Nhìn lại một quãng đường (2009)


 
Một ngày nọ tôi đang nghỉ trưa thì bổng nhận được một cuộc điện thoại từ một người phụ nữ tên Mèm. Cô ta muốn đến gặp tôi và ngõ ý cộng tác vào những công việc mục vụ của giáo xứ. Tôi hẹn gặp cô tại nhà thờ. Hóa ra cô ta là một tu xuất, có kinh nghiệm dạy giáo lý cho trẻ em, biết đánh đàn và hát. Cô Mèm mới dọn về ở Nong Bua Lamphu không lâu và giờ đây muốn giúp cho việc nhà thờ. Nếu đây không phải là hành động của Chúa thì tôi cũng không biết phải giải thích như thế nào.

Với sự cộng tác của cô Mèm, việc mục vụ trong giáo xứ thêm khởi sắc. Bọn con nít cũng như giới trẻ được học giáo lý. Nhờ có một doanh nhân ở Bangkok cúng cho cây đàn electone nên trong Thánh lễ không còn phải dùng mấy cái đĩa CD nữa. Có tiếng đàn đi cùng tiếng hát, không khí trong nhà thờ sống động hẳn lên. Một số bạn trẻ còn có cơ hội để học đàn nữa. Sinh hoạt giới trẻ cả người Thái lẫn người Việt trở nên một trong những mục vụ quan trọng chiếm nhiều thời gian và công sức của tôi. Tôi tìm nhiều cách để thu hút giới trẻ và tạo cho giới trẻ cảm giác vui vẻ khi đến nhà thờ và sinh hoạt với nhau, cũng như xây dựng tinh thần bác ái trong giới trẻ bằng những sinh hoạt thiện nguyện như đi thăm và làm vệ sinh nhà cửa cho những người gia neo đơn trong các xóm làng.

Nhóm giới trẻ rất hòa đồng với nhau, mặc dầu trong nhóm rất đa dạng – có cả người Thái lẫn người Việt, có cả các em bị nhiễm HIV cũng như các em không bị nhiễm. Nhưng sự chấp nhận và đón nhận nhau đã làm cho mọi người vượt qua tất cả các rào cản để đến với nhau, không ngần ngại vui đùa với nhau, chọc ghẹo nhau, hoặc ngồi chung bàn ăn với nhau. Tôi thấy mình như một nhịp cầu để nối những mảnh đời lại với nhau để cho mọi người thấy sự đa dạng và phong phú của gia đình nhân loại được liên kết trong tinh thần yêu thương và chia sẻ. Mục vụ cho giới trẻ và thiếu nhi đã giúp cho tôi nhận ra sứ mệnh của mình một cách rõ rệt hơn. Người truyền giáo luôn phải là cầu nối giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Niềm hạnh phúc của tôi là nhìn thấy những con người rất khác nhau có thể xích lại với nhau và đón nhận nhau bằng tình tương thân tương ái. Như thế tôi đã bắt đầu làm điều mà tôi đã mong muốn từ những ngày đầu tiên trong đời sống linh mục của tôi, đó là trở nên khí cụ bình an của Chúa, để rồi trong tôi và qua tôi, danh Chúa càng ngày càng rạng ngời hơn.

Nhìn lại một quãng đường (2008)



Với phép của bề trên, tôi đã kết thúc chương trình học tiếng Thái sớm hơn dự định nửa năm vì tôi nóng lòng thử chân mình trên cánh đồng truyền giáo. Lối sống ở thủ đô Bangkok vui nhộn và hiện đại, nhưng tôi lại nhiều khi cảm thấy trống trãi. Bạn bè không có nhiều, không có nơi cho mình dâng Thánh lễ với giáo dân thường xuyên; và mặc dầu các cha tại DCCT nơi mình đang ở nhờ vô cùng nồng hậu và vui vẻ, nhưng tôi vẫn thấy thiếu một chút gì đó vì không được sống trong cộng đoàn của dòng mình.

Thế là đầu năm 2008, tôi thu xếp đồ đạc lên đường đến vùng đông bắc Thái Lan. Ở đây tôi được bổ nhiệm phục vụ tại nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở tỉnh Nong Bua Lamphu, nơi có các thầy SVD và các seour dòng Mẹ Têrêxa đang phục vụ những anh chị em bị nhiễm HIV/AIDS. Công việc này trở nên một phần trong công việc mục vụ của tôi. Nhưng ngoài ra tôi phải bắt đầu tìm cách để xây dựng một cộng đoàn Công giáo tại đây, nơi mà lúc đó chỉ có leo teo vài gia đình đi lễ ngày Chúa Nhật. Trong cộng đoàn không có hội đồng mục vụ, không có người dạy giáo lý, không có các em giúp lễ, không có đàn phục vụ trong Thánh lễ, và nếu có đàn thì cũng không có ai để chơi. Việc hát trong Thánh lễ là mở đĩa CD có nhạc đệm và hát theo. Thánh lễ thật nhạt nhẻo. Trong nhà thờ chẳng có bao nhiêu hàng ghế mà chỗ trống vẫn còn nhiều. Thế nhưng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới soạn được một bài giảng cho Lễ ngày Chúa Nhật. Tôi bỏ ra một ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa, ngày thứ hai để viết bài giảng ra trên giấy bằng tiếng Thái, ngày thứ ba đánh máy bài giảng trên máy vi tính, ngày thứ tư để chỉnh sửa từ ngữ và văn phạm, ngày thứ năm và sáu là tập đọc và giảng cho trôi chảy trong thánh lễ.

Mọi sự đều bắt đầu như thế đó. Những ngày đầu tiên ấy không hề dễ dàng chút nào. Cô đơn có, buồn chán có, bị hiểu lầm có. Nhưng tôi tự động viên bản thân rằng: truyền giáo mà không hy sinh và khó khăn thì không phải là truyền giáo. Vì thế tôi đã phấn đấu và tìm cách làm những gì tôi có thể để chứng mình rằng Chúa đã sai tôi đến vùng đất này là có lý do chứ không phải là một điều vô nghĩa.

Nhìn lại một quãng đường (2007)



Những ngày đầu tiên trên đất Thái, bập bẹ với tiếng nói của người xứ Chùa tháp, học viết những chữ ngoành nghoèo như giun, và không biết những gì đang chờ đợi mình trên cánh đồng truyền giáo bao la bất tận với chỉ có một nửa phần trăm dân số là theo đạo Công giáo. Những ngày đó thật bở ngỡ nhưng cũng rất thú vị với những khám phá mới về chính mình và cuộc sống chung quanh. Mỗi chữ tiếng Thái học được là thêm một bước tiến trong quá trình hội nhập văn hóa. Cuộc hành trình không phải gian nan nhưng đòi hỏi sự tập trung và quyết chí khi mình là một trong hai linh mục Ngôi Lời đầu tiên được sai đến phục vụ tại Thái Lan. Nếu không thận trọng, tập trung và ý thức được sứ mệnh của mình thì rất dễ vấp ngã trong môi trường mới chất chứa nhiều cạm bẫy và thách đố. Thế nhưng nhờ vào lòng thương xót của Chúa, mình cũng đã vượt qua được thời gian thử thách đó để rồi tiến tới giai đoạn tiếp theo trên hành trình truyền giáo mà Chúa và Hội dòng đã giao phó.

Những việc trước mắt


Nhìn qua nhìn lại phát hiện ra chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa là mình sẽ không còn là cha "xứ" nữa, cho dù đó chỉ là cha xứ của một cộng đoàn nhỏ bé trong một tỉnh lẻ ở vùng đông bắc nước Thái. Nhưng không phải vì vậy mà mình rảnh rỗi không làm gì. Mình ý thức được rằng thời gian ở đây không còn lâu nữa nên cũng cố gắng làm được cái gì có thể trước khi chuyển qua một gia đoạn khác trong đời sống truyền giáo của mình. Trong thời gian này ai cần học giáo lý để lãnh nhận các bí tích rửa tội và thêm sức mình đều tìm cách sắp xếp cho bằng được. Ai mời mình dạy tiếng Anh ở các trường học mình cũng không từ chối nếu thời gian không trùng hợp với những công việc khác đang làm. Mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam mình cũng gia tăng nhiều hơn để giúp cho các bạn có sự vững vàng trước khi có những linh mục khác đến thay thế. Cũng biết là trong tương lại sẽ có cha Việt Nam đến đây, nhưng cũng không ai biết là các cha sẽ có điều kiện và ước muốn đồng hành với các bạn trẻ Việt Nam hay không, không chỉ tại NBL mà còn ở các tỉnh khác mà mình đang giúp hiện nay. Vì thế nên việc các bạn trẻ có thể tự sinh hoạt mà không có sự dẫn dắt của mình linh mục thường xuyên là một điều mà mình đang cố gắng hướng tới.

Tuần nay mình có thêm một chút thời giờ nghỉ ngơi vì lớp Anh văn buổi tối đã kết thúc. Mình xin nghỉ ba tuần trước khi bắt đầu lớp tiếp theo để làm một số công việc khác. Và đặc biệt tuần nay, mình được rảnh rổi hơn đôi chút. Mình đọc sách, xem một số chương trình truyền hình giải trí, viết lách, làm những thứ nho nhỏ trên trang facebook nhằm mục tiêu truyền giáo trên mạng. Cũng cần lắm những ngày mà nhịp độ làm việc chậm lại để rồi mình có thể lấy lại sức lực cho những thứ trước mắt.

Nong Bua Lamphu, ngày 17.7.2012

Sáng thứ hai

Mình ngồi trong phòng một cách thanh thản. Sáng nay mình thức dậy một cách tự nhiên, không phải bị đánh thức bởi một tiếng động nào đó hoặc tiếng chuông điện thoại. Điện thoại thì trước khi đi ngủ tối hôm qua mình đã tắt nguồn rồi. Sáng nay mình thức dậy thì cố một cuộc gọi từ cha Trực, nhưng không sao. Mình sẽ liên lạc lại sau. Điều mình đang cần bây giờ là những giây phút thanh thản. Một buổi sáng thứ hai yên tĩnh. Mình để cho các bạn trẻ đang giúp việc cho nhà thờ và dự tu tự do thoải mái. Tụi nó muốn ngủ thì cho nó ngủ. Tụi nó muốn thức lúc nào thì nó tự thức. Mình muốn than thản để đọc kinh, nghe nhạc cổ điển, làm một vài động tác co giản thân thể đặc biệt là phần cổ, vai và chân. Mình muốn cập nhật trang facebook của mình đôi chút và viết vài dòng trong trang blog của mình mà mình dường như đã quên hẳn về nó trong thời gian gần đây.

Lý do tại sao sáng hôm nay mình chỉ muốn như thế. Đó là tại vì mình đã có một cuối tuần làm việc mục vụ thật bận rộn. Bắt đầu từ tối thứ sáu cho đến trưa Chúa Nhật thì đã có rất nhiều sinh hoạt đặc biệt là việc dạy giáo lý cho các bạn trẻ cả Việt lẫn Thái. Có giờ dạy cá nhân, có khi dạy trong nhóm. Ngày thứ bảy có một chương trình tĩnh tâm đặc biệt cho các em thiếu nhi trong giáo xứ và có thêm các em trong nhà Tình thương của các seour Dòng Đaminh cùng đến tham dự.

Đó là tại NBL. Nhưng từ chiều hôm qua khi các sinh hoạt ở giáo xứ xong thì mình đã phải lái xe đi tỉnh Mahasarakham, thời gian lái xe gần 3h đồng hồ để dâng lễ ở đó cho nhóm giới trẻ Việt Nam. Một tháng mình đến dâng lễ ở đây một hai lần. Nhưng thánh lễ hôm qua đặc biệt vì các em ở đó mừng lễ bổn mạng Thánh Phêrô. Mặc dầu lễ thánh Phêrô vì có nhiều bạn xuất thân từ giáo xứ thánh Phêrô tại một huyện ở Quảng Bình.

Sau lễ, có tiệc liên hoan. Khi mọi sinh hoạt đã xong xuôi thì cũng đã hơn 9h tối. Mình và các bạn trẻ từ NBL lên xe về. Đến nhà thì cũng đã gần 12h đêm.


Tĩnh tâm thiếu nhi


 
Bữa ăn trưa mỗi ngày Chúa Nhật của nhóm giới trẻ

Với một cuối tuần có những công việc mục vụ dày đặc, điều  mình phải làm hôm nay là nghỉ ngơi. Đáng ra sáng nay mình phải đi tham dự thánh lễ an táng của mẹ của cha Bùathòng ở tỉnh Bưngkàn. Nhưng mình suy đi nghĩ lại thì thấy tốt nhất là mình dâng lễ tại nhà thờ của mình để cầu nguyện cho linh hồn bà cố. Từ NBL đi Bưngkàn thật xa, mất 4 tiếng đồng hồ lái xe. Mình e rằng nếu thêm một ngài như thế nữa thì không tốt cho sức khỏe vì sẽ không có một ngày nào được nghỉ ngơi. Ngày mai, mình phải đi họp, phải đi dạy, rồi những ngày tiếp theo cũng sẽ như thế. Dĩ nhiên làm việc là tốt và ta cần phải làm việc một cách hăng say. Nhưng ít nhất thì sáng nay, điều mình muốn làm đó là nghỉ ngơi. Có lẽ Chúa cũng muốn mình làm điều đó.

Nong Bua Lamphu, ngày 9.7.2012

Tĩnh tâm giới trẻ Việt Nam










Có tin không? Mình đã tổ chức một cuộc tĩnh tâm ba ngày cho 25 bạn trẻ Việt Nam mà chỉ mất hết khoảng 180 USD. Có thể nói đây là chương trình tĩnh tâm tiết kiệm nhất từ trước đến nay mà mình đã tổ chức. Thế mà chương trình tĩnh tâm mang chủ đề "Muối và Ánh Sáng" lại là một chương trình khá thành công với những bài nói chuyện do mình và cha Toàn phụ trách cũng như những sinh hoạt nhằm giúp cho các bạn trẻ nhận ra những bóng tối trong đời sống của mình, loại trừ nó ra khỏi con người, và nhường chỗ cho ánh sáng của Chúa Kitô, để rồi họ có thể trở nên muối men và ánh sáng cho đời.

Để cho các bạn trẻ đến tham dự được tĩnh tâm không đơn giản vì những bạn làm việc thì rất gò bó về thời gian. Có đứa nói, xin đi một ngày thì còn được chứ đi hai ba ngày thì không thể nào. Có đưa khi xin chủ cho nghỉ việc để đi thì bị chủ phán cho một câu: "Nếu muốn đi thì tìm việc khác mà làm." Thế mà cũng đã có đứa sẵn sàng mất việc để đi tĩnh tâm. Có đưa thì liều đi rồi về tính sao thì tính.

Khi chương trình tĩnh tâm kết thúc, mình mời các bạn lượng giá thì có đứa nói, "Mình phải hy sinh rất nhiều để đến tham dự chương trình tĩnh tâm này nên mình cố gắng làm sao không bị lỗ. Và cuối cùng thì thấy đã lời rất nhiều."

Thằng Thùy nói, "Tối hôm qua khi đi ngủ, mình có suy nghĩ trong đầu rằng, nếu vì việc đi tĩnh tâm mà mình mất việc thì mình cũng không hối hấn. Đây là một cơ hội quá quý giá nên mình sẽ không tiếc nuối nếu bị cho ra việc."

Con Xuân đến từ Khon Kaen thì nói rằng, "Đây là một kinh nghiệm mà mình sẽ không bao giờ quên."

Thế là điều mình cố gắng làm đã thành hiện thực, đó là giúp cho các bạn trẻ nhận ra rằng, việc theo Chúa cần phải có hy sinh và thử thách. Mình lại càng cảm thấy vui hơn khi một chương trình tĩnh tâm quá "rẻ" như thế lại mang lại kết quả tốt như thế. Chứng tỏ không phải có tiền mới làm được điều tốt. Phương cách làm việc của mình vẫn là như thế "Hiệu quả nhưng không tốn kém."

Nong Bua Lamphu, ngày 3.7.2012