Sứ vụ làm nhịp cầu

Có lần người phụ trách công việc truyền thông của Dòng Ngôi Lời đã phỏng vấn tôi về mục vụ di dân Việt Nam và đã đặt câu hỏi như sau: - Cha cảm thấy vai trò lớn nhất của cha trong mục vụ này là gì? 

Tôi đã trả lời rằng: - Tôi thấy vai trò lớn nhất của tôi là làm nhịp cầu nối kết mọi người với nhau. Tôi muốn nối kết các bạn trẻ Việt Nam với giáo hội Thái Lan. Tôi muốn các anh chị em Việt Nam biết cách hội nhập vào xã hội và giáo hội sở tại, biết thích nghi với lối sống và văn hoá của đất nước nơi họ đang sinh sống, và biết đóng góp cho giáo xứ tại Thái Lan với tinh thần cởi mở và rộng lượng như với giáo xứ quê nhà. Ngược lại, tôi cũng muốn cho các linh mục và giáo dân Thái Lan hiểu biết và cảm thông cho các bạn trẻ hơn, cũng như học hỏi từ những điều tốt lành nơi các bạn. 

Vì đây là mục đích lớn trong công việc mục vụ của tôi đối với người Việt Nam tai Thái Lan nên khi cha Piyachat, đại diện ĐGM Tgp. Bangkok ngõ ý nhờ tôi giúp tổ chức chuyến đi thăm Gp. Vinh cho các linh mục thuộc Tgp. Bangkok tôi đã không ngần ngại đồng ý. Mặc dầu tôi không có gốc gác gì ở Gp. Vinh hoặc có vai trò gì trực tiếp trong Tgp. Bangkok, nhưng tôi có đủ tương quan với cả hai giáo phận để có thể biết mình cần phải làm gì để cho chuyến đi trở nên hiện thực. Mục đích của chuyến đi, theo cha Piyachat, là để tìm hiểu về cơ cấu, phương pháp và đường hướng của chương trình mục vụ của Gp Vinh tromg các lĩnh vực giáo lý, gia đình, giới trẻ v.v. từ đó rút ra những kinh nghiệm cho công việc mục vụ tái Thái Lan. Ngài bày tỏ nguyện vọng không chỉ muốn ngồi trong phòng họp nghe thuyết trình mà còn được trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các thành phần khác nhau trong giáo phận, với những người làm công tác mục vụ cũng như gặp gỡ giáo dân. 

Sau những lần trao đổi với cha Hồng Ân, thư ký chánh văn phòng toà giám mục Gp. Vinh qua email cũng như một lần trực tiếp tại toà giám mục Xã Đoài, cuối cùng chương trình chi tiết đã được ấn định. Ngày 19.11.2018, đoàn linh mục Tgp. Bangkok được dẫn đầu bởi cha Piyachat đã đáp xuống sân bay Vinh vào lúc 18.45 sau khi đoàn đã có những giờ tham quan tại Sài Gòn ngày hôm đó. 

Một điều khá kỳ diệu là giờ bay được ấn định bởi hãng hàng không Vietjet là 17.00 và sẽ đáp lúc 18.45. Thánh lễ đón tiếp đoàn ở nhà thờ chánh toà Xã đoài được ấn định là 19.45. Để kịp lễ thì chuyến bay không thể trễ giờ cho dù chỉ vài phút. Tôi rất hồi hộp vì ai cũng biết hãng Vietjet là vua trễ giờ. Chiều hôm đó tôi nhắn tin cho các bạn trẻ trong nhóm sinh hoạt của mình để xin lời cầu nguyện. Mọi người bắt đầu cầu nguyện online, gửi vào nhóm những câu kinh Kính Mừng mà họ đang đọc. Và Chúa Mẹ dường như đã lắng nghe và ban cho như ý. Mặc dầu giờ lên máy bay được ấn định là 16.40, nhưng mới chỉ 16.30 đã có thông báo mời hành khách lên máy bay.  Đúng 17.00, máy bay bắt đầu di chuyển, và đúng 18.45 thì máy bay đáp xuống sân bay Vinh. Đối với các hãng máy bay khác thì điều này không có gì quá bất ngờ, nhưng đối với VJ thì đây dường như là một phép mầu. 

Một sự bắt đầu suôn sẻ xem như là dấu chỉ tiên báo điều tốt lành cho chuyến đi. Và quả thực mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Các cha đã rất lấy làm hứng thú với những gì đã chứng kiến cũng như nghe được từ các bài thuyết trình và chia sẻ về công việc mục vụ. Các ngài đặc biệt ấn tượng với những giáo dân luôn sẵn sàng hy sinh để phục vụ giáo hội trong các vai trò hội đồng mục vụ hoặc giáo lý viên mà không hề đòi hỏi sự đáp trả bằng vật chất. Các ngài thán phục sự cặn kẻ trong chương trình giáo lý kéo dài 10 năm để chuẩn bị cho giới trẻ có đầy đủ hành trang sống đạo giữa đời. Các ngài khen ngợi các trẻ em tới tham dự các Thánh lễ dài vào giờ tối rất nghiêm trang. Các ngài bất ngờ khi thấy nhà thờ đầy nhóc người vào một Thánh lễ được tổ chức trong tuần, và thấy giáo dân đặc biệt là giới trẻ có lòng yêu mến các linh mục không kém gì lòng yêu mến Chúa. 

Suốt chuyến đi, tôi đã vừa làm thông dịch viên vừa làm hướng dẫn viên để các ngài có thêm hiểu biết về giáo hội và giáo dân Việt Nam, cụ thể là giáo dân thuộc Gp. Vinh. Điều này quan trọng bởi vì 90% các di dân Việt Nam tại Thái Lan đến từ Gp. Vinh. Từ chuyến đi này, các cha sẽ có cái nhìn mới và thiện cảm hơn với các bạn trẻ Việt Nam mà các ngài gặp ở nhà thờ hay ở một nơi nào đó tại Thái Lan. Chắc hẳn khi đã đến thăm “nhà” của nhau thì mối tương quan giữa hai bên sẽ trở nên thân mật hơn. Sự tôn trọng và tình cảm dành cho nhau sẽ được gia tăng. 

Trên chuyến bay trở lại Sài Gòn từ Vinh, một cha trong đoàn hỏi tôi: - Theo cha thì các linh mục Thái Lan nên biết điều gì về các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan?

Tôi đã trả lởi ngài rằng: - Có nhiều điều cần biết. Thứ nhất là các bạn còn trẻ và thiếu thốn nhiều điều, trong đó có kiến thức về cách thích nghi vào một môi trường mới. Khi họ đến nhà thờ và làm điều gì không đúng, điều họ cần là sự giáo dục và lời chỉ bảo từ các cha để họ làm tốt hơn. Thứ hai, họ rất tôn trọng linh mục, và họ rất vui mừng khi quý cha đến với họ. Tuy nhiên, có nhiều linh mục Thái Lan không làm điều này, cho dù trong các dịp lễ quan trọng mà họ có mời quý cha hiện diện để chọ họ cảm ơn và tặng quà. Thứ ba, mặc dầu các bạn trẻ rất bận rộn với công việc, nhưng họ luôn sẵn sàng cộng tác vào công việc của giáo xứ nếu các cha cần đến họ. Vì thế quý cha nên tạo cơ hội cho các bạn trẻ tham gia vào các sinh hoạt chung của cộng đoàn. 

Chuyến đi đã kết thúc. Các cha cũng đã về lại Bangkok. Tôi có việc riêng nên đã ở lại Việt Nam thêm một ngày. Ngay lúc này tôi đang ngồi trong phòng chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến bay trở lại Bangkok bị trễ giờ, nhưng tôi không khó chịu vì tôi có thêm giờ để ngồi viết nhật ký, để ôn lại những gì đã xảy ra tong những ngày qua. Trên màn hình TV, đội tuyển bóng đá Việt Nam đang thi đấu với đội tuyển Campuchia.  Tôi vừa viết nhật ký vừa thỉnh thoảng nhìn lên màn hình theo dõi trận bóng. Việt Nam vừa mới đá vào quả thứ nhất sau hơn 40 phút của hiệp đầu đã trôi qua. Ở trong phòng, có vài người la lên trong sự vui sướng. Còn tôi thì có một niềm vui sâu lắng hơn trong lòng, đó là niềm vui của một người đang thi hành sứ vụ của mình, một sứ vụ làm nhịp cầu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người. Đây là điều tôi đã làm, đang làm và sẽ còn tiếp tục làm trong suốt cuộc đời truyền giáo của tôi.


