Tìm việc làm



Tuần qua có hai bạn trẻ đến Bangkok để tìm việc. Một đứa từng ở Thái Lan hơn một năm, đứa kia được sáu tháng. Nhưng chưa ai từng làm việc ở Bangkok. Vì cả hai mới đến Bangkok nên cũng lạ nước lạ cái không muốn đi làm xa. Muốn ở nơi nào gần gần nhà thờ và các cha, cuối tuần còn được đi lễ tiếng Việt. Mình nhờ một bạn tên Đ. hỏi dò xem ở nơi nào nhận người làm việc, đặc biệt là làm quán.

Sau vài ngày hỏi dò thì biết trong khu vực Huamak có một quán cá đông khách. Họ nhận người và cho làm thử. Trách nhiệm là giúp chuẩn bị và dọn dẹp bàn ăn của khách. Làm từ hai giờ chiều đến hơn 11 giờ tối. Khi vào làm thử thì chủ chưa nói về lương bổng. Làm xong tối chuẩn bị về, nói chuyện với chủ cụ thể hơn thì mới được cho hay là lương một tháng 6 ngìn baht, ngày cho ăn hai bữa, không có chỗ ở. Tiền tip cũng không. Thế là cả hai vỡ mộng, hôm sau quyết định không đi làm nữa vì lương như thế thì khó sống. Coi như làm từ thiện cho quán cá một ngày không lương.

Nghe Đ. nói ở khu vực Dindaeng có một nơi làm trứng gà, tiền lương cũng tạm được và có bao ăn ở. Họ sẵn sàng nhận hai người làm, nhưng nơi ở thì xây dựng chưa xong. Hứa hẹn là sẽ hoàn tất trong vòng tuần này. Nhờ Đ. liên lạc thăm dò tình hình thì những ngày trước gọi được. Nhưng hôm sau thì không thấy bắt máy mặc dầu nó đã gọi đi gần 20 lần.

Thấy nơi này không ổn nên thằng Đ. lấy xe máy chạy một vòng mười mấy quán từ Huamak cho đến Bangna, vài chục cây số nhưng tối cũng về tay không. Tình cờ có một người bạn của Đ. nói là có một ông chủ có tiệm bán nước ở Bangbuathong sẵn sàng nhận hai người với lương 8-9 ngìn một tháng bao ăn ở. Bangbuathong nằm ở ngoại thành, thuộc tỉnh Nonthaburi. Mặc dầu xa, nhưng việc thấy cũng được, nên quyết định lên đường theo ông chủ đi Bangbuathong sáng sớm hôm sau. Tối hôm trước ông chủ nói là ở đó có một cây xăng và có bán nước. Nhưng khi tới nơi thì mới phát hiện ra đó sẽ là một cây xăng và tiệm bán nước trong tương lại. Hiện giờ chỉ là một công trường xây dựng chứa đầy sắt thép. Và công việc bây giờ là xây dựng, phụ hồ chứ không phải bán nước như ông ta nói. Thế là sự thật không giống như nói lúc đầu.

Cả hai quyết định không làm việc này vì quá nặng nhọc. Thằng Th. lên xe đi về Chonburi để nhờ anh trai giúp tìm việc. Bây giờ trở lại chỗ cũ làm việc, được lên lương và công việc cũng nhẹ hơn trước. Rất may mắn. Riêng thằng Tr. mình nhờ một người Thái hỏi dò một quán ăn hải sản trong vùng có chủ là người Công giáo. Chiều nay đến gặp họ thì bà chủ rất vui vẻ. Họ sẵn sàng nhận người làm trong bếp hoặc chạy bàn. Họ là người gốc Việt nên quý các người làm Việt. Họ mới nhận 3 đứa người Hà Tỉnh tới làm. Mọi thứ rất tốt. Chỉ một điều, lương khởi đầu chỉ là 6,500 baht một tháng chưa có chỗ ở. Nếu biết tiếng Thái chạy bàn thì được tiền tip. Nhưng nếu chưa rành tiếng Thái thì phải phụ bếp. Với số lương đó thì cũng quá ít để mà sống.

Nhưng có sự may mắn là khi đang ở quán hải sản thì thằng Đ. gọi đến nói là có quán gà gần nơi nó làm sẵn sàng nhận một người với mức lương cao hơn quán hải sản. Thế là đưa thằng Tr. đến đó gặp chủ quán. Hai bên nói chuyện với nhau, thỏa thuận mức lương và công việc. Sáng mai bắt đầu làm từ 7g sáng cho đến 4h chiều. Nhận việc mới xong, thằng Tr. quay lại quán hải sản để trả lời cho chủ quán biết là sẽ không làm ở đó. Chủ quán vui vẻ nói không sao.

Thế là xong. Trên đường về, thằng Tr. nói bữa giờ đi mấy quán, mặc dầu lương không cao, nhưng quán nào chủ quán cũng tốt và vui vẻ. Ngay cả ông chủ xây dựng cây xăng cũng tốt. Khi mới tới ông đi mua cơm cho ăn. Khi không làm thì ông cũng đưa ra đường đón taxi cho đi và nói nếu đổi ý thì quay lại cũng được. Mình nói với nó: - Thế là một hồng ân rồi. Khi chúng ta ra xã hội không phải lúc nào cũng gặp được người tốt bụng. Trong tuần qua mình đã phải gặp nhiều người. Và mặc dầu họ không thể đáp ứng được điều kiện của mình. Nhưng họ đã đối xử tử tế với mình. Và đó là điều đáng mừng.

