Viết dự án xin tiền chin้ phủ

Hai ngày nay Ê, một nhân viên của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan tại Bangkok, và cũng là nhân viên của tổ chức Caritas Thái Lan đến giáo xứ để làm việc với mình. Mục đích Ê đến NBL là để tìm hiểu về giáo xứ, về các sinh hoạt, cũng như môi trường ở NBL để giúp mình viết một dự án gởi đến cơ quan của chính quyền chuyên cấp tiền cho các dự án phát triển xã hội. Mà dự án đó là dự án phát triển giới trẻ và sử dụng giới trẻ là công cụ cho việc phát triểng cộng đồng.

Hai ngày qua mình và E đã trao đổi rất nhiều, đến nổi mỏi cả miệng. Lý do phải trao đổi nhiều vì phải giải thích về tầm nhìn và phương pháp của mình trong việc xây dựng dự án. Điều này hóa ra hơi khó khăn vì nhu cầu khác nhau. Trong khi mình và hội đồng giáo xứ cho rằng, cần phải có một cuộc tham khảo giới trẻ để tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của giới trẻ trước khi ấn định các hoạt động sẽ được thực hiện, mà những hoạt động ấy phải đến từ suy nghĩ của chính giới trẻ trong thời gian tới, thì Ê lại có nhu cầu cần biết các sinh hoạt tương đối cụ thể để mới có thể viết dự án.

Điều Ê nói hoàn toàn hợp lý. Làm sao có thể viết dự án xin tiền nếu chưa biết sẽ tổ chức hoạt động gì, bao nhiêu người, và lúc nào? Đặc biệt các sinh hoạt liên quan đến lĩnh vực gì.

Đó là điều rất nan giải. Trong khi mình nhấn mạnh nhiều lân, chúng ta không biết sẽ hành động trong lĩnh vực gì nếu chúng ta chưa tham khảo giới trẻ thì E lại nói: - Chúng ta phải biết sẽ làm gì mới có thể viết dự án xin tiền được.

Việc trao đổi qua lại từ sáng sớm hôm qua cho đến trưa hôm nay đã mang lại sự dung hòa giưa hai thái cực ấy. Dự án có mục đích tham khảo và liên lạc với giới trẻ, sau đó chọn khoảng 50 bạn trẻ có khả năng và lòng muốn trở nên những tình nguyện viên phát triển cộng đồng. Ngoài ra dự án cũng muốn phát triển tinh thần tình nguyện viên, đồng thời giúp giới trẻ xử dụng thời giờ một cách sáng tạo và có hửu hiệu.

Chiều nay mình đi dạy ở bệnh viên thì Ê ở nhà soạn tài liệu nháp cho mình xem. Ê là một người rất lanh và giởi. Anh ta nói rất nhanh và với phong cách rất tự tin. Quả thật Ê là một người giỏi và có nhiều thiện chí, không chỉ mới vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý kinh doanh tại trường đại học Chualongkorn là trường nổi tiếng và lâu đời nhất Thái Lan, nhưng hai tháng qua đã có kinh nghiệm đi giúp bốn nhà thờ khác việt dự án xin tiền đều được chấn nhận cả 4.

Tối nay Ê đã lên xe trở về Bangkok. Mình hẹn sẽ gặp anh ở Bangkok vào tuần sau trước khi đi Mỹ. Trong thời gian này anh sẽ sọan nội dung dự án kỹ lưỡng hơn để gởi đi. Mong rằng nếu dự án này được chấp nhận thì giáo xứ sẽ có một số tiền đủ để thực hiện chương trình phát triển giới trẻ và cộng đồng.

Mặc dầu không rõ sẽ được tiền hay không, nhưng mình cảm thấy rất vui khi qua việc trao đổi với E mình cảm thấy có một tầm nhìn rõ ràng hơn về cách xậy dựng dự án để đáp ứng nhu cầu thực tế của giới trẻ hiện nay.

Nong Bua Lamphu, ngày 31.7.2009

Trái cây và rau đắng

Bây giờ là mùa của nhiều loại trái cây, nhản, măng cụt, sầu riêng. Ở Thái Lan trái cây ngon và cũng rẻ. Một ký nhãn chỉ 10 baht, khoảng 5,000 VND. Một ký măng cụt chỉ 15 baht (7,000 VND). Măng cụt ở Thái Lan rất rẻ và ít khi bị hư. Không biết chọn măng cụt mua cũng an toàn, không như ở Việt Nam. Không biết chọn măng cụt là không dám mua vì khi mua về bổ ra bên trong không thấy gì hết. Sầu riêng ở Thái Lan cơm vừa dày vừa béo. Hạt cũng nhỏ. Nói vậy chứ mình không ghiền sầu riêng nên cũng ít khi mua. Nhưng nếu ai cho ăn thì không từ chối. Vì bữa giờ chưa lần nào tự đi mua sầu riêng nên không biết giá bao nhiêu một ký.

Hôm nay cô Tú mới đem tới nhà một bao nhãn thật to. Cô nói là ăn không sợ nóng vì đây là nhãn từ cây trong vườn nhà cô. Cô không có xịt thuốc trừ sâu. Cách đây vài ngày một anh chàng tình nguyện viên bên TT cũng có mang tới một bao nhãn hái từ trong vườn. Trái khá to và rất ngọt.

Nhưng bây giờ thì mùa xoài đã qua rồi. Chúa Nhật vừa rồi cụ Riến có cúng cho mình một bịch xoài trong vườn, nhưng khi bổ ra thì nhiều trái bị sâu hoặc là bị chua. Cũng trong vườn này, cách đây hai tháng thì xoài rất thơm và ngọt. Năm nay xoài được mùa nhưng giá lại rất thấp. Chủ vườn xoài than là người ta trả giá thấp quá. Thà phân phát cho bà con xóm làng ăn còn tốt hơn là bán với giá thấp tệ như thế.

Sáng nay con Phát ghé qua để gởi quà. Nó mới quay lại từ Việt Nam để tham dự đám tang trong gia đình. Nó tặng cho mình một hộp bánh in và một bao rau gì không biết. Nó nói là rau đắng, nhưng không giống như rau đắng mà trước đây mình có thấy trong Nam. Nghe nói đây là đặc sản của Nghệ An. Thằng Đoàn ở Thánh Hóa nói ngoài đó không có rau này. Còn thằng Thắng thằng Tăng thì nói ở bên này nhớ rau này.

Rau không tươi. Hình như người ta đem phơi khô phần nào. Nấu canh với tôm khô. Nấu xong nhìn vào nồi thì nhìn như nồi thuốc bắc hơn là nồi canh. Rau khô nên nhìn như xác lá chè. Nước thì có mùi như thuốc và dĩ nhiên là...đắng.

Trưa nay thằng Đoàn nấu cho mình ăn. Thằng Thồn (người giúp việc giáo xứ) vừa ăn vừa nhăn mặt vì đắng. Động viên lắm nó mới húp thêm một chén. Bảo nó là ăn cho khỏe vì nó như thuốc. Mình nói vậy chứ mình chả biết đó là thuốc hay gì. Thấy đắng thì nghĩ phải tốt cách nào đấy.

Thằng Thồn ăn cơm xong thì ngáp lên ngáp xuống mấy lần. Nó nói ăn cái này vào gây buồn ngủ. Mình không biết đó là do nó tự nghĩ ra hay là tác dụng thực sự của rau. Nói chung mình không mấy ấn tượng với cái rau đắng này. Thực ra nó cũng không phải là đắng cho lắm. Có đắng thì cũng chỉ khi ăn, chứ nuốt xuống rồi thì thấy bình thường. Nó không đắng như cái nước đắng mà người ta bán dọc đường ở Sàigon. Uống cái đó thì phải có nước sâm để chữa lửa. Còn canh đắng này thì không cần thiết phải có gì cả.

Hai tuần nữa là nhà thờ mình chầu lượt và ba tuần nữa là mình được về Mỹ thăm gia đình sau thời gian ba năm truyền giáo. Mau thật đấy. Chớp nhoáng cũng ba năm rồi.

Nong Bua Lamphu, ngày 24.7.2009

Tinh thần giới trẻ






Hôm qua mình đưa giới trẻ đi thăm viếng người gia neo đơn ở trong những làng lân cận nhà thờ. Buổi sáng thì đến làng Nong Sawan. Ở đây trưởng làng đã cho một danh sách khoảng 20 người cao niên đang sống một mình. Khi tìm đến nhà của trưởng làng thì ông ta mở máy phát thanh trong làng ra để thông báo cho làng biết là có nhóm giới trẻ đến thăm. Và các cụ cứ xem các bạn như là con cháu đến gặp gỡ trò chuyện. Nhưng đa số các người trong danh sách không có ở nhà vì họ phải đi làm ruộng. Mặc dầu đã cao tuổi nhưng nhiều người vẫn phải tìm cách để mưu sinh sống qua ngày.

Sau khi đi Nong Sawan xong thì nhóm giới trẻ trở về giáo xứ để ăn trưa, nghĩ ngơi một lúc rồi đi tiếp. Chuyến đi buổi chiều chỉ cách nhà thờ vài cây số. Ở đó có hai cụ già, cụ BunSong và cụ Wantha. Cụ Bùnsồng là một cụ già 75 tuổi, là giáo dân trong nhà thờ. Còn cụ Wantha thì ngoài 70 nhưng không phải là giáo dân. Cả hai đều sống một mình. Vì hai cụ ở không cách xa nhau nên nhóm chia ra thành hai. Một nhóm đến nhà cụ Bùnsồng. Một nhóm đến nhà cụ Wantha. Khi đến nơi thì cụ Bùngsồng vắng mặt. Nhưng các bạn trẻ đã chuẩn bị sẵn nào là máy cắt cỏ và dao nên bắt tay vào việc làm vệ sinh khu vườn nhỏ bé xung quanh "căn nhà" của cụ. Nói là nhà nhưng trên thực tế là một cái chòi rất đơn sơ.

Phần cụ Wantha thì có nhà hẳn hoi, tuy cũng khá đơn sơ. Ở đây các bạn trẻ vào nhà mở tất cả các cửa ra để cho ánh sáng vào bên trong. Lúc ấy mới phát hiện ra là có rất nhiều bụi bám khắp nơi trong căn phòng. Chiếc mùng của cụ cũng rất cũ và bẩn. Khi mưa lại bị giột ở một phần của căn phòng. Cụ Wantha phải lấy những cái thau đặt trên sàn nhà để hứng nước.

Thế là một cuộc tổng vệ sinh được thực hiện ở nhà cụ Wantha. Nào là tháo mùng xuống giặt và lau quét nhà. Bụi bay nghi ngút. Sau khi nhóm làm việc bên nhà cụ Bùnsồng xong thì cũng qua nhà cụ Wantha để phụ. Người thì quét nhà, người thì lau tường. Người khác thì dọn dẹp bếp núc và rửa chén bát. Thồn đi mua dụng cụ về để trét cho bớt giột khi có mưa.

Các bạn trẻ làm việc rất hăng say và vui nhộn. Cụ Wantha thoạt đầu luôn miệng từ chối không cần giúp đỡ, nhưng vì các bạn trẻ không chịu để cho cụ từ chối nên cụ cũng vui vẻ để cho mọi người làm gì tùy ý.

Mình nói với cụ rằng: - Cụ đừng có ngại. Cứ xem chúng con như là con cháu. Lúc nào cụ cần gì thì cứ gọi con cháu đến giúp.

Sau khi làm việc xong các bạn trẻ ra về với một số trái dừa mà cụ già cho từ trên cây dừa của cụ. Đó là một ngày sinh hoạt rất vui nhộn và bổ ích cho các bạn trẻ.

Hôm nay các bạn trẻ lại tiếp tục những sinh hoạt tay chân. Buổi chiều mình đưa một số bạn đi chặt tre để trang trí trong ngày lễ chầu lượt của giáo xứ sắp tới. Nơi chặt tre là nhà của bà Khămfằng. Đây là nơi mà trước đây đã tổ chức trại hè giới trẻ.

Khi ở nhà bà thì thấy có một đàn ngan 10 con mới nở. Thế là mình quyết định mua đem về nuôi. Không phải nuôi ở nhà thờ mà là nuôi ở nhà của Kri, một thanh niên trong giáo xứ.

Hôm qua mình bàn với Kri về việc nuôi vịt và ngan. Kri muốn nuôi nhưng không đủ tiền để đầu tư. Kri dự định sẽ mua thêm vài chục con nữa nuôi để kiếm thêm lợi tức. Mình đành nảy ra một ý kiến là hợp tác với Kri nuôi vịt và ngan. Đó là minh đầu tư tiền để làm chuồng và mua những con vịt và ngan con cũng như thức ăn. Phần Kri thì phải chăm sóc nó trong khu vườn của mình. Sau 3-4 tháng thì sẽ đem đi bán. Khi đã trừ tiền vốn rồi thì bao nhiêu lời sẽ chia đôi. Một nữa Kri sẽ giữ. Còn một nữa mình sẽ cho vào quỷ của nhóm giới trẻ.

Vì đây là dự án gây quỷ cho nhóm giới trẻ nên chiều nay mình đã đưa một số bạn trong nhóm đến nhà Kri để làm sạch khu vườn để chuẩn bị cho việc nuôi gia súc. Các bạn trẻ cũng làm việc rất hăng say, đặc biệt là các em trong nhà mồ côi. Thời gian qua, bọn con trai bên nhà mồ côi mà trước đây mình cứ nghĩ là "hết thuốc chữa" giờ đây đã làm cho mình thật bất ngờ. Bọn nó đã phần nào được cảm hóa nên rất ngoan và vui vẻ. Không chỉ bảo gì làm nấy mà còn xung phong làm nữa. Mặc dầu mang trong mình bệnh HIV, nhưng khi các em đến sinh hoạt với mình thì vấn đề HIV không bao giờ được nhắc đến. Mình luôn đối xử với các em như những bạn trẻ khác. Chính vì thế mà các em đã cởi mở hơn và hoàn tòan thay đổi tính tình. Giờ đây Thòm, Boy, và Ômô còn sẵn sàng lên giúp lễ ngày Chúa Nhật mà không hề e ngại. Các em cũng học giáo lý và đi đọc kinh ở tư gia như những bạn trẻ khác.

Mình cảm thấy thật hạnh phúc và không ngừng cảm thấy lạ khi nghĩ rằng chỉ cách đây vài tháng, mình luôn nghĩ về các em với cảm giác bực bội và bất mãn. Giờ đây thì hòan toàn khác. Mình có rất nhiều hy vọng vào chúng nó. Mình tin rằng chúng nó sẽ trở nên những người tự tin và thánh thiện. Chúng nó sẽ không chỉ là những đứa trẻ đáng thương vì là trẻ mồ côi bị nhiễm HIV, mà chính chúng nó sẽ đi giúp đỡ người khác, đi giúp các cụ già neo đơn trong vùng. Chúng nó sẽ thoát ra những suy nghĩ tiêu cực về chính mình và bắt đầu nghĩ tới điều mà mình có thể làm cho người khác. HIV không làm cho chúng ta trở nên vô dụng. Một người mắc bệnh HIV hoàn toàn có thể có một cuộc sống giá trị và có thể giúp đỡ những người xung quanh.

Nong Bua Lamphu, ngày 19.7.2009

Những cuộc gặp gỡ

Cuộc đời là những cuộc gặp gỡ giữa người này với người khác. Những cuộc gặp gỡ lớn bé đó tạo nên những câu chuyện trong đời sống của từng người. Chính vì thế nên cuộc sống mục vụ truyền giáo của mình cũng chỉ là câu chuyện như thế.

Hôm qua mình đi bệnh viện để điều trị vì cổ của mình tuần này thật khó chịu. Không thể ngồi ở computer hơn vài phút vì rất đau và mỏi. Không ngồi ở computer mà cũng cảm thấy khó chịu.

Tại bệnh viện mình nói chuyện với các y tá, trong đó có những ý ta là người mình dạy tiếng Anh vào mỗi chiều thứ sáu. Bác sĩ trưởng khoa hồi phục thân thể là chồng của cô y tá Supraporn, cũng là học sinh của mình. Khi điều trị xong, bác sĩ viết toa thuốc cho mình và không tính tiền. Bác sĩ đưa mình đến phòng thư viện để chờ lấy thuốc và nói chuyện. Mình chia sẻ về dự định tổ chức chương trình giúp người già neo đơn của giáo xứ. Bác sĩ nói nếu vậy thì bệnh viện cũng có thể giúp những người già trong chương trình của giáo xứ.

Mình chia tay bác sĩ về lại xứ. Lúc ấy thằng Đoàn và Thồn đang chuận bị những lá cờ để treo vào ngày lễ lớn hàng năm của giáo xứ. Mình kêu Thồn đi chung với mình đi đưa thiệp mời cho một số người trong phố.

Người đầu tiên là chú Hòa, một người Việt kiều. Ngày trước chú đã không tính tiền mình khi đi mua những ống nhựa để làm cây treo cờ dọc hàng rào nhà thờ. Chú nói muốn đóng góp cho lễ của giáo xứ. Chú là người không theo đạo Kitô giáo.

Sau đó là đi gặp ông Natapong. Ông Natapong cũng là một Việt kiều. Gia đình ông là một trong những gia đình giàu nhất tỉnh. Ông có một cửa tiệm bán xe hơi và nhiều cửa tiệm bán xe Honda, và một khách sạn. Tất cả đều do ông và những người con quản lý. Ông có đạo những không đi nhà thờ. Mình ngồi nói chuyện với ông Natapong một giờ đồng hồ (bằng tiếng Việt). Câu chuyện xoay quanh việc ông đang tham gia vào một hiệp hội doanh nhân Việt Kiều mà thành viên đến từ các nước trên thế giới. Ông sẽ đi Hà nội họp vào đúng ngày lễ ở giáo xứ nên sẽ không đến tham dự được. Ông nói sẽ báo cho gia đình đi.

Sau đó mình và Thồn đến cửa tiệm bán nhạc cụ cũ của anh Wat. Mình trước đây có mua một cây guitar ở cửa tiệm này. Anh Wat không theo đạo Công giáo. Nhưng anh nói đang tò mò muốn tìm hiểu. Anh nói sẽ đến nhà thờ dự lễ để tìm hiểu. Anh cũng hỏi nhiều điều về niềm tin Kitô giáo. Anh nói cảm thấy bất mãn với các nhà sư Phật giáo. Anh Wat bảo lúc nào cần người giúp sửa chữa về điện đóm hoặc ống nước thì hãy gọi cho anh. Anh sẽ giúp không tính tiền. Về vấn đề máy móc âm thanh cũng vậy. Anh nói anh sẽ đến giúp gắn máy trong dịp lễ. Mình mời anh đem đàn tới hát trong bữa tiệc sau lễ. Anh đồng ý sẽ giúp. Anh thích hát những bài hát quốc tế thời xưa. Mình nghĩ thể loại này sẽ phù hợp với các cha và giáo dân.

Anh Wat có vợ hai con, nhưng ly dị rồi. Nhưng anh nói trước đây anh có rất nhiều vợ bé. Anh không ngần ngại nói rằng anh đã từng dẫn họ đi phá thai khi lỡ có bầu. Giờ đây anh không chơi bời nữa. Bây giờ chỉ muốn làm một người tốt. Anh Wat là một đối tượng tốt để theo đạo Kitô giáo nếu anh được hướng dẫn vào đạo một cách nghiêm túc. Anh hiểu nhiều về tội và anh đang tìm một lối sống tích cực. Nói chuyện với anh Wat mình nhận thấy anh ấy rất cởi mở và chân thật, không kiểu cách, có sao nói vậy. Anh ấy có tính rất nghệ sỹ.

Hôm nay mình không đi đưa thiệp mời dự lễ mà đi thăm người già. Người đầu tiên là cụ Chu Sa-ngà. Hai tuần nay không thấy ông đi lễ nên mình lo. Đến thăm thì mới biết ông bị té xe máy nên không đi lại được. Ngày nọ ông đang chạy xe đi chợ thì bất chợt có một con chó chạy ngang trước mặt xe. Ông né không kịp, lao xuống và bị thương trên người. Vì vậy ông phải hồi phục ở nhà.

Sau đó mình ghé qua nhà cụ Bunsong. Cụ Bunsong ở trong một cái chòi rất sơ xác. Nhưng khi đến nơi thì thấy "cửa" đóng. Chủ không có ở nhà. Vì vậy nên ghé qua thăm một bà cự trong xóm. Cụ này mình mới gặp đầu tiên. Đây là một cụ già mà Thồn biết được khi đi liên lạc với trưởng làng để tìm đến những người neo đơn.

Bà cụ ở một mình trong một căn nhà nhỏ với hai cây nhãn thật to. Cây nào cũng đầy trái những không thấy hái bán hoặc hái ăn. Chỉ để vậy. Bà cụ mới đi mổ mắt cách đây không lâu. Bà nói nhiều nhưng mình hiểu ít vì bà nói tiếng địa phương. Nhiều khi mình ngúc đầu mà trên thực tế chẳng hiểu bà nói gì cả. Nhưng khi mình nói tiếng phổ thông với cụ thì cụ hiểu. Chỉ cái cụ không nói được tiếng phổ thông mà phải nói tiếng địa phương. Bất đồng ngôn ngữ là thế đó. Ở đây khi giao tiếp với người địa phương, đặc biệt là người già, 50% những gì họ nói mình như mù. 40% là đoán. Còn 10% là hiểu chắc chắn.

Sau khi đi thăm những người già xong thì ghé qua một tiệm tạp hóa để mua rượu trắng. Lý do mua rượu trắng là để đem về ngâm. Lần trước lên thăm từ Bangkok, cha Tiến Đức có tặng cho một gói đủ thứ thảo dược để ngâm rượu. Thồn bảo hãy đi mua rượu đem về ngâm, khoảng vài tuần sau uống được. Mình cũng nghe theo lời nó. Nó mua 5 chai rượu hết 500 baht.

Tối nay là tối giới trẻ đến nhà thờ tập hát. Có một số đứa không đến được vì bị cảm cúm, nhưng không phải bệnh cúm heo. Cũng may là tụi nó không bị. Ở trường học tụi nó đã có đứa bị mắc rồi. Trường phải đóng của cả tuần khi phát hiện ra có học sinh trong trườmg mắc bệnh H5N1.

Những đứa bị cúm không đến tập hát. Những đứa còn lại đến tập hát không bị cúm nhưng bị HIV. Tối nay toàn là các bạn trẻ bị HIV đến tập hát. Tụi nó tập hát mấy bài sẽ hát trong lễ lớn. Thồn tập hát cho tụi nó. Chỉ có một hai đứa hát được. Con Rất lớn nhất và thông minh nhất trong nhóm thì hát giọng bị ngang. Có đưa đọc chữ chưa thạo. Thằng Thom thì hình như đang bể giọng vì tuổi 14 là tuổi dậy thì.

Giờ này không còn gặp ai nữa. Mình đang ngồi trong phòng ngủ trong sự yên tỉnh. Ngày mai visa một năm của mình hết hạn. Giấy tờ để làm visa mới đang trên đường gởi đến. Năm này visa đến sát ngày. Nếu chậm chút nữa có lẽ phải làm một chuyến đi Lào.

Chuyện gặp gỡ hai hôm nay như thế đó. Gặp đủ thành phần. Giàu có, nghèo có. Khỏe mạnh có, bệnh tật có. Già có, trẻ có. Đời sống truyền giáo được xây dựng trên những cuộc gặp gỡ này. Không có chúng nó thì coi như không có làm truyền giáo.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.7.2009

Vạch một lối đi




Hôm nay mình đã về lại Nong Bua Lamphu sau hai ngày họp tại Sampran. Cuộc họp hai ngày đó đã mở ra cho mình thêm một hướng đi trong công việc mục vụ lâu dài, không chỉ ở giáo xứ mà còn có thể sau này nữa. Càng quen biết nhiều người thì lối đi càng mở ra.

Chiều này anh Ê đã gởi thêm cho mình thông tin về điều mà tổ chức Caritas muốn hướng tới trong việc tổ chức "giáo xứ Caritas". Anh Ê là một nhân viên của hội đồng giám mục Thái Lan làm việc trong lĩnh vực phát triển xã hội. Ê cũng là nhân viên của tổ chức Caritas hiện nay.

Trên đường từ TT Người Gieo Giống nơi diễn ra cuộc họp trở lại Bangkok, cả mình lẫn Ê được một giáo dân cho quá giang. Vì thế mình đã có cơ hội trao đổi với Ê về hoàn cảnh của giáo xứ cũng như những hoạt động trong thời gian qua. Ê tỏ ra ấn tượng với tính chất của giáo xứ và nói rằng sẽ sẵn sàng giúp đỡ và góp ý để xây dựng chương trình Caritas tại giáo xứ. Mình cũng chia xẻ rằng mình rất thích làm việc xã hội và chắc chắn đây là một cơ hội mà mình sẽ không bỏ qua.

Vấn đề bây giờ là vạch ra một chương trình cụ thể phù hợp với đường hướng và mục đích của Caritas Thái Lan để nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức này. Tuy nhiên cũng có những khó khăn như vấn đề nhân sự ở giáo xứ quá ít. Mình chưa có người giúp đỡ công việc thường xuyên. Hội đồng giáo xứ chỉ làm những việc mang tính chất tức thời chứ không thể điều khiển một chương trình lâu dài. Mọi sự rơi vào tay của cha xứ. Nhưng cha xứ thì không thể đảm nhận hết mọi việc. Còn có nhiều việc cha xứ không thể làm được do hạn chế trong ngôn ngữ và những thứ khác.

Vẫn biết có điều không thuận tiện, nhưng mình sẽ làm vì chắc chắn đây là một cơ hội mà nếu mình không tận dụng thì quả thực đáng tiếc. Vì thế phải làm cho được.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.7.2009

Ngày hội thảo

Hôm nay mình tham dự chương trình hội thảo của tổ chức Caritas Thái Lan. Trong giờ hội thảo ban chiều, mình có dịp để chia sẻ với những người trong nhóm về những hoạt động đang diễn ra tại giáo xứ của mình.

Chương trình hội thảo hai ngày khá phong phú. Mình cũng có cơ hội để gặp gỡ với một số nhân vật đang hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội. Hy vọng rằng trong tương lai mình sẽ nhận được sự nâng đỡ và góp ý từ những người này đối với công việc của mình tại NBL.

Nơi tổ chức hội thảo là TT Người Gieo Giống, là trung tâm huấn luyện mục vụ của tổng giáo phận Bangkok. Đây là một nơi rất đẹp và khang trang. Phòng ngủ của mình ở lầu 6 không thua gì một khách sạn sang trọng. Nhìn ra ngoài cửa sổ thấy một hồ nước lớn khá đẹp. TT đầy đủ tiện nghi với hội trường, nhà nguyện, phòng ăn, và nhiều phòng họp.

Sáng nay mình bắt xe đến đây từ Bangkok cũng mất một tiếng rưởi đồng hồ. Đi taxi ra bến xe đò, rồi bắt xe đò đến TT. Rất may là xe đò đưa mình đến tận cổng của TT, là điểm cuối cùng của tuyến đường.

Tối qua mình đi gặp anh T.G. ở chợ đêm Lumpini. Anh T.G. là một nhà báo. Mình ngồi uống bia tươi với anh và trò chuyện về những vấn đề mà cả hai đều quan tâm, vấn đề chính trị văn hóa tại Thái Lan, tại Việt Nam, và cộng động Việt Nam ở hải ngoại. Mình gặp anh T.G. lúc 10h đêm. Khi hai người chia tay thì cũng đã gần đến 12h khuya.

Tối nay mình hứa với bản thân sẽ đi ngủ không quá 10h đêm vì đã hai đêm rồi mình ít ngủ nên cũng phần nào mất sức. Với phòng ngủ đầy đủ tiện nghi của TT thì có lẽ việc ngủ nghĩ sẽ không gặp vấn đề.

Lần họp này thật bổ ích. Mình đã có dịp trao đổi và làm quen với những người làm việc trong lĩnh vực phát triển xã hội. Họ cũng quan tâm đến công việc mình đang làm tại NBL. Nhiều người nhận định rằng giáo xứ của mình quả thật là một giáo xứ “Caritas” vì những công việc đã làm và sẽ làm ở nơi này.

Bangkok ngày 30.6.2009

Đi họp Caritas Thailand

Mình đang ngồi ở sân bay Udon Thani chờ lên máy bay đi Bangkok. Đây là chuyến đi khá bất ngờ vì mình chỉ đặt vé từ ngày thứ năm vừa qua. Trước đó mình nhận được một cuộc điện thoại từ anh Ê tại văn phòng mục vụ xã hội của giáo phận. Anh Ê nói là muốn mời mình đi dự cuộc họp và hội thảo của Caritas Thailand diễn ra hai ngày thứ 3 và thứ 4 tuần này. Cuộc họp được tổ chức tại trung tâm Người gieo giống tại Sampran, cách Bangkok 90 phút lái xe. Sampran là “mini Vatican” của Thái Lan vì ở đây có đại chủng viện, trường thần học, và cơ sở của nhiều nhà dòng cũng như của tổng giáo phận Bangkok.

Lý do mình được mời để tham dự cuộc hội thảo lần này là vì ngày mai có phần liên quan đến mục vụ giáo xứ và phát triển cộng đồng. Anh Ê nói, lý do muốn mời cha là vì ở giáo xứ cha thấy có chương trình mục vụ trong lĩnh vực này khá tốt và rõ rệt. Vì thế cha có thể chia sẻ về lĩnh vực này trong cuộc họp. Thầy Damien, giám dộc TT ĐMHCG cũng được cha Pibun, chủ tịch của Caritas Thailand trực tiếp mời đến để tham dự, nhưng thầy Damien không tiện để đi. Vì thế Damien nhắn rằng, nếu trong cuộc họp có bàn thảo gì về mục vụ HIV/AIDS thì mình có thể đại diện cho TT để chia sẻ.

Mình đã gặp cha Pibun một lần khi ngài đến họp với thầy Damien ở NBL. Lần đó ngài có cầm đọc tờ thông tin liên lạc của giáo xứ, thấy ấn tượng với sinh hoạt của giáo xứ nên ngõ ý muốn chọn giáo xứ làm một trong ba “giáo xứ gương mẩu” của giáo phận Udon trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, mình đã nói với ngài là giáo xứ không dám nhận vì giáo xứ còn rất non trẻ, chưa đủ kinh nghiệm và mục vụ để được vinh dự đó. Ngài trấn an là không sao, cứ đặt ra kế hoạch và làm từng bước theo kế hoạch ấy. Ngài còn giới thiệu giáo xứ đến văn phòng mục vụ xã hội của giáo phận. Chính vì thế mà giáo xứ mình được các cha khác trong giáo phận để ý đến nhiều hơn.

Thứ bảy (27.6.2009) vừa qua mình dẫn nhóm giới trẻ đi dự lễ quan thầy ở nhà thờ chính tòa. Hôm đó Dòng Chúa Cứu Thế Thái Lan cũng tổ chức mừng 60 năm lập dòng tại nước Thái. Các ĐGM và các cha đến rất đông. Giáo dân cũng đến đầy nhà thờ. Chiều về lại giáo xứ mình đã tổ chức họp giới trẻ để chính thức “lập nhóm”. Có đoàn trưởng và thư ký. Thành viên cả thảy khoảng 15 người. Ngoài ra mình còn phổ biến mục đích và tâm niệm của nhóm giới trẻ cho mọi người cũng hiểu biết. Họp xong thì đã có một bữa ăn để mừng ngày chính thức lập nhóm.

Mình rất hãnh diện với nhóm giới trẻ nhỏ bé của giáo xứ. Đa số các em rất nhiệt tình và đạo đức. Các em sinh hoạt hòa đồng với nhau. Mặc dầu có sự bất đồng ngôn ngữ, như các em có tinh thần chia sẻ và thông cảm cho nhau.

Dạo này các bạn trẻ đến nhà xứ sinh hoạt ngày càng nhiều. Chình vì thế nên mình buộc phải phổ biến một số quy luật để giữ trật tự trong nhà xứ cũng như giúp cho bạn trẻ sinh hoạt theo quý tặc hơn. Việc áp dụng quy luật là điều không ưa thích nhưng buộc phải làm để tránh những rắc rối có thể xảy ra khi làm việc với giới trẻ.

Mục vụ ngày càng phát triển và cơ hội làm mục vụ cũng không ít. Tuy nhiên cũng không dễ để tạo ra những chương trình mục vụ khi thiếu tài chánh và người cộng tác. Mình vẫn hy vọng rằng Chúa sẽ gởi một người trẻ, một cựu chủng sinh, hay một vị giáo dân người Thái nào đó, đến giáo xứ để cộng tác và làm việc lâu dài. Nếu có cộng sự thì chắc chắn việc làm việc mụ vụ sẽ dễ dàng và phong phú hơn. Mình cũng tin rằng điều đó sẽ xảy ra. Mình chỉ cần thời gian và sự kiên nhẫn.

Nong Bua Lamphu, ngày 29.6.2009