Giao thừa

30 Tết. Hôm nay mình dâng lễ cho cộng đoàn Việt Nam tại Bangkok. Thánh lễ có ít người đến tham dự vì nhiều bạn trẻ đã về quê ăn Tết. Thánh lễ diễn ra ở nhà thờ St. Louis trên đừng Sathon, gần tòa khâm sứ. Mình chủ tế và đổng thời giảng lễ. Cha Chalerm đồng tế với mình.

Thánh lễ hôm nay cũng có một số người Thái trong giáo xứ đến tham dự. Họ rất tốt. Một người còn đãi thức ăn nhẹ sau lễ cho các bạn. Một số giáo dân người Thái biếu mình tiền khi biết mình đến từ xa để dâng lễ.

Mình về lại NBL được hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Mình hơi mệt và cần nghỉ ngơi. Nhưng mình đã hẹn với các bạn trẻ Việt Nam đón giao thừa ở giáo xứ nên cũng phải cố gắng. Bây giờ trong nhà mình đã có khoảng 10 bạn. Bọn nó đứa thì đang chuẩn bị thức ăn, đứa thì đang hát karaoke.

Tết thì ai đi xa cũng nhớ đến nhà. Mình cũng tạo ra niềm vui Tết cho các bạn để vơi đi nỗi buồn phần nào. Tiếc là mấy ngày qua mình không khỏe, mà phải đi nhiều nên tối nay hơi xìu. Dù sao đi nữa thì Tết cũng đến, và những ngày cuối năm mình gặp được rất nhiều điều may mắn nên mình cũng có nhiều lý do để vui và dâng lời tạ ơn Chúa.

Nong Bua Lamphu, ngày 13.2.2010

Mình đã nhận được những món quà quí giá


Những ngày qua mình cảm thấy Chúa ban cho mình rất nhiều hồng ân một cách rất tuyệt vời. Trong chuyến đi Bangkok từ tối thứ ba mình đã gặp nhiều điều rất đặc biệt mà mình không hề nghĩ đến.


Tối thứ ba mình được đón từ sân bay bởi cô Tú và cô Mồn. Cô Mồn là một người Thái mà mình đã từng gặp năm ngoái khi về thăm gia đình tại Hoa Kỳ. Hiện nay cô đang về Thái Lan để lo chuyện gia đình. Mình đi Bangkok được cô đón tiếp và giới thiệu đến những người mà cô quen biết. Gia đình đầu tiên mình được biết đến là gia đình của cô Amara, một gia đình người Thái gốc Hoa. Cô Amara có hai người con, anh Paw 35 tuổi và Jing là 32 tuổi. Cả gia đình vô cùng đạo đức, trong nhà trưng bay vô số tượng anh Chúa Mẹ. Và cả gia đình đều làm việc để phổ biến đạo Công giáo. Anh Paw and Jing có công ty làm truyện tranh, và những truyện tranh ấy lấy cảm hứng từ Kinh thánh. Hai anh chị còn dựng một diễn đàn Công giáo để giới trẻ có thể bàn thảo về vấn đề tâm linh. Đây là trang web Công giáo được nhiều lượng truy cập.

Tối qua cô Mồn và cô Amara lại dẫn mình đi Sampran để gặp hai vợ chồng chị Sí và anh Ươn. Chồng người Thái gốc Việt đến từ Chanthaburi. Chị thì người Thái gốc Hoa. Anh là người Công giáo từ thời xa xưa. Chị là đạo theo. Hai vợ chồng rất khá giã. Họ có một căn nhà thật to bằng gỗ được xây theo kiểu truyền thồng Thái bên cạnh một con sông. Trong nhà có một nhà nguyện trưng bày rất nhiều tượng ảnh Công giáo từ thời cổ. Hai vợ chồng rất sùng đạo. Chị Sí là người tự bỏ ra hàng triệu baht mỗi năm để phát hành hàng chục nghìn cuốn sách và CD những bài suy niệm Phúc Âm ngày Chúa Nhật năm A,B,C mà chị tự viết. Những cuốn sách và CD đó chị gởi đi khắp nơi nước Thái để biếu tặng từ những người nỗi tiếng đến người vô danh. Nhờ công trình này mà chị đã làm cho nhiều người trở lại đạo.

Sáng hôm qua mình gặp cô Piyada qua một người quen. Mình hẹn cô lúc 8h30 trước nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Cô Piyada biếu cho mình một cây guitar của cô để dùng cho việc dạy guitar cho các bạn trẻ trong giáo xứ tại NBL. Piyada là một tiến sĩ Á Châu học. Hiện nay cô đang nghiên cứu tại Nhật bản và đã lập gia đình ở Nhật. Cô về Thái lần này là để thăm gia đình. Sau khi nghe một người bạn, Manida nói về mình, cô đã liên lạc với mình để tìm hiểu thêm một vụ truyền giáo và ủng hộ cây đàn. Manida cũng đã tìm cho mình thêm một cây đàn từ người bạn của cô. Thế là lần đi Bangkok này mình được thêm hai cây đàn bên cạnh hai cây đàn guitar hiện đang có ở NBL để dạy cho các bạn. Lớp dạy guitar mỗi sáng Chúa Nhật chắc sẽ thú vị và tiện lợi hơn rất nhiều.

Sau khi gặp cô Piyada xong, mình đã có một cuộc họp với nhóm giáo dân làm việc hỗ trợ cho việc truyền giáo. Đây là cuộc gặp gỡ mà mình đã mong đợi từ lâu và và là một dịp vô cùng đặc biệt cho mình vì nhóm này đã vận động để giúp cho mình có một chiếc xe để xử dụng cho công việc truyền giáo. Tuy không phải là xe mới nhưng xe vẫn còn rất tốt và được bảo trì lại cho mình. Trong một chuyến đi Bangkok cuối năm ngoái, tình cờ mình gặp được hai thành viên trong nhóm hỗ trợ truyền giáo. Mình đã chia sẻ với hỏ về khó khăn của mình vì không có xe để đi lại và sinh hoạt. Từ đó họ đã tìm cách giúp mình và hôm qua mình đã được giao chìa khóa để có một chiếc xe để dùng. Ân nhân của chiếc xe này là bà Surat, một người rất giàu có tại Bangkok. Gia đình của bà có một căn nhà biệt thự lớn trên đường Sukhumvit. Việc kinh doanh của gia đình là bán xe Toyota. Bà cũng là một thành viên trong nhóm giáo dân hỗ trợ truyền giáo.

Hôm qua bà Surat đã mời mọi thành viên trong nhóm cũng như một số khách khác đến nhà bà để ăn trưa mừng Tết. Ở đây mình đã có dịp chứng kiến sự khá giả của gia đình. Mình cũng đã có dịp đứng lên chia sẻ và nói lời cám ơn với cả nhóm vì đã tận tình giúp đỡ mình. Thật ra trong lúc phát biểu mình đã rất cảm động vì mình không ngờ sẽ nhận được sự nâng đỡ lớn lao một cách nhanh chóng như thế.

Chuyến đi lần này mình đã được rất nhiều điều tốt. Mình đã quen biết thêm được nhiều người đạo đức và tận tình. Và mình cũng đã nhận được sự nâng đỡ cho việc truyền giáo. Những điều này làm cho mình rất vui, mặc dầu sức khỏe của mình bây giờ không được tốt vì mấy tuần này bị cơn ho hành hạ mà không chịu dứt. Sáng nay mình sẽ đi bệnh viện để tìm sự giúp đỡ của bác sĩ.

Bangkok, ngày 11.2.2010

Làm chương trình radio Công giáo

Thế là nguyện vọng thực hiện một chương trình radio Công giáo trong vùng cũng đã trở nên hiện thực. Với chỉ 1000 baht một tháng, mình được giờ phát sóng mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ vào lúc 8h tối. Đây là một thời giờ khá tốt. Chủ của đài phát thanh là một thầy giáo tên Num Lamphu. Ông ta là người rất thanh lịch và hiền hòa. Mặc dầu không phải là người Công giáo, nhưng ông tỏ ra rất cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ để tạo điều kiện có chương trình phát thanh.

Vấn đề tìm ra đài phát thanh và một giờ phát sóng thích hợp không còn là vấn đề nữa. Vấn đề quan trọng là làm sao chương trình có nội dung hay, phù hợp với đối tượng thính giả là người Phật giáo vì trong tỉnh của mình số người Công giáo rất ít. Vì thế chương trình phải nhắm tới người Phật giáo.

Hiện nay mình đang xử dụng một phần của chương trình radio Công giáo được thực hiện bởi Văn phòng truyền thông Công giáo của HĐGM Thái Lan. Tuy nhiên mình không hài lòng hoàn toàn với chương trình do nó mang tính chất quá….Công giáo. Có nghĩa đối tượng chính của chương trình không phải là người Phật giáo mà là người Công giáo. Nhưng trường hợp của mình thì ngược lại vì NBL là một vùng hầu hết tất cả người dân là theo Phật giáo.

Vì thế nên mình đã phải “cắt xén” chương trình từ Bangkok và thêm nội dung để phù hợp với nhu cầu của giáo xứ địa phương. Mình thêm vào những bài hát thánh ca với cung điệu địa phương, thêm vào mục giới thiệu về nhà thờ Công giáo, trình bày về một số vấn đề tôn giáo mà người ta có thể chưa hiểu biết, cũng như thông báo về những sinh hoạt của giáo xứ, v.v.

Những mục này làm cho chương trình radio lấy từ Bangkok trở nên gần gũi hơn với người địa phương và giúp phầ nào đạt được mục đích truyền giáo cho cộng đồng. Mình mới làm chương trình radio được hai tuần nên còn phải mày mò nhiều thứ về nội dung cũng như kỹ thuật.

Mặc dầu vất vả vì tự tạo thêm việc cho mình trong khi không phải là chuyên nghiệp về việc làm chương trình truyền thông, nhưng mình cảm thấy đây là một công việc rất thu vị và phù hợp với linh đạo truyền giáo của hội dòng. Từ xưa đến nay hội dòng vẫn luôn chủ trương xử dụng tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng để công bố Tin Mừng. Radio cũng là một phương cách tốt đẹp trong tất cả các phương cách hiện có.

Nong Bua Lamphu, ngày 8.2.2010