Người Việt trên đất Thái 5: Công việc “nặn” ra tiền



Những ai đã từng đi ăn tại các nhà hàng mú cả-thả (thịt nướng) tại Thái Lan có thể đã từng thấy có người vào quán chào bán những món hàng như đồ chơi trẻ con hoặc vé số tại bàn của thực khách. Những người bán hàng này thì ít khi nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Nhưng có một nhân vật có thể gây được chú ý của nhiều thực khách, đặc biệt là trẻ em, đó là người tạo hình bong bóng nghệ thuật.

Nghề nặn bong bóng để tạo thành các hình khác nhau như bông hoa, thú vật, các nhân vật hoạt hình… những năm qua đã trở thành một công việc mà có một số người Việt lao động tại Thái Lan đã theo làm. Một trong những người bước vào nghề này sớm nhất tại Thái Lan là anh Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi tìm cách mưu sinh với đủ thứ công việc như phục vụ nhà hàng, may áo quần, rửa xe, giữ xe…anh Hùng đã quyết định tìm hiểu và học hỏi nghề tạo hình bong bóng sau một lần thấy có người làm công việc này tại một quán thịt nướng.

Một người khác cũng đã hành nghề nhiều năm đó là anh Nguyễn Văn Tiến (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Như anh Hùng, anh Tiến thấy người Thái hành nghề trong quán và nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt là các em thiếu nhi, nên anh Tiến đã liên lạc để học cách làm bong bóng.

Anh Tiến kể: “Trước đây tôi làm nghề bồi bàn và thấy người Thái họ làm nên tôi rất thích vì thấy trẻ em quấn quýt vui đùa vui vẻ. Rồi thấy khách bàn này bàn nọ kêu rất nhiều. Tôi thầm nghĩ, công việc này xem kiếm ra tiền! Từ đó tôi tìm hiểu rồi hỏi người Thái đó có dạy không. Họ bảo là có nhưng khi tôi quyết định học thì họ đem cho một bao bóng bóng, một quyển sách và một cái bơm. Họ bảo tôi trả 1.500 baht, nhưng rồi họ lại không dạy cho tôi. Tôi đành phải tự học theo sách, vừa học vừa làm công việc trông xe. Sau khi tôi học hết quyển thứ nhất, tôi đã tìm mua thêm quyển khác tại nhà sách để tiếp tục học. Khi đã học hết hai quyển sách đó là tôi quyết định bắt đầu hành nghề.”

Khi hành nghề tạo hình bóng bóng ở các quán ăn, để thu hút được sự chú ý của khách hàng, người làm, ngoài việc phải có khả năng tạo các hình mẫu đẹp và thú vị, thì còn phải hóa trang để trở thành một “chú hề bong bóng” khôi hài. Việc trang điểm mặt và mặc một bộ đồ hài hước đối với các anh chàng thanh niên có thể xem như là một sự hy sinh lớn vì công việc và nghệ thuật. “Nhiều lúc hóa trang xong nhìn vào gương, tôi cũng thấy buồn cười,” anh Hùng chia sẻ. “Có nhiều trẻ con cũng rất thích thú khi thấy mình, nhưng cũng có những bé thấy mình là sợ hải, không dám nhìn.”

Tuy trẻ em là đối tượng quan trọng trong nghề làm bong bóng, nhưng sau khi những quán phục vụ khách hàng là gia đình đóng cửa thì người làm lại tìm đến những quán rượu, quán bar, nơi đối tượng khách hàng lại là những cặp tình nhân, trai gái. Vì thế công việc bắt đầu từ sớm chiều có thể kéo dài đến nửa đêm. Thu nhập từ công việc làm bong bóng chủ yếu đến từ tiền “boa” mà khách cho tùy ý. Vì thế có khi tiền boa có thể lên đến hàng trăm baht cho một mẫu bong bóng, nhưng cũng có khi chỉ được 20 baht hoặc không được baht nào. Vào ngày cuối tuần, những người làm giỏi có thể được mời để làm “show” ở các sự kiện tại trường học, khách sạn, công viên v.v. với “cát-xê” nhỉnh hơn ngày thường.

Thời gian gần đây, số người Việt Nam hành nghề tạo hình bong bóng đã gia tăng lên hàng chục người, hầu hết do người này truyền nghề lại cho người kia. Anh Tiến cho hay đã từng dạy nghề lại cho 17 người. Một trong những “học trò” của anh Tiến là anh Nguyễn Văn Chiến (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Anh Chiến chia sẻ, “Cách đây vài năm, trong khi đang bị thất việc lâu dài thì anh Tiến đã hứa sẽ bày cho tôi cách tạo hình bong bóng. Tôi cũng thấy công việc này thú vị nên đã lao vào học.” Hiện anh Chiến đang làm việc tại tỉnh Korat.

Số lượng người hành nghề đông hơn cũng đồng nghĩa có thêm cạnh tranh trong công ăn việc làm. Tuy nhiên, những ai làm nghề này đều chia sẻ rằng cảm thấy vui với công việc. “Tôi cảm thấy vui và không bị áp lực gì,” anh Chiến cho hay. “Và phần lớn mình làm cho trẻ em. Các em thấy vui và mình cũng vui vì kiếm được tiền từ chính tay mình làm ra.”

Anh Hùng cũng có cảm nhận tương tự: “Những sản phẩm mình làm ra luôn đem lại những niềm vui, tiếng cười cho trẻ em và hạnh phúc cho những đôi tình nhân. Điều này cũng làm cho mình biết được giá trị của công việc, nên mình càng yêu và đam mê nghề nhiều hơn.”

Đối với lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan thì sự khó khăn nhất có lẽ là sự bất hợp pháp. Vì thế, việc bắt bớ xảy ra thường xuyên đối với những người làm công việc như phục vụ nhà hàng, bán hàng ngoài đường phố, trông bãi xe, v.v. Tuy nhiên, anh Tiến cho hay từ ngày bắt đầu hành nghề tạo hình bong bóng đến nay chưa một lần bị bắt. Lý do là vì người làm bong bóng không có “bán” hàng mà chỉ nhận những số tiền mà khách tặng cho mình. Tuy nhiên, việc người làm nghề bong bóng ít bị bắt cũng có thể vì những anh cảnh sát không nở lòng nào đi còng tay một chú hề bong bóng đang mang lại nụ cười và niềm vui cho các em thiếu nhi trong những quán ăn gia đình đầm ấm.

A. Lê Đức

No comments: