Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 4)


Đà Lạt mùa đông thời tiết rất dễ chịu. Ban sáng thì hơi lạnh nhưng không giá rét. Có một vài người trong đoàn đã thức dậy từ sớm để đi ra ngoài thưởng thức bầu khi Đà Lạt khi còn tinh mơ để chứng kiến người dân bày bán những loại rau và hoa quả trên đường phố. Những quán cà phê lề đường cũng bắt đầu hoạt động từ rất sớm. Những du khách Thái Lan rất thích thú với sự nhộn nhịp nhưng không sô bồ của Đà Lạt vào sáng.

Nhiều người trong đoàn ngán ngẩm với việc ngồi xe nhiều giờ đồng hồ hỏi mình hôm nay sẽ đi đâu, xa bao nhiêu. Mình hứa với mọi người hôm nay chúng ta không phải ngồi xe nhiều. Đi từ điểm du lịch này sang điểm khác rất gần. Hôm nay sẽ bù lại cho ngày hôm qua vì phải ngồi nhiều giờ trên xe. Mọi người đều vui khi nghe nói không phải ngồi lâu trên xe.

Từ khách sạn gần chợ Đà Lạt đến điểm du lịch đầu tiên gần như mình hứa với đoàn. Lên xe đọc kinh và lần hạt vừa đủ 1 chục là đến chân đồi Robin nơi đoàn sẽ ngồi xe cáp để lên Thiền Viện Trúc Lâm. Từ trên cao mọi người có thể thấy toàn cảnh Đà Lạt, với những đồi thông, vườn hoa, và vườn rau. Nhiệt độ vào ban sáng cũng dần ấm lên nên mọi người chỉ cần có một chiếc áo khoác mỏng là đủ ấm. Và như thế mình và cha H. lần lượt dẫn đoàn đi từ điểm du lịch này sang điểm du lịch khác của Đà Lạt trong sự thích thú của mọi người.

Đi du lịch nhưng đoàn không quên đây là một chuyến hành hương. Vì thế nên chiều đến thì đoàn đến nhà thờ Domaine De Marie để dâng lễ. Cha H. đã liên lạc với các sơ dòng Vinh-sơn cho phép xử dụng nhà thờ để dâng lễ nên đoàn có một không gian thật tuyệt vời và cổ kính để dâng lễ. Trong lúc dâng lễ bằng tiếng Thái thì không có ít du khách người Việt, đa số là giới trẻ ghé vào thăm nhà thờ, đứng lại quan sát lễ bằng tiếng nước ngoài một chút trước khi bước ra. Có một số bạn ở lại tham dự hết lễ mới ra.

Lễ xong, đòan được đưa vào tiệm bán quà lưu niệm của các seour dòng Vinh-sơn, mà các sản phẩm là do các em khuyết tật được các seour chăm sóc làm ra, như áo len, mủ nón, ngay cả tranh thêu. Paween là một chàng thanh niên trong đoàn cùng đi hành hương với mẹ quyết định bỏ ra hơn sáu triệu đồng để mua một tranh thêu do các em khuyết tật làm để ủng hộ chương trình từ thiện của các seour.

Tiếp theo, đoàn lại có dịp đi du lịch tiếp với việc lên thăm quan đồi Langbiang và dùng cơm tối tại một nhà hàng dưới chân đồi. Tối hôm đó không xảy ra như mình mong muốn vì một số vấn đề khách quan. Điều đầu tiên là nhà hàng nơi đặt chỗ có một bữa tiệc cuối năm do một công ty nào đó tổ chức diễn ra cùng một lúc. Vì thế, họ có những sinh hoạt văn nghệ, hát karaoke, trò chơi, v.v. và mở lượng âm thanh rất lớn. Vì đa số những người trong đoàn mình là người lớn tuổi nên khi phải bị tra tấn như thế thì họ cảm thấy rất khó chịu. Mặc dầu mình có nhờ nhân viên giảm bớt âm thanh, nhưng không mấy thành công.

Ăn tối xong, anh Linh dẫn đoàn qua một cái nhà chung để sinh hoạt giao lưu với các đoàn du lịch khác, đa số là đến từ Sài Gòn. Trong chương trình giao lưu có những điệu nhảy múa của người dân tộc và có phục vụ rượu cần. Tuy nhiên, trong không gian hẹp mà có đốt lửa và đổ nhiều dầu vào củi nên rất hôi mùi dầu. Một số người trong đoàn mình không chịu được mùi dầu nên họ ra ngoài. Riêng mình thì không thích những người làm "M.C." chương trình mà cứ một tay cầm micro còn tay kia thì cầm điếu thuốc. Nhìn vào có gì đó rất thiếu lịch sự, cho dù biết rằng đây chỉ là một chương trình mang tính giao lưu vui chơi mộc mạc.

Ở lại một lúc thì mình và cha H. cho đoàn về vì cảm thấy đa số họ không thích thú với sinh hoạt giao lưu này. Có lẽ một phần không hợp với lứa tuổi của họ. Và một phần những người trong đoàn cũng không quen với cách sinh hoạt dân dã mà họ chứng kiến và không thể hòa mình vào được.

Trở lại khách sạn, mọi người nhanh chóng về phòng để nghỉ ngơi, chuẩn bị thức dậy sớm vì hôm sau đoàn phải đi dâng lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ chánh tòa Đà Lạt.

Bangkok, ngày 28.12.2013

Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 3)


Cha Chavalit chia sẻ về phong trào Đạo Binh Đức Mẹ cho mọi người troang đoàn nghe
Đối với người cao tuổi thì việc thức khuya có phần khó khăn nhưng dậy sớm thì không mấy là vấn đề nên đoàn hành hương đã rời khỏi khách sạn tương đối đúng giờ để hành trình một chặng đường dài tới Đà Lạt. Trên thực tế thì quãng đường cũng chỉ trên 300km. Nhưng vì ở Việt Nam đường xá chật hẹp lại bị luật giao thông hạn chế tốc độ nên xe không thể nào đi trong thời gian ngắn được. Bên cạnh đó là vì người già thường hay phải dùng nhà vệ sinh nên cũng phải không ít lần dừng lại ở những nơi có nhà vệ sinh cho mọi người đi. Vấn đề tìm cho được nhà vệ sinh cũng là một điều không mấy dễ dàng ở Việt Nam, đặc biệt là khi phải đi qua những con đường núi.

Dọc đường đoàn đi ngang qua vùng Hố Nai có rất nhiều nhà thờ hai bên đường. Anh Linh đã cho biết mỗi nhà thờ có bao nhiêu giáo dân. Có nhà thờ chỉ 5,000 giáo dân. Nhưng có giáo xứ có lượng giáo dân lên đến 15,000. Ở Thái Lan có giáo phận có lượng giáo dân chưa tới 10,000. Vì thế khi thấy những ngôi nhà thờ to lớn và số giáo dân quá đông thì ai nấy đều rất ngạc nhiên. Vì chuyến đi vào ban ngày nên đoàn chưa thấy được cảnh trang trí Giáng Sinh của các nhà thờ. Đó sẽ là điều dành lại cho một ngày khác trong chuyến hành hương.



Chuyến đi rất dài và mệt mỏi, nhưng cuối cùng thì đoàn cũng đã đến Đà Lạt khi trời đã chập tối. Điểm đầu tiên đến là nhà thờ Thánh Tâm được chăm sóc bởi các cha dòng Vinh-Sơn. Nơi đây đoàn đã dâng lễ chiều trong nhà nguyện của dòng trong khi bên trong nhà thờ thì đang tổ chức giải tội Mùa Vọng cho các giáo dân. Thêm một lần nữa, những người giáo dân Thái lại chứng kiến lòng đạo đức của người Công giáo Việt khi họ xếp hàng dài để chờ xưng tội chuẩn bị tâm hồn cho lễ Giáng Sinh. Cô Kaysorn thấy điều này nên đã vào bên trong nhà thờ chụp hình. Cô nói: - Chụp hình để về cho những người thân bên Thái thấy cảnh người ta đi xưng tội như thế nào.

Dâng lễ xong đoàn đi đến một nhà hàng trong thành phố để dùng bữa tối. Nhà hàng không phải thuộc loại sang trọng, nhưng thức ăn cũng khá ngon. Anh Linh cũng chuẩn bị cho mỗi bàn một chai rượu dâu để thưởng thức. Đây là đặc sản của Đà Lạt mà chưa ai trong đoàn đã từng uống. Bà Pradit nói bà sẽ mua rượu này để làm quà tặng cho các cha người Thái mà bà quen biết. Thế là hôm sau bà đi mua bốn chai khi đoàn có thời giờ đi mua sắm.



Sau một ngày dài ngôi trên xe thì các thành viên trong đoàn đều muốn nghỉ ngơi khi về tới khách sạn. Họ nhanh chóng nhận phòng và đi nghỉ. Chỉ nhóm cô Kaysorn và những người bạn của cô thì rất chịu chơi nên đã ra ngoài đi dạo và mua sắm cho đến 11h mới về phòng. Mình và cha H. thì được hai vị khách đến từ Chiangmai là ông Manop và ông Narong mời ra ngoài quán cóc để uống ít rượu và nói chuyện. Hai người là những giáo dân như có vai trò quan trọng trong giáo phận Chiangmai là cố vấn cho ĐGM trong vấn đề luật pháp. Ông Manop bào rằng lúc nào mình có dịp đi Chiangmai thì hãy liên lạc với ông để ông sắp xếp cho chỗ nghỉ ngơi.

Sau một ngày dài mình cũng đã mệt mỏi và về phòng. Không mấy lau sau thì thiếp ngủ. Tuy nhiên mình lại thức giấc rất sớm. Khoảng 4h30 là đã dậy rồi. Có lẽ vì mình là trưởng đoàn nên cũng hơi băn khoăn về chuyến đi nên không thể ngủ nhiều được. Vì thế nên ngày nào mình cũng dậy sớm và xuống dưới sớm để chào đón những người giáo dân khi họ vào phòng điểm tâm.

Bangkok, ngày 27.12.2013



Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 2)


Chiếc xe tour 45 chỗ ngồi chứa đầy khách hành hươn người Thái nhanh chân rời sân bay Tân Sơn Nhất đến điểm đầu tiên là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế để viếng Đức Mẹ và cầu xin cho chuyến đi được bình an và mang lại kết quả tốt đẹp cho những người con cái mình. Mọi người tụ họp ở hang đá Đức Mẹ và đọc kinh bằng tiếng Thái. Sau đó mình và cha H. trao cho mỗi người một que nhang để dâng Mẹ. Người Công Giáo Thái Lan không quen thắp nhang vì họ cho rằng đây là phong tục của người Phật giáo. Đúng vậy ở Thái Lan chỉ thấy việc thắp nhang làm bởi người theo đạo Phật. Người Công giáo chỉ thắp nến. Nhưng vì đây là văn hóa Việt Nam nên họ cũng vui lòng nhận que nhang và cắm vào bình nhang có sẵn trước tượng Mẹ.

Sau đó họ vào bên trong viếng nhà thờ và gặp được một cảnh mà rất hiếm thấy ở Thái Lan, ngay cả trong Mùa Vọng. Đó là có rất nhiều linh mục đang giải tội cho những giáo dân đang xếp thành hàng. Nhiều người Thái nhận định: - Đây là điều mà ít khi thấy ở Thái Lan. Ngay cả ban ngày mà cũng có quá nhiều người, đặc biệt là người trẻ đến nhà thờ xưng tội.


Tiếp theo mình đưa đoàn vào nhà sách để mua tượng ảnh. Nhiều người bất ngờ khi thấy những tràng hạt nhìn rất đẹp mà lại rất rẻ. Dù mới đến Việt Nam nhưng nhiều người đã sẵn sàng mua hàng chục tràng hạt để mang về Thái Lan làm quà.

Rất khó để kêu mọi người rời khỏi nhà sách để đi thăm quan ở những điểm tiếp theo, đó là Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Ba, và Bưu Điện Thành Phố. Nhưng sau nhiều lần hối thúc thì mọi người cũng đã lên xe để đi tiếp. Mình tiếp tục làm hướng dẫn viên cùng với cha H. Vai trò hướng dẫn viên chính thuộc về mình vì mình thông thạo tiếng Thái. Cha H. đang trong thời gian học ngôn ngữ và cũng ít có cơ hội để làm việc với người Thái nên khả năng tiếng Thái còn hạn chế. Tuy  nhiên ngài giúp đỡ trong việc tổ chức và chuẩn bị chương trình, cũng như hiện diện để hỗ trợ cho những gì cần làm trong chuyến hành hương. Có ngài nên mình cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Khi đang ở Dinh Độc Lập thì trời bắt đầu đổ mưa, một cơn mưa lớn trái mùa. Thời tiết năm nay rất kỳ lạ. Mùa mưa đã qua đi lâu rồi mà người ta cứ tưởng như Sài Gòn đang giữa mùa mưa vậy. Mưa thật lớn, thật ngon lành. Mưa cho đến sau khi đoàn ăn tối và tới khách sạn nhận phòng rồi mới thôi. Thoạt đầu sẽ tổ chức đưa đoàn đi ngắm Sàigon vào đêm với những trang hoàng rực rở để chuẩn bị cho Noel và Năm Mới. Nhưng vì trời mưa nên những thứ trang trí bằng điện đã không được bật lên. Bên cạnh đó nhiều người trong đoàn cũng đã cảm thấy mệt sau một ngày sinh hoạt nên mình quyết định cho mọi người nghỉ ngơi. Riêng mình và cha H. thì hẹn với anh Linh là người dẫn tour để gặp nhau nói chuyện trao đổi về những việc tiếp theo.

Bangkok, ngày 26.12.2013




Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 1)

Phải nói mình cũng gan, dám tổ chức hành hương Việt Nam cho hơn 40 người giáo dân Thái Lan, đa số là ở tuổi U60 và U65. Có người còn trên 70 nữa. Sau khi bàn với cha H. dòng Đaminh nhờ cha liên lạc với công ty tour ở bên Việt Nam mà cha quen biết để xây dựng chương trình tour với chủ đề "Hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam" và quảng bá chương trình qua facebook, nhờ người quen biết giới thiệu, nhờ cha linh hướng của phong trào Đạo Binh Đức Mẹ giúp phổ biến chương trình, v.v. cuối cùng cũng được một con số người ghi danh tham dự ngoài dự đinh.

Thoạt đầu mình chỉ đặt 35 vé máy bay vì nghĩ rằng đây là con số lý tưởng, không ít quá không đông quá. Cha H. nói với mình là xe tour ngồi được 45 người kể cả nhân viên và khách. Nhưng mình không muốn lấy con số tối đa vì sợ rằng nhiều quá sẽ vất vả và chăm sóc không xuể. Vả lại mình sợ rằng đặt cọc số vé nhiều mà lở không có ai đăng ký đi thì toi đời nên lấy con số 35 là số an toàn. Thế mà sau khi phổ biến chương trình và sau thời gian đầu im hơi lặng tiếng không thấy mấy ai hưởng ứng thì bổng nhiên có rất nhiều người muốn đi, chính yếu là nhờ vào úy tín của cha Chavalit Kitcharoen là vị linh mục khả ái mà rất nhiều người giáo dân Thái Lan mến mộ. Cha đã phổ biến chương trình tour trong phong trào ĐBĐM của ngài và chính ngài cũng đăng ký đi tour nên ngài đã lôi cuốn được nhiều con chiên của ngài cùng tham gia. Ngòai ra, nhờ vào hai người giáo dân khác mà mình quen biết giới thiệu với người thân bạn bè nên cuối cùng số lượng khách của mình đã vượt khỏi chỉ tiêu từ 35 đến 42. Thêm với mình và cha H. và người hướng dẫn đoàn nữa thì vừa đầy xe. 

Nhờ vào sự nỗ lực của mình và ơn Chúa nên việc thanh toán những chi phí cho tour cũng khá nhanh chóng và trôi chảy. Chỉ việc nộp hộ chiếu thì hơi mất thời giờ vì đa số các vị cao niên không có email nên họ chỉ có thể fax hộ chiếu đến để lo cho việc mua vé máy bay. Khổ nỗi là mình lại không có máy fax nên phải nhờ máy của một người quen nhưng lại không ở gần nhà. Nhưng cuối cùng thì tất cả những giấy tờ cũng đã đầy đủ và văn phòng bán vé máy bay đã giúp mình tạo nên danh sách khánh hàng cũng như giúp mình tiễn khách lên máy bay từ sân bay Bangkok đi Việt Nam vào ngày 19.12.2013 bắt đầu một hành trình năm ngày bốn đêm đi từ Sài Gòn cho đến Đà Lạt và Đồng Nai với mục đích tìm hiểu và thưởng thức cách người Công Giáo Việt Nam chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh cả hình thức bên ngoài và bên trong. Đây hưa hẹn là một trải nghiệm mới cho những người giáo dân Thái Lan, kể cả những người đã từng đi thăm quan Việt Nam nhưng chưa có cơ hội để chứng kiến những sinh hoạt của người Công giáo trong dịp cận kề mùa Noel. 

Chiếc máy bay Vietnam Airlines 600 cất cánh vào lúc 11.20 sáng và đáp tại Tân Sơn Nhất lúc gần 1g chiều. Sau khi làm thủ tục hải quan và nhận hành lý thì mình đã đưa đoàn ra bên ngoài sân bay. Ở đó cha H. và những người hướng dẫn tour đã sẵn sàng chờ đón đoàn cho chuyến đi thú vị này.

Bangkok, ngày 26.12.2013

Tĩnh tâm



Hôm qua mình tổ chức tĩnh tâm cho giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Số người đến tham dự khoảng trên 50 người. Không nhiều như đối với mình đó là một con số lý tưởng. Đủ để có sự vui nhộn nhưng không quá đông khiến cho việc tĩnh tâm trở thành một cuộic hội họp khó kiểm soát. Khi tổ chức một chương trình tĩnh tâm mình cần có sự trật tự, sự lắng đọng ở những điểm khác nhau. Ngay cả sự vui nhộn cũng phải mang tính trật tự. Khi có quá nhiều bạn trẻ nguy cơ có thể xảy ra là sự thiếu kỹ luật và sự lộn xộn làm mất đi sự trang nghiêm. Vì thế mình không bao giờ tham lam số lượng. Mình lấy sự quân bình làm lý tưởng. 

Trong giới trẻ mình có tiếng là khó tính. Mình cũng công nhận điều đó. Mình khó tính thật. Khó tinh nhưng không phải khó khăn hay khó gần gũi. Mình khó tính tại vì mình không thích sự nửa vời, không thích cái kiểu làm sao cũng được, không thích cái làm cho có. Mình cũng không thích cái thiếu sắp xếp và trật tự. Mình không thích quá màu mè cũng không thích cái gì quá đơn điệu. Nói chung mình thích cái gì nó ra cái đó. Khi vui thì phải thực sự là vui. Nhưng để cho nó thực sự vui thì mọi người phải tuân theo luật chơi một cách nghiêm túc. Khi phải nghiêm trang thì cũng phải nghiêm trang. Đừng đùa giởn trong lúc đang phải làm việc và ngược lại. Có lẽ mình đã rất nhập tâm đoạn Kinh Thánh từ sách Giảng Viên nói rằng trên đời cái gì đều có thời giờ của nó nên mình luôn áp dụng triết lý này trong cách sống và làm việc của mình. Và đã không ít lần mình lấy đoạn Kinh Thánh này ra làm bài Lời Chúa cho những nghĩ thức khai mạc chương trình tĩnh tâm để nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa của việc mình đang làm là gì. 

Mình tin rằng chính vì mình có lối làm việc như thế nên những sinh hoạt của mình thường mang lái hiệu quả tốt. Mình không phải là người tổ chức xuất sắc, nhưng mình làm có hệ thống và phương pháp. Chính vì thế mà nó bổ ích cho người đến tham dự. 

Hôm qua là một ngày tĩnh tâm tốt đẹp. Chưa phải là lý tưởng vì điều kiện về không gian và thời gian bị hạn chế. Nhưng mình đã làm tốt nhất có thể. Và những bạn trẻ mình mời để cộng tác với mình đã làm tốt nhất trong khả nặng của các bạn. Mình rất hài lòng. Có thể tốt hơn được không? Chắc chắn là có. Có thể sâu sắc hơn không? Câu trả lời cũng có. Có cần thêm thời giờ để có thể cầu nguyện, chia sẻ, và có những sinh hoạt khác giúp cho các bạn trẻ đến tham dự có những cảm nhận mới về Chúa không? Dĩ nhiên là có. Tuy vậy, với những hạn chế của mình và của các bạn, mình đã có một chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng có ý nghĩa, và mình tin rằng các bạn đi tham dự đã ít nhiều sẵn sàng hơn để đón Chúa Giêsu Giáng Sinh khi ngài đến.

Bangkok, ngày 9.12.2013



Chuẩn bị tĩnh tâm


Sáng thứ bảy yên tỉnh. Mình thức giấc, nhanh chóng ra khỏi giường. Đánh răng, rửa mặt, làm vài động tác giản vai, cổ, rồi thay áo quần để lên nhà nguyện dâng lễ với các cha, thầy, và seour. Mỗi sáng trên nhà nguyện có khoảng 10 người dâng lễ với nhau, trong đó có 4 thầy thuộc dòng San Gabriel là hội dòng quản lý trường đại học Assumption nơi mình đang học. Còn lại là các linh mục tu sĩ đang theo học ở đây và ở trọ trong tòa nhà này. Sau lễ sáng mọi người ăn sáng với nhau trước khi bắt đầu công việc hằng ngày của mình.

Sáng nay mình chuẩn bị cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng cho giới trẻ Việt Nam ngày mai. Mình không biết sẽ có bao nhiêu người đến tham dự. Mình đã phổ biến chương trình trên mạng xã hội cũng như thông báo trong các Thánh lễ nhóm. Tuy nhiên mình không kêu gọi, không thuyết phục, không nài nỉ, không hăm dọa các bạn phải đi tham dự như trước đây mình đã từng làm khi tổ chức một chương trình gì. Không phải mình bất cần, nhưng thiết nghĩ đã tổ chức một sinh hoạt đã mệt, mà còn phải lo về số lượng người đến tham dự và các vấn đề khác nữa chỉ làm cho mình thêm căng thẳng. Minh cứ mặc cho các bạn quyết định cho chính mình xem họ có cần tham dự tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa hay không? Mình chỉ cố gắng tập trung vào việc tổ chức chương trình tĩnh tâm cho tốt để khi các bạn trẻ đến tham dự cho dù đó là 10 người hay 100 người đề có một trải nghiệm sâu sắc và bổ ích.

Những ngày này mình cũng đang chuẩn bị chính mình nữa. Có lẽ đó là điều quan trọng hơn hết trong việc tổ chức tĩnh tâm. Chắc chắn một vị linh mục hay tu sĩ nào cũng đã từng nhận ra rằng lắm khi mình tổ chức những chương trình tĩnh tâm, cầu nguyện, trình bày những bài giảng hùng hồn, nhưng trong lòng của chính mình thì khô khan, cuộc sống thực tế của mình không giống như những gì mình giảng dạy. Cái kinh nghiệm về Thiên Chúa mà mình mang lại cho những người đến tham dự những sinh hoạt của mình lại không có trong chính con người của mình. Mình chỉ giỏi thực hiện nó cho người khác chứ không phải cho chính mình. 

Vì thế nên những ngày này, mình đang chuẩn bị cho chính mình, có những điều chỉnh trong lời nói và việc làm của chính mình để mình cũng sống cái tinh thần Mùa Vọng mà mình kêu gọi người khác phải làm hầu lời nói của mình sẽ không phải chỉ là lời nói sáo rỗng. Chỉ như thế thì mình mới là một linh mục thực chất, đáng để cho người khàc lắng nghe và tin theo. 

Bangkok, ngày 7.12.2013

Nghe thánh ca Mùa Vọng



Hôm nay lần đầu tiên mở thánh ca Mùa Vọng ra nghe để hòa mình vào tinh thần của Mùa Vọng một cách trọn vẹn hơn. Sống ở đây, nếu không chủ động để tạo nên cho mình cái không khí Mùa Vọng thì những ngày tháng này cũng sẽ trôi qua một cách nhanh chóng rồi đến Giáng Sinh một cách hửng hờ như bao nhiêu ngày lễ khác mà ý nghĩa thực sự của nó hoàn toàn bị nhấn chìm trong những hình thức bên ngoài. Ở Thái Lan hơn ở bất cứ nơi nào khác, hình thức rất quan trọng nhưng lại thiều chiều sâu và mình cũng rất dễ bi lối cuốn vào những hình thức bên ngoài đó.

Tối nay mình nghe thánh ca Mùa Vọng để nhận ra rằng mình đang sống trong sự tăm tối, những bóng tối được tạo nên bởi xã hội con người và bởi những hành động đen tối của chính mình.  Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để thấy rằng đời sống tâm linh của mình còn quá khô khan cần được bồi dưỡng bởi những hạt sương mai đến từ Trời để có thể vươn lên từ khỏi hoàn cảnh khô cằn, héo hon. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để thấy rằng mình rất cần Chúa trong lúc này, và nếu không có Ngài thì mình sẽ mất hết tất cả những hồng ân cần thiết cho đời sống. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để biết rằng mình vẫn còn đặt hết niềm tin và niềm hy vọng vào tình yêu vô biên và lòng thương xót của Chúa cho dù mình đã không ít lần phản bội Ngài bằng những hành động và tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng như lời cầu nguyện xin Chúa đến trong lòng mình và biến đổi nó để trở thành nơi xứng đáng cho Ngài ngự trị.

Bangkok, ngày 4.12.2013

Nhìn lại chương trình "Hành Trình Với Đức Kitô" 2013



Đã gần một tháng từ ngày mình tổ chức chương trình họp trại giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan với chủ đề "Hành Trình Với Đức Kitô" tại Nong Bua Lamphu. Đây là lần thứ 3 mình tổ chức sinh hoạt này và nó là chương trình hội trại duy nhất dành cho các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan nên cũng khá đặc biệt. Năm này lạ đặc biệt hơn hẳn hai năm trước vì có sự tham gia của thêm nhiều bạn trẻ hơn, đặc biệt là từ Bangkok. Hai năm trước mình ở NBL nên không dễ vận động các bạn trẻ từ Bangkok đi tham dự. Năm này, một phần vì mình đã dọn về Bangkok ở nên việc phổ biến cho các bạn ở Bangkok có phần thuận tiện hơn. Điều thứ hai là năm này có sự cộng tác của cha James Hanh Vũ Dòng Đaminh. Nhờ sự năng nổ và việc huy động của cha Hanh mà số các bạn trẻ ở Bangkok đi tham dự đông hẳn lên. Năm trước chỉ có chưa đến 10 bạn mà năm này số lương lên đến hơn 40 bạn. Hiệp Hội phải thuê ba chiếc xe du lịch 16 chỗ ngồi để đưa các bạn đi.

Riêng số lượng các bạn đến từ vùng đông bắc như Nong Bua Lamphu, Khon Kaen và Udon Thani cũng có phần nhiều hơn năm trước nên tổng số tham dự viên lên đến khoang 100 người. Tuy không đông nhưng so với điều kiện của ban tổ chức và của các bạn lao động thì đây là một số lượng rất tốt. Và với con số như thế này thì cũng vừa đông để cảm thấy có không khí hội họp mà lại không quá mức làm cho khó kiểm soát.



Năm này ngoại việc có sự cộng tác của cha Hanh thì mình còn nhận được sự giúp đỡ của một bạn trẻ tên Hoàng Anh, một món quà bất ngờ Chúa gởi đến cho mình trong dịp này. Hoàng Anh đã liên hệ với mình sau khi nghe về chương trình và ngõ ý muốn đóng góp tài năng của mình. Vì mình chưa tiếp cận với H.A. trước đây và chưa có cơ hội chứng kiến khả năng của bạn nên mình chưa chắc chắn bạn có hiểu được mô hình và cách thức làm việc của mình hay không. Dù sao đi nữa thì mình có một lối làm việc và suy nghĩ riêng và mình có mục đích rất rõ rệt muốn đạt được cho những sinh hoạt mà mình khởi xướng. Những ai nắm được suy nghĩ của mình mới có thể giúp mình đạt được mục tiêu đặt ra.

Mặc dầu mình chưa biết H.A. và em ấy cũng chưa biết nhiều về mình, nhưng vì H.A. đã bày tỏ sự mong muốn cộng tác và sự nhiệt tình, hy sinh nghỉ làm việc và đi xe đường xa để đến tham dự cuộc họp bàn về chương trình nên mình đã không có lý do gì để không giao cho em một trách nhiệm rất quan trọng, đó là làm quản trò cho ba ngày trại. Và kết quả là khi Chúa đã ban cho chúng ta một món quà thì món quá đó phải thực sự bổ ích cho mình. H.A. không chỉ đã hoàn tất tốt vài trò của mình để mang lại sự vui nhộn, trẻ trung, và hài hòa trong chương trình, mà còn làm cho mình đỡ mệt rất nhiều. Những năm trước, mình phải làm dường như hết mọi thứ ngoài việc thuyết giảng nên rất mệt. Năm này có H.A. nên không chỉ đỡ mệt mà có thể nói làm tốt hơn cái mình có thể làm được.

Sau những năm huấn luyện các bạn trẻ trong nhóm Hy Vọng thì trong lần trại này, các bạn cũng đã thể hiện được phần nào sự trưởng thành hơn trong việc cộng tác tổ chức, từ khân quảng bá chương trình, gây quỹ, cho đến việc thực hành những phần của chương trình trại. Thắng đã học hỏi rất nhiều điều liên quan đến kỹ thuật nên có những tờ poster, bang-rôn, mẫu áo, và những graphics rất đẹp cho chương trình.



Đối với các bạn trẻ đến tham dự thì tinh thần rất cao. Mặc dầu nhiều người phải đi đường xa đến tham dự, thiếu ngủ mà trên khuôn mặt luôn luôn vui vẻ. Tinh thần của các bạn không thể nào làm cho mình không khỏi khâm phục. Có một vài bạn ở tại Nong Bua Lamphu, mặc dầu không phải đi đường xa nhưng phải đi làm đêm sau khi chương trình trại kết thúc mỗi tối. Làm việc xong thì sáng sớm quay lại để kịp vào chương trình của ngày mới. Thế là không được ngủ. Nhưng các bạn vẫn vui vẻ. Mình không hiểu họ làm được như thế nào. Chắc chắn phải có ơn Chúa. Và tinh thần luôn luôn vượt qua thể xác.

Ba ngày trại kết thúc trong niềm hạnh phúc, tiếc nuối của lẫn ban tổ chức và tham dự viên. Có người nói với mình chưa bao giờ có cảm giác vui và hạnh phúc như thế này từ ngày sang làm việc ở Thái Lan. Có người nói chưa bao giờ thấy gần gũi Chúa như bây giờ. Có người nói chưa bao giờ được gần gũi các cha như bây giờ. Có người nói ba ngày trại sao ít quá cho dù trước đó đã có không ít bạn quan ngại sợ rằng chương trình ba ngày dài quá sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Sau khi trở về từ chương trình họp trại, các bạn đua nhau chia sẻ hình ảnh, video clip, và viết lên những cảm nhận của mình trên trang facebook cá nhân và của những người bạn mới mà họ đã gặp được trong chương trình. Tinh thần của trại được tiếp nối một cách tự nhiên nhờ vào phương tiện mạng xã hội. Họ tiếp tục đồng hành với nhau và đồng hành với Đức Kitô đúng theo tinh thần của trại.

Một tháng rồi mà trên những trang cá nhân ấy vẫn còn xuất hiện những hình ảnh và video clip từ chương trình. Mới chỉ sáng nay thôi khi mình vào trang fb của mình cũng thấy một tấm hình mà một bạn trẻ đăng lên và nhắn cho mình vào "nhận hàng".



Thế đấy một sinh hoạt mà làm người ta phải tốn tiền, phải nghỉ làm việc, phải đi xa, phải mất ngủ nhưng mang lại niềm vui vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Không có một cuộc chè chén hay một dạ tiệc nào cho dù có vui hoặc hoành tráng đến cở nào có thể mang lại cho họ một niềm vui sâu dậm như vậy. Trong chương trình trại không có rượu bia, ăn nhậu hay những thú vui thế tục khác. Chỉ có những bài hát sinh hoạt và thánh ca, những trò chơi vui, những lời chia sẻ, những lời cầu nguyện, những giây phút lắng đọng tâm hồn, những khoảng khắc đến với Chúa trong Thánh lễ, trong giờ chầu Thánh thề, trong giờ hòa giải, trong những ánh mắt nụ cười của nhau. Chỉ thế thôi và như thế thôi mới có thể để lại cho các bạn một cảm nhận sâu xa về tình yêu của Chúa và tình tương thân tương ái giữa những người bạn đang cùng đồng hành với nhau trên cõi đời này.

Bangkok, ngày 23.11.2013


Trở lại

Chúa Nhật vừa rồi mình đi dâng lễ mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở nhà thờ cỗ Thánh Giuse Ayutthaya với các linh mục tu sĩ và các bạn trẻ Việt Nam hành hương về cố đô nước Thái để mừng một ngày lễ vô cùng quan trọng đối với người Công giáo Việt Nam. Sau thánh lễ, một bạn trẻ đến hỏi mình: - Sao dạo này cha không viết bài mới nữa?

Thoạt đầu mình nghĩ là bạn này nói về báo của Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan nên mình trả lời là vẫn viết bài mỗi khi có số báo mới được phát hành. Nói qua lại vài câu mình mới hiểu rằng đó là cái trang blog chứ không phải báo của Hiệp hội.

Có người hỏi đến cái blog mình vừa vui vừa áy náy vì cũng đã lâu rồi mình không chia sẻ trên trang này. Không chia sẻ không phải vì không có gì để chia sẻ. Thật ra có nhiều điều để chia sẻ lắm, những niềm vui, nỗi buồn, những kinh nghiệm, những câu chuyện bi hài trong cuộc sống, những nhận xét về con người và thế giới chung quanh mình. Nếu muốn chia sẻ thì không thiếu đề tài để nói, để ghi lại, thậm chí để mổ xẻ. Nhưng bổng nhiên mình mất cảm hứng để viết từ khi nào cũng không hay. Ngồi viết cho thành câu thành cú, cho thành chuyện có đầu có đuôi bổng dưng sao thấy nó nặng nề quá. Ngược lại, đăng vài tấm ảnh trên trang facebook cá nhân, ghi vài câu là xong chuyện. Nếu có ai phản hồi thì vào trả lời tiếp. Sự việc đơn giản hơn, nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn. Còn cái blog này xem nhiều khi vắng vẻ. Dù là biết rằng mình viết cho mình nhiều hơn là viết cho người khác, nhưng sự vắng vẻ đôi khi cũng làm cho mình đắn đo không biết có nên tiếp tục duy trì nó hay không. Dù sao đi nữa thì muốn chia sẻ với người khác thì có quá nhiều phương tiện, mà facebook là một phương tiện vô cùng phổ biến. Trên facebook mình có hàng ngìn "người bạn" mà chỉ cần mình đăng cái gì đó một phát là có bao nhiều người tiếp cận được.

Thế nhưng rồi thỉnh thoảng lại có người hỏi, "Sao cha không viết bài trên blog nữa?" là làm mình cảm thấy áy náy và có cảm giác như là mình không làm tròn trách nhiệm của mình. Vì thế nên sáng nay, sau khi dâng lễ và ăn sáng xong, mình vào trang Nhật ký này, ghi lại những dòng chữ này, đề hầu có ai đó vẫn đang còn vào trang này thì biết rằng mình vẫn còn đây, vẫn còn sống và làm việc, vẫn còn hoạt động và phấn đấu, vẫn còn rất nhiều chuyện vui buồn để kể, cho dù chữ nghĩa tiếng Việt thì kém cõi, văn chương thì mộc mạc, và đánh dấu "hỏi" "ngã" thì khi đúng khi sai. Nhưng ái có thiện tâm thiện chí thì đững bỏ mình và mình sẽ cố gắng đón nhận và trân trọng cảm tình của những ai dành cho người linh mục truyền giáo này.

Bangkok, ngày 20.11.2013

 Hình ảnh lễ mừng Các Thánh tử Đạo Việt Nam tại nhà thờ thánh Giusẻ, Ayutthaya

Đám cưới


Lại thêm một cái đám cưới của các bạn trẻ lao động di dân tại Nong Bua Lamphu. Nhưng đám cưới này có phần hoành tráng hơn đám cưới tuần trước vì lần này thì cô dâu và chú rể có cha mẹ sang từ Việt Nam để tham dự. Chỉ có mẹ của của cô dâu không qua được. Ngoài ra còn có anh chị em, bà con, bạn bè. Có các cha, các sư huynh dòng Ngôi Lời, các seour, người Thái, người Việt đến kín nhà thờ. Tiệc cưới 15 bàn không dư một chỗ ngồi. Hai bạn rất hạnh phúc. Cha mẹ của cô dâu và chú rể còn hạnh phúc hơn khi thấy trên đất khách quê người mà con cái mình có một lễ cưới khá lớn và có được nhiều người thương.

Tuy nhiên, đêm tân hôn thì chưa thể có được vì sáng mai thì cô dâu cũng phải dậy từ lúc 3h sáng để đi làm cho bà chủ của mình. Cô dâu nói: - Thật ra nghỉ làm cũng được. Nhưng họ rất cần mình. Những ngày qua họ giúp mình quá nhiều thứ. Bây giờ mình giúp họ lại cũng không sao.




Nong Bua Lamphu, ngày 29.9.2013

Mừng lễ quan thầy


Hôm nay nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae nơi mình từng làm cha quản xứ thời gian 5 năm tổ chức mừng lễ quan thầy. Mặc dầu là một giáo xứ nhỏ bé nhưng vào ngày lễ quan trọng thì mọi người nỗ lực hết mình để tổ chức chương trình thật tôt đẹp và để lại dấu ấn tốt trong những người đến tham dự. Đây là hình ảnh không khí trước khi lễ bắt đầu.
Đến 10h sáng, ĐGM Giuse đến. Cha Trực và giáo dân ra đón ngài. Sau đó các bạn trẻ múa một bài truyền thống để chào đón ĐGM.
Thánh lễ bắt đầu lúc 10h30 sáng. Hôm nay có khoảng 18 linh mục đến đồng tế với ĐGM.
Mình được cha Trực nhờ công bố Tin Mừng.
Việc hát trong thánh lễ được giao cho các em tiểu chủng sinh.

Sau lễ mọi người tiến về hội trường để dự buổi liên hoan. Ở Thái Lan lúc nào lạt cũng đi cùng với lễ. Tất cả các thức ăn đãi cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều được cúng bởi những giáo dân xa gần cũng như những người Phật giáo. Vì thế thức ăn không bao hề thiếu.
Mọi người vui v3 thưởng thức những món ăn được phục vụ cho ngày lễ.
Trong khi đó thì các em thiếu nhi và giới trẻ trình diễn những tiết mục văn nghệ cho quan khách thưởng thức.Tuy chỉ là những tiết mục cây nhà lá vườn, nhưng sự nỗ lực của các bạn cũng rất đáng khen.
Các bạn trẻ Việt Nam cũng đóng góp lời ca tiếng hát trong Thánh lễ và trong chương trình giúp vui.
Không chỉ các em thiếu nhi và bạn trẻ, mà các seour dòng mẹ Têrêxa, thầy Bernd, cùng với mình cũng lên đóng góp vài bài hát đi kèm theo động tác. Mình còn mời ĐGM và mọi người cùng đứng lên tham gia để tạo không khí vui nhộn cho buổi tiệc.
Mình làm M.C. cho phần này. Cuối buổi tiệc mình mời ĐGM lên cầu nguyện kết thúc. Và sau đó là việc dọn dẹp băt đầu. 
 Nong Bua Lamphu, ngày 28.9.2013

Một mảnh đời trong Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Hôm nay tôi ghé qua thăm các bệnh nhân HIV/AIDS bên TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các bệnh nhân đang giúp nhau đổ dầu gội đầu vào trong các chai nhựa. Đây là dầu gội đầu tự chế, có màu xanh xanh. Đây là một trong những sinh hoạt mà thầy Bernd tổ chức cho các bệnh nhân. Vì thứ bảy này là lễ quan thầy của nhà thờ thánh Micae nên họ "đóng chai" dầu gội đầu để bán cho các giáo dân đến tham dự lễ.

Ở bàn đá một bệnh nhân nam tên M. đang ngồi cắt những mãnh giấy có hình vuông. M. đến hồi phục tại trung tâm cách đây 4 tháng. Bên ngoài nhìn khá bình thường và trẻ trung với cái tuổi 30. Nhìn thoáng qua thì nhiều người sẽ không nghĩ là M. mắc bệnh AIDS. Mình đến ngồi trên chiếc ghế đối diện M. và bắt chuyện: - M. đang làm gì thế?

- Thưa cha tôi đang cắt giấy để dán lên những chai dầu gội đầu.

- Thế à? Thật tuyệt. Sức khỏe M. dạo này ra sao?

- Thưa cha đỡ hơn trước rất nhiều. Cách đây bốn tháng khi gặp cha lần đầu tiên thì tôi gần như bị liệt không thể đi lại được. Nhưng bây giờ tôi có thể đi lại được và có thể tập thể dục nhẹ nữa.

- Đúng rồi. Mới đầu nhìn M. tôi cũng xém nhận không ra. Bây giờ so với thời gian trước thật khác biệt.

- Vâng. Đó là bây giờ tôi đã lên cân rất nhiều. Bây giờ tôi tới 68 cân, tăng đến 15 cân so với 4 tháng trước. Ngoài ra bác sĩ cũng nói ra vi trùng ho lao của tôi dường như không còn nữa. Tuy nhiên tôi phải uống thuôc ho lao cho đến tháng 12 mới chấm dứt. Chỉ hơn hai tháng nữa thôi.

M. kể cho tôi nghe tình hình sức khỏe của anh một cách rất phần khởi. - Cha biết không, tôi rất may vì trên da tôi không có nổi mận và những vết đen. Thỉnh thoảng cũng có nổi lên đôi chút, nhưng rất mau nhạt xuống. Trên mặt tôi có nổi một chút do có dị ứng thuốc. Nhưng bây giờ cũng đã đỡ rất nhiều.

M. lại chia sẻ cho tôi nghe về việc anh mới phát hiện ra mình bị HIV khi ngã bệnh năm vừa qua. Anh kể bác sĩ lúc đó cho anh cơ hội sống chết 50-50. Anh nói: - Súc khỏe tôi sa sút quá nhanh. Tôi giảm từ hơn 70 cân chỉ còn 50 cân. Tôi không ngờ bệnh tôi nặng đến thế. Bác sĩ nói tôi phải bị nhiễm 7-8 năm rồi, nhưng tôi không hiểu tại sao trước đây tôi đã đi xét nghiệm rất thường xuyên nhưng không bao giờ bi dưong tính. Tôi đã từng đi bệnh viện St. Louis là bệnh viện Công giáo có tiếng mà kết quả cũng âm tính. Thế mà bổng dưng bác sĩ lại nói là tôi bị nhiễm HIV.

M. kể cho tôi nghe trước đây anh cũng từng làm việc ở Bangkok, không cách xa trường đại học Assumption nơi tôi đang học lúc này. Vì thế anh biết rất rõ khu vực nơi tôi ở. M. nói: - Ở khu đó tôi quen biết nhiều người vì tôi đã làm việc trong khu vực đó đến 5 năm. Bây giờ một số bạn bè của tôi vẫn còn ở đó. Có người biết tôi bi nhiễm HIV, nhưng đa số thì chưa biết.

Tôi hỏi: - Họ phản ứng như thế nào khi biết được tình trạng của em?

- Có đứa thì chấp nhận và động viên tôi. Nhưng có đứa thì chưa thông cảm được cho tôi.

- Còn gia đình thì sao?

- Cha mẹ tôi qua đời rồi, chỉ còn anh em. Họ cũng chấp nhận và thường xuyên động viên tôi. Vì thế nên tôi mới có sự quyết tâm để phấn đấu. Thoạt đầu tôi cũng không chấp nhận được tình trạng của mình nên tôi cũng buông thả. Nhưng sau này tôi suy nghĩ lại, thấy mình còn trẻ, và còn hy vọng nên tôi quyết định sẽ phấn đấu để hồi phục, khỏe mạnh rồi trở lại kiếm việc làm nuôi bản thân.

- Đó là một quyết định đúng đắn.

- Tôi cũng nghĩ thế. Biết đâu trong tương lai người ta có thể chế thuộc chữa bệnh này thì sao? Vì thế nên tôi phải quyết tâm sống. Dù sao đi nữa thì có những căn bệnh mà khi người ta mắc phải bệnh đó còn chết sớm hơn cả HIV nữa.

M. vừa chia sẻ cho tôi nghe nhưng tâm sự của mình vừa dùng cái bàn cắt để cắt những mãnh giấy để gián lên chai dầu gội đầu. Anh ta rất cởi mở và nói thật nhiều. Mình không hỏi lý do tại sao bị nhiễm HIV. Vì đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng đó là M. đã và đang hồi phục. Anh ta muốn sống và có hy vọng sẽ đạt được những gì mình dự định. Đây là một trường hợp tốt trong trung tâm. Không phải trường hợp nào cũng tích cực như thế. Mới cách đây vài tuần, nhân viên TT đã phải tổ chức đám tang cho Sắn, một bạn trẻ chỉ mới 18 tuổi. Trước đây, Sắn ở trong nhà dành cho các bạn teen bị nhiễm HIV. Nhưng vì thích tự do, không thích sống trong khuôn khổ của TT nên Sắn đã một hai xin rời khỏi TT để tự lập. Cuối cùng thì em cũng được như mong muốn.

Hai năm sau, mọi sự đã thay đổi. Sắn biến từ một học sinh tuổi 16, lanh lẹ, làm việc tốt, có trí thông minh thành một cây sậy. CD4 của Sắn chỉ còn vỏn vẹn 7 con, trong khi thời điểm nó một mực đòi rời khỏi TT là CD4 của nó lên tới 1000 con, còn cao hơn những người bình thường không bị nhiễm HIV nữa. Sắn trở lại TT để hồi phục, nhưng mọi việc điều quá trể. Trong hai năm sống ở ngoài, nó hút thuốc lá, uống rượu, ăn uống không đầy đủ, và thuốc điều trị cũng không uống. Khoảng hai tháng sau khi trở lại TT, Sắn qua đời ở cái tuổi còn quá trẻ.

M. nói: - Nhìn trường hợp của em Sắn nên tôi cũng rút kinh nghiệm và nhận ra rằng mình phải biết giữ gin sức khỏe cho chính mình. Vì thế tôi ý tứ trong việc ăn uống hơn, uống thuốc điều đặn, và sẽ ngày càng mạnh mẻ hơn khi tôi chịu khó tập thể dục.

Đây là chuyện không mấy xa lạ ở TTĐMHCG. Cũng hai người tuổi còn trẻ. Nhưng một người thì đang hồi phục, ngày càng mạnh mẻ hơn. Còn một người do không biết nghĩ xa và không biết lắng nghe lời khuyên từ người lớn tuổi nên cuối cùng đã phải ra đi một cách bất ngờ và đáng tiếc.

Nong Bua Lamphu, ngày 24.9.2013

Trở lại chốn cũ


Hôm qua mình đến nhà "mẹ" của dòng tại Nong Bua Lamphu. Ở đây có cộng đoàn Ngôi Lời gồm các cha và các thầy, có trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV và nhà trẻ mồ côi, và có ngôi nhà thờ nho nhỏ xinh xắn nơi mình đã từng làm "cha xứ" suốt quãng thời gian 5 năm. Trở lại đây là trở về nhà. Trở về cánh đồng truyền giáo cũ của mình nơi mình đã trau dồi kinh nghiệm phục vụ Giáo hội qua những công việc khiêm tốn những đa dạng và thú vị. Về đây là về với những khuôn mặt thân quen, không kiểu cách, không cầu kỳ, không bắt mình phải lựa từng lời ăn tiếng nói kẻo sợ mất lòng. 

Sáng nay mình dâng lễ ngày Chúa Nhật với các giáo dân và bạn trẻ ở đây. Mọi người đối xử với mình như  người nhà, như mới đi xa rồi về. Không có tiếp đón cầu kỳ. Mình thích như thế. Mình có cảm giác như mình chỉ mới đi vắng một tháng rồi về, chứ không phải là thời gian gần một năm. Mọi sự rất bình thường, rất giản dị, và cũng rất ấm cúng. 

Chiều nay mình làm lễ hôn phối cho một đôi bạn trẻ Việt Nam là lao động di dân. Hai bạn quen nhau ở bên Thái Lan và sinh hoạt trong nhóm giới trẻ Hy Vọng ở Nong Bua Lamphu. Gặp nhau, quen nhau, rồi đi đến yêu nhau và kết hôn với nhau. Hôm nay mình dâng lễ cho hai bạn ấy trong không khí ấm cúng của nhà thờ nhỏ bé. Khách mời là các seour, một số người Thái, nhưng đa phần là những người trẻ cũng qua đây lao động. Có người phải bỏ việc một ngày để đến tham dự, nhưng không dễ dàng. Có người vừa bước vào tiệc thì phải lật đật ra bến xe về vì chủ gọi đến buộc phải về. Có người ăn tiệc mà cũng không thoải mái vì sợ rằng sẽ không kịp chuyến xe cuối cùng đi xuyên tỉnh không kịp về tới nơi để bắt đầu ngày làm việc lúc 4h sáng. Họ đến từ Nong Khai hặc Khon Kaen, cũng cách NBL cả trăm cây số. 

Trong Thánh lễ thường có nghi thức thắp nến của đại dện hai gia đình. Nhưng trong thánh lễ hôm nay, nghi thức này đã phải bỏ qua vì chỉ có đàng trai có bố và em trai chú rễ đến tham dự. Bên nhà gái thì cha mẹ ở Việt Nam không thể qua tham dự lễ cưới được vì lý do sức khỏe. Một thánh lễ hôn phối tuy đầy đủ về nghi thức tôn giáo, nhưng cũng buồn biết bao khi những người thân yêu của mình lại không thể chứng kiến ngày quan trọng trong đời sống của mình. Mình nghĩ đến điều này thì không khỏi cảm thấy một chút buồn, một chút tủi thân thế cho hai bạn trẻ. Mà không chỉ hai bạn trẻ trong thánh lễ hôn phối chiều nay, mà còn nhiều nhiều bạn trẻ Việt Nam khác nữa đang mưu sinh trên đất Thái Lan. 

Nhưng cuộc sống là thế. Không thể lúc nào chúng ta cũng có thể chọn cái tốt nhất, cái hạnh phúc nhất, cái dễ dãi nhất. Có khi ngày long trọng nhất trong đời sống của một con người chỉ có thể diễn ra một cách giãn dị. Quan trọng là ngày trong sự tầm thường và đơn sơ đó, ta vẫn tìm ra được những tiếng cười, những lời ca, những lời chúc mừng, và cảm giác hạnh phúc trong  cuộc sống.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.9.2013


Thành phố mưa rơi


Từ ban công này tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Bangkok trãi ra trước mắt mình. Có những sáng sớm tôi đứng theo dõi bước chân của một vị sư rảo quanh khu dân cư để khất thực. Có những chiều tôi ngắm nhìn dòng xe trên đường cao tốc chạy xuyên qua thành phố đưa người dân thủ đô đi lại làm những công việc thường nhật. Có những tối tôi đứng đây để ngắm nhìn thành phố lung linh dưới vô số ánh đèn. Sáng nay tôi cũng đứng nhìn thành phố như thế. Thành phố sáng nay thật buồn. Mây xám che kín bầu trời và những tòa nhà cao tầng. Mưa rơi không ngừng. Tiếng mưa rơi tí tách trên nền xi-măng, tiếng xe cộ từ xa xa vọng lại, vị đăng đắng của tách trà tôi vừa pha, và tiếng hát Khánh Ly với những ca khúc Trịnh Công Sơn tạo nên cho tôi một cảm giác mang mác buồn khó tả.

Bangkok, ngày 20.9.2013


Tìm lại ánh trăng




Tôi không có một ký ức đặc biệt nào về Trung Thu cả. Thời thơ ấu tôi cũng ở Việt Nam, nhưng hình như điều duy nhất tôi làm trong đêm Trung Thu là đến trụ sở thôn để nhận bánh kẹo. Ngoài ra hình như nơi tôi ở không có tổ chức rước đèn hoặc bất cứ sinh hoạt văn hóa nào. Tôi cũng không nhớ vào những đêm Trung Thu tôi có được ngắm trăng hay không nữa bởi vì dường như có một hiện tượng hay xảy ra vào dịp lễ này là cứ đến Trung Thu là trời lại đổ mưa.  Tuy nhiên, tuổi thơ ấu của tôi lại luôn gắn bó với ánh trăng. Khi đó vùng quê của tôi chưa có điện. Vì thế cứ vào những đêm trăng sáng là bọn trẻ trong xóm đổ ra đường chơi những trò chơi bịt mắt bắt dê, chơi “ù”, và nhiều trò chơi khác mà chúng tôi nghĩ ra được để tạo cho nhau sự vui nhộn trong cuộc sống. Tuổi thơ ấu của tôi lại gắn liền với ánh trăng khi có những buổi sáng đi lễ, bước trên con đường đất từ nhà đến nhà thờ, tôi lại ngắm vầng trăng đi theo tôi. Tôi đi đến đâu, trăng theo đến đó. Lúc đó trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ tôi chỉ lấy làm lạ tại sao giữa tôi và vầng trăng không bao giờ xa cách nhau cho dù tôi đang cố tình bước đi nhanh hơn, xa hơn, bỏ trăng lại phía sau. Thế mà mặc dầu tôi có bước nhanh hay chạy trốn thì mỗi khi tôi nhìn lên bầu trời, vầng trăng vẫn còn đó. Có khi tạm khuất một nửa phía sau ngọn cây dừa hoặc một áng mây nho nhỏ tình cờ bay qua, nhưng rồi trăng vẫn xuất hiện trên đầu tôi như chưa bao giờ rời tôi nửa bước. Giờ đây tôi đã lớn, bước chân của tôi đã đưa tôi đến khắp nẻo đường, từ những con đường quê Việt Nam đến những thành thị đồ sộ ở Hoa Kỳ, và cuối cùng đến cánh đồng truyền giáo mênh mông tại Thái Lan. Nhưng thỉnh thoảng vào những đêm tối, tôi vẫn nhìn lên bầu trời tìm vầng trăng, tìm lại những ký ức tuổi thơ, tìm lại cái cảm giác kỳ lạ của một vầng trăng không bao giờ xa cách, và tìm lại cảm nghiệm của một Sức Mạnh mầu nhiệm luôn đồng hành với tôi trên mọi lối đi và khúc quanh co trong cuộc sống.  

Trung Thu, 2013

Người thắng cuộc?



Một nhà triết gia nào đó từng nói một cách châm biếm như sau: “Người nào khi chết mà có nhiều đồ chơi nhất là người thắng cuộc.” Hôm qua tôi đón một người khách đến từ Mỹ. Tôi đưa anh ta vào trong phòng ngủ mà tôi đã đặt cho anh trong tòa nhà ký túc xá nơi tôi đang ở. Phòng của anh giống y như phòng của tôi. Nó có một cái giường, một cái bàn học, một cái tủ áo, một cái tủ lạnh nhỏ, một cái TV và một vài bàn ghế khác. Nói chung nó giống như một phòng khách sạn, nhưng rất đơn điệu vì căn phòng được sơn hoàn toàn bằng máu trắng. Ra mền trên giường cũng màu trắng nên càng làm cho căn phòng nhìn trống trải hơn. Sau khi tôi đưa anh vào phòng xong, tôi trở về căn phòng của mình. Tôi mở cửa ra và cảm giác đầu tiên của tôi là phòng của mình có nhiều đồ đạc quá. Nào là sách vở. Nào là máy móc. Nào là áo quần. Nào là những chiếc vali đặt trên tủ áo, những cái hộp nhựa đặt dưới bàn học, những túi nylon đựng bánh trái đặt trên cái kệ, những chén bát, ly tách v.v. Cũng là một căn phòng như thế, nhưng một bên thì thấy trống trải, còn một bên thì thấy chật chội. Tôi tự nhủ nếu không cẩn thận mình sẽ là người “thắng cuộc” khi nhắm mắt nằm xuống.

Bangkok, ngày 11.9.2013