Nhật ký từ Hàn Quốc (số 5)


Chuyến đi Hàn Quốc lần thứ 2 sau 6 năm đang chuẩn bị kết thúc khi mình đã có mặt tại sân bay quốc tế Inchoen để chờ lên máy bay tối nay. Mình có mặt ở sân bay sớm vì muốn gửi hành lý cho nhẹ tay rồi tìm một nơi thích hợp để làm việc cũng như trả lời những email còn “tồn đọng” trong hộp thư những ngày qua. 

 

Chỗ ngồi của mình là một góc khá thông thoáng nhìn ra phía các chiếc máy bay của hãng Asiana đang đậu để đón hành khách. Đây cũng sẽ là hãng máy bay mà mình sẽ sử dụng khi trở về lại Bangkok sau hơn hai tuần lưu lại HQ. Nhìn ra phía trước, ngoài những chiếc máy bay và những sinh hoạt của nhân viên sân bay thì mình còn nhìn thấy một dãy núi kéo dài từ trái qua phải. HQ là một đất nước rất nhiều đồi núi. Ngay cả ở Seoul cũng khó lòng tìm được một con đường hay một góc phố bằng phẳng. Có lẽ vì các con đường ở đây luôn có dốc nên trong phim ảnh khi người con trai cỏng một cô gái đang say rượu về nhà thì nó cũng là một sự hy sinh đáng kể. Phải cỏng ai đó trên vai trên con đường bằng phẳng đã khó, phải cỏng trên con đường có độ dốc thì càng khó nhọc hơn.

 

Sáng nay mình đi từ chỗ nghỉ ra sân bay mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ với hai tuyến tàu điện. Sau thời gian lưu lại đây, có thể nói mình đã trở nên khá sành sỏi với việc đi lại bằng tàu điện (dĩ nhiên với sự hỗ trợ của ứng dụng Naver). Mình đã sử dụng hết các phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại HQ – tàu điện nhanh KTX, tàu điện tốc độ vừa ITX, tàu điện metro, xe buýt và xe taxi. Nếu có lần sau tớ HQ chắc chắn mình sẽ không còn bỡ ngỡ mà có thể hoàn toàn tự đi lại mà không cần ai hướng dẫn. Mình cũng phát hiện ra ngườ HQ, mặc dù giới cao niên ít biết tiếng Anh, nhưng người trẻ cũng tương đối giao tiếp được, cho dù khâu phát âm có nhiều vấn đề. Ngày trước khi mình đang chuẩn bị tìm đường đi từ Sangbong tới ga Seoul để lên tàu KTX đi Cheonan thì gói mạng của mình hết hạn. Không dùng được Naver, mình đành phải hỏi đường. Biết người cao tuổi không nói được tiếng Anh nên mình chỉ nhắm vào các bạn trẻ để hỏi. Cuối cùng mình cũng đã tìm tới ga Seoul để kịp chuyến tàu đi Cheonan. 

 

Một số điều đáng nhớ trong chuyến đi HQ:

 

1) Gặp gỡ nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực truyền thông Công giáo, đặc biệt Tổng trưởng Thánh bộ Truyềnn thông của Toà Thánh Vatican.

 

2) Có thêm một người đồng ý sẽ đóng góp bài viết cho tạp chí “Religion and Communication” số 2/2022.

 

3) Gặp gỡ các cha cùng dòng SVD (Cha Sâm, cha Hảo, cha Thạch) và các Cha Khiêm (Inchoen) và Cha Châu (Daegu); Dâng lễ cho 4 cộng đoàn Việt Nam tại HQ (Inchoen, Daegu, Cheonan, Seoul), trong đó có 1 lễ mừng quan thầy Mẹ La Vang và 2 lễ cưới. 

 

4) Đi tham quan các nơi: Nhà thờ chánh toà TGP Seoul, nhà thờ chánh toà Tgp Taeku, nhà thờ Thống hối và Hoà giải ở gần biên giới Bắc Triều Tiên và Nam Hàn và một số địa điểm du lịch thuần tuý.

 

5) Vào bệnh viện một lần vì tai nạn không đáng có.

 

6) Ăn khoảng 15 tô mì ăn liền HQ ở các tiệm tiện lợi khác nhau; uống khoảng 4 chai soju; ăn thịt nướng khoảng 5 lần.

 

7) Đi 1 chuyến tàu KTX, ba chuyến tàu ITX, và hàng chục chuyến tàu metro tại 5 thành phố khác nhau.

 

Nhìn lại thì đây cũng là một chuyến đi đáng nhớ và có nhiều điều để kể, để lưu lại trong ký ức. Tuy nhiên, sau khi trở về Thái Lan từ HQ, mình sẽ phải chuẩn bị cho nhiều việc đang chờ phía trước, đặc biệt là chương trình giảng thường huấn 3 ngày cho một hội dòng mà mình sẽ đảm trách vào cuối tháng 9. 

 

Seoul, ngày 31.8.2022

Nhật ký từ Hàn Quốc (số 4)



Sáng nay mình ra ga Gyeonngsan để trở về Seoul sau 5 ngày lưu lại Daegu. Từ phòng trọ của Q., mình đi bộ khoảng 10 phút tới trạm xe buýt rồi lên tuyến xe 840 đi tới ga Gyeongsan. Việc đi lại ở Hàn Quốc có nhiều thuận lợi vì phương tiện giao thông công cộng rất dồi dào; bên cạnh đó, phí đi đườnng cũnng rất thấp. Ngoài những chuyến tàu đi xuyên tỉnh, vé đi lại bằng tàu điện và xe buýt được ấn định là 1250 won/lần đi bất kể chặng đường. Điều làm cho việc đi lại càng thuận tiện là trong giá vé 1250 won (33 baht) đó hành khách có thể đi cả hai phương tiện giao thông nếu cách nhau không quá 20 phút. Đây là điều chưa từng có ở Thái Lan nơi việc đi lại bằng tàu điện tương đối đắt. Ở Bangkok có hai hệ thống tàu điện—trên cao và dưới đất. Hai hệ thống này hoàn toàn tách biệt nhau và với hệ thống xe buýt. Hành khách phải mua vé riêng cho mỗi phương tiện giao thông. Ngoài ra, phí đi lại cho tàu điện sẽ tuỳ thuộc vào chặng đường đi. Đối với hệ thống tàu điện trên cao BTS, đi một chặng sẽ có phí 16 baht và sẽ tăng dần tuỳ theo quãng đường đi. Mặc dù ở Thái Lan hiện đã có khá nhiều tàu điện chủ yếu tại thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, nhưng không thể nào sánh nổi với hệ thống tàu điện vô cùnng hiện đại tại Hàn Quốc, không chỉ tập trung tại Seoul mà trên toàn quốc gia. 

Người Hàn đi lại bằng xe đạp truyền thống hoặc xe đạp điện cũng tương đối nhiều, nhưng không nhiều bằng ở Nhật. Tại các nơi công cộng đều có điểm gửi xe đạp một cách thuận tiện. Vì đường phố ở đây tương đối rộng rải và ngăn nắp nên đi xe đạp cũng an toàn, không phải tránh né đủ thứ từ người đến vật như tại Bangkok.

Những ngày qua tại Daegu, mình chủ yếu đi lại bằng những phương tiện này. Hôm qua mình cùnng hai bạn trẻ đi tham quan, cầu nguyện tại nhà thờ chánh toà TGP Daegu. Nhà thờ được xây cách đây hơn 100 năm. Mặc dù diện tích nhà thờ cũng như khuôn viên không quá lớn, nhưng nhà thờ nhìn kiên cố và khang trang. Sau khi tham quan nhà thờ chánh toà xong, mình đi qua đường tham quan nhà thờ của giáo phái Trưởng Lão (Presbyterian/Tin Lành). Nhà thờ toả lạc trên một ngọn đồi đối diện với nhà thờ Công giáo. Trong khi nhà thờ Công giáo được xây bằnng gạch đỏ thì nhà thờ Tin Lành được xây bằng đá trắng theo kiến trúc Gothic. Vì nằm ở vị trí cao với nhiều cây xanh trong khuôn viên nên rất mát mẻ. Nhà thờ này được xây chỉ sau nhà thờ chánh toà vài năm, và là trung tâm của giáo phái Trưởng Lão tại vùng Daegu. Ở đây hơn 100 năm trước các nhà truyền giáo Tin Lành từ Hoa Kỳ đã đến và thực hiện sứ vụ truyền giáo tại khu vực này. Ngôi nhà nơi họ cư trú mang kiến trúc Tây và Hàn ở sau nhà thờ hiện được biến thành việnn bảo tàng về công cuộc truyền giáo Tin Lành tại Daegu.

Giáo phái Presbyterian là một trong những giáo phái Tin Lành mạnh nhất tại Hàn Quốc với rất nhiều tín đồ. Thời mình còn học ở Đại học UC Berkelely (California), mình từng có một số bạn học là người HQ cũng thuộc giáo phái này. Họ rất đạo đức, siêng năng đi nhà thờ, học hỏi Kinh Thánh và tham gia những hoạt động tâm linh. Về việc học tập thì họ luôn nghiêm túc và tránh chạy theo lối sống chơi bời, bia rượu. Mặc dù trên thực tế, Phật giáo đã du nhập vào Hàn Quốc từ triều đại Koguryo (thế kỷ thứ 4), và Nho giáo là hệ tư tưởng chính thức trong triều đại Choson (thế kỷ thứ 14 đến 20) nhưng Ki-tô giáo từ khi được giới thiệu cho người Hàn đã trở nên một phần quan trọng trong đời sống tâm linh và xã hội của họ. Khi mình ngồi trên tàu đi xuyên tỉnh cũng như khi đi lại trong các thành phố, mình nhìn thấy rất nhiều ngôi nhà thờ. Ngược lại, những ngôi chùa thì rất ít thấy. Và nếu có thì cũnng thường khá nhỏ và được xây cất ở những địa điểm không có nhiều người qua lại. 

Chỉ còn khoảng 15 phút nữa là chuyến tàu ITX (tốc độ vừa) đi Seoul sẽ khởi hành với thời lượng hơn 3 tiếng rưỡi cho chuyến đi 250 km. Trong những ngày cuối ở Seoul, mình có hẹn gặp gỡ một linh mục trong TGP Seoul cũng là một tiến sĩ về truyền thông. Ngoài ra, mình cũng có hẹn dâng lễ tối thứ bảy tại cộng đoàn Việt Nam ở Cheonan và chiều Chúa Nhật ở Seoul. Những cuộc gặp gỡ này cũng là những điều nằm trong dự kiến của mình khi đến Hàn Quốc để tham dự hội thảo về truyền thông lần này, và là những điều làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa và đáng nhớ.

Daegu, ngày 26.8.2022


Nhật ký từ Hàn Quốc (số 3)



Lại thêm một ngày mưa rơi tại Hàn Quốc, lần này ở Gyeongsan, một thành phố nhỏ cách Daegu khoảng 20km. Trong những ngày đang lưu lại đây sau khi kết thúc chương trình hội thảo, bên cạnh việc đi tham quan một vài thành phố và địa điểm du lịch, mình vẫn phải tìm thời gian để làm việc. Những ngày qua, các tác giả đóng góp bài vở cho số tạp chí tới vẫn liên lạc với mình để gửi bài mà họ đã chỉnh sửa theo yêu cầu của mình hoặc của chuyên gia thẩm định. Tối hôm qua mình còn nhận được một bài tham luận mới từ một học giả Hồi giáo tại Malaysia. Vì thế, mình phải liên lạc các chuyên gia để thẩm định bài viết này xem có đủ tiêu chuẩn để phát hành trong tạp chí hay không.

Vì không thể bỏ bê trách nhiệm nên hôm nay mình quyết định bỏ ra nguyên ngày để làm việc. Tuy nhiên, bên cạnh tìm thời gian để làm việc thì mình cũng cần có một không gian ‘khơi nguồn cảm hứng’ nên khoảng hơn 8g sáng, mình đã lấy chiếc xe đạp của Q. là chủ nhân của căn hộ nơi mình đang lưu lại tuần này để đi tìm tới một quán cà phê trong phố để làm việc. Sau khi chạy xe tới một số nơi vừa để ngắm cảnh vật vào giờ sáng vừa tìm nơi phù hợp để làm việc, cuối cùng mình đã chọn một quán cà phê bên trạm xe điện cách chỗ ở khoảng 1km. Quán cà phê nhỏ được trang trí hoàn toàn bằng bàn ghế màu trắng rất gọn gang, sạch sẻ. Các bức tường cũng hoàn toàn màu trắng. Ngoài những chậu hoa nhỏ được đặt trên các bàn thì không có tranh ảnh trang trí gì trên tường.

Sự tối giản trong cách trang trí quán làm cho không gian nhỏ bé thấy rộng rải hơn. Chủ quán là một phụ nữ ngoài 40 tuổi. Vì ban ngày nên quán không đông khách, thỉnh thoảng mới có người bước vào mua cà phê. Có người uống tại chỗ, có người mua mang đi. Không ai ngồi lâu như mình. Mình ngồi lâu vì phải làm việc trên máy vi tính, chủ yếu biên tập các bài viết cho tạp chí. Có lẽ bà chủ quán thấy mình ngồi lâu nên đột nhiên bà mang tới cho mình một dĩa nho tươi để mời ăn. Bà không biết tiếng Anh còn mình thì không biết tiếng Hàn nên hai bên chỉ có thể ra dấu hiệu để bày tỏ lòng hiếu khách và sự biết ơn. Bà chủ quán xem ra không chỉ tốt bụng và thân thiện đối với mình mà với khách khác cũng thế. Thấy có hai cô gái là khách vào uống cà phê đang ra về mà trơi đang mưa to, hai cô gái lại không có dù, nên bà chủ quán đã chủ động chạy theo đưa cho họ một cái dù. Mặc dù mình không hiểu bà nói gì với hai cô gái, nhưng có thể đoán rằng bà cho dù hoặc cho mượn dù để đi mưa. Hai cô gái rất vui khi nhận được sự quan tâm của bà chủ quán cà phê và nói lời cảm ơn nhiều lần.

Những ngày lưu lại tại Hàn Quốc, mình cũng đã có dịp để gặp gỡ một số linh mục Việt Nam đang làm mục vụ di dân tại đây cũng như những người lao động di dân. Qua những lời chia sẻ của các cha cũng như những anh chị em lao động, mình hiểu biết nhiều hơn về mục vụ cho người di dân Việt Nam trên xứ Hàn, những điều kiện thuận lợi cũng như không ít trắc trở vẫn còn tồn tại trong mục vụ. Qua những tiếp xúc với các anh chị em di dân, mình cũng hiểu sâu sắc hơn về đời sống, công việc, cũng như những thách đố và cạm bẩy khi mưu sinh trên xứ người. Ở Hàn Quốc có không ít người đã từng lao động tại Thái Lan nên đến xứ sở này, mình vẫn gặp được nhiều khuôn mặt quen thuộc, đặc biệt khi tới dâng lễ với cộng đoàn Việt Nam. Có nhiều bạn trẻ khi biết mình đến Hàn Quốc cũng ngỏ ý muốn mình đến thăm cộng đoàn hoặc nơi ở, nhưng các bạn chủ yếu có thời gian vào tối thứ bảy hoặc ngày Chúa Nhật, còn ngày thường thì phải đi làm. Vì điều kiện eo hẹp nên mình chỉ có thể tới vài nơi vào những ngày cuối tuần. Còn ngày thường thì mọi người đều phải thi hành trách nhiệm của mình, kể cả mình cũng thế.

4g chiều, ngồi một mình trong quán cà phê văng khách. Bà chủ quán đang loay hoay một mình phía sau quầy. Ngoài vài âm thanh phát ra từ nơi bà ta đang làm việc thì mình không thấy bà. Loại âm thanh thứ hai là nhạc Hàn đang mở trên giàn loa của quán. Còn âm thanh thứ ba là tiếng xe cộ đang chạy trên còn đường đang đẩm ướt do con mưa kéo dài hang giờ đồng hồ vẫn chưa dứt. Có lẽ mình sẽ còn ngồi đây thêm một lúc nữa vì mình ra khỏi nhà đi bằng xe đạp nên không mang ô đi theo. Dù sao thì ngồi trong một quán cà phê xinh xắn với một chủ quán thân thiện thế này thì cũng không có gì phải than phiền.

Daegu, Hàn Quốc ngày 23.8.2022

Nhật ký từ Hàn Quốc (số 2)

 


Tối nay là tối duy nhất trong những ngày hội nghị mà chương trình kết thúc tương đối sớm. Khoảng 7g tối mình đã dùng bữa xong và có thời gian để nghỉ ngơi. Những ngày qua, chương trình hội nghị dày đặc với những phần tham quan, hội thảo, Thánh lễ v.v. từ sáng tới khoảng 10g tối mới xong. Về phần mình thì sáng hôm qua mình đã hoàn tất trách nhiệm thuyết trình đề tài đã chuẩn bị nên sự áp lực cũng đã không còn nữa. Mình may mắn được xếp lịch thuyết trình trong buổi hội thảo chuyên đề 1 “Cô đơn trong thế giới siêu nối kết”. Sau khi Tổng trưởng Thánh bộ về truyền thông của Vatican phát biểu bài nói chuyện chính thì mình là người tiếp theo ngài Paolo Ruffini. Tiếp theo mình còn có 3 học giả và thêm 2 người được mời để đưa ra lời nhận xét, bình luận. Cả thảy trong mỗi chuyên đề có 7 người tham gia phát biểu. Mỗi ngày có 2 chuyên đề với hình thức tương tự.

Vì số lượng người phát biểu nhiều nên thời gian dành cho phần phát biểu khá dài. Rất tiếc vì điều này nên giờ để thảo luận dường như không có. Đây có thể nói là khuyết điểm lớn nhất của chương trình hội nghị khi ban tổ chức quá “tham lam” về nội dung mà bỏ qua sự thiết yếu của việc trao đổi, tranh luận từ những gì được trình bày. Không chỉ riêng mình mà nhiều tham dự viên khác cũng bày tỏ cảm nghĩ tương tự. Nhiều người chia sẻ họ có những câu hỏi hoặc phản hồi với những bài nói chuyện nhưng dường như không có cơ hội. Cũng may là còn có những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị tron giờ ăn, giờ giải lao để các tham dự viên có thể bàn luận và chia sẻ với nhau về những đề tài trong chương trình.

Điển hình hôm qua, trong giờ ăn trưa, ông Michael Uncland thuộc tổ chức Cameco ở Đức đã ngồi nói chuyện với mình suốt cả giờ ăn (và giờ uống cà phê tiếp theo) về những ý tưởng trong bài thuyết trình của mình. Mình cũng đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ các tham dự viên khác khiến cho mình cảm thấy vui vì đã hoàn tất trách nhiệm tốt đẹp. Mặc dù thời gian cho mỗi bài thuyết trình khá ít nên không thể khai thác các ý tưởng một các chi tiết, nhưng mình cũng đã nêu lên và phác họa những điểm chính một cách có hệ thống khiến cho người ngheo dễ theo dõi và nắm được dòng tư tưởng.

Mình cũng công nhận một điều là từ hôm qua đến nay đã có những bài nói chuyện và tiết mục trong hội nghị vô cùng giá trị, điển hình là bài phỏng vấn và nói chuyện của nhà báo Nga Dmitry Muratov, người đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm trước, hay là bài nói chuyện rất sâu sắc của Tiến sĩ Paolo Ruffini và giáo sư Natasa Govekar từ Thánh bộ Truyền thông Vatican. Cuộc phỏng vấn đạo diễn và diễn viên chính của bộ phim sắp phát hành về cha thánh tử đạo Hàn Quốc An-rê Kim cũng rất thú vị. Nói chung về mặt nội dung thì những ngày qua đã mang lại cho mình thật nhiều món ăn ngon.

Tối hôm nay mình “thư giãn” bằng cách sách ba-lô ra một quán cà phê trong phố cách trường đại học Sogang khoảng 15 phút đi bộ để làm việc. Vì những ngày qua mình bận rộn với chương trình đi lại và hội thảo nên dường như mình không làm được việc gì. Tối nay, mình bỏ ra một ít thời gian để trả lời một số email và làm một chút công tác biên tập cho tạp chí của mình. Mình ở quán cà phê đến hơn 10g tối thì anh chàng nhân viên bắt đầu tắt các đèn trong quán nên mình và hai khách hang còn lại buộc phải đứng dậy ra về. Hai ngày qua thời tiết mát mẻ, trời có nhiều mây nhưng không mưa nên thời gian đi bộ từ quán cà phê về nơi mình nghỉ bên trong trường đại học Sogang rất thoải mái. Ở đây việc đi bộ không giống như ở Thái Lan vì không phải tránh né đủ thứ ‘chướng ngại vật’ trên lề đường như xe cộ, người bán thức ăn đường phố hoặc các món đồ khác. Đến các ngã tư có đèn đỏ thì mọi người tuân theo luật giao thông, chỉ băng qua đường khi có dấu hiệu cho phép. Về phần xe ô-tô cũng luôn tôn trọng người đi bộ và không bao giờ cua xe ngay trước mặt người đang đi qua đường. Lề đường tương đối rộng rải, chỉ mỗi việc người Hàn Quốc hút thuốc khá nhiều và hay quăng tàn thuốc trên đường phố nên phần nào làm giảm đi vẽ đẹp của cảnh vật cũng như tính văn minh của người Hàn.

Ngoại trừ Nhật Bản, ở Hàn Quốc là nơi thứ hai mình thấy dường như tất cả những người làm nghề lái xe taxi là tuổi U60 trở lên. Có lẽ người trẻ không mấy hứng thú với những công việc vất vả như vậy nên chỉ còn người cao tuổi vẫn cần mưu sinh kiếm sống mới chịu làm. Mà cũng vì hầu hết người lái taxi là người cao tuổi nên dường như không ai biết nói tiếng Anh. Khi lên xe muốn đi tới một nơi nào đó cũng không dễ gì truyền đạt cho họ hiểu đích điểm. Ngay cả khi đưa cho họ xem điện thoại có địa điểm viết bằng chữ cái Latinh thì họ cũng không đọc được vì họ chỉ đọc được chữ Hàn. Chính vì thế mà mình đã mấy lần phải chấp nhận cuốc bộ 30-40 phút để đi lại vì không thể nào nói cho tài xế hiểu nơi mình muốn đi. Tuy nhiên, đối với những người hiểu được và nhận cuốc đi thì họ luôn dùng định vị để hỗ trợ. Điều này hoàn toàn ngược với tài xế taxi tại Thái Lan, họ hầu hết không dùng định vị và chủ yếu dựa vào trí nhớ để tìm đường.

Giờ mình đã trở lại phòng và có thêm một chút thời giờ để viết vài dòng nhật ký để ôn lại một số trải nghiệm trong những ngày qua. Ngày mai chương trình hội nghị lại tiếp tục và còn hứa hẹn nhiều thứ sẽ làm cho mình phải quan tâm lắng nghe cũng như suy tư, học hỏi.

Seoul, ngày 17.8.2022

Nhật ký chuyến đi Hàn (#1)


Sau 6 năm mình trở lại Hàn Quốc, lần này cũng trong khuôn khổ của một chương trình hội nghị. Năm nay hội nghị về truyền thông do SIGNIS tổ chức 4 năm một lần sẽ diễn ra trong tuần tới tại Seoul. SIGNIS là một tổ chức truyền thông Công giáo có chi nhánh trên toàn thế giới. Chữ SIGNIS được ghép lại từ hai từ SIGN (dấu chỉ) và IGNIS (Latinh, có nghĩa là lửa).

Lý do mình đến tham dự hội nghị là vì mình được ban tổ chức mời để thuyết trình về đề tài “Cô đơn trong một thế giới siêu nối kết”. Mình là một trong 3 người được mời để thuyết trình đề tài này cho buổi hội thảo thứ nhất của chương trình. Những ngày khác thì sẽ có những đề tài khác cho các thuyết trình viên.

Sáng hôm qua chuyến bay Asiana Airlines đã hạ cánh tại sân bay Incheon lúc 5 giờ sáng. Sau đó mình tiến hành làm các thủ tục nhập cảnh, và khoảng 30 phút sau thì mình đã có mặt ở cổng số 1 để gặp cô Mikaella là thành viên của ban tổ chức hội nghị. Mình là người đầu tiên trong danh sách đón người ở sân bay sáng hôm qua. Sau đó còn có thêm đoàn từ Ấn độ và các nước khác.

Hàn Quốc vẫn yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm Covid-19 trong ngày đầu tiên đến đất nước nên mình đã sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại sân bay một cách nhanh chóng và thuận tiện. Mình chỉ mất khoảng 10 phút để làm các thủ tục xét nghiệm và chờ kết quả qua email.

Vì chương trình hội nghị ngày 15 mới chính thức bắt đầu nên hôm qua và hôm nay mình đã có thời giờ để đi tham quan một số địa điểm trong thành phố. Hôm qua một bạn trẻ tên Song, quê Hà Tĩnh từng lao động tại Thái Lan đã đón mình ở sân bay và làm hướng dẫn cho mình tới những điểm tham quan trong thành phố như nhà thờ chánh tòa của Tgp Seoul, một ngôi chùa Phật giáo trong thành phố, làng truyền thống và phố đi bộ mua sắm, v.v.

Hôm nay mình không đi tham quan vì phải tới trường đại học Sogang để làm thủ tục đăng ký tham dự hội nghị và nhận phòng. Trường đại học Sogang thuộc dòng Tên khá rộng lớn tỏa lạc ở chân đồi trong nội thành. Sau khi nhận phòng xong, mình chuẩn bị để đi dâng lễ cho một nhóm Việt Nam tại Incheon cách Seoul khoảng 45 phút lái xe. Hôm nay nhóm Incheon mừng lễ quan thầy nhóm là Đức Mẹ La Vang, đồng thời mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Qua hai bạn Tiến và Chương (quê Hà Tĩnh) cũng từng làm việc tại Thái Lan trước đây, mình được mời đến cùng đồng tế trong Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa.

Đây là lần đầu tiên mình được dâng lễ cho người Việt tại Incheon và lần thứ hai tại HQ. Lần thứ nhất là năm 2016 khi mình có dịp dâng lễ cho nhóm Việt Nam tại Seoul. Vì hôm nay là lễ mừng quan thầy nhóm nên Thánh lễ được tổ chức rất long trọng với sự hiện diện của cha xứ thuộc dòng Phanxicô, hai thầy đang học ở ĐCV Giáo phận Incheon và một số nữ tu người Việt. Phần thánh nhạc cũng được ca đoàn chuẩn bị công phu và thể hiện rất hùng hồn. Dường như ở Thái Lan ca đoàn của một nhóm khó có thể tập dợt và thể hiện những bài Thánh ca trong một Thánh lễ trọng tốt như vậy.

Thánh lễ có số người tham dự từ 250-300 người. Ngoài các thành viên của nhóm còn có thêm đại diện từ các nhóm bạn đến từ các giáo phận khác. Cha Phê-rô Khiêm, một vị linh mục trẻ thuộc Giáo phận Đà Nẵng qua phục vụ tại Hàn Quốc là một linh mục vui vẻ, hoạt bát và nhiệt tình. Cuối Thánh lễ, cha xứ cũng có những lời phát biểu bằng tiếng Hàn được thầy Toàn dịch qua tiếng Việt rất tâm tình. Qua những chia sẻ của ngài có thể nhận thấy ngài có tinh thần mục tử với những con chiên đang sinh hoạt trong giáo xứ của ngài.

Sau Thánh lễ mình tiếp tục lưu lại để liên hoan với các anh chị em trong nhóm. Được biết vì các nhà hàng thuận tiện cho người Việt tổ chức liên hoan có không gian hẹp nên phải chia ra thành bốn địa điểm khác nhau. Vì thời gian không cho phép nên mình chỉ có thể tham dự liên hoan ở hai địa điểm. Mặc dù các bạn rất muốn mình tới chung vui với hai nhóm còn lại, nhưng mình đành phải hẹn một dịp khác để có thể về lại trường đại học Sogang để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những sinh hoạt của hội nghị bắt đầu từ thứ hai.

Chỉ mới bước tới Hàn Quốc hơn một ngày, nhưng mình đã có những kỷ niệm đáng nhớ. Chắc chắn nhưng ngày tới sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa, đặc biệt là những điều diễn ra trong hội nghị là mục đích chính yếu cho chuyến đi đến Hàn Quốc lần này.

Seoul, ngày 14.8.2022

Chuyện ở tiệm hớt tóc



Hôm nay mình trở lại tiệm hớt tóc quen thuộc có tên Cozy Cutz bên trạm xe điện đại học Kasetsart để cắt tóc chuẩn bị cho chuyến đi xa nhiều ngày. Như mọi khi, người cắt tóc cho mình là anh chủ tiệm tên Jak. Anh Jak là một người vui vẻ, điềm tính và hoạt bát, luôn luôn vừa hớt tóc vừa trò chuyện với khách. Tiệm tóc của anh được trang trí theo phong cách hoài niệm (vintage) với những hình ảnh và nội thất từ những thập niên 70/80/90. Mặc dù mang âm hưởng thời trước, nhưng đối tượng khách hàng tới cắt tóc có cả người đứng tuổi cũng như các sinh viên đại học của trường Kasetsart.

Từ trước đến nay cắt tóc mình chưa gặp thợ cắt tóc nào say xưa nói chuyện như anh Jak. Tuy nhiên, anh cũng rất để ý đến chi tiết khi cắt tóc nên một đầu tóc cũng mất không dưới 45 phút mới xong. Lần trước cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của công nghệ thông tin kỹ thuật số trên đời sống người trẻ và gia đình. Anh có một đứa con gái ở tuổi teen nên anh rất quan tâm về những gì mình chia sẽ với anh trong vấn đề này.

Hôm nay mình chia sẻ với anh Jak về sự khác biệt giữa Công giáo và Tin Lành. Vì Thái Lan là một đất nước mà người theo đạo Phật giáo chiếm khoảng 90% nên người dân thường không hiểu rõ về sự khác biệt giữa các phái giáo Ki-tô giáo. Vì thế mà nhiều người Thái thường dùng những thuật ngữ nói về phái giáo Tin Lành khi đề cập đến Công giáo. Mình cũng nói cho anh Jak biết về một số biểu tượng quan trọng trong đạo Công giáo, đặc biệt là tràng hạt Mân Côi. Anh Jak nói đã từng thấy tràng hạt trong phim ảnh, nhưng chưa hiểu rõ về ý nghĩa và mục đích của nó.

Sáng nay, cha Hùng nói với mình sắp tới sẽ có linh mục người Việt thuộc dòng Phan-xi-cô khó nghèo đến Thái Lan tham quan và muốn tìm hiểu về công cuộc đối thoại liên tôn tại Thái Lan. Dĩ nhiên ở đây cũng có nhiều tổ chức được thành lập để thực hiện việc đối thoại liên tôn ở cấp các lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng. Tuy nhiên, đối thoại liên tôn không phải chỉ là một hoạt động dành cho giới chuyên môn, mà một điều có thể làm ở trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống. Đối thoại liên tôn có thể diễn ra ở nơi làm việc, ở trên sân bóng đá, ở trong tiệm hớt tóc…

Quan trọng là chúng ta tìm những cơ hội để chia sẻ về niềm tin tôn giáo của mình cũng như những thông tin về tôn giáo để giúp người khác có thêm hiểu biết và nhìn nhận chính xác hơn về tôn giáo của mình. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự cảm thông và tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo, hơn thế nữa, giữa các tín đồ với nhau. Tuy nhiên, một điều quan trọng là khi nói chuyện với người khác tôn giáo, chúng ta cần phải tuyệt đối không nói xấu về một tôn giáo thứ ba như

là một cách để gây thiện cảm giữa chính mình với người đối phương. Thực sự không bổ ích gì khi yếu tố mà hai người hoặc hai tôn giáo xích lại gần với nhau chỉ vì cả hai đều có ác cảm với một người/tôn giáo thứ ba. Điều này hoàn toàn phản tác dụng cho công cuộc xây dựng hòa bình và sự hòa hợp giữa các dân tộc và tôn giáo. Trong xã hội, người ta trở nên đồng minh vì họ chống lại cùng một kẻ thù. Mục đích của đối thoại nói chung, cách riêng đối thoại liên tôn, là để cho mọi người có thể trở nên đồng minh (anh em) với nhau.

Bangkok, ngày 11.8.2022


Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với bạn trẻ lương dân tại TT Central World

 

Những ngày qua mình có dịp đón tiếp một người anh em linh mục đang phục vụ tại Hoa Kỳ đến Thái Lan thăm nhân dịp chuyến đi công tác tại Việt Nam. Hôm qua, mình đưa ngài đến Trung tâm Central World --một trong những TT mua sắm lớn và nổi tiếng nhất Bangkok -- để gặp một số giáo dân để ăn trưa. Mình đến nơi sớm nên đã đưa ngài đi dạo trong khu vực phía trước trung tâm để tham quan những ngôi miếu thờ các thần Ấn độ giáo Brahma và Ganesha. Mặc dù Thái Lan là một đất nước Phật giáo, nhưng các vị thần Ấn độ giáo, đặc biệt vị thần có đầu voi vẫn được người dân Thái rất mến mộ. Hai ngôi miếu trước TT Central World luôn được nhiều người dân đủ lứa tuổi tới dâng cúng hoa, nhang, thức ăn và thức uống để cầu khẩn sự giúp đỡ của thần thánh với những nhu cầu trong cuộc sống. Vì đây cũng là nơi có nhiều khách du lịch lui tới nên không chỉ có người địa phương tới xin ơn mà còn có không ít du khách cũng làm như vậy. Khác với các nước khác, đặc biệt phương tây, việc người ta đặt những đền thờ Phật hoặc các vị thần thánh trước những trung tâm mua sắm, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục…là một hình ảnh quen thuộc trong xã hội tại Thái Lan, nơi mà chiều kích tâm linh vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường nhật của người dân.

Sau khi tham quan các ngôi đền thờ xong, mình đưa cha khách qua khu vục bán thức ăn đường phố trước trung tâm. Ở đây có bán nhiều món ăn quen thuộc của người Thái như xôi xoài, thịt nướng, xúc xích, sôm-tằm, tôm-yum kung, v.v. Mặc dù nhìn nhiều món hấp dẫn, nhưng vì có hẹn dùng trưa với giáo dân nên đành phải để bụng cho bữa ăn. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị bước ra khỏi khu vực bán thức ăn để vào bên trong TT thì bổng nhiên một bạn gái đang bán tại quầy hàng nước mía/nước bơ nhìn mình và hỏi: - Dạ có phải cha không ạ?

Mình trả lời: - Đúng rồi. Con biết cha hả?

Bạn gái trả lời: - Dạ con chỉ biết cha qua mạng. Nhìn thấy giống giống nên con hỏi.

- Ô vậy hả? Thế con que ở đâu?

- Dạ, con quê ở Trại tiểu.

- Vậy là thuộc giáo xứ Phương Mỹ phải không?

- Dạ. Nhưng con không phải bên giáo cha ạ.

Cô bạn gái không có theo đạo Công giáo. Chồng cô cũng là người bên lương. Nhưng bạn gái ấy chia sẻ với mình rằng, bạn luôn đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Bạn còn lôi từ trong túi ra hai bộ tràng hạt, một bộ màu trắng, một bộ màu xanh. Mặc dù đi bán hàng, nhưng bạn vẫn đưa tràng hạt theo trong người. Mình nhìn trên cổ tay của bạn cũng có một vòng đá có hình ảnh Chúa.

Cô bạn gái chia sẻ. “Con không theo đạo nhưng con rất tin vào Chúa. Và con cũng đã được rất nhiều ơn. Những người khác con biết không phải bên giáo nhưng xin ơn vẫn được cha ạ.”

Nghe người bạn trẻ chia sẻ về niềm tin của mình, mình chợ nhớt đến những lần Chúa Giê-su chữa lành những người bệnh tật với lời khẳng định rằng, “Đức tin của con đã chữa lành con.”

Thực ra, đức tin là điều không chỉ dành cho chỉ riêng một cá nhân hoặc nhóm người nào đó. Ai cũng có thể có đức tin, kể cả một người sống trong một gia đình ngoài Công giáo. Nhưng họ đã mở lòng đón nhận Chúa vào trong đời sống và tâm hồn của họ. Nhờ vậy mà họ cũng là một ‘tín hữu’ theo một cách nhìn nào đó. Ngược lại, những người được cho là ‘tín hữu’ thực thụ thì lại nhiều khi còn yếu kém về lòng tin vào Chúa.

Thấy bạn trẻ yêu mến tượng ảnh Chúa, mình muốn tặng bạn ấy một món đồ để làm kỷ niệm. Nhưng khi nhìn vào bao vải của mình thì không có gì về tôn giáo cả, chỉ mấy món đồ như ví tiền, chìa khóa xe, điện thoại. Cũng may trên bao vải của mình có gắn một móc treo chìa khóa có hình Chúa Giê-su mà một giáo dân người Thái vừa mới tặng mình cách đây 3 ngày. Mình liền tháo ra rồi tặng cho người bạn trẻ.

Mình và cha bạn đứng nói chuyện một hồi để tìm hiểu thêm về công việc của cô bạn trong thời điểm Thái Lan đang mở cửa lại. Nhận thấy vẫn còn rất nhiều thách đố. Tuy nhiên, cô bạn trẻ và chồng mình dường như đang làm tốt để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Cô bạn gái mời mình và cha bạn uống nước bơ, nhưng vì đang để bụng ăn trưa nên không uống, nói sẽ trở lại sau khi ăn trưa xong. Tuy nhiên, sau đó vì phải gấp rút đi nơi khác nên mình đã không trở lại gian hàng của cô gái Việt Nam bán nước mía trước trung tâm mua sắm.

Trong thờ buổi kỹ thuật số này, công nghệ thông tin giúp cho người ta biết tới nhau trên mạng; nhưng chỉ khi nào mình thực sự đi ra ngoài nhà của mình mới có được những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng vô cùng thú vị, giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa và màu sắc.

Bangkok, ngày 8.10.2022