Nhật ký Chiangmai




Những ngày qua tôi đã có dịp để đi tham quan những danh lam thắng cảnh của tỉnh Chiangmai thuộc vùng bắc Thái Lan, đặc biệt là ngọn núi cao nhất của đất nước là đỉnh Inthanon. Tôi đã được cha Physan, một linh mục dân tộc Pakinyo đưa đi thăm đỉnh núi Chiangdao gần giáo xứ cha phục vụ. Ngoài đi đến những nơi thiên nhiên tôi còn đi vào những bản làng của những người dân tộc, thăm những trẻ em trong trung tâm khuyến học, uống ly rượu với dân làng trong nhà của họ và lưu lại những tấm hình đẹp để kỷ niệm những nơi tôi đã đến. Mặc dầu đã ở Thái Lan hơn 10 năm và cũng đã có một số lần đến Chiangmai với những mục đích khác nhau, nhưng lần này tôi mới thật sự bỏ ra thời giờ để làm một du khách như bao nhiêu người khác đến với sứ xở này.

Mặc dầu Chiangmai là thành phố lớn thứ nhì của Thái Lan, nhưng so với Bangkok thì nó còn rất yên bình và chậm rải trong nhịp sống. Dân số của Chiangmai cũng chỉ một phần nhỏ so với dân số của thành phố thủ đô. Người ở đây tính tình hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Ra khỏi thành phố đi lên vùng núi thì có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và họ cũng hiền lành, chất phác như người dân tộc thiểu số thường gặp ở Việt Nam. Họ cũng uống rượu gạo, ở nhà sàn, mặc những bộ áo quần vải tự dệt bằng những chất liệu khác nhau tìm thấy trong môi trường rừng núi nơi họ đang sống. Ngày lên đỉnh Inthanon, hai bạn trẻ hướng dẫn chúng tôi Mint và Miểu cũng thuộc về dân tộc Pikinyo nên rất thông thạo những nơi đáng đi cũng như đi thế nào cho thuận tiện nhất. Một điều may là vì đi với người địa phương nên ở một vài điểm được giảm giá vé hoặc miễn phí hoàn toàn.

Nhờ vào những người như họ và cha Physan mà chuyến đi của tôi không bị rơi vào tình trạng một chuyến du lịch thuần túy mà còn là dịp gặp gỡ, tìm hiểu, chia sẻ và xây dựng mối tương quan với nhau. Ngay cả người tài xế “xe đỏ” chở tôi đi suốt một ngày hôm qua cũng là bạn thân của cha Physan, một giáo dân có con trai đang theo học tại tiểu chủng viện dòng Tên gần Bangkok. Sáng Chúa Nhật, anh Jo-jo đã chở tôi đến nhà thờ Thánh Tâm để dự lễ trước khi lên đường đi tham quan các địa điểm du lịch.

Một đặc điểm ở nhà thờ tại Chiangmai là thấy có không ít những giáo dân đi lễ mặc áo quần truyền thống của các dân tộc khác nhau. Ngay cả linh mục chủ tế cũng thuộc về dân tộc thiểu số. Điều này phản ảnh tính chất của Giáo hội địa phương nơi không chỉ đa số giáo dân thuộc các dân tộc thiểu số mà đa số ơn gọi tu trì cũng đến từ đồng bào vùng núi. Cũng chính vì thực trạng này nên so với các giáo phận khác tại Thái Lan, Gp Chiangmai thiếu thốn hơn về vật chất, mặc dầu về diện tích thì đây là một giáo phận rất rộng. Giáo hội Thái Lan đang có kế hoạch chia Gp Chiangmai thành 2 giáo phận và đang trong quá trình tìm ra vị giám mục để phụ trách giáo phận mới. Tôi đang hy vọng rằng trong tương lai Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời của tôi sẽ có cơ hội để cộng tác vào sứ vụ truyền giáo ở vùng đất này để tiếp nối công việc mà các nhà truyền giáo Tây phương cũng như địa phương đã thực hiện hàng trăm năm qua.

Tôi vẫn còn lưu lại Chiangmai để tham dự chương trình cắm phòng của hội dòng. Chuyến đi đã kết thúc nhưng tôi vẫn đang phải bỏ ra thời giờ để ôn lại những gì tôi đã nghe, đã thấy, đã trải nghiệm trong những ngày qua. Với những ngày yên tĩnh mà tôi có được chắc chắn tôi sẽ nhìn lại không chỉ những hình ảnh mà tôi đã chụp trên máy mà những gì tôi đã ghi lại trong chính tâm hồn của tôi về cảnh vật và con người ở đây.

Chiangmai, ngày 31.7.2017

Mảnh ghép cuộc đời

Tính cho đến hôm nay tôi đã đến Thái Lan gần 10 năm 6 tháng, một quãng thời gian không hề ngắn. Tôi đã đi nhiều nơi trên vùng đất Phật giáo này, đã gặp gỡ nhiều  người, đã làm nhiều việc khác nhau, tất cả với mục đích để thi hành sứ vụ mà tôi đã chọn cho mình từ ngày tôi có khái niệm trở thành một nhà truyền giáo. Những điều dường như chỉ là ý tưởng mơ hồ và trừu tượng trong thâm tâm của tôi đã được thể hiện bằng những hình thức khác nhau mà bản thân tôi cũng không ngờ rằng đó là những mảnh ghép tạo nên bức tranh cuộc sống của một nhà truyền giáo.

Hơn 10 năm trôi qua, bức tranh cuộc đời của tôi ngày càng trở nên phong phú và mang nhiều màu sắc. Có những mảnh ghép nổi bật vì nó có màu tươi sáng. Nhưng cũng có những mảnh ghép nhỏ bé với những gam màu tối không dễ gì gây sự chú ý của người nhìn. Bản thân tôi rất quý những mảnh ghép nhỏ bé, giản dị này vì chúng tạo nên cái nền cho tất cả những thứ gì được cho là nổi trội trong cuộc sống và việc làm của tôi.  Thực tế điều hình thành và làm nên cuộc sống và sự vụ của tôi không phải chỉ là những gì người khác có thể nhìn thấy bên ngoài, nhưng còn bao gồm những khoảnh khắc riêng tư khi tôi có thể suy nghĩ về cuộc sống, nhìn lại về những gì mình đã và đang làm, và vạch ra một hướng đi cho tương lai. Cái làm nên bản chất con người của tôi còn có cả những điểm thấp trong cuộc sống khi tôi phải chống chọi với những cơn cám dỗ mà không phải khi nào tôi cũng có thể vượt qua được.

Những mảnh ghép của cuộc sống như của một bức tranh có cả điểm tối lẫn điểm sáng, có khi tương phản và đối nghịch nhau, có khi tôn nhau lên để người nhìn cảm nhận được giá trị của cả hai trong tổng thể của một tác phẩm. Tôi vẫn đang vẽ lên bức tranh của cuộc đời mình, vẫn đang phải học hỏi để hòa trộn những gam màu hầu tạo nên những điểm nhấn hợp lý và thú vị. Quan trọng hơn hết tôi đang cố gắng tạo nên một tác phẩm mà khi người khác nhìn vào họ không chỉ tập trung vào màu tối hay màu sáng, mà họ nhận ra ở nơi đó có một câu chuyện về một người đã sống hết mình với một đời người, với một sứ vụ truyền giáo, với những hoài bảo và trăn trở của một tâm hồn biết yêu, biết ghét, biết giận hờn và cũng biết tha thứ.

Bangkok, 20 tháng 7, 2017