Đám cưới
Dịp vui bỏ qua
Anh Thể
Nhà nguyện sau lễ Giáng Sinh
Hết tiệc
Noel xum vầy
Tôi bảo chị Yên, người con thứ năm trong nhà:
- Ồn ào như thế này không biết hàng xóm có khó chịu với mình không nhỉ?
- Trời, cậu biết không. Hàng xóm, họ mà không nghe tiếng ồn phát ra từ nhà này họ mới đặt vấn đề. Còn như vậy là bình thường.
- Thế à, vậy thì hàng xóm này họ cũng vui tính rồi.
- Năm ngoái khi vợ thằng út bên Anh sinh con, mẹ chị qua đó 3 tuần giúp tụi nó. Mấy ngày nhà hàng xóm không nghe tiếng của mẹ chị (mẹ chị cũng nói to lắm), họ ghé qua hỏi thăm xem mẹ chị có bị bệnh gì không mà sao họ không nghe tiếng nói.
Anh Thắng người còn rể nói thêm:
- Đối với hai ông bà, niềm hạnh phúc cao nhất là thấy được cảnh con cháu quay quần bên nhau như thế này thôi.
Noel là vậy đó, thời gian cho gia đình xum vầy bên nhau để chia sẻ với nhau những món ăn, những tiếng nói tiếng cười, những câu chuyện hài hước. Nó là những điều vô cùng tầm thường nhưng thực ra rất thiêng liêng và hiếm hoi đối với nhiều gia đình trong xã hội ngày nay.
Noel không chỉ là dịp để mọi người nối lại mối quan hệ với Chúa, nhưng còn với những người xung quanh nữa. Chúa đến với mọi người, làm cho mọi người cùng đến với nhau. Đó là mầu nhiệm và tác dụng của ngày lễ như thế này. Đáng quý trọng và nuối tiếc biết bao khi mình biết chỉ vài ngày sau, khi mọi người trở lại với công việc, khi cây Noel được dẹp đi, những giấy gói quà được quăng vào thùng rác, thì những tiếng cười giòn giả và tiếng nói oang oảng đó sẽ không thể duy trì cho đa số các gia đình....Nhưng có lẽ ngoại trừ gia đình đông con đông cháu mà tôi đến chung vui Noel tối hôm qua.
Epping, NSW ngày 25.12.2006
Niềm vui đi tìm bạn (Suy niệm 1Sm 1,24-28; Lk 1:46-56)
Noel xa nhà
Đam mê
Trong tòa giải tội
Tối hôm qua, mình đến giáo xứ tại Macquarie Fields để giúp giáo dân ở đây xưng tội. Đây là lần đầu tiên mình tham gia vào chương trình hòa giải cho nhiều người. Vì mùa vọng cho nên có nhiều giáo dân đến nhận bí tích hòa giải. Số linh mục chúng tôi có cả thảy là năm cha.
Khi đang cử hành bí tích giải tội, vì không ngồi trong tòa có màn che nên mình có thể nhìn thấy số người đang xếp hàng chờ mình. Tuy nhiên, mình cố ý đừng để cho điều nay làm mình chia trí. Mình sợ rằng nếu thấy quá nhiều người đang xếp hàng sẽ làm mình trở nên nóng ruột, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời giờ mình bỏ ra cho từng người.
Trước giờ giải tội, có một giáo dân đã nói với tôi:
- Có một thời gian cả chục năm tôi không đi xưng tội, bởi vì có lần tôi gặp ông cha kia, tôi mới vừa vào tòa nói chưa tới hai điều, thì ông thúc tôi mau mau lên, vì đã đến giờ uống trà ban chiều của ông rồi. Lúc đó tôi vừa giận vừa cảm thấy bị nhục, nên sau đó tôi chẳng bao giờ muốn đi xưng tội nữa.
Mình không bao giờ muốn trở nên đối tượng được đề cập tới trong các câu chuyện đau thương như vậy cho người giáo dân, vì thế mình đang cố gắng để không lập lại những sai lầm của các vị linh mục khác.
Trong giờ hòa giải tối hôm qua, mình đã không phải đối phó với các điều quá phức tạp. Có lẽ đó cũng là điều tốt vì nếu như có người có những vấn đề quá rắc rối mà chỉ được vài phút trong tòa giải tội thì quả thực là không thỏa đáng. Tuy nhiên, trong khi cử hành bí tích hòa giải thì mình đã cảm nhận được vị trí rất là đặc biệt mà mình đang có. Nếu như mình không phải là một ông cha, thì làm sao mà những con người này có thể đến với mình để chia sẻ những điều thầm kín như thế này? Vì thế, nếu mình vô tình bỏ lỡ những cơ hội quý giá trong tòa giải tội để giúp đỡ những người đã chân tình đến với mình để được hòa giải thì thực sự là một điều sai lầm. Và nếu mình không giúp được người ta, mà còn có những hành động hay lời nói gây ra tổn thương thì đó có lẽ là một tội rất lớn cho vị linh mục.
Epping, NSW ngày 15.12.2006
Sắm máy vi tính sách tay
Trong nhà dòng, mình cũng như các anh em khác mỗi tháng được trao một số tiền nhỏ để tiêu vặt, còn những nhu cầu khác như nơi ăn, nơi ngủ, phương tiện đi lại thì đã có nhà dòng cung cấp. Vì thế, mình không cần phải giữ nhiều tiền trong túi, và cũng không cần phải sài nhiều tiền. Tuy nhiên, khi có nhu cầu sử dụng một số tiền lớn như thế này thì việc xin phép bề trên là chuyện đương nhiên.
Khi mua máy, mình cũng đã phải đắn đo rất nhiều vì mình không muốn sử dụng tiền một cách bừa bải. Trong sách Phúc Âm có chuyện bà góa bỏ vào hòm cúng hết cả gia tài của mình là hai xu. Hội dòng ngày nay cũng nhận được lòng hảo tâm từ nhiều người như bà góa ấy. Họ dâng cúng cho nhà dòng mỗi lần không nhiều, nhưng có nhiều người như vậy và nhiều lần như vậy mới giúp hội dòng có một số tiền lớn để trang trải cho việc truyền giáo. Đa số các ân nhân của nhà dòng không phải là người giàu có, mà chỉ là những người bình thường, và có nhiều người trong hoàn cảnh nghèo. Nhưng tấm lòng của họ lại rất rộng lượng.
Các vị ân nhân này khi họ cúng tiền cho dòng tin tưởng rằng dòng sẽ sử dụng số tiền đó một cách xứng đáng. Nếu mình vô tình phung phí hay sử dụng tiền cho việc không thích đáng thì thật có lỗi với họ. Mình đã chứng kiến nhiều trường hợp mà mình cho rằng tiền không được sử dụng hợp lý, và chính bản thân mình cũng đã làm điều đó. Vì thế, mình phải tự nhắc nhở bản thân để cố gắng trung thành với ơn gọi khó nghèo mà mình đã tự nguyện khấn hứa khi bước vào đời sống tu trì.
Có thể nói chiếc máy sách tay này là món đồ nhiều tiền nhất mà mình đã mua sắm cho riêng mình từ trước đến nay. Đối với người khác thì mua một cái máy sách tay cũng bình thường, nhưng đối với mình nó là một 'sự kiện' vì mình chưa bao giờ sử dụng một số tiền lớn như thế để mua bất cứ một thứ gì. Mình hy vọng rằng mình sẽ sử dụng chiếc máy này để làm những việc tốt và xứng đáng với những gì mình đã được giao phó.
Epping, NSW ngày 14.12.2006
Mong đợi mưa hồng ân
Các thánh lễ chịu chức, tạ ơn, và các buổi tiệc ăn mừng kết thúc, hôm qua mình cùng hai cha trong dòng lái xe từ Box Hill trở về Epping, chuyến đi dài gần 900 cây số. Đi như thế mình mới chứng kiến rõ hơn tình trạng hạn hán mà Úc châu đang trải qua. Vì thiếu nước nên có nhiều cánh đồng khô cằn, toàn cảnh được dệt với một màu cỏ úa. Các ao nước mà người làm nông dùng để tưới cây đều có mức nước xuống trầm trọng. Thêm vào đó, có những đoạn đường mình đi qua bị phủ kín bởi màn khói do nạn cháy rừng đang diễn ra khắp bang Victoria. Hôm qua, trời lại trở lạnh bất thường, nhưng không có giọt mưa nào rơi xuống để giảm đi sự khắc nghiệt của cơn hạn hán kinh khủng đang trừng trị nước này.
Quan sát tình trạng khô khan, cằn cổi của vùng đất Úc làm mình bổng dưng liên tưởng đến ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo hội đang trải qua. Tối thứ hai, mình có đi theo cha NTT đến một cộng đoàn Công giáo Việt Nam để giúp họ tĩnh tâm. Trong giờ chia sẻ và thánh lễ mà mình vinh dự được chủ tế, cộng đoàn đã hát những bài thánh ca Mùa Vọng quen thuộc mấy chục năm nay, như "Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội..." rồi bài "Trời cao nghe chăng trần gian khấn van mưa nguồn ơn cứu chuộc. Đồng nương không sương nay đã héo hắt mong bước chân người lành."
Trên đường từ Box Hill về Epping, nhìn cảnh đồng ruộng khô cằn làm mình cảm nhận được sư khao khát hồng ân của Chúa như thế nào. Hoá ra, người Úc đang trải qua một Mùa Vọng không chi mang tính tượng trưng, nhưng rất thực tế. Mấy tháng qua, các nhà thờ Công giáo và Tin lành liên tục triển khai việc cầu nguyện trong giờ lễ để xin Chúa ban mưa cho người Úc có nước sinh hoạt.
Không ai thấu hiểu hệ quả của việc thiếu nước hơn những người nông dân và người làm nghề chăn nuôi. Và trong hoàn cảnh như hiện nay thì không ai đau khổ và lo sợ hơn chính họ.
Nếu người dân Úc lấy thực trạng này làm ẩn dụ cụ thể và thiết thực cho Mùa Vọng thì họ sẽ nhận ra rằng, nếu cánh đồng khô héo đang cần nước đến bao nhiêu, thì chính họ đang cần đến hồng ân của Chúa bấy nhiêu. Cánh đồng héo úa của Úc chính là sự khô cằn trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta.
Mình tin chắc mọi biến cố, cho dù tệ hại nhất, đều có thể được xem như một con dao bén. Nếu mình nắm lấy nó nơi cái lưởi thì nó sẽ làm mình bị đứt tay và chảy máu. Ngược lại, nếu mình biết cầm nơi cái cán, thì mình sẽ làm được rất nhiều việc với dụng cụ ấy.
Có những bài học xã hội, khoa học, và tâm linh đang ẩn nấp sau trận hạn hán ghê gớm này mà người Úc có thể rút ra để áp dụng cho tương lai. Tuy nhiên, mình tự vấn không biết người dân Úc sẽ nắm lấy con dao bén này ở đầu nào - bằng cái lưởi hay bằng cái cán?
Epping, NSW ngày 13.12.2006
Giây phút yên tĩnh
Sau hai ngày liền Melbourne lên quá 40 độ làm cho lễ chịu chức và lễ tạ ơn bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cái nóng kinh khủng thì tối hôm qua, nhiệt độ đã dịu xuống hẳn. Có những làn gió nhẹ kéo mây đen về và nghe nói đâu hôm nay sẽ có mưa nhỏ. Mình vừa bước đi vừa lắng nghe tiếng gió rầm rì qua nhành cây bạc hà, và tiếng ve sầu ngân vang cả một vùng trời, bổng nhiên mình cảm thấy thật thoải mái và nhẹ nhàng. Người ta nói tiếng ve nghe buồn, nhưng mình không thấy buồn. Sau hai ngày kinh lễ, bắt tay trò chuyện với vô số người, trong lúc này, chỉ hai âm thanh của gió và của ve là cái mình muốn nghe.
Con đường nhỏ từ nhà dòng ra tới con đường lớn đi ngang qua tu viện dòng Carmelô, là một dòng kín. Mình tò mò thử nhìn vào xem trong đó có gì. Nhưng quả thực đây là dòng kín vì cửa sổ nào màn cũng che kín không để cho người bên ngoài nhìn thấy được một cái gì bên trong. Mình thấy có một chút hơi khôi hài nhưng thú vị. Trên một con đường nhỏ có hai hội dòng được thành lập cùng với mục đích phục vụ Giáo hội và Nước trời, nhưng nhìn vào rất khác biệt nhau. Một bên thì sống và phục vụ kín đáo, âm thầm. Một bên thì truyền giáo và rất chủ trương hướng ngoại. Giáo hội là vậy đó, cũng muôn màu muôn sắc. Không cái gì phải rập khuôn. Có nhiều cách để sống đạo, và có nhiều cách để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Đi Tìm Đấng Tình Yêu
Cô đơn giữa đám đông
Hôm qua, mình đi xe buýt từ Epping đến thành phố Sydney, chuyến đi kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Bước lên xe, mình chiếm cái ghế ngay bên cửa sổ để dễ quan sát quang cảnh và sinh hoạt của thành phố. Ai cũng nói rằng ở Úc người dân cởi mở và thân thiện hơn nhiều nơi khác. Mình không nghi ngờ điều đó, nhưng suốt chuyến đi mình nhìn qua nhìn lại, thấy xe đầy nhóc người, nhưng dường như chẳng ai nói chuyện với ai. Có người thì ngồi ngủ gà ngủ gật để tận dụng thời gian ngồi không trên xe. Nhiều người đang nghe nhạc trong những chiếc máy Ipod của mình. Còn mấy chục cặp mắt còn lại dường như đang nhìn chăm vào một thế giới riêng tư nào đó mà chỉ chính họ mới biết ở đó là đâu.
Nhìn tình hình trên xe buýt, mình nhận ra rằng người dân thành phố ở Úc về bản chất cũng chẳng khác gì người dân thành phố ở các nước khác. Thành phố nào cũng đông người, khoảng cách không gian giữa người này với người kia chẳng là bao. Người ta phải chen chúc để lên xe xuống tàu. Nhưng khoảng cách không gian ít bao nhiêu thì dường như khoảng cách cảm xúc nhiều bấy nhiêu.
Người ta có thể ngồi cạnh nhau hàng giờ đồng hồ mà không hề nói với nhau một lời. Họ chi phối thời gian ngồi không trên xe không phải bằng cách làm quen với một con người đang ngồi cách họ vài cm, nhưng bằng cách quan sát những a-phích quảng cáo dọc đường.
Người ta treo lên những panô quảng cáo có hình các thanh niên thanh nữ đang đùa giởn, ai cũng có khuôn mặt và thân hình khiêu gợi và hấp dẫn. Khách đi xe nhìn a-phích có cảnh một cô gái đang cầm trong tay một ly rượu tây tại một quán bar, phong cách toát lên vẻ sành điệu và sang trọng, họ cảm thấy bị thu hút hơn là những người xung quanh mình. Cánh đàn ông thì ước gì mình là người được cùng nâng ly rượu với mỹ nhân ấy. Còn mấy bà mấy cô thì ước gì người con gái trong tranh chính là mình.
Suy ra, mình thấy người thành phố tội nghiệp quá. Thế giới của họ sôi động và nhộn nhịp, ai nấy đều vội vả, bận rộn, nhưng hình như ai cũng cô đơn và bị thu hẹp trong một góc lạnh lẻo, riêng biệt. Họ chỉ mơ đến một thế giới được diễn tả trong các panô quảng cáo, và nhìn vào những người xung quanh với ánh mắt chán chường và đầy khả nghi. Vì thế, không ai muốn làm quen với ai.
Một chuyến đi xe buýt hơn 1 giờ đồng hồ, trải dài mấy chục cây số, trong xe có mấy chục con người với bấy nhiêu quả tim, thế mà từ đầu đến cuối, chẳng ai trong chuyến đi đó nắm lấy cơ hội để làm quen với một người khác.
Mình tự vấn không biết hằng ngày trên thế giới có bao nhiêu chuyến đi dài dẳng và cô độc như thế.
Epping, NSW ngày 8.12.2006
Giải tội theo kiểu 'mì ăn liền'?
Tối hôm qua, tôi có dịp 'đàm đạo' với anh Đ. một ngưòi mà tôi mới làm quen thời gian gần đây. Anh chia sẻ:
- Mười mấy năm rồi mình không đi xưng tội. Mình không đi không phải vì mình không dám nói lên những gì thầm kín với một người khác. Cũng không phải vì mình sống bê tha, vô đạo đức làm cho mình ngại bước vào toà giải tội. Nhưng mình thấy có những lần đến xưng tội, mình gặp ông cha, mình đưa ra những vấn đề trong đời sống của mình, những câu hỏi mình có. Nhưng ông cha cứ bác, bắt mình chỉ khai những tội gì mình đã phạm và bao nhiêu lần, để ông cho mấy kinh đọc để đền tội rồi ban phép tha tội. Khi mình bước ra khỏi toà giải tội, mình chẳng cảm thấy bình an hay nhẹ nhỏm hơn. Mình nghĩ nếu như vậy thì tại sao mình không chia sẻ với người bạn nào đó, hay trực tiếp với Chúa để được tha thứ. Như thế mà mình cảm thấy dễ chịu hơn.
Nghe anh Đ. chia sẻ, tôi rất thông cảm với kinh nghiệm của anh vì chính tôi cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm tương tự trong toà giải tội.
- Em thấy kinh nghiệm của anh giống rất nhiều người. Điều này rất đáng tiếc vì các linh mục có cách làm việc khô khan như vậy thì bỏ qua rất nhiều cơ hội để giúp đỡ người giáo dân trong các trường hợp rất đặc biệt. Anh có thể ngồi chia sẻ với một người bạn hay nói trực tiếp với Chúa, nhưng vị linh mục không chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng còn là đại diện cho một cộng đồng. Vì thế khi vị linh mục đó ban phép giải tội cho anh, việc ấy mang rất nhiều ý nghĩa.
Anh Đ. cắt lời và hỏi tiếp:
- Vậy theo cha thì một ông cha nên như thế nào trong toà giải tội?
- Anh là người làm ăn nên em nói như thế này có thể anh sẽ đồng cảm. Trong việc giao tiếp với khách hàng trong qua trình thương lượng và ký hợp đồng, nếu anh biết cách cư xử với khách hàng thì sau khi xong việc, họ sẽ ra về với tâm trạng thoải mái. Họ không thấy công sức và thời gian của họ bị lãng phí. Lần sau họ sẽ trở lại với anh.
Nhìn từ một góc độ nào đó, vị linh mục cũng là một chuyên gia, đó là chuyên gia về tâm linh. Vì thế, mình phải biết cách nói chuyện với 'khách hàng' đã tìm đến mình, để khi họ ra về, họ cảm thấy mình đã giúp đỡ họ một cách xứng đáng. Mà đã là chuyên gia thì mình phải trau dồi kỹ năng.
Em là một linh mục trẻ, em thực sự chưa giải tội nhiều, nhưng em có một cách làm việc như thế này. Em thường bắt đầu bằng một đoạn Tin Mừng ngắn để dẫn người giáo dân vào tinh thần của bí tích. Sau đó, họ chia sẻ với em về những gì làm họ bất an. Nếu có gì không rõ thì em hỏi, không phải để tò mò, nhưng để xác định tính chất của sự việc và ảnh hưởng của nó trên đời sống tâm linh của họ.
Đối với em, tội là những gì làm cho mối tương quan giữa minh với những người xung quanh, với chính mình, và trên hết với Thiên Chúa bị sứt mẻ. Mình cảm thấy xa lìa với Chúa và với người khác, làm cho mình không cảm thấy có ân sủng của Chúa trong đời sống của mình. Vì thế em sẽ giúp họ nhận ra hành động của mình có những tác động gì trong các mối tương quan kể trên. Từ đó, em sẽ đề nghị những việc cụ thể mà họ có thể làm được để hàn gắn lại sự sứt mẻ đó như một cách đền tội. Tuy nhiên, em chỉ đề nghị và hỏi xem họ có đồng ý với đề nghị đó hay không? Nếu họ đồng ý thì em mới giao, còn nếu họ không làm được hay không muốn làm theo đề nghị đó thì em sẽ trao đổi để tìm ra việc khác mà họ sẵn sàng thi hành. Chỉ như thế thì việc đền tội của họ mới thiết thực và có ý nghĩa. Sau đó em tiếp tục nghi thức giải tội.
- Mình nghĩ cha có lối làm việc rất hay. Nhưng mình chưa thấy ai như vậy hết.
- Có một điều là cách giải tội như em không phải là cách 'mì ăn liền'. Rất khó có thể làm được nếu có 50 hay 60 người đang xếp hàng ngoài toà. Nhưng nếu không làm được 10 thì em cũng cố gắng làm được 6 hay 7.
- Mình cũng hiểu tâm trạng của mấy cha khi thấy số người đi xưng tội nhiều quá.
- Nhưng em nghĩ hiện nay việc nhiều người đi xưng tội không phải là vấn đề. Vấn đề là có quá ít người đi nhận bí tích hoà giải.
Lượng người đi xưng tội giảm có nhiều lý do khách quan. Nhưng tôi chắc rằng trong số những người không còn đi xưng tội thường xuyên có rất nhiều người đã trải qua những kinh nghiệm không tốt trong toà giải tội. Tôi biết điều này vì chính họ đã chia sẻ với tôi.
Bí tích hoà giải là một cơ hội rất đặc biệt để cho các cha làm việc mục vụ, bởi vì không một nơi nào mà giáo dân có thể chia sẻ những gì thầm kín bằng trong toà giải tội. Nhưng rất tiếc là nhiều linh mục đã không ý thức được tầm quan trọng của mục vụ mà họ đang làm. Vì thế, chúng ta có tình trạng làm lễ theo kiểu mì ăn liền, và giải tội theo kiểu mì ăn liền. Có lẽ vì tôi còn trẻ nên còn 'sung'. Nhưng tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ cử hành các bí tích một cách miễn cưỡng và vụng về chỉ vì bận rộn hay lười biếng. Khốn cho tôi nếu tôi cử hành các bí tích theo kiểu mì ăn liền!
Epping, NSW ngày 7.12.2006
Những nụ hôn thân thiện
Hôm qua, tôi gọi điện thoại về Mỹ để thăm hỏi tình hình của các em trong dòng. Nhận được điện thoại của tôi, A. hớn hở hỏi:
- Cậu ở bên Úc sao rồi?
- Bây giờ cũng khá thong thả. Tớ đang trong giai đoạn tập luyện nội công để đi Thái Lan.
- Vậy thì sướng quá rồi. Bên Úc có gì khác bên Mỹ không?
- Có chứ. Ở đây người ta lái xe bên trái. Đường xá đi đâu cũng thấy bùng binh ở các ngã tư, ngã năm. Dân Úc sống có vẻ vô tư hơn, nhịp sống nhẹ nhàng hơn và họ cũng rất dễ làm quen.
- Bên đó khi gặp nhau người ta chào hỏi như thế nào?
- Thì cũng không khác ở Mỹ lắm. Đa số người ta bắt tay. Nhưng bửa giờ đến giáo xứ cũng gặp mấy bà gallant lắm. Lần đầu gặp mà mấy bà cứ đưa má cho mình hôn.
- Người Úc da trắng hả?
- Đâu có. Úc nhưng gốc Phi luật tân, Ấn độ, Fiji...
- Thế à. Họ đưa má rồi cậu làm sao?
- Làm sao nữa? Đưa má hôn thì lo mà hôn chứ làm sao!
- Hahaha. Thế là cậu cũng không đến nỗi cù lần. Thì đây cũng là cử chỉ thân thiện thôi. Trước đây tớ đi thực tập ở Nam Mỹ, khi gặp mấy bà mấy cô, dường như ai cũng chào mình bằng cách này hết.
- Lúc đó cậu xử lý như thế nào?
- Mới đầu thì bất ngờ và ngại lắm. Nhưng sau đó thì quen dần nên thấy bình thường.
- Ở đây thì không phải ai cũng chào như thế. Chỉ thỉnh thoảng thôi, nhưng hình như nhiều hơn bên Mỹ.
- Ờ, ở Mỹ suy ra phong tục này cũng không mấy phổ biến. Mà bây giờ cậu được cơ hội để hôn thì cứ hôn đi. Chứ vài bửa cậu chuyển sang Thái Lan thì chẳng ai thèm hôn cậu đâu. (hahaha)
- Chắc vậy đó. Bên đó người ta chắp tay, cúi đầu chào nhau không à.
- Thì mỗi nơi có mỗi phong tục tập quán khác nhau mà. Đi đến đâu thì liệu mà thích nghi đến đó.
Nghĩ thấy cũng hay. Chỉ với một mục đích chào hỏi mà trên thế giới có bao nhiêu là cử chỉ. Có người bắt tay, khi bằng một tay, khi bằng hai tay. Có người cúi đầu, khi thì cúi thấp, khi thì cúi vừa vừa, khi thì chỉ gật một cái. Có người lại ôm hôn, khi thì hôn trên môi, khi thì hôn trên má. Có người chỉ hôn một bên, nhưng người khác thì hôn hai bên, rồi có người lại hôn bên trái, chuyển sang bên phải, rồi trở về bên trái cho xong một vòng. Văn hoá con người sao mà phong phú đến thế!
Epping, NSW ngày 5.12.2006
Gặp gỡ gia đình người Ấn Độ
Hôm qua tôi được mời đến một gia đình người gốc Ấn Độ để làm quen và dùng cơm trưa. Họ là giáo dân trong giáo xứ được đảm trách bởi các cha trong Hội dòng. Gia đình bao gồm hai vợ chồng và ba người con trai.
Đây là một gia đình không giàu có, cũng không nghèo khó, nhưng họ tham gia rất tích cực vào đời sống của giáo xứ. Ông Clem giúp giáo xứ trong việc quản lý sổ sách, bà Jennie tham gia ca đoàn. Và cả ba thằng con trai đã từng giúp lễ và tham gia sinh hoạt giới trẻ.
Sau những câu chào hỏi làm quen dè dặt ban đầu, chúng tôi đã nhanh chóng trở nên thân thiện do thái độ cởi mở mà cả hai bên đều đã thể hiện. Chúng tôi trao đổi và chia sẻ hết đề tài này sang đề tài khác, từ vấn đề gia đình cho đến chính trị, văn hoá, tôn giáo...
Tôi là người Mỹ gốc Việt, trong khi họ là người Úc gốc Ấn Độ. Nhưng sự khác biệt này đã không ngăn cản chúng tôi có một cuộc trò chuyện và gặp gỡ đầy thú vị. Đó cũng vì chúng tôi đến với nhau trên tinh thần cởi mở và đón nhận nhau như những người cùng một đức tin Công giáo. Trong hơn ba giờ đồng hồ trò chuyện với nhau, chúng tôi đã uống trà, uống rượu, và dùng một bữa cơm bao gồm các món ăn thuần tuý Ấn Độ.
Bà Jennie nói: - Tôi không dám nấu những món ăn cay quá vì sợ cha không dùng được.
- Ồ thế à! Tiếc qua, vì tôi ăn cay rất khá. Tôi có thể ăn cay hơn thế này nhiều lắm.
Ông Clem mách:
- Lúc đầu chúng tôi định nấu các món Tây để mời cha, nhưng sau đó nghĩ lại thì nói thôi, cứ nấu thức ăn Ấn cho cha làm quen.
- Vậy là đúng rồi đấy. Món Tây thì ngày nào tôi chẳng ăn. Được thử các món Ấn Độ thì khó mới có được.
Làm một nhà truyền giáo, tôi đi nhiều nơi và sống trong môi trường đa văn hoá. Vì thế, việc tiếp xúc với những người khác văn hoá mình trở nên như một cơ hội để tìm hiểu và thưởng thức những cái mới mẻ. Nếu mang trong mình thái độ bảo thủ và tầm nhìn hẹp hòi sẽ khiến cho nhiều cơ hội để tiếp cận với sự phong phú luôn hiện diện xung quanh mình dễ bị đánh mất.
Đó là một điều rất đáng tiếc. Biết bao nhiêu người hằng ngày bỏ qua những dịp may như thế chỉ vì họ không thích hay e ngại tiếp xúc với những gì mà họ không quen thuộc. Cái gần gũi và quen thuộc mang lại cho mình tâm trạng an toàn và thoải mái. Nhưng chính cái khác lạ mới mang đến cho mình những hương vị đặc biệt nhất mà cuộc sống cung cấp cho mình.
Một điều mà chúng ta có thể khám phá ra khi tiếp cận với những người khác mình là, khi những người thoạt đầu xem ra rất khác nhau ngồi lại với nhau để chia sẻ với nhau một cách chân tình những gì thuộc về mình, họ lại nhận ra rằng, họ thật ra rất giống nhau và hoàn toàn có thể thông cảm cho nhau. Đó là vì đằng sau những ấn tượng nông cạn bên ngoài, rút cuộc cái quan trọng nhất vẫn là tâm tư của con người, ai cũng mang trong mình những khắc khoải tìm được hạnh phúc, tình yêu, và sự thông cảm. Chỉ tiếc là nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được những thứ đó cho chính mình, cho dù bằng những hành động gây tổn thương đến những người xung quanh.
Khi ra về, ông Clem đã nói với tôi:
- Bất cứ lúc nào cha muốn đến chơi, gia đình chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp cha.
Epping, NSW ngày 4.12.2006
Cà pháo với canh cua rau đay
Tối hôm qua, tôi đến nhà của anh Th. và chị H. chơi. Họ là cặp vợ chồng có tính tình rất vui vẻ và trẻ trung, nhưng thực ra cũng đã lấy nhau gần 30 năm với 3 đứa con đã lớn. Thằng con út năm nay 21 tuổi, không biết nó ăn gì mà mập chẳng khác gì một ông Tây.
Tôi mới làm quen với hai anh chị trong chuyến đi Brisbane vừa qua. Nhưng họ đã có mối quan hệ thân thiết với một vài anh em trong hội dòng từ lâu. Vừa bước vào nhà tôi đã thấy trên bàn ăn những dĩa rau đầy nhóc - rau cải, rau thơm, sà lách, rau dấp cá... Tôi hỏi chị H.:
- Ăn gì mà rau nhiều thế chị?
- Bê thui đó cậu. Vừa rồi ở Brisbane chị thấy cậu ăn rau nhìn ngon miệng quá, nên chị làm món có nhiều rau cho cậu ăn đấy.
- Chị đúng là chiều em quá.
- Em còn trẻ chị mới chiều chứ mấy cha lớn chị đâu có chiều. Ăn món này xong mình chuyển qua cơm cà pháo, canh cua rau đay mà em thích đó.
- Vậy hả? Cà pháo với canh cua rau đay thì còn gì bằng.
- Sau đó chị cho em 'tráng miệng' bằng món phở.
- Trời, chị cho em ăn như thế chỉ có nước vỡ bụng ra.
Ăn xong, tôi và anh Th. ra sau nhà 'đốt nhang'. Ngồi rít điếu thuốc Dunhill, anh Th. nói với tôi:
- Cậu đến đây thì mình nói thực, cậu chẳng bao giờ phải mặc cái áo cha cụ hay thầy bà. Hai lần tiếp xúc với cậu, mình thấy cậu rất là trực tính, không kiểu cách. Mình thích như vậy. Mình đối xử với cậu ở đây trên tinh thần huynh đệ. Vì thế nên bây giờ cậu làm ông cha cũng vậy. Mà sau này cậu có hết làm ông cha cũng vậy.
Thế là anh Th. đã cất đi bất cứ áp lực nào làm cho tôi có thể cảm thấy bị gò bò và không thoải mái. Anh Th. muốn xây dựng mối quan hệ với tôi không phải vì chức vị của tôi mà trên một nền tảng căn bản và vững chắc hơn - đó là một người anh em.
Bữa ăn mà chúng tôi đã chia sẻ với nhau cũng là một hình thức đầy ý nghĩa để đánh dấu sự bắt đầu của mối quan hệ giữa chúng tôi. Chúa Giêsu đã khẳng định mối quan hệ bằng hửu với các môn đệ của Ngài trong một bữa ăn. Trong giáo hội sơ khai, những người theo Kitô giáo đã ngồi xung quanh bàn tiệc, kể cho nhau nghe kinh nghiệm và ký ức của mình về Đức Kitô, rồi chia sẻ cho nhau những chiếc bánh và rượu mà họ đã mang đến. Và ngày nay, thánh lễ mà người Công giáo tham dự để thể hiện đức tin của mình, đồng thời củng cố tinh thần cộng đoàn, về bản chất cũng là một bữa ăn.
Vì vậy, không có gì thiết thực và ý nghĩa hơn một bữa ăn để cho mình không chỉ chia sẻ những món ăn vật chất mà còn san sẻ cho nhau tâm tình, là những viên gạch vững chắc tạo nên mối quan hệ chân thật và đích thực giữa con người với con người.
Epping, NSW ngày 2.12.2006
Gặp người Hồi giáo
Hôm nay tôi và các thành viên trong chương trình học hỏi văn hóa Úc đến thành phố Lakemba để được nghe những người Hồi giáo trình bày về tôn giáo của họ, cũng như dẫn vào tham quan thánh đường Hồi giáo và quan sát giờ cầu nguyện giữa ngày. Những người chào đón chúng tôi là một cặp vợ chồng trẻ gốc Lebanon, nhưng đã sinh ra và lớn lên ở Úc. Họ vừa mới trở về Úc sau chuyến đi hành hương kéo dài một năm đến thánh địa Mecca và các nơi khác tại Saudi Arabia và Yemen. Việc các tín đồ Hồi giáo phải đi hành hương đến Mecca ít nhất là một lần trong đời nếu có điều kiện là một trong những điều luật quan trọng nhất trong đạo này.
Chúng tôi là các linh mục và nữ tu Công giáo, và họ là những người Hồi giáo. Trong thời điểm mà toàn thế giới đang chú ý vào Hồi giáo, đặc biệt giới truyền thông rất quan tâm và đầu tư nhiều sức lực vào việc khai thác các tin tức liên quan đến giới Hồi giáo cực đoan, cộng đồng Hồi giáo đang trải qua nhiều khó khăn và sự căng thẳng. Những người Hồi giáo bình thường luôn cảm thấy mình bị hiểu lầm, đe doạ, và vu oan vì hành động của một thiểu số cực đoan, không liên quan gì đến đời sống và niềm tin của đại đa số tín hữu Hồi giáo.
Sự hiểu lầm, sợ hãi, đố kỵ giữa các dân tộc và tôn giáo là lý do chính yếu dẫn đến chiến tranh và chết chóc. Không ai chịu lắng nghe người khác. Ai cũng muốn cho mình là đúng. Còn giới truyền thông thì luôn săn những thông tin mang tính tiêu cực để đưa lên truyền hình, báo chí tạo nên hiện tượng đổ dầu vào lửa. Trong khi đó có những nỗ lực hợp tác giữa người Kitô giáo và Hồi giáo để xây dựng cộng đồng trên nền tảng tôn trọng và đối thoại thì khó được báo chí ngó ngàng tới. Lý do chúng tôi đến với người Hồi giáo hôm nay là để có dịp tìm hiểu và có tầm nhìn cởi mở hơn về một cộng đồng đã có một lịch sử vô cùng gay cấn với Kitô giáo.
Cuộc chia sẻ và trao đổi giữa chúng tôi đã diễn ra rất vui vẻ và thân thiện. Chúng tôi kết thúc bằng một bữa ăn tại nhà hàng Lebanon, bởi vì bữa ăn là một trong những phương pháp hay nhất để gây mối tình thân. Kinh nghiệm này cũng như bao nhiêu kinh nghiệm khác cho thấy, khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ và đối thoại, đa phần chúng ta sẽ tìm ra đồng điểm nhiều hơn sự khác biệt. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng đã ấn tượng khi người trình bày đã chia sẻ với chúng tôi rằng:
- Nhiều người Kitô giáo không biết Đức Mẹ Maria là một trong bốn phụ nữa vĩ đại nhất trong Hồi giáo. Biến cố sinh ra của Đức Giêsu đã được ghi chép trong sách Koran. Chúng tôi tôn trọng Đức Giêsu như một tiên tri đã đi trước tiên tri Mohammed để rao truyền sứ điệp của Chúa.
Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng đã khẳng định rằng:
- Khi đối thoại liên tôn, một điều mà mọi người tham gia phải tuân theo đó là: chúng ta đồng ý về sự bất đồng. Chúng ta không thể nào đồng ý hoàn toàn về những gì liên quan đến đức tin của mình. Nhưng không vì vậy mà chúng ta không thể đoàn kết và hợp tác với nhau để đối phó với các vấn đề chung trong xã hội và thế giới chúng ta. Các mối quan ngại của người Công giáo cũng là mối quan ngại của người Hồi giáo. Vì thế không có lý do gì ngăn cản chúng ta cùng chung sức để giải quyết các vấn nạn mà xã hội đang gặp phải.
Tôi biết rằng trong giới Hồi giáo và Kitô giáo còn có rất nhiều tiếng nói ôn hoà và tích cực. Nhưng với thế giới náo loạn như ngày nay, những tiếng nói đó dường như đã bị lãng quên trong tiếng ồn ào của sự cải cọ, kích động và tiếng bom đạn luôn vang lên bên tai chúng ta.
Epping, NSW ngày 2.12.2006