Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 4)


Đà Lạt mùa đông thời tiết rất dễ chịu. Ban sáng thì hơi lạnh nhưng không giá rét. Có một vài người trong đoàn đã thức dậy từ sớm để đi ra ngoài thưởng thức bầu khi Đà Lạt khi còn tinh mơ để chứng kiến người dân bày bán những loại rau và hoa quả trên đường phố. Những quán cà phê lề đường cũng bắt đầu hoạt động từ rất sớm. Những du khách Thái Lan rất thích thú với sự nhộn nhịp nhưng không sô bồ của Đà Lạt vào sáng.

Nhiều người trong đoàn ngán ngẩm với việc ngồi xe nhiều giờ đồng hồ hỏi mình hôm nay sẽ đi đâu, xa bao nhiêu. Mình hứa với mọi người hôm nay chúng ta không phải ngồi xe nhiều. Đi từ điểm du lịch này sang điểm khác rất gần. Hôm nay sẽ bù lại cho ngày hôm qua vì phải ngồi nhiều giờ trên xe. Mọi người đều vui khi nghe nói không phải ngồi lâu trên xe.

Từ khách sạn gần chợ Đà Lạt đến điểm du lịch đầu tiên gần như mình hứa với đoàn. Lên xe đọc kinh và lần hạt vừa đủ 1 chục là đến chân đồi Robin nơi đoàn sẽ ngồi xe cáp để lên Thiền Viện Trúc Lâm. Từ trên cao mọi người có thể thấy toàn cảnh Đà Lạt, với những đồi thông, vườn hoa, và vườn rau. Nhiệt độ vào ban sáng cũng dần ấm lên nên mọi người chỉ cần có một chiếc áo khoác mỏng là đủ ấm. Và như thế mình và cha H. lần lượt dẫn đoàn đi từ điểm du lịch này sang điểm du lịch khác của Đà Lạt trong sự thích thú của mọi người.

Đi du lịch nhưng đoàn không quên đây là một chuyến hành hương. Vì thế nên chiều đến thì đoàn đến nhà thờ Domaine De Marie để dâng lễ. Cha H. đã liên lạc với các sơ dòng Vinh-sơn cho phép xử dụng nhà thờ để dâng lễ nên đoàn có một không gian thật tuyệt vời và cổ kính để dâng lễ. Trong lúc dâng lễ bằng tiếng Thái thì không có ít du khách người Việt, đa số là giới trẻ ghé vào thăm nhà thờ, đứng lại quan sát lễ bằng tiếng nước ngoài một chút trước khi bước ra. Có một số bạn ở lại tham dự hết lễ mới ra.

Lễ xong, đòan được đưa vào tiệm bán quà lưu niệm của các seour dòng Vinh-sơn, mà các sản phẩm là do các em khuyết tật được các seour chăm sóc làm ra, như áo len, mủ nón, ngay cả tranh thêu. Paween là một chàng thanh niên trong đoàn cùng đi hành hương với mẹ quyết định bỏ ra hơn sáu triệu đồng để mua một tranh thêu do các em khuyết tật làm để ủng hộ chương trình từ thiện của các seour.

Tiếp theo, đoàn lại có dịp đi du lịch tiếp với việc lên thăm quan đồi Langbiang và dùng cơm tối tại một nhà hàng dưới chân đồi. Tối hôm đó không xảy ra như mình mong muốn vì một số vấn đề khách quan. Điều đầu tiên là nhà hàng nơi đặt chỗ có một bữa tiệc cuối năm do một công ty nào đó tổ chức diễn ra cùng một lúc. Vì thế, họ có những sinh hoạt văn nghệ, hát karaoke, trò chơi, v.v. và mở lượng âm thanh rất lớn. Vì đa số những người trong đoàn mình là người lớn tuổi nên khi phải bị tra tấn như thế thì họ cảm thấy rất khó chịu. Mặc dầu mình có nhờ nhân viên giảm bớt âm thanh, nhưng không mấy thành công.

Ăn tối xong, anh Linh dẫn đoàn qua một cái nhà chung để sinh hoạt giao lưu với các đoàn du lịch khác, đa số là đến từ Sài Gòn. Trong chương trình giao lưu có những điệu nhảy múa của người dân tộc và có phục vụ rượu cần. Tuy nhiên, trong không gian hẹp mà có đốt lửa và đổ nhiều dầu vào củi nên rất hôi mùi dầu. Một số người trong đoàn mình không chịu được mùi dầu nên họ ra ngoài. Riêng mình thì không thích những người làm "M.C." chương trình mà cứ một tay cầm micro còn tay kia thì cầm điếu thuốc. Nhìn vào có gì đó rất thiếu lịch sự, cho dù biết rằng đây chỉ là một chương trình mang tính giao lưu vui chơi mộc mạc.

Ở lại một lúc thì mình và cha H. cho đoàn về vì cảm thấy đa số họ không thích thú với sinh hoạt giao lưu này. Có lẽ một phần không hợp với lứa tuổi của họ. Và một phần những người trong đoàn cũng không quen với cách sinh hoạt dân dã mà họ chứng kiến và không thể hòa mình vào được.

Trở lại khách sạn, mọi người nhanh chóng về phòng để nghỉ ngơi, chuẩn bị thức dậy sớm vì hôm sau đoàn phải đi dâng lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ chánh tòa Đà Lạt.

Bangkok, ngày 28.12.2013

No comments: