Tĩnh tâm


Ngày Chúa Nhật Lễ Lá, mình và người anh em trong dòng đi xuống Pattaya để giúp cho các bạn trẻ Việt Nam trong GP. Chanthaburi tĩnh tâm chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Cha Trần Hải Hà giúp phần giải tội, còn mình phụ trách phần thuyết giảng và Chầu Thánh Thể. Mỗi người làm một việc nên tất cả những ai cần xưng tội đều đã được tham dự bí tích hoà giải. Cha Hà bảo giải tội cho mọi người xong thì khan cả giọng, nhưng vẫn phải cố gắng hoàn tất bài Thương khó và giảng trong Thánh lễ.

Chương trình tĩnh tâm được tổ chức tại hội trường của trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya. Bình thường các sinh hoạt sẽ diễn ra tại nhà thờ St. Nikolaus gần TT, nhưng vì chương trình hôm qua cần nhiều giờ nên phải thuê hội trường để tổ chức sinh hoạt.

Trong chương trình tĩnh tâm, mình nhắc nhở các anh chị em đang làm việc và sinh sống tại một môi trường rất phức tạp, đặc biệt là Pattaya, nơi có nhiều tệ nạn bề xã hội và luân lý, phải ý thức được căn tính của mình là người Ki-tô hữu; vì thế cần kiểm soát lối sống đạo và giữ đạo cho dù ở bất cứ nơi đâu. 

Với một chương trình tĩnh tâm với nhiều phần ý nghĩa, đặc biệt dường như mọi người đều được tham dự bí tích hoà giải, mình hy vọng rằng các hạn trẻ tại GP. Chanthaburi sẽ sẵn sàng hơn để đón mừng lễ Tam Nhật Thánh.

Bangkok, ngày 26.3.2018 Attachment.png

3 loại người


Trên bãi biển công cộng thuộc thành phố du lịch nổi tiếng Phuket này có ba loại du khách. Loại người thứ nhất là loại người xả rác trên mặt cát. Loại người thứ hai là loại người không xả rác trên mặt cát. Loại người thứ ba là loại người không xả rác nhưng đi nhặt rác do các du khách khác xả. 99.9% các du khách thuộc hai loại đầu tiên. Loại thứ ba thì rất hiếm hoi.

Mình vừa mới chứng kiến một du khách người Nhật đang rời khỏi bãi biển. Anh ấy vừa đi vừa nhặt rác ở trên cát bỏ vào bao nylon. Thậm chí anh cúi xuống nhặt rác ngay dưới chân các anh chàng làm công việc “cò” cho những dịch vụ vui chơi trên biển. Khi rời khỏi bãi cát thì bịch nylon của anh ấy đã gần đầy rác.

Phuket, ngày 22.3.2018

Tai nạn


Sáng sớm vừa thức dậy để chuẩn bị đi sân bay xuống Phuket dâng lễ cho nhóm lao động Việt Nam thì nhận được tin có bạn trẻ bị tai nạn tử vong ở khu vực Bangbuathong, gần Bangkok. Bạn của nạn nhân tên H. nói mới qua Thái Lan vài tuần trong khi nạn nhân, quê Quãng Bình, lại không có bà con thân thuộc gì tại Thái Lan. H. nhờ mình xuống để giúp làm việc với cảnh sát và các thủ tục cần thiết, nhưng mình nói là hôm nay không thể đi dược vì phải đi Phuket. Mình chỉ có thể hướng dẫn qua điện thoại.

Thật đáng thương khi các bạn trẻ qua Thái mưu sinh gặp quá nhiều khó khăn. Họ không chỉ phải làm việc bất hợp pháp có nguy cơ bị bắt hay tống tiền bất cứ lúc nào, mà những người đi làm việc khuya còn gặp nhiều rủi ro về sự an toàn. Tại khu vực Bangbuathong cũng đã từng xảy ra tai nạn với người Việt đi bán hàng trên vỉa hè.

Đáng thương cho các bạn bị tai nạn và cũng đáng thương cho những người thân quen, bạn bè. Không dễ gì để họ có thể giải quyết tất cả những thủ tục để đưa một người chết về quê, đó là chưa nói về  những chi phí liên quan. Cuộc sống vốn đã khó, bổng nhiên lại có sự cố đau thương chồng chất. Họ qua đây để làm ăn kiếm sống, đâu phải để lo những việc thảm thương như thế này. Tuy nhiên, các lao động Việt Nam tại Thái Lan vẫn phải thường xuyên đối đầu với những sự việc như thế, và thêm lần nữa toàn thể cộng đồng được kêu gọi để hỗ trợ cho gia đình của một đồng hương đã ra đi trên xứ người.

Mặc dầu đang ở sân bay, nhưng mình vẫn theo dõi và hỗ trợ từ xa để giúp cho sự việc được giải quyết tốt đẹp.

Bangkok, ngày 22.3.2018

Đi để về

Hoa anh đào ở thành phố Fukuoka


Mình đang ngồi trên chuyến tàu siêu tốc Shinkansen trở lại Nagoya từ thành phố Osaka. Nagoya là thành phố đầu tiên mình đến khi tới Nhật và mình cũng sẽ trở lại Thái Lan từ thành phố này. Trong những ngày qua, mình đã đến nhiều thành phố trên khắp đất nước Nhật bản và đã đi hàng chục chuyến tàu điện—ngầm có, nổi có, nhanh có, chậm có. Mình đã tìm hiểu và học hỏi nhiều điều về đất nước, xã hội và lối sống của người Nhật. Đặc biệt, mình đã được biết nhiều về thực trạng của cuộc sống của người di dân Việt Nam tại Nhật bản và mục vụ di dân mà giáo hội địa phương qua các linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Nhật đang thực hiện. Mình cũng được cơ hội để giảng tĩnh tâm cho anh chị em Việt Nam tại giáo phận Fukouka ở miền nam nước Nhật.

Để có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm bổ ích này là nhờ vào sự đón tiếp và hướng dẫn của một linh mục bạn là cha Nguyễn Quốc Thuần, hiện đang phục vụ trong Tổng giáo phận Osaka. Suốt tuần qua, cha Thuần đã bỏ ra công sức và thời giờ để giới thiệu cho mình về xứ sở hoa anh đào qua những chuyến đi thực tế đến các thành phố như Hiroshima, Kyoto, Kobei, v.v. là những thành phố có tầm vóc quan trọng về kinh tế, văn hóa và lịch sử tại Nhật bản. Ngoài những chuyến đi hai anh em còn ngồi hàng giờ đồng hồ để trao dổi kinh nghiệm mục vụ, truyền giáo, đồng thời chia sẻ những thao thức trong đời sống mục vụ, trong đó có mục vụ cho người di dân Việt Nam tại Nhật và Thái Lan.Không có gì quý hơn khi mình đến một nơi xa lạ mà có người đón tiếp, hướng dẫn và chia sẻ cho mình nhiều điều mà một khách du lịch thuần túy sẽ không bao giờ có được.

Chuyến đi Nhật lần này đã tạo cho mình rất nhiều cảm hứng trong cuộc sống và công việc. Nó không chỉ giúp củng cố ơn gọi truyền giáo của mình mà còn giúp mình xác tín vào những công việc mục vụ đang làm tại Thái Lan, cho cả người Thái lẫn người Việt. Có thể nói một trong những điều giá trị nhất mà xã hội và con người Nhật bản đã nhắc nhở mình là việc cần duy trì một lối sống và làm việc quy tắc để đạt được những mục tiêu đặt ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, phía sau cái quy tắc đó còn cần có sự sáng tạo, tỉ mỉ, tinh tế và uyển chuyển. Trên hết bên cạnh kiến thức và nhân cách còn cần có một đời sống tâm linh để làm nền tảng cho mọi hành động và suy nghĩ của mình. Như vậy mới có đầy đủ những yếu tố cần thiết để tạo nên sự quân bình trong cuộc sống.

Nagoya, ngày 19.3.2018

Đời sống "du học" tại Nhật

Một "du học sinh" đang làm việc tại nhà hàng ở thành phố Hiroshima.


Từ ngày qua Nhật mình đã gặp người Việt Nam làm việc phục vụ trong nhà hàng rất nhiều lần. Bất kể ở Tokyo hay ở các thành phố khác đều thấy có người Việt làm việc. Mặc dầu nhiều người trong họ qua đây với visa “du học sinh,” nhưng trên thực tế họ không học hành gì bao nhiêu. Các bạn chủ yếu đi làm việc ở các nhà hàng, khách sạn, và còn ít giờ tranh thủ lên trường điểm danh lớp học tiếng Nhật nhằm duy trì visa. Nhưng do phải làm việc nhiều giờ nên khi tới lớp thì họ ngủ nhiều hơn học. Vì luật pháp Nhật không cho du học sinh làm việc quá 28 giờ mỗi tuần, họ phải làm hai ba công việc để có đủ thu nhập trang trải cho cuộc sống và để trả số tiền nợ khi làm giấy tờ qua Nhật. Nhiều người vẫn ao ước và sẵn sàng đầu tư một số tiền lớn để đến Nhật mưu sinh. Nhưng khi đến đây với cái visa sinh viên, họ phải vừa làm vừa “học,” và cuối cùng thì nhiều người phải kiệt sức mới có đủ tiền trả nợ, trang trải cho cuộc sống khi ở Nhật, và có một số tiền để làm vốn cho tương lai. Một bạn trẻ du học sinh nói với mình qua đây rồi mới thấy cực nhọc như thế nào. Nhưng khi chia sẻ với người nhà và bạn bè ở Việt Nam thì không ai tin rằng ở Nhật vất vả và áp lực tới mức nào.

Osaka, ngày 17.3.2018

Sứ điệp hòa bình từ Hiroshima





Hôm nay mình đi tham quan công viên Hòa Bình ở thành phố Hiroshima, nơi đã bị tàn phá bởi chiếc bom nguyên tử đầu tiên mà Hoa Kỳ đã thả xuống ngày 6.8.1945. Chiếc bom nguyên tử này đã làm cho hàng trăm ngìn người thiệt mạng và để lại nhiều bệnh tật cho các nạn nhân cũng như con cháu của họ sau này.

Công viên Hòa Bình là công trình nhắc nhở thế giới một biến cố vô cùng đau thương trong lịch sử của nhân loại khi con người đã dùng kiến thức khoa học không phải để giúp cho đời sống nhân loại được thăng tiến nhưng để hủy hoại nhau. Bom nguyên tử và hậu quả của nó là chứng minh về những gì tiêu cực nhất có thể xảy ra khi con người tranh đua nhau về quyền lực, chính trị và kinh tế dẫn đến chiến tranh và bạo lực ở mức độ tàn nhẫn và khủng khiếp nhất.

Mục đích của công trình  này là để đáng động lương tri của toàn thế giới hãy lấy hòa bình làm giá trị tối ưu cho đời sống nhân loại thay vì quyền lợi và quyền lực. Nó không hiện diện như một tố cáo về tội ác của một quốc gia hay dân tộc nào, nhưng là một sứ điệp kêu gọi con người hướng tới cái thiện và nhân ái.

Tòa nhà thương mại là di tích còn lại sau khi bom nguyên tử nổ tung cách đó chỉ khoảng 600m. Còn cả thành phố thì dường như tan tành do sức ép và độ nóng kinh khủng gây ra từ cú nổ.
Ngôi mồ này tượng trưng cho vị trí mà nhiều nạn nhân đã được chôn tập thể.
Tiếng chuông hòa bình. Ở đây người ta có thể đến rung chuông và cầu nguyện cho hòa bình. Xung quanh tượng đài này có vô số con hạc giấy mà các trẻ em Nhật bản đã xếp để cầu nguyện cho hòa bình trên khắp thế giới.
 

Hiroshima, ngày 15.3.2018

Vòng xe yêu dấu




Nhật bản là một trong những đất nước phát triển nhất thế giới, nhưng lại là một nơi mà số lượng người đi lại bằng xe đạp rất nhiều. Khắp nơi trên các thành phố, người ta có thể thấy người Nhật ở các lứa tuổi khác nhau đi lại bằng xe đạp. Không chỉ người trẻ ở lứa tuổi học sinh đạp xe mà còn những người ở tuổi làm việc và cao niên cũng đi xe đạp. Trước các quán xá, trung tâm mua sắm, ga xe điện, và trong sân nhà của người dân, v.v. có thể thấy nhiều chiếc xe đạp được người dân sử dụng.

Việc đi lại bằng xe đạp thuận tiện bởi vì không phải lúc nào cũng có thể di chuyển bằng xe điện hoặc xe hơi một cách nhanh chóng. Vả lại, các vỉa hè hoặc con đường ở Nhật rất an toàn cho người sử dụng xe đạp. Ở trên các đất nước phát triển trên thế giới, chiếc xe đạp ngày càng trở nên được ưa chuộng vì nó thuận lợi và tốt cho môi trường. Không gì đáng ngại ngùng khi chiếc xe đạp là người bạn đồng hành với mình trên các đường phố. Nó không chỉ giản dị và đáng yêu mà là một phương tiện đi lại giúp cho chúng ta bảo vệ môi trường lành mạnh hơn.

Osaka, ngày 13.3.2018

Logic kiểu người Nhật




Cách suy tính của người Nhật không phải ai cũng nghĩ ra hoặc có thể làm theo. Điển hình là khi mình check-in để nhận phòng ở khách sạn tại Tokyo, mặc dầu ở quầy tiếp tân có nhân viên, nhưng họ không “tiếp” mình. Lý do là bởi vì trước quầy có đặt những chiếc máy giống như ở sân bay để cho những người đã đặt phòng rồi tự  làm thủ tục nhận phòng. Biên lai và ngay cả chiếc chìa khóa thẻ cũng do máy cung cấp. Những người tiếp tân chỉ giúp những trường hợp làm thủ tục đoàn, những ai chưa có đặt phòng hoặc có những thắc mắc cần phải trả lời.

Ở các quán ăn, nhà hàng cũng gặp tình trạng tương tự. Nhân viên phục vụ chỉ có trách nhiệm chào khách hàng, dẫn tới chỗ ngồi, đưa thức ăn ra bàn, và dọn đi những gì cần thiết khỏi bàn. Riêng phần đặt món ăn thì đã có cái máy tính bảng để cho khách hàng xem thực đơn và bấm mã số của món ăn mình thích. Yêu cầu của khách hàng sẽ hiển thị trên máy vi tính của nhân viên nấu ăn. Khi món ăn đã sẵn sàng thì nhân viên phục vụ sẽ mang ra bàn cho khách.

Phương cách làm việc như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ và nhân sự. Nước Nhật thì đất chật người đông. Các quán ăn thường không gian rất hẹp. Không gian trong quán tận dụng tối đa để đặt bàn và cho khách ngồi. Nếu có tiếp viên đứng bàn này bàn nọ để ghi từng món ăn cho khách thì không chỉ chiếm không gian mà còn mất thì giờ, đặc biệt là có nhiều thực khách cứ thích hỏi nhân viên đủ thứ các câu hỏi về món này món nọ mà không chịu gọi cho nhanh chóng. Đi đôi với việc tiết kiệm nhân sự và thời giờ là tiết kiệm chi phí. Bỏ tiền ra đầu tư những chiếc máy một lần thay vì phải trả tiền cho nhiều nhân viên hết năm này qua năm khác về lâu dài sẽ thuận lợi hơn.

Nhưng không phải lúc nào người Nhật cũng tìm cách tiết kiệm nhân sự. Có khi họ lại đầu tư rất nhiều nhân sự làm cho người ngoài nhìn vào đặt câu hỏi: “Thế này có thật sự cần thiết không?”

Ở trung tâm điện tử Akihabara tại Tokyo, khu vực gửi xe ô-tô có một lối ra vào duy nhất. Ở đây việc ban quản trị tòa nhà thuê bảo vệ để giữ trật tự, giúp điều hành xe ra vào thì không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, ban quản trị không chỉ đã thuê 1 hoặc 2 nhân viên để giữ trật tự cho một không gian khoảng 30 mét vuông, mà tới 6 người. Bên trái 3 người, bên phải 3 người. Mỗi lần có xe vào hoặc ra tòa nhà là 6 người bảo vệ đứng vào vị trí, yêu cầu người đi trên vỉa hè dừng lại để xe có thể ra vào. Điều này sẽ giúp cho xe di chuyển dễ dàng và đảm bảo an toàn cho người đi lại. Nhân viên bảo vệ không cầm còi thổi. Họ chỉ nói lớn tiếng một cách lịch sự yêu cầu người đi lại dừng hoặc có thể tiếp tục đi khi đã an toàn.

Việc trước một trung tâm mua sắm có nhiều  người đi lại trên vỉa hè là điều khá bình thường tại Nhật cũng như bất cứ ở thành phố lớn nào tại Á Châu có dân số lớn. Tuy nhiên, việc phải đầu tư nguyên một đội ngủ 6 người để giữ trật tự cho xe ô-tô ra vào như ở trung tâm Akihabara thì chưa từng thấy bất cứ nơi đâu. Nhìn nhận về lối suy nghĩ của người Nhật qua các sự việc nói trên thì thấy rằng, họ quan tâm đến sự nhanh chóng, hiệu quả và an toàn trong công việc. Ở những quốc gia khác, việc vào nhà hàng được tiếp đón ân cần bởi nhân viện phục vụ, được họ hỏi han, giới thiệu các món ăn, giải thích các món ăn một cách thân thiện là tiêu chuẩn của cung cách phục vụ tốt. Tuy nhiên, ở Nhật thì không thể đòi hỏi như vậy khi thực khách chủ yếu đối diện với chiếc máy. Họ nhấn mạnh sự hiệu quả trong công việc hơn là cảm xúc và trải nghiệm của khách khi bước vào một nhà hàng, khách sạn. Nếu điều đó đòi hỏi thay đổi việc sử dụng con người bằng máy móc thì họ sẵn sàng làm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người Nhật không chịu sử dụng nhân lực khi họ cảm thấy cần thiết. Có khi còn sử dụng nhiều hơn mong đợi, cụ thể là trong trường hợp thuê 6 người để làm việc tại một lối ra vào của trung tâm mua sắm Akihabara.

Tokyo, ngày 12.3.2018