Nghĩ về chuyện hai đứa đi tìm việc làm trong tuần qua, phải nhờ người này người kia hỏi tìm việc làm (cha H. nghe nói đang tìm việc cũng ra tay giúp tìm kiếm), phải đi gặp hết người này đến người nọ, mình chợt nhớ đến một câu ca từ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:

Sống trên đời sống phải có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi....

Bangkok, ngày 28.2.2014

Học hỏi

Học hỏi là công việc của cả một đời người. Mình đã nhận ra điều đó từ những vấp ngã trên con đường tu trì và phục vụ. Mình không nên bao giờ tự tin là mình đã biết hết thậm chí biết đủ để bảo đảm không bao giờ làm sai, không bao giờ làm cho người khác hiểu lầm hoặc khó chịu. Những điều mình làm theo thói quen, tư duy hoặc văn hóa mà mình đã được đào tạo, khi bước vào một môi trường mới không hẳn là điều đúng. Mặc dầu mình ý thức được điều đó và cố gắng thích nghi, nhưng rồi cũng có những lúc mình chủ quan hoặc sơ xót. Thế là có thể mang lại hệ quả không tốt ảnh hưởng đến tiếng tăm và công việc.

Là một nhà truyền giáo thì trọng trách học hỏi càng phải gia tăng hơn nữa. Việc học hỏi không nằm ở sách vở mà ở kinh nghiệm sống và làm việc, bao gồm cả những sự cố đáng tiếc gây ra hậu quả xấu, và hồng ân đến từ những người tốt bụng không lên án mình nhưng nhắc nhở và thông cảm. Nhờ vào điều đó mà mình mới có thể rút kinh nghiệm để thăng tiến và làm tốt hơn. Mình cảm ơn những người luôn nhắc nhở mình để sống và làm việc tốt và hiệu quả hơn trong môi trường xuyên tôn giáo và văn hóa. Chính những người này với sự hiểu biết và chia sẻ là những người thầy đáng quý giúp mình ngày càng trở nên một nhà truyền giáo bén nhạy và linh hoạt. Cảm ơn Chúa luôn gởi đến cho mình những kinh nghiệm học hỏi, cho dù đau buồn, nhưng lại rất bổ ích cho cuộc hành trình phục vụ lâu dài của mình.

Bangkok, ngày 27.2.2014

Cà muối!



Thằng T. trở lại Thái Lan sau những ngày về quê Nghệ An ăn Tết với gia đình. Nó mang cho mình một hũ cà pháo muối. Mình rất thích ăn cà pháo. Nhưng cà pháo thì phải ăn với cơm. Nhưng mình lại không có nồi nấu cơm. Thật ra là đã từng có một nồi nấu cơm, nhưng có lẽ vì mua loại rẽ tiền nên nấu chưa được bao nhiêu lần thì cái phần bên trong bị lủng. Thế là ngày hôm qua mình và thằng Tr. chạy ra Big C mua một cái nồi cơm điện khác. Mà đã lở mua nồi cơm điện rồi thì quyết định mua thêm cái chảo điện để tiện thỉnh thoảng còn nấu cái gì ăn thay vì lúc nào cũng ăn bên ngoài. Mà có nồi cơm điện và có chảo điện thì phải có vật liệu để nấu. Thế là mua thêm gạo, nước mắm, xì dầu, dầu ăn, muối, tiêu, ớt, bột nêm, dao, thớt, vá, và những thứ khác đem về đề sẵn trong phòng. Phòng của mình vốn không có nhiều chỗ để bỏ đồ giờ lại càng chật hơn. Tất cả cũng chỉ vì có người tặng cho một hũ cà muối!

Bangkok, ngày 25.2.2014


Ngày Chúa Nhật, bồi dưỡng tâm linh và tinh thần


Hôm qua mình đi dâng lễ cho các bạn trẻ Việt Nam tại Talinchan. Đây là lần thứ hai mình đến dâng lễ ở đây. Đa số các bạn trong nhóm đã qua lại sau những ngày về quê ăn Tết. Hầu hết có việc làm, nhưng một số thì thất nghiệp và đang thăm dò để kiếm việc. Bây giờ tìm việc làm đang khó vì có quá nhiều người qua cùng một lúc mà kinh tế Thái Lan thì đang khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chính trị đất nước đang bị khủng hoảng. Thế nhưng các bạn trẻ Việt Nam vẫn đổ xô qua để tìm cho mình một công việc để nuôi thân và giúp đỡ gia đình, đặc biệt sau dịp Tết thì ai cũng rỗng túi.

Lễ xong, mình và một số bạn trẻ đi ăn cơm ở một quán cách nhà thờ không xa. Ở đây có một anh chàng Việt Nam làm việc trong bãi đậu xe. Đây là một công việc mà các bạn rất thích làm vì dễ kìm tiến mà không có gì quá  khó. Chỉ có việc giúp hướng dẫn khách ra vào bãi xe an toàn và được tiền tip tùy lòng hảo tâm. Bởi vì công việc không khó mà có tiền nên không tránh khỏi sự cạnh tranh trong những người làm việc ở đây. Một bạn tên A. kể cho mình nghe, một người bà con đã "chuyển nhượng" công việc giữ bãi xe của mình lại cho anh với giá là 50,000 baht (khoảng 1,650 USD). Và từ ngày làm việc trong bãi xe này đã không ít lần có những người khác tới dòm ngó, thậm chí đe dọa như muốn chiếm đoạt công việc của mình. Một ngày Chúa Nhật nọ, A. đi lễ về và đang chuẩn bị đi làm thì nhận được điện thoại từ chủ nhà hàng hỏi tại sao không đi làm? A. nói là đang chuẩn bị đi. Chủ nhà hàng cho hay, có một người đến nói với ông ta rằng, người từng làm ở đây bị bệnh, không đi làm nữa, và đã nhường việc này lại cho anh ta làm thế. Dĩ nhiên A. cho chủ nhà hàng biết rằng đây hoàn toàn không phải là sự thật và anh ta đang chuẩn bị đi làm đúng giờ như mọi ngày. Với sự cạnh tranh như vậy thì một người đang làm việc tại một bãi xe mà có nhiều người dòm ngó cũng không khỏi cảm thấy bất an.

Sau khi mình rời khỏi quán ăn thì mình và một số bạn trẻ đi về hướng Minburi, đến nhà trọ của một nhóm bạn ở đó. Các bạn ở đây làm nghề may, ngày Chúa Nhật "tự nguyện" nghỉ ngơi để đi nhà thờ và tham gia những sinh hoạt nếu có, hoặc tổ chức sinh hoạt giải trí. Sinh hoạt giải trí của họ ngày hôm qua là đi câu cá ở một cái hồ trong địa phương. Sau một buổi chiều lao động thì thành tích là một số con cá rô-phi khá to. Trên đường về lại tậu thêm một con ngan. Khi về đến nhà, cá rô-phi thì đem nướng muối và ngan thì đem làm giả cầy. Thế là một bữa tiệc kha khá đã diễn ra ngay trước hiên nhà. Khoảng 9h tối, mình và một số bạn trẻ về. D. xin quá giang mang thêm một con ngan còn sống buộc trong bao. Nó nói đem về nhà cho anh trai làm tiết canh. Mình hỏi đem về trể như thế này thì làm sao đủ giờ mà làm thịt. D. trả lời: - Tối Chúa Nhật thì thường các anh chị đi ra ngoài chơi hoặc nghủ đôi chút. Khoảng 4h sáng sẽ làm tiết canh để "ăn sáng". Hóa ra cái giờ 4h sáng đó có thể nói là giờ cao điểm của những người thường may đêm. 4h sáng, ngày làm đã qua được hơn 2/3. Tranh thủ làm cho xong đống hàng, để đi ngủ vào lúc 7/8 h sáng. Còn như tối Chúa Nhật, không may, thì 4h sáng có thể chuẩn bị cho một cuộc liên hoan với món tiết canh ngan. Và dĩ nhiên không thể có tiết canh ngan mà thiếu rượu đi cùng.

Cuộc sống của những người công nhân là thế. Làm việc cũng vất vả và căng thẳng. Nhưng khi họ chơi cũng rất nhiệt tình. Cuộc sống con người không chỉ luôn đầu tắt mặt tối. Ai cũng muốn tìm cho mình những giây phút thư giãn để lấy lại chút thăng bằng trong cuộc sống, để có thêm nghị lực phấn đấu với những khó khăn và thách đố mỗi ngày, và để xây dựng những mối tương quan với người thân bạn bè xung quanh. Chỉ có thế thì công việc mệt nhọc mới không quá khó, và những ngày làm việc nhiều giờ mới không thấy dai giẳng. 

Bangkok, ngày 24.2.2014

Kỷ niệm 7 năm trên đất Thái



Thế là cũng đã tròn 7 năm từ ngày mình bước chân đến Thái Lan với sứ mệnh "nhà truyền giáo Ngôi Lời". Mình vẫn nhớ ngày đó 7 năm về trước, mình đến Bangkok một mình, chưa quen biết ai nên cũng không có ai ra đón ở sân bay. Sau khi làm thủ tục hải quan và nhận hành lý xong, mình đi taxi đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nơi bề trên đã xin phép các cha ở đây cho mình lưu trú trong thời gian học tiếng Thái. Lúc đó cha chánh xứ là cha Somphong. Ngài là một linh mục rất đạo đức và hiền lành. Ngài đã tạo điều kiện cho mình có nơi ăn nơi ở để có thề hoàn toàn tập trung vào việc học hành.

Chỉ ngòai một thời gian hơn một tháng mình phải sang Việt Nam để chờ visa truyền giáo được hoàn tất thì mình đã ngày ngày cắp sách đến trường để học ngôn ngữ của người bản xứ. Vì mang trong người cái sứ mệnh truyền giáo, và nôn nóng để được hội nhập văn hóa, mau chóng được giao tiếp với người Thái nên mình đã dốc hết sức lực và thời giờ vào việc trau dồi ngôn ngữ. Nhờ sự nỗ lực ấy mà mình đã tiếp thu tiếng Thái được rất nhanh. Nhà dòng cho mình thời gian để học là một năm, nhưng trên thực tế mình chỉ đi học 5 tháng. Mình bỏ ra thêm ít tháng để tự học và ôn thi lấy chứng chỉ. Rồi sau đó, mình xin phép bề trên cho đi thực tập sớm hơn thời hạn.

Đầu tháng giêng năm 2008, mình cuốn gói rời khỏi Bangkok để đi thực tập và nhận xứ trong giáo phận Udon Thani. Xứ của mình là một ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng xinh xắn, ngôi nhà thờ Công giáo duy nhất tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Ở đó, mình phục vụ cho đến ngày 31 tháng 12, năm 2012. Và sau khi đón giao thừa Tết Dương Lịch xong thì mình đã lên chiếc xe bán tải của một giáo dân trở lại Bangkok để bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc sống truyền giáo của mình.

Lần đầu ở Bangkok là để học ngôn ngữ. Lần này trở lại Bangkok mình cũng đóng vai trò một học sinh, ngày ngày cắp sách đến trường. Nhưng bây giờ không còn phải mày mò với những từ vựng tiếng Thái nữa mà mình lại đầu tư thời giờ và sức lực vào việc đọc sách nghiên cứu với hy vọng lấy được cái bằng tiến sĩ về tôn giáo học.

Thế là trong chu kỳ bảy năm, mình cũng đã hoàn tất được một vòng tròn. Tuy nhiên mình không phải trở lại cái điểm xuất phát mà bắt đầu với một điểm mới. Có thể nói cuộc hành trình của mình không phải là những vòng tròn, lập đi lập lại những con đường mòn mà là những vòng xóay. Mỗi vòng mới sâu hơn vòng cũ, có tính chất và đặc thù riêng.

Sau những năm tháng thăng trầm với sứ vụ trên cánh đồng truyền giáo tại vùng đông bắc Thái Lan, mình trở  lại Bangkok, hòa nhập vào cuộc sống ở đây, dấn thân với công việc học tập, và làm những công tác mục vụ mà mình tâm huyết. Mình vẫn là một linh mục trẻ, nhưng có thêm kinh nghiệm. Mình vẫn là người nước ngoài, nhưng thông thạo tiếng Thái. Mình vẫn là một "học sinh", nhưng bên cạnh đó mình vẫn là một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Và trong mình có một sứ vụ đã được trao phó là đi rao giảng Tin Mừng cho người khác được biết Chúa. Vì thế mình luôn cảm thấy có một sự cấp bách, thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa để sẵn sàng làm những điều đang chờ mình phía trước.

Bảy năm trôi qua, đó là một chặng đường chất chứa nhiều thử thách và gian nan, nhưng cũng là một chặng đường rất đẹp được tô thắm bằng nhiều màu sắc. Bảy năm trôi qua, một chặng đường đủ dài để làm những gì mình thích thú, đồng thời thử nghiệm những cái mới lạ mà trước đây chưa bao giờ nghĩ đến. Bảy năm trôi qua, một quãng thời gian dài để xảy ra rất nhiều vấp ngã trong đời sống phục vụ cũng như trong đời sống tận hiến, nhưng cũng có không ít cơ hội để giúp cho mình nhận ra rằng hồng ân bao la của Ngài luôn đồng hành với mình trên mọi nẻo đường của cuộc đời truyền giáo.

Bangkok, ngày 19.2.2014

Đời sống của các bạn trẻ Việt Nam tại Pattaya



Ngày Chúa Nhật vừa qua mình có dịp đi dâng lễ cho các bạn trẻ Việt Nam đang làm việc tại Pattaya. Mặc dầu nhóm đã được thành lập vài năm nay nhưng đến bây giờ mình mới có cơ hội đến để dâng lễ. Số người đi lễ khoảng 100, nhưng trên thực tế có nhiều hơn vì một số người không đến, và có thêm một số khác về quê ăn Tết chưa qua lại. Các bạn đã đón tiếp mình rất tốt đẹp và đã có một thánh lễ sốt sáng và nghiêm trang.



Nói về các bạn trẻ tại Pattaya thì phải nói rằng họ làm việc trong môi trường khá phức tạp vì Pattaya là một trong những thành phố ăn chơi tai tiếng nhất thế giới. Ở đây có đủ hình thức ăn chơi trác táng mà người địa phương cũng như khách dụ lịch có thể tìm đến. Vì thế việc thành lập được một nhóm Công giáo để có thánh lễ hàng tháng cũng như hướng dẫn các bạn trẻ trong đời sống đạo là một điều tối quan trọng.

Pattaya là một thành phố biển của Thái Lan. Ngày xưa ở đây chỉ là một làng nhỏ bé mà người dân sinh sống bằng nghề đánh cá. Nhưng từ những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thì Pattaya trở nên một điểm đến cho những quân lính Mỹ vào những kỳ nghỉ ngơi. Họ tìm đến Pattaya vì nó không quá xa Bangkok và Việt Nam. Từ đó, một làng biển nhỏ bé đã trở nên ngày sầm uất hơn khi mọc lên những dịch vụ để phục vụ cho những người lính Mỹ như nhà hàng, quán bar, và dĩ nhiên là những dịch vụ đáp ứng nhu cầu tình dục của những chàng lính trẻ. Và như thế Pattaya ngày càng trở nên là một nơi biết đến vì có những dịch vụ giúp người ta ăn chơi xa đọa. Ngày nay cho dù những binh lính Mỹ không còn đến đây để nghỉ mát nữa, nhưng thay vào đó là du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để tham quan và dĩ nhiên là ăn chơi.

Khi đến Pattaya điều đầu tiên đập vào ánh mắt là có rất nhiều quán bar và tụ điểm massage. Quán bar có nhiều loại - pub với chiếc bàn bida, nhạc sống, bar kết hợp với nhà hàng, và a-go-go bar là loại bar tai tiếng nhất. Tụ điểm massage thì cũng có nhiều loại. Có những nơi chỉ là massage Thái thuần túy để cho khách thư giản lành mạnh. Nhưng những tụ điểm massage kinh doanh tình dục cũng vô số. Và người ta cũng dễ dàng phân biệt được nơi nào là lành mạnh và nơi nào không lành mạnh để bước vào.

Đối với du khách đi tour đến Pattaya thì ngoài việc đi đảo để tắm biển, đi chợ nổi, hoặc đi mua sắm vào những giờ ban ngày thì khi vào đêm, những công ty làm tour thường tìm cách "thuyết phục" để cho du khách đi xem các loại show mang tính chất tình dục và thậm chí còn biểu diễn tình dục trên sân khấu. Những show này có giá vào cửa không hề rẻ. Tuy nhiên nhiều du khách sẵn sàng bỏ ra hàng ngìn baht để đi xem 2-3 show trong thời gian vài tiếng đồng hồ vì tính tò mò, hoặc là vì bị hướng dẫn viên du lịch thuyết phục và trấn an là khi đến Thái Lan thì việc đi xem những show đồi trụy này chỉ mang tính "tìm hiểu" và "cảm nhận" về một khía cạnh trong xã hội Thái chứ không hề phản ảnh nhân cách con người của mình. Vì thế có những du khách đứng đắn cũng siêu lòng trước lời nói thuyết phục của hướng dẫn viên du lịch. Dĩ nhiên là những người làm du lịch rất nhiệt tình trong việc thuyết phục du khách đi xem các show nói trên cũng như các show khác như show Tiffany mà diễn viên đều là những người chuyển đổi giới tính là vì chỉ như thế này thì họ mới nhận được huê hồng từ việc mua vé và chuyến tour của họ mới có lợi nhuận.



Trở lại vấn đề của các bạn trẻ Việt Nam thì đây chính là môi trường mà họ sống và làm việc. Có người làm việc trong bãi đâu xe hoặc làm bồi bàn trong các nhà hàng quán bar. Có người đi bán hoa dạo ở các tụ điểm ăn chơi, giải trí. Có người còn làm dịch vụ mát-xa trong nhà vệ sinh của các nhà hàng quán bar. Đây là một hình thức kiếm sống mà người ta chưa từng thấy ở Việt Nam hoặc ở các nước phương tây. Đó là khi một người khách nhà hàng-quán bar bước vào nhà vệ sinh, họ sẽ gặp một nhân viên túc trực đứng sau lưng, đấm bóp vai trong vòng năm ba phút và cho họ một chiếc khăn nóng/lạnh để lau mặt. Sau đó người khách cho tiền nhân viên bao nhiêu tùy lòng hảo tâm. Có khi chỉ là 20 baht. Nhưng nếu ai đó tốt bụng hoặc nổi hứng lên thì có thể cho nhân viên đến 500 hoặc 1,000 baht! Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn gặp những nhân viên mat-xa trong phòng vệ sinh. Có người thì không thể nào "làm việc" được khi có một người lạ đứng sau chạm vào vai mình. Có người thì không có nhu cầu được phục vụ như thế này và không muốn bị quấy rầy. Đ., một bạn trẻ làm việc tại một quán bar mở cửa từ 12h đêm tới 6h sáng nói, có người khi vào nhà vệ sinh họ mở cửa hé hé xem bên trong có nhân viên phục vụ không. Nếu không thì họ mới vào. Thậm chí có người đi tiểu tiện bên ngoài để tránh nhân viên phục vụ mát-xa trong nhà vệ sinh.



Mặc dầu đây là một cách kiếm sống khá lạ kỳ, nhưng nó cũng là một cách kiếm sống đàng hoàng và kiếm được nhiều tiền nên có rất nhiều bạn trẻ sống bằng cách này, không chỉ ở Pattaya mà còn ở các thành phố khác tại Thái Lan. Tuy nhiên, Pattaya là một thành phố tội lỗi. Có những người tham gia nghề mãi dâm đến từ khắp nơi trên nước Thái cũng như các nước khác, thậm chí từ Nga và Ukraine, thì cũng không thể loại trừ khả năng có những cô gái đến từ Việt Nam. Nếu có thì mình cũng không biết có bao nhiêu và họ làm việc ở đâu.

Khi đi ra khỏi gia đình và giáo xứ để kiếm sống thì đã có rất nhiều cạm bẫy mà đến sinh sống tại Pattaya thì những cạm bẫy ấy lại còn gia tăng gấp bội lần. Thế nên mình rất cảm phục khi thấy ở đây có một nhóm các bạn trẻ vẫn giữ đạo, vẫn đi lễ ngày Chúa Nhật, và đặc biệt không bỏ lễ tiếng Việt hàng tháng. Khi đến dâng lễ cho các bạn, mình vẫn nhận ra tính chất phác đạo đức của những bạn trẻ từng được nuôi dưỡng trong những môi trường Công giáo. Và cho dù đi ra xã hội, phải bôn ba với cuộc sống, và chắc chắn bị ảnh hưởng không nhiều thì ít bởi môi trường xung quanh và sự náo nhiệt, cạnh tranh trong đời sống hằng ngày, nhưng cái nền tảng đạo đức vẫn còn tác động tích cực vào lời nói và hành động của các bạn. Nhưng nếu không có người hướng dẫn, không có sự nâng đỡ tâm linh, thì việc giữ đạo của các bạn cũng sẽ suy giảm và không ai có thể đoán được rằng các bạn sẽ đi lạc vào những đường lối nào.

Bangkok, ngày 18.2.2014

sáng thứ bảy


Sáng thứ bảy âm u. Nhìn ra cửa sổ thấy những áng mây đen xám che kín một khoảng bầu trời, bay nhè nhẹ giữa không gian, cứ tưởng đâu mùa đông đang trở lại. Những tòa nhà cao thấp của thành phố Bangkok trải dài trước mắt dường như đang đứng lặng im kiên nhẫn chờ đợi những tia nắng đầu ngày. Cửa kính của phòng trọ bước ra ban-công đóng kín. Không nghe được tiếng động từ bên ngoài, chỉ có tiếng ù ù của máy điều hòa nhè nhẹ như lời ru bên tai hoặc một âm thanh đều đặn đưa người vào trạng thái như đang thiền. Mình có cảm giác yên bình vô cùng. Như đang ở trong một thế giới chỉ có riêng ta. Không nghĩ tới những cuốn sách phải đọc để chuẩn bị cho lớp học, không nghĩ về những bài nghiên cứu phải tham khảo để thu thập kiến thức cho luận án, không nghĩ đến những sinh hoạt mục vụ đang chuẩn bị để thực hiện trong thời gian tới. Khoảnh khắc yên bình hiếm hoi trong cuộc sống là những giây phút nếm được mùi vị của cái gọi là tự do đich thực, khi lòng người không bị trĩu nặng bởi những lo toan, không phải băn khoăn bởi những kế hoạch chưa làm được, và không bị xáo trộn bởi những ham muốn về thể xác và tinh thần. Những khoảnh khắc ấy quý giá biết bao, đáng tìm kiếm cho bằng được trong đời sống biết bao. Nhưng tiếc thay, mình chưa đủ bản lĩnh để giữ nó tồn tại mãi trong cuộc sống. Nó đến rồi lại đi, dường như bị áp lực phải đầu hàng trước những cái náo nhiệt và manh động trong cuộc sống hiện tại. Mình nhìn ra cửa sổ lần nữa. Những áng mây trôi lơ lững, bồng bềnh giữa không gian cũng đã bay ra khỏi tầm mắt. Bầu trời sáng hơn. Cái tĩnh lặng và cảm giác mùa đông về cũng đã trôi qua. Mình nhớ ra, ngoài kia, trên những con đường phố, người ta đang đi lại, đang bán bưng mưu sinh kiếm sống, đang biểu tình để lật đổ chính quyền, đang cố tìm ra manh mối để leo lên từng bước thang một trong xã hội. Những sinh hoạt này đang diễn ra thật ồn ào, náo nhiệt dưới bóng che của những tòa nhà được xây dựng thật kiên cố, dưới ánh mắt của những tượng Phật luôn cảm thông và từ bi, và dưới những áng mây luôn bay đến rồi lại bay đi.

Bangkok, ngày 15.2.2014

Những đứa trẻ đáng thương




Hôm nay là lễ Valentine, nhưng mình lại đi đám tang. Không phải đám tang của một người già đã trải qua một cuộc hành trình lâu dài trên trần thế. Không phải đám tang của một người sống ngông cuồng bê tha tự mình mang lại cái chết cho bản thân. Cũng không phải một người không may bị tai nạn xe cộ qua đời ở cái tuổi sức sống đang còn phơi phói. Nhưng là đám tang của một trẻ thơ mới chỉ hơn một tuổi đời. Từ khi sinh ra bé đá không được khỏe. Có vấn đề về tim. Đã trải qua giải phẩu nhưng cuối cùng bệnh của em quá nặng mà sức của bé thì quá yếu. Nên Chúa đã đưa bé về với Ngài. Bé có tên cúng cơm là Taize. Em được đặt tên này vì dì của em là một người sinh hoạt trong ban mục vụ giới trẻ của giáo phận Udon Thani và rất thích cầu nguyện Taize. Cô ta từng được cơ hội đến ở Taize, Pháp một thời gian để tìm hiểu về lối sống và cách cầu nguyện ở đây. Cô đã rất ấn tượng với hình thức cầu nguyện này và trải nghiệm này đã thay đổi đời sống của cô rất nhiều. Thế là khi cháu gái sinh ra, cô gọi nó là Taize.

Nhưng cuộc hành trình của Taize trên đời này quá ngắn ngủi. Trong thánh lễ an tang, cha chủ tế chia sẻ rằng, không ai không tin rằng Taize đang ở trên Thiên đàng với Chúa. Chỉ có Thiên đàng là nơi xứng đáng cho một trẻ thơ mới chỉ hơn một tuổi đời, chưa biết tội là gì, chưa biết gian dối, lừa lộc, chưa biết tham lam, chưa biết ghen ghét, hờn oán. Vì thế cho dù đáng buồn thật khi một em bé mắc một căn bệnh hiểm nghèo từ khi vừa lọt lòng mẹ. Nhưng cũng là một niềm an ủi khi ta tin rằng giờ đây em là một thiên thần nhỏ đang vui chơi trong bàn tay yêu thương của Chúa.

Nói đến Taize thì mình lại nhớ đến hai bé khác, là hai anh em cách nhau hơn ba tuổi. Khôi và Đa Linh sinh ra cũng mắc bệnh từ khi lọt lòng mẹ. Cả hai mang bệnh bại não vì khi sinh ra bị giây rốn thắt cổ làm thiếu oxy dẫn đến tình trạng bại não. Bình thường tình huống này cũng hiếm khi xảy ra trong những trường hợp sinh đẻ.  Thế mà với đôi vợ chồng trẻ H. và B. là hai bạn trẻ Việt Nam đang mưu sinh tại Thái Lan thì điều này đã không chỉ xảy ra với đứa con trai đầu lòng, mà đứa con gái tiếp theo cũng bị như vậy.

