Thập niên của tôi (2017)
Năm 2017 là một năm đầy thử thách trong đời sống cá nhân của mình. Về mặt công việc và mục vụ, mọi thứ đang trôi chảy. Việc dạy học tại đại chủng viện sau một thời gian đã đi vào khuôn khổ. Bên cạnh các mục vụ thường xuyên, mình vẫn có thời giờ để nghiên cứu và viết những bài viết tham luận để thuyết trình tại các chương trình hội thảo hoặc để đăng trên tạp chí chuyên môn. Tuy nhiên, năm 2017 mình phải đột xuất thực hiện hai chuyến đi về Hoa Kỳ ngoài sự mong muốn. Chuyến đi thứ nhất để thăm mẹ trong thời gian bệnh nặng, và chuyến đi thứ hai vào tháng 9 khi mẹ đang hôn mê trong những ngày cuối đời. Mặc dầu đây là một thời gian rất khó khăn trong đời sống cá nhân của mình, nhưng mình đã lấy sứ mệnh phục vụ để làm niềm an ủi và giúp mình duy trì được sự lạc quan trong cuộc sống cũng như nụ cười trên môi.
Bangkok, 31.12.2019
Thập niên của tôi (2016)
Năm 2016 đánh dấu một móc thời gian quan trọng trong đời sống của mình. Năm đó, mình kỷ niệm chặng đường tròn 10 năm trong ơn gọi linh mục truyền giáo. Sau khi nhận được tấm bằng tiến sĩ về tôn giáo học, mình đã được Đại chủng viện quốc gia Thái Lan mời giảng dạy ở đó. Mình dạy các môn tôn giáo học và giáo hội học.
Năm 2016 cũng là năm của rất nhiều chuyến đi: về Hoa Kỳ để thăm gia đình theo luật nhà dòng được đi 3 năm một lần; đi Hàn Quốc, Philippines, Mỹ và Úc để tham dự hội thảo, và đi Việt Nam để cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Công việc của mình xem ra đã nhiều lại còn càng nhiều hơn. Nhưng đó là ân phúc trong cuộc sống khi mình cảm thấy mình sống có ích cho giáo hội và cho bản thân.
Bangkok, ngày 30.12.2019
Thập niên của tôi (2015)
Một phần lớn thời gian và công sức của năm này được dành cho việc viết luận án tiến sĩ và chuẩn bị để bảo vệ luận án. Mặc dầu một linh mục thì không thể không có những sinh hoạt mục vụ, nhưng ưu tiên lớn nhất là hoàn tất chương trình tiến sĩ. Vì thế mình nỗ lực hết mình để làm tốt công việc. Ngay cả thời gian mình đi dạy học ở Đại chủng viện của Lào ở thành phố Thakhek, những khi rảnh rỗi mình cũng đi tìm một nơi nào yên tỉnh để viết bài. Một trong những nơi mình thích tìm đến là quán cà phê bên cạnh sông Mekong. Ở đây mình có thể vừa làm việc vừa thỉnh thoảng nhìn lên ngắm cảnh thơ mộng của dòng sông để thư giãn. Vào tháng 10 năm 2015, mình cũng đã hoàn tất luận án và bảo vệ thành công để nhận được tấm bằng hầu phục vụ cho những điều đang chờ mình phía trước.
Bangkok, 29.12.2019
Thập niên của tôi (2014)
Trong thời gian học chương trình tiến sĩ, mình vẫn tham gia các công việc mục vụ khác nhau, trong đó có mục vụ di dân Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010, hàng năm mình đã tổ chức hội trại giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan tại nhà thờ thánh Micae nơi mình quản xứ. Năm 2014, mình cũng tiếp tục tổ chức ở đây và có các bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành trên Thái Lan đến tham dự. Mình lên Nong Bua Lamphu trước một tuần để chuẩn bị các khâu cho chương trình hội trại. Nhưng mọi thứ đã không xảy ra như dự định. Đã có tai nạn thảm khốc xảy ra với một chiếc xe trong đoàn tham dự viên từ Bangkok khiến cho xe bốc cháy và 14 trên 16 người trong xe bị tử vong. Trong số người tử vong có cha Giacobe Vũ Văn Hanh, dòng Đaminh, tài xê xe và 12 bạn trẻ. Sau vụ tai nạn này, ở Bangkok năm đó còn có thêm nhiều vụ tai nạn nữa xảy ra với các bạn trẻ Việt Nam làm việc tại Thái Lan.Mỗi lần có tai nạn như thế thì thường các bạn liên lạc với mình để xin giúp đỡ về các thủ tục pháp lý cũng như những sự hỗ trợ khác. Chưa bao giờ mình gặp một năm với nhiều tang thương như năm 2014.
Bangkok, 27.12.2019
Thập niên của tôi (2013)
Sau 5 năm trên cánh đồng truyền giáo ở vùng đông bắc Thái Lan, năm 2013, mình đã trở lại Bangkok để bắt đầu một giai đoạn mới với một việc mình đã ấp ủ từ lâu, đó là bắt đầu học chương trình tiến sĩ về tôn giáo học. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, mình quyết định học tại Thái Lan thay vì trở lại Hoa Kỳ vì mình muốn nghiên cứu về Phật giáo nên ở Thái Lan sẽ thuận tiện hơn. Trở lại thành phố thủ đô, nhịp sống nhanh và nhộn nhịp hơn. Mình tập trung nhiều vào việc học tập để có thể hoàn tất chương trình nhanh nhất có thể bởi vì có tấm bằng trong tay luôn là điều cần thiết để đi tới trong công việc mà mình dự định sẽ thực hiện trong tương lai.
Bangkok, ngày 26.12.2019
Thập niên của tôi (2012)
Năm 2012 là năm cuối cùng trong sứ vụ quản xứ của mình tại giáo xứ Micae, tỉnh Nong Bua Lamphu. Thời gian ở đó mình có rất nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có nhóm các bạn trẻ Việt Nam đến làm việc trong khu vực và thường xuyên đến nhà thờ để sinh hoạt. Có khi sinh hoạt người Việt riêng với nhau, nhưng đa số sinh hoạt chung với nhóm giới trẻ người Thái. Từ khi đến Thái Lan năm 2007, mình đã tham gia mục vụ di dân Việt Nam ở Bangkok cũng như vùng Isan. Năm 2010, mình cộng tác với quý cha và quý seour thành lập Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan và làm linh hướng của Hiệp Hội từ đó. Khi ở vùng đông bắc Thái Lan, mình cũng giúp phát triển thêm mục vụ di dân tại các tỉnh Udon Thani, Khon Kaen và Mahasarakham. Đến bây giờ thì ở các tỉnh đó vẫn còn các nhóm Công giáo Việt Nam đang sinh hoạt đều đặn.
Riêng ở tỉnh Nong Bua Lamphu thì có nhóm Hy Vọng bây giờ đã ngừng sinh hoạt vì mỗi người đi mỗi nẻo. Ngay cả trong tỉnh cũng chỉ còn một ít người Việt làm việc ở đó. Thời đó lương trong tỉnh thật bèo. Các bạn làm ngày 12 tiếng đồng hồ chỉ được lương khoảng 4.000 baht/tháng. Vì thế mỗi khi nhóm sinh hoạt liên hoan thì chỉ có trái cây và nước ngọt chứ không mấy khi có ăn uống linh đình. Thế nhưng nhóm rất gắn bó và có nhiều sinh hoạt như chia sẻ Lời Chúa vào mỗi tối thứ sáu, tĩnh tâm và hội trại.
Bangkok, ngày 24.12.2019
Thập niên của tôi (2011)
Thời gian quản xứ tại nhà thờ thánh Micae ở tỉnh Nong Bua Lamphu, mình làm nhiều mục vụ khác nhau. Ngoài các mục vụ bí tích thì có lẽ mục vụ mình làm nhiều nhất là giáo dục. Mình tổ chức các khóa học kỷ năng sống, học tiếng Anh và học hè cho giới trẻ trong vùng. Ngoài ra, mình cũng được mời đi dạy tiếng Anh ở nhiều nơi, từ trường cấp 1 cho đến đại học, từ nhà tù cho đến bệnh viện. Qua các sinh hoạt này, mình tiếp cận được với nhiều người bên Phật giáo ở nhiều tầng lớp và lứa tuổi khác nhau.
Bangkok, 23.12.2019
Bangkok, 23.12.2019
Thập niên của tôi (2010)
Lúc đó mình là một cha xứ ở một tỉnh lẻ vùng đông bắc Thái Lan. Mặc dù chỉ là một giáo xứ nhỏ bé trên vùng đất truyền giáo, nhưng ở đây luôn có những sinh hoạt thú vị để có thể sống hết mình với sứ vụ. Kinh nghiệm phục vụ giữa những người bị nhiễm HIV, những người nghèo khó và những người di dân đã giúp mình xây dựng được nền tảng vững chắc hơn cho một đời sống dấn thân với những mảnh đời kém may mắn và bị loại ra lề xã hội.
Bangkok, ngày 22.12.2019
Một chàng trai, một cụ già, hai tấm vé máy bay, và tương lại của nhân loại
Sáng nay mình đọc được một câu chuyện trên mạng do
một tiếp viên hàng không chia sẻ về một chàng trai tên Jack. Anh ta có vé
máy bay hạng nhất đi từ New York trở về London. Trước khi lên máy bay, anh tình
cờ làm quen với một cụ già 88 tuổi tên Violet. Cụ Violet có vé trên cùng chuyền
bay nhưng ở hạng tiết kiệm ở hàng ghế sau cùng của máy bay. Cụ già đang trở về
London sau khi đi thăm con gái tại New York. Đây là lần đầu tiên cụ đi máy bay
sau thời gian dài phẩu thuật đầu gối và dưỡng bệnh.
Sau khi mọi người đã lên máy bay và ổn định chỗ ngồi,
anh Jack đã đi từ phía đầu máy bay tới phía sau chót của máy bay và đưa cụ
Violet đến chỗ ngồi của mình. Anh đã hy sinh ghế ngồi hạng nhất của mình cho cụ
Violet và ngồi vào ghế hạng tiết kiệm của cụ. Theo lời kể của tiếp viên hàng
không, cụ Violet thì vô cùng vui mừng và không tin nỗi điều đã xảy ra với mình.
Cụ nói đã từng ao ước có một lần được ngồi ở phía trước máy bay. Về phần anh
Jack thì anh đã ngồi vào ghế phía sau máy bay một cách rất thanh thản và không
hề có cử chỉ gì để khoe khoang hành động tốt của mình.
Ngày nay các nhà khoa học đang phát triển công nghệ,
đặc biệt trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) để làm những công việc mà
con người không muốn làm và thậm chí không thể làm. Hiện nay trí tuệ nhân tạo
đang được áp dụng trong nhiều việc như chuyển dịch ngôn ngữ trên Facebook và
Google, lắp ráp các máy móc, và nhận diện nét mặt và âm thanh. Trong tương lai,
trí tuệ nhân tạo sẽ giúp lái xe không cần
người điều khiển, giúp chẩn đoán bệnh tật của con người và đưa ra phương pháp
điều trị, thậm chí nghiên cứu và giúp đưa ra những giải pháp cho các vấn đề lớn
mà nhân loại chưa thể nào giải quyết được. Người ta dự tính trong tương lai thân
thể con người sẽ được gắn những con chip (vi mạch) để điều hành sinh hoạt và giúp
mỗi người giải quyết những công việc hằng ngày của mình.
Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo thì lớn khủng khiếp
và có thể mang lại vô số điều bổ ích (cũng như thiệt hại) cho xã hội và cá
nhân. Nhưng thiết nghĩ, không biết trí tuệ nhân tạo với những thuật toán
algorithm của nó sẽ có thể giúp cho con có những quyết định ngẫu nhiên xem ra
vô cùng “nghịch lý” và “bất lợi” như quyết định của Jack khi đã bỏ ra một số tiền
thật lớn để mua vé máy bay hạng nhất để rồi nhường nó lại cho một cụ già trong
khi mình phải ngồi trong một chiếc ghế nhỏ bé sau cùng của máy bay trên một
chuyến bay dài xuyên đại dương.
Sự ngẫu nhiên, sự bất toàn, sự dại khờ và thậm chí
sự ngu xuẩn đều là những thứ làm lên tính cách của con người. Tuy nhiên, người
ta đang tìm cách để tạo nên những siêu nhân trong sức mạnh và trí tuệ qua khoa
học công nghệ. Và dường như quá trình phát triển này ngày càng tăng tốc và công
nghệ đang chuẩn bị có bước nhảy vọt dẫn đến những thay đổi mà chúng ta không ngờ
có thể xảy đến trong một thời gian quá ngắn như vậy. Để trở nên những siêu
nhân, xem như chúng ta đang tự nguyện vứt bỏ bản tính con người và những hành động
ngẫu nhiên và nghịch lý mà chỉ có con người mới làm được.
Bangkok, ngày 19.12.2019
Nói chuyện với cha Anusak
Hôm nay cha A., quản xứ của một giáo xứ trong TGP
Bangkok gọi điện thoại tới mình. Hai người nói chuyện với nhau một lúc. Cuộc
nói chuyện xoay quanh đề tài các sinh hoạt chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh và sự kiện
chuyến tông du của ĐGH Phanxico đến Thái Lan vừa qua.
Cha A. nói: - Thưa cha, tối 24 Lễ Vọng Giáng Sinh,
nếu cha sắp xếp được, tôi muốn mời cha đến chủ tế Thánh lễ của giáo xứ. Như cha
biết, trong giáo xứ có cả người Thái và không ít người Việt, nên tôi muốn nhờ
cha phụ trách Thánh lễ này.
Mình trả lời: - Vâng, tôi cảm ơn cha đã có lời mời.
Tôi vui lòng nhận lời mời để dâng Thánh lễ này. Cha muốn tôi phụ trách phần nào
trong Thánh lễ ạ?
- Cha chủ tế và giảng lễ luôn nhé.
-Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi sẽ chuẩn bị cho việc đó ạ.
- Trước lễ, mời cha tới nhà xứ sớm để dùng bữa tối
nhé. Có thêm một vài cha khách cũng sẽ đến để giúp giải tội trước giờ lễ. Xin
cha giúp giải tội cho các bạn trẻ Việt Nam luôn nhé.
- Vâng, tôi sẽ đến dùng bữa tối với quý cha.
- Cha có cần phòng nghỉ qua đêm không?
- Thưa cha không ạ. Tối đó tôi sẽ về lại nhà cộng
đoàn để nghỉ vì ngày hôm sau tôi còn phải đi dâng lễ nơi khác. Công việc chuẩn
bị cho dịp lễ tại giáo xứ đang tốt đẹp chứ, thưa cha?
- Cảm ơn cha rất tốt đẹp. Các bạn trẻ Việt Nam
trong giáo xứ đang giúp làm hang đá trước nhà thờ. Các bạn rất là tích cực. Tôi
may mắc có các bạn trong giáo xứ của tôi.
- Và các bạn cũng rất may mắn khi có cha là cha xứ
của họ. Các bạn ở đó chia sẻ với tôi nhiều lần về sự quan tâm của cha đối với họ.
- Nhưng tôi nghĩ các bạn ấy tốt thật và luôn rất
hăng hái khi có việc cần giúp đỡ. Vừa rồi trong dịp lễ đại trào của Đức Thánh
Cha, tôi hẹn với các bạn để đi với tôi xem điểm tổ chức cũng như làm một số
công tác cho chuyến đi, họ luôn vui vẻ để làm với tôi.
- Tôi có nghe các bạn kể cho tôi nghe về việc đó.
Tôi nghe nói những ngày đó cha cũng đã ký rất nhiều tờ đơn để chuyển nhượng quyền
sử dụng vé thu hồi lại để giao cho người khác.
- Đúng vậy, chắc cũng phải 80 tờ đơn. Tôi thấy uổng
nếu không ai sử dụng các tấm vé đó. Tôi đã thu hồi được những tấm vé mà giáo
dân cả người Thái lẫn người Việt trong giáo xứ không dùng.
- Vâng, chúng tôi bên ban đăng ký vé cũng cảm thấy
vậy nên đã tích cực thu hồi các vé không được sử dụng và chuyển cho người khác.
Rất tiếc đến giờ chót vẫn có những người không có vé trong khi nhiều người có
vé lại không đi cho nên trong sân vận động có một số chỗ bị trống.
- Đúng vậy. Nếu các cha xứ làm công tác theo giỏi
việc sử dụng vé của giáo dân của mình thì chắc sẽ thu hồi lại được nhiều vé
hơn.
- Chúng ta cũng đã làm hết sức của mình trong vai
trò mà mình lãnh nhận. Giáo dân nước ngoài nhiều người đã gửi thư cảm ơn ban tổ
chức vì họ cảm kích trước cách tổ chức và sự đón tiếp của Giáo hội Thái Lan.
- Vậy thì đáng mừng. Sau những ngày lễ đó tôi cũng
kiệt sức, nhưng mọi thứ đã tốt đẹp.
- Có lẽ ai có vai trò trong dịp lễ này cách này
hay cách khác đều như thế cả, thưa cha.
Sau cuộc nói chuyện vui vẻ, mình chào cha A. và hẹn
gặp ngài lại tối 24 tại giáo xứ của ngài. Khi chuẩn bị tắt máy mình vẫn nghe được
tiếng nói thân thiện của ngài bên kia đường giây đang nói chuyện với ai đó, có
lẽ là một bạn trẻ Việt Nam đang giúp làm hang đá: “Cha mới gọi cho cha Đức….”
Bangkok, ngày 9.12.2019
Hành hương Thái Lan
Nhà thờ chánh tòa Assumption thuộc TGP Bangkok |
Sau sự kiện ĐGH Phanxicô tông du Thái Lan, dường
như nhiều công ty du lịch trước đây chỉ xem Thái Lan là một đất nước Phật giáo,
một thiên đường du lịch có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách từ mua sắm, ăn
uống, vui chơi giải trí, ngay cả những thú vui trác táng, phần nào đã “phát hiện”
ra Thái Lan cũng có thể là một điểm hành hương đầy ý nghĩa đối với người Công
giáo.
Hôm nay mình đã tiếp đại diện của một công ty du lịch
tại nhà cộng đoàn vì công ty này muốn nhờ mình tư vấn về các nhà thờ có thể đưa
vào chương trình hành hương của họ. Mặc dầu chủ công ty không phải là người
Công giáo, nhưng vì khách của công ty có rất nhiều người theo đạo Công giáo nên
họ muốn giới thiệu với các du khách thêm một mặt khác của đất nước Thái Lan.
Cũng không phải tình cờ khi chiều nay mình lại nhận
thêm một tin nhắn từ một công ty du lịch khác tại Việt Nam xin tư vấn vì họ
đang chuẩn bị đưa các đoàn hành hương qua Thái Lan và muốn có thông tin về nơi
để có thể tổ chức hoặc tham dự Thánh lễ. Người nhắn tin cho hay công ty cũng
đang muốn triển khai lĩnh vực du lịch hành hương đến Thái Lan với một hình ảnh
khác ngoài hình ảnh là xứ chùa chiền.
Trên thực tế thì thời gian qua, ngay cả trước sự
kiện chuyến tông du của ĐTC thì đã có nhiều đoàn đến hành hương Thái Lan, đặc
biệt là các seour Dòng Mến Thánh Giá. Lý do Thái Lan là điểm đến ý nghĩa cho
quý seour là vì vị sáng lập dòng MTG, Đức Cha Lambert De La Motte, được chôn cất
tại nhà thờ thánh Giuse ở cố đô Ayutthaya. Vì thế các seour thường tổ chức các
chuyến đi để viếng mộ của ngài.
Nhà thờ thánh Giuse cũng là nhà thờ đầu tiên của
Thái Lan và mang một tầm quan trọng lịch sử và tinh thần không nhỏ cho giáo hội
Thái. Cố đô Ayutthaya chỉ cách thành phố Bangkok 100km nên rất thuận tiện cho
những chuyến hành hương đến ngôi nhà thờ lịch sử này. Năm nay đánh dấu 350 năm thành
lập sứ vụ truyền giáo Xiêm La nên có nhiều sự kiện được tổ chức tại nhà thờ
thánh Giuse cũng như có rất nhiều đoàn giáo dân đến đây để hành hương.
Mặc dầu Thái Lan là một xứ sở Phật giáo với những
ngôi chùa đồ sộ hoành tráng, nhưng trong Thánh ý của Thiên Chúa thì hạt giống Tin
Mừng cũng đã được gieo rắc trên vùng đất hiền hòa này và cũng đã nảy sinh hoa
trái. Trong bài phát biểu của ĐHY Phanxicô Xavier Kriengsak trong dịp Thánh lễ
đại trào được chủ sự bởi ĐTC Phanxicô tại SVD Suphachalasai, ngài đã nói rằng,
tất cả mọi thành phần của Giáo hội Thái Lan “tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu và
lòng thương xót của Người. Người đã ban phúc lành ‘nền văn minh tình yêu của
Chúa Ki-tô’ cho tất cả các Kitô hữu Thái Lan. Đó là một ân ban đặc biệt vượt
trên tất cả sự mong đợi của chúng con, ân ban này thậm chí không hề có trong kế
hoạch ban đầu của các nhà truyền giáo khi đến đất nước chúng con. Nhưng tất cả
những điều ấy không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa cho Giáo hội Công
giáo tại Thái Lan, nhất là sau khi các nhà truyền giáo MEP (Đoàn truyền giáo của
Hội thừa sai Paris) đã đề nghị lên Tòa thánh để bổ nhiệm Cha Louis Laneau làm
giám mục đầu tiên của vùng truyền giáo Xiêm La vào năm 1669.”
Hai đất nước Thái Lan và Việt Nam cho dù không nằm
sát nhau nhưng lại có một sự liên đới đặc biệt giữa hai giáo hội. Ngoài việc
hai dòng Mến Thánh Giá Việt Nam và Thái Lan có chung một đấng sáng lập, thì tại
Thái Lan có không ít người Công giáo mang dòng máu Việt. Người Công giáo Việt
Nam đã bắt đầu di dư qua Thái Lan từ hơn 300 năm trước khi bị bách hại đạo trên
quê hương, và còn có thêm những đợt di cư khác nữa theo các biến cố lịch sử của
đất nước. Ngày nay, người Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đến Thái Lan để làm
việc, học tập và du lịch.
Đến hành hương Thái Lan để tìm hiểu thêm về lịch sử
của Giáo hội Thái và để tiếp tục xây dựng mối liên đới giữa hai giáo hội là điều
tốt lành để làm không chỉ trong dịp năm thánh của Giáo hội Thái Lan mà bất cứ
thời điểm nào trong tương lai. Đã đến lúc người Việt Nam, đặc biệt là những người
Công giáo đến đất nước này với những chương trình cho chuyến đi mang tính đạo đức,
lành mạnh thay vì chỉ với mục đích vui chơi và hưởng thụ.
Bangkok, ngày 5.12.2019
Nhật ký Ấn độ tiếp theo
(1) Lang chài Puri
Cuộc sống của làng chài Puri tại miền đông Ấn độ
vào buổi chiều thật sôi động với nhiều sinh hoạt khác nhau cùng một lúc. Sau
khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến với số cá đã đánh được từ một ngày lao động,
trên bãi cát các ngư dân bày số cá đã bắt được trên bãi cát cho những tiểu
thương xem hàng để mua. Mỗi lần có một thùng cá được đổ ra thì những tiểu
thương đứng bao vây để xem hàng. Ai dành mua được mớ cá thì hốt vào thau rồi đội
đầu mang về. Tuy nhiên không hề thấy tiền trao tay bởi vì những người bán và
mua đều đã quen biết nhau nên việc tính tiền sẽ diễn ra sau khi hàng đã được bốc
về.
Khi những chiếc thuyền cập bến thì có hai cách để
đưa thuyền lên. Có chiếc thì được thắt vào một sợi giây dài. Trên bãi cát người
ta xây một cái trục xoay. Những người đàn ông và cả trẻ con nắm những khúc gỗ
chĩa ra từ cái trục rồi xoay vòng cho giây cuốn vào trục để kéo thuyền lên. Có
chiếc thì được kéo lên trực tiếp bởi một đội ngũ khoảng 10-12 người đàn ông khỏe
mạnh. Trên bãi cát có những người đang ngồi gỡ lưới. Dường như ai cũng có một
công việc gì đó để làm. Tuy nhiên giữa công việc thì người ta cũng đứng trò
chuyện vui vẽ với nhau. Các phụ nữ trong những chiếc sarong truyền thống với đủ
màu sắc tươi cười trò chuyện như đang ở một lễ hội.
(2) Bãi biển Puri
Bên cạnh làng chài là bãi biễn du lịch Puri nơi có
nhiều người địa phương cũng như du khách tới tham quan và tắm biển. Khi mình đến
đây thì đã chiều nhưng trên bãi biễn không nhiều người. Cha Joshy nói rằng càng
về chiều thì sẽ có càng nhiều người ra bãi biển để tắm. Mà dường như dân địa
phương không chỉ đến đây để tắm mà còn làm những việc khác nữa vì khi mình và
cha Mishen đi ngang qua bãi cát bên cạnh làng chài thì gặp khá nhiều quả “mìn”
và còn bắt gặp vài hung thủ đang đặt mìn nữa.
Trên bãi biễn ngoài những dịch vụ ăn uống như thường
gặp ở các nơi du lịch khác thì còn có dịch vụ cưỡi lạc lạc đà và cưỡi ngựa với
giá 100 rupee cho 200 mét. Một dịch vụ khác rất phổ biến tại đây là dịch vụ
ngoáy tai. Những người làm công việc này chủ yếu là những chàng trai với một hộp
đồ nghề tương tự như hộp đánh giày tại Việt Nam. Khi họ thấy khách thì tới chào
dịch vụ của mình. Mình nhận thấy người cung cấp các dịch vụ thì nhiều nhưng
khách hàng thì rất ít.
(3) Trung tâm phát triển con người
Cha Joshy dẫn mình tới một trung tâm hoạt động xã
hội của Dòng Tên gọi là “Human Life Centre.” Ở đây có những lớp học dạy tiếng
Anh, dạy nghề và các kỹ năng khác như đánh máy và vi tính cho học sinh, sinh
viên. Trung tâm có một phòng đọc sách rất đơn sơ. Trong phòng chỉ có những chiếc
bàn và ghế dài bằng ghỗ như những bàn ăn của các canteen. Phòng cũng chỉ có máy
quạt chứ không có gắn máy lạnh. Khi mình nhìn vào xem thì thấy phòng đầy những
bạn trẻ sinh viên đang ngồi học bài trong đó rất chắm chú. Cha Tony John người
điều hành trung tâm cho hay để được sử dụng phòng đọc sách phải đóng phí thành
viên tháng. Mặc dầu phí thành viên chỉ vài trăm rupee một tháng, nhưng việc các
bạn sinh viên phải đóng tiền để sử dụng một phòng đọc sách thô sơ như vậy chứng
tỏ tại Ấn độ không gian để cho các học sinh, sinh viên có nơi yên tĩnh để học bài
rất hạn chế. Ấn độ hiện nay có dân số đứng thứ nhì trên thế giới, và không bao
lâu nữa sẽ vượt Trung Quốc chiếm vị trí đất nước có đông dân số nhất thế giới.
Vì thế ở đây đi đâu cũng thấy người tấp nập. Ở trong các thành phố, người đông
đúc, xe cộ tấp nập cộng thêm tiếng còi inh ỏi, môi trường nhiều bụi và rác—tất
cả tạo nên một quang cảnh thật hổn độn.
(4) Nhà Mẹ Tê-rê-xa Calcutta
Sáng ngày 28 tháng 11, mình cùng với cha Joshy và
cha Mishen đáp xuống sân bay Calcutta từ Bhubaneswar sau khi đã kết thúc hai
ngày làm việc. Tại sân bay cha Johnson thuộc dòng Tên là bạn của cha Joshy đến
đón tại sân bay và đưa đi thăm nhà Mẹ Tê-rê-xa trong thành phố Calcutta. Đây là
nơi mẹ Tê-rê-xa đã ở và phục vụ hàng chục năm trong sứ vụ phục vụ người nghèo của
mẹ. Đây cũng là nhà mẹ của dòng tu mà mẹ đã thành lập, và hiện là nơi đào tạo
các nữ tu trẻ của dòng.
Mặc dầu ngày thứ năm là ngày nhà dòng đóng cửa để
tĩnh tâm tuần, nhưng cha Johnson đã giúp liên lạc để các seour mở cửa cho phép
mình và các cha vào viếng mộ của mẹ và dâng lễ trong nhà nguyện bên cạnh mộ của
mẹ. Ngôi mộ của mẹ Tê-rê-xa đơn sơ như con người và cung cách của mẹ và đúng với
linh đạo sống khó nghèo của hội dòng. Sau khi mình và các cha đã dâng lễ và cầu
nguyện trước mộ của Mẹ Tê-rê-xa xong thì đã vào tham quan phòng ngủ của mẹ, một
không gian nhỏ bé và đơn giản chỉ với cái giường nhỏ, bàn làm việc và một vài tấm
hình treo trên tường, trong đó có hình mẹ đang bắt tay ĐGH Gioan Phaolo II.
Trong Thánh lễ cũng như lúc cầu nguyện trước mộ của
mẹ, mình đã cầu nguyện cho tất cả những người thân, những người đã xin lời cầu
nguyện từ mình, và cho tất cả những ai mình đang phục vụ trong sứ vụ của mình.
Mình đặc biệt xin Mẹ Tê-rê-xa cầu bàu cùng Chúa ban cho mình một tinh thần phục
vụ khiêm tốn, biết quên mình như mẹ.
(5) Đàn ông, bò và chó
Ở Ấn độ, đặc biệt là ở vùng mà mình đã tới thì khi
đi ra đường mình để ý thấy có rất nhiều phái nam đi lại ngoài đường, nhiều hơn
phụ nữ hẳn. Một điều đáng chú ý là dường như tất cả các cửa tiệm và các sạp
ngoài chợ đều được trông coi bởi phái nam. Cho dù là một người bán rau, bán tạp
hóa hay một cửa tiệm điện tử, người bán hàng đều là nam. Cả một đoạn đường dài
hàng chục cây số ngồi trên xe ô-tô, mình nhìn vào các cửa hàng để xem ai đang
bán thì chỉ thấy đàn ông và thanh niên. Chỉ có một lần duy nhất mình nhìn thấy
người đứng bán là phụ nữ, nhưng đó là cửa tiệm chuyên may trang phục dành cho nữ.
Ngoài đàn ông con trai thì bò là một hình ảnh rất
quen thuộc trên các con đường ở Ấn độ, đặc biệt là ở các tỉnh và vùng quê.
Trong tín ngưỡng của người theo Ấn độ giáo, con bò được tôn thờ như một thần
thánh nên người ta nuôi bò và thả tự do cho đi lại trên đường phố. Con bò dường
như cai trị đường phố vì không ai dám đuổi nó đi và chỉ có thể tránh nó khi nó
đang đứng, nằm hoặc đang đi ngay giữa đường.
Chó cũng là một con vật thấy rất nhiều trên đường
phố tại Ấn độ. Người Ấn độ không ăn thịt chó nên cũng không ai sợ để cho chó đi
tự do ngoài đường sẽ bị bắt cóc. Vì thế mà ngay cả ở phía trước sân bay quốc tế
Calcutta mà cũng thấy nhiều con chó đang nằm ngủ một cách thoải mái. Người Ấn độ
cũng tỏ ra rất thản nhiên trước sự việc có nhiều con chó đi qua lại ở các nơi
công cộng.
Sân bay Calcutta, Ấn độ, ngày 28.11.2019
Nhật ký Ấn độ
Sau sự kiện tông du của ĐTC Phan-xi-cô và lễ di
dân Việt Nam kết thúc, ngày hôm sau mình đã ra sân bay đi Ấn độ để có một cuộc
họp “3 bên” tại học viện Xavier thuộc dòng Tên tại thành phố Bhubanewar, vùng
đông Ấn độ. Cuộc họp 3 bên này là giữa mình với hai linh mục khác, cha Joshy
Xavier dòng Tên và cha John Mishen, người Trung Quốc. Nói đúng hơn thì đây là một
cuộc làm việc vì chúng tôi thuộc chuyên ban về truyền thông kỹ thuật số của tổ
chức SIGNIS và được giao phó trách nhiệm thực hiện một bài viết chuyên đề về đường
hướng mục vụ của Giáo hội trong thời kỳ kỹ thuật số. Đây là lần thứ 2 mà cả ba
người phải gặp trực tiếp đề làm việc với nhau thay vì chỉ trao đổi qua email và
mạng xã hội. Vì chuyên đề cần phải được hoàn tất trong vòng vài tháng nữa và cần
trải qua một quá trình đánh giá bởi các chuyên gia và chỉnh sửa trước khi được
phổ biến nên ban phải làm việc cật lực trong thời gian này.
Nơi làm việc của ban trong vòng hai ngày là ở Học
viện Xavier nơi cha Johshy đang giảng dạy. Đến bây giờ thì đã làm việc được 2
ngày và kết quả rất tốt đẹp. Khi gặp gỡ và trao đổi với nhau về những gì đã được
viết bởi từng người thì nảy lên những ý tưởng tốt để xây dựng cho chuyên đề đầy
đủ và sâu sắc hơn. Mặc dầu trong thời kỳ kỹ thuật số nhiều thứ có thể làm được
qua mạng, nhưng khi đối mặt với nhau để bàn thảo thì mức hiệu quả cao hơn rất
nhiều. Đó là vì khi đối diện với nhau xung quanh một bàn làm việc, khoảng cách
về không gian, thời gian và cảm xúc cũng rút ngắn đi dẫn đến việc bàn thảo hào
hứng và sôi nổi hơn. Việc truyền đạt và tiếp nhận ý tưởng cũng dễ dàng thực hiện
hơn. Hy vọng rằng với việc thực hiện chuyên đề này sẽ có một tài liệu giá trị để
đóng góp cho Giáo hội trong thời kỳ có nhiều biến đổi trong đời sống con người
và xã hội qua những phát triển về công nghệ.
Bhubaneswar, Ấn độ, 28.11.2019
Niềm vui hội ngộ
Hôm qua tại Bangkok đã diễn ra Thánh lễ hội ngộ di
dân Việt Nam tại Thái Lan được tổ chức tại nhà thờ Ngai tòa thánh Phê-rô và được
chủ sự bởi ĐGM Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo phận Hà Tĩnh. Trong Thánh
lễ có sự tham dự của động đảo các linh mục và giáo dân, trong đó một phần là những
người đã đến Thái Lan để tham dự Thánh lễ đại triều diễn ra ngày 21.11.2019.
Thánh Lễ Chúa Nhật hôm qua mừng Ki-tô Vua Vũ Trụ,
nhưng trùng vào ngày 24 tháng 11 là mừng kính các Thánh tử vì đạo tại Việt Nam
nên ban tổ chức đã dành thời giờ trước và cuối lễ để tôn kính các ngài. “Ban tổ
chức” của Thánh lễ chính là Ủy ban mục vụ di dân Việt Nam trực thuộc HĐGM Thái
Lan, bao gồm các linh mục người Thái lẫn người Việt được ủy thác công việc mục
vụ cho những anh chị em Việt Nam đến Thái Lan để sinh sống, làm việc và học tập.
Các ngài phụ trách các giáo phận khác nhau. Tại TGP Bangkok vị đặc trách là cha
Giuse Nguyễn Mạnh Hà, OP cùng với cha người Thái Alexis Surachai. Cha Hà cũng
là người đã điều phối thánh lễ hôm qua.
Thánh lễ di dân hàng năm được tổ chức để thể hiện
sự liên đới và hiệp nhất trong toàn thể cộng đoàn Công giáo Việt Nam trên toàn
Thái Lan. Mặc dầu mỗi tuần trong năm phụng vụ sẽ có các thánh lễ Việt ở các
nhóm khác nhau, nhưng trong dịp lễ di dân thì sẽ không có một thánh lễ nào được
tổ chức ngoài thánh lễ quy tụ toàn thể cộng đoàn. Ủy ban mục vụ di dân Việt Nam
chỉ mới được HĐGM Thái Lan chính thức thành lập từ năm 2017 sau 15 năm dài các
linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan đã dấn thân làm mục vụ này một cách ‘tự
phát’. Bằng cách này cách khác, các ngài đã giúp cho các lãnh đạo của Giáo hội
địa phương “nhìn thấy” những người di dân Việt Nam đang sống bơ vơ trên đất
khách quê người, mở lòng đón nhận họ và tạo cho họ cảm giác được quan tâm và
tôn trọng. Nỗ lực đó vẫn đang còn tiếp diễn vì còn rất nhiều thứ cần phải làm,
không chỉ từ mặt của giáo hội và giáo dân Thái Lan mà còn từ phía của những người
Việt Nam đến sinh sống trên xứ sở này.
Thánh lễ ngày hôm qua có sự hiện diện của nhiều
linh mục từ Việt Nam, đặc biệt là từ giáo phận Vinh và Hà Tĩnh cũng là cơ hội để
cho các ngài hiểu thêm phần nào về bối cảnh sống và sinh hoạt của con em của
các ngài cũng như mục vụ mà quý linh mục đang thực hiện tại Thái Lan. Một điều
rõ ràng là mục vụ cho người di dân đòi hỏi một tinh thần và sự dấn thân đặc biệt
từ người mục tử. Các bạn trẻ di dân cần sự thông cảm và sự quan tâm một cách chân
thành từ những vị chủ chăn của mình, đặc biệt là chủ chăn ở quê hương. Nhiều bạn
trẻ chia sẻ cảm thấy chạnh lòng khi tại quê nhà họ trở nên những câu chuyện
minh họa cho lối sống sa đọa, thiếu đạo đức được nêu lên trong các bài giảng
trong thánh lễ, trong khi họ lại thường xuyên được tìm đến để kêu gọi hỗ trợ
kinh phí cho những công trình xây dựng trong giáo xứ tại quê hương. Trên thực tế,
để tìm hiểu về các vấn đề của những người di dân, các vị chủ chăn tại quê hương
không chỉ nên lắng nghe những chia sẻ từ những người đã từng đi ra nước ngoài rồi
trở về, mà còn thực hiện những chuyến thăm mục vụ để gặp gỡ những người di dân
và chứng kiến môi trường sống và sinh hoạt của họ. Những chuyến thăm mục vụ thực
sự không kèm theo những mục đích khác như du lịch hoặc quyên góp, nhưng để chia
sẻ, cảm thông và nâng đỡ.
Thánh lễ di dân đã thực sự là một ngày hội ngộ đầy
ý nghĩa. Qua những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội thì nhiều người đã thực
sự cảm nhận được niềm vui của sự gặp gỡ trong niềm tin yêu. Khi phổ biến về
thánh lễ, mình cũng hiểu được rằng, sau những ngày lễ trong chuyến tông du của
ĐTC, nhiều người sẽ mệt hoặc không có thêm điều kiện để đi tham dự lễ di dân.
Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua được sự khó nhọc đó để đến với nhau trong
ngày lễ kính các thánh tử vì đạo tại Việt Nam và ngày lễ Ki-tô Vua và đã nhận
được niềm vui sâu xa từ sự hy sinh và cố gắng của chính mình.
Odisha, Ấn độ, ngày 25.11.2019
Nhật ký chuyến tông du của ĐTC
Các trách nhiệm của mình liên quan đến chuyến tông
du của ĐTC Phan-xi-cô đến Thái Lan xem như đã hoàn tất tối hôm qua. Hôm nay có
một ngày để nghỉ ngơi mình cũng đã phần nào lấy lại sức khỏe. Có lẽ đây là lúc
tốt nhất để viết vài dòng nhật ký. Nếu mình không viết hôm nay thì chắc cũng sẽ
không bao giờ viết vì cuộc sống và công việc sẽ cứ tiếp diễn với những sinh hoạt
mới, với những công việc mới để chi phối thời giờ và tâm trí.
Phải công nhận Giáo hội Thái Lan nhỏ nhưng không
phải dạng vừa. Chỉ trong vòng hơn hai tháng từ khi được công bố chính thức về
chuyến thăm mục vụ của ĐGH đến Thái Lan mà các khâu tổ chức đã được hoàn tất
thành công và tốt đẹp. Mình không phải là thành viên trong ban tổ chức chính
nên mình không biết hết những gì phía sau những công việc phải làm, đặc biệt là
những vấn đề liên quan đến chính quyền, hoàng gia v.v.
Trong hàng loạt công việc trong khâu tổ chức thì mình
được giao hai lĩnh vực chính là cộng tác trong ban đăng ký vé cho khách hành
hương quốc tế và ban đón tiếp khách thuộc Hội đồng giám mục Á châu. Trong hai
việc này công việc phức tạp hơn là việc giúp cho người nước ngoài đăng ký, đặc
biệt trong lúc đầu khi ban tổ chức chưa thể xác định được sẽ cấp cho người nước ngoài bao nhiêu vé để tham dự Thánh lễ đại
triều và các sự kiện khác. Điều này chỉ có thể làm được sau khi lượt đăng ký vé
cho người Thái Lan đã hoàn tất và BTC có thể đưa ra con số ban đầu về việc cấp
vé cho người nước ngoài.
Thoạt đầu, số vé có thể cấp cho các nước rất ít so
với nhu cầu. Ở Việt Nam số lượng vé mà các cá nhân và tổ chức liên lạc xin lên
tới 8.000 trong khi BTC chỉ có thể cấp cho một nửa số lượng yêu cầu. Chỉ về sau
thì BTC mới có thể dần dần gia tăng số vé cấp cho người nước ngoài, giúp cho
người Việt Nam có thể đăng ký được như nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, đến những ngày cuối cùng sau khi đã quá
hạn chót để đăng ký vé thì nhiều người từ các nước lại liên lạc để xin đăng ký.
Nhiều người nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho mình trực tiếp để xin vé. Có người
chưa có vé nhưng vẫn mua vé máy bay qua Thái Lan để tham dự Thánh lễ. Nhiều người
không biết rằng việc tham dư Thánh lễ đại triều cần phải có vé mới vào cổng được.
Thêm một vấn đề mà BTC phải giải quyết
là có nhiều người đăng ký nhưng lại không đến tham dự trong khi những người
khác muốn đến tham dự nhưng lại không có vé. Có người đăng ký cùng một lúc hai
ba nơi nên có nhiều hơn một tấm vé được in cho mình. Có người giấy tờ không hợp
pháp nhưng lại đăng ký vé rồi lại không dùng nó được. Và có người là linh mục
nhưng lại đăng ký vé giáo dân rồi sau đó muốn đổi thành vé linh mục để được đồng
tế. Có người đăng ký vé nhưng lại không thể đến nhận vé theo ngày giờ quy định
nên phải nhờ BTC giúp giải quyết. Có những người đã có vé nhưng muốn nhường lại
cho người khác sử dụng nên BTC cũng phải tìm cách để hỗ trợ cho điều này. Có
người liên lạc chỉ xin 1 vé, nhưng có người viết thư xin đến hàng nghìn vé, chủ
yếu là các công ty du lịch.
Khi mình được nhờ để giúp trong ban đăng ký vé,
mình không ngờ sẽ có quá nhiều vấn đề phát sinh mà mình phải giải quyết cho đến
giờ chót khi thánh lễ đại triều đã gần bắt đầu. Nhưng với sự nỗ lực của mọi người
trong ban và sự tận tình của các tình nguyện viên người Thái và Việt, mọi thứ
đã diễn ra tốt đẹp. Trong sân vận động vẫn có những nơi thấy ghế trống không có
người ngồi mặc dầu vé đã được in để lấp hết những hàng ghế đó. Nhưng việc này
có lẽ khó tránh được. BTC cũng chỉ có thể cấp vé theo yêu cầu còn việc ai đó có
đi tham dự hay không thì mình không thể nào kiểm soát được.
Mình chỉ thấy vui khi đến ngày và giờ chót mà BTC
vẫn có thể giúp cho những người tới xin vé có được tấm vé để vào tham dự Thánh
lễ. Những tấm vé đó là từ nỗ lực kêu gọi những ai không đi trả vé lại để nhường
cho người muốn đi nhưng chưa có vé. Và cũng vào những ngày chót mà mình và anh
John trong ban vé vẫn trả lời những email xin vé để tạo điều kiện cho họ có thể
tham dự lễ.
Với những gì mình đã đóng góp trong việc tổ chức
các sự kiện, mình cảm thấy thật hạnh phúc khi có cơ hội phục vụ giáo hội. Mình
hạnh phúc khi chứng kiến các giáo dân có cơ hội để nhìn thấy vị cha chung tận mắt.
Có người được chạm vào vạt áo của ngài, được hôn nhẫn của ngài, được ngài ôm
hôn. Và ai đến với ngài cũng đã được ngài ban cho phép lành trọng thể. Mình hạnh
phúc khi thấy những nụ cười sáng ngời trên môi của các giáo dân bất chấp nắng gắt
để ngồi chờ lễ trong sân vận động không có mái che. Mình hạnh phúc khi thấy các
cán bộ cảnh sát an ninh, các nhân viên trật tự và tình nguyện viên y tế người
Phật giáo vui vẻ, lịch sự và hài hòa với những người khách Công giáo hầu tạo
nên một ấn tượng tốt về đất nước Thái Lan cũng như giúp cho Thánh lễ được trang
nghiêm và sốt sắng.
Những ngày trước lễ và khi đang diễn ra các sự kiện,
không chỉ mình mà những người trong các BTC cũng đã thật vất vả. Các cha dường
như ai cũng mất ngủ vì không có giờ ngủ hoặc vì quá lo lắng mà ngủ không ngon.
Nhiều người nghe nói tới ban bệ thì cứ tưởng là nó đồ sộ lắm, nhưng cái “bộ phận
in vé” chỉ là một thầy giáo tên Kệng là người phải lên danh sách và in toàn bộ
số vé cho tất cả các tham dự viên của các sự kiện liên quan đến chuyên tông du.
Cái ban đăng ký vé cho khách quốc tế cũng chỉ có 3 người. Mà trong ban này thì
có mình và anh John thì phải giúp thêm ban đón tiếp quan khách. Đó là chưa kể
anh John là nhân viên toàn thời giờ của tổ chức Caritas Thái Lan, còn mình vẫn
phải đi dạy học trên Đại Chủng Viện như thường lệ. Riêng cô Nọi là thành viên thứ 3 trong ban thì còn phải đảm
trách thêm việc đón tiếp và sắp xếp chỗ ăn ở cho phái đoàn Vatican trong suốt
chuyến đi.
Ở các nước khác thì các ban ngành có lẽ sẽ có rất
nhiều thành viên. Nhưng Thái Lan là một giáo hội nhỏ bé, nhân sự hạn chế nên
ban bệ không đồ sộ. Tuy nhiên, con số ít không nghĩa là không thể làm việc hiệu
quả và nhanh chóng. Mặc dầu trong khâu tổ chức có nhiều bất cập vì lý do khách
quan cũng như chủ quan, nhưng cuối cùng điều mà Giáo hội Thái Lan đã làm được
trong sự kiện ĐTC đến thăm mục vụ thì có thể không ai ngờ được đó là thành tích
của một giáo hội với chỉ vỏn vẹn hơn 300.000 giáo dân trên toàn quốc. Con số
này chỉ tương đương với một giáo phận tại Việt Nam.
Năm nay kỷ niệm 350 sứ vụ truyền giáo tại Thái
Lan. Chuyến tông du của ĐGH đến đất nước này và những gì đã xảy ra trong những
ngày vừa qua cho thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ lãng quên những đàn chiên
bé nhỏ của Ngài được phản ảnh qua việc ĐTC đến thăm mục vụ một giáo hội mà chỉ
chiếm 0.5% dân số đất nước. Tuy nhiên, một con người bé nhỏ cũng có thể làm những
việc to lớn khi đã có ơn Chúa. Những gì Giáo hội Thái Lan đã làm được trong mấy
ngày qua chắc chắn đã có ơn Chúa trợ giúp. Mình tin rằng các ân sủng sẽ còn tiếp
tục được tuôn đổ xuống trên Giáo hội Thái Lan trong suốt năm thánh này để Giáo
hội không ngừng thăng tiến và kiên trì trong việc thi hành sứ vụ tình yêu của
Thiên Chúa.
Bangkok, ngày 23.11.2019
Nhật ký tại sân bay
Hôm nay mình và các anh em trong Dòng Ngôi Lời dâng
Thánh lễ mừng sứ vụ truyền giáo ở một giáo xứ nhỏ tỉnh Nong Khai, vùng Đông bắc Thái Lan. Nhà
thờ được quản bởi một thành viên trong dòng là người Ấn độ. Mình được giao
trách nhiệm chủ tế và giảng lễ. Cũng nhiều năm rồi mình không dâng lễ tiếng
Thái ở vùng miền quê Thái Lan này. Người ở đây rất chất phác và hiền lành. Lâu
lắm rồi mình mới chứng kiến lại cảnh
giáo dân xếp hàng để dâng lên những của lễ mộc mạc như trái dứa hoặc vài trái
thanh long mà họ tự trồng trong vườn. Sau Thánh lễ, cha Raja tổ chức cho các trẻ
em chơi bóng đá và treo giải thưởng là một thùng bánh qui và 500 baht. Mình hỏi
cha Raja sao giải thưởng có vẻ nhỏ vậy thì ngài bảo có một chút cho vui thôi.
Bây giờ mình đã ra sân bay tỉnh Udon Thani để làm
thủ tục về lại Bangkok. Có nhiều công việc đang chờ mình ở đó, đặc biệt là một
số trách nhiệm mình đã được giao liên quan đến chuyến tông du của Đức Giáo
Hoàng Phanxico vào tháng 11 sắp tới. Mình đang chuẩn bị bước vào một tháng 11 với
thật nhiều sinh hoạt: một kỳ học mới tại Đại chủng viện sắp bắt đầu mà mình phải
dạy ba môn học; những cuộc hội thảo mà mình phải tham dự tại Thái Lan cũng như ở
nước ngoài; và trên hết là chuyến tông du của ĐTC đến Thái Lan.
Bốn ngày qua mình đi tham dự các sinh hoạt của
dòng ở vùng quê thấy cuộc sống ở đây yên bình biết bao. Mới bảy tám giờ tối mà
mình có cảm giác như rất khuya. Lúc cha Vinh chở mình từ tỉnh Nong Khai về Udon
đi ngang qua những cánh đồng thanh vắng trong những giấy phút chập tối làm cho
trong lòng có cảm giác buồn khó tả. Nhiều người đến Thái Lan tiếp cận với lối sống
sô bồ ở Bangkok có thể nghĩ rằng đất nước Thái Lan rất phức tạp. Nhưng đó cũng
chỉ là một phần của xã hội. Thái Lan còn có những môi trường thật đơn sơ, giản
dị và thanh bình như bao nhiều vùng quê khác.
Đã đến lúc mình phải chuẩn bị lên máy bay để trở về
với thành phố thủ đô, trở về với những con đường rực rỡ ánh đèn và đông đúc xe
cộ, trở về với công việc bận rộn mà mình đang đảm trách. Nhân viên hãng hàng
không đang thông báo để khách chuẩn bị xếp hàng lên máy bay. Mình cũng sẽ xếp
hàng với họ. Trong số những người xếp hàng có người đi, có người về. Mình có cảm
giác như mình đi mãi mà chưa thực sự được về.
Udon Thani, ngày 27.10.2019
Chết bởi Whatsapp
Báo chí tại Ấn độ đưa tin có hai chàng thanh niên
đi du lịch bằng xe ô-tô. Họ lái vào một làng nhỏ. Ở đó, họ gặp thấy một số trẻ
em nên muốn chụp hình lưu niệm với chúng. Để lấy lòng các em nhỏ, họ cho các em
những viên kẹo mà họ có mang theo. Tình cờ, có một người trong làng nhìn thấy
hai người thanh niên lạ mặt cho kẹo các trẻ nên chụp ảnh sự việc và gửi vào
Whatsapp của những người khác trong làng kèm theo thông tin, “Trẻ em làng đang bị
người lạ mặt dùng thủ đoạn để bắt cóc!” Thế là trong chốc lát, thông tin đó được
truyền đi khắp làng. Mọi người ùa nhau đến nơi đang xảy ra sự cố. Họ túm lấy
hai chàng thanh niên và đánh tơi bời khiến cả hai đã tử vong. Báo chí đưa tin
đã đặt tít cho sự việc nói trên là, “Chết bởi Whatsapp”.
Trong thời kỳ kỹ thuật số, những sự cố tai hại xảy
ra cho xã hội không khác gì một thảm họa cháy rừng. Khi lửa đã bén, có gió mạnh
thì những ngọn lửa lan nhanh và bùng phát dữ dội mà không ai có thể kiềm chế được.
Đến khi vụ cháy đã được khắc phục thì đã có thiệt hại vô cùng nặng nề về tài
nguyên, tài sản, môi trường và mạng sống con người.
Những “đám cháy kỹ thuật số” cũng có sức lan nhanh
và gây thiệt hại cho con người và xã hội không kém. Khi chúng ta cẩu thả trong
việc truyền tải thông tin hoặc thiếu khôn ngoan trong việc tiếp nhận và xác định
tính chân thực của thông tin, chúng ta có thể trở nên nguyên do gây ra những
đám cháy kỹ thuật số rất khủng khiếp.
