Chuyện một bé gái và bốn con tôm


Tối hôm qua mình dẫn hai anh em Ngôi Lời từ Việt Nam đi thưởng thức BBQ Thái (Mủ cả-thả) ở một quán tại quận Bangbon trong thành phố Bangkok. Ở đây đặc biệt có tôm sống còn bơi trong bể. Nhưng quán không thả hết tôm ra một lúc mà chỉ thỉnh thoảng mới thả vào một mớ cho khách vớt. Mình cũng đem rổ và cái dụng cụ để vớt tới đứng bên bể tôm. Nhưng khi  người ta thả tôm vào bể thì những người xung quanh nhanh tay vớt hết. Còn mấy con còn lại trong bể thì mình cũng vớt mãi không được con nào. Khi đó có một bé gái khoảng 8 tuổi đang đứng bên cạnh mình. Bé gái đó thấy mình vớt mãi mà không được con nào nên khi bé vớt được một con thì quay sang cho mình. Mình cảm ơn bé và khen bé vớt tôm giỏi quá. Một lúc sau mình vẫn chưa vớt được con nào, nhưng bé lại vớt thêm một con nữa và cũng đưa cho mình. Thêm lần nữa mình cảm ơn bé và khen bé như lúc nảy. Thế là mình được hai con tôm to đang nhảy trong rổ. Ít phút sau bé gái vớt được con tôm thứ ba và cũng mang đến cho mình. Thấy mấy con tôm cựa quậy trong rổ sợ chúng nó nhảy mất nên mình qua phía bên có đặt những thùng đá để làm cho tôm tê. Khi mình đang nhúng ba con tôm trong thùng đá thì bé gái lúc nảy lại chạy tìm đến mình để cho con tôm thứ tư. Mình thật bất ngờ vì xung quanh bể bơi có nhiều người đang vớt tôm và cũng có những người bất lực như mình trước những con tôm đang bơi lội trong bể. Thế mà mình lại được bé gái ưu ái tặng cho hết 4 con tôm mà bé vớt được.  Một điều đáng ghi nhận là thái độ của bé mỗi lần cho rất vui vẻ và nhiệt tình. Niềm vui của bé không chỉ là vớt được con tôm từ trong bể mà chính là bé có thể cho đi cái mà mình đã tìm được.

Bangkok, ngày 14.10.2017

Nhật ký trên đường về nhà khi mẹ đang hấp hối





Tôi đang trên đường về Hoa Kỳ để gặp mẹ tôi lần cuối. Tôi gặp mẹ chứ mẹ không thể gặp tôi được nữa. Mẹ đã rơi vào cơn hôn mê từ ngày Chúa Nhật sau cú té ở nhà khiến bị chảy máu trong não. Té và rơi vào hôn mê trước khi trút hơi thở cuối cùng là cách mẹ tôi đã “chọn” để kết thúc thời gian hơn hai năm trời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi mà sau này đã lan qua não và cột sống. Bị té cũng là cách đã giúp mẹ phát hiện ra mình bị ung thư. Trong một lần qua thăm chị gái ở Texas, mẹ đã bị trượt chân khi bước xuống cầu thang. Sau đó đi chụp hình thì không phát hiện bị gãy cột sống, nhưng lại phát hiện những dấu chỉ bất thường trong phổi. Thêm những cuộc xét nghiệm tiếp theo đã xác định là mẹ bị ung thu phổi, ở giai đoạn bốn. 

Khoảng 2 giờ sáng ngày thứ hai giờ Thái Lan, tôi nhận được cuộc điện thoại từ chị gái. Chị bảo rằng mẹ sắp đi rồi, hãy sắp xếp mà về. Cuộc điện thoại quá bất ngờ vì trước đây bác sĩ cho biết cuộc sống của mẹ có thể được thêm vài tháng nữa. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những gì sẽ xảy ra, nhưng không ngờ nó đến sớm hơn dự tính của mọi người.  Dĩ nhiên cú ngã đã có phần quan trọng trong việc làm cho sự ra đi của mẹ nhanh hơn. Chiều Chúa Nhật tại Hoa Kỳ bác sĩ cho hay mẹ có thể đi trong vòng vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày, nhưng khả năng kéo dài cả tuần lễ thì chưa tới 1 phần trăm.

Nhưng đến tối hôm qua khi tôi bước lên máy bay để về Hoa Kỳ thì bên nhà cho hay mẹ tôi vẫn đang “ngủ say” lắm. Nói ngủ là vì mẹ tôi vẫn cứ thở đều đều mặc dầu không hề dùng máy trợ thở. Bác sĩ cho hay não của mẹ bây giờ không còn nhận thức được gì nữa. Nhưng mẹ vẫn chưa đi. Chị gái nói hay là mẹ đang chờ tôi về rồi mới chấp nhận buông xuôi. Giờ đây tôi đang ngồi trong sân bay ở Trung Quốc. Ở đây không thể sử dụng các ứng dụng mà tôi hay dùng như Facebook và Line, nên tôi hoàn toàn không thể liên lạc với ai bên nhà. Tôi phải đợi tới khi nào về đến Hoa Kỳ thì mới biết tình hình của mẹ trong lúc này. Nếu tôi về đến nơi mà mẹ vẫn chưa đi thì xem như đã tròn 3 ngày từ khi mẹ rơi vào hôn mê. 

Theo tôi mẹ đã chọn cách đi, có thể nói đúng hơn Chúa đã cho mẹ tôi đi một cách thật tuyệt vời. Những ngày tháng qua khi căn bệnh ung thư ngày càng làm cho sức khỏe của mẹ suy yếu, điều mà tôi và mọi người trong gia đình luôn mong muốn và cầu nguyện là mẹ tôi sẽ không bị quá đau đơn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Khi não bị những tế bào ung thư hoành hành thì nó sẽ không còn điều khiển những công việc căn bản như đi đứng, ăn uống… và mẹ sẽ phải chống chọi với những cơn đau khủng khiếp do ung thư gây ra. Chúng tôi không muốn mẹ phải trải qua những cơn đau đó và chính chúng tôi cũng sẽ vô cùng buồn khổ khi chứng kiến người mình yêu thương phải chịu đựng như vậy.

Chúng tôi đã cầu nguyện không phải để cho Chúa chữa lành mẹ hay kéo dài sự sống của mẹ vì chúng tôi không dám mơ vào một phép mầu như thế, nhưng chúng tôi cầu mong chọ mẹ có  một sự ra đi nhẹ nhàng hơn, là phần thưởng Chúa ban cho mẹ sau cả cuộc dời mẹ hy sinh cho gia đình của mẹ. Và tôi tin rằng Ngài đã đáp lời nguyện cầu của chúng tôi. Tôi tin rằng Thiên Chúa trong sự quan phòng vô biên của Ngài không bao giờ hoàn toàn để bất cứ cho ai phải gánh chịu chỉ sự thiệt thòi, khổ đau mà không ban cho họ những điều cụ thể để giúp chọ họ nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Trong biến cố bệnh hoạn của mẹ tôi và chính trong sự ra đi của mẹ, Ngài đã nhắc nhở chúng tôi về sự hiện diện và bàn tay phù trợ của Ngài giữa khi chúng tôi trong sự yếu đuối đã nghĩ rằng dường như Chúa không chịu ban cho chúng tôi bất cứ điều gì mà những ngày tháng qua chúng tôi đã tha thiết cầu xin. 

            Không thể phủ nhận nỗi buồn sâu xa khi mất mẹ, mất đi người yêu thương mình và mất đi người mình yêu thương nhất trong đời, nhưng tôi tin rằng mẹ tôi sẽ vui hơn và bình an hơn khi mẹ được trở về với Chúa. Trên đường đi cấp cứu lần cuối, mẹ đã rất tỉnh táo nói với chị cả hãy đừng lo lắng gì cả, vì mẹ đã có Chúa có Mẹ. Đó không phải chỉ là lời trăn trối mà mẹ dành cho chúng tôi mà còn là một câu nói xúc tích, ngắn gọn để khẳng định đức tin tuyệt đối của mẹ vào Thiên Chúa là Đấng luôn ban phần thưởng Thiên Đàng cho những ai đặt trọn niềm tin vào Ngài. 

            Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, mẹ tôi đã không nói nhiều, thậm chí ra đi trong sự thinh lặng của cơn hôn mê. Nhưng tôi không cần những lời trăn trối, dặn dò, không cần những bản di chúc dài dòng cũng có thể nhận ra chúng tôi phải sống như thế nào sau khi mẹ đã không còn ở với chúng tôi, không còn là một điểm nương tựa tinh thần cho chúng tôi,  hay là một nhịp cầu để nối kết mọi thành phần trong gia đình lại với nhau nữa. Lời trăn trối của mẹ chính là một tấm gương về cách sống chịu đựng, nhẫn nại và quảng đại trong mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống. 

            Từ này trở đi tôi sẽ không còn được nghe mẹ nói với tôi mỗi lần tôi gọi điện thoại về thăm rằng: “Mẹ mới vừa nghĩ tới con thì con lại gọi.”

            Hay là câu nói “I love you” mà mẹ để lại trong điện thoại mỗi khi gọi mà không thấy tôi bắt máy. 

            Từ này trở đi tôi sẽ không còn được khoe với mẹ những hình ảnh về các sinh hoạt thú vị của tôi trên mãnh đất truyền giáo Thái Lan mà tôi chụp lại và đăng tải lên Facebook nữa. 

            Từ này trở đi những hình ảnh và lời nói của mẹ sẽ trở nên những ký ức mà tôi giữ ở một nơi sâu kín trong tâm hồn và mang theo mình trên mỗi chặng đường mà tôi đi tới trong đời sống ơn gọi của tôi. Vì thế cho dù không còn được thấy hình bóng mẹ, không còn được nghe tiếng mẹ, không còn được tâm sự với mẹ, không còn được đọc kinh với mẹ nữa, nhưng mẹ sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với tôi trong trong ký ức và từ nơi mẹ đã đến sau cuộc hành trình trần thế của mẹ. Và cứ thế mà mỗi lần tôi nghĩ tới mẹ cũng là bởi vì mẹ đã nghĩ tới tôi trước.

Guangzhou, Trung Quốc, ngày 13.9.2017

Nhật ký Chiangmai




Những ngày qua tôi đã có dịp để đi tham quan những danh lam thắng cảnh của tỉnh Chiangmai thuộc vùng bắc Thái Lan, đặc biệt là ngọn núi cao nhất của đất nước là đỉnh Inthanon. Tôi đã được cha Physan, một linh mục dân tộc Pakinyo đưa đi thăm đỉnh núi Chiangdao gần giáo xứ cha phục vụ. Ngoài đi đến những nơi thiên nhiên tôi còn đi vào những bản làng của những người dân tộc, thăm những trẻ em trong trung tâm khuyến học, uống ly rượu với dân làng trong nhà của họ và lưu lại những tấm hình đẹp để kỷ niệm những nơi tôi đã đến. Mặc dầu đã ở Thái Lan hơn 10 năm và cũng đã có một số lần đến Chiangmai với những mục đích khác nhau, nhưng lần này tôi mới thật sự bỏ ra thời giờ để làm một du khách như bao nhiêu người khác đến với sứ xở này.

Mặc dầu Chiangmai là thành phố lớn thứ nhì của Thái Lan, nhưng so với Bangkok thì nó còn rất yên bình và chậm rải trong nhịp sống. Dân số của Chiangmai cũng chỉ một phần nhỏ so với dân số của thành phố thủ đô. Người ở đây tính tình hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Ra khỏi thành phố đi lên vùng núi thì có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và họ cũng hiền lành, chất phác như người dân tộc thiểu số thường gặp ở Việt Nam. Họ cũng uống rượu gạo, ở nhà sàn, mặc những bộ áo quần vải tự dệt bằng những chất liệu khác nhau tìm thấy trong môi trường rừng núi nơi họ đang sống. Ngày lên đỉnh Inthanon, hai bạn trẻ hướng dẫn chúng tôi Mint và Miểu cũng thuộc về dân tộc Pikinyo nên rất thông thạo những nơi đáng đi cũng như đi thế nào cho thuận tiện nhất. Một điều may là vì đi với người địa phương nên ở một vài điểm được giảm giá vé hoặc miễn phí hoàn toàn.

Nhờ vào những người như họ và cha Physan mà chuyến đi của tôi không bị rơi vào tình trạng một chuyến du lịch thuần túy mà còn là dịp gặp gỡ, tìm hiểu, chia sẻ và xây dựng mối tương quan với nhau. Ngay cả người tài xế “xe đỏ” chở tôi đi suốt một ngày hôm qua cũng là bạn thân của cha Physan, một giáo dân có con trai đang theo học tại tiểu chủng viện dòng Tên gần Bangkok. Sáng Chúa Nhật, anh Jo-jo đã chở tôi đến nhà thờ Thánh Tâm để dự lễ trước khi lên đường đi tham quan các địa điểm du lịch.

Một đặc điểm ở nhà thờ tại Chiangmai là thấy có không ít những giáo dân đi lễ mặc áo quần truyền thống của các dân tộc khác nhau. Ngay cả linh mục chủ tế cũng thuộc về dân tộc thiểu số. Điều này phản ảnh tính chất của Giáo hội địa phương nơi không chỉ đa số giáo dân thuộc các dân tộc thiểu số mà đa số ơn gọi tu trì cũng đến từ đồng bào vùng núi. Cũng chính vì thực trạng này nên so với các giáo phận khác tại Thái Lan, Gp Chiangmai thiếu thốn hơn về vật chất, mặc dầu về diện tích thì đây là một giáo phận rất rộng. Giáo hội Thái Lan đang có kế hoạch chia Gp Chiangmai thành 2 giáo phận và đang trong quá trình tìm ra vị giám mục để phụ trách giáo phận mới. Tôi đang hy vọng rằng trong tương lai Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời của tôi sẽ có cơ hội để cộng tác vào sứ vụ truyền giáo ở vùng đất này để tiếp nối công việc mà các nhà truyền giáo Tây phương cũng như địa phương đã thực hiện hàng trăm năm qua.

Tôi vẫn còn lưu lại Chiangmai để tham dự chương trình cắm phòng của hội dòng. Chuyến đi đã kết thúc nhưng tôi vẫn đang phải bỏ ra thời giờ để ôn lại những gì tôi đã nghe, đã thấy, đã trải nghiệm trong những ngày qua. Với những ngày yên tĩnh mà tôi có được chắc chắn tôi sẽ nhìn lại không chỉ những hình ảnh mà tôi đã chụp trên máy mà những gì tôi đã ghi lại trong chính tâm hồn của tôi về cảnh vật và con người ở đây.

Chiangmai, ngày 31.7.2017

Mảnh ghép cuộc đời

Tính cho đến hôm nay tôi đã đến Thái Lan gần 10 năm 6 tháng, một quãng thời gian không hề ngắn. Tôi đã đi nhiều nơi trên vùng đất Phật giáo này, đã gặp gỡ nhiều  người, đã làm nhiều việc khác nhau, tất cả với mục đích để thi hành sứ vụ mà tôi đã chọn cho mình từ ngày tôi có khái niệm trở thành một nhà truyền giáo. Những điều dường như chỉ là ý tưởng mơ hồ và trừu tượng trong thâm tâm của tôi đã được thể hiện bằng những hình thức khác nhau mà bản thân tôi cũng không ngờ rằng đó là những mảnh ghép tạo nên bức tranh cuộc sống của một nhà truyền giáo.

Hơn 10 năm trôi qua, bức tranh cuộc đời của tôi ngày càng trở nên phong phú và mang nhiều màu sắc. Có những mảnh ghép nổi bật vì nó có màu tươi sáng. Nhưng cũng có những mảnh ghép nhỏ bé với những gam màu tối không dễ gì gây sự chú ý của người nhìn. Bản thân tôi rất quý những mảnh ghép nhỏ bé, giản dị này vì chúng tạo nên cái nền cho tất cả những thứ gì được cho là nổi trội trong cuộc sống và việc làm của tôi.  Thực tế điều hình thành và làm nên cuộc sống và sự vụ của tôi không phải chỉ là những gì người khác có thể nhìn thấy bên ngoài, nhưng còn bao gồm những khoảnh khắc riêng tư khi tôi có thể suy nghĩ về cuộc sống, nhìn lại về những gì mình đã và đang làm, và vạch ra một hướng đi cho tương lai. Cái làm nên bản chất con người của tôi còn có cả những điểm thấp trong cuộc sống khi tôi phải chống chọi với những cơn cám dỗ mà không phải khi nào tôi cũng có thể vượt qua được.

Những mảnh ghép của cuộc sống như của một bức tranh có cả điểm tối lẫn điểm sáng, có khi tương phản và đối nghịch nhau, có khi tôn nhau lên để người nhìn cảm nhận được giá trị của cả hai trong tổng thể của một tác phẩm. Tôi vẫn đang vẽ lên bức tranh của cuộc đời mình, vẫn đang phải học hỏi để hòa trộn những gam màu hầu tạo nên những điểm nhấn hợp lý và thú vị. Quan trọng hơn hết tôi đang cố gắng tạo nên một tác phẩm mà khi người khác nhìn vào họ không chỉ tập trung vào màu tối hay màu sáng, mà họ nhận ra ở nơi đó có một câu chuyện về một người đã sống hết mình với một đời người, với một sứ vụ truyền giáo, với những hoài bảo và trăn trở của một tâm hồn biết yêu, biết ghét, biết giận hờn và cũng biết tha thứ.

Bangkok, 20 tháng 7, 2017

11 năm hồng ân

Thế cũng đã 11 năm trôi qua từ ngày mình quỳ gối trước vị giám mục dòng Ngôi Lời để lãnh nhận chức thánh làm linh mục của Chúa. 11 năm hồng ân thật sự vì nếu không phải là hồng ân của Chúa thì mình cũng không biết hôm nay mình có ngồi ở đây để viết xuống những dòng nhật ký này hay không.Hôm nay mình kỷ niệm chặng đường này một cách khá âm thầm bằng những công việc mà mình phải làm trong cuộc sống thường nhật. Hôm nay là ngày cuối tuần nên mình có giờ để sắp xếp nhà cửa, vườn tược. Mình mới dọn đến chỗ ở mới chỉ được hơn một tuẩn nên còn có nhiều việc phải làm để cho nơi ở mới được ngăn nắp, thoải mái, và theo như người Thái nói là “na dụ” (đáng để sống). Việc sắp xếp nhà cửa bên trong lẫn bên ngoài mình đã làm suốt những ngày qua từ khi mình trở lại Thái Lan sau thời gian về Hoa Kỳ để thăm gia đình, đặc biệt là mẹ của mình đang bệnh nặng.

Khi nghĩ về quãng đường 11 năm vừa qua, mình đã liên tưởng đến bài hát của cha Ân Đức, “Đường con theo Chúa”. Bài hát này nói lên khá đầy đủ tâm tình của mình về những gì mình đã có được và những gì mình đã phải hy sinh trên con đường tận hiến. Lời bài hát như sau:

Đường con theo Chúa
có nắng xuân trải lụa vàng
có tiếng chim hót rộn ràng
Có nỗi vui nào nồng ấm mênh mang
Có một tình yêu không nhuốm bụi trần
Ngài đã gọi con theo đời con đẹp bao nhiêu
Chúa dắt con vào nguồn ơn Thánh dịu hiền
Kết giao con bằng một cuộc thần duyên 

Đường con theo Chúa
Chẳng thiếu gian khổ dặm trường
Chẳng thiếu mưa gió mịt mùng
Không thiếu những ngày quạnh vắng cô đơn
Những ngày hồn con tăm tối u buồn
Ngài vẫn gọi con theo Vượt qua ngàn treo leo
Con bước theo Ngài đường thập giá xa vời
Dẫu con chỉ là tạo vật mà thôi 

Con dâng lời ca tán tụng tình Chúa
Bao nhiêu hồng ân vẫn hằng chan chứa
Giúp con kiên trì, khó nguy không nề
Giúp con trung thành một đời dâng hiến
Xin dâng đời con muốn thuộc về Chúa
Xin cho tình con không hề hoen úa
Ước chi con hằng mến yêu không ngừng
Giúp con vun trọn một niềm hiếu trung

Đời con theo Chúa,
Vui với khúc hát nguyện cầu
Ơn nghĩa Chúa quá nhiệm mầu
Xin hiến dâng đời làm lễ hy sinh
Lễ vật toàn thiêu chan chứa ân tình
Hiệp thông cùng Giê-su
Tình yêu đẹp thiên thu
Chiên xóa tội đời, vì thương mến con người
Trái tim khơi nguồn mạch thiêng chảy xuôi

Con dâng lời ca tán tụng tình Chúa
Bao nhiêu hồng ân vẫn hằng chan chứa
Giúp con kiên trì, khó nguy không nề
Giúp con trung thành một đời dâng hiến
Xin dâng đời con muốn thuộc về Chúa
Xin cho tình con không hề hoen úa
Ước chi con hằng mến yêu không ngừng
Giúp con vun trọn một niềm hiếu trung
Ước chi con hằng mến yêu không ngừng
Giúp con vun trọn một niềm hiếu... trung...

Đúng vậy, cho dù trong hân hoan hay trong u buồn, mình vẫn muốn ca ngợi Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho mình những điều vượt xa những gì mình mong đợi và đáng được. Và trong ngày hôm nay mình cũng chỉ cầu xin làm sao mình có thể duy trì một niềm hiếu trung với Chúa, một điều quá đổi khó khăn trước bao nhiêu cám dỗ và yếu đuối trong cuộc sống, đặc biệt khi chức vị linh mục của mình bị coi thường bởi xã hội, bị gièm pha bởi những người xung quanh, và bị lơ là bởi chính bản thân mình.

Bankok, ngày 27.5.2017

Trải nghiệm Ấn độ




Tuần trước mình đi Ấn Độ để tham dự một chương trình hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Á châu về tôn giáo và truyền thông xã hội. Mình tham dự trong vai trò thành viên ban tổ chức cũng như một trong những chuyên gia thuyết trình trong chương trình với chủ đề “Tôn giáo tại Á châu trong thời kỳ kỹ thuật số”.

Đây là lần thứ hai mình đến Án độ. Để đến nơi tổ chức hội thảo ở bang Odissa, mình phải trải qua hai chuyến bay từ Bangkok đến Calcutta, rồi từ Calcutta đến Bhubaneshwar. Nơi tổ chức là trường đại học Centurion.

Một tuần lưu lại đây, ngoài việc tham dự hội thảo, thuyết trình và thảo luận thì mình còn có một vài cơ hội để đi tham quan như đến Ngôi đền thờ Mặt trời được xây từ thế kỷ thứ 12. Ngôi đền thờ Ấn độ giáo này là di tích lịch sử vì nó không còn hoạt động nữa. Mình cũng có dịp đến thăm viện bảo tàng dân tộc, mà dân tộc ở đây là dân tộc thiểu số tại Ấn độ. Ấn độ có rất nhiều dân tộc với nhiều văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Ngay cả trong Ấn độ giáo thì cũng không có sự đồng nhất về niềm tin hay truyền thống. Ấn độ giáo có tới 330 triệu thần thánh khác nhau. Có người chỉ thờ một hoặc một số thần thánh mà họ ưa thích. Nhưng có người thờ luôn cả 330 triệu vị thần. Vì sự đa dạng trong Ấn độ giáo quá lớn nên không thể nói bất cứ điều gì về tôn giáo này mà có thể áp dụng cho mọi người ở mọi nơi.

Khi nói về Ấn độ, ngoài văn hóa và tôn giáo ra thì còn có một đặc điểm mà có lẽ ai cũng biết đó là cà-ri. Như tôn giáo, cà-ri ở Ấn độ cũng đa dạng không kém. Mỗi vùng miền đều có những loại cà-ri đặc thù của họ do mỗi nơi dùng nguyên liệu và công thức phá chế khác nhau. Giáo sư Chandra nói với mình rằng, cà-ri chẳng qua là một hổn hợp các loại gia vị pha trộn với nhau. Tuy nhiên, đối với người Ấn độ để tạo nên những hổn hợp đó phải theo những công thức cụ thể cũng như sử dụng nguyên liệu khác nhau tùy theo vùng miền.

Người Ấn độ dường như ăn cà-ri hằng ngày, không chỉ hằng ngày mà còn dường như mỗi bữa ăn đều có cà-ri.  Có khi cà-ri rau, có khi cà-ri cá, có khi cà-ri gà. Chỉ duy nhất cà-ri bò thì không thấy vì người Ấn độ giáo xem con bò là một loài vật linh thiêng nên không làm thịt nó. Ở ngoài đường tại Ấn độ, mặc dầu đường xá đã rất chật chội vì dân số đông cộng thêm nhiều phương tiện giáo thông, người ta còn thấy có rất nhiều con bò đi trên đường, hoặc nằm trước nhà người dân hay các quán xá.

Một tuần ăn cà-ri tại Ấn độ mình có cảm giác như món nào cũng na ná giống nhau, cả hình thức lẫn mùi vị. Mặc dầu mình đã làm quen với thức ăn Ấn độ từ lầu và thích ăn những món cà-ri, nhưng sau một tuần được cho ăn chủ yếu những món cà-ri khác nhau nên mình đã bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm. Ở Thái Lan mình thường ăn những món tươi sống như rau, củ, quả. Tuy nhiên ở Ấn độ một tuần mà không thấy người ta dọn bất cứ loại trái cây nào. Mình và thầy Chainarong, hiệu trưởng trường ĐH St. John’s tại Bangkok nói với nhau rằng: khi trở lại Thái Lan nhất định là phải thực hiện một quá trình giải độc bằng cách tránh những món thịt và ăn nhiều rau củ quả.

Người Ấn độ không chỉ có thức ăn đặc trưng, thức ăn mà họ chủ yếu ăn bằng tay, giờ giấc ăn uống cũng rất khác người Việt. Tại Ấn độ, có thể đến 9 giờ họ mới ăn sáng, và 14g mới ăn trưa. Vì thế bữa ăn tối cũng rất muộn. Có ngày mình phải đợi tới gần 9g tối mới được ăn. Ăn xong là chuẩn bị đi ngủ luôn. Để thích nghi với thói quen của người Ấn độ không phải dễ dàng nếu đã quen với lối sống của người Việt là thức dậy sớm, dùng bữa sớm, và đi làm việc sớm.

Mình suy nghĩ như thế nào về phong tục tập quán của người Ấn độ thì cũng phải nhận thức rằng mỗi nền văn hóa có những tính chất khác nhau. Người Ấn độ hiện nay chiếm khoảng 1/7 dân số toàn cầu. Người ta ước lượng vài chục năm nữa thì dân số Án độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia có đông dân nhất thế giới. Nền văn hóa và lịch sử thế giới cũng đã chịu ảnh hưởng không ít từ đất nước này vì hai trong các tôn giáo lớn trên thế giới, Ấn độ giáo và Phật giáo bắt nguồn từ vùng đất này. Mặc dầu đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, nhưng người Ấn độ vẫn có một lối sống rất truyền thống, đậm chất văn hóa, lịch sử và con người Ấn. Chính vì thế mà đa số phụ nữ Ấn độ, đặc biệt ở vùng ngoại ô và thôn quê vẫn ăn mặc theo kiểu truyền thống cho dù là ở nhà hay đi ra ngoài. Đến với Ấn độ là một trải nghiệm đầy ấn tượng. Cho dù tích cực hay tiêu cực thì ít ai đến với đất nước và con người ở đây mà không có những cảm nhận nhất định về những gì họ đã nghe, đã thấy, và đã trải qua.

Bangkok, ngày 16.2.2017