Thánh lễ an táng ông cố Phê-rô




Hôm qua mình đã tham dự lễ an táng của ông cố Phê-rô là thân phụ của cha Linh, người anh em trong dòng đang phục vụ tại Thái Lan. Thánh lễ được chủ tế bởi ĐGM GP Phan Thiết là ĐGM Giu-se Đỗ Mạnh Hùng và đồng tế bởi khoảng 150 linh mục triều lẫn dòng từ khắp nơi về. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều nữ tu đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho cụ. Trong ngôi nhà thờ không mấy lớn tại huyện Lagi, tỉnh Bình thuận, dường như linh mục và tu sĩ chiếm phần lớn chỗ ngồi. Lý do có đông đảo linh mục tu sĩ đến tham dự lễ an táng là vì ông cố có 4 người con đã được dâng cho chúa bao gồm 2 linh mục và hai nữ tu.

Trong số các linh mục đến dự lễ có nhiều thành viên dòng Ngôi Lời. Trong dịp này mình đã gặp lại một số anh em mà mình thân quen từ trước, nhưng đã không có cơ hội gặp gỡ nhiều năm nay. Mình còn tình cờ gặp thêm một vài người đã từng qua du lịch/hành hương Thái Lan. Những cuộc gặp gỡ này dù vắn tắt nhưng cũng mang lại cho mình nhiều niềm vui, và làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm mà cơn dịch COVID-19 làm cho nhiều người thu mình lại và sợ ra ngoài giao tiếp với người khác.

Sài Gòn, 28.2.2020

Mai đi

Hôm qua bề trên gọi điện thoại hỏi mình có thể đi Việt Nam để tham dự lễ tang ông cố của cha Linh vừa mới qua đời không. Cha Linh hiện đang phục vụ tại Thái Lan nhưng đã về nhà khi nghe tin bố mất. Bề trên muốn có người anh em đại diện cộng đoàn Ngôi Lời tại Thái Lan đi tham dự để phân ưu với gia đình ông cố.

Trước yêu cầu của bề trên mình chợt tự hỏi không biết tình hình virus corona tại Việt Nam có ổn không vì thấy thông tin về diễn biến bên đó cũng có nhiều điều đáng e ngại. Nhưng rồi mình lại nghĩ, có lẽ điều mình đang mường tượng về Việt Nam cũng giống như những gì người ở các nơi khác đang suy đoán về tình hình tại Thái Lan. Thường thì người ta luôn cảm thấy an tâm với những gì họ quen thuộc và có thể làm chủ được. Còn khi đi tới một nơi xa lạ thì người ta cảm thấy lo sợ hơn. Đó là lý do tại sao đã có những người ở Ấn độ đã đăng ký tham dự chương trình hội thảo quốc tế mình tổ chức tháng tới, nhưng đã rút lui vì quan ngại tình hình dịch tại Thái Lan.

Vì thế mình đã quyết định sắp xếp thời giờ để đi tham dự lễ tang. Ngày mai sau khi dạy học xong, mình sẽ về nhà dòng dâng lễ tro, rồi sau đó ra sân bay đi Việt Nam. Mặc dầu vẫn tự tin để đi, nhưng chiều hôm nay mình đã tới nhà thuốc gần Đại chủng viện để mua khẩu trang mang theo. Nhưng rất tiếc nhà thuốc chỉ còn mỗi hai cái khẩu trang y tế. Nhà thuốc bên cạnh thì cũng đã sạch hàng.

Bangkok, ngày 25.2.2020

Tổ chức sự kiện trong thời buổi dịch Corona




Tổ chức sự kiện trong thời buổi dịch Corona

Trên thế giới hàng ngày có vô số sự kiện được lên kế hoạch và thực hiện. Cho dù là sự kiện to hay nhỏ thì ai cũng muốn những chương trình mình tổ chức được thành công tốt đẹp. Mình cũng không ngoại lệ. Hơn một năm qua, mình làm việc chuẩn bị cho một chương trình hội thảo quốc tế về tôn giáo và truyền thông tại Bangkok với những tham dự viên là các chuyên gia đến từ các nước trong vùng Châu Á. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9-12 tháng 3 tại trường đại học St. Louis.

Để chuẩn bị cho chương trình hội thảo, mình cùng với các thành viên khác trong ban quản trị TT nghiên cứu Á châu về tôn giáo và truyền thông xã hội đã cật lực kêu gọi các chuyên gia đóng góp những bài tham luận chuyên môn theo chủ đề của chương trình. Ngoài ra ban quản trị cũng liên lạc với trường đại học tại Bangkok để tổ chức sự kiện, đồng thời tìm nguồn ngân sách để trang trải các chi phí liên quan.

Mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp thì đột nhiên tình hình dịch virus Corona bùng nổ tại Trung Quốc rồi lây lan qua các quốc gia láng giềng. Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi cơn dịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch mà lượng khách Trung Quốc là một phần to lớn trong thu nhập của ngành.

Mặc dầu Thái Lan hiện không phải là ổ dịch và trong số 35 người bị phát hiện nhiễm virus thì chưa có ai tử vong và 17 người đã hồi phục, nhưng Thái Lan vẫn gây quan ngại đến một số nước khác. Ví dụ Israel đã ra quy định là ai có mặt ở Thái Lan 14 ngày trước khi đến Israel sẽ bị từ chối cho nhập cảnh. Có người từ Ấn độ cho hay chính quyền Ấn độ cũng đã quy định phải cách ly những người đến từ vùng Đông Nam Á trên 20 ngày khi họ nhập cảnh để phòng ngừa lây lan virus.

Vì những quan ngại này mà có nhiều tham dự viên từ Ấn độ đã xin rút tên khỏi danh sách tham dự hoặc xin được tham dự online. Một chuyên gia ở Ấn độ nói rằng, “Không phải tội sợ bị nhiễm virus khi đến Thái Lan, nhưng vì chính sách của Ấn độ quá nghiêm khắc. Tôi không thể bỏ ra 20 ngày để cách ly trong khi cơ quan của tôi chỉ cho tôi 12 ngày nghỉ phép trong một năm.”

Vì có thay đổi đột ngột nên những ngày qua mình phải liên lạc các chuyên gia khác để thay thế vào chỗ trống. Ngoài ra mình cũng làm việc với trường đại học để yêu cầu họ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để cho một số người có thể tham dự hội thảo qua mạng thay vì có mặt trực tiếp như dự định.

Mặc dầu có những khó khăn trong khâu tổ chức do tình hình dịch, nhưng mình đã quyết định phải tiến hành với sự kiện đã được lên chương trình hai năm qua. Cơn dịch virus Corona không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm nghiên cứu mình điều hành mà còn rất nhiều nhiều cá nhân và tổ chức khác nữa. Trong vài tháng nữa còn có những sự kiện vô cùng to lớn, điển hình là Thế vận hội mùa hè tại Tokyo. Chắc chắn ban tổ chức các sự kiện này đang rất hồi hộp và lo lắng về những gì phía trước.  

Trong thời buổi khó khăn ai cũng phải thích nghi bằng cách này hay cách khác. Nhưng điều tốt nhất là mọi người tiếp tục tiến tới với những gì mình có thể, cho dầu phải thận trọng hơn, cũng như phải chấp nhận những điều khó khăn và bất tiện. Cá nhân mình nghĩ rằng việc thích ứng với thực trạng không phải là để cho mọi thứ trở nên tê liệt hay là mang thái độ hoang mang quá đáng. Đó là lý do tại sao mình sẽ không hủy chương trình hội thảo. Và mình còn tin rằng nó sẽ là một sự kiện ý nghĩa và tốt đẹp như mình mong muốn.

Bangkok, ngày 24.2.2020


Đi nhà thờ trong thời kỳ dịch COVID-19



Hôm nay mình đi tham dự lễ mừng quan thầy Ngai tòa thánh Phê-rô tại Bangkok, đồng thời kỷ niệm 130 năm ngày thành lập giáo xứ. Vì là dịp trọng đại nên giáo xứ đã tổ chức rất long trọng với nhiều giáo dân đến tham dự. Chủ sự ngày lễ là ĐHY Phan-xi-cô Xavier, giám mục của TGP Bangkok. Mặc dầu thế giới đang đối diện với tình hình dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trầm trọng đến ngành dụ lịch tại Thái Lan, nhưng sinh hoạt tại các nhà thờ dường như không mấy bị ảnh hưởng. Những tuần qua, mình đã đến tham dự thánh lễ mừng quan thầy tại các nhà thờ khác nhau, nhưng nơi nào cũng có đông đảo giáo dân đến tham dự Thánh lễ. Có một số ít giáo dân đeo khẩu trang khi dự lễ, nhưng đó chỉ là một số rất nhỏ.

Những gì thấy được trong nhà thờ cũng phản ảnh tình hình chung tại Thái Lan. Truyền thông Thái Lan cho hay đến thời điểm này trên cả nước có tổng cộng 35 ca bị nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, trong số đó đã có 17 người hồi phục và đã xuất viện. Theo các nhà chức trách thì tình hình tại Thái Lan đang trong mức độ kiểm soát được. Có lẽ vì thế mà khi đi lại, mặc dầu có một số người Thái đeo khẩu trang, nhưng đa số người dân khá vô tư trước cơn dịch vi-rút Corona. Ngay cả khi đi lại trong trung tâm mua sắm rất sầm uất nhưng nhiều người không thấy bận tâm. Nhà hàng buffet vẫn đông khách vào ngày cuối tuần như không có vấn đề gì.

Trong thời điểm mà dịch COVID-19 đang làm dự luận xôn xao thì cá nhân mình cũng phải tế nhị hơn rất nhiều khi dâng lễ trong nhà thờ. Cách đây vài tuần, khi đang dâng lễ đồng tế ở nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, mình bổng nhiên lên cơn ho vì các chú giúp lễ hơi mạnh tay với hương khói trong nghi thức. Mặc dầu mình rất muốn ho, nhưng mình cố gắng nén lại để không làm cho giáo dân cảm thấy hoang mang khi thấy linh mục ho thành tiếng trên cung thánh. Bình thường việc ai đó ho cũng không có gì phải e ngại, nhưng trong thời kỳ vi-rút Corona đang hoành hành tại nhiều quốc gia thì mọi thứ trở nên nhạy cảm hơn.

Bên cạnh hạn chế những tiếng ho trong khi cử hành Thánh lễ, mình cũng cẩn thận hơn khi trao Mình Thánh Chúa. Bình thường khi trao Mình Thánh Chúa mình rất dễ chạm vào bàn tay của người nhận. Nhưng để bảo đảm việc cho rước lễ không trở nên hành động vô tình làm lây lan vi-rút (nếu có), mình đặt Mình Thánh vào lòng bàn tay của người nhận một cách thận trọng hơn, cố gắng không chạm vào tay hoặc môi của người rước lễ.   

Không biết tình hình dịch sẽ còn tiếp tục bao lâu nữa, nhưng trong thời buổi khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, sự tế nhị và thận trọng là điều cần thiết để mọi người mang lại cho nhau sự bình an trong tâm hồn cũng như sức khỏe trong thể xác.

Bangkok, ngày 23.2.2020

Cụ bà nhặt ve chai trong xóm


Có một cụ bà nhặt ve chai ở trong xóm phía sau nhà cộng đoàn Dòng Ngôi Lời tại Bangkok. Mặc dầu không phải là người Công giáo, nhưng từ ngày đưa Đức Mẹ về, mỗi sáng cụ đi ngang qua nhà vẫn dừng lại bái tượng (wai) từ ngoài đường rồi đi tiếp. Cụ chỉ vào bên trong khi quý cha có ve chai để cho cụ mang đi.

Thời gian gần đây cụ lại mỗi tuần mua một vòng hoặc bó hoa nhỏ để dâng cho Đức Mẹ. Cụ luôn treo hoa ở cổng trước nhà chứ không vào bên trong. Mới đầu quý cha thấy hoa treo trước nhà mà không biết từ đâu đến. Sau này mới phát hiện ra là của cụ mua và âm thầm treo ở cổng. Sáng nay ngày thứ bảy lại thấy có một vòng hoa mới được treo trước cổng như mọi khi.

Hôm qua có mấy bạn trẻ Việt Nam đến sinh hoạt tại nhà dòng. Mình kể cho nghe về cụ già. Một bạn trẻ nghe câu chuyện xong thì nói rằng “Mình là người Công giáo và cũng hay đến nhà dòng mà mình chưa bao giờ mua hoa dâng Đức Mẹ.”

Bangkok, ngày 22.2.2020

Thập niên của tôi (2018)



Năm 2018 là năm của thật nhiều chuyến đi xa. Có lẽ vì ngay từ những ngày đầu năm mình đã thực hiện chuyến đi xa nên trong năm cứ tiếp tục như thế. Chuyến đi dài nhất là đi Rô-ma hơn một tháng để họp tổng tu nghị của hội dòng. Đây cũng là một thời gian đáng nhớ vì mình đã có cơ hội đi hành hương đến những nơi thật linh thiêng như các vương cung thánh đường và thành Assisi, quê hương của thánh Phanxico. Trong thời gian họp, các thành viên cũng có cơ hội được diện kiến ĐTC Phanxico và lắng nghe những huấn từ của ngài cũng như được bắt tay ngài. Đó là niềm vui lớn cho mọi người trong dịp tổng tu nghị.

Bangkok, 2.1.2020