩn bị cho ngày lễ thì tối qua nhiều gia đình trong làng đã chuẩn bị những món ăn để đem tới góp vào buổi tiệc hôm nay. Ngay cả cha Wichai sáng hôm qua cũng đến “trại” chăn nuôi của cha để làm thịt một con heo nặng hơn 200 ký. Sau khi ăn sáng mình thấy cha đem ra một bao vải chứa đứng mười mấy con dao. Mình hỏi cha làm gì có nhiều dao thế. Cha bảo đi giết heo cho giáo xứ Pônsúng. Mình hỏi cha giết heo bằng cách nào. Cha trả lời sẽ kêu cảnh sát tới bắn. Vụ giết heo giết ca này mình không liên quan, cũng không muốn chứng kiến cảnh chết chóc nên không dám xin đi theo. Cha Wichai có lẽ cũng hiểu nên không kêu mình đi theo.

Sáng Chúa Nhật đến rồi nhưng ngoài trời mưa lại bắt đầu rơi tiếp. Có lẽ trong ngày lễ hôm nay sẽ không được khô ráo. Không biết mấy ngàn giáo dân Pônsúng và giáo dân đến từ nơi khác sẽ đứng đâu để tham dự thánh lễ.

Mình thì vẫn đang còn trên giường, trời lạnh nên không muốn bước ra khỏi chăn. Nhưng tối qua cha Wichai đã bảo: Sáng mai cha cứ yên lòng ngủ. Lễ 7h30 sáng để tôi làm vì cha làm lễ tối nay rồi.

Trời lạnh thật nhưng trong lòng mình giờ đây thấy ấm cúng lạ thường. Không phải chỉ ấm do mặc hai ba lớp áo, quần dài và thêm cặp vớ dưới chân, mà ấm cúng vì mình đã có những ngày thật bổ ích, có những cuộc gặp gỡ thật vui vẻ, và có thêm những mối quan hệ rất tốt đẹp. Tối qua, cha Wichai chia sẻ với mình:

- Tôi đã từng qua Mỹ để làm việc thời gian bốn năm, nên tôi hiểu được tâm trạng của người mới đến xứ lạ như thế nào. Chính vì vậy mà tôi đã mời cha đến ở với tôi để giúp cha có thêm kinh nghiệm và sự tự tin khi làm việc trong môi trường mới. Khi nào cha muốn trở lại Ban Dung thì ở đây đều hân hoan đón tiếp. Đồ đạc của cha nếu có gì muốn để lại thì cứ để. Coi như đây là nơi cha có thể đi đi về về lúc nào cũng được.

Ngồi suy nghĩ về những ngày ngắn ngủi vừa qua tại Ban Dung, mình nhận ra những cơn mưa nhè nhẹ rơi xuống mỗi ngày ở trên vùng quê này chính là những cơn mưa hồng ân trong đời sống mới của mình, là dấu hiệu của sự quan phòng của Chúa đến với mình để giúp mình tìm ra một lối đi, có một cách nhìn lạc quan về những gì trước mắt, và mang một tâm trạng biết tin cậy và phó thác hoàn toàn vào sự soi sáng và quan phòng của Chúa đối với người tôi tớ hèn mọn của Ngài.

Ban Dung, ngày 3.2.2008

Biết thua, biết thắng, biết tha thứ



Trong giáo xứ thánh Jude của cha Wichai có một trường mầm non có hơn 200 bé được bố mẹ gởi đến học. Hôm qua là một ngày rất đặc biệt cho trường mầm non vì là ngày thể thao truyền thống hàng năm.

Chương trình được bắt đầu với một cuộc diễu hành từ công viên cách trường hoặc khoảng hai km. Các em xếp hàng với để diểu hành với những lá cờ đầy sắc màu, những bé gái bé trai mặc áo quần truyền thống của Thái Lan, và có nguyên một đội trống tí hon. Cảnh các em xếp hàng rồi đi diểu hành trên đường theo nhịp trống thật dễ thương. Dọc đường bố mẹ của các em đứng nhìn con mình đi qua rất thích thú, những người cầm máy ảnh liên tục chụp hình.

Đoàn diểu hành tiến vào “sân vận động” lúc 9h30 sáng, và sau đó là nghi thức khai mạc ngày thi đấu thể thao với nghi thức rước đuốc xung quanh sân vận động. Cha Wichai tuyên bố khai mạc ngày thi đấu với châm ngôn Thi đấu thể thao để “Biết thua, biết thắng, biết tha thứ”.

Mình là “khác mời” đặc biệt nên chỉ ngồi ở ghế dành cho cha Wichai, Cô hiệu trưởng, và mình để thưởng thức chương trình. Trước đó cô hiệu trưởng có đưa mình ra sân công viên nơi các em xếp hàng để “khai mạc” cuộc diểu hành. Nhưng vừa đến nơi thì mưa bắt đầu rơi. Cô hiệu trưởng quay sang mình hỏi: - Chúng ta nên chờ hết mưa hay là bắt đầu luôn?

Mình nhìn trời thấy có vẻ còn sáng nên nói: - Trời này chắc không mua lắm đâu, chỉ vài hạt thôi. Chúng ta bắt đầu đi thì tốt nhất.

Thế là cô hiệu trưởng quyết định cho các em bắt đầu diễu hành, chứ để mưa thì nguy. Không ai nghĩ đến nghi thức khai mạc diễu hành nữa, chỉ nghĩ đến làm sao cho các em đừng bị ướt. Cũng may là khi các em bắt đầu di chuyển thì mưa ngừng hẳn, và sau đó chương trình diễn ra trong không khi tuy lạnh nhưng khô ráo.

Các em thiếu nhi tí hon trong trường mầm non hôm qua đã có một ngày thật vui và bổ ích. Tốt biết bao khi ngay tử tuổi lên năm lên ba, các em đã được giáo dục biết thua biết thắng, và trên hết là biết tha thứ. Đó là điều mà nhiều người không thể làm được vì họ qúa quen với lối sống chỉ biết thắng chứ không biết thua, và chỉ biết giận dỗi, hận thù chứ không biết tha thứ.

Ban Dung, ngày 2.2.2008