Sài Gòn, ngày 24.11.2018

Đi tới và dừng bước


Sau một tháng 10 chất chứa hàng loạt sinh hoạt, bao gồm 1 chuyến đi công tác ở Việt Nam, một chuyến đi hành hương và họp tại Ý, 1 chương trình hội thảo quốc tế, 1 chương trình tĩnh tâm giới trẻ và nhiều sinh hoạt linh tinh khác nữa thì hôm nay mình đã trở lại với giảng đường tại Đại Chủng Viện Lux Mundi. Tuần này mình phải “dạy bù” vì trên thực tế kỳ học mới đã bắt đầu từ tuần trước, nhưng vì mình bận công việc tại Rô-ma nên đành phải bắt đầu muộn hơn những người khác.

Kỳ học này mình dạy 3 lớp—2 lớp Kinh Thánh và 1 lớp thần học giáo hội. Vì mình đã từng dạy các môn này trước đây nên mình đỡ phải mất nhiều giờ để chuẩn bị giáo án. Hôm nay mình đã bắt đầu với môn Tân Ước cho các thầy năm 4. ĐCV đang có chính sách chuyển đổi việc giảng dạy từ tiếng Thái qua tiếng Anh nên mình cũng thử giảng bài từ đầu tới cuối bằng tiếng Anh xem các thầy tiếp thu được chừng nào. Mặc dầu mọi người biết tiếng Anh phần nào, nhưng đa số vẫn còn chưa đủ khả năng để tiếp thu như mong muốn. Mình biết rằng sẽ phải điều chỉnh công việc giảng dạy để đưa vào thêm tiếng Thái để giúp cho các thầy hiểu nội dung của bài học hơn. Mặc dầu mình cũng rất muốn đáp ứng đường hướng của HĐGM Thái Lan là sử dụng tiếng Anh trong việc giảng dạy, nhưng thực tế cho thấy điều này chưa hoàn toàn khả thi.

Sau những tháng ngày lu bu với nhiều sinh hoạt khác nhau, mình cảm thấy vui khi trở lại với giảng đường. Công việc giảng dạy sẽ giúp cho mình lấy lại nhịp hoạt động và làm việc đều đặn cũng như tái tạo sự thăng bằng trong cuộc sống.

Đây cũng là thời gian thuận tiện để xem xét lại những ưu tiên trong công việc mục vụ, không ôm đồm quá và không chạy theo những gì không mang lại sự tốt lành cho cá nhân hay cho người khác. Đã đến lúc phải ngừng một số sinh hoạt, giảm một số mối quan hệ, và tập trung vào những gì thật sự thiết yếu cho đời sống tâm linh của chính mình cũng như sứ mệnh phục vụ Giáo hội.

Bangkok, ngày 12.11.2018

Lang thang chiều thu Rô-ma


Chiều nay mình có giờ rảnh rổi trước khi phải ra sân bay để trở lại Thái Lan nên đã quyết định đưa vali đi gửi ở trạm xe điện chính của thành phố Rô-ma rồi mang ba-lô đi dạo trên đường phố. Sau gần 30 phút lang thang qua những con phố, mình đã đến khu vực Đấu trường Colloseo, một công trình vĩ đại của Đế quốc La Mã, được khởi công xây dựng năm 72 sau công nguyên. Đấu trường Colloseo là một trong những biểu tượng quen thuộc nhất về thành phố cổ kính này. Để thư giãn và tìm cho mình một khoảng thời gian riêng tư thì ít có nơi nào lý tưởng hơn là tìm đến một quán nước gần đấu trường để vừa uống nước, vừa viết nhật ký và ngắm một trong những di tích lịch sử giá trị nhất thế giới. Một trong những thứ mà người Ý rất ưa chuộng là ngồi ăn uống ở những nhà hàng và quán cà phê có đặt bàn ghế ngoài trời để vừa thưởng thức những thức ăn, thức uống vừa hòa mình vào không gian và nhịp sống của thành phố.

Sau những ngày trải qua những trận mưa bất thường, bây giờ Rô-ma đã trở lại với thời tiết thu thật mát dịu. Nắng thu vàng đủ ấm để giúp giảm bớt cảm giác giá rét của những làn gió cuối thu đang báo hiệu mùa đông đã gần đến. Lang thang một mình qua những đường phố cổ lát kín đá, ngắm nhìn những chậu hoa đang dần tàn trước cái lạnh của mùa đông đang gần kề, mình có cảm giác bình an khó tả. Nó là cảm giác của một người đóng vai khách lạ ở một nơi vốn đã trở nên quen thuộc nên không còn cảm giác hồi hộp hay sợ hãi. Nó là cảm giác của một người đã hoàn tất mục tiêu đã đặt ra cho chuyến đi nên không còn có gì để nuối tiếc hay đắn đo. Và nó cũng là cảm giác của một người sống hoàn toàn với hiện tại, chỉ biết mình đang hạnh phúc với không gian và thời gian ngay lúc này mà không phải nghĩ ngợi về những gì đang chờ đợi mình ở nơi khác và giờ khác. Cảm giác bình an đó tràn ngập tâm hồn làm cho mình dường như bước đi hoài mà không thấy mỏi mệt, ở một mình mà không thấy cô đơn, và nhìn xung quanh chỉ nhận ra những cái đẹp mà không hề để ý đến những thứ không tốt.

Dường như lâu lắm rồi mình mới có cảm giác bình an đến lạ như thế này. Có lẽ mình sẽ khắc ghi nó sâu trong lòng, để sau này cho dù nhiều năm có trôi qua thì mình sẽ vẫn còn nhớ về một chiều thu Rô-ma thật yên bình và lãng mạn, một ký ức đẹp để kết thúc một chuyến đi, một hành trình nhỏ trong vô số cuộc hành trình mà mình sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời.

Rô-ma, ngày 8.11.2018

Kết thúc công việc tại Rô-ma


Chuyến đi công tác tại Rô-ma chuẩn bị kết thúc sau 4 ngày họp chuyên ban kỹ thuật số của tổ chức truyền thông Signis. Là thành viên của ban gồm 8 người từ các quốc gia khác nhau, cuộc họp này nhằm mục đích trao đổi về những nghiên cứu mà các thành viên trong ban đã thực hiện thời gian qua với đề tài “Giáo hội và xã hội trong thời kỳ kỹ thuật số”. Với đề tài này, mỗi người được giao trách nhiệm nghiên cứu về các khu vực khác nhau như Đông Á, Bắc Mỹ, Châu Phi…. Mình phụ trách khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc trao đổi kiến thức, ban cũng đã bỏ ra thời giờ để gặp gỡ một số tổ chức về truyền thông kỹ thuật số. Đặc biệt, hôm qua ban đã đến Vatican để gặp gỡ và hội thảo với đại diện ban quản trị của Bộ truyền thông thuộc Tòa thánh.

Sau những ngày trao đổi kiến thức và tìm hiểu thông tin, hôm nay ban đã có buổi làm việc để vạch ra kế hoạch hoạt động cho 3 năm tới. Ban ý thức sâu xa rằng ngày nay công nghệ thông tin kỹ thuật số là yếu tố không thể loại bỏ ra khỏi công tác truyền thông. Tuy nhiên, việc truyền thông Công giáo trong thời kỳ kỹ thuật số cần được xây dựng trên nền tảng của thần học về truyền thông xã hội và mục vụ. Vì thế ngoài những hoạt động mang tính giáo dục về kỹ năng thì ban còn muốn nghiên cứu và phổ biến những tài liệu mang tính thần học hầu thúc đẩy cho việc truyền thông Công giáo đi theo phương hướng phù hợp với Giáo hội và tránh xu hướng trần tục hóa.


Rô-ma, ngày 8.11.2018

Hành hương

Hôm nay là ngày thứ ba mình có mặt  tại nước Ý, một đất nước mà đi đến đâu mình cũng cảm nhận được tính chất đầy văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nó. Trong chuyến đi này, mình có dịp đến hai thành phố mà mình chưa được đến trước đây, đó là thành phố Venice và Padova. Venice là một thành phố nổi tiếng trên thế giới vì những con kênh lớn bé chạy ngang, dọc qua thành phố. Người ở Venice chủ yếu đi lại bằng thuyền hoặc đi bộ. Đây là thành phố duy nhất mà có những chiếc taxi không phải bằng ô-tô mà bằng thuyền để cho người ta có thể đi lại. Tuy nhiên, mình đã không đi lại bằng phương tiện này vì nó đắt hơn nhiều so với những con thuyền lớn đón người lên xuống ở các bến. Khách du lịch đến Venice còn thích ngồi thuyền gondola là loại thuyền có một mái chèo để đi dạo xung quanh thành phố. Tuy nhiên, dịch vụ này rất đắt, hết 80 euro cho 30 phút.

Chiều hôm qua khi đến Venice thì thời tiết âm u và thỉnh thoảng có mưa nhẹ. Ở một số nơi vẫn có nước ngập do những ngày trước ở đây có bão lớn khiến ¾ thành phố nằm dưới nước. Đến sáng nay thì trời đã khô ráo và quang cảnh trong thành phố thật tươi sáng. Mình và hai chị gái đã đi bộ từ khách sạn đến quãng trường và Vương cung thánh đường thánh Mác-cô. Đây là địa điểm nổi tiếng nhất thành phố nơi có đông đảo khách du lịch tìm đến để chiêm ngắm ngôi nhà thờ uy nghi, tráng lệ cũng như thưởng thức một không gian vô cùng thơ mộng và lãng mạn tại đây.

Mình lưu lại Venice cho đến trưa rồi đón thuyền đi ra ga tàu để mua vé đi thành phố Padova (Padua). Cá nhân mình thì đây là một thành phố mà mình đã muốn đến từ lần đầu tiên tới Ý nhưng đã không có dịp. Lần này vì mình có lịch trình đi Venice nên việc đi Padova là điều hiển nhiên. Thành phố Padova chỉ cách Venice 45 phút bằng tàu điện trên đường trở lại Rô-ma. Đây là quê hương tại Ý của vị thánh lớn trong giáo hội, đó là thánh An-tôn thành Padova. Mặc dầu thánh An-tôn gốc là người Bồ-đào-nha, nhưng ngài đã chọn Padova làm nơi sinh sống, rao giảng và phục vụ trong đời sống tu trì của ngài. Ngày nay, địa điểm nổi tiếng nhất trong thành phố Padova là Vương cung thánh đường thánh An-ton. Thoạt nhìn bên ngoài, ngôi nhà thờ tuy lớn, nhưng được xây bằng gạch xem ra không ấn tượng hơn những ngôi nhà thờ lớn khác tại Ý. Nhưng khi bước vào bên trong thì mình không khỏi ngỡ ngàng bởi cách thiết kế và những tác phẩm nghệ thuật trên các vách tường và trên mái vòm của nhà thờ.

Bên trong Vương cung thánh đường có không gian đặc biệt có đặt Thánh thể để mọi người có thể đến để chầu và cầu nguyện. Mộ của thánh An-tôn cũng được đặt bên trong nhà thờ, ở phía bên trái để mọi người có thể lần lượt đi ngang qua để đặt tay lên mộ và xin ơn. Ngoài ra, phía sau cung thánh còn có một không gian vô cùng đẹp nơi có đặt những xương thánh và kỷ vật liên quan đến thánh An-tôn cũng như một số vị thánh khác. Một số thứ vô cùng đặc biệt là lưỡi không hề bị mục nát của thánh nhân, xương hàm của ngài, và chiếc áo dòng mà ngài đã từng mặc. Mình đã theo dòng người xếp hàng để lần lượt đi vào chiêm ngắm những vật thánh này cũng như quỳ gối cầu nguyện trong gian phòng đó.

Đến bốn giờ chiều thì mình đã tham dự Thánh lễ với hàng ngìn người khác đến hành hương tại đây. Trong Thánh lễ cũng như trước đó, mình đã cầu nguyện cho gia đình, cho những người thân quen, và đặc biệt những ai đã gửi gắm nhờ mình chuyển lời cầu đến thánh An-tôn. Lễ xong, mình và hai chị gái đã bắt xe điện trở lại ga tàu để lên tàu đi về Rô-ma. Mình đang viết những dòng nhật ký này trong khi đang ngồi trên tuyến tàu điện nhanh sẽ đưa mình trở lại với thủ đô của Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Ở đây mình sẽ có những ngày họp và làm việc, nhưng trước khi vào họp, mình sẽ tận dụng dịp này để có những ngày hành hương đầy ý nghĩa với hai chị gái. Không dễ gì để ba chị em có thể gặp nhau như thế này. Chỉ việc được gặp nhau đã là một niềm vui lớn, còn được đi hành hương với nhau thì quả là một hồng ân tuyệt với mà Chúa đã ban tặng cho mình và hai chị.

Italy, ngày 3.11.2018

Trở lại Rô-ma trong ngày lễ các thánh nam nữ



Chuyến bay tới Rô-ma từ Bangkok, quá cảnh ở Istanbul, Thổ nhỉ kỳ cũng đã đưa mình tới đích điểm an toàn. Đến nơi rồi nhưng mình chưa bước ra khỏi sân bay vì đang ngồi chờ hai chị gái đang ngồi trên chuyến bay Alitalia từ California dự kiến sẽ đáp xuống Roma lúc 12.25. Nhân dịp mình có chuyến đi họp ở Roma trong tuần tới, ba chị em hẹn gặp nhau tại đây để đi hành hương với nhau ít ngày trước khi mình vào họp. Đây sẽ là lần đầu tiên hai chị đến Italy và lần thứ hai mình đến đất nước này. Vì mình có một chút kinh nghiệm nên sẽ lên chương trình cho ba chị em đi hành hương. Mình đã mua vé tàu đến những nơi trong lịch trình cũng như đặt phòng khách sạn trong cũng như ngoài Rô-ma.

Thời tiết tại Ý đang trong mùa thu nên cũng khá rét. Ai nấy đều mặc áo ấm và có người còn đeo khăn quàng cổ. Tuần này trời mưa khá nhiều. Mới cách đây 2 ngày thành phố Venice bị ngập nước tới ¾ thành phố. Ở một số nơi mưa to gió lớn đã làm cây cối xụp đỗ và gây chết người.  Biết có thời tiết không mấy thuận lợi nên mình có chuẩn bị dù và áo lạnh chống nước. Ngay trong lúc này bên ngoài trời rất âm u nhưng không thấy mưa. Tuy nhiên trong dự báo thời tiết thì trong hai ngày tới nhiều nơi sẽ có mưa. Mưa nắng là chuyện của trời nên mình chỉ biết chấp nhận và đối phó cách tốt nhất có thể.

Lần thứ nhất mình bước chân đến Roma là tháng 6 vừa qua, đúng vào ngày kính thánh Anton Padua, thánh quan thầy của mình. Hôm nay mình đến đây trùng vào ngày Giáo hội mừng kính các thánh nam nữ và ngày đầu tiên của tháng cầu cho các đẳng linh hồn. Italy là vùng đất của rất nhiều thánh nhân, trong đó có những vị thánh lớn như thánh Phan-xi-cô và thánh Catarina thành Sienna. Mặc dầu đức tin của người Ý trong thời đại mới không còn như những thế hệ xa xưa, nhưng dẫu sao thì người ở nơi khác cũng có thể đến đây để chứng kiến và cảm nhận được sự tuyệt diệu của niềm tin sâu sắc được thể hiện qua những kiệt tác trong kiến trúc và nghệ thuật mà các thế hệ người Công giáo tại Ý đã để lại cho Giáo hội. Mình xem như là một hồng ân lớn khi có cơ hội đến đây thêm lần nữa để hành hương bắt đầu từ ngày mà Giáo hội trên trần thế đang hiệp thông một cách đặc biệt với Giáo hội hiển thắng trên thiên đàng trong lời chúc tụng, ngợi khen Chúa.

Rô-ma, ngày 1.11.2018