Anh Somchai

Sáng nay anh Sômchai đến gõ cửa nhà xứ. Mình cũng biết là anh sẽ đến, vì tối qua anh đã ghé qua báo cho mình là sáng nay anh sẽ trở về nhà ở Nong Khai để sinh sống và làm việc. Bịnh tình bây giờ đã tốt hơn nhiều. Từ ngày bắt đầu uống thuốc anh cảm thấy khỏe hơn.

Thời gian hơn 3 tháng ở trung tâm, anh Sômchai là một trong những bệnh nhân có tính tình dễ thương và vui vẻ nhất. Mỗi ngày anh tập thể dục đều đặn. Ngoài hiên nhà xứ mình có đặt một số tạ, sáng sáng anh cũng đến để tập. Chiều đến thì anh lại tham dự thánh lễ với các seour. Anh không theo đạo Công giáo, nhưng đến khi rước lễ thì anh lên để được mình ban phép lành.

Trong những lúc đó mình đưa tay lên trên đầu anh và cầu xin Thiên Chúa ban cho anh sức khỏe về phần hồn cũng như phần xác, và ban cho anh sự bình an mỗi ngày trong cuộc sống của anh.

Sômchai bị nhiễm HIV là do những cuộc phiêu lưu với những cô gái mại dâm thời còn là thanh niên. Một lần anh kể cho mình nghe ở nơi anh và những người bạn thường đi lại người chủ quen biết đến nỗi nhiều khi không có tiền vẫn cho chơi trước rồi tính sổ sau. Ngày nay nhìn vào cách ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự của anh không ai nghĩ anh cũng từng là một tay ăn chơi sa đọa.

Sáng hôm nay anh đến chào mình tạm biệt. Mình cho anh số điện thoại cầm tay và bảo thỉnh thoảng nhớ gọi điện thoại để cho mình biết tình hình của anh. Mình nhắc anh phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, vì ở nhà thời gian không được đều độ như ở trung tâm. Đã từng có những bệnh nhân khác khi trở về nhà không biết tự chăm sóc nên sau đó phải trở lại trung tâm để điều trị tiếp.

Mình đưa hai tay lên để ban phép lành cho anh trước khi anh ra bến xe lên đường về nhà. Khi nhận phép lành xong, anh Sômchai còn ra đứng trước tượng Chúa Kitô Phục Sinh trước nhà thờ để cầu nguyện thêm vài giây phút trước khi rời trung tâm. Hình ảnh một người đàn ông Phật giáo chấp tay cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu làm mình thật cảm động. Chắc chắn những ngày anh đến tham dự thánh lễ và nhận phép lành đã giúp anh cảm nhiệm đến tình yêu của Thiên Chúa mà chính anh cũng không hiểu Ngài như thế nào. Khi mới đến trung tâm, anh không dám vào nhà thờ vì anh chưa từng bước chân đến một nơi như thế. Nhưng sau khi mình đến nói chuyện và trấn an cho anh đừng ngại ngùng, anh đã can đảm đến tham dự thánh lễ, và sau đó đã trở nên người đến dự lễ thường xuyên nhất trong các bệnh nhân ở đây.

Anh Sômchai đi rồi nhà thờ ngày thường vốn đã vắng vẻ sẽ còn trống vắng hơn. Nhưng mình mừng cho anh vì anh ra về với tình trạng sức khỏe khả quan. Anh nói là trong người cảm thấy bình thường. Khuôn mặt anh thấy tươi vui và có niềm hy vọng. Không phải ai rời trung tâm cũng trong tình trạng tốt như anh. Đã có nhiều người rời đây chỉ để rồi đi đến nhà thiêu của ngôi chùa trong phố. Còn anh Sômchai thì rời đây trong một bộ đồ jeans khá phong độ. Đó là điều đáng vui và đáng tạ ơn Chúa vì Ngài đang giúp đỡ cho anh có những ngày tốt đẹp.

Nong Bua Lamphu, ngày 31.7.2008

Làm hướng dẫn viên du lịch

Chuyến đi Việt Nam vừa qua nhanh như chong chóng. Tối thứ hai đến Sài Gòn, chiều thứ sáu trở về Thái Lan. Mình làm hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn 10 linh mục Thái Lan. Các ngài nhờ mình đứng ra sắp xếp nơi ăn, nơi ở, nơi đi tham quan, và phương tiện đi lại. Mình chưa làm hướng dẫn viên du lịch bao giờ nên việc sắp xếp khá khó nhọc.

Cũng may là mình có người quen ở Việt Nam giúp tìm khách sạn cũng như những nhu cầu khác, không thì chuyến đi sẽ rất khó khăn. Trong chỉ 4 ngày ngắn ngủi, mình đưa các cha đi Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang. Các ngài thích nhất là Đà Lạt và luyến tiếc không được ở lại lâu hơn. Có người nói lần sau phải trở lại Đà Lạt. Dường như ai cũng thích uống cà phê Việt Nam và thích thú với cách thông thả mà người Việt ngồi trò chuyện bên tách cà phê.

Các ngài không thích những món nhậu, mà thích những món ăn cơm thuần túy như cá kho tộ, thịt rim, rau xào, canh chua v.v. Những bữa cơm với các món ăn như vậy các ngài đều tấm tắc khen ngon và ăn rất nhiều.

Các ngài lại thật ấn tượng với các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt là số lượng nhà thờ dọc con đường đi Sài Gòn – Đà Lạt. Ngày cuối cùng tại Sài Gòn, mình đưa các cha đến thăm nhà thờ Đức Bà rồi sau đó vào nhà sách Hòa Bình. Khi ra về, cha nào cũng mang theo những bao bị chứa đầy tranh ảnh, tràng hạt, và những đồ lưu niệm khác để về tặng con chiên.

Chuyến bay AirAsia đi trể, về cũng trể. Tới Bangkok thì đã 9h tối. Mình mệt nhừ vì công việc hướng dẫn viên của mình. Nhưng mình cũng thấy vui trong lòng vì đã có một chuyến đi thành công. Các cha tỏ ra rất vui với chuyến đi này. Một cha trong đoàn nói: “Coi chừng sau chuyến đi này, cha sẽ bận bịu vì có nhiều người đến nhờ cha làm hướng dẫn viên đó.”

Mình về đến Nong Bua Lamphu trên chuyến bay 6 giờ sáng ngày thứ bảy để kịp lo việc mục vụ giáo xứ hai ngày cuối tuần. Tối Chúa Nhật khi đi Udon Thani làm lễ tiếng Việt về thì biết rằng mình đã bị cảm. Cổ họng rát, mủi nghẹt thở không được, và trong người thì uể oải.

Chiều qua mình chạy xe đến tiệm thuốc của cô Giúng, một giáo dân trong xứ, để mua thuốc cảm. Cô cho 5 loại thuốc uống một lúc. Thuốc uống rất hiệu quả, sau chỉ một liều thì thấy đã đỡ hơn rất nhiều. Chỉ tội không biết thuốc gì mà uống vào là buồn ngủ đến nổi không mở mắt ra được. Chiều qua khi uống xong, mình vào phòng ngủ cho đến gần 10 giờ tối. Thức dậy ra bếp kiếm đồ ăn để uống thêm một liều nữa. Uống xong thì lại vào ngủ tiế cho đến sáng.

Sáng nay mình không dám uống thuốc vì sợ phải đi ngủ. Đợi trưa mới uống. Cũng may mình không có uống vì khoảng 9h30 sáng thì thầy Ron gọi điện thoại đến nói là thầy sẽ đến đón mình đi tới trường trung học của tỉnh để trao đổi với thầy trưởng khoa Anh văn về việc dạy thêm ở trong trường.

Thầy trưởng khoa tên Saiyon muốn mình dạy một tuần khoảng 2-4 tiếng cho học sinh lớp 10 và 11. Mình cũng đồng ý và nói mình có thể dạy vào hai chiều thứ 5 và thứ 6. Thầy hỏi mình sáng nay có muốn dạy thử không. Mình nói được. 10h30 thầy đưa mình lên phòng học. Hóa ra một số học sinh của thầy cũng đang học với mình vào hai ngày cuối tuần ở nhà thờ.

Tụi nó thấy mình đến dạy thì rất bất ngờ. Sau lớp, nó nán lại hỏi: - Ủa, sao cha lại đến đây dạy bọn em?

- Thì thầy trưởng khoa mời cha đến dạy nên cha đến. – Mình trả lời.

Thầy Saiyon hỏi tụi nó: - Các em có muốn thầy này dạy cho các em không?

Tụi nó đáp: - Dạ muốn.

Vậy là bắt đầu tuần này, mình lại có thêm một công việc nữa. Công việc càng lúc càng nhiều và đa dạng hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là không biết mình sẽ còn ở NBL được bao lâu? Giờ nay cha Trực đã học xong tiếng Thái, đã dọn đến Nong Bua Lamphu, và tháng tới sẽ đi thực tập vài tháng. Sau đó, ngài sẽ trở lại NBL để làm cha quản xứ. Khi đó mình còn được ở đây hay không? Hay là phải đi đến một xứ khác? Trong đầu mình e ngại
rằng mình khởi xướng công việc nhưng rồi phải bỏ dỡ vì hoàn cảnh thay đổi.

Mặc dầu trong công việc mục vụ còn nhiều điều không chắc chắn, nhưng mình nghĩ rằng hãy cứ làm. Đến tới đâu thì hay tới đó. Có lẽ Thiên Chúa sẽ an bài mọi sự và sẽ giúp cho mình tìm ra con đường mà mình cần bước tới.

Nong Bua Lamphu, ngày 29.7.2008

Hồi phục sức khỏe và thái độ sống

Gần cả tuần này không viết nhật ký vì người không khỏe. Chuyến đi Bangkok vừa rồi hao nhiều sức. Vừa về tới nơi thì phải làm việc nhiều trong hai ngày cuối tuần nên đến thứ hai thì mình thấy trong người uể oải. Sang ngày thứ ba mình phải bắt xe đò đi Khon Ken để làm visa đi Việt Nam. Chuyến xe đò vừa nóng vừa dài nên làm mình bị cảm luôn.

Tuần tới mình sẽ đi Việt Nam năm ngày, không phải đi nghỉ ngơi, không phải đi thăm bà con, không phải đi du lịch, mà dẫn một nhóm linh mục người Thái đi tham quan Việt Nam. Các ngài nhờ mình sắp xếp chương trình cho nhóm để tham quan Việt Nam từ thứ hai đến thứ 6. Các ngài đặc biệt muốn đi tham quan những đại chủng viện cũng như các nhà thờ. Chính vì vậy mà các ngài không muôn đăng ký đi tour như những khách du lịch khác, mà muốn nhờ mình hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu đi tự do như thế này thì chi phí sẽ cao hơn là đi theo tour.

Bình thường mình cũng rất thích đi Việt Nam vì đó là quê hương của mình cũng như mình quen biết nhiều người ở bên đó. Nhưng chuyến đi này mình phải dẫn các cha đi đây đó nên sẽ không có thời giờ cho những công việc riêng. Mặc dầu trong người chưa được hoàn toàn hồi phục, nhưng mình cũng đang cố gắng chăm sóc sức khỏe để tuần tới có thể giúp các ngài một cách tốt đẹp nhất.

Cha Trực đi Việt Nam tham dự đám tang của ông cố vẫn chưa về. Thầy Ron hỏi mình cha Trực lúc nào về, mình nói là chưa nhận được tin. Tuần tới cha Tâm từ Úc ghé thăm trên đường đi Roma. Mình rất tiếc không ở lại để đón tiếp cha vì phải đi công việc. Mình hy vọng cha Trực sẽ trở lại kịp để gặp cha Tâm, nhưng mình cũng nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Nếu không có mình và cha Trực thì hai thầy Ron và Damien phải chăm sóc cho ngài. Mình cũng hơi ngại vì mình nghĩ cha Tâm ghé sang đây chủ yếu để thăm mình và cha Trực, nhưng cuối cùng cả hai người lại không có mặt để tiếp ngài.

Chúa Nhật vừa qua, sau khi đưa chiếc đàn điện Yamaha vào nhà thờ thì cô Mèm đã chơi trong thánh lễ. Đây là cây đàn đầu tiên của nhà thờ. Trước đây mỗi lần có lễ lớn thì các em trong tiểu chủng viện đem đàn tới và hát lễ luôn. Tronh thánh lễ có tiếng đàn organ (không phải là tiếng nhạc mấy bài thu sẵn quen thuộc như trước đây) bổng nhiên thấy không khi thánh lễ có phần long trọng hơn. Các giáo dân cũng cảm nghiệm được điều đó và ai cũng khen rằng đàn có âm thánh khá hay, phù hợp với không gian của nhà thờ.

Giờ có đàn thì bọn trẻ muốn được học chơi. Mình sẽ nhờ cô Mèm dạy cho chúng sau lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Vậy là sẽ phải tìm thêm một khoản tiền nữa để bồi dưỡng cho cô Mèm trong việc giúp cho giới trẻ. Hy vọng là điều này không quá khó khăn. Mình cũng tin rằng trong việc phát triển giáo xứ, mình cứ làm thì sẽ có cách. Những đường lối tự nó sẽ hiện ra cho mình, với nhiều điều mà chính mình cũng phải bất ngờ nữa. Đó là điều lạ và là hồng ân mà chính Chúa ban tặng khi mình làm việc đúng với Thánh Ý Ngài. Vì vậy mình cũng không ngần ngại khi triển khai những sinh hoạt mà trước mắt thấy chưa đủ khả năng.

Tối hôm qua sau khi tỉnh giấc khi mới quá nửa đêm, mình trằn trọc khó ngủ vì thời tiết nóng và vì trong người đang sốt, mình bật đèn lên đọc sách. Cuốn sách mình đang đọc là các bài giảng của một linh mục người Thái. Ngài viết rất đơn sơ nhưng sâu sắc. Trong một bài giảng, ngài kể về câu chuyện một người thanh niên luôn đối phó với những tình huống trong cuộc đời bằng cách đặt ra cho mình hai lựa chọn. Anh ta có thể lựa chọn điều A hoặc điều B. Mỗi sáng anh ta tự nhủ, hôm nay mình có thể quyết định mang thái độ tiêu cực, buồn chán với công việc, hoặc mình có thể quyết định vui vẻ với mọi người và nhìn vào đời sống với thái độ tích cực.

Cái thói quen tự đặt ra lựa chọn và rồi quyết định đó đã diễn ra ngay cả khi anh bị bắn trong một vụ cướp cửa hàng tạp hóa nơi anh là nhân viên. Khi bị bắn ngã gục trên sàn nhà, anh đã tự nói với chính mình, một là có thể chết ngay bây giờ, hoặc là quyết định tiếp tục sống. Cuối cùng anh ta đã tiệp tục sống. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ đã tỏ ra rất bi quan khi nhìn thấy vết thương của anh. Nhưng anh cố gắng nói với bác sĩ rằng: ‘Tôi đã quyết định sẽ tiếp tục sống. Vì vậy, bác sĩ phải chữa cho tôi như người sẽ sống, chứ không phải là người sẽ chết.’ Chính vì lời nói ấy mà các bác sĩ đã thay đổi thái độ và đã chữa anh một cách tốt đẹp.

Đọc xong câu chuyện này mình tự nhủ: thật là tuyệt vời! Tại sao chính mình lại không làm như anh chàng trong câu chuyện ấy. Mình sẽ quyết định mau lành bệnh và không để cho cái cảm cúm này làm mình uể oải nữa. Sau khi quyết định như thế, mình tắt đèn đi ngủ, một giấc ngủ khá ngon.
Sáng dậy tỉnh giấc mình thấy người khỏe hẳn ra, không còn đau đầu nữa. Hóa ra trong đời mình còn có nhiều cái mình tự quyết định được mà mình không chịu làm mà thôi. Không biết tối nay mình sẽ quyết định những gì, và ngày mai mình sẽ quyết định thêm những gì nữa. Quyết định sống tốt, sống vui, sống khỏe cũng là một điều thú vị quá nhỉ.

Nong Bua Lamphu, ngày 17.7.2008

Nhật ký trên tàu (tiếp theo)


Mình đang chuẩn bị viết những hàng chữ cuối cùng cho trang ‘nhật ký trên tàu’ thì các nhân viên tàu đến kiểm soát vé. Mình nghĩ đâu sẽ là chuyện đơn giản, giống như chuyến đi lần trước. Nhưng một chuyện vô cùng bất ngờ xảy ra làm cho chuyến đi của mình giờ đây khác hẳn.

Nhân viên tàu cầm tờ vé mình lên xem rồi nói: - Vé này là vé hôm qua.

- Tại sao là vé hôm qua? Tôi mua vé để đi hôm nay mà. – Mình hỏi anh nhân viên.

- Tôi không biết. Nhưng theo trên vé thì bây giờ không còn hiệu lực nữa.

- Vậy tôi phải làm gì?

- Anh phải mua vé lại.

- Vậy tôi mua cái giường này được không?

- Không được. Giường này có người mua rồi.

- Vậy giường khác thì sao?

- Giường hôm nay bán hết rồi.

- Tôi mua vé ở đây được không?

- Không. Anh phải xuống ga để mua.

Thấy mình ngẩn ngơ, anh nhân viên tàu bảo đi theo anh rồi anh sẽ mua vé cho. Tàu dựng lại, anh xuống mua vé. Một lát sau anh lên với tấm vé mới.

- Vé này ngồi ở đâu?

- Ở toa hạng 3.

- Hạng 3 là hạng gì?

- Hạng ba là hạng người ta ngồi chung với nhau thật nhiều.

- Bây giờ chỉ có vé như vậy thôi à?

- Vâng. Vé hạng hai cũng không có nữa.

Tàu dừng lại ở ga tiếp theo. Anh cán bộ đường sắt bảo mình xuống tàu đi bộ trên lề cho nhanh thay vì kéo vali đi ngang qua những toa tàu chật chội. Mình mang cái máy vi tích sách tay, còn anh cán bộ kéo vali của mình đi. Anh ta đi trước. Mình đi theo sau.

Tới toa hạng 3, mình lên. Trong các hàng ghế là những hành khách với những khuôn mặt đen đủi và cằn cổi, nhìn vào là biết dân lao động, những người dân nghèo ở đất nước này. Có vài anh lính về thăm nhà. Có những bà mẹ ôm con trong lòng, người ru ngủ người dỗ khóc. Có thêm những người bán rong đi lui đi tới với những giỏ trái cây và đồ uống khác nhau.

Anh cán bộ dẫn mình đi tới cuối toa (hoặc là đầu toa tùy theo góc nhìn), tới dãy hàng ghế của các sư chùa. Khi anh ta đi mua vé cho mình thì mình có đưa cho anh cái thẻ linh mục để được giảm giá. Có lẽ vì vậy mà anh ta đã dẫn mình tới ngồi hàng ghế dành cho các nhà sư. Các nhà sư thấy một gã thanh niên mặc quần jeans, áo thun, đội mủ đến ngồi chung hàng ghế của mình thì tỏ ra hơi bở ngở. Nhưng không ai hỏi mình điều gì. Mình cất vali vào nơi đặt đồ đạc rồi ngồi xuống một cách thản nhiên.

Ghế của các nhà sư có phần rộng rải hơn vì không có những người thường dân khác ngồi chung, đặc biệt là đàn bà, vì đàn bà không được ngồi chung với sư. Nhưng nghĩ lại về chiếc vé giường nằm trong phòng máy lạnh của mình bây giờ không được sử dụng cũng không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Chuyến tàu đêm đi 11 tiếng đồng hồ mới đến Udon Thani. Tưởng đâu sẽ được nằm ngủ cho đến khi tàu đến ga, nhưng bây giờ thì chỉ được ngồi với các nhà sư trong toa có máy điều hòa…thiên nhiên với những gương cửa sổ mở toang.

Tàu đang dừng lại ở một ga ngoài tỉnh, không biết là ga nào. Các nhà sư bây giờ đang bắt đầu gật gà ngủ. Mình cũng muốn ngủ. Nhưng ngồi chỉa chân ra cho thoải mái thì sợ đụng chân nhà sư. Không biết ‘nhật ký trên tàu’ của mình sẽ còn phải viết về sự cố gì nữa không.

Dãy ghế hạng 3 của chuyến tàu BKK - Udon Thani

ngày 10.7.2008

Nhật ký trên tàu


Một tuần tung tăng ở Bangkok và Pattaya cũng đã chấm dứt. Giờ đây mình ngồi trên chuyến tàu đêm trở về Nong Bua Lamphu từ Bangkok. Những người thân đến du lịch Thái Lan cũng đã chia tay mình từ sáng. Chương trình của họ là ghé thăm một ngôi chùa rồi sau đó ra sân bay trở về Việt Nam. Mình chào tạm biệt mọi người ở khách sạn vì còn nhiều chuyện khác phải làm trước khi rời Bangkok.

Những ngày đi chơi với các anh em trong dòng và những người thân quen rất vui, nhưng rất mệt. Trong đoàn còn có thêm 10 người là những người mình không quen biết cùng đi trong tour. Mới đầu lạ nhưng đi với nhau suốt ngày cũng trở nên quen. Trong đoàn còn có thêm một cụ già 80 tuổi. Mình còn trẻ đi tour còn mệt nhừ, không ngờ một cụ già cũng chịu chơi thật.

Những ngày qua cũng đi đấm bóp kiểu Thái rất nhiều. Trong đoàn chị Liên rất thích massage. Nên dường như mỗi ngày đi chơi xong là kết thúc với một cuộc massage Thái hai giờ đồng hồ. Massage xong mọi người trở về khách sạn ngủ rất ngon (trừ ra mình), nhưng phải thức dậy rất sớm để ngày sau đi chơi tiếp.

Sáng nay anh Ko ở văn phòng Hội đồng Giám Mục Thái Lan đã gia hạn visa cho mình và anh Trực xong xuôi. Thế là hai người được thêm một năm nữa. Lần này không cần phải rời khỏi nước vì visa hết hạn.

Mình phải đến văn phòng của anh Ko để nhận hộ chiếu của mình và anh Trực. Sau đó chạy ra sân bay Don Muang để giao cho anh. Anh Trực sáng nay đã bay từ Udon Thani đến Bangkok để bay tiếp về Việt Nam. Đây là chuyến bay hoàn toàn ngoài dự định của anh.

Sáng nay khi mới 5h sáng, mình nhận được cuộc điện thoại của anh Trực cho hay là bố anh ở Việt Nam đã qua đời tối hôm qua và anh sẽ phải về Việt Nam gấp. Mặc dầu không có vé máy bay, nhưng anh vẫn ra sân bay chờ giờ mở cửa để mua vé. Có lẽ giờ này anh đã đến Việt Nam để lo lắng việc an táng của ông cố. Nhưng có lẽ anh Trực cũng không phải làm nhiều ngoài những việc liên quan đến lễ lạt. Dù sao đi nữa thì ông bà cố cũng có đến 12 người con. Chiều nay mình cũng đã đánh một email đến tất cả những anh em Việt Nam trong dòng để báo tin về sự qua đời của ông cố để anh em cùng hiệp thông cầu nguyện. Riêng mình sẽ dâng lễ đặc biệt cho ông cố vào ngày Chúa Nhật này.

Chiều nay khi lên tàu mình không chỉ đem theo hành lý cá nhân, trong đó có chiếc máy vi tính, áo quần, và những gói cà phê và trà mà chị Liên mang qua cho mình từ Việt Nam, mà còn mang theo nguyên một chiếc piano điện mà một giáo dân ở Bangkok đã cúng cho nhà thờ của mình. Mình nhờ anh Đô ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế gọi lại kỷ càng và chở ra ga tàu. Giá chuyên chở rất rẻ. Chiếc piano và chiếc ghế nặng 40 kilô chỉ phải trả 150 baht. Tuy nhiên, phải trả những chi phí khác như thuê chiếc xe đẩy hàng, và tiền công bốc vác. Mình trả cho một bác bốc vác số tiền tương đối nhiều nên chú và thêm một anh nữa rất vui vẻ chăm sóc cho chiếc đàn trong khi chờ tàu đến. Họ cũng vui vẻ đưa đến toa chất đồ và cẩn thận đưa nó lên tàu. Sáng mai, thầy Damien sẽ đón mình ở ga tàu Udon Thani và đưa chiếc đàn về Nong Bua Lamphu. Cuối cùng thì nhà thờ cũng đã có một chiếc đàn nhìn rất xinh đẹp và có giá trị. Hy vọng cô Mèm sẽ chơi được chiếc đàn này và sẽ không cần phải mua một chiếc đàn khác.

Tàu đã bắt đầu lăn bánh. Mình mua vé giường nằm, giường phía trên. Những người dưới mình là một gia đình gồm có hai vợ chồng trẻ và hai đứa con, một trai một gái. Gia đình này người Pháp. Hai đứa con nhìn rất dể thương, đặc biệt là thằng con trai khỏang chừng 4 tuổi. Họ tỏ ra rất thân mật với nhau. Người chồng đọc sách cho thằng con trai nghe, trong khi người mẹ thì ngồi nhìn xem con gái vẻ một bức tranh gì đó trong vở. Họ sẽ đi Nong Khai, và sau đó là qua Lào để tham quan xứ sở này.

Sau một tuần đi khắp đó đây, lo công việc và đón tiếp…..không thể viết được nửa vì đoàn nhân viên đến kiểm soát vé.

Bangkok, ngày 10.7.2008

Thân phận AIDS




(Trên: Anh Nói trong những ngày cuối đời với bộ xương bọc da. Dưới: Anh chàng "Jennifer" mạnh khỏe ngày nào bây giờ cũng chỉ là một thân hình tàn tạ chờ chết. Và kết cuộc là một đám tang đơn sơ diễn ra tại một ngôi chùa trong thị trấn.)





Sau thánh lễ sáng Chúa Nhật vừa qua, mình đang ngồi nói chuyện với giáo dân trước nhà xứ thì thầy Damien đến đưa tin: Nói, bệnh nhân AIDS mà mình xức dầu và rửa tội tuần trước đã qua đời.

- Bây giờ xác đang ở đâu? - Mình hỏi thầy.

- Đem đi bệnh viện rồi. - Thầy Damien trả lời.

- Rồi sẽ làm gì hả thầy?

- Người ta sẽ làm sạch rồi đưa đến chùa thiêu.

- Vậy mình rửa tội cho người ta rồi không làm gì hết à?

- Không, mình không làm gì hết.

Mình nghe thầy nói vậy thấy trong lòng hơi hụt hẩng, có phải như mình đem con bỏ chợ không? Nhưng từ trước đến giờ những bệnh nhận sắp chết vẫn được rửa tội, rồi vẫn được đưa đến chùa, gia đình mời sư đến tụng kinh, rồi thiêu. Mình thấy có điều gì không tốt trong cách giàn xếp này, nhưng mình chưa biết sẽ phải cải thiện tình huống như thế nào cho hợp tình hợp lý.

Trường hợp Nói có tình huống khá bất ngờ xảy ra. Thời gian anh ta ở trong trung tâm, mặc dầu nhân viên đã nhiều lần mời gia đình đến thăm viếng, nhưng họ đều từ chối. Anh Nói muốn được ở trong nhà những ngày cuối cùng họ cũng từ chối. Đến lúc sắp chết, TT báo cho gia đình biết để tới thăm, họ cũng từ chối.
Nhưng ngày thứ hai khi đem xác đến chùa thiêu thì thấy gia đình và họ hàng thuê một chiếc xe 15 chỗ đến tham dự. Họ muốn đem tro về để rải trên sông Mêkong, nhưng tài xế của chiếc xe thuê không đồng ý. Người ta sợ chuyên chở tro của người chết, đặc biệt là một người bị AIDS sẽ mang đến cái xui xẻo cho công việc làm ăn của họ. Gia đình tỏ ra rất bất bình và buồn vì sự việc như thế.

Cô em gái đến đứng bên cạnh quan tài của Nói, nhìn vào cái xác chết đáng sợ và nói: "Mẹ đến thăm anh rồi đấy, anh Nói ạ." Cô ta chảy nước mắt.

Thầy Damien tỏ ra không hài lòng.

- Tôi không hiểu những người này. Thời gian anh sống không có một lần đến thăm viếng. Cho đến gần chết cũng không chịu đến thăm. Vậy thì tại sao giờ này lại chảy nước mắt để làm gì? Tại sao phải tỏ ra quan tâm và đau khổ sau khi chuyện đã rồi?

Trong thâm tâm của mình, mình cũng hy vọng rằng sự thay đổi trong thái độ là một sự chân thành, mặc dầu là quá trể. Nhưng quả thật nhìn bên ngoài thì mình không khỏi nghi ngờ những giọt nước mắt của họ là những giọt nước mắt cá sấu.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thậm tệ như anh Nói. Trường hợp của "Jennifer", một anh chàng đồng tính thì đáng mừng hơn. Trong thời gian Jenny ở trung tâm, gia đình đến thăm thường xuyên. Và anh đã chết trong lần cuối cùng đi bệnh viện chỉ một ngày sau khi thiêu Nói. Thế là trong vòng một tuần có hai bệnh nhân đã chết vì căn bệnh SIDA.

Lễ an táng của Jenny cũng được gia đình đến tham dự đầy đủ và bày tỏ sự thương tiếc một cách chân thành. Tình cảm mà họ dành cho anh không chỉ trong lúc anh đã nằm trong quan tài mà còn khi đang ở trên giường bệnh nữa.

Mình rất tiếc là mình chưa được rửa tội cho Jenny. Sau khi anh chết mình hỏi thầy Damien: - Tại sao không kêu tôi rửa tội cho anh ta?

- Tại vì cũng không nghĩ là anh sẽ đi sớm như vậy. Cũng biết là sắp đi rồi, nhưng vừa rồi đưa đi bệnh viện thì buổi tối anh ta chết lúc nào không hay.

Sự ra đi nào cũng đáng thương tiếc, nhưng đối với Nói và Jennifer thì đó có lẽ là điều tốt nhất cho họ. Những ngày cuối đời đau đớn và thê thảm quá. Nhìn vào họ mà thấy vừa sợ vừa đau lòng. Những người trong trung tâm sẽ còn những người ra đi tiếp theo. Đó là hệ quả tất nhiên của căn bệnh SIDA mà chưa có phương cách cứu chữa một cách triệt để. Dù sao đi nữa ta vẫn tin rằng, mặc dầu thân xác cứu chữa không được, nhưng với lòng thương xót khoan dung vô bờ bến của Chúa thì vẫn còn hy vọng cho linh hồn của họ. Nhưng điều này thì không thể thấy được, chỉ có thể đặt niềm tin vào Ngài và tin rằng niềm tin đó là niềm tin chính xác.

Bangkok, ngày 4.6.2008

Trở lại Bangkok


Mình đến Bangkok sáng nay trên một chuyến tau đêm. Mình lên tàu ở Udon Thani lúc 7h30 tối và đến Bangkok khi đã 8h sáng. Mình mua vé giường nằm nên ngủ được. Sáng đến đây không thấy mệt. Đi tàu cũng tiết kiệm được tiền. Vé tàu là 630 baht, đó là đã bớt đi 109 baht vì là linh mục. Đây cũng là lần đầu tiên mình ngồi xe lửa tại Thái Lan. Tàu lửa nhìn không mấy sang trọng, nhưng cũng thoải mái. Mình đi tàu lửa tiết kiệm gấp ba lần so với đi máy bay. Không chỉ vé tàu rẻ hơn, mà đường từ ga xe lửa đến nơi nghỉ cũng gần hơn nhiều so với sân bay.

Lần này mình đi Bangkok có hai mục đích. Mục đích thứ nhất là lo giấy tờ thị thực ở lại Thái Lan. Nhìn qua nhìn lại mà bây giờ visa một năm của mình đã gần hết hạn và mình phải đang tranh thủ để xin gia hạn. May là có anh Ko, là một nhân viên của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan chạy lo giấy tờ hộ nên cũng thấy yên tâm. Luôn tiện ở Bangkok mình sẽ gặp cô Oy để bàn với cô về cây đàn organ mà một người giáo dân đã cúng cho nhà thờ của mình. Bây giờ có đàn rồi, việc quan trọng là làm thế nào để đưa đàn đến tận Nong Bua Lamphu. Việc chuyên chở cũng không phải là một điều đơn giản.

Mục đích thứ hai cho chuyến đi Bangkok lần này là để đón tiếp một đoàn người thân đến từ Mỹ và Bangkok. Đó là hai cha Khiên, cha Trọng, và gia đình cũng như bạn bè của chị Liên ở Sài Gòn. Đoàn đi du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm, ở Bangkok và Pattaya. Hai nơi này không xa lạ gì đối với mình, nhưng mình cũng đăng ký tour để được gặp gỡ các cha cũng như chị Liên và những người khác.

Trước khi chị Liên đến Bangkok thì hỏi mình muốn chị mang gì qua cho mình từ Việt Nam. Mình bảo mình muốn cà phê và trà Việt Nam. Chị Liên bảo xe mua cho mình cà phê loại tốt, còn trà thì trà bắc. Mình cũng rất thích uống trà bắc. Vừa rồi chị Liên đi Hà Nội một thời gian để lo công việc nên luôn tiện mua cho mình trà Thái Nguyên.

Trong khi chờ đoàn đến Bangkok và sẽ đi theo với đoàn thì mình tạm thời ở nhờ trong giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi mà mình đã ở trong thời gian 8 tháng lưu lại ở Bangkok để học tiếng Thái. Cha xứ ở đây bảo với mình và cha Trực là lúc nào đến Bangkok mà cần chỗ ở thì cứ gọi cho thư ký đặt phòng, không cần phải xin phép cha. Nếu có phòng thì lúc nào đến ở cũng được.

Tuần này mình vắng mặt cũng may là có cha Trực lên coi xứ hộ. Cha Trực cũng đã hoàn tất chương trình học tiếng Thái và sẽ bắt đầu thời gian thực tập sau khi mình trở lại Nong Bua Lamphu. Hai anh em đang hy vọng rằng sau này sẽ được Đức giám mục đồng ý cho ở và làm việc với nhau để xây dựng giáo xứ Nong Bua Lamphu trở nên một giáo xứ sinh động hơn.

Trở lại Bangkok, thành phố không gì đổi mới. Đường xá vẫn đông đúc chật hẹp. Giao thông ùn tác suốt ngày. Trên đường người ta đi qua đi lại với bao nhiêu việc phải làm. Quảng cảnh ngột ngạt khó chịu. Có lẽ mình đã quen với không khi thông thoáng của tỉnh nhỏ nơi mình ở hiện nay chăng?

Bangkok, ngày 3.7.2008