Giờ đây hai bé vẫn còn sống, nhưng là một cuộc sống thật đau khổ khi không thể phát triển như những người bình thường. Hai bé phải nhận dinh dưỡng bằng đường ống. Phải được sự chăm sóc liên tục vì trong cổ tiết ra chất đờm và hay có triệu chứng co giật. Cha mẹ của hai bé cũng phải khổ sở, mất ăn mất ngủ để lo cho con cái, chưa nói đến chi phí bác sĩ của hai bé.

Thật đáng thương khi những đứa bé vô tội phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Thật đáng khâm phục những người cha người mẹ luôn tận tụy lo cho những người con yếu đuối của mình cho dù biết rằng cuộc sống của chúng sẽ không bao giờ như những đứa trẻ khác. Và đáng khiển trách biết bao khi có những người cha người mẹ có những đứa con lành mạnh mà không biết quan tâm đến chúng, không biết cho chúng những điều kiện tốt đẹp để phát huy hết mình những gì Chúa đã ban cho. Và đau đớn biết bao khi sang nay mình nghe tin tức là nước Bỉ đã trở nên quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép tiêm thuốc giúp cho những trẻ em bị bệnh mà vô phương thức điều trị có thể chết trước giờ Chúa gọi. Dĩ nhiên là có điều kiện kèm theo. Bệnh phải không thể điều trị được nữa. Trẻ bị bệnh phải đang trải qua những cơn đau đớn quá khổ sở. Cha mẹ phải đồng ý với việc làm này. Và dưới sự nhìn nhận của chuyên gia tâm lý thì trẻ mang bệnh phải hiểu được ý nghĩa của việc tiêm thuốc này là gì. Có thể luật pháp là như thế. Nhưng mình chỉ mong rằng, trên thực tế người ta sẽ không tìm đến phương pháp này. Cho dù đau đớn, cho dù khó khắn và khổ sở. Nhưng chúng ta hãy tin cậy và phó thác vào Chúa. Và chúng ta hãy lấy tình yêu để bù đắp cho sự đau đớn, lấy hy vọng để bù đắp cho sự đau khổ, và lấy đức tin để bù đắp cho một chặng đường đầy gian nan và thử thách trước mắt.

Bangkok, ngày 14.2.2014

Du Xuân 2014

Cách đây vài ngày có 3 sinh viên Việt Nam đang du học tại Thái Lan ghé qua Bangkok trên đường về lại học và thăm mình. Mình dẫn các bạn đi Safari World để du xuân. Và đây là những bức ảnh kỷ niệm ngày du xuân vui vẻ đó.





















Bangkok, ngày 9.2.2014

Tàu chở hàng Việt Nam tông vào tượng đài thánh Anna tại Thái Lan

Tàu chở hàng của Việt Nam mang tên Hải Phòng 18 vào 07 giờ tối hôm qua tông vào tượng đài thánh Anna bên cạnh dòng sông Tha Jin nơi tỏa lạc Giáo xứ thánh Anna, Tha Jin, tỉnh Samut Sakhon.

Tượng Thánh Anna và Mẹ Maria cao 8 mét được đặt trên một căn "sala" bên cạnh dòng sông rất thoáng mát và đẹp mắt. Được biết người ta có gắn máy để khiến cho tượng có thể xoay vòng khi máy được bật lên. Cha xứ ở giáo xứ thánh Anna là cha Withaya Ladloi, đại diện của TGP Bangkok về mục vụ cho người Việt Nam. Ngài cũng là linh mục người Thái gốc Việt. Cha cho hay là nếu thuyền đâm vào điểm trước hoặc sau tượng đài một chút thì sẽ gây thiệt mạng vì khúc phía trước có nhiều người ngư dân đang hoạt động. Còn đi một khúc nữa thì sẽ gặp một ngôi chùa và trên bờ sông vào giờ đó có rất nhiều người đang ăn tối. Vì thuyền đâm vào tượng đài nên chỉ gây hư hại cho tượng đài nhưng không ai biệt thương hoặc thiệt mạng. Phải chăng đó là ý của thánh nữ??

Theo nguồn tin tức Thái Lan thì đến lúc sáng nay vẫn chưa liên lạc được với tàu trưởng và chưa xác nhận được quốc tịch của tàu. Vì tai nan xảy ra vào tối trước và thuyền chưa được kéo vào bến. Chiếc tàu chở hàng nói trên thuộc loại lớn và lần đầu tiên đi vào khu vực xảy ra tai nạn. Và lý do dẫn đến tai nạn có thể do trục trặc máy móc trên tàu hoặc vì không quen lối đi trên dòng sông này.

 Cách đây một tháng mình đã đến thăm giáo xứ thánh Anna lần đầu tiên với các cha ca seour trong ban điều hành Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan và được chứng kiến vẽ đẹp của tượng đài này bên cạnh sông Tha Jin. Sự hư hại này thật là đáng tiếc. Từ tối hôm qua đến nay trên facebook đã có rất nhiều người Công giáo Thái Lan đưa hình tượng đài khi còn nguyên vẹn cũng như sau khi bị tàu đâm để tưởng nhớ đến một tượng đài uy nghi bên dòng sông Tha Jin.



Bangkok, ngày 7.2.2014

Đón Xuân 2014 tại Bangkok

Xuân năm nay mình đón tại Bangkok với các bạn trẻ Việt Nam, những bạn không được về quê ăn Tết. Tuy nhiên trước Tết hai tuần thì rất nhiều bạn trẻ làm việc tại Thái Lan đã bắt đầu lần lượt cuốn gói về quê ăn Tết với gia đình, chỉ còn một số ít vì lý do này lý do khác mà không về. Những bạn còn lại đa số rất buồn vì không được đoàn tụ với gia đình trong ngày Tết dân tộc. Tuy nhiên, mình cũng như một số bạn cũng đã có một cái Tết rất ấm cúng và đầy ý nghĩa.
Một số bạn sinh viên trong trường đại học Assumption đã đến giúp mình làm cây mai để chưng trong phòng nghỉ để tạo nên không khí Tết cho chính mình. 
Cho dù chỉ là hoa giả nhưng nó cũng làm cho mình cảm thấy phấn khởi trong những ngày chờ Tết đến.
Với một số bánh trái nữa là coi như cái Tết cũng rất đầy đủ. 
Để mang lại niềm vui cho chính minh và cho các bạn trẻ, mình tổ chức gói bánh chưng và bánh tét. Vì ở Thái Lan tìm lá giông hơi khó nên mình đã nhờ người mang lá giông từ bên Việt Nam sang để gói. Còn Thái Lan thì rất nhiều lá chuối nên việc gói bánh tét cũng đơn giản. Tuy nhiên đa số các bạn chỉ thạo gói bánh tét chứ không quen gói bánh chưng nên bánh không được đẹp cho lắm. 
Tối giao thừa các cha dòng Đaminh đã tổ chức lễ ngày trong tu xá của các ngài. Mình và một số bạn trẻ cũng đã đến tham dự thánh lễ ấm cúng này. Trong Thánh lễ cũng có phát lộc lời Chúa cho mọi người. Cha Hanh cũng đã có một cây đào để đón Tết.
Sau khi lễ xong, mọi người tập trung tại nhà của bạn Trung, trưởng nhóm Minburi để cùng đón giao thừa với những món ăn do một số bạn trẻ tự nấu, và dĩ nhiên là được thưởng thức món bánh chưng bánh tét mà các bạn đã gói và vừa mới nấu xong. Ngoài ra còn có đốt pháo bông và pháo phong vào khoảnh khắc giao thừa. Ở Thái Lan được phép đốt pháo nên rất vui. 
Ngày mồng một và mồng hai tết mình đi dự tiệc liên hoan tết ở nhà của các cha dòng Đaminh cũng như ở nhà của các bạn trẻ. Đặc biệt ngày mồng hai Tết các seour dòng Mân Côi đã tổ chức tiệc nên mình cũng đi tham dự.
Ngoài mời các bạn trẻ Việt Nam, các seour Mân Côi cũng mời một số khách nước ngoài để mừng Tết Nguyên Đán. 
Tạo dáng với nhóm múa bài "Du Xuân" trong chương trình Tết của các seour. 
Tối mồng hai mình tổ chức chơi trò chơi dân gian cho một số bạn trẻ ngoài đường trước nhà của các seour. Mọi người rất hào hứng với những trò chơi như cướp cờ, ù, và kéo co. Dĩ nhiên bên thua phải làm ngữa cho bên thắng cưỡi. 
Ngày mồng 3 Tết cha Hoàng OP dâng lễ cho các bạn trẻ tại nhà nguyện của nhà thờ Mẹ Fatima Din Daeng.
Và ngày mồng 3 Tết mình cũng được mời tham dự tiệc năm mới của một gia đình người Thái gốc Hoa. Sau khi ăn trưa ở một nhà hàng sang trọng, đại gia đình về nhà của ông Hanchai để cầu nguyện, làm nghi thức chúc lành cho năm mới. Mình và cha Aekachai được mời để có những lời chia sẻ trong nghi thức này. Ngoài ra còn có một số các seour được mời đến tham dự.

Thế là mình đã có một cái Tết rất vui vẻ và đầy đủ ý nghĩa. Cho dù ở trên đất Thái Lan, nhưng mình đã tìm cách tạo nên cho chính mình không khí Tết, và còn giúp cho các bạn cùng đón Tết với mình cảm thấy phấn khởi. Có nhiều bạn đã nói với mình rằng, năm này Tết thật vui. Và năm này chúng con đã thực sự có một cái Tết ý nghĩa. Có người lại nói chưa bao giờ được gói bánh tét ở Việt Nam. Năm này cha tổ chức mới được gói. Và cảm giác gói bánh ấy thật vui. Mình tạ ơn Chúa vì mình đã có nhiều niềm vui trong dịp Tết dân tộc năm nay.

Bangkok, ngày 5.2.2014

Lễ hôn phối

Từ ngày lên Bangkok mình mới cử hành được ba lễ cưới, hai lễ cưới của người Việt và một lễ cưới người Thái. Đây là lễ cưới đôi bạn trẻ người Thái Lan mà mình đã cử hành cuối tháng giêng vừa qua. Bên chú rễ theo đạo Công giáo. Còn bên cô dâu thì theo đạo Phật. Trên 80% những cuộc hôn nhân của người Công giáo Thái Lan là với người ngoài tôn giáo. Điều này làm cho việc duy trì và phát triển đạo Công giáo rất khó khăn trên đất nước này, đặc biệt là khi người theo đạo Công giáo không được vững mạnh trong đức tin của mình. 


Bangkok, ngày 4.2.2014