Trong thời kỳ kỹ thuật số, mặc dầu những thôn tin
và hình ảnh mà chúng ta truyền tải qua mạng Internet được số hóa với vỏn vẹn hai
con số 1 và 0, nhưng hậu quả có thể gây ra thì không bằng các con số vô hình vô
cảm, mà bằng máu, bằng thịt, bằng nước mắt, bằng cả mạng sống con người.
Bangkok, 27.9.2019
Tuổi thọ của kiến thức (The Longevity of Knowledge)
Theo các nhà khoa học, tính đến năm 1900 thì lượng kiến thức của nhân loại được nhân đôi mỗi 100 năm. Vào thời điểm 1980 thì lượng kiến thức được nhân đôi mỗi 12 tháng. IBM ước tính vào năm 2020, lượng kiến thức sẽ được nhân đôi mỗi 12 giờ đồng hồ!
Cùng một lúc lượng thông tin càng ngày càng gia tăng với tốc độ khủng khiếp thì “tuổi thọ” của kiến thức lại ngày càng thuyên giảm. Nếu như cách đây 100 năm, để cho 1/2 vốn kiến thức của một kỹ sư trở nên lạc hậu hoặc bị loại bỏ phải mất tới 35 năm thì hiện nay, quãng thời gian đó chỉ còn 2,5-5 năm.
Thực trạng này cho thấy đừng ai nghĩ rằng những gì mình biết là đúng mãi mãi, là đủ và không cần học hỏi gì thêm. Bởi lẽ kiến thức, giống như chất phóng xạ, cũng có chu kỳ nửa phân rã. Và kiến thức lạc hậu và lệch lạc, cũng như chất phóng xạ, có thể gây vô số tác hại cho con người và xã hội.
****
According to scientists, up to the year 1900 it took a century for human knowledge to double. By 1980, the doubling rate was approximately every 12 months. However, IBM estimates that the doubling rate by the year 2020 will only be 12 hours!
At the same time that there is exponential increase in knowledge, the "longevity" of knowledge has been decreasing. 100 years ago, in order for 1/2 of the knowledge of a well-trained engineer to be disproved or replaced by new knowledge took about 35 years. However, presently the amount of time is estimated to only be between 2.5 and 5 years.
This reality shows that no one should feel that whatever he/she knows is always going to be right, and his/her knowledge is adequate. Knowledge, like radioactive matter, has been proven to also have a half-life. And like radioactive matter, outdated and inaccurate knowledge can cause all sorts of damage for the individual and for society.
Bangkok, 25.09.2019
Từ ngữ tiếng Thái mang tính miệt thị trong cách nói về lao động nước ngoài
Tại Thái Lan, lao động di cư Việt Nam, cũng như lao
động di cư từ Cambodia, Lào và Myamar luôn được gọi là “คนต่างด้าว/khồn tạng đao” hoặc “แรงงานต่างด้าว/rèng
ngàn tạng đao”. “Khồn” có nghĩa là người và “rèng ngàn” có nghĩa là lao động. Từ
“tạng đao” có nghĩa nước ngoài. Từ ngữ này được sử dụng trong văn bản chính thức
của chính phủ cũng như trong truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, khi nói về những
người nước ngoài khác, đặc biệt là người Tây phương, thì từ “tạng đao” không được
sử dụng mà thay vào đó là từ “คนต่างชาติ/tạng
chat” hoặc “ต่างประเทศ/tạng
pra-thêt”. Mặc dầu trong từ điển tiếng Thái, các từ “tạng đao,” “tạng chat” và “tạng
pra-thêt” được cho là đồng nghĩa, nhưng do có sự phân biệt trong cách sử dụng nên
từ “tạng đao” mang một hàm ý tiêu cực khiến cho đối tượng được gọi là “khồn tạng
đao” cảm thấy mình bị phân biệt đối sử và miệt thị. Sự phân biệt trong cách sử dụng
có thể thấy rõ ràng khi tìm kiếm trên Google với từ khóa “คนต่างด้าว” (khồn tạng đao) thì chỉ thấy xuất hiện hình ảnh về cán bộ
chính phủ và cảnh sát họp báo về vấn đề lao động nước ngoài cũng như hình ảnh
cá nhân và nhóm người nước ngoài bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ và bắt bớ vì làm
việc trái phép. Tuy nhiên, khi dùng từ khóa “คนต่างชาติ” thì trên Google
chỉ xuất hiện các hình ảnh về những người đang tươi cười vui
vẻ, ăn mặc lịch sự đến từ các đất nước khác nhau.
Bangkok, ngày 23.9.2019
Bình tĩnh trong sự rối loạn
Tối hôm qua, lúc nửa đêm mình tỉnh giấc và trở người
thì bổng nhiên mình bị xâm xoàng một cách khủng khiếp. Mình nhìn lên tường thấy
ánh sáng phát ra từ máy điều hòa như đang nhảy múa không ngừng. Mình toát mồ
hôi và cảm thấy buồn nôn. Trước đây mình cũng đã từng bị triệu chứng vertigo—rối
loạn tiền định, nhưng chỉ nhẹ và chấm dứt sau một vài giây. Nhưng lần này, cơn
xâm xoàng lâu hơn và nặng hơn rất nhiều. Sau khoảng 30 giây, cơn xâm xoàng dịu
xuống. Mình nhắm mắt, thở nhẹ và nằm yên, không trở người. Trong tư thế đó mình
cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng cứ nằm yên mãi thì cũng không được, thỉnh thoảng phải
trở người một chút. Và mỗi lần trở người như thế cơn xâm xoàng lại trở lại.
Sáng ra, mình bước xuống giường từ từ để cho đầu
não thích nghi với vị trí mới, tránh bị xâm xoàng, chóng mặt. Mình làm vệ sinh
sáng, pha một ly cà phê đem ra ngồi trước nhà uống cho tỉnh táo. Nhưng trong
người vẫn cảm thấy bần thần, khó chịu, và cảm giác buồn nôn vẫn chưa hết. Mình
quyết định ra ngoài đường cái đón tuyến xe buýt 522 đi lên bệnh viện Rajavithi ở
bên cạnh Tượng đài chiến thắng để gặp bác sĩ. Mặc dầu 7 giờ sáng đã bị kẹt xe
trên đường cao tốc, nhưng mình cũng tới nơi trước 8 giờ.
Nghĩ đâu tới giờ đó bệnh viện sẽ chưa đông lắm,
nhưng trên thực tế thì cả bệnh viện đã sôi nổi với cảnh bác sĩ, y tá và nhân
viên bệnh viện phục vụ hàng nghìn bệnh nhân. Bệnh viện Rajavithi là một trong
những bệnh viện nhà nước lớn và tốt nhất Thái Lan nên có rất nhiều người đến
đây để điều trị. Bệnh viện cũng có một khu vực riêng dành cho các bệnh nhân nước
ngoài, và đó là nơi mình đã được hướng dẫn tới để được khám.
Để được vào gặp bác sĩ, mình phải qua một vài “trạm”
thủ tục. Và sau khi gặp bác sĩ rồi thì phải đi qua một khu vực khác để xếp hàng
nhận thẻ số thứ tự, chờ được kêu tên để thanh toán tiền thuốc, và xếp hàng để
nhận thuốc. Từ khi đến bệnh viện cho đến khi ra khỏi bệnh viện với hai hộp thuốc
trong tay (tổng chi phí khám và thuốc 275 baht), mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nếu đi
bệnh viện tư nhân gần nhà thì chắc chắn sẽ chỉ mất 1/4 thời giờ và sẽ được phục
vụ rất chu đáo, nhưng chi phí sẽ lên vài nghìn baht thay vì vài trăm baht.
Khi mình đang ở bệnh viện, mình có quan sát cung
cách làm việc của các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện. Cũng có những người
ăn nói vui vẻ, nhỏ nhẹ. Nhưng cũng có những người có thái đó cau có, ít kiên nhẫn.
Mặc dầu không thấy có ai quát mắng hay nói lời xúc phạm đến bệnh nhân, nhưng một
số lời nói thiếu hòa nhã từ các nhân viên bệnh viện cũng phần nào làm mình cảm
thấy cung cách phục vụ chưa thực sự tốt.
Thoạt đầu mình nghĩ vậy. Nhưng sau đó mình tự chất
vấn và đặt mình vào vị trí của các nhân viên bệnh viện trong các khâu như tiếp
nhận bệnh nhân, làm thủ tục, hướng dẫn lối đi, v.v. để xem mình sẽ ứng xứ như
thế nào. Thực sự mà nói, cung cảnh ở bệnh viện nhìn thoáng không khác gì nhìn
thấy trong bến xe vào dịp Tết là bao. Ở tất cả các khoa và khu vực bên trong lẫn
bên ngoài bệnh viện đều chật ních người đang chờ làm thủ tục, đang xếp hàng để
lấy số thứ tự, đang ngồi la liệt để chờ gặp bác sĩ. Có người phải chờ hàng giờ
số của mình mới được thông báo trên loa. Mình tự hỏi bản thân, trong môi trường
làm việc như thế, mình có thể lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ được không? Có thể
lúc nào mình cũng tươi cười được không? Công bằng mà nói, những gì mà các nhân
viên bệnh viện thể hiện, đặc biệt khi phải làm việc trong không gian náo loạn
và chật chội như vậy ngày này qua ngày khác, còn tốt hơn mình có thể làm được.
Bản thân mình nhiều lúc cũng thể hiện sự nóng nảy
và thiếu kiên nhẫn khi cảm thấy bị áp lực trong công việc, khi có những người
tìm đến mình với những câu hỏi mà mình cho là không nên hoặc không đáng hỏi.
Mình cũng có lời nói nặng nói nhẹ với một số người đã gửi tin nhắn cho mình để
hỏi về các thông tin mà mình đã phổ biến rõ ràng trên Facebook. Cá nhân mình
như vậy thì làm sao mình lại đòi hỏi những người đang làm việc trong một môi
trường đầy áp lực như bệnh viện Rajavithi có thể làm tốt hơn? Thật ra, mình thấy
họ thật đáng khen và cần đáng được thông cảm và cảm ơn. Vì họ mà mỗi ngày, có
hàng chục nghìn người được chăm sóc y tế với phí bệnh viện thật mềm.
Trở về nhà từ bệnh viện, mình cảm thấy an tâm hơn.
Triệu chứng xâm xoàng cũng đã hết, mặc dầu thuốc vẫn chưa uống. Có lẽ lời trấn
an từ bác sĩ rằng vấn đề này không có gì cần phải quá lo ngại
cũng đã làm cho tâm lý nhẹ nhàng hơn.
Bangkok, ngày 18.9.2019
Người mục tử yếu đuối
Cách đây vài ngày mình đọc được một bản tin về một mục sư Tin Lành trẻ tên Jarrid Wilson ở Hoa Kỳ đã tự tử. Một điều làm cho cái chết của anh Wilson thật đáng tiếc là vì anh Wilson chính là người chuyên làm mục vụ tư vấn cho những người đang trong tình trạng suy sụp về tinh thần hoặc có ý định tự tử. Khi đọc thêm về anh Wilson thì mới biết được rằng, thời gian qua chính anh cũng đang phải đương đầu với căn bệnh trầm cảm và những suy nghĩ tiêu cực muốn tự lấy đi mạng sống của chính mình. Chương trình “Bài ca hy vọng” mà anh Wilson đã đồng thành lập với vợ mình để giúp những người trong tình trạng tương tự cuối cùng đã không cứu được chính anh.
Một ngày trước khi anh Wilson tự tử, anh đã để lại những dòng chữ đầy tâm trạng trong Tweet cuối cùng của mình:
“Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành những suy nghĩ về tự tử.
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành bệnh trầm cảm.”
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành bệnh PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương).
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành tâm trạng hoang mang.
Nhưng điều này không có nghĩa Chúa Giê-su không ban cho chúng ta tình bạn và sự ủi an.”
Những gì xảy ra với người mục sư trẻ thật đáng buồn và ước gì đã không xảy ra, đặc biệt đối với những người yêu thương anh như người vợ trẻ và hai đứa con thơ, như những đồng nghiệp của anh, và bao nhiêu người mà anh đã giúp đỡ. Nhưng khi nghĩ về câu chuyện của anh Wilson thì cũng cho chúng ta thấy rằng người mục tử hoặc một lãnh đạo tâm linh cũng phải đối đầu với những đau đớn và giằng co trong thể xác lẫn tinh thần như bao nhiêu người khác. Nhiều khi nhìn vào họ, người ta cứ ngỡ như là họ có câu trả lời cho mọi vấn đề và mọi tình huống xảy đến trong cuộc sống, nhưng trên thực tế thì họ cũng chỉ là những người đang cố gắng tìm ra cách đối phó với các vấn đề bằng những phương cách giải đáp mà ngay cả họ cũng chưa hẳn có thể áp dụng được trong cuộc sống của chính mình.
Sự thật này không phải là đề thấp vai trò của một vị mục tử hay là lãnh đạo tâm linh, mà là để cho thấy rằng một vị mục tử tốt không phải là một người không hề phải đấu tranh với bản thân, với những yếu đuối trong tinh thần và thể xác, không phải vấp ngã và làm ngược với những gì mình giảng dạy. Một vị mục tử hoặc lãnh đạo tâm linh tốt nhiều khi chỉ là người biết cảm thông với người khác, hiểu được những gì họ đang trải qua, không phán đoán họ với những lời nói và giọng điệu nghiêm nghị và cứng nhắc bởi vì chính người mục tử cũng đang trải qua những vấn đề tương tự trong cuộc sống.
Nhiều khi người làm mục tử rất giỏi trong việc che dấu những đau khổ và sự bất toàn của chính mình để mang lại sức mạnh cho người khác, để trở nên chỗ dựa vững chắc cho người đang yếu đuối, trở nên tấm gương tốt lành cho những người trong tình tạng tội lỗi. Nhưng mỗi người mục tử chân chính đều hiểu rõ về bản thân và những hạn chế trong con người của mình. Sự hạn chế đó có lúc sẽ là điều cản trở người mục tử trong công việc, nhưng cũng có thể trở nên yếu tố rất quan trọng để người mục tử tương quan với người khác một cách yêu thương, bình đẳng và cảm thông.
Bangkok, ngày 16.9.2019
Chuyến tông du đến Thái Lan của ĐGH được thông báo.
Sau một thời gian khá dài thì cuối cùng “tin đồn” cho rằng Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô sẽ tông du Thái Lan vào tháng 11 trước khi tới Nhật cũng đã được chính thức thông báo một cách long trọng chiều hôm qua trong một cuộc họp báo được chủ toạ bởi Đức Khâm Sứ Toà Thánh, ĐGM. Tschang In-Nam và ĐHY Francis Xavier Kriengsak, chủ tịch HĐGMTL. Lý do có sự “chậm trễ” trong việc thông báo là vì có một số vấn đề cần phải được nhất trí giữa Toà Thánh Vatican, HĐGMTL và chính phủ Thái. Tuy nhiên, trong lúc chờ ngày để chính thức thông báo thì phía sau đã có nhiều sự chuẩn bị nội bộ, như lên lịch trình của ĐGH, phân chia trách nhiệm trong các khâu tổ chức, đặc biệt là công việc truyền thông. Cùng ngày chuyến tông du được thông báo, văn phòng truyền thông xã hội của HĐGMTL đã phổ biến trang web, trang Facebook, nhóm Line cũng như poster và logo của chuyến tông du. Ngoài ra, một video dài 10 phút cũng được phổ biến để tóm tắt lịch sử sứ vụ truyền giáo tại Thái Lan 350 năm qua, đồng thời liên kết sự kiện chuyến tông du với bối cảnh Giáo hội Thái Lan mừng năm thánh 350 truyền giáo trên vùng đất Xiêm.
Nhằm mục đích tôn trọng quy trình của Giáo hội trong cách phổ biến thông tin và phòng ngừa tin thất thiệt, thời gian qua những người làm việc phía sau không dám tiết lộ những gì đang diễn ra cho đến khi chuyến tông du được chính thức công bố. Khoảng hai tháng trước, mình cũng đã được liên lạc để cộng tác trong sự việc, cụ thể khâu đón tiếp các vị khách nước ngoài sẽ đến Thái Lan trong những ngày tông du. Bên phía ban tổ chức cho hay việc tiếp khách sẽ là một trong những công việc quan trọng và rất bận rộn, chủ yếu làm việc ở hậu trường. Vì thế, trong những ngày đó, mặc dầu sẽ có rất nhiều anh chị em Việt Nam muốn liên lạc với mình để xin hướng dẫn, nhưng e rằng mình sẽ không có giờ để giúp được bao nhiêu.
Từ hôm qua đến giờ, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi xin thêm thông tin chi tiết. Tuy nhiên, chương trình cụ thể về chuyến đi sẽ không được phổ biến cho đến khi đã có sự thống nhất từ các bên liên quan. Việc này để tránh việc phổ biến sai thông tin để rồi phải đính chính lại sau đó. Mình hy vọng rằng, mọi người sẽ tham khảo những gì mình đã đăng trên FB xem có thông tin mình cần có hay không trước khi nhắn tin đặt câu hỏi. Ngoài ra, có những điều anh chị em muốn biết mà tìm không thấy câu trả lời từ FB của mình cũng rất có thể vì mình đơn giản chưa có thông tin đó. Dù sao đi nữa thì mình sẽ cố gắng cập nhật những thông tin cần thiết nhằm phục vụ những anh chị em Việt Nam tại Thái Lan cũng như ở Việt Nam đang cùng chung niềm vui với Giáo hội Thái Lan trong sự kiện đặc biệt này.
14.9.2019
Người Việt trên đất Thái 5: Công việc “nặn” ra tiền
Những ai đã từng đi ăn tại các nhà hàng
mú cả-thả (thịt nướng) tại Thái Lan có thể đã từng thấy có người vào quán chào
bán những món hàng như đồ chơi trẻ con hoặc vé số tại bàn của thực khách. Những
người bán hàng này thì ít khi nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Nhưng
có một nhân vật có thể gây được chú ý của nhiều thực khách, đặc biệt là trẻ em,
đó là người tạo hình bong bóng nghệ thuật.
Nghề nặn bong bóng để tạo thành các hình
khác nhau như bông hoa, thú vật, các nhân vật hoạt hình… những năm qua đã trở
thành một công việc mà có một số người Việt lao động tại Thái Lan đã theo làm.
Một trong những người bước vào nghề này sớm nhất tại Thái Lan là anh Nguyễn Mạnh
Hùng (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi tìm cách mưu sinh với đủ thứ
công việc như phục vụ nhà hàng, may áo quần, rửa xe, giữ xe…anh Hùng đã quyết định
tìm hiểu và học hỏi nghề tạo hình bong bóng sau một lần thấy có người làm công
việc này tại một quán thịt nướng.
Một người khác cũng đã hành nghề nhiều
năm đó là anh Nguyễn Văn Tiến (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Như anh Hùng,
anh Tiến thấy người Thái hành nghề trong quán và nhận được sự quan tâm của nhiều
khách hàng, đặc biệt là các em thiếu nhi, nên anh Tiến đã liên lạc để học cách
làm bong bóng.
Anh Tiến kể: “Trước đây tôi làm nghề bồi
bàn và thấy người Thái họ làm nên tôi rất thích vì thấy trẻ em quấn quýt vui
đùa vui vẻ. Rồi thấy khách bàn này bàn nọ kêu rất nhiều. Tôi thầm nghĩ, công việc
này xem kiếm ra tiền! Từ đó tôi tìm hiểu rồi hỏi người Thái đó có dạy không. Họ
bảo là có nhưng khi tôi quyết định học thì họ đem cho một bao bóng bóng, một quyển
sách và một cái bơm. Họ bảo tôi trả 1.500 baht, nhưng rồi họ lại không dạy cho
tôi. Tôi đành phải tự học theo sách, vừa học vừa làm công việc trông xe. Sau
khi tôi học hết quyển thứ nhất, tôi đã tìm mua thêm quyển khác tại nhà sách để
tiếp tục học. Khi đã học hết hai quyển sách đó là tôi quyết định bắt đầu hành nghề.”
Khi hành nghề tạo hình bóng bóng ở các
quán ăn, để thu hút được sự chú ý của khách hàng, người làm, ngoài việc phải có
khả năng tạo các hình mẫu đẹp và thú vị, thì còn phải hóa trang để trở thành một
“chú hề bong bóng” khôi hài. Việc trang điểm mặt và mặc một bộ đồ hài hước đối
với các anh chàng thanh niên có thể xem như là một sự hy sinh lớn vì công việc
và nghệ thuật. “Nhiều lúc hóa trang xong nhìn vào gương, tôi cũng thấy buồn cười,”
anh Hùng chia sẻ. “Có nhiều trẻ con cũng rất thích thú khi thấy mình, nhưng
cũng có những bé thấy mình là sợ hải, không dám nhìn.”
Tuy trẻ em là đối tượng quan trọng trong
nghề làm bong bóng, nhưng sau khi những quán phục vụ khách hàng là gia đình
đóng cửa thì người làm lại tìm đến những quán rượu, quán bar, nơi đối tượng
khách hàng lại là những cặp tình nhân, trai gái. Vì thế công việc bắt đầu từ sớm
chiều có thể kéo dài đến nửa đêm. Thu nhập từ công việc làm bong bóng chủ yếu đến
từ tiền “boa” mà khách cho tùy ý. Vì thế có khi tiền boa có thể lên đến hàng
trăm baht cho một mẫu bong bóng, nhưng cũng có khi chỉ được 20 baht hoặc không
được baht nào. Vào ngày cuối tuần, những người làm giỏi có thể được mời để làm “show”
ở các sự kiện tại trường học, khách sạn, công viên v.v. với “cát-xê” nhỉnh hơn ngày
thường.
Thời gian gần đây, số người Việt Nam
hành nghề tạo hình bong bóng đã gia tăng lên hàng chục người, hầu hết do người
này truyền nghề lại cho người kia. Anh Tiến cho hay đã từng dạy nghề lại cho 17
người. Một trong những “học trò” của anh Tiến là anh Nguyễn Văn Chiến (thị trấn
Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Anh Chiến chia sẻ, “Cách đây vài năm, trong khi đang bị
thất việc lâu dài thì anh Tiến đã hứa sẽ bày cho tôi cách tạo hình bong bóng.
Tôi cũng thấy công việc này thú vị nên đã lao vào học.” Hiện anh Chiến đang làm
việc tại tỉnh Korat.
Số lượng người hành nghề đông hơn cũng đồng
nghĩa có thêm cạnh tranh trong công ăn việc làm. Tuy nhiên, những ai làm nghề
này đều chia sẻ rằng cảm thấy vui với công việc. “Tôi cảm thấy vui và không bị
áp lực gì,” anh Chiến cho hay. “Và phần lớn mình làm cho trẻ em. Các em thấy
vui và mình cũng vui vì kiếm được tiền từ chính tay mình làm ra.”
Anh Hùng cũng có cảm nhận tương tự: “Những
sản phẩm mình làm ra luôn đem lại những niềm vui, tiếng cười cho trẻ em và hạnh
phúc cho những đôi tình nhân. Điều này cũng làm cho mình biết được giá trị của
công việc, nên mình càng yêu và đam mê nghề nhiều hơn.”
Đối với lao động di dân Việt Nam tại
Thái Lan thì sự khó khăn nhất có lẽ là sự bất hợp pháp. Vì thế, việc bắt bớ xảy
ra thường xuyên đối với những người làm công việc như phục vụ nhà hàng, bán
hàng ngoài đường phố, trông bãi xe, v.v. Tuy nhiên, anh Tiến cho hay từ ngày bắt
đầu hành nghề tạo hình bong bóng đến nay chưa một lần bị bắt. Lý do là vì người
làm bong bóng không có “bán” hàng mà chỉ nhận những số tiền mà khách tặng cho
mình. Tuy nhiên, việc người làm nghề bong bóng ít bị bắt cũng có thể vì những
anh cảnh sát không nở lòng nào đi còng tay một chú hề bong bóng đang mang lại nụ
cười và niềm vui cho các em thiếu nhi trong những quán ăn gia đình đầm ấm.
A. Lê Đức
Gặp nhau bằng mặt
So với nhiều người khác thì mình đến với mạng xã hội
không sớm lắm. Facebook chính thức được phổ biến năm 2006, nhưng mãi đến năm
2010 mình mới đăng ký tài khoản. Trước đó mình chưa hề nghe biết gì về ứng dụng
mạng xã hội này hoặc các ứng dụng khác. Hè năm 2010, một tình nguyện viên người
Mỹ đến giúp chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở giáo xứ mình đã khuyên
mình nên sử dụng Facebook. Cô ta bảo rằng FB không chỉ là phương tiện tốt để
liên lạc với người thân, kết nối với những người khác trên thế giới, mà còn có
thể giúp mình để quãng bá sinh hoạt của giáo xứ cũng như tìm ân nhân cho các
sinh hoạt đó. Đối với một linh mục truyền giáo đang phục vụ ở một nơi khá xa
xôi vùng Đông bắc Thái lan thì những điều cô tình nguyện viên nói nghe thật hấp
dẫn. Vì thế, mình đã quyết định đăng ký tài khoản cho cá nhân cũng như cho nhà
thờ. Thế là từ đó cho đến nay mình đã gắn bó rất trung thành với ứng dụng mạng
xã hội này.
Quả thật Facebook đã hỗ trợ một phần không nhỏ vào
các sinh hoạt mục vụ của mình trong suốt 9 năm qua. Từ khi có tài khoản
Facebook, mạng xã hội đã giúp mình giới thiệu hình ảnh giáo xứ mà mình từng quản
nhiệm với nhiều người ở phương xa. Có lần mình tổ chức một chương trình tĩnh
tâm giới trẻ tại tỉnh Nong Bua Lamphu, một tỉnh lẻ ít tai biết đến. Thế mà qua
sự quãng bá trên Facebook cũng đã có một số người từ Bangkok và các tỉnh khác đến
tham dự.
Facebook là phương tiện đã giúp mở rộng cánh đồng
mục vụ của mình, đặc biệt đối với các bạn lao động di dân Việt Nam tại Thái
Lan. Bởi vì môi trường làm việc cũng như cuộc sốg không cho phép các bạn có điều
kiện để tiếp cận với các linh mục trực tiếp, mạng xã hội trở nên phương tiện
thuận lợi cho các bạn nhận được sự hỗ trợ đối với những vấn đề trong cuộc sống.
Hàng ngày mình luôn nhận được nhiều tin nhắn với
các câu hỏi khác nhau. Có người muốn biết thông tin về luật pháp hoặc các vấn đề
liên quan đến luật lao động, di trú. Có người nhờ dịch từ tiếng Việt qua tiếng
Thái tên những căn bệnh để có thể đi khám tại bệnh viện. Có người xin được tư vấn
về cuộc sống, đời sống tình cảm, gia đình… Có người xin lời khuyên đối với những
lựa chọn quan trọng trong cuộc sống. Và còn nhiều câu hỏi khác nữa.
Với những câu hỏi mình nhận được thì mình đáp ứng
bằng nhiều cách khác nhau. Những câu hỏi nào mình có thể trả lời một cách nhanh
gọn thì mình sẽ trả lời cho người đặt câu hỏi. Có những câu hỏi ngoài tầm hiểu
biết của mình thì mình bảo là không biết. Có câu hỏi liên quan đến thẩm quyền của
người khác để trả lời hoặc giúp đỡ thì mình giới thiệu đến các vị ấy. Và có những
câu hỏi khá dài dòng, phức tạp và đòi hỏi sự tìm hiểu chi tiết về sự việc mới
có thể đưa ra nhận xét thì mình xin phép không trả lời qua tin nhắn vì mình
nghĩ rằng Facebook không phải là cách hiệu quả nhất trong việc trao đổi những đề
tài nhạy cảm hoặc phức tạp.
Như bao nhiêu thứ khác, mọi công cụ đều có mặt
trái và mặt phải. Mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Nhưng đối với mình, FB đã
giúp cho mình đến được với nhiều người hơn, cho dù chỉ một cách rất hạn chế.
Mình nhận thấy rằng qua không gian “an toàn” của mạng lưới, những người tìm đến
mình cảm thấy mạnh dạn để chia sẻ và cởi mở tâm hồn hơn. Họ sẵn sàng chia sẻ với
mình nhiều điều mà có thể sẽ không thể làm được khi đối diện trực tiếp vì ngại
ngùng. Nhưng cũng rất tiếc là mình không thể nào đáp trả một cách xứng đáng trước
sự cởi mở đó bởi vì không phải việc gì mình cũng có thể trao đổi qua tin nhắn.
Cuối cùng, để thật sự gặp gỡ và nâng đỡ lẫn nhau
trong cuộc sống, người ta cũng cần phải đến với nhau, trực tiếp lắng nghe và nhìn
vào ánh mắt của nhau chứ không phải qua mành hình. Nhưng nếu điều đó không thể
xảy ra được vì điều kiện không cho phép thì mạng xã hội vẫn là một công cụ hỗ
trợ tuyệt vời nhất hiện nay mà chúng ta có được.
Bangkok, ngày 2.9.2019
Dạy tiếng Thái cho di dân Việt Nam
Tuần này mình bắt đầu mở nhận ghi danh tham dự
khóa học đọc và viết tiếng Thái cấp tốc. Đây là khóa thứ 3 được tổ chức trong
năm này. Lý do mình mở khóa học là vì thấy nhiều di dân Việt Nam tại Thái Lan
nói tiếng Thái giao tiếp rất tốt mặc dầu không qua bất cứ trường lớp nào, nhưng
chưa thể đọc và viết tiếng Thái được. Mình nghĩ rằng nếu học đọc và viết được
thì sẽ giúp cho họ có thêm kỹ năng ngôn ngữ và sẽ giúp phát âm tiếng Thái chính
xác hơn.
Vì hầu hết các bạn học tiếng Thái bằng cách nghe
người khác nói rồi bắt chước nên có nhiều lỗi trong cách phát âm. Lỗi thứ nhất
đến từ việc bắt chước người Thái nói, trong khi chính người bản địa cũng phát
âm sai. Ví dụ người Thái hay phát âm âm “r” là “l”. Người Thái cũng hay không
phát âm rõ ràng những âm kép như “kl”, “khr” khiến những âm kép đó nghe như là
âm đơn. “Klay” biến thành “kay”. “Khru” thành “khu”. Khi đã biết đọc thì chắc
chắn sẽ phân biệt được giữa cách phát âm đúng và phát âm sai các từ.
Mình thấy các bạn Việt Nam rất giỏi trong việc học
tiếng Thái. Tài liệu mà mình dạy lấy từ trung tâm dạy tiếng Thái cho người nước
ngoài phải mất 100 giờ đồng hồ mới hoàn tất. Tuy nhiên, với khóa cấp tốc thì
mình dạy toàn cua trong vòng 20 giờ, chia ra thành 5 ngày. Vì hầu hết các bạn học
khóa này đều đã có khả năng nói tiếng Thái giao tiếp nên các bạn tiếp thu được
khá nhanh.
Tuy nhiên, bất cứ học ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi sự
cần cù và nghiêm túc. Có nhiều bạn khi học thì đọc được, nhưng sau khi học xong
thì không tiếp tục thực tập và trau dồi nên những luật đọc dần bị quên. Một số
bạn thấy thích thú với việc đọc tiếng Thái, cảm thấy cần có kỹ năng này để phục
vụ cho công ăn việc làm thì họ siêng năng và tích cực hơn trong việc tiếp tục
trau dồi khả năng. Dạy tiếng Thái hay bất cứ môn học nào cũng thế. Một phần lớn
dựa vào phương pháp giảng dạy. Nhưng phần lớn hơn tùy thuộc vào nỗ lực của người
học.
Bangkok, ngày 23.8.2019
Subscribe to:
Posts (